*********************************************
Nguyễn Thỵ | |
“Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ”(Vũ Đình Liên)
Con người giống như một cái cây được gieo trồng từ hạt, nhú mầm vươn lên trong sự bao bọc của đất, tưới tắm nắng mưa… lớn dần theo thời gian, cành lá sum sê, rồi một ngày đơm hoa kết trái dâng hiến cho đời những gì tinh túy nhất như một cách tạ ơn.
Ngoài công ơn trời biển của ông bà, cha mẹ mà ta luôn ghi tâm khắc cốt, dọc đường đời còn có không ít những lần ta thọ ơn của ai đó mà chưa có dịp đền đáp. Dù vô tình hay hữu ý, dù lớn lao hay bé nhỏ, dù biểu lộ hay lặng thầm… tất cả đã trôi theo thời gian như nước chảy qua cầu. Những ân tình đó thật khó phai mờ trong ký ức và vẫn thường hiện ra trong tâm tưởng, chỉ cần gợi lại, chỉ cần nhắc đến là trong ta dâu biển chợt ùa về, bần thần, ray rứt, thậm chí đớn đau.
Tôi muốn một lần, nhiều lần nữa nhắc lại, như để uống thêm mật ngọt của đời với những điều tôi còn nhớ và cả những điều tôi đã trót quên…Và cũng để một lần nữa tận đáy lòng tôi, xin chân thành, trân trọng, cảm ơn những vị ân nhân của tôi- những người có thể đã không còn nữa, đã quá xa xôi, không bao giờ còn gặp lại trong đời…
1.NHÀ SÁCH KHAI TRÍ
Tôi không ngủ được khi tình cờ đọc một bài báo viết về nhà sách Khai Trí và ông chủ của nó trước năm 1975 cho đến ngày ông mất. Qua đó tôi mới được biết quý danh và quê hương bản quán của ông (dù vậy tôi cũng xin phép được gọi ông là ông Khai Trí như nhiều người vẫn gọi cho đến bây giờ).
Tôi xúc động bồi hồi khi được biết thời niên thiếu ông cũng từng nhịn đói uống nước lã để dành tiền mua sách như tôi, một học trò nghèo trong con hẻm nhỏ của Sài Gòn hoa lệ. Chỉ vì mối tình thủy chung với sách mà ông đã phải trở thành một kẻ bị lưu đày, một người sa cơ lỡ vận bán sách cũ lề đường ngay trước lâu đài sách của chính ông tạo dựng bằng biết bao công sức, một bậc lão thành vẫn mang trong lòng nỗi niềm tuyệt vọng "cho đến 3000 năm sau" cũng không mong gì đạt được ước nguyện chính đáng của mình! Một người yêu quý sách như ông đã đau đớn đến dường nào khi 60 tấn sách của mình bị thiêu hủy! Chắc chắn ông không chỉ đau đớn cho ông mà còn đau cho những đời sách chưa kịp tải hết đạo thánh hiền, đau cả cho người còn chưa kịp cầm sách trên tay… Mắt tôi nhòa đi khi hình dung một ông già ngày nào cũng đứng ở góc đường nhìn qua nhà sách cũ mà mình cả đời khổ công gầy dựng nay đã thuộc về kẻ khác. Hình ảnh đó cũng gần giống một số người còn sống sót sau cuộc bể dâu- đêm về lén đến nằm ngủ ngoài hiên nhà của chính mình trước đây, thật ra chỉ để thao thức nhiều hơn. Ánh đèn cũ trong ngôi nhà hắt ra nói gì với những tâm hồn quặn thắt đó, chỉ có dòng lệ âm thầm và lồng ngực nghẹn đau của những phận người bị tước đoạt mới hiểu rõ mà thôi. Tôi nghĩ nỗi niềm của ông Khai Trí cũng tương tự như vậy, nhưng linh hồn của những quyển sách, những trang sách, những dòng chữ… mà ông đã đem trao tặng cho cuộc đời sẽ mãi còn đơm hoa, kết trái bởi sự trao truyền qua nhiều thế hệ người Việt chân chính.
Nhờ có một người quảng đại như ông, những học trò nghèo cỡ “Trần Minh khố chuối” như tôi mới có cơ hội tiếp cận với những tinh hoa trong kho tàng kiến thức đồ sộ của nhân loại. Từ lúc còn là một học sinh tiểu học cho đến khi trở thành sinh viên đại học, ngoài những quyển sách thi thoảng mới có tiền mua, tôi đã bất kể đứng ngồi trong những khoảng trống giữa các kệ sách của Khai Trí để đọc say sưa từ chuyện cổ tích, sách báo thiếu nhi… cho đến Hồng Lâu Mộng rồi Tự Lực Văn Đoàn rồi Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, rồi Thi Nhân Việt Nam, rồi Đinh Hùng, Nguyên Sa… và khá nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Việt của Leon Tolstoi, Someset Maugham, Hemingway, Erich Maria Remarque, Herman Hesse… Tôi làm sao nhớ hết, kể hết những đầu sách mà tôi đã được ông Khai Trí nhân từ cho phép tôi “xem cọp” trong nhà sách của ông rải rác từ năm 1963 cho đến tháng 4 năm 1975 mỗi khi rảnh rỗi hoặc "cúp cua" (rất lấy làm hổ thẹn vì đã đọc miễn phí của nhà sách Khai trí quá nhiều như vậy, chỉ còn biết đem lòng mê sách của một con mọt để xin được lượng thứ!). Những tư tưởng uyên bác, những tri thức lớn lao mà tôi thấm đẫm tự bấy giờ đã ít nhiều hình thành nên một tôi của ngày hôm nay. Có thể cái tôi đó không hoàn hảo, có quá nhiều khiếm khuyết, nhưng ít ra tôi có thể tự hào vì bản thân đã luôn nỗ lực để trở thành một người đàng hoàng và có chút hữu dụng cho xã hội.
Xin muôn vàn cảm ơn ông, thưa ông Khai Trí, một nhà văn hóa lớn của thế kỷ hai mươi.
2. THẰNG LỌ
Mẹ tôi là thợ chính của nhà may Thanh Thanh, một nhà may lớn chuyên may áo dài nằm trên đường Phát Diệm- Cầu Kho. Với tính tình ngay thẳng, hiền dịu cùng với tay nghề khéo léo, mẹ tôi rất được lòng ông bà Năm, chủ tiệm may- nhất là bà. Bà Năm hay hỏi ý kiến mẹ tôi về màu áo, kiểu tóc, cách ứng phó với các cô nhân tình của ông, v.v.(có lẽ vì bà ở quê lên, đâu ở tận làng Kiểng Phước- Gò Công gì đó, còn ông thì chính gốc Sài Gòn ). Tuy thế, mẹ vẫn cấm không cho tôi lai vãng đến nhà họ, lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mẹ sợ tôi nghịch ngợm làm đổ bể đồ đạc quý giá của ông bà chứ không nghĩ rằng mẹ sợ tôi tủi thân vì sự sang trọng, giàu có của họ. Dù vậy, thằng con trai út của ông bà vẫn hay làm thân với tôi. Năm học lớp Nhì nó đã lẻn sang Trường Tiểu học Cầu Kho (sau đổi thành Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo) ăn “cây mùa Xuân” với tôi và bị thầy giám thị đuổi ra ngoài khi phát hiện nó không phải học sinh của trường. Tôi nói "lẻn sang" là vì hẻm nhà tôi và thằng Lọ rất gần trường chỉ cách một quảng đường ngắn, băng qua đại lộ Trần Hưng Đạo là tới, ngay góc ngã tư. Sau này khi vào học lớp Tiếp liên ở trường tư thục Văn Minh đường Cao bá Nhạ (hay Cống Quỳnh?) do cô Marie làm Hiệu trưởng, nó vẫn hay ghé chờ tôi cùng về khi tài xế phải chở ba nó đi công chuyện không đón nó được.
Lúc đó tôi không biết tên trong khai sinh của nó là gì, chỉ nghe mẹ tôi bảo ông bà Năm gọi nó là thằng Lọ cho dễ nuôi (tôi thì nghĩ rằng tại nó ốm nhom đen thui như lọ nồi thì đúng hơn). Nó đi học có xe đưa rước chứ không lội bộ hàng ngày như tôi, trong khi tôi chuyên đời xem cọp sách báo ở các nhà sách thì nó có cả một tủ sách ở nhà! Đồ chơi của tôi chỉ có duy nhất một con búp-bê bằng nhựa thì nó có cả một tá xe hơi đủ màu lên dây thiều chạy đua với nhau và không biết bao nhiều là thứ khác nữa… Nó vô cùng dễ thương vì không bao giờ đọc trước tờ báo Thiếu Nhi má nó mua cho hàng tuần, chờ tan học về là nó cầm tờ báo chạy ù đến nhà tôi để cùng xem một lượt và cùng cười khanh khách khi đọc được những điều thú vị. Miếng sô-cô-la đầu tiên mà tôi được ăn cũng từ bàn tay thơm thảo của nó, lúc đó tôi chỉ thấy một vị ngọt đắng là lạ chứ không thích lắm, còn thằng Lọ thì cười nắc nẻ vì mấy cái răng cửa dính sô-cô-la đen thùi của tôi.
Điều tôi muốn kể ra đây là tấm lòng hào hiệp, nhân hậu của nó, một đứa trẻ con nhà giàu, ít được giáo dục từ gia đình vì cha mẹ mải lo làm ăn (ngoài tiệm may ông Năm còn là một trình dược viên cho hãng Roussel của Pháp và có một cái pharmacy ngoài chợ Bến Thành ). Có lần nó bảo tôi: “Má tui nói coi trò làm sao thì tui làm theo y như vậy”, một cách dạy con thật đơn giản, bởi như tôi đã nói ở trên, bà Năm luôn tin tưởng vào mẹ tôi, kể cả việc giáo dục con cái.
Chiều Noel năm 1962 (hay 1963, tôi không chắc lắm) bọn con nít trong hẻm 48 Phát Diệm chúng tôi rủ nhau qua nhà thờ Cầu Kho để xem người ta làm lễ, tất nhiên là có cả thằng Lọ đi theo. Bọn tôi mê mẩn cái hang đá lớn làm bằng giấy xi-măng phun màu, dán kim tuyến lấp lánh với một rừng thông bao quanh, trên đó giăng mắc những bóng đèn màu chớp tắt như những ngôi sao huyền diệu. Đẹp nhất là khung cảnh trong hang Bê-Lem, nơi Chúa Hài Đồng giáng sinh trong máng cỏ, ở đó có rất nhiều pho tượng bằng sứ, nào là tượng thánh Juse, Đức Mẹ Maria, các thiên thần, mục đồng và những chú cừu lông trắng như tuyết… Một mùi hương mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên, đó là hương thơm ngào ngạt của những bông nguyệt quế (hình như có cả bông lài) kết thành xâu trắng muốt để đeo trên cổ, trên tay mà những người phụ nữ có màu da nâu sậm, xiêm áo dài lướt thướt đến từ xứ sở xa xôi nào đó đang ngụ cư trong thành phố lẳng lặng đưa ra chào bán cho người đi lễ.
Lũ chúng tôi háo hức, chộn rộn len qua vòng người vây kín hang đá, chỉ có tôi và thằng Lọ lọt được vào bên trong và chính vì kỳ tích đó mà nảy sinh sự việc. Khi chen lấn, chiếc kẹp ba lá sau đuôi tóc tôi xước một cái thật mạnh vào má một thằng bé cũng cỡ tụi tôi. Nghe nó la lên tôi hoảng hồn quay lại và xin lỗi rối rít, nó áp chặt tay vào một bên má không nói gì. Tưởng vậy là thôi, không ngờ chỉ một lúc sau nó nắm tay một thằng lớn hơn chúng tôi độ vài tuổi đến gần và chỉ vào tôi. Thằng Lọ ngay lập tức đứng chắn ngang trước mặt tôi và chúng tôi cứ thế lùi sâu vào đám đông chật cứng. Gã đó sàng qua sàng lại mấy lần không làm gì được tôi, hắn nổi điên lên, một tay nắm lấy cánh tay gầy nhom của thằng Lọ vặn ngược ra phía sau, một tay tát liên hồi vào mặt nó. Tôi chỉ biết bám vào lưng áo thằng Lọ, cào cấu một cách tuyệt vọng vào cánh tay như sắt nguội kia và kêu khóc. Mọi người chung quanh xúm lại can ngăn, ôm chặt và đẩy hắn ra xa, tôi còn thấy rõ nụ cười hả hê của thằng nhóc khi nó quay lại nhìn chúng tôi và nắm đấm vẫn còn giơ cao của thằng lớn.
Sau vụ đó, thằng Lọ phải bó bột hàng tháng trời vì bị gãy xương cánh tay, cũng may đó là tay trái nên nó vẫn đi học hàng ngày. Nó gần như bị cấm cung, ra khỏi cửa là bước lên xe đưa tới trường rồi từ trường trở về nhà, má nó không cho ra khỏi nhà nửa bước. Ba nó vô cùng tức giận nhưng cũng đành chịu thua vì làm sao có thể mò kim đáy bể để truy tìm hai đứa kia coi chúng là con cái nhà ai để nói chuyện phải quấy với cha mẹ nó. Cũng may là ông bà Năm chỉ tưởng con mình bị tụi du côn ở đâu đến hiếp đáp chứ nếu biết do tôi mà nảy sinh cớ sự thì không biết điều gì sẽ xảy ra! Mẹ tôi cũng không hề biết chuyện của thằng Lọ có liên quan tới tôi, đối với một đứa con nít như tôi lúc bấy giờ chuyện đó quá nghiêm trọng, tôi sợ hãi đến mức không dám kể với mẹ, cứ thấp thỏm như một kẻ tội đồ. Nhiều lần tôi xin theo mẹ đến tiệm may nhà thằng Lọ, mục đích là thăm coi nó thế nào nhưng mẹ tôi không cho. Từ đó tôi không còn được gặp thằng Lọ, không còn được đọc báo Thiếu Nhi với nó nữa (tôi cũng khá tệ khi rất nhớ thám tử Tintin trong báo vì không biết câu chuyện tiếp theo sẽ thế nào chứ không thấy nhớ thằng Lọ lắm!).
Khoảng hơn một năm sau- năm tôi thi vào Đệ Thất trường Trưng Vương và… rớt- mẹ tôi buồn buồn thông báo với cả nhà là mẹ sắp nghỉ làm vì gia đình ông bà Năm đóng cửa tiệm may để xuất cảnh sang Pháp. Một buổi chiều thằng Lọ bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà tôi, trên hai tay nó là một chồng báo Thiếu Nhi- những số gần đó mà tôi không được đọc- nó nói:
-Tui xin phép má lại chơi với trò một lát, bữa kia tui đi Pháp rồi.
Khi nó thả chồng báo xuống bàn, tôi sững sờ nhìn cánh tay trái gầy nhom cong queo cán vá của nó. Một con bé ngốc ngếch là tôi lúc đó cũng không biết nói lời nào, nghe sống mũi cay nồng, nước mắt rưng rưng- vì xót xa cánh tay của người bạn nhỏ tại mình mà mang tật hay vì sắp xa bạn không biết đến bao giờ gặp lại- tôi cũng không còn nhớ nữa. Và vì mắc cỡ nên dù rất muốn nâng nhẹ lấy cánh tay thằng Lọ nhưng tôi chỉ biết đứng nhìn, nghe nó nói ba điều bốn chuyện về chuyến đi sắp tới (nó không hề nhắc gì đến chuyện vì tôi mà bị đánh trước đây). Khi thằng Lọ ra về, tôi chưa kịp buồn thêm đã vội chúi mũi vào từng trang báo và quên hết mọi sự trên đời!
Sau này nghe mẹ tôi nói có gặp lại ông bà Năm khi họ về Việt Nam, mẹ hỏi thăm anh em thằng Lọ thì được họ cho xem hình, mẹ bảo:
-Cậu Lọ lớn lên cao ráo, sáng sủa nhưng phải tội cánh tay cán vá cứ khuỳnh ra bên hông, nghe đâu đang học luật…
Nghe mẹ nói, tôi buồn ngập cõi lòng vì cánh tay chịu tật vĩnh viễn của Lọ. Chắc chắn cánh tay không bình thường đó cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống bao năm qua, cả hiện tại và tương lai của Lọ. Tôi cầu mong sao người bạn cũ không thấy tự ti mặc cảm vì cánh tay nghĩa hiệp đã từng che chở cho một cô bé thời thơ ấu…
Bây giờ người bạn ấy của tôi cũng đã ngoài sáu mươi, không biết đang ở phương trời nào… Mùa đông trên khắp thế gian đều lạnh giá, khi tuổi về chiều cánh tay đó có làm phiền bạn lắm không, có đau nhức nhiều không?! Xin bạn hãy tin rằng dù bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, khi nhớ về tuổi thơ của chúng mình tôi vẫn luôn nghĩ về bạn với lòng yêu quý và biết ơn không bao giờ phai nhạt.
3. A PHÒ
Đối diện với nhà tôi trong con hẻm nhỏ là nhà của một bà lão người Hoa, lũ trẻ trong xóm gọi bà là a phò và đứa nào cũng thích đến nhà bà vào chập tối. Chẳng có gì lạ cả, bởi bà gánh một gánh chí mà phủ đi bán từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về, những khi bán ế bà hay gọi trẻ con trong xóm đến múc cho mỗi đứa một chén. Riêng tôi, lúc nào cũng vậy, ngoài chén chè ra còn được bà cho một cái bánh tiêu còn nóng hổi mua của chú Gù ngoài đầu hẻm. Cũng dễ hiểu, là vì mỗi lúc học bài xong tôi hay sang giúp bà những việc lặt vặt như rửa chén, chụm lửa, hoặc chạy ù mua dùm bà chai dầu nhị thiên đường v.v.. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ tiếng rao “chí mà phủ… ủ… ủ… ủ…” ngân lên, xa dần rồi mất hút giữa phố phường, nhớ cái dáng vẻ kham khổ, u buồn của bà lão với đôi quang gánh trên vai, khập khiểng trở về nhà trong hoàng hôn chập choạng. Khi lớn lên một chút, tôi bắt đầu thắc mắc và hỏi bà về quê hương xứ sở, về gia đình của bà, tại sao bà là “Ba Tàu” mà lại ở Việt Nam, bà tính khi nào về xứ… Bà mắng tôi:
-Lị hỏi dìu quá, con ngái lói ít thôi coi chừng ế chồng lớ!
Nhưng rồi có những lúc buồn bên bếp lửa với nồi chè phải khuấy luôn tay, dần dà bà cũng thổ lộ về nguồn cội xa xôi của mình. Theo lời kể đứt quãng, vụn vặt của bà ngày xưa, bây giờ nhớ lại, tôi chắp vá, sắp xếp cho phù hợp trong mối tương quan giữa phận người nhỏ bé và lịch sử lớn lao với bao thăng trầm, dâu biển của mấy trăm năm…
Tổ tiên mấy đời của bà là con cháu của Tổng binh họ Trần cai quản vùng Châu Liêm thuộc Quảng Đông Trung Quốc. Trong cuộc di dân vào cuối thế kỷ 17, những người Minh Hương đến Việt Nam được Chúa Nguyễn cho phép định cư khai khẩn đất hoang, đoàn quân của Tổng binh họ Trần vào cửa Cần Giờ, ngược sông Đồng Nai, hạ trại ở Cù lao Phố và Đông Phố. Tôi còn nhớ bà bảo bà tuổi con ngựa nên số gian nan, cực khổ (năm đó tuổi bà khoảng 69,70, vậy là bà sinh vào năm 1894, Giáp Ngọ, tức vào khoảng cuối thế kỷ 19). Bà lớn lên ở Cù lao Phố, năm 16 tuổi do mai mối bà được gả cho một danh gia ở làng Minh Hương Gia Thạnh thuộc vùng Phiên Trấn, Bến Nghé. Chồng bà là con trai trưởng của một gia đình kinh doanh mễ cốc và tơ lụa, sau khi cưới do bà không thể có con nên ông ta đã cưới vợ lẽ và sau đó có thêm tới 5 người vợ nữa. Bà buồn quá bỏ nhà ra đi, hình như bà cũng bị nhà chồng bắt lại vài lần, bị cắt gân ở gót chân phải vì phạm gia quy, rồi sau chắc họ không cho tìm bà nữa nên bà mới “định cư” trong hẻm nhỏ này với chúng tôi.
Những khi gánh chè của bà hết sớm, bà vừa làm việc nhà vừa kể cho tôi nghe nhiều truyện cổ tich rất ý nghĩa của dân tộc Hán. Những câu chuyện của bà lúc nhanh lúc chậm, lúc còn lúc mất, quanh đi quẩn lại theo chân bà trong căn nhà nhỏ. A Phò không biết chữ, cả chữ Hán lẫn chữ Việt, thế nhưng bà có một trí nhớ thật tuyệt vời. Bà nhớ không thiếu một chi tiết nào trong thiên truyện trứ danh Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần (do nghe lóm nàng hầu vốn là ca kỹ của cha chồng đọc cho ông ta nghe). Sau này khi đọc Hồng Lâu Mộng ( tất nhiên là xem cọp trong nhà sách!) tôi vô cùng kinh ngạc và thán phục trí nhớ của bà. Ngoài việc kể chuyện đời xưa, bà còn dạy tôi khá nhiều từ Quảng Đông thông dụng mà sau này lũ bạn trong lớp phải tròn mắt thán phục khi nghe tôi… thỏ thẻ! Bà cũng dạy tôi làm nhiều món ăn dân dã đậm chất Quảng Đông, đương nhiên là cả món chí mà phủ tuyệt vời của bà nữa! Bà đặt tên cho tôi là Phón, phiên âm sang tiếng Việt là Phương, bà nói bà rất thích cái tên đó (không hiểu sao lúc đó tôi lại không nói với bà đó là chữ lót trong tên của tôi). Dường như tất cả thương yêu mà một người phụ nữ lớn tuổi có thể dành cho con cháu, a phò đã dành hết cho tôi trong quãng cuối của cuộc đời tha hương nơi đất khách quê người.
Sau đó, khoảng giữa năm 1967 gia đình tôi dọn về gần chợ Nancy, trên đường đi học tôi vẫn phải đi ngang đường Phát Diệm nên có vài lần tôi ghé thăm xóm cũ, thăm a phò nhưng không lần nào gặp được bà. Bà vẫn oằn vai từ sáng đến tối với gánh chè số phận, không có tôi bà vẫn còn lũ nhỏ trong xóm chắc cũng đỡ phần đơn độc. Có nhiều lúc tôi thấy nhớ bà như nhớ một người thân trong gia đình, nhớ giọng nói tiếng Việt lơ lớ của bà vì từ lúc nhỏ kể cả khi về nhà chồng bà được dạy phải luôn giữ gìn tiếng Quảng Đông, trong gia đình không được dùng tiếng Việt. Lâu lâu bà nhắc tôi:
-A Phón à, lị dề dà học pài li!
khi tôi mải chơi lò cò với đám trẻ con trong xóm ngay trước mảnh sân gạch giáp nhà tôi và nhà bà. Tôi cũng rất nhớ ánh lửa cháy bằng củi đước dưới nền bếp thấp chập chờn soi gương mặt già nua, khắc khổ ấy những lúc tôi ngồi bên cạnh chờ nghe bà kể chuyện.
Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi với biết bao dâu bể thăng trầm, sau tháng tư 1975 tôi lại tìm về xóm cũ. Người đi thưa vắng, nhà cửa đìu hiu, hỏi thăm a phò người ta bảo bà đã mất cách đó mấy tháng, một cái chết cô độc chẳng ai hay trong căn nhà tăm tối của bà. Hội tương tế Quảng Đông đã lo hậu sự cho bà và cả những gì còn lại của bà. Thôi thì cũng xong một kiếp người! Đã là phụ nữ, cho dù là ai, thuộc dân tộc nào, ở thời đại nào đi nữa thì ít nhiều trong đời cũng có những góc khuất chẳng thể nói với ai, không ai thấu hiểu, âm thầm chôn chặt trong cõi lòng và mang theo về chốn vĩnh hằng. Mong sao dưới lớp bụi mờ của năm tháng lãng quên, người phụ nữ đến từ thiên thu cổ đại ấy đã ra đi trong thanh thản.
Bây giờ đã là thế kỷ 21, Sài Gòn và những con đường từng in dấu chân nhọc nhằn của bà lão người Hoa bán chí mà phủ và lũ nhóc chúng tôi thời đó đã quá nhiều thay đổi. Đôi khi muốn tìm lại chút gì của một thời xưa cũ nhưng tất cả đã mịt mù sương khói, biết đâu mà tìm! Tôi đã từng nhiều lần đi bộ lang thang trên vỉa hè khắp các con đường, các ngõ hẻm từ quận năm ra quận nhất chỉ để tìm lại tuổi thơ của tôi, tìm lại một chút Sài Gòn của giới lao động bình dân ngày xa xưa ấy. Tôi đi quẩn quanh như một người tiếc của cứ lom khom tìm hoài những châu báu đã bị rơi mất trong cõi đời mênh mông. Ngay cả giây phút này, khi viết đến đây tôi vẫn không cầm được nước mắt như đã bao lần nhớ về ngày tháng đó. Trong ký ức miên man của buổi hoàng hôn, mỗi khi hồi tưởng lại, như đã từ rất lâu rồi, a phò vẫn là người bà tần tảo, hiền từ mà tôi hằng quý mến. Khi nhìn các con xúm xít bên những chén chí mà phủ sánh mịn ngon lành với vị ngọt thanh tao do tôi nấu như bà từng chỉ bảo, tôi không khỏi bồi hồi thương nhớ một quá khứ xa xôi, trong đó a phò hiện lên sáng rỡ như Bà Thiên Hậu trong ngôi chùa cổ của người Hoa ở Chợ Lớn mà thỉnh thoảng tôi vẫn hay đi thắp hương như một cách tưởng nhớ những gì thuộc về bà.
(Sài Gòn 2014) |
No comments:
Post a Comment