_______________
NGÔ QUANG HÒA
Thời gian ơi! Xin dừng lại ....
Hôm nay nhà bà Tư rất nhộn nhịp. Nhiều cô gái trong xóm đã tụ về bên chái hè lăng xăng như có đám tiệc. Bà Tư về đây sống mới hơn vài tháng. Lúc trước bà có một căn phố lầu ở chợ quận. Sau lần “đánh tư sản” thì gia đình ông bà Tư không còn nơi trú ngụ. May thay, một người bạn cũ hay đúng hơn là một người từng chịu ơn ông bà đã nhường lại cho ông bà căn nhà cũ với giá rẻ. Nhà nằm khuất trong khu dân cư lao động nhưng khá rộng rải, mát mẻ.
Những ngày đầu tiên về nơi ở mới, bà Tư lúc nào cũng tươi cười chào hỏi thân thiện với mọi người. Bắt tay vào cuộc sống mới, việc sinh nhai bây giờ là những khuôn bánh bông lan, khuôn bánh kẹp, khuông bánh in… Những thứ này người ta không thèm khi tiếp quản căn phố của gia đình bà. Anh Thắng, người con trai của gia đình, đang học đại học ở Sài Gòn cũng bỏ học về cùng gia đình lo chuyện cơm áo.
Út Đào, một cô gái trong xóm được bà quan tâm nhiều nhứt. Con gái ở chợ mà nước da mặn mòi, rắn chắc như gái quê. Không trắng trẻo như các bạn nhưng út Đào lại có làn da mịn màng, đôi má núng nính thật dễ thương. Út Đào là người đến với bà ngay từ những ngày đầu bà về sống nơi đây. Cô ta có vẻ thích thú với việc bếp núc và thường xuyên có mặt đỡ đần một tay khi bà Tư làm bánh trái. Những đứa trẻ trong xóm đến đếm bánh và mang đi bán khắp nơi trong chợ. Chiều đến, chúng quay trở về trả tiền bánh cho bà. Dần dần, bà chỉ làm mỗi thứ bánh bông lan vì thứ bánh này bán chạy nhứt.
Sau mấy năm đời sống khó khăn, năm nay gia đình bà Tư có phần ổn định và khấm khá. Bà Tư quyết định tết năm nay sẽ có nồi bánh tét để cúng rước ông bà. Bà gọi các cô gái trẻ trong xóm đến để tiếp tay.
Các cô gái tập trung bên chái hè, chia ra ngồi dọc theo hai bên chiếu quanh những thứ đã chuẩn bị cho việc nấu bánh tét. Họ nhao nhao cười đùa :
- Dì Tư ơi, tụi con đâu có biết gói bánh tét đâu.
- Ừ thì hôm nay dì gọi bây đến để tập tành rồi dần dần sẽ làm được thôi. Hồi nhỏ, ở quê dì cũng có biết làm bánh trái gì đâu, nhưng năm này tháng nọ học hỏi rồi làm được. Hồi xưa, ở nhà quê có đám tiệc thì làng xóm xúm lại chung tay lo việc nấu nướng. Bây giờ về chợ, nhà ai nấy ở, việc ai nấy lo, thấy mà buồn… Thôi bắt tay vào việc đi. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn rồi.
Bà Tư lật từng miếng lá chuối đặt lên cái mâm nhôm bắt đầu gói chiếc bánh đầu tiên. Bằng những động tác thật chậm rãi và khéo léo bà nhắc nhở các cô gái chú ý theo dõi để bắt chước. Thỉnh thoảng bà Tư dừng tay lại, giải thích một vài chi tiết quan trọng khi gói bánh. Không bao lâu, bà đã đưa chiếc bánh lên cho mọi người ngắm.
- Bây giờ các con bắt đầu đi nào. Nhớ là một tay phải giữ chiếc bánh cho tròn và tay kia thì luồn dây lạt cột chặt chiếc bánh nhé. Khi chưa quen thì hai đứa cùng gói một chiếc bánh, bốn tay cùng làm thì sẽ dễ hơn.
Các cô gái bắt đầu lăng xăng lựa lá và gói bánh. Tiếng cười đùa rộn ràng bên chái hè. Thỉnh thoảng, bà Tư ngừng tay, đảo mắt rồi nhắc nhở, chỉ vẽ thêm vài chi tiết nhỏ.
Mãi đến chiều tối công việc mới kết thúc. Các cô gái ai về nhà nấy. Bà Tư căn dặn mấy đứa trưa mai nhớ ghé lại nhận bánh về cúng rước ông bà. Út Đào vẫn ở lại với bà Tư để chuẩn bị nấu bánh. Út Đào gom phần lá chuối còn lại sấp vào đáy nồi rồi chất bánh vào đó. Tư Thắng múc nước đổ ngập bánh rồi nhóm lửa bằng những bó lá dừa.
Bà Tư bước ra nói với út Đào :
- Đào, con về tắm rửa nghỉ ngơi đi con.
- Dạ được rồi dì, con xin phép về nhà một chút, thay đồ và trở lại canh nồi bánh tét.
- Ừ, rảnh thì lại thay phiên canh lửa với anh Thắng con. Hai đứa nhớ chụm củi giữ lửa cháy đều để bánh không bị nín.
- Bánh nín là sao dì Tư ?
- À, bánh nín là chín không đều, nếp sẽ bị sượng đó. Con gái nấu bánh tét sượng là bị mẹ chồng quở đó nha.
Có bà Tư về ở trong xóm, các cô gái thường tụ lại nhà bà để gói bánh tét, bánh ít trong những dịp giỗ kỵ quanh xóm. Không khí vui vẻ ấm áp quanh năm. Được mấy năm thì bà Tư chẳng may ngã bịnh rồi qua đời. Từ đó, việc làm bánh trái không còn tiếp tục nữa. Rồi các cô gái, người thì theo chồng xa xứ, người thì bôn ba tìm việc sinh nhai. Xóm cũ lại thưa người, trầm lắng, buồn buồn…
*
* *
Thắng đảo quanh khu bánh mứt, dán mắt lên những kệ trưng bày hàng tết. Những chiếc hộp giấy in màu sắc đẹp đẽ, những thùng bánh có những chữ nước ngoài rất hấp dẫn, các loại kẹo mứt đầy vun trong những thùng giấy cạc-tông rất bắt mắt. Không biết có ai quan tâm đến bánh mứt trong đó không nữa.
- Anh Thắng…Anh Thắng.
Thắng xoay người nhìn dáo dác.
- Đây nè anh Thắng ơi…
Thắng đảo mắt tìm kiếm và bước lần tới. Một cô gái đứng hơi khuất cạnh một quầy bánh kẹo vẫy chiếc nón lá hướng về Thắng. Anh ta bỗng trố mắt, bước nhanh tới và vui mừng
- Ủa..! Út Đào ! Lâu lắm rồi anh mới gặp lại em. Dạo này em ở đâu, có khỏe không ?
- Dạ, lâu nay em theo má em về sống bên cù lao, cũng khỏe anh ơi.
- Vậy hả ? Má em vẫn khỏe hả ? À, mà em sống với ai nữa ?
- Da, má em vẫn khỏe. Thì em sống với má em.
- À… Anh muốn hỏi còn với ai nữa đó mà !
- Thì vẫn mình ên với má em thôi.
- Vậy sao ! Bấy lâu nay em làm gì vậy ?
- Dạ, em đổ bánh bông lan bán ở chợ cù lao. Năm nay em gói thêm bánh tét rồi qua đây bán chợ Tết.
- Vậy hả ! Út Đào giỏi thiệt đó.
- Dạ cũng nhờ ngày trước má chỉ vẽ cho em nên mới làm được đó.
- Em nói má, mà má nào vậy ?
Có khách đến mua bánh, Đào quay lại chào hàng. Thắng nhìn qua những lớp bánh tét xếp ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ. Anh nhủ thầm út Đào gói bánh khéo đâu thua gì má mình ngày xưa ! Khách nhận bánh đi rồi út Đào soạn lấy hai cặp bánh gói lại trao cho Thắng :
- Anh Thắng cho em gởi mấy đòn bánh về cúng rước ông bà nha.
- Út Đào gói bánh tét khéo lắm đó. Cái này bao nhiêu tiền anh gởi cho út.
- Cái anh này… Sao lại trả tiền chứ ! Ngày trước má đã cho em nhiều lắm, bao nhiêu đây đâu thấm thía gì cái tình của má dành cho em. Anh mà hổng nhận là em giận đó nha.
- Má rồi má rồi má… mà má của ai ?
- Ơ… thì…thì… má… má Tư của tất cả bọn em trong xóm cũ đó…
- Ừ thì anh nhận vậy. Thôi anh về nhe…hôm nào…
- Anh Thắng nè… Bánh nào có cái gút ở đầu dây là “nhưn” mặn, còn lại là “nhưn” chuối đó… Chút…chút nữa xong buổi chợ, em ghé lại thấp nén nhang cho má… nhe.
Thắng còn nghe thoáng qua từ một cửa hàng điện máy câu hát nỉ non “… Anh còn nợ em, chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm…”
No comments:
Post a Comment