Wednesday, October 30, 2013

Xóm Nhà Lá

__________
Nguyên Nhung


" Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như  thế giới của người lớn, mà chỉ là mấy dãy bàn trên và dưới trong lớp học ở lứa tuổi học trò hồn nhiên vô tư lự. Xóm Nhà Lá chỉ là biểu tượng cho một lũ học trò khoảng tuổi mười lăm, mười sáu,  ngồi chung với nhau nhiều lắm là hai dãy bàn sát nhau, bàn trước và bàn sau, đếm được khoảng 7,8 đứa.

Xóm Nhà Lá cũng không hẳn là những cô học trò ngồi ở dãy bàn cuối lớp, chỗ ấy mấy đứa cẳng dài luôn bị dồn xuống đó, để mấy đứa nhỏ con, lùn tì không phải mỏi cổ khi nhìn lên bảng đen. Thường ai cũng nghĩ  khi ngồi xa tít mù khơi như vậy, bọn học trò dễ quay phim và ăn vụng, học hành lem nhem nên tránh đối diện với bàn thầy cô. Nhất là những đứa học giỏi bao giờ cũng chen chân vào hai dãy bàn ở trên cùng, phía tay trái ngay bàn thầy nhìn xuống, hoặc ở giữa lớp, còn ở cửa lớp bước vào, tuy là bàn đầu nhưng cũng có thể thuộc vào thành phần Xóm Nhà Lá vì dễ "dzọt " ra cửa.

Số tôi tuổi Trâu,  bà con với con bò, nên vì thế khi vừa oe oe cất tiếng khóc chào đời, lão thầy bói đã đoán tuổi này có số đi cầy, "ngu như bò" nên cả đời ngon lắm cũng chỉ có cỏ nhai. Nhưng để an ủi số phận tuổi con trâu cày bừa vất vả, thầy còn tán thêm với mẹ tôi rằng tuy con trâu, nhưng cũng có người ẩn con trâu "dzàng", hễ may nhờ phước đức ông bà, ẩn được tuổi trâu "dzàng" là mát mẻ tấm thân, tuy ăn cỏ nhưng quanh năm nhàn nhã. Hổng tin xin mời quý vị cứ quan sát cách "nhơi" cỏ của trâu nằm chuồng là thấy ngay được vẻ "an nhiên tự tại" đó: mắt lim rim, miệng trâu đưa lên đưa xuống nhai nhóp nhép như ăn trầu, vẻ mặt bất cần đời của trâu cũng y hệt mặt tôi mỗi khi trên dòng đời gặp cảnh không may . . .

Đến nay qua tuổi tri thiên mệnh, tôi mới ngẫm nghĩ lại rằng lão thầy bói nói đúng khi an ủi tôi là tuổi "con trâu dzàng" nằm nhơi cỏ.  Sự thật hồi còn nhỏ tôi nghe nói vậy nên cũng cố gắng vươn lên, bằng cách năm nào đầu niên học, cũng chạy đến lớp thật sớm, leo lên bàn đầu ngồi chình ình một đống. Bụng cứ nghĩ  đơn giản theo sự dành giựt ở cõi đời nhiều bon chen, hễ ai xếp hàng trước thì ưu tiên trước. Lớp học tôi không có kiểu bon chen như vậy, nên số tôi không khá, xung quanh tôi toàn là mấy đứa nhỏ con, loại ưu tiên một, sau đến mấy đứa học giỏi thích ngồi gần Thầy Cô để được đèn Giời soi sáng, tôi len vào đó có khác gì chim sẻ đòi vào bầy với chim công, chim phượng.

Đang ngồi hiu hiu tự đắc rằng phen này nhất quyết đời đi lên, dù sao ngồi ở bàn đầu, thầy cô chiếu tướng suốt nhiều giờ học, mới mong cải được số  "ngu như bò" của mình. Thiện chí như vậy mà cũng không được, đúng là giày dép có số thì con người cũng có số,  như bây giờ tôi dốt nát không làm nên "ông to bà nhớn"  thì lỗi ấy cũng tại ông Trời đó nghe. Tôi nín thở ngồi bàn đầu, không dám cục cựa nhúc nhích sợ mình thở mạnh là nó to ra như con bò, chưa gì  đã nghe tiếng dõng dạc của Thầy ban xuống:


" Em kia, bự con sao lại ngồi bàn đầu. Ôm tập vở xuống bàn dưới."

Theo ngón tay thầy chỉ thì hỡi ơi, cái bàn ấy áp chót, có mấy đứa cao lêu nghêu ngồi ở đó. Lũ nhóc ngồi xung quanh cười ầm lên khoái chí, loại trừ một tên dốt như bò đi xuống đúng nơi đúng chỗ, mấy đứa học giỏi "Xóm Nhà Lầu" háy nhìn tôi ra điều không biết thân biết phận. Tôi buồn bã ôm cặp vở len ra khỏi dãy bàn đầu sát bàn thầy cô, vừa mắc cỡ vừa buồn bã. Âu là số mệnh. Tôi tin con người có số ngay từ lúc đó,  từ hồi đi học thì đã có số học giỏi, học dốt rồi, dù có chăm cách mấy mà lời thầy dạy chỉ đi vào đến vùng ven của cái đầu rồi ngừng ở đó, thầy nói thầy nghe, tôi có nghe nhưng không hiểu chi hết.
Lũ bạn ở bàn dưới miễn cưỡng tiếp nhận tôi vào Xóm Nhà Lá, tôi lại bị hiểu "nhầm" thêm một lần nữa, cảm nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm, ý nói tôi dám leo trèo qua xóm nhà lầu mà không biết lượng sức. Thực ra đó chỉ là ý nghĩ nông nổi của tuổi học trò mà thôi, chứ đối với các Thầy Cô thì lúc đến giờ "quay" bài đầu giờ học, theo thói quen thường để ý đến những cư dân xóm nhà lá, chứng tỏ các Thầy cũng đâu hẹp hòi mà bỏ rơi tụi tôi, hay chỉ thương mấy đứa nhà lầu học giỏi.

Chỉ mấy hôm là đâu vào đấy. Xóm nhà lá toàn dân cao giò, to con, ngồi một bàn cũng như người ta mà sao chật ních, nhất là lại gặp mấy đứa "sổ sữa" như tôi mà ngồi chung bàn, thì ôi thôi quay ngang quay dọc thế nào cũng đụng nhau. Lũ học trò làm quen với nhau thật nhanh, chỉ vài hôm nhờ nụ cười thân thiện đã khiến chúng tôi nhích lại gần nhau như chị em một nhà. Xóm Nhà Lá coi vậy tinh thần đoàn kết cao, đến giờ kiểm tra bài tập, hay có món gì ăn vụng được để dưới hộc bàn, chúng tôi chia cho nhau, bài cùng chép, ăn cùng chia, tinh thần tương trợ này không xóm nào trong lớp có được như Xóm Nhà Lá.

Đừng tưởng Xóm Nhà Lá chỉ là những dãy bàn hẻo hút, thân phận hẩm hiu ngồi ở dãy bàn chót mới gọi là Nhà Lá. Nó có thể nằm ở giữa lớp học, hoặc ngay hai dãy bàn đầu từ cửa lớp bước vô, nhưng bao giờ cũng không bị Thầy cô chiếu tướng trong sự thương yêu như tụi nhà lầu ở dãy trên cùng phía trong. Cư dân Xóm Nhà Lá chưa hẳn đã học dốt, thông minh nữa là khác, nhưng ham chơi hơn ham học mà thành dốt,  phải cùng một tần số "Quậy", phải biết luật giang hồ là không ích kỷ, không bỏ rơi bạn bè mỗi khi làm bài kiểm tra, bạn nào đi học quên không đem theo học cụ thì phải tương thân tương trợ ngay tức khắc. Hồi xưa lũ con gái đi học đến tuổi "kéo cờ đỏ" mỗi  tháng, nếu chẳng may có đứa nào gặp nạn thì cả lũ sẽ làm Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, khi tan học hộ tống đằng trước đằng sau đưa bạn về đến tận nhà, sợ tà áo trắng của bạn phất phơ theo gió mà "phe kia" nhìn thấy bông hoa hồng đỏ thắm phía sau tà áo.
Năm đó, sau một tháng đầu năm học thì có một nhỏ lạ hoắc ở đâu chuyển về lớp hơi trễ nên dù nhỏ học giỏi con nhà Quan thì khu nhà lầu cũng không còn chỗ . Chỉ còn một chỗ trong khu nhà lá, con nhỏ được thầy chỉ thị vào ngồi bàn của tôi. Lịch sự như Tây, tụi tôi nhích vào trong để nhường chỗ cho nhỏ bạn mới đến, chứ đúng ra thì nó phải chui vào ngồi trong cái hốc sát vách. Thế nhưng con nhỏ này không có vẻ gì biết ơn và biết điều với tụi tôi cả, mặt nó vênh vênh, lạnh lùng ôm cặp ngồi ngay đầu bàn, không nhếch miệng cười làm quen hay cầu thân, cũng không cảm ơn những người bạn mới đã tiếp đón mình một cách ân cần như vậy.

Sau buổi học, theo dõi thì mới biết nhỏ "kiêu kỳ" này làm phách vì nó thuộc loại "con ông cháu cha", đi học có xe đưa xe rước, tài xế lúc nào cũng chực sẵn ở cổng trường đợi tiểu thư tan học. Những đứa con cưng nhà giàu thường mang theo tinh thần kiêu kỳ ấy vào đời, đó là chuyện tự nhiên như cái số mệnh con người mà tôi đã đề cập ở trên. Sau này tụi tôi hiểu thì ngoài cái "mác" con  Quan, nhỏ còn học giỏi nữa, nên khi đến chậm phải chung đụng với bọn nhà lá chúng tôi thì tự nhiên bất mãn ra mặt. Bắt đầu từ đấy khi có sự hiện diện "bất đắc dĩ" của nhỏ, không khí Xóm Nhà Lá tự nhiên không còn vui hồn nhiên như dạo trước, chỉ xì xào nói lén con nhỏ kênh kiệu ở đâu nhảy vào phá mất cái vui của xóm nhà lá .

Tụi tôi liền quyết định đặt tên cho nhỏ là "Tiểu Thơ", dựa theo truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu,con nhỏ mang hỗn danh "Tiểu Thơ" cũng biết thế nhưng không làm gì được đám ma cũ Xóm Nhà Lá. Tiểu Thơ mặt mũi lạnh lùng, chỉ nói khi cần, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, trước khi ngồi xuống ghế bao giờ Tiểu Thơ cũng nhẹ nhàng thả vạt áo dài ra đằng sau. Tinh thần đoàn kết của xóm nhà lá như tôi đã kể vẫn muôn năm, chúng tôi học được tính không ích kỷ, biết chia xẻ với bạn bè lúc hữu sự, khi lớn lên vào đời cư dân Xóm Nhà Lá vẫn thể hiện được tình yêu thương đối với nhau, dù kẻ chân trời người góc bể.

Tính ích kỷ của Tiểu Thơ hiện rõ nhất trong những giờ làm bài kiểm tra, bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy lớp học năm xưa cũng là một xã hội thu nhỏ, ông Trời sinh ra con người cũng đã sắp sẵn cho mỗi người một bản chất xấu, tốt khác nhau. Tôi có thể kết luận như "đinh đóng cột" rằng, sau mấy chục năm ra đời, đàn chim non tản mát khắp nơi, bây giờ thành những con chim già mỏi cánh, trụi cả lông lá mà bản chất con người ra sao thì vẫn y chang vậy. Tiểu Thơ là một trường hợp điển hình, nhưng cũng may là hiếm có trong thế giới học trò, nên bây giờ còn lại được một ít bạn cũ, không bao giờ chúng tôi được gặp lại bóng dáng Tiểu Thơ.

Tôi còn nhớ mồn một buổi kiểm tra bài sử địa của thầy Đức. Ông là một ông thầy mà tôi nhớ nhất trong các vị giáo sư, ở những bài thơ, câu chuyện liên quan đến lịch sử, hay chỉ là chuyện đời mà trong lúc giảng bài, thầy hay kể hoặc đọc cho chúng tôi nghe:

" Công hầu bạch cốt, hồng phấn khô lâu"
Hay một câu đối đáp lịch sử đáng ghi như sau:
" Ai công hầu, ai khanh tướng, đường trần ai ai dễ biết ai.
Thế chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thì phải thế."

Những câu này đi vào tâm hồn non nớt của lũ học trò, sau này với chiều sâu của đời sống chúng tôi càng nhận ra được ý nghĩa vô cùng thâm sâu của nó. Bây giờ quay trở lại giờ kiểm tra hôm đó của thầy Đức, đó là một buổi chiều trời mưa rất âm u, ngọn đèn điện mờ mờ ảo ảo không đủ sáng cho lớp học, nếu không nhờ ánh sáng tự nhiên hắt vào lớp học từ những khung mắt cáo. Những giờ kiểm tra như vậy đối với đám học trò học "lơ tơ mơ"  Xóm Nhà Lá quả rất gay go, nhưng đối với Tiểu Thơ thì hình như là lúc để nhỏ phô bày sự thông minh, chăm học của nhỏ. Lúc bấy giờ tự nhiên cái bàn tôi ngồi bỗng rộng rinh, ba đứa ngồi trong xích vào gần nhau hơn, mắt chớp lia, miệng lào xào thì thào như trời thu lá rụng.
Tiểu Thơ xích ra đầu bàn, càng cách xa tụi tôi nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Phía tay trái của Tiểu Thơ là đầu bàn, lại là đường đi nên không còn xích xa hơn được nữa, nhưng phía bên tay phải của nhỏ thì được phòng thủ như công sự chiến đấu, bao nhiêu cuốn tập, cuốn sách lớn nhỏ được chất lên chiếc bàn chật, che kín trang vở học trò vừa được lấy ra từ tập vở để làm bài kiểm. Chưa hết, Tiểu Thơ còn muốn dùng luôn cánh tay để thủ một khoảng rộng cho đám bạn Xóm Nhà Lá không liếc được mắt vào, dĩ nhiên cư dân xóm nhà lá đầy tinh thần tự trọng, không ai cầu cứu đến Tiểu Thơ dù làm bài khó cách mấy. Hôm đó Tiểu Thơ là người đem nộp bài cho Thầy sớm nhứt, khi trở lại chỗ ngồi trên môi không quên nở một nụ cười tự mãn.
Công sự  "ấp chiến lược" của Tiểu Thơ được thu gọn lại trống trải, lúc đó Tiểu Thơ mới đưa mắt nhìn quanh để quan sát các bạn đang vật lộn với bài kiểm. Và trong cái không gian im phăng phắc của lớp học, Tiểu Thơ bắt đầu "méc" thầy khi phát hiện được sự quay, cóp rải rác của các bạn ở bàn khác, khiến thầy Đức thay vì khen Tiểu Thơ "báo cáo" giỏi lại đâm bực mình vì cô học trò tính  ích kỷ. Thầy lại chỗ ngồi của Tiểu Thơ rồi khỏ nhẹ lên đâu nhỏ: "Nhiều chuyện quá!". Tiểu Thơ chỉ học có năm đó rồi không biết sao sang niên học mới cũng biến dạng, chắc ba của Tiểu Thơ lại đổi đi nơi khác. Đó là một loại cá biệt trong thế giới học trò, làm méo mó đi trong con tim not nớt của lũ học trò tụi tôi chút kỷ niệm thời đi học.

Những ngày gần Tết là những ngày vui nhất của cư dân Xóm Nhà Lá, thiệp Xuân tự làm theo lối thủ công được trao nhau như bươm bướm, buổi liên hoan tất niên bao giờ Xóm Nhà Lá cũng đóng góp tài năng sung mãn nhất. Tuy không thuộc thành phần học giỏi của lớp, nhưng nói về những bộ môn khác Xóm Nhà Lá chẳng thua ai. Văn chương, thơ thẩn, báo tường được bàn tay năm ngón của Xóm Nhà Lá góp sức, đơn ca hợp ca được diễn lùng tùng xèng trong sự thán phục của các Xóm khác trong lớp học. Nhất là sau buổi học cuối cùng, cả bọn kéo nhau ra bến Ninh Kiều làm dăm tấm hình kỷ niệm, nhờ vậy sau này khi về già, trên bước đường đời cũng còn đôi đứa giữ lại được hình ảnh cũ.
Thời gian thấm thoát qua đi, mới đầu niên học chưa gì đã đến cuối năm, khi bước qua Đệ nhị cấp thì Xóm Nhà Lá ngậm ngùi chia tay nhau theo các ban A, B, C tùy theo khả năng của mỗi bạn. Cư dân Xóm Nhà Lá thường thích học Ban C, tưởng là được Chơi nhiều hơn học, văn chương vốn sẵn tính trời không học cũng biết nhiều, không có môn Toán nhức đầu mà đứa nào cũng sợ. Bước qua tuổi "mười bảy bẻ gãy sừng trâu", đám con gái nhóc nhách ăn quà,  hay chạy nhảy năm xưa bây giờ trông điệu đà hẳn ra, cô nào cũng mình hạc xương mai, đi đứng chậm rãi từng bước chân âm thầm trên những nẻo đường tới trường, làm lác mắt mấy bạn trai học trường kế bên. Lớp nào cũng có Xóm Nhà Lá và Xóm Nhà Lầu, đến bây giờ thì lớp học lại thêm một xóm nữa được đặt tên là Xóm Giai Nhân.
Xóm này qui tụ toàn người đẹp của lớp, khi tan trường lúc nào cũng sẵn một dàn xe Honda, xe Jeep đậu ngoài cổng Trường để đưa người đẹp về dinh, hay lang thang đi uống sinh tố, mì thập cẩm. Xóm Giai Nhân vì vậy mà học hành rất ...yểu điệu, trong cặp ngoài sách vở thế nào cũng có vài bức thư tình dấu trong tập vở. Xóm Nhà Lá chỉ giương mắt lên mà chiêm ngưỡng và thán phục, khá khen thay cho các thầy giáo trẻ nào lòng "khô như ngói", không hề rung rinh một ly ông cụ trước một rừng hoa đầy hương sắc. Xóm  Giai Nhân vì bận rộn chuyện tình yêu, lắm người đưa kẻ đón nên có khi đang học đã bỏ ngang để lại một chỗ ngồi trống trải trong lớp học, lên xe hoa về "nâng khăn sửa ví" cho một anh hùng súng ngắn, súng dài nào đó. Thực ra chẳng có tuổi nào hồn nhiên và trong trẻo như tuổi học trò, nên sau một vài năm làm phu nhân, các giai nhân  tuổi học trò sắc đẹp có đẹp hơn chăng nữa, cũng khó tìm lại được nét ngây thơ trong sáng của tuổi học trò năm xưa.

Xóm Nhà Lá chơi cùng chơi, học cùng học nên vì thế tuy không sao bì được với các bạn ở Xóm Nhà Lầu, không đẹp như Xóm Giai Nhân nhưng chắc hẳn cái vui tuổi học trò trọn vẹn nhất. Mùa nào chơi theo mùa nấy, Giáng Sinh, đường phố đông như chảy hội cũng có Xóm Nhà Lá rủ nhau đi vòng vòng nhà thờ dù đa số là con chiên ngoại đạo. Gần Tết khi mùa mận , mùa xoài, một lũ đạp xe vô vườn cột áo dài, leo cây vặt trụi mấy cây mận trong vườn một bạn đồng lớp, chẳng hiểu khi lũ quỷ ma học trò đi về, nhỏ bạn có bị cha mẹ rầy rà vì tội phá phách vườn tược như khỉ không? Chỉ biết là những kỷ niệm ấy nằm mãi trong tâm tư, mỗi khi hồi tưởng về quãng đời học sinh, bao nhiêu hình ảnh bạn bè năm cũ hiện về làm sống lại trong lòng niềm vui của tuổi xanh.

Trong khi đó, các bạn Xóm Nhà Lầu như "cá chép vượt vũ môn" leo lên Đại học, lần lượt ra trường để nắm được những chỗ đứng ngon lành trong xã hội, Xóm Nhà Lá cũng có những bạn chịu khó ngoi dần lên với đời. Người công chức, đứa tần tảo bán buôn, đứa thư ký đánh máy, đứa thợ may thợ thêu, đứa nội trợ, đứa  nào  cũng sống được qua ngày nhờ tính biết an phận thủ thường, đa số không đến nỗi nào chỉ trừ những bạn

hồng nhan bạc phận, sau năm 75, lại tái ngộ nhau ngoài chợ đời để kiếm miếng cơm manh áo trong thời buổi khó khăn.

Ở bất cứ môi trường nào, Xóm Nhà Lá vẫn giữ được tinh thần "tương thân tương trợ " hiếm thấy, cho dù khi tuổi còn thơ ngây trong lớp học, khi ra đời bươn chải tìm sống giữa thời buổi "gạo châu củi quế", tình nghĩa con người trắng đen thay đổi khó lường. Nhưng Xóm Nhà Lá không ích kỷ vơ hết nồi cơm cho nhà mình, vẫn chia xẻ với bạn tận tình như ngày còn thơ chia cho nhau miếng ổi, trái chùm ruột dấu trong cái hộc bàn con con trong lớp học.

Có dịp thấy đôi bạn thuở học trò ở giai đoạn nghèo khướt ngồi bên nhau trên mảnh ni lông trải dưới nền đất ẩm, kiếm gạo nuôi chồng con mới thấy được cái tình cảm trân quý bắt nguồn từ thời đi học. Những bông hoa phượng vẫn tả tơi rơi xuống thảm cỏ ven bờ sông, mới héo hắt mà nhớ hoài tuổi học sinh vô tư lự. Cô bạn cùng lớp năm xưa tuy không thuộc Xóm Giai Nhân, nhưng cũng một thời hương sắc lên xe xuống ngựa, vậy mà sau những năm vất vả đói kém ấy, mặc tấm áo vá ngồi bán buôn giữa chợ đời, không thương sao được. Nhà hết vốn, chồng tù tội, chẳng còn cách xoay xỏa bạn lột bán mái tôn nhà bếp để có chút vốn nuôi con. Đến nhà bạn, trời mưa lâm râm mà căn bếp khói xông mù lên cay ướt mắt, bạn đội nón lá đứng nấu cơm chiều, cơm không thấy đâu chỉ thấy ba đứa trẻ ghẻ lở ngồi quây quanh rổ khoai lang để dưới thềm xi măng ở nhà trên. Chắc chỉ có bạn bè Xóm nhà Lá mới có thể hiểu nhau, chia xẻ với nhau đến giọt nước mắt tận cùng của cái nghèo như vậy. . .

Tôi không ca tụng Xóm Nhà Lá của tôi đâu, hỡi những người bạn đồng trang lứa năm xưa trong ngôi trường dấu yêu thuở ấy, nhưng tôi luôn luôn ghi nhớ trong lòng cái tình thương yêu của chúng mình tuổi học trò. Đến bây giờ những bạn bè Xóm Nhà Lá năm xưa đã tan tác mỗi người mỗi nơi mỗi ngả, nhưng nếu tin vào số mệnh thì dường như ông Trời không đến nỗi bất công để cư dân Xóm Nhà Lá năm xưa cả một đời lận đận. Dù rằng giờ đây ở tuổi này, bạn H. chịu căn bệnh ngặt nghèo nằm một chỗ trên giường bệnh, cuối cùng phải nhờ những viên thuốc giải thoát thân phận làm người, dù bạn S. giờ này vẫn một thân một mình đơn lẻ chiến đấu với sự nghèo túng để sống qua ngày, MV chắc tóc đã bạc phơ, trời còn mờ đất đã thức dậy nhen lửa để nấu quà sáng bán cho người nghèo trong xóm.

Vâng, các bạn Xóm Nhà Lá của tôi dăm đứa may mắn sang được xứ sở tự do, giờ này ai cũng gia đình đầm ấm no đủ. Đứa New York, đứa Houston, đứa San Jose, đứa  Wisconsin, chúng tôi vẫn không bao giờ bỏ rơi đám bạn Xóm Nhà Lá của mình ở quê nhà. Của ít lòng nhiều năm nào cũng có món quà gửi về gọi là an ủi, xẻ chia với các bạn, như ngày xưa chia cho nhau trái mận đỏ, miếng ổi, miếng bánh bò trong hộc bàn lớp học cũ. Tôi hoàn toàn hãnh diện mình được là cư dân "Xóm Nhà Lá" của lớp học năm xưa, dù trong thời cắp sách, đã có lúc ao ước được  lạc bước vào "Xóm Nhà Lầu"  hay là ngưởi đẹp của  "Xóm Giai Nhân."

Xin gửi riêng đến các bạn Xóm Nhà Lá năm xưa trong lớp học cũ của tôi mấy vần thơ sau đây:

" Dẫu có đi, về nơi cõi khác
Vòng quay sinh tử , vẫn vô tư
Mốt mai có gặp nhau lần nữa
Thì vẫn ân tình như thuở xưa."

Nguyên Nhung






2 comments:

Anonymous said...


Về phía chân dài làm sao thì phía vai u thịt bắp của chúng tôi cũng vậy,y chang!!! Hồi còn Pháp thuộc,ngồi ở xóm nhà lá lợi muôn phần,nhứt là trong giờ DICTEE',Ông thầy đi vòng sau bàn ,tay cầm thước thấy đứa nào viết sai chính tả là gỏ cốc cốc lên đầu,chỉ có 2 bàn chót sát vách ,ông thầy không đi được nên không bao giờ bị gỏ đầu.
BLG

Anonymous said...

Tôi cũng thuộc loại chân dài, vai u thịt bắp,bị đẩy xuống xóm nhà lá ,nhưng các bạn ưu ái nhường chỗ đầu bàn cho tôi.Thôi thì cái vai phía tay phải của tôi bị sưng vù ,trong gìơ DICTÉE .CRD