NGÔ TẰNG GIAO
Vùng thủ đô Hoa Kỳ đã bắt đầu vào Thu. Cuối tháng 9, sang đầu tháng 10 trời bớt nóng bức. Virginia vẫn được mệnh danh là tiểu bang của những người yêu nhau (“Virginia is for Lovers”).
Nhưng nếu trời cứ tiếp tục nóng bức và hạn hán thì những cặp tình nhân cũng chịu không nổi mà phải “tắt lửa lòng” sớm thôi. Bởi thế mùa Thu đến đã được mọi người chào đón nồng nhiệt, nhất là những người từng có một thời sinh sống tại Đà Lạt.
Nói đến mùa Thu những người yêu thơ lại nhớ đến một bài thơ dễ thương thuở trước mà tác giả là nhà thơ Lưu Trọng Lư, đó là bài “Tiếng Thu”:
“Em không nghe mùa Thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng Thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”
Người Đà Lạt tìm thấy trong bài “Tiếng Thu” cái hình ảnh “trăng mờ” bồng bềnh trên đỉnh núi, lênh đênh qua ngọn đồi, chập chờn ẩn hiện trong lũng sương hay lấp ló qua các rặng thông ngút ngàn của núi rừng Lâm Viên. Lại còn cái âm thanh “xào xạc” của cả một thảm lá cây rừng nữa chứ! Cái âm thanh êm ái thân
thương từng nhẹ vang giữa đất trời Đà Lạt như còn mãi mãi vang vọng trong lòng người xa xứ.
Cái âm thanh xào xạc này cùng hình ảnh những chiếc lá vàng mùa thu xuất hiện nhiều trong thơ, rất thơ mộng, rất tình tứ.
Chỉ tạm ghi lại một bài thơ ngắn của James S. Tippett có tựa đề là “AUTUMN WOOD”:
I like the woods
In autumn
When dry leaves hide the ground,
When the trees are bare
And the wind sweeps by
With a lonesome rushing sound.
I can rustle the leaves
In autumn
And I can make a bed
In the thick dry leaves
That have fallen
From the bare trees
Overhead.
Và xin tự chuyển ngữ sang thành bài thơ mang thể “lục bát”
tiếng Việt là “RỪNG THU”:
Tôi yêu những cánh rừng thu
Khi trên mặt đất lá khô phủ đầy
Khi cây trơ trụi hao gầy
Và cô đơn tiếng gió bay xạc xào
Thu về vun lá khô vào
Tôi làm giường ấm với bao lá vàng
Lá thu rơi rất nhẹ nhàng
Bỏ cây trơ lại võ vàng trên cao.
Câu thơ của Lưu Trọng Lư “Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô” đã vẽ ra cả một bức tranh thơ mộng, tuyệt mỹ của rừng núi Lâm Viên mà những người từng sống lâu năm tại Đà Lạt thỉnh thoảng vẫn có dịp được chiêm ngưỡng!
Tiếc thay người yêu thơ được biết tác giả “Tiếng Thu” tại miền Bắc đã bị phê bình gắt gao về bài thơ này. Đại ý như sau:
“Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiêu biểu cho một thời đại trong thi ca,tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên Việt Nam mà một số rất đông còn bơ vơ trước một ngã ba đường, đang đi tìm một hướng đi cho bản thân và cho dân tộc nhưng chưa tìm thấy, có lúc trong hoang mang và tuyệt vọng tưởng đâu chỉ có thể tìm thấy con đường đó ở trong thơ”.
Sau 1975 nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từ Bắc vào Nam và đi đây đi đó để nói chuyện văn thơ và nhân đó tự thanh minh cho mình, tự biện hộ cho bản thân mình về bài “Tiếng Thu”. Nhà thơ họ Lưu ngỏ ý đã tìm ra “lý tưởng” rồi và sửa lại một cách gượng gạo là: “Con nai vàng không ngơ ngác nữa, Em ơi!”
Trên các báo chí ở trong nước sau 1975 người yêu thơ được đọc những bài báo phê bình gay gắt chú nai vàng ngơ ngác: thái độ ngơ ngác là “đáng trách”, là không tự “giác ngộ” để nhập cuộc với “cách mạng trong cả nước”, là thái độ “tiểu tư sản”, là “chây lười lao động” v.v… Các bài báo nhấn mạnh thêm là con nai vàng sao lại chỉ ngơ ngác đạp trên đống lá vàng khô xào xạc mà không
nhân dịp này lấy chân vun vén cái thảm lá vàng khô đó lại thành từng đống để nhân dân có thể dùng làm… “chất đốt”. Thật tội nghiệp cho chú nai vàng!
Ở nước ngoài người ta được đọc một bài của nhà văn Vũ Ký viết về Lưu Trọng Lư với tiêu đề: “Những giọt nước mắt của nhà thơ Lưu Trọng Lư”. Vũ Ký kể lại là trong một cuộc đi chơi với Lưu Trọng Lư vào năm 1979 khi Vũ Ký nhắc lại những vần thơ nổi tiếng của Lưu Trọng Lư, trong đó có bài “Tiếng Thu” thì Lưu Trọng Lư nói: “Ồ! Anh hay quá, làm sao mà anh thuộc được thơ của tôi nhiều vậy? Thú thực, anh đọc lên, tôi cứ tưởng là của ai, chính tôi cũng không nhớ được bài thơ nào của mình mà cũng không ainhắc cho tôi nhớ nữa…”
Sau đó nhà văn Vũ Ký viết tiếp: “Tôi sửng sốt và giật mình.Té ra tôi đang chứng kiến một hiện tượng nhị phân nhân cách vềtâm lý học: con người thứ hai của họ Lưu không nhớ gì đến conngười thứ nhất nữa. Hay con người thứ nhất trong thể xác của họ Lưu đã hoàn toàn bị hủy diệt bởi con người thứ hai do sự tẩy não thành công của một quái đản ma mị!”
Lưu Trọng Lư giờ đây đã ra người thiên cổ. Mùa thu Virginia đã gợi cho người Đà Lạt nhớ về thành phố đầy niềm thương nỗi nhớ này và đồng thời nhớ về Lưu Trọng Lư, một nhà thơ từng được coi là “nhà thơ của tình yêu và mộng tưởng”, “giàu tính lãng mạn, mơ mộng, đắm đuối và say mê cuồng nhiệt.” Nhà thơ mà
một thời đã được Hoài Thanh nói là: “Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc nhiên
chút nào”.
(Virginia, mùa Thu 2010)
***
No comments:
Post a Comment