Monday, November 4, 2013

Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ -ALASKA, trời mây viễn phương

__________

Nguyên Nhung


( Bút Ký này sẽ in trong tác phẩm “Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ,2014)
                             



                              ***********************





Chuyến bay từ Houston đến vùng sa mạc Arizona, chuyển tiếp đến Seattle, bỏ lại những giọt mồ hôi cho hai  miền đất nóng tình sôi và khô cằn sỏi đá. Tôi đã nhìn thấy cao nguyên tình xanh trong một ngày nắng đẹp. Hiện dần trước mắt tôi những con dốc ngoằn nghoèo , những ngọn thông xứ lạnh chưa bao giờ  đẹp hơn thế chen lẫn với những cây phong, hình như đã sắp đổi màu khi mùa thu đến.

Cao nguyên tình xanh đây rồi, phải đặt chân xuống đất và đi trong cái se se lạnh như đất trời Đà Lạt mới cảm thấy hết cái kỳ thú của cao nguyên tình xanh. Một chút lạnh vừa đủ vào buổi sáng, một chút nắng lung linh vào buổi trưa, một chút gió se se của buổi chiều len vào căn nhà của anh chị Thanh bao quanh là một khu vườn đẹp. Xứ này nhiều mưa, vì thế khi mùa Đông rét lạnh vừa qua, những cơn mưa núi đổ xuống khiến rừng cây bừng bừng sức sống, du khách không khỏi bỡ ngỡ khi thấy bạt ngàn hai bên xa lộ, những rừng cây lại mau xanh đến thế, và nó vẫn xanh tươi mãi cho hết một mùa hè nhờ những cơn mưa.


Hôm ấy là ngày hội ngộ của gia đình Cát Trắng Nha Trang. Gọi là gia đình cũng đúng vì đây chỉ là một buổi hội ngộ hằng năm, của một số cựu nữ sinh cùng lớp cùng thời với nhau. Theo như chuyện các chị kể  thì  ngôi trường nằm gần bờ biển có hàng phi lao vi vút, sân trường là bãi cát trắng phau phau, nơi các nữ sinh thường gặp nhau mỗi buổi sáng trong giờ tập thể dục. Nhớ ngôi trường là nhớ những tà áo trắng học trò, nảy nở thêm bao mối tình đẹp vì Nha Trang cũng là thành phố của quân trường, nhiều mối tình anh tiền tuyến em hậu phương cũng từ đây mà trôi nổi theo dòng đời đi bốn hướng. Họ đa số là vợ lính, chia xẻ cảnh đơn chiếc khi xa chồng trong thời chinh chiến, chịu nhọc nhằn đau khổ cùng chồng sau cuộc chiến tàn, và cũng từ miền đất biển này, Nha Trang cũng là đất cơ hội để họ theo con tàu vượt sóng  đi tìm tự do.

Sáng sớm hôm đó, sau bữa điểm tâm thật ngon miệng với ly cà phê sữa nóng, một ngày tuyệt đẹp nữa lại đến, hình như ông trời đãi ngộ cho khách phương xa những ngày đẹp trời thay vì những cơn mưa sụt sùi đổ xuống cao nguyên tình xanh. Mọi người đi thăm một vài nơi đặc biệt của Seattle, qua cây cầu nối dài giữa hai bờ của con kênh đào nối liền hai hồ Washington và Union có mực nước chênh nhau khá cao.

Anh Hoàng Thanh, cư dân của cao nguyên tình xanh là người am tường hiểu rất rõ về con kênh này, vì thế ai cũng tò mò  vây quanh để nghe anh giải thích câu chuyện về con kênh và loài cá hồi bơi ngược nguồn nước. Nhưng phải vài ngày sau khi chuyến Cruise của hãng Princess ghé bến Alaska, chúng tôi mới thực sự thấy được hình ảnh của những đàn cá hồi, bơi ngược nguồn nước tìm về nơi ra đời của chúng.

Ngày hôm sau, từ nhà anh chị Thanh ra bến cảng Seattle khá xa, số người đi khoảng 30 người nên từ đêm hôm trước, mọi người đã phải chuẩn bị hành trang để sáng hôm sau lên đường. Có lẽ đây là một trong những chuyến Cruise cuối cùng trong năm vì cứ hết tháng Chín, những chuyến Cruise đi Alaska tạm ngưng cho đến đầu mùa hè sang năm, lý do dễ hiểu là miền Bắc Cực mùa đông đến rất sớm, chỉ cần tuyết rơi vài trận là đường xá đóng băng, những con đường đi lên núi sẽ không vận chuyển được.

Một chuyến xe bus mới đủ chỗ đưa mấy chục người ra bến cảng, đây là lần đầu tiên tôi được thấy du thuyền Princess đồ sộ như một  cao ốc khổng lồ đang nằm chờ khách trên bến tàu. Mãi xế chiều tàu bắt đầu chuyển mình ra khơi, biển rẽ sóng đưa tàu đi vào vùng Bắc Thái Bình Dương, gió thổi mạnh và sóng lớn nên tàu lao chao lắc lư khiến nhiều người bị say sóng.Sóng cứ tiếp tục lắc mạnh, nhiều người lảo đảo đi không vững, càng ra xa các đợt sóng càng cao hơn và đánh mạnh vào thân tàu. Cuối cùng khi tàu tiến ra biển Bắc Thái Bình Dương, sóng cũng dịu đi và mọi người toả ra đứng dựa vào lan can tàu nhìn ra mông mênh đại dương.

Alaska là tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ, rộng 591.004 dặm vuông với dân số khoảng bảy trăm ngàn dân, đó là ước tính của nhiều năm trước, sau này có nhiều người đã rời Alaska để lập nghiệp ở các tiểu bang miền nắng ấm. Cũng vì khí hậu khắc nghiệt như vậy nên chính phủ Hoa Kỳ đã có nhiều ưu đãi cho những cư dân ở đây. Đường xa hằng vạn hải lý, con  tàu cứ thế phăng phăng lướt sóng, như một thành phố nổi có đầy đủ tiện nghi và các thú giải trí như shopping, nơi đọc sách, tỉa hoa bằng trái cây, casino , hồ bơi và nhà hát.

    Sau 1 ngày 2 đêm tàu cập bến thành phố Juneau thủ phủ cuả tiểu bang Alaska, biển xanh thẳm như mây trời xanh thẳm, Alaska trùng trùng núi non và cây rừng. Khi mùa Đông qua xuân đến, khí hậu ấm dần lên tuyết tan từ đỉnh núi, bao nhiêu nước chảy thành những dòng thác nhỏ rồi tụ vào nhau thành nhiều con suối  rộng, ghềnh đá lởm chởm chất lên nhau nước tung bọt trắng xoá.
Thủ phủ của AlaskaJuneau, có khoảng gần 40.000 dân và kinh tế của tiểu bang là du lịch và hải sản. Như một hòn đảo lớn nằm ở phía Bắc Thái Bình Dương, hằng năm du khách đổ về đây thăm viếng khá đông, và phương tiện giao thông đều bằng đường thuỷ.
Rất tiếc khi đến đây đã cuối hè, chúng tôi không được đi xe chó kéo trên băng, nhìn ra phiá xa tuyết vẫn phủ trắng trên những ngọn núi cao, băng vẫn đông cứng màu trắng lạnh lùng và xanh lơ của nước biển.  Lang thang  một ngày trên phố, Alaska bừng bừng lên sức sống vì phố núi xanh bóng cây như hớn hở vẫy tay chào du khách, lên cao nhìn xuống biển phong cảnh thật hữu tình. Tàu lại rời bến, và GLACIER là điểm đặc biệt nhất của ALASKA mà ai cũng muốn biết, đó là những tảng băng trôi trên biển lạnh.

Buổi sáng hôm đó khi mặt trời lên đã thấy du khách lên trên boong để ngắm băng sơn trôi trên biển. Nơi này cách Juneau khoảng 90 dặm về hướng Bắc. Tàu chạy chậm lại, mọi người đổ xô ra hành lang tầng trên của con tàu để ngắm băng bập bềnh trôi từng tảng lớn, nhỏ trên mặt nước, ai cũng phải suýt soa vì vẻ đẹp của thiên nhiên.Núi đá trơ trụi mờ mờ trong sương in bóng xuống mặt nước biển màu xanh lơ, Alaska có vẻ đẹp lạnh lùng hiếm có vì sơn thuỷ giao hoà, sự tĩnh lặng câm nín của Núi khiến lòng người trở nên tĩnh mịch. Không biết ai ra sao chứ riêng tôi thì chuyến đi thăm ALASKA là chuyến du lịch thú vị nhất, thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng băng giá này nhiều cảnh đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, vừa xanh tươi lại vừa băng giá, hấp dẫn như một thiếu phụ chín muồi tuổi tình yêu, cũng như sự từng trải của dòng đời. Núi non chập chùng phản chiếu dưới làn nước biển, đỉnh núi lại óng ánh màn tuyết trắng và ẩn mờ trong sương, bồng lai tiên cảnh nào hơn!


Tàu trôi trên biển lừ đừ cho mãi tới sáng hôm sau lại đến một thành phố khác mang tên là SKAGWAY, cách Juneau 90 dặm về phía Đông Bắc. có nhiều núi băng và dân cư thật là thưa thớt. Một cái lạ dù nơi nào lạnh lẽo cách mấy cũng có dấu chân loài người tìm đến, có thể họ là những thổ dân lâu đời đã quen sống ở xứ tuyết nên không muốn đi đâu. Tuy vậy vào mùa hè, nhờ số du khách đổ tới, có ngày tới ba con tàu cặp bờ mà số người lên đến hằng chục nghìn. Cư dân ở đây sinh sống bằng nghề săn bắt nai, gấu, chim ưng và ó biển, dưới nước thì có cá hồi, cá voi. Đặc biệt trên bầu trời xanh thẳm của núi rừng SKAGWAY, những cánh chim ưng bay lượn để tìm mồi, cá hồi ngược nguồn chết trên sông suối là món ngon của loài chim và gấu. Chỉ mấy tháng thôi khi vào đông trời rét lạnh, những bóng chim cũng biền biệt bay về miền nắng ấm….

Đây cũng là nơi cách đây hằng trăm năm có những người tìm đến  khai thác mỏ vàng, vẫn còn dấu vết qua hình ảnh bức tượng hai người đi tìm vàng thuở ấy. Nay mỏ vàng không còn nữa, lớp sóng người tiên phong đi về miền băng giá đã chôn vùi trong quá khứ, nhưng cư dân vẫn sống bằng nghề chài lưới, săn bắt thú rừng, hải cẩu và cá salmon thì nổi tiếng trên thế giới.


Chúng tôi lên kịp chuyến xe lửa ì ạch chạy từ biển lên núi, điểm cuối cùng gặp nhau là biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ, có những lá cờ bay phất phới. Nhìn cảnh này mới thấy sự tôn trọng chủ quyền biên giới của các nước khác xa với quê mình khi lãnh đảo, lãnh hải đang bị nước lân bang xâm lấn.Mặc dù chuyến “tour” xe lửa không rẻ lắm nhưng nghìn năm một thuở mới tới đây, đặc biệt hơn nữa là khi tàu lên cao dần theo triền núi thoai thoải, du khách tha hồ nhìn ra phía xa hay nhìn xuống dòng sông, thác đổ trong rừng cây hay những ngọn núi nửa chìm trong mây, nửa phô mình thả xuống những dòng thác bạc. Chuyến về con tàu chầm chậm đi xuống, lại có dịp nhìn về phía trong vách núi, mới thấy cơ man nào là những cây thông nhỏ xíu mọc cheo leo trên triền núi, nhỏ xíu như những cây “bonsai” mà lại chi chít vào nhau như một cánh rừng. Ấy là vì vào mùa hè khi tuyết tan thành suối, thác đổ trắng xóa hay nước ẩm ướt mà cây đâm chồi nảy lộc từ khe núi, lâu năm còi cọc cũng chỉ có thế thôi, nhưng vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt.

    Thiên nhiên ưu đãi cho Alaska một mùa hè  thật tươi tắn, y như cô gái sau mùa đông trút bỏ lớp áo ngự hàn, để phô bày nhan sắc mượt mà hấp dẫn. Bây giờ là lúc đi xem cá hồi thiên nhiên bơi lội trong các dòng suối cạn. Từng đàn cá hồi không biết ở đâu chen nhau bơi ngược trên dòng nước, hoặc trên lòng suối nhỏ nằm ngay trong thành phố, xung quanh nhà cư dân cũng có những dòng nước chảy, những con cá hồi vất vả quăng mình lên những tảng đá nhỏ để ngược nguồn, rổi lại bị nước đẩy ngược xuống, nhiều con chưa kịp làm tổ đẻ trứng thì đã tiêu diêu miền cực lạc, thoi thóp thở và lịm dần trong lòng suối.


Nhìn cá mà lòng rưng rưng sầu, tự nhiên mọi người liên tưởng đến những con tàu vượt biển năm xưa nhỏ bé như chiếc lá tre lênh đênh giữa biển cả, bao nhiêu nguy hiểm chờ đón y như  đàn cá hồi đang lao đao trên dòng nuớc ngược. Có tiếng than trong đám người vây quanh bờ suối:

“Trời ơi, sinh chi mà khổ thế này?”

Có ngưòi không hiểu cám cảnh sao đó, nghĩ cá ra người nên kêu lên như tiếp hơi cho con cá đã cố mấy phen mà không sao qua được triền sóng:

“ Cố lên, lạy trời cố lên, tội nghiệp!”

Nghe như tiếng kêu cầu của người dân Việt bỏ xứ ra đi tìm tự do năm nào đang lao đao trên biển cả.Ai nấy đều cảm động và tự dưng nhớ lại những năm tháng đã qua trong dòng đời, Nhìn con cá hồi chết trong dòng nước, người đa cảm chắc không khỏi rưng rưng nước mắt, trong nỗi đau sót đầy cảm thông, như kiếp Nhân Sinh lắm nỗi đoạn trường. Có người nghĩ sao cá không ở biển mà sinh sản , quay về làm chi để chết thảm chết sầu? Tại trời sinh con cá phải quay ngược nguồn để bảo tồn  nòi giống  của cá, như con người dù đi đâu ở đâu lòng vẫn hướng về quê cha đất tổ.

Những ngày vui qua mau, mọi người lại theo con tàu trở về cao nguyên tình xanh, rồi lại bay về tổ ấm. Bỏ lại Alaska hình ảnh những con cá hồi chết trong lòng suối và nỗi ngậm ngùi còn nguyên trong lòng. Thôi thì viết lại tâm sự qua bài thơ Chuyện Con Cá Hồi Vượt Sóng, gửi vào giữa mênh mông để ai muốn nghĩ sao cũng được:

 Chuyện Con Cá Hồi Vượt Sóng

Tôi ngẩn ngơ ngồi bên bờ suối
Alaska chiều mây viễn phương
Dưới khe, đàn cá hồi vượt sóng
Ngược dòng, tất tả về quê hương
        Nước chảy, từ trên nguồn đổ xuống
        Cá quẫy ven bờ ngược nước lên
        Vài thân cá chết vương ghềnh đá
        Gửi nắm xương tàn trong lãng quên
Chuyện kể rằng, con cá hồi nước ngọt
Một ngày kia, bỏ xứ ra biển Đông
Biển phong ba nhưng vẫn là biển rộng
Suối thân quen  nhưng suối rất  hẹp lòng
             
             . . . . . . . . . . . . . .
        
           Bến cũ xưa, nay nhuộm màu hoang phế
           Cá ra khơi rồi đến lúc quay về
           Đời vẫn thế xoay vần cơn dâu bể
           Cá nhớ nguồn, trở lại để sinh sôi
Rồi một ngày, nhớ lại thuở nằm nôi
Chiếc võng đu đưa
Lời mẹ ru buồn não nuột
Dẫu một đời cá vẫy vùng bốn  bể
Vẫn nao nao một chốn để quay về
Giữa biển xa u uẩn một dòng sông
Sóng vỗ sóng, bạc đầu vì thương nhớ
                Rồi một ngày, cá chạnh nhớ quê xưa
                Bơi ngược sóng, tìm về nơi cố xứ
                Trong lau lách, chim kêu lời báo tử
                Đá ngậm ngùi bật khóc giữa hoang vu
Khóc con cá hồi chết trên dòng nước
Ngược sóng tìm đường quy cố hương
Hoá ra cá đã quen mùi biển
Trời nước mênh mông lòng đại dương
              Tôi nhìn cá chết trong lòng suối
              Dẫu về, nhưng có sống được đâu
              Thoáng thấy bóng mình in đáy nước
              Mới đó mà nay đã bạc đầu ...
              Nguyên Nhung, tháng 9 năm 2009.



No comments: