Sunday, April 26, 2020

KỂ CHUYỆN NGÀY XƯA 3 ĐÀ NĂNG TRONG TÔI.

________________________

ĐỖ DUY NGỌC

Thật ra tui chẳng còn bà con, anh em, họ hàng chi ở Đà Nẵng. Đà Nẵng lại không phải là chốn chôn nhau cắt rốn của tui. Gia đình tui vốn là dân di cư 54, vào trú ngụ ở Đà Nẵng. Và tui lớn lên ở đó. Tuổi thơ tui ở đó. Tuổi thanh niên của tui ở đó. Những kỷ niệm đầu đời của tui cũng ở đó. Những tháng năm đẹp đẽ đầy những ký ức buồn vui của tui cũng ở chốn này. Thế nên Đà Nẵng thành quê hương của tui. Và cũng vì vậy, tui thường về lại thành phố này. Để tìm về những kỷ niệm, để hoài niệm những ký ức đã bị đánh mất, để tìm gặp lại những người bạn của một thời. Gặp bạn cũ để nhắc nhớ lại những chuyện của một thời trẻ trai, những chuyện nhắc để cười mà có những giọt lệ nơi khoé mắt.

Đà Nẵng bây giờ không còn là Đà Nẵng thời tui còn ở nơi chốn ấy. Có đôi lần trở về, đi lang thang trên những con đường cũ, lại có cảm giác như đang đi giữa thành phố lạ. Tất cả đã đổi thay. Hơn nửa thế kỷ tui đã không còn là dân ở thành phố này. Mà biển dâu thì biến đổi rất mau, nhất là qua những cơn binh biến của lịch sử.
Hồi xưa, nhà tui ở gần khu ngã tư chợ Cồn, gần xóm bến xe nên lần nào về tui cũng đứng ngẩn ngơ ở khu này để mường tượng ra cảnh cũ. Tui nhớ gần ngã tư này ngày xưa có một cư xá của hạ sĩ quan Việt Nam Cộng hoà, gọi là cư xá Độc Lập. Vào khoảng những năm 60-65 của thế kỷ trước, đất cư xá còn rộng lắm, chiều chiều tui còn vô đó chạy trên những bãi cát để thả diều. Sau thời gian đó, cư dân của cư xá bắt đầu cơi nới, lấn ra mặt tiền mở hàng quán và hình thành một khu bán bò tái sầm uất ở ngã tư. Đối diện với cư xá bên kia đường là cây xăng, tư cây xăng đi một đoạn là đến đường rầy. Sống bám khu đường rầy là đội ngũ dân lao động, một số làm ăn bằng khai thác vỏ xe hơi cũ, nhìn họ lúc nào cũng lấm lem. Đường rầy chạy vào cuối chợ Cồn, qua khu nhà vệ sinh của chợ lúc đấy khi nào cũng bốc mùi nồng nặc. Đường rầy cũng chạy qua hầm cầu Vồng và đi mãi ra đến Huế. Từ chỗ đường rầy, xuôi theo đường Hùng Vương, có một địa chỉ mà suốt tuổi đi học của tui ngày nào tui cũng nán lại một chút để ngắm những người hoạ sĩ đang vẽ, đó là tiệm vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu. Dù không dạy tui phút nào, nhưng ông là người thầy đầu tiên dẫn dắt tui đến với hội hoạ và yêu sắc màu. Đến khi lớn lên, chọn con đường mỹ thuật để học tập, sinh sống và làm nghề, trong thâm tâm lúc nào tui cũng mang ơn ông.
Đi xa hơn nữa xuống đường Hùng Vương cũng có một địa chỉ cũng gây cho tui ấn tượng và ghi trong trí nhớ là tiệm ảnh Phụng Ký. Tui nhớ địa chỉ này vì hồi đó bà Phụng Ký không chỉ là người phụ nữ hiếm hoi làm nghề chụp ảnh mà còn vì nhà này còn có một chuồng chim rất lớn ở sân nhà, tui thường đi ngang đứng nhìn chim nhảy nhót và chờ tiếng hót của chim vì tui là thằng bé rất mê chim. Sau này gặp và quen nhiếp ảnh gia Hà Quốc Tấn, con của bà Phụng Ký, mỗi lần gặp anh Tấn lại nhớ cái lồng chim to đùng đầy tiếng hót của tuổi thơ.
Trở lại ngã tư chợ Cồn, phía bến xe là một dãy hàng quán. Tui nhớ có bánh mì ông Tý, lúc đấy ông có chả rất ngon. Mạ tui thích ăn bánh mì của ông này nên thường sai tui ra mua, lần nào tui cũng nhón một miếng chả trong ổ bánh mì mà nhâm nhi trên đường về, lúc đó cảm thấy ngon ghê lắm. Cạnh bánh mì ông Tý lại có bún bò bà Hưng. Gia đình bà Hưng ở trong xóm tui, chồng là thợ may, vợ bán bún bò, ông bà có nhiều con trong đó có hai cô con gái làm vợ hai người bạn của tui, giờ đang định cư ở Mỹ. Bún bò của bà so với bây giờ thì mới đúng là bún bò Huế. Bún thơm mùi ruốc, nước sóng sánh màu đỏ au, thịt thơm béo, húp đến đâu biết đến đấy. Hồi đó nhà tui đông con, nên cũng không thường xuyên ăn được bún bò ở tiệm hay hàng quán, chỉ nấu ở nhà, nhưng tui được số lần ăn quán đấy, mùi thơm của bát bún còn đọng lại đến bây giờ.
Bên kia đường là một dãy tiệm tạp hoá bán hàng sỉ và lẻ, hồi đấy gọi là kiosque. Tui có mấy người bạn là con của chủ các tiệm này. Năm 1963, Mạ tui sinh cô con gái thứ năm, chắc là Mạ tui thiếu sữa nên cô này uống sữa SMA, tui thường ra những tiệm này mua sữa. Sữa này béo lắm, ngon giàn trời. Sữa của em nhưng tui cũng hay lén ăn vụng một muỗng, ngậm trong miệng cho nó tan dần, ngon gì đâu. Đầu dãy này là nhà sách Văn Hoá. Đây có thể là nhà sách lớn nhất Đà Nẵng thời ấy. Tui nhớ sách báo nhiều lắm, mà tui vốn là thằng rất mê sách nên trên đường đi học tui thường lạng vào đảo một vòng xem sách. Chủ tiệm là người đàn ông nói tiếng Huế, tướng mạo rất nho nhã, phong cách rất trí thức. Gần nhà sách là Pharmacie Hùng Vương, con chủ nhà thuốc này có quen với tui, hắn đen nhẻm mà em gái hắn thì lại trắng như cô Bạch Tuyết trong phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Xuống nữa gần Trung tâm cải huấn nhốt tù rồi tới một kho đạn có một cây xăng nhỏ và nhà sách Ngày Mới nhưng nhà sách này lèo tèo lắm.
Nhắc đến sách mà không nhắc đến ông già Tàu cho thuê sách ở đường Ông Ích Khiêm đối diện cái bồn nước to đùng là một thiếu sót lớn. Tiệm cho thuê sách của ông nhỏ thôi, nhưng sách gì cũng có, nhất lâ sách kiếm hiệp, là loại sách thời thượng lúc đó. Tui là khách hàng thường xuyên của ông, ông có trí nhớ đại tài, ông nắm rất rõ trong hàng ngàn cuốn sách ông có, cuốn nào đã cho thuê, cuốn nào đang có mặt, ông nói không cần phải nhớ. Những cuốn sách đóng chỉ, mang dấu qua tay biết bao người, bìa bọc bằng giấy xi măng trên đó ghi chi chít ngày thuê là niềm đam mê một thời tuổi mới lớn của tui. Đọc ngày đọc đêm, ba tui cấm thì mang vào cầu tiêu đọc, tối đi ngủ thì trùm mền dùng đèn pin soi mà đọc, đọc đến hư mắt luôn, càng cấm càng đọc, bị dánh đến tét đít ứa máu vẫn đọc. Ôi cái thời ham mê chữ nghĩa đến cuồng điên.
Đối diện với bên nhà sách Văn Hoá là chợ Cồn. Mặt ngoài chợ Cồn cũng có một dãy kiosque. Địa chỉ tui nhớ nhất của dãy hàng quán này là tiệm cà phê Xướng. Tui nhớ mãi tiệm này là vì sáng nào cũng mua cho Ba tui ly cà phê thơm phức mùi cà phê có chút bơ Bretel, và cũng vì ở quán này có món bánh mì thịt ngon nhức nách mà đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua tui vẫn thấy còn ngon. Nhắc đến ổ mì thịt ở đây, mùi ngũ vị hương vẫn ngạt ngào, màu nước thịt sóng sánh như mật vẫn như còn trước mắt và cái mùi thơm. Ôi chao! Cái mùi thơm đó theo tui đi năm châu bốn bể mà chẳng tìm được ở đâu. Có lẽ đó là mùi của ký ức, mà đã là mùi của kỷ niệm thì biết tìm đâu cho thấy nữa khi bụi thời gian đã phủ che hết cái hôm qua.
Từ chỗ cà phê Xướng đi xuống đường Khải Định còn một chỗ tui còn nhớ nữa là một tiệm bán nước mắm. Có một thời gian tui thích cô con gái của tiệm này. Cô ấy học trường Bồ Đề, người cao dong dỏng, đi học mặc chiếc áo dài thời trang lúc ấy là tà ngắn, eo hơi hở một chút, nhìn đẹp lắm. Hôm nào đi học đi qua đấy cũng tìm cách ngó vào. Chiều nào cũng lạng qua trường Bổ Đề để xem em tan trường về rồi tối về ngủ mới ngon giấc. Cô ấy giờ này đã là bà nội bà ngoại, có khi là bà cố rồi. Thế nhưng lần nào về Đà Nẵng tui cũng cố trở lại khu nhà đó, dù đã đổi thay nhiều, chẳng còn như cũ nữa, nhưng tui vẫn tưởng tượng ra cô gái trẻ và xinh xắn đang ngồi trong tiệm nhỉn ra và bên đường có một chàng trai trẻ đang say đắm nhìn vào. Thế rồi cảnh cũ không còn nữa, người xưa đi mất rồi, chỉ còn lão già gần tuổi bảy mươi ngẩn ngơ với những đổi thay, tất cả chỉ còn cảnh phố xa lạ, những khuôn mặt xa lạ, chốn xưa không còn là chỗ của mình.
Lần này không biết là lần thứ bao nhiêu tui trở lại Đà Nẵng, và cũng như mọi lần, tui thấm cảnh bể dâu và ý thức mình đã già. Người già thường quay đẩu lại để nhớ tiếc quá khứ, thường hay nhớ những kỷ niệm đã qua đi, thường nhớ về những ký ức đã không còn tìm lại.
Tui đã già thật rồi.
Đà Nẵng-Sài Gòn
Tháng 5.2019
DODUYNGOC

No comments: