Friday, January 31, 2020

Đôi đũa Cả và con sông Cái

_______________

CHUYỂN ĐẾN TỪ KIM OANH
THÂN ÁI CÁM ƠN OANH
TH
Trần Mộng Tú
Đi cùng đũa cả có bát chiết yêu và nồi nhôm, niêu đất. (Hình: 1946.vn)
Cô cháu con ông anh tôi về Việt Nam thăm gia đình, hỏi tôi:
-Cô có cần gì ở Việt Nam không?
-Có, mua cho cô một đôi đũa Cả.
-Cô à, bây giờ không có ai dùng đũa Cả xới cơm nữa, không biết con có tìm được không? Ai cũng thổi cơm bằng nồi cơm điện, bấm cái nút xong là xong, nên không dùng đũa Cả, và khi bới cơm ra chén thì họ dùng cái muỗng làm bằng nhựa múc cơm ra.

-Cô biết rồi, nhưng cứ tìm mua cho cô, chọn đôi nào đừng dài quá và mỏng mỏng một chút.
Đã 45 năm ở Mỹ, tôi vẫn dùng đũa Cả, dùng trong bếp cho rất nhiều việc. Ngoài việc xới cơm, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng một chiếc để khuấy bột làm bánh, khuấy nồi chè, ngay cả khuấy nước xốt nấu mì Ý. Tôi dùng đôi đũa Cả thấy nó gần gũi thân thiện với mình, thấy nó quê nhà quá đỗi! Chữ “Cả” gợi cho tôi rất nhiều hình ảnh thân thiện về thân tộc, về quê nhà. Như người con gọi “mẹ Cả” không phải là mẹ đẻ ra mình, mà là người vợ đến trước với cha mình, người đó cũng là người “vợ Cả” của cha. Con lớn nhất trong nhà là anh Cả, chị Cả.
Đôi đũa cả đã từng xuất hiện trong bữa cơm gia đình Việt Nam ngày trước. (Hình: 1946.vn)
Vì anh Cả cho nên anh phải nhận lãnh trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, cha mất anh được “Quyền huynh thế phụ.” Thay cha dạy bảo, dựng vợ, gả chồng cho các em. Vợ anh là con dâu Cả phải chia chung trách nhiệm đó với chồng. Chị Cả, người lớn nhất trong gia đình trách nhiệm cũng quan trọng không kém. Nếu chẳng may cha mẹ mất sớm chị cũng sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình, không lấy chồng, nuôi các em ăn học.
Đôi đũa Cả lớn nhất trong bếp so với những đôi đũa trên mâm cơm và ngay cả đôi đũa Bếp chỉ dùng để xào nấu, vì đũa Bếp chỉ có chiều dài, to hơn đũa ăn cơm nhưng không to bằng đũa Cả. Mỗi lần tôi cầm chiếc đũa Cả lên tôi nhớ đến những chữ: Mẹ Cả, anh Cả, chị Cả, nhớ đến câu nói lý thú tả cảnh tham lam của người đàn ông trong hôn nhân nữa: “Vợ Cả, vợ Hai, cả hai đều là vợ cả.” Ai muốn hiểu thế nào cũng được, nhưng riêng ông chồng thì muốn ôm “cả Cả và Hai” vào lòng.
Lan man ra tới chữ “Cả” còn thay cho chữ “Cái” nữa, như con sông lớn gọi là con sông Cái, vì là con sông Mẹ (người ta không dùng chữ sông Cả) Chữ “Cái” chính là Mẹ “Nàng về nuôi Cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.” Chữ Cái thường đi theo chữ Con như sông Cái chia nhánh ra thành những sông Con, ngôn ngữ gợi lên hình ảnh gia đình người Mẹ sinh ra các con, đi về muôn ngả. Sông Cái, nghĩa chữ là “sông Mẹ.”
Nhiều dân tộc ở Đông Nam Á có thói quen gọi sông lớn nhất trong vùng là “Sông Cái,” như người Thái và Lào gọi sông Mekong là “Me Nam Khong.” Sông lớn sông nhỏ đều có sóng, câu “Gặp cơn sóng Cả đừng ngả tay chèo” người đi sông nước hàng ngày đều nhớ.
Rồi trong ngôn ngữ đời thường người ta dùng chữ “Cái” rất nhiều, như cục men chính để gây giấm người ta gọi là “giấm Cái,” người Mỹ cũng dùng chữ Apple cider vinegar with the “Mother” (Mẹ giấm). Cây cột to nhất bác thợ mộc gọi là “cột Cái,” thợ Cái (là thợ chính). Có Cái thì phải có Con, những cây cột còn lại để làm nhà gọi là “cột Con.” Lại còn ngón chân Cái, ngón tay Cái, cửa Cái, rễ Cái, đường Cái nữa…
Hiện tại hiếm khi chúng ta thấy được những đôi đũa cả như vậy trong bữa cơm gia đình nữa. (Hình: 1946.vn)
Người phụ nữ cưu mang sắp tới kỳ sinh nở, người ta nói: Đã “Cả bụng” rồi, tức là to lắm rồi. Con cái hư hỏng thì người Mẹ cũng phải chịu trách nhiệm vì “Con dại Cái mang.”
Cứ việc gì cưu mang, có gì trách nhiệm thì được gọi là Cái là Cả, được giao cho người Mẹ hết. Nhưng người đàn ông mang chức vị to nhất trong làng quê Việt Nam thì được gọi là “Hương Cả.”
Chữ “Cái” đi vào lịch sử là “Bố Cái Đại Vương” thì cũng thuộc về người đàn ông. Theo sách Việt Điện U Linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy.
Tôi yêu những đôi đũa Cả vì nó luôn luôn gợi cho tôi hình ảnh của người mẹ, người vợ. Đôi đũa Cả không hề lạc lõng trong ngôi nhà Mỹ này, nó luôn luôn có việc để làm, nó chia chung những hạt cơm trong bát cho mọi người trong gia đình, nó quậy bột làm bánh, nó quậy nồi chè, quậy xốt cà chua nấu mì Ý. Thỉnh thoảng tôi hay cầm một chiếc đũa Cả giơ lên, răn đe các cháu khi chúng phá quá… (Bà chỉ dọa thôi, chưa dùng đũa Cả đánh cháu bao giờ).
Mỗi lần chạm tay vào đôi đũa Cả, tôi thấy như mình được chạm vào một bụi tre ở quê nhà, đôi khi nhắm mắt lại tôi còn nghe được tiếng gió xào xạc trong những bụi tre.
Tôi yêu những dòng sông trên quê nhà, những dòng sông được gọi là sông Cái, sông Con, những dòng sông mang phù sa, mang tôm cá đến cho người dân như những người mẹ mang cả đời mình cho con cháu.
Một góc sông Sài Gòn, Việt Nam. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP via Getty Images)
Khi đọc cuốn “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” của Bác Sĩ Ngô Thế Vinh tôi thấy được cả một mối lo lắng to tát của tác giả khi phải đối diện với các khúc sông Mekong từ thượng nguồn Vân Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt xuống tới Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam, khi tác giả chứng kiến tận nơi Đồng Bằng sông Cửu Long một ngày một suy thoái vì sự khai thác hủy hoại của con người. Ai là người sẽ ngăn chặn được dự án của Trung Quốc xây cất 12 con đập ở hạ lưu Lào và Cam Bốt mà hậu quả của nó mang tới cái chết dần dần cho Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Hãy đọc một thêm một đoạn trong bài viết “Khóc Một Dòng Sông” của Nguyễn Thị Hậu (tiến sĩ khảo cổ) khi tác giả đi thăm dòng sông chính Mekong để thấy “Sông là Mẹ”: “Dòng sông Mẹ bao dung rất mực đã trân mình nuôi hàng trăm triệu đứa con nhưng tất thảy đều vô ơn không một lần quan tâm đến sức khỏe của Mẹ. Chỉ đến khi mỗi bữa ăn thiếu đi con cá, hụt một chén cơm, một ngày nhận ra cơn khát nước ngọt đang gần lắm… mới hiểu rằng Mẹ Mekong đã kiệt sức lắm rồi!”
Mỗi lần nhìn dòng nước có cái ngã ba trước của nhà tôi, tôi hay bâng khuâng nhớ đến câu hát “Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà.”
Chúng ta đi, mỗi người mang theo quê hương trong hồn một cách khác nhau. Tôi đi… mang theo đôi đũa Cả và những dòng sông. (Trần Mộng Tú)
*Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Canh Tý 2020

No comments: