Sunday, July 9, 2023

Những Đêm Lửa Trại Với Những Đồi Hoa Sim, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà

 ______________

23/06/2023
hình chính _đêm lua trại
Đêm lửa trại hát với nhau.
 
Trên Việt Báo cách đây mấy tuần có đăng bài viết so sánh hai ca khúc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (Phạm Duy) và Cô Hàng Xóm (Lê Minh Bằng), làm nhóm bạn mê nhạc bolero của tôi phấn chấn quá! Có người nói rằng còn nhiều trường hợp nữa để chứng minh rằng nhạc sến phổ biến hơn nhạc Phạm Duy. Một so sánh khác nữa về hai bài nhạc, một Phạm Duy- một bolero, còn thú vị hơn nữa, đó là Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy và Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh.
 
Lời đề nghị này có lý! Bởi vì cả hai đều là ca khúc phổ từ cùng một bài thơ Màu Tím Hoa Sim của cố thi sĩ Hữu Loan. Và cả hai bài đều thuộc những ca khúc phổ biến vào bậc nhất của dòng nhạc bolero và nhạc Phạm Duy thời Miền Nam trước 1975.
 
Màu Tím Hoa Sim có thể xem là một tuyệt tác phẩm trong số khoảng 60 bài thơ của thi sĩ Hữu Loan. Đó cũng là bài thơ có lẽ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhất. Theo ghi nhận, có ít nhất bốn bài nhạc đã phổ từ bài thơ này được ghi âm trước 1975: Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh; Chuyện Hoa Sim của Anh Bằng; ca nhạc sĩ Duy Khánh phổ nhạc và giữ nguyên tựa đề Màu Tím Hoa Sim; và Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy.
 
Có một giai thoại âm nhạc rất thú vị về thi sĩ Hữu Loan và ca khúc Những Đồi Hoa Sim được lưu truyền trên mạng xã hội. Trong một lần ghé thăm Sài Gòn sau năm 1975, tình cờ thi sĩ Hữu Loan nghe một người hành khất trên đường phố hát bài Những Đồi Hoa Sim. Ông dừng lại nghe, rồi yêu cầu người hành khất hát lại bài này thêm một lần nữa. Đó là lần đầu tiên ông được nghe bài thơ của mình được phổ nhạc! Ông ngấn lệ, móc hết số tiền nhỏ nhoi trong túi tặng cho người hành khất, nói với người này rằng ông chính là người đã sáng tác bài thơ trong ca khúc đó.
 
Có nhiều người cho rằng Màu Tím Hoa Sim là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ 20 của VIệt Nam. Thật ra, so sánh bài thơ tình nào là “hay nhất” cũng hơi khó. Nhưng những người Việt Nam yêu thi ca tiền chiến có thể dễ dàng đồng ý với nhau rằng bài thơ kể về một câu chuyện tình độc nhất vô nhị trong thời kháng chiến chống Pháp. Câu chuyện tình vừa lãng mạn, vừa bi hùng, không hề trùng lắp ý tưởng với bất cứ một bài thơ nào khác. Chàng đi kháng chiến, trở về với bộ đồ quân nhân, đôi giầy đinh bết bùn để làm lễ cưới với người yêu. Rồi trở về đơn vị để lại người vợ trẻ mới cưới. Nỗi lo sợ mình không về từ chiến trận lại thay bằng cái chết của người con gái hậu phương. Để rồi, trong những chiều hành quân ngang qua cánh đồi sim tím, người lính trẻ nhớ về người yêu đã khuất qua lời ca dao biến thể như một điệu ru buồn:

…Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu…
 
Màu Tím Hoa Sim hay như vậy, nhưng do viết theo thể thơ mới, lại có nhiều biến thể nên rất ít người thuộc được bài thơ này. Có thể nói rằng hầu hết mọi người biết đến bài thơ là qua hai bài nhạc Những Đồi Hoa Sim và Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà. Xin ghi lại lời nhạc của hai ca khúc này:

nhung doi hoa sim
 
Những Đồi Hoa Sim (Dzũng Chinh, 1964)

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt.
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến.
Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay.
Từ nơi chiến trường Đông Bắc đó,
lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi.

Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi.
Phút cuối không nghe được em nói,
không nhìn được một lần, dù một lần đơn sơ.
Để không chết người trai khói lửa
mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì.

Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ.
Ôi đồi sim tím chạy xa tít lan dần theo bóng tối.
Xưa, xưa nói gì bên em
một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên.
Nói, nói gì cho mây gió
Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết.

Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang đến ngồi bên mộ nàng.
Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới thoáng buồn trên nét mi.
Khói buốt bên hương tàn nghi ngút trên mộ đầy cỏ vàng
mà đường về thênh thang.
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ.
Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều.

áo anh sứt chỉ đường tà
Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Phạm Duy-1971)

Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi
Nàng có đôi người em, có em chưa biết nói
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Tôi là người chiến binh xa gia đình đi chiến đấu
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người em gái tôi yêu  người em gái tôi yêu
Ngày hợp hôn, tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giày chiến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về (2)
Nàng cười vui bên anh chồng kỳ khôi
Thời loạn ly có ai cần áo cưới
Cưới vừa xong là tôi đi (2)
Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại
Mà nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai chiến sĩ

Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Hỡi ôi! Hỡi ôi!
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới đã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hòa, áo anh em viền tà
Nhớ người yêu màu tím
Nhớ người yêu màu sim
Giờ phút lìa đời, chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người
Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Ôi một chiều mưa rừng, nơi chiến trường Đông Bắc
Ba người anh được tin, người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới theo sau
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Rồi mùa thu trên những dòng sông
Những dòng sông, những dòng sông, làn gió thu sang
Gió gợn gợn trên mộ vàng
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân, và tiếng quân ca
Có lời nào ru hời hời
À ơi, à ơi
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, Đồi tím… hoa... sim…
 
Nói về kỹ thuật phổ thơ, bài Những Đồi Hoa Sim hầu như chỉ lấy ý chính từ bài thơ. Tác giả Dzũng Chinh chỉ kể lại câu chuyện tình của Hữu Loan bằng cách kể của riêng mình, cảm nhận của riêng mình. Trong khi đó, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà đi sát với bài thơ hơn. Phạm Duy làm công việc giai điệu hóa bài thơ Màu Tím Hoa Sim; ý tứ thơ vẫn là của Hữu Loan.
 
Nói về cảm xúc, tôi muốn mượn một đêm hát lửa trại để nói đến cảm xúc của hai ca khúc này dành cho những người đàn, người hát.
 
Đối với tôi và một số người có tham gia phong trào hướng đạo, đàn và hát trong đêm lửa trại là một trải nghiệm nhiều cảm xúc đặc biệt, mà khi hát ở trên sân khấu hay trong thính phòng không thể có được. Đêm lửa trại thường diễn ra ở giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên. Khi đêm đã về khuya, mọi người hình như sống với cảm xúc nhiều hơn là lý trí. Ngồi quây quần quanh ánh lửa khuya bập bùng, mọi người như mở rộng tấm lòng hơn. Đó là lúc kỷ niệm, quá khứ trở về. Mọi người chia sẻ với nhau những câu chuyện đời đã qua đi, hát với nhau trong tinh thần hoài niệm. Đàn và hát lúc đó đúng là hát với con tim, với ký ức.
 
Hầu như không có đêm lửa trại nào của chúng tôi mà hai ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà và Những Đồi Hoa Sim không được nhiều người cùng hát.
 
Có một lần, trong đêm lửa trại, những người hướng đạo trưởng niên ngồi kể cho nhau nghe chuyện đời lính của mình thời trai trẻ. Họ kể lại những chiều hành quân, những lần vào sinh ra tử, những lo toan và ước mơ của những người lính trong thời chiến. Trong đêm lửa trại đó, mọi người dường như thấm thía hơn khi hát hai ca khúc phổ thơ Màu Tím Hoa Sim.
 
Dzũng Chinh cũng là một người lính Cộng Hòa, cho nên dường như những người lính nghe và hát Những Đồi Hoa Sim với tâm sự của chính mình. Như đã nói, Dzũng Chinh như kể lại chuyện tình của Hữu Loan bằng cảm nhận của riêng mình. Trong điệu bolero, hình như cuộc chiến của Những Đồi Hoa Sim là cuộc chiến tranh Nam-Bắc chứ không phải là cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong ca khúc này, “một chiều rừng mưa” như một cơn mưa rừng miền Trung. “Những đồi hoa sim” giống như ở núi đồi Tây Nguyên, chứ không phải ở chiến trường Đông Bắc. Trong giai điệu bolero buồn, đầy tâm sự, những người lính Miền Nam như thấy thấp thoáng đâu đó chính mình trong câu chuyện kể “Những Đồi Hoa Sim”…
 
Còn với Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, đó là một bản tình ca bi tráng của một thế hệ đi trước. Phạm Duy cũng như Hữu Loan đều từng là những chàng trai Bắc tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. “Những đồi sim”, “những dòng sông trong làn gió thu sang” là của núi rừng Tây Bắc. Phạm Duy đã biến bài thơ thành một câu chuyện kể bằng âm nhạc đầy kịch tính. Có những đoạn giai điệu thứ buồn trong tiết điệu chậm như kể lể. Có những đoạn giai điệu trưởng vui như trong ngày cưới rất vội của người lính. Và cũng chỉ với giai điệu, Phạm Duy như vẽ ra cảnh một đoàn quân đi qua những ngọn đồi phủ đầy hoa sim. Khúc quân hành hùng tráng bỗng dưng dìu dặt lại bằng một lời ru trong câu ca dao, khi có một người lính chợt nhớ về người vợ vừa mất ở hậu phương:  

…Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân, và tiếng quân ca
Có lời nào ru hời hời
À ơi, à ơi
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu…

“Phù thủy âm nhạc” Phạm Duy là vậy đó!

Trong đêm lửa trại, khi những người lính kể lại chuyện đời chiến binh ngày xưa, họ hát và cảm nhận Những Đồi Hoa Sim, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà theo tinh thần tri âm, tri kỷ. Không có nhạc sang hay nhạc sến; không phân biệt Dzũng Chinh hay Phạm Duy. Âm nhạc viết bằng trái tim sẽ ở mãi trong tim của những người có cùng tâm sự…

Doãn Hưng
 

No comments: