Saturday, September 22, 2018

Tuổi thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 44

__________________

Tự truyện của Hình Toàn




Hình Toàn

Sanh xong vài tháng tôi muốn giữ co, nên mua miếng siết eo về nịt bụng,  tôi chắc các chị em phụ nữ ai cũng biết qua loại này, cao chừng hai ba tấc ngang thì cũng mấy mươi phân bằng vải thun co giản có dây thun đàn hồi, chung quanh có vài thanh nhẹp mỏng để chống lưng, có mấy chục cái móc nhỏ xíu, khi mang vào ngang bụng từ từ móc mấy chục cái móc đó lại với nhau, sẽ siết bụng nhỏ, có size lớn nhỏ khác nhau, tôi mua size M, cho siết chặt hơn để bụng lẹ xẹp nhưng một mình tôi vừa kéo vừa móc mấy chục cái móc không được, nên sáng trước khi anh Hiếu đi làm siết eo dùm tôi, nhưng tấm vải thì nhỏ bụng tôi thì lớn nên mỗi lần vừa kéo vừa ghịt vừa móc mấy chục cây móc y ta đổ mồ hôi hột.... nói sao tôi không mua size lớn cho dễ ..Trời .. nếu mua size lớn thì đâu phải siết eo. Nói đàn bà lộn xộn quá... có chồng rồi sửa soạn làm chi hỏng biết.. bụng bự thì bụng bự .Trời (sanh xong mà giống chưa sanh coi sao đặng, hỏng biết thẩm mỹ gì hết trơn).


     Lúc con vừa hơn một tuổi tôi cũng ghi tên trở lại trường đi học lớp ban đêm, vì học ban ngày không ai giữ con, nếu gởi cho người ta giữ thì phải tốn tiền nhưng lần này không học chữ nữa (định đi học một cái nghề về điện: như hàn hoặc lắp ráp điện tử vì vùng San Jose tôi cư ngụ được mệnh danh thung lung điện tử nên có nhiều hãng xưởng xung quanh, nhưng mới học được một khoá thì tôi nản 
chí vì lớp bị chồng cằn nhằn, ôm con lên đón, mặt mày nhăn nhó, một phần thấy tội cho con đêm trời lạnh lẽo nên bỏ cuộc, ở nhà với con thêm năm nữa. Lúc này chế ba cũng có em bé trai được vài tháng tuổi, hai vợ chồng đi làm hãng điện tử, có bảo hiểm đầy đủ, nên sanh xong chừng hai tháng chế ba trở lại sở làm, Nhưng vì ở xa nên thỉnh thoảng vài tuần mới gặp nhau, giờ ai cũng có gia đình riêng nhưng tôi may mắn hơn vẫn còn ở chung với hai đứa em, nên đời sống tôi không có gì thay đổi nhiều.

     Khi con gái hơn hai tuổi biết đi biết nói, tôi ghi tên đi học ngành thẩm mỹ về: cắt tóc, facial, và làm móng tay, mỗi buổi sáng tôi chở thằng em út đến trường lúc này nó học middle school, rồi chở con gái đi gởi nhà trẻ từ sáng đến chiều xong tôi đến trường học thẩm mỹ, trưa em tôi tự đón xe bus về nhà còn tôi sau khi tan học ghé rước con rồi mới về nhà cơm chiều (từ 8 giờ sáng  đến 5 giờ chiều)
      
     Lúc qua Mỹ còn ở New Orleans khi nghe KLiên rủ qua Cali vì có nhiều trường học và khí hậu ấm áp thì tôi đi liền, vì muốn trở lại đi học để có tương lai nhưng nay một nửa ước mơ đã không còn vì cuộc sống vì trách nhiệm mà tôi buông xuôi (tôi nói thế không phải là ai có gia đình có con rồi không thể tiến thân, nhưng phải tuỳ ý chí và sự phấn đấu của mỗi người) còn tôi gặp nhiều trở ngại, thôi đành bỏ cuộc, nên chọn học một cái nghề để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình nhỏ của tôi.

     Tối ...vẫn còn may túi thơm buổi tối và cuối tuần để kiếm thêm thâu nhập...ôi nếu không lấy chồng một thân thì dễ bươn chải hơn, nhưng thôi đã tạo ra thì phải gánh... lúc này thì chị ta khôn rồi (biết uống thuốc) không để có bầu. Ở đây chồng làm nuôi vợ con không nổi đâu ... tự do có đấy nhưng tất cả mình tự tạo, mình làm mình hưởng không ai bóc lột mình cả, làm thì đóng thuế, lỡ khi thất nghiệp cũng được hưởng sáu tháng đi tìm việc khác, đến già thì có tiền hưu, tôi thích đời sống mới, quan niệm mới ở xứ sở này công bằng và bình đẳng, không phân biệt giai cấp, nghèo giàu cũng hưởng sự tự do giống nhau, anh giàu cũng cơm ngày hai buổi, anh chạy xe tôi cũng chạy xe chả ai đi bộ bao giờ, người giàu mua xe mới xe hiệu, mình nghèo cũng hiệu cũng xe mà cũ hơn một tí thôi, còn nếu muốn đua đòi ...thì mua ghi nợ, ở xứ này càng có nợ trả đều đặn càng có uy tín. Về lâu về dài muốn mua nhà, hay mượn vốn làm ăn có credit tốt dễ dàng hơn (hỏng giống vn thấy thiếu nợ là sợ, thấy người mua chịu thì khinh dễ, đúng là ngược đời .. nếu mình không sống ở đây, nghe người nói chắc hỏng tin)

     Đúng ra đi học một ngàn sáu trăm giờ là đủ điểm ra trường, và nộp đơn đi thi để lấy bằng về ngành nghề cắt tóc, tay và làm facial, nhưng tôi vì con bịnh hoài nên học hơn năm mới đủ giờ... lúc đi San Francisco thi, mình phải thi hai phần thực hành và lý thuyết 
Lý thuyết là thi về luật lệ và hỏi về bài học, cũng mấy chục câu (ABCD khoanh)
Thực hành mình phải đem theo người làm mẫu cho mình thi (gồm cách cắt tóc, cách đắp bột móng tay và cách là facial) xem mình có làm đúng hay không.


Bằng hành nghề uốn tóc, móng tay của Hình Toàn

Khi lấy được cái bằng COSMETOLOGIST tôi lại phải xin đi làm ở các tiệm beauty salon để lấy kinh nghiệm, một hai tháng đầu thì không lương chỉ thỉnh thoảng được hưởng tiền típ, làm tóc thì phải học nghề lâu hơn mới đầu chỉ gội đầu và cuốn ống tóc cho khách vì chưa có kinh nghiệm nên ít ai dám đưa nguyên cái đầu cho mình cắt, còn làm móng tay thì tương đối dễ hơn chỉ gắn móng giả  đắp bột hoặc ép vải silk, rồi dủa theo ý khách, xong sơn màu lên, có thời gian còn thêm nghệ thuật gắn hình bằng nhôm lên cho đẹp, lúc sau này lại thêm vẽ hoa vân ....ôi các bà các cô sao mà điệu quá ... chỉ mười ngón tay ngà mà tô điểm rất kỳ công (phần đông là khách ngoại quốc)


     Tôi là một nghệ nhân chăm chúc từng bàn tay của quí bà qúi cô, tần mần tỉ mỉ từ lúc gắn móng giả rồi đắp rồi dủa, lao chùi massage xong sơn đỏ sơn hồng mất đâu cũng gần một tiếng (sau này kinh nghiệm chỉ còn 45 phút)
Lúc đầu tôi làm tất cả các ngành tôi học, nghĩa là cắt uốn tóc, hay facial hoặc móng tay tuỳ theo khách hẹn, nhưng lâu dần tôi nghiêng về móng tay vì dễ kiếm tiền hơn (cắt uốn một cái đầu tóc mất gần hai tiếng trong khi làm một đôi bàn tay chỉ từ 45- 50 phút) nên lâu dần làm tóc tôi bị lụt nghề

     Tôi lại tiếp tục gởi con ở nhà trẻ lúc này cháu đã gần bốn tuổi nên nhà trẻ cũng dạy cháu học (Preschool), nhưng trường chỉ dạy từ 8- 4 giờ chiều) còn tôi làm đến 8 giờ tối nên đến giờ tôi phải tranh thủ đi đón con về để nhà với cậu út, chờ ba cháu 5 giờ về trông con 

     Làm nghề này không ai bắt buộc nhưng mình cũng phải ăn diện cho đúng với nghề làm đẹp cho người, không lẽ một cô thợ uốn tóc làm móng tay mà ăn mặc bê bối quá thì xem hỏng đặng, nên tôi cũng ăn diện ríp đầm, quần này áo nọ, mang giày cao gót, tóc tai cuốn lọn nay kiểu này, mai bới kiểu khác, móng tay sơn và môi son thoa theo màu áo (nội tiền típ không mặc tình mà ăn diện) nên anh chồng bắt đầu không thích, cằn nhằn cử nhử mặt lớn mặt nhỏ, đi làm mà ăn diện quá, tôi hỏi anh:
- Nếu anh đi hớt tóc, người thợ giỏi đến mấy, mà đầu cổ y chôm bôm, quần áo xốc xếch anh có dám đưa đầu cho hớt không?

Thiệt là tình ... nuôi vợ con không nỗi, vợ đi làm lại ghen, thiệt là phiền, sao không cưới chung vô diệm thì khỏi phải lo ...

    Nhưng anh nói gì thì nói, tôi vẫn đi làm cái nghề làm đẹp cho người và đẹp cho tôi, tôi trở lại với con người của tôi không thích bị kìm kẹp (dẫu đó là chồng) tôi đi làm để kiếm cơm tại sao ngăn cấm, tôi phải hoà nhập với cuộc sống để tạo một tương lai cho mẹ con tôi.

Xin hẹn lại kỳ 45 cuộc đời cô thợ móng tay thế nào?


Hình Toàn

7 comments:

Tật Hay Cừ said...
This comment has been removed by the author.
trường tôi said...

Đọc cái còm men của THCừ tui hỏng hiểu gì hết, biết chết liền , thiệt là... tình mà
HTX kkk...

Quang Minh said...

Cha! Kỳ 44 nầy trúng mánh cô HTX, nghề COSMETOLOGIST nầy làm tôi nhớ hồi xửa hồi xưa, hè năm 1983 , tui đi chuyển từ Michigan xuống Los Angeles, lang thang không nghề không nghiệp, đi bán giày dép ở chợ trời , thì may mắn được mấy người quen giới thiệu làm thông dịch các bà các cô thi bằng thẫm mỹ. Lúc đó Ka Li chưa cho thi bằng tiếng Việt. Đúng như Hình Toàn nói thi COSMETOLOGIST gồm hai phần: lý thuyết và thực hành
Về lý thuyết, quý bà quý cô đa số học ngành nầy không biết tiếng Anh nên cần ( mướn ) người thông vịt cho phần lý thuyết , mà mướn thì phải trả tiền công, vào khoảng hai, ba trăm đô. Giao dịch tui làm được ba bốn lần
1)- Lần 1 : cho một chị ở cách appartment tui hỏng xa. Vào phòng thi, người thông vịt ngồi cạnh thí sinh dịch các câu hỏi cho thí sinh khoanh ABCD. Chị nầy chả biết tiếng Anh gì ráo. Tui dặn chị, tui nói khoanh cái gì thì khoanh cái đó. Khi người coi thi tới, thì tui dịch , quay lưng đi thì tui nói như sau:
Một A, hai C, ba D, bốn C..... Cho hết bài thi
Kết quả đậu, Chỉ rất vui mừng, mà mình cũng vui vì có tiền bỏ túi
Sau nầy nghe nói chị lấy chồng , một anh thợ sửa xe , làm ăn khắm khá, mua appartment cho mướn , rất giàu có

2)-một bà vợ cựu sĩ quan QLVN Cộng Hoà, đã ly dị , học ở City College. Có hai thằng con trai khoảng thiếu niên .Thi viết rớt đến nhờ. OK .Bà cũng thi đậu, sau lấy chồng thợ bạc, có tiệm bán nữ trang trong khu Phúc Lộc Thọ , thành phố Westminster.Rồi bằng thời gian bà biến đâu.mất, tiệm vàng đổi chủ
3)- Bà chị ở San Jose , chồng là bà con cô cậu hai đời. Cũng thi viết rớt. Ông anh gọi điện nhờ giúp đở. Tôi sẳn lòng. Chị gửi hồ sơ thi cho tui để nộp đơn ở Văn phòng Los Angeles. Tới ngày thi, chị đi xe bus Greyhound từ San Jose tới Los, tôi ra đón, ngày hôm sau chở đi thi. Thi viết xong, ngồi chờ đợi kết quả hơn một tiếng đồng hồ. Kết quả được đọc theo thứ tự alphabet tên họ
Chỉ chờ lâu quá, chị hồi họp lo sợ nói với tui : " sao chú thản nhiên vậy ?"
" Chi thi chứ đâu phải tui thi mà tui lo sợ " tui trả lời
Kêu một hồi lâu mà chẳng nghe đọc tên mình, chị vô cùng lo sợ. Tui cũng lo nhưng trấn an chị " đừng lo lắng , tên chị là Phụng thì ở cuối danh sách. Mà đúng vậy, vừa nói xong thì tên chi được đọc lên . Chị mừng mà tui cũng mừng . Sau đó chị mở tiệm , không lâu, ông anh qua đời , chị một mình gồng gánh nuôi con. Các con bây giờ đã lớn, tất cả có gia gđình, chị hưu trí ở nhà giữ cháu

Tật Hay Cừ said...
This comment has been removed by the author.
trường tôi said...

Theo tui biết Ông Đạo là người tu hành hay mần phước giúp người...
Tật hay nói

Quang Minh said...

Tiền trao cháo múc công bằng
Làm gì xây cất ba căn kiễng chùa
Tat Hay Cuoi chọc quê chưa
Ăn chay đâu dính dáng đến người làm thơ

Tu hành xin thật tình thưa
Tàu hủ ăn mãi tóc chưa ( rơi ) hết đầu
Mần phước nào thấy gì đâu
Vẫn còn cày cấy túi hầu đầy bao
Thơ tình cứ gửi lao chao
Của mình cứ tưởng người nào làm thơ

Quang Minh said...

Người ta nói ăn đậu hủ rụng tóc,
Còn tui thì sương tuyết phủ mái đầu
Thời gian chần chậm qua mau
Đời người như giấc chiêm bao đêm về