Monday, July 17, 2023

Kiên Giang Một Lần Nhìn Lại - Phần 1

 

****************************************************************

 *** Trích tuyển tập "Về Mái Trường Xưa 2000"
 Nhã Quân 


Đã quá trưa, không còn kịp để đi những chuyến xe thường, nên từ Long Xuyên về Rạch Giá Trần phải đổi hai chuyến xe.  Chuyến đầu tiên từ Long Xuyên là một chiếc xe đò nhỏ, cũ kỹ và được biến cải chạy bằng than.  Cái bình than cồng kềnh được treo ở phía sau của một bên xe. Nó chiếm gần một nữa cái chỗ đứng của anh lơ và những hành khách không có chỗ ngồi phải đeo lủn lẳn ngoài sau.  Trần thầm nghĩ đây hẳn là kết quả của một cuộc đổi đời!  Xe sắp sữa khởi hành thì một chị đàn bà bế đứa con nhỏ hớt hải chạy đến xin đi.  Trần đứng lên lách người ra khỏi xe, nhường chỗ cho chị đàn bà và cùng đeo phía sau với một số hành khách khác. Chàng cảm thấy dễ chịu hơn là phải bị ém ở phía trong xe, ngột ngạt với đủ thứ mùi và cái nóng âm ỉ toát ra từ cái bình than.

Chiếc xe ngừng lại ở Kinh B cho hành khách xuống và rước thêm một số hành khách mới rồi tiếp tục chạy.  Trần cảm thấy thoải mái tìm được một chỗ ngồi sau khi đứng suốt một đoạn đường.  Cuối cùng xe ngừng hẳn lại ở bến xe Tân Hiệp.  Trần nối đuôi những hành khách lần lượt xuống xe.  Chàng thở phào nhẹ nhỏm rồi nhìn một vòng khu phố chung quanh.  Trần cố moi trong óc về cái hình ảnh của một chợ Tân Hiệp sung túc ngày nào, để đối chiếu với hình ảnh một chợ chiều hoang vắng bây giờ, nhưng tất cả chỉ mờ nhạt.  Lần sau cùng chàng ghé ngang qua Tân Hiệp là vào khoảng cuối năm 1974, sau khi về thọ tang Ba chàng.  Dù không thực sự sinh sống ở Tân Hiệp, nhưng dối với Trần, Tân Hiệp như có một cái gì gắn bó và quyến luyến vì ở đó là nơi sinh cơ lập nghiệp của Ông Bà Nội chàng, của Ba Má chàng trước khi gia đình tản cư ra tỉnh.

Trần nhìn đồng hồ, đã hơn 3 giờ chiều nhưng cái nắng của những ngày giữa tháng tư vẫn còn âm ỉ.  Còn mấy chiếc xe lam đậu ở đằng kia, và như thế chắc chắn chàng sẽ về Rạch Giá kịp trong ngày hôm nay.  Đây là lần thứ ba chàng về thăm Rạch Gia, kể từ khi chàng ra khỏi cái gọi là “trại cải tạo”.   Cái cảm giác lạ quắc lạ quơ đối với những người chung quanh làm Trần cảm xa lạ ngay chính trên quê hương mình.  Chàng thấy nôn nao muốn về gặp lại anh chị, các cháu chàng và những người thân quen.  Trần chợt nhớ da diết vợ chàng và đứa con gái, bây giờ đang ở một trại tỵ nạn nào đó ở Mã Lai.

***
Trong lần thăm nuôi sau cùng, ở trại Suối Máu – Biên Hòa, ngoài vợ con chàng còn có người anh rễ và chị vợ chàng cùng đi.  Trong lần đó H. quyết định là sẽ gởi đứa con gái cùng vượt biên với người anh chị hai của nàng, còn nàng sẽ ở lại, tiếp tục nuôi chàng chờ ngày về.   Nhưng Trần cương quyết:
“Em phải đi với con.  Vì tương lai của con, mình đành phải xa nhau một thời gian.  Khi anh về, anh sẽ tìm đường đi sau...” Trần định nói nhiều hơn, nhưng tên công an với cặp mắt cú vọ đăm đăm nhìn chàng.  Trần quay qua đứa con gái đang ngồi trong lòng chàng.
“Con gái ba ở nhà có giỏi không? Ráng cho giỏi mai mốt ba về với mẹ với con.” 
“Dạ...”
Chàng bế đứa con gái lên và ôm trọn vào ngực.  Chàng hôn lên cái má phính dễ thương và nghe lòng quặn lại. Chàng nói nhanh với  anh chị vợ chàng,
“Anh chị cho em xin gởi vợ và con em...!”
H. nắm bàn tay chàng xiết mạnh.  Trần nhìn nàng.  Đôi mắt nàng đầy nước mắt.  Trần hiểu nàng đang muốn nói một điều gì đó, nhưng cố nén lại vì sợ những lời của nàng sẽ bật thành tiếng khóc!
Tên công an lên tiếng,
“Hết giờ thăm viếng rồi, các anh sữa soạn về trại.”
Trần đứng lên, trao đứa con cho người chị.  Chàng ôm vội H. và hôn lên đôi mắt ràn rụa nước mắt của nàng.  Một chút vị mặn thắm vào môi chàng.  H. nấc lên trong tay chàng.  Trần trấn an,
“Em yên lòng.  Chắc chắn rồi vợ chồng mình sẽ có ngày sum hợp...!”
Thực sự đó là lời Trần muốn trấn an cho chính chàng.  Nhìn vợ và con bước ra khỏi vòng rào của khu thăm nuôi, tim chàng nhói lại.  Cái khoảng cách không gian nầy rồi sẽ xa thêm hơn và không biết rồi sẽ còn có cái cơ may gặp lại nhau không?! 

***
Trần giữ được một chỗ ngồi trên chiếc xe lam và cảm thấy dễ chịu hơn nhiều so với chiếc xe đò
chạy bằng than buổi trưa.  Trần nhìn về hướng bờ sông, những rặng cây bên kia bờ sông nhô cao xanh rì làm nền cho những tia nắng vàng nhạt cuối ngày.

Chiếc xe lam khởi hành chở đầy mười hai người khách kể cả hai người ngồi hai bên cạnh bác tài xế.  Con đường nhựa lồi lõm với những ổ gà và hai hàng cây bên đường lùi dần.  Gió buổi chiều mơn man lên mái tóc Trần.  Chàng quay nhìn lại đoạn dường xe vừa đi qua và cảm thấy như mỗi một nơi chốn, mỗi một địa danh như có gắn liền với một chút kỷ niệm nào đó.  Chiếc xe đi ngang qua Thánh-Thất Cao-Đài, ở đó chàng nhớ vào những năm còn ở tiểu học, chàng thường theo cha về dọn cỏ mồ mã ông bà nội ngoại vào những dịp lễ thanh minh.

Xe chậm lại khi băng qua cái cống bắt qua Kinh Sáu, đủ để cho chàng nhìn lại con kinh xanh chạy dài ngút ngàn.  Con kinh đã mang lại sự mầu mỡ cho đất đai, và sự sung túc cho những cư dân sống hai bên bờ. Sự sung túc được do lường bằng số lượng lúa đổ trong bồ vào cuối vụ mùa, bằng số con trâu, con bò mà những cư dân có được và tất cả đã dổi bằng mồ hôi, bằng sức lao động và sự cần cù, lam lủ.  Gia đình người chị thứ sáu của chàng cũng từng là những cư dân sống ở đây vào những thập niên 80.

Trần nhớ ông anh rể chàng, một người đàn ông nhỏ con, nhưng rắn chắc, quanh năm đi chân đất và họa hoằn lắm mới thấy anh mặc áo.  Cái niên lịch của anh là 365 ngày làm việc với con trâu, con bò, với cái len, cây cuốc. Chị chàng, một người đàn bà lam lủ, thương chồng thương con một mực.  Ước mơ của chị là nuôi được thêm vài con heo, mua được thêm một con trâu, con bò và cho mấy đứa con chị đi học để chúng biết đọc biết viết với người ta... Rồi bao nhiêu năm sinh cơ lập nghiệp ở đó, gia đình chị chàng đã bán tất cả những gì họ đã tạo dựng để theo gia đình bên chồng về vùng “đất thánh”.  Và họ đã chôn chặt những ước mơ của họ ở khu làng tân lâp, hẻo lánh ở sát bìa rừng đâu đó ở Tây Ninh.

Những suy nghĩ miên man đã làm Trần không hay là chiếc xe lam đả đến sân bay Rạch Sỏi.  Từ con lộ chạy dọc phía ngoài, chàng nhìn thấy cái đài không lưu không cao lắm, ở phía sau dãy nhà trệt dùng làm nơi cho khách đợi, chờ đáp chuyến bay.  Trần nhớ lại một vài lần trong những năm đại học chàng đã đáp những chuyến bay của Air VietNam từ đó lên Sài gòn trước khi lên Đà lạt.

Chiếc xe lam ngừng lại ở bến xe Rạch sỏi cho một số hành khách xuống.  Trần nhìn một vòng, chàng nhận ra một số tiệm quán quen thuộc dọc bến xe.  Thực sự Rạch sỏi hay An-Hòa là một địa danh, là một danh từ riêng, đã gắn liền với cái thời thơ ấu của chàng vào những năm tiểu học và một hai năm đầu của trung học.  Ở đó chàng có rất nhiều những người bạn rất thân, những người bạn quen nhau từ cái thuở còn là những cậu bé con, ở cái trường tiểu học đầu tiên trong làng.  Trần nhớ ngôi trường có hai phòng học được dựng lên trên một mảnh đất ruộng, cách bến xe khoảng một cây số, trên đường từ Rạch Giá - Minh Lương.  Cuối ngày học, thầy trò cùng nhau đào đất ruộng để đắp thành sân chơi.  Vào những ngày mùa khô, chàng theo lũ bạn băng đường đồng về nhà sau giờ học.  Trần nhớ con lộ duy nhất nối liền từ bến xe dẫn vào chợ cũ – và từ đó người ta có thể đi thẳng xuống Tà Niên.  Con lộ lầy lội vào những ngày mưa dầm và gồ ghề đá sỏi vào những ngày của mùa nắng khô.  Cũng chính con lộ đó đã ghi lại trong chàng đi những mộng mơ tình yêu của một thời tuổi nhỏ.

Trần nhớ đến Hh. và một chút tình yêu ngây ngô dễ thương.   Một thứ tình yêu thánh thiện không vượt xa hơn những nụ cười và những cái nhìn trao đổi.  Nhưng từ ngày gia đình chàng dời nhà ra tỉnh, lâu lắm chàng mới tìm được lý do xin phép mẹ về thăm lại Rạch sỏi và hiếm hoi lắm chàng mới gặp lại nàng và những lần gặp lại đó cũng không giúp cho tình yêu chàng đi xa hơn.  Thực sự tình yêu chàng dành cho Hh. có lớn hơn trong lòng chàng, nhưng những câu thúc lễ giáo của gia đình, đã không làm cho thằng bé con trong chàng kịp lớn lên theo tình yêu đó.   Trước khi Trần thi tú tài phần hai thì người anh họ của nàng báo cho chàng hay là nàng đã lập gia đình với một người bạn của anh nàng, cũng ở cùng làng!

***
Chiếc xe lam tiếp tục chuyển bánh.  Trần quay nhìn lại khu chợ mới Rạch sỏi.  Cái khu chợ được xây cất lên, sau khi gia đình chàng đã dời ra tỉnh, từ một vùng đất ruộng nằm cạnh con lộ và tiếp giáp bờ sông.  Thực sự ngôi chợ mới nầy chẳng có những kỷ niệm, những gắn bó nào đối với Trần.  Trong chàng luôn luôn là hình ảnh của một ngôi chợ củ lợp bằng lá lụp sụp.  Ở đó có những người bán hàng quen thuộc và gần gũi như tình thân gia đình.  Ở đó có bà xẩm bán nước đá bàu mà vào những trưa cuối tuần Trần và đứa em trai thường xin mẹ năm cắt (thường là một đồng xé đôi) đề mua nước đá nhận, xịt “si-rô”.  Ở đó có cô Tám bán gạo, có anh Ba bán nước đá mía... Ở đó mọi người, cả người mua, kẻ bán nhận ra nhau và gọi tên nhau vanh vách.

Trần cũng không làm sao quên được phía trước cái chợ nhà lồng củ kỉ đó là cái rạp hát lợp bằng lá tàu, chung quanh che bằng lá và chỉ có cái mặt tiền là làm bằng gỗ.  Lâu lâu một gánh hát cải lương, một đoàn hát bội về diển lại những tuồng xưa tích cũ.  Mỗi lần như vậy cả làng cùng rộn lên với những tiếng trống rao bảng mỗi chiều, với những bản tân nhạc vọng đi từ những chiếc loa trước giờ trình diển, và cả một vùng chung quanh rạp hát sáng rực lên với hào quang của những ánh đèn điện.  Con lộ trước nhà chàng tấp nập người qua, kẻ lại và mọi người như hòa chung nhau niềm vui của một ngày hội lớn.
Xe dừng lại ở Cầu Quay cho một người khách xuống.  Quang cảnh chung quanh không thay đổi nhiều lắm so với lần cuối chàng qua nơi nầy, vào khoảng cuối năm 1974.  Vẫn nhà máy xay đá bên kia đường, nhưng giờ chắc không còn hoạt động nữa.  Vẫn con đường nhỏ chạy dọc bờ sông với hàng dừa cao nghiêng nghiêng soi mình trên dòng sông; vẫn ngôi trường nhỏ với cây phượng che rợp một nữa sân chơi; vẫn cái maí hiên lợp bằng tôn cao vừa qua khỏi đầu, mà có lần chàng và đám bạn trú tạm, chờ qua cơn mưa, sau khi ghé thăm một người bạn học ở gần đó. 

Xe qua mộ Hội Đồng Suông.  Trần nhìn thấy cái vòng rào của khu mộ ẩn hiện đằng sau hàng cây
cao lêu nghêu và dảy nhà lá.  Những thân cây xoài to vươn cành sum xuê như những cây cổ thụ.  Vào những mùa xoài rộ trái, chàng theo đám bạn đến đó để nhặt những trái rụng hoặc để chiêm ngưỡng cái tài thiện xạ “nạn giàn thun” của một thằng bạn.  Chàng không biết chút gì về quá khứ của khu mộ đó, nhưng cái tên của khu mộ đã cho phép chàng suy đoán một một phần nào về cái lịch sữ của nó. 
Trần cũng nhận ra khu thí điểm ấp chiến lược được xây dựng lên từ những năm trước năm 1963 ở khu Tắc Ráng.  Những ngôi nhà ngày nào được cất lên theo một quy hoạch có tính cách chiến lược nào đó, được bao bọc bởi một vòng rào kẻm gai, giờ trông hoang tàn vắng lặng. Cái sinh khí của một vùng đất sống ngày nào giờ không còn nữa. Trần nghe một chút xót xa len nhẹ trong lòng chàng. Trần không biết có phải tất cả mọi vật chung quanh chàng giờ đây được chiếu rọi qua một thứ lăng kính hoài nghi, sợ hải và chán chường.  Cái thứ hoài nghi, sợ hải và chán chường phát sinh như một thứ phản ứng phụ, bắt nguồn từ những liều thuốc vô hình mà chàng dùng để chống đỡ với những chiêu bài, những khẩu hiệu và những lời hứa hẹn hão huyền từ những năm ở tù...

Xe qua cống Rạch Mẻo, Trần nhìn thâý cái cổng Tam Quan thấp thoáng từ đằng xa.  Chàng nghe rộn rã một niềm vui.  Trần không nhớ rõ nó được xây lên từ lúc nào, nhưng sự hiện hữu của nó bây giờ như một biểu tượng gắn liền với địa danh Kiên Giang như hình với bóng.  Người ta không thể không nhớ đến cổng Tam Quan khi nói về Kiên Giang hay Rạch Giá.  Do đó mà dù có đi xa Kiên Giang bao lâu, khi trở lại chỉ cần nhìn thấy cổng Tam Quan, người ta sẽ có cái cảm tưởng là mình đã thực sự trở về “nhà”... 

Khi xe vượt qua cổng Tam Quan, Trần quay nhìn lại chiêm ngưỡng cái công trình kiến trúc rất Việt Nam đó.  Nó không có vẻ kiêu kỳ như kiến trúc của Pháp, nó cũng không có cái vẻ đồ sộ của những cổng thành Hy Lạp, nhưng nó có cái nét uy nghi rất chân phương và bình dị.  Như cái bình dị và chân tình của những người Kiên Giang.

Về thăm Kiên Giang lần nầy Trần thấy có một chút xót xa len nhẹ trong lòng.  Cái giấy ra trại liệt kê nơi cư ngụ của chàng không phải là Kiên Giang, mà ở huyện Chợ Mới, Long Xuyên.  Ở đó là quê vợ của chàng.  Ở đó có Ba Má vợ chàng sống đơn độc, quạnh hiu trong căn nhà rộng thênh thang.  Từng ngày dõi mắt trông chờ thằng con trai đang đi học cải tạo; từng đêm chong đèn ngồi nhớ thương những đứa con xa xứ... 

***
Sau khi ra trại chàng về sống với ba má vợ chàng như cái thời “ở rể” xa xưa.  Sự trở về của Trần như một bù đắp cho những thiếu vắng trong lòng ông bà, nhưng chàng không biết sự bù đắp đó có tương xứng với những chịu đựng mà ông bà phải mang mểnh khi không còn chàng bên cạnh.  Trần nhớ mấy hôm trước đây khi chàng cho ba vợ chàng biết ý định ra đi của chàng, ông thở dài và bảo với chàng,
“Ba biết trước sau gì rồi cũng có ngày nầy.  Nhưng ba vẫn hằng cầu mong cho cái ngày con được đoàn tụ với vợ con của con...” Trần nghe nhói đau trong lòng.   Ông tiếp,
“Con cứ đi, nhưng đừng cho má con biết, cứ nói là con về thăm bên con.”
Trần cố nén những giọt nước mắt chực trào ra, nói nhanh,
“Con đi rồi ba ráng giữ gìn sức khỏe, và lo cho má...”
“Con ráng cẩn thận.  Nếu chưa tìm đường đi được, nhớ trở về với ba má...”
Trần thực sự đã thấy được khoảng trống vắng quá lớn lao trong ngôi nhà và trong lòng của ba má vợ chàng, và không biết bao giờ khoảng trống đó được lấp đầy...!

(còn tiếp.... phần 2)
Nhã Quân

No comments: