Thursday, August 24, 2023

CÁI MỀN LÔNG VỊT (Phần 1 & Phần 2)

 


_______________________

Trần Cẩm Quỳnh-Như

CÁI MỀN LÔNG VỊT (1)



 

1. AI DE CHAI LÔNG DỊT!

Cái số tui nó bần. Mền lông cừu Úc, mền Mỹ hai da, thậm chí là mền "quân tiếp vụ" hồi xưa (trước 75) êm mềm xốp nhẹ tận mạng, mà tui vẫn cứ khoái đắp mền lông vịt !


Bà con bây giờ chắc đâu ai còn đắp mền lông vịt? Mền nhung mền nỉ Tung Của đổ đống bán lềnh khênh ngoài chợ, rẻ rề, mà coi bộ cũng “được gái” lắm, độc hại cỡ nào miễn bàn, chớ rờ vô cũng mướt rượt, êm ấm, màu sắc tươi sáng rực rỡ hay đằm thắm ôn nhu đều có đủ cho mọi gu người dùng.


Có ai cắc cớ đi kiếm mua cái mền lông vịt, nhìn bộ hiền khô, quê quê, hoa văn không đa dạng, quanh đi quẩn lại cái mền mỏng xanh lam hay đỏ bordeaux với hình rồng phượng vờn nhau ở giữa.

Nhưng đừng vội xem thường cái mền quê mùa! Cái mền nhà quê này giặt rất mau khô, và nữa, khí hậu miền Nam hiếm khi lạnh lẽo, cho nên gần sáng trời se se mà đắp cái mền lông vịt, vừa nhẹ, vừa ấm, lại vừa mát, thiệt "cảm khái" gì đâu! (bắt chước cách nói của nhà văn Hoàng Hải Thủy). Cái nhẹ của mền lông vịt nó không giống cái nhẹ của mền nỉ Tung Của. Nó phủ sát người nhưng rất thoáng, giống một thứ tình thương chân thật, nhè nhẹ, ấm hơi người rất cảm động, như ôm choàng cả thân thể lẫn tâm tư. Còn mền Tung Của nó nhẹ bân, bồng bềnh, hờ hững, môi miếng... như người dưng, rồi tới khi tích đủ nhiệt thì nó bắt đầu hừng hực nóng như thể mình đi tắm hơi!


Lâu lâu lễ lạt không phải dạy học cũng không phải đi chợ, trùm mền lông vịt nằm nướng tới muốn khét nghẹt luôn, mà dậy sớm quen mắt rồi, nên chỉ nằm quấn kén, thả hồn về miền kỷ niệm, ôi thôi nhớ đủ thứ chuyện xưa tích cũ trên đời... Thiệt thú vị không thể tả!

Nhớ hồi nhỏ hay thấy Má nhổ lông vịt xong gói lại bỏ đó bán ve chai. Cái nghề này bây giờ mất tiêu luôn rồi! Mền thì còn bán đó, nhưng không phải là mền lông vịt đúng nghĩa, họ pha nylon vô nhiều quá, đắp nóng mà qua một thời gian là xệu xạo déformé hết trơn hết trọi. Như cái mền của thằng nhóc con tui, nó dài đòn quá nên phải đắp xéo mới phủ chân, thỉnh thoảng soạn mền đem giặt, mới thấy cái mền của nó đã thành... hình thoi từ đời nào !


Ngồi buồn nghĩ lại, cuộc đời tui có khá nhiều kỷ niệm với cái mền lông vịt này. Để tui kể bạn nghe.

2. BÀ HOẠI NHỎ


Sau 75 gia đình tui sợ đi kinh tế mới, bỏ thành phố lên Long Khánh mua đất lập trại, chiều xuống ngoài rẫy sương lam chướng khí phủ giăng mờ mịt, thiệt đúng là:
...
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn...


(Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

Nhiều tháng trôi qua , đôi khi còn giật mình ngơ ngác tự hỏi sao thoắt cái mình lạc loài đến đây? Sao mà đến nông nỗi này?


Đêm, mưa rừng như đem khí lạnh khắp nơi gom về, lạnh tới mức trùm khăn mang vớ, áo quần mặc mấy lớp như cái củ hành vẫn còn lạnh run. Một buổi tối cả nhà đang ngồi chùm nhum bên cây đèn dầu nhắc chuyện ngày xưa, bỗng nghe tiếng người í ới ngoài rẫy. Lúc đó tui đang trùm cái mền lông vịt lên đầu y như mấy cô Ả Rập Saudi mặc veil, để nguyên vậy chạy ra coi ai. Tối thui, dáng một người cao cao nhập nhoạng xa xa.

- Hoại (Ngoại) ơi Hoại, có thấy con bò của con đi lạc vô rẫy hôn Hoại?

- Không thấy!

Tui la lớn, trong bụng vừa tội nghiệp vừa mắc cười, nói thầm trong bụng: Bà Hoại này mới có hai chục tuổi thôi con à!

Sáng ra, vừa tỏ mặt người, thấy anh chàng hồi hôm đang dắt bò ngang rẫy, gương mặt đen xạm mệt rũ mà hớn hở... Thiệt ngộ, ảnh lại gặp bà Hoại đang trùm cái mền lông vịt đứng giữa sân cho gà ăn! Lần này thấy mặt Hoại rồi, ảnh cười ngỏn ngoẻn, gương mặt rám nắng đỏ lựng tới hai mang tai, lẹ lẹ dong bò chạy mất!

3. THÚ VỊ TÌNH KHAI


Ở rẫy rừng có cái thú vui không gì sánh được, đó là rủ nhau cả đám đi nhát ma thiên hạ!

Buồn quá mà! Cả đám tụi tui là dân học trò bỏ thành phố lên rừng, đứa nào đứa nấy mặt mũi khờ me, ngày làm rẫy, đêm về học ôn tiếng Anh tiếng Pháp mai phục chờ ngày "vượt sóng". Đám con nít bản xứ thì ngoài việc chăn bò, lùng kiếm dái mít chấm muối, truy tìm mấy trái nhãn lồng núp đâu đó ngoài đồng cỏ hoặc trèo cây phá tổ chim chìa vôi, thì chẳng còn gì để giải trí cho đỡ buồn.

Thế là phe "bản xứ" bèn rủ phe "khờ me" rình rình mấy đêm không trăng đi nhát ma thiên hạ cho... khuây khỏa!

Phe bản xứ gồm thằng nhỏ chăn bò đâu chừng mười bốn mười lăm tuổi tên Hùm, nhưng tui vẫn kêu lén là thằng Hăng Rết (nói lái, vì hàng tiền đạo nó sún thấy thương) và con em nó chừng bảy tám tuổi, người ngợm đen thui như cục than hầm, ốm nhom ốm nhách tên con "Vịt Đẹt".
Phe khờ me gồm tui với thằng Út em tui.


Buổi chiều trước đó, khi dong bò về chuồng, thằng Hùm còn ghé ngang rỉ tai: "Chị Năm nhớ đem theo cái mền!".

Tui với thằng Út hào hứng lắm, dù chẳng biết đem mền theo làm giống gì, vì phe kia thần thần bí bí chẳng hở ra cho biết kế hoạch tác chiến ra sao.

Trời vừa chạng vạng, chị em tui đã xách cái mền lông vịt mò ra chỗ hẹn là ngã ba đường mòn, không quên nói xạo với người lớn trong nhà là đi qua bà Hai lối xóm mua mít về ăn (Bà Hai có em bò Loan Mắt Nhung mà có lần tui kể bạn nghe trong bài viết "Tui đi chăn bò" đó).

Đến nơi, phe bản xứ đã ngồi núp sẵn sau ụ mối lớn, kế bên mấy lùm cây dại um tùm. Tụi tui nhanh chóng thiết lập đội hình, nói cho le chớ thiệt ra là ngồi chùm nhum lại rồi trùm mền kín mít chỉ chừa hai con mắt. Hăng Rết cắt nghĩa trùm vậy cho đỡ muỗi cắn và cũng đỡ bị lộ. Nó suỵt suỵt con Vịt Đẹt đang luôn miệng mè nheo vì bị đè dẹp lép giữa đám tụi tui. Nó quẹt lửa xẹt xẹt tới bốn năm cây diêm mới cháy mấy cây nhang rồi lập tức che lại kín mít. Lại cắt nghĩa: Cho đỡ muỗi và lát nữa còn dùng làm "đồ chơi"!

Tối đen như mực, thiệt đúng là đêm ba mươi. Tiếng chó sủa dấm dẳng xa xa. Một hai tiếng cú rúc não nề làm ốc ác tui nổi lên lục cục. Lúc hai chân tui bắt đầu tê dại, còn con Vịt Đẹt ngủ gục lên gục xuống muốn trẹo cổ thì bỗng nghe tiếng dép quẹt lẹt xẹt từ xa. Hăng Rết thì thào: "Bà ba Đực bả đi bán dìa". Nó thoăn thoắt bẻ bỏ một phần chân nhang rồi cắn phần chân nhang còn lại giữa hai hàm răng, trườn sát đất. Ngay khi bà ba Đực vừa trờ tới, nó đưa đầu ra khỏi bụi cây, mặt ngước lên hết cỡ, nó rên lên một tiếng thiệt ma quái rồi dùng hết sức khè ra thiệt mạnh cho tia lửa từ đầu nhang bắn ra tung tóe, soi rõ gương mặt nó bành bạnh sưng sỉa (vì đang phồng mang trợn mắt thổi hết cỡ), hai mắt trợn ngược phát ghê. Bà Ba bả hét lên một tiếng lanh lãnh rồi quăng thúng mủng ba giò bốn cẳng chạy trối chết. Cùng lúc con Vịt Đẹt hổng biết sao cũng ré lên đinh tai. Tụi tui xà quần trong cái mền, quờ quạng tứ tung kiếm hoài hổng ra cái miệng nó ở đâu để mà bịt lại!!!

Tức thời "di tản chiến thuật" (tức là rút lui đó) chớp nhoáng ai về nhà nấy gọn ơ. Trời Phật ơi tiếng là đi nhát ma người ta mà chị em tui đứa nào đứa nấy mặt mũi xanh dờn, tay chân run lẩy bẩy. Anh Ba tui hỏi mít đâu bây. Lại xạo: "Bà Hai bả hết mít chín gồi!".


Cái mền dơ ẹ lấm lem cát đất đem quẳng một góc, buổi sáng bốc mùi ammoniac khai ngấy thấy ghê. Một cuộc "thẩm tra" được tiến hành ráo riết mới lòi ra thủ phạm là con Vịt Đẹt, lúc nó nghe bà ba Đực bả hét lớn như Trương Phi hét quân Tào Tháo ở cầu Trường Bản, nó liệu, nó hét theo, rồi tiện thể... nó tè... tí tách!!!

Sau này lần nào gặp con Vịt Đẹt tui cũng phì cười nhớ tới mấy câu tếu trong "Tướng mệnh khảo luận" của Vũ Tài Lục:

Thú vị tình thâm,
Cưới phải con vợ đái dầm,
Thú vị tình khai!

"Vụ án" đó được hai phe thề bán sống bán chết "sống để dạ chết mang theo", vì nạn nhân, bà Ba, là vợ ông Ba Đực Chủ tịch xã, nghe nói trước 75 hồi còn "công tác" ở trong rừng, ổng giữ chức vụ "Trưởng ban ám sát đặc khu Rừng Sát"!!!

Ngã Ba đường mòn từ đó về sau nổi tiếng vì... con ma khè!


(Còn tiếp)

TCQN

SG, 08/2016

( From FB TCQN)

CÁI MỀN LÔNG VỊT (phần 2)     

4. MỀN TRÔI BƠ VƠ

 

Phía sau trại, cách khoảng một cây số là một con sông, không lớn lắm nhưng lúc nào nước cũng cuồn cuộn đục lờ. Mùa mưa củi khô từ rừng trôi về nhiều lắm, nên một bữa thằng Út rủ rê: "Chị Năm, mình ra đó giặt mền đã lắm, vừa gom củi về chụm, một công hai chuyện!"

Không có nước máy, xách nước giếng lên giặt đồ khá cực, nên nghe nó rủ mình cũng bùi tai, dù cũng hơi sợ ma vì nghe đồn ngoài đó thỉnh thoảng thấp thoáng bóng áo lính ngoài rặng bần và tiếng lao xao như hồn tử sĩ thoảng về trong gió...

Đến nơi, tui chọn một gộp đá vững vàng ngồi giặt đồ, trong khi thằng Út đi dọc bờ sông mót củi gần đó. Khung cảnh hoang sơ đến lạnh lùng. Tiếng con chim gì quang quác đinh tai, rồi tất cả chìm vào tĩnh lặng. Chỉ còn duy nhất tiếng nước ù òa róc rách, tiếng giặt đồ sột soạt, lâu lâu vài tiếng hú cao vút xa xa của bầy vượn nhát người.

 

Yên ắng quá... Tưởng như thời gian đang chững lại. Tưởng như không gian đang đông lại, trong vắt, huyền hoặc ở một thế giới song song - nếu không có lá cây đang rì rào và nước sông đang cuồn cuộn chảy...

Cúi nhìn mãi những xoáy nước nhỏ như những cái phễu chung quanh gộp đá, tui lẩn thẩn tự nghĩ, có khi nào mình té xuống đây rồi trôi mãi theo dòng nước như câu hát về một cuộc tình bi thảm:

... Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau

Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu...

(Hẹn hò - Phạm Duy)

Dù không phải là một kết cuộc có hậu, nhưng chẳng phải tốt hơn là ngồi lại mãi nơi này, bất lực nhìn tương lai trôi...

Tay vò chiếc mền lông vịt, tui chợt nhớ tới truyện ngắn "Chiếc chiếu hoa cạp điều" của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhớ thằng nhỏ đắp chiếc chiếu rách mướp mà khoái chí: "Ấy cứ thế mà ấm ra phết anh ạ".

Những người biết xấu hổ như tác giả giờ chắc gần tuyệt chủng hết rồi, chỉ nói dối một chút về chiếc chiếu mà đã cho là nỗi nhục cả đời, như ông đã viết:

"Chuyện đó như biến thành chiếc phao sẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành..."

Đang suy nghĩ vẩn vơ, chợt ngay sát phía sau lưng tui có tiếng bước chân xào xạc trên đệm lá khô gãy giòn. Tưởng thằng Út trở về, tôi hỏi: "Củi nhiều hông?" Lặng thinh, tôi quay ngoắt lại, không một bóng người. Tui sợ điếng, gọi thảng thốt : "Út ơi!".

Trong cơn hoảng hốt, tay tui chới với quờ quạng làm rơi mớ đồ giặt xuống nước. Cái mền lông vịt! Tui với theo nhưng không kịp, tui lại không biết bơi. Dòng nước như cướp nó đi, cuộn trôi băng băng...

Khi thằng Út trở lại, tui đang ngồi khóc bên bờ sông. Nó điếng hồn: "Cái gì vậy? Chị Năm bị sao vậy?". Tui mếu máo chỉ tay ra xa: "Cái mền lông vịt, nước cuốn mất rồi!".

Tiếng thằng Út cằn nhằn: "Cái bà này! Làm hết hồn. Mất thì thôi chớ khóc cái gì, thiệt tình á!".

Tối đó thằng Út nằm võng tòn ten, e hèm rồi ca rống lên:

Mền (mây) trôi bơ vơ, mang theo niềm nhớ

Ánh trăng vàng úa soi bóng hình ai phương trời nào đây

Môi em thơ ngây, mái tóc buông dài, đôi mắt u buồn, lệ thẫm đêm nào ướt hoen khăn hồng ...

(Nhạc sầu tương tư - Hoàng Trọng)

Má hỏi tui nghĩ sao rớt mất có cái mền lông vịt mà đứng khóc mặt mũi tèm hem. Tui nói: "Con tội nghiệp nó quá Má ơi !", làm cả nhà phì cười. Cũng như có lần rơi mất cái khăn mouchoir khi đang vượt biên bằng đường bộ qua Miên, tui cũng đứng tần ngần, ngẩn ngơ, tội nghiệp nó phải bất hạnh lạc loài nơi đất khách!!!

Phải chăng tính cách "Lâm Đại Ngọc" này đã khiến tui cả đời buồn thương từ thân phận cánh hoa rơi tới tình người sao phù du mong manh...

5. QUÂN TỬ NGỒI RƯỜNG

Nhớ lại lúc mới về rừng, gia đình tui lập tức bị các ban bệ dưới Xã truy hỏi tới nơi tới chốn: "Mắc gì về đây làm chi? Tính chừng nào vượt biên? "Làm nông" nổi hông mà bày đặt làm?".

Họ kêu tụi tui là "nhà giàu Sài Gòn", mình xưng gia đình công chức, họ cười nhếch mép!

"Lâu rồi đời mình cũng qua", dần dần thấy tụi tui một đám cận thị trắng nhách mà chí thú làm ăn hết biết, năm này qua năm khác coi bộ an phận rẫy bái không có ý tò te (tại họ không biết thôi, xé lẻ "bơi" hoài hổng được phải dội trở dìa!), lại hiền lành lễ phép và nhứt là biết điều quà cáp điếu đóm hết cỡ, nên không lâu sau, tụi tui được chính thức nhập tịch làng rừng, ai nhắc cũng thương "tụi học trò Sài Gòn"!

Thương thì thương, lấn đất vẫn lấn, chó hở ra vẫn bị đập, quần áo mùng mền phơi ngoài sân vẫn phải canh như phơi vàng!

Giờ mới vô đề: Một bữa nọ anh em tụi tui kéo hết ra rẫy chỉ còn Má lúi húi nấu nước ở gian bếp.

Trước hết phải tả sơ cái nhà, bạn mới hiểu tại sao ban ngày ban mặt có người ở nhà, lại có chó, mà vẫn bị trộm.

Nhà là nhà tranh vách đất được xây theo kiểu lán trại, trải ra dàn hàng ngang chớ không có bề sâu như nhà bình thường, được chia ra nhiều gian thông nhau. Từ trái qua phải, gian đầu là phòng ngủ, kế tới phòng khách, rồi tới gian bếp, rồi gian chứa nông phẩm (để khoai mì, khoai lang, bắp, đậu phọng, mè... trong khi chờ kêu thương lái tới mua, hoặc lá bạc hà thu hoạch bữa trước, bữa sau rửa sạch cho vô cái nồi chưng cất bự chảng nấu tinh dầu), cuối cùng là gian nông cụ. Còn phòng tắm, toilette, chuồng gà và nhà chưng cất bạc hà cũng ở gần đó nhưng được xây riêng biệt.

Tui sẽ không kể chuyện tên trộm ác ôn thoa nước hành lá vô tay giả làm rắn hổ hành để gà sợ không kêu quang quác rồi nó ôm đi mất cả gia đình con gà trắng giống Úc mới mua mắc động trời (cả con trống Hùng Cường, con mái Mai Lệ Huyền và cả ổ trứng đang ấp) khiến cả nhà tui đau xót lý chim quyên..., tui chỉ kể chuyện bị ăn trộm mền.

Hôm đó là ngày thu hoạch lá bạc hà. Mười cô thợ rẫy, người nào người nấy thấp lùn, vai nở, bắp chân chắc nịch, sức làm việc hiệu quả và dẽo dai kinh hoàng. Thấy tui cắt lá bạc hà mới có vài sọt mà đấm lưng thùm thụp, họ xúm lại cười rần. Tới khi chịu hết nổi, tui đầu hàng, bỏ chạy vô nhà pha trà đá cho thợ.

Rẫy bạc hà khá rộng, từ đó có thể đứng nhìn bao quát lán trại từ xa. Khi đang chạy lúp xúp trong rẫy, chợt tui nhìn thấy nháng nháng một bóng người thì thụp ở cửa sổ đầu gian trái. Xa quá, mắt cận thị lên độ nên tui tưởng Má đem củi vô bếp, vì gần đó có đống củi lớn phủ bạt, kế bụi chuối lớn. Nhưng khi chạy vô tới hông nhà thì chẳng thấy ai, ngoại trừ một đống mền tung tóe dưới đất. Tui réo: "Má ơi, sao để mền tùm lum ở đây?".

Má chạy ra nhìn, vẻ mặt đăm chiêu: "Để kêu anh Ba tụi bây kiếm thêm vài con chó, một mình con Ki cột ngoài kia nó giữ nhà đâu xuể!". Tui thiệt ngố, nghe vậy mới biết nhà suýt bị trộm!

Có lẽ tui từ rẫy bạc hà chạy về trễ năm phút thôi là tối đó cả nhà đã không còn mền đắp!

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tên trộm này coi bộ cũng "có nhơn", hắn thò tay qua song cửa sổ làm bằng thân cây đước lôi mền ra, chỉ lựa mền len thứ xịn mà lấy, còn mấy cái mền lông vịt thì chừa lại, chắc để cho khổ chủ khỏi phải chết cóng trong mấy đêm mưa rừng lướt thướt! Tui nói: "Cái thằng ăn trộm này khôn ghê chưa Má, chỉ lựa mền len, bỏ lại mền vải!". Má đột nhiên nói lớn: "Thôi đừng nói vậy, ai cũng khổ mà. Phải đi ăn trộm, người ta cũng khổ tâm. Thôi ôm mền vô đi con. Sau này nhớ đừng để mền gần cửa sổ là được".

Buổi tối khi việc gom lá bạc hà tạm xong, mấy cô thợ về hết, Má mới kể chuyện lại cho anh Ba và thằng Út nghe. Anh Ba nói chắc người quen, chớ con Ki rất thính hơi, sao nó lại im re?

Má nói ừ, quen.

Tụi tui tá hỏa: Trời đất, sao Má biết?

Má cười: "Lúc tao với con Như đứng đó, "nó" còn núp trong bụi chuối, mấy cái lá chuối khô đem vắt lên đầu! Thằng Út nói sao Má không hú tụi con vô lôi đầu nó ra!

Má nói thôi bỏ đi, nhà mình thân cô thế cô, gây thù kết oán làm chi, mà cũng tội, nó nghèo khổ quá mà!"

Mãi rất lâu sau này, khi anh Ba tui bị nạn, chính gã trộm này đã ra mặt giúp đỡ mọi bề. Lúc đó, hắn không còn là đứa chăn trâu cắt cỏ vô danh tiểu tốt nữa, mà đã nghiễm nhiên trở thành một nhân vật "đinh" dưới Xã...

Sau này khi về lại Sài Gòn, thỉnh thoảng nhắc lại chuyện xưa, tụi tui kêu "ông kẹ chê mền lông vịt" là "Vân Tiên đầu đội chuối khô"!

Ai cũng có thể đổi đời. Chỉ có điều, đôi khi sâu của giống ruồi lại xé kén trở thành loài bướm, dù nó chỉ là con bướm ngày, thô lậu, đen đủi, xám xịt.

Dù sao đi nữa, lòng nhân của Má tui đã được hồi đáp, mặc dù sự hồi đáp đó cũng không thể cứu được ông anh khẳng khái của tui thoát khỏi kiếp nạn năm nào...

Sau khi anh Ba tui mất sau những chấn song, thỉnh thoảng những đêm trăng sáng, tui hay thơ thẩn ra sân ngồi nơi thềm nhà. Trời lạnh căm, tôi trùm cái mền lông vịt, ôm con Ki, con Miu, mà nghe như trong gió thoang thoảng mùi thuốc lá anh Ba hút vào những đêm không ngủ anh ra đầu hè ngồi lặng im trong bóng tối suy gẫm chuyện đời. Như còn thấy nụ cười anh với hàm răng trắng lóa, như còn thấy rõ mồn một dáng anh ngồi đó, cao lớn đến tội nghiệp, lạc lõng trong kiếp người sinh bất phùng thời...

Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh

Có hay không có trong cõi vô tình

Anh ngồi mãi đó,

Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh...

Anh lại trở về bên bờ sông đó

Còn nỗi thương quê mất tròn tuổi nhỏ

Có phải mưa nguồn xóa phăng bờ cát.

Cơn lũ nào tuôn, triền dâu xơ xác.

Tuôn về biển mẹ sâu rộng muôn trùng.

Sông thì nhỏ bé, máu góp sao cùng.

Sông thì nhỏ bé, máu góp sao cùng ....

(Lời tiền thân của cát - Trầm Tử Thiêng)

TCQN

SG - 22/08/2016

No comments: