Sunday, November 24, 2013

Cám ơn đời



___________
Lê Quốc


 Sáng nay thức dậy, ông Hai bỗng dưng muốn nói cám ơn Thượng Đế, vì thấy mình còn sống... và cám ơn đời, vì đời đã cho ông nhiều phúc lộc ràn rụa thâm ân. Và ông có thêm một ngày để ngắm mặt trời lên buổi sáng, để nhìn những chùm hoa hồng phơn phớt, những đóa thược dược đỏ thắm sau vườn, để hưởng cái hương vị của một gia đình hạnh phúc, cái may mắn con cái đã trưởng thành và cái ân tình chan chứa của xã hội quanh mình.  
                                                                                                                       Vừa thức giấc, ông Hai không bước vội xuống giường. Ông làm vài động tác "khí công",đưa hai tay quào lên đầu, phía sau 2 vành tay và sau ót, chưn co duỗi cho máu chạy đều - chừng độ vài phút. Không bao giờ ông lơ là hay bỏ quên thói quen mà ông đã học được từ nhiều năm nay.Ông Hai bước xuống giường, vươn vai hít thở, để bắt đầu một ngày mới với một nụ cười...  
                                                                                                                                                                  Ông Hai vốn người lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Ông thích đọc chuyện trào phúng trong văn chương, chuyện tiếu lâm bình dân đến chuyện cười nhuộm màu sắc triết lý như tiếng cười của Trang Tử trong "Cổ bồn ca" - tiếng cười của văn hào Nguyễn văn Vĩnh, tiếng cười để trị bệnh của Francois Rabelais - tiếng cười "khuynh quốc, khuynh thành" của Bao Tự  và  cái cười sống động, an bình thanh thoát, có sinh khí như người thật, của người đàn bà tên Mona Lisa trong bức tranh vô giá " La Gioconda" của họa sĩ thiên tài của nhân loại Leonardo da Vinci - nhà danh họa đã vẻ được cử động trong tranh. Văn hào Andre Mauraux phát biểu trong ngày triển lãm bức tranh : " Nền văn minh nhân loại mà chúng ta đem sinh mệnh ra bảo vệ, chính là đây"                                                                                          
Ông Hai bỗng nhớ đến nhân vật Trình giảo Kim trong truyện Thuyết Đường : Trình giảo Kim . Lão tướng nầy sở trường chỉ có ba búa khi ra trận. Ba búa mà không thắng địch thủ thì quay ngựa chạy dài. Cuối đời - bạn bè, đồng liêu, những người đã từng vào sinh ra tử với mình như Từ mậu Công, Tần thúc Bảo, La Thành, Lý thế Dân...tất cả đều chết hết. Ngó lại - chỉ có mình còn sống. Trình giảo Kim bỗng tức cười quá, cười ha hả, cười vang, cười sặc sụa. cười hả hê, cười rũ rượi, rồi ngã ra chết. Cái chết thật sung sướng vì chết mà vẫn còn cười ! Ông Hai bắt đầu một ngày bằng nụ cười tức là đã mở rộng lòng cho những niềm vui khác đến cho mình, dồng thời mình cũng đem nụ cười đến cho tha nhân. Người không có nụ cười như cỏ cây thiếu nước, thiếu ánh sáng mặt trời. Nghĩ vậy - ông Hai bước ra vườn, cất tiếng cười vang, sảng khoái .


Cuối tháng năm, trời ấm 20 độ C. Cỏ cây bừng sống lại. Mặt trời đã lên khỏi ngọn cây, ánh sáng xoắn xuýt vuốt ve, ôm lấy mấy đóa hoa hồng vừa hé nụ. Có tiếng con chim lạ cất tiếng hót líu lo trên cây phong nhà hàng xóm. Ông Hai nhìn xuống đám cỏ non xanh mơn mởn đang nhú lên rải rác trong vườn. Ông nghe như có một sức sống mãnh liệt đang trở mình dưới lòng đất... trong thân cây căng nhựa, nứt lên những chồi non xanh mướt. Sức sống tuông chảy chan hòa trên cành anh đào, làm bùng nở rộ những chùm hoa phơn phớt, trắng cả một góc vườn. Cây mộc lan tràn trề nhựa nguyên, đang nhú lên những tược màu xanh lá mạ. Cây "Rhododendron" đỏ thắm, chậu  "Azalee" vàng quý phái, cũng toát ra một sức sống kỳ lạ như cuốn hút ông Hai dừng lại rất lâu, để ngắm nhìn âu yếm với "người tình"đang độ xuân thì. 
                                                         
Trời đất, cỏ cây hoa lá, chim chóc hòa tấu khúc nhạc giao hưởng tuyệt vời dưới bầu không khí đầu xuân ấm áp. Thiên nhiên và con người hòa điệu, cảm thông trong khoảnh khắc nầy. Ông Hai thở hít đầy phổi không khí trong lành. Ông nghe như có một sức sống chảy vào cơ thể.  Ông  bỗng thấy mình sung sướng quá ! Cái hạnh phúc không do bạc tiền đem đến, không do sự thành công trong cuộc sống bon chen, mà là niềm hạnh phúc của một tâm hồn thanh thản đang cùng nhịp thở với với thiên nhiên và chứa chan ân tình với xã hội...                                                                                                                                                     
Ngồi xuống chiếc ghế êm ái, ông Hai  nhìn từng giọt cà phê nhỏ xuống đáy tách mà nghe như nhỏ xuống tâm hồn ông ngày nào. Năm ấy, 5 thằng bạn tù cải tạo chuyền tay nhau, uống từng ngụm nhỏ, ly cà phê không đường cuối cùng với điếu thuốc lá duy nhứt còn lại. Ngụm cà phê vào miệng rồi dừng lại đó, để nghe hương thơm ngào ngạt tan qua đầu lưỡi, thẫm thấu tận buồng tim, lá phổi... Điếu thuốc lá cuối cùng, tiết kiệm từng lọn khói, mỗi thằng chỉ được phép hít một hơi rồi hảm lại đó... Hương vị cà phê còn đọng trên đầu lưỡi bỗng gặp được những sợi khói thuốc, hòa quyện quấn quít với nhau như đôi tình nhân Trương quan Thụy và Trác văn Quân trong vở Mái Tây của Vương thực Phủ. 
                                            
Trong hoàn cảnh vô vọng đó...trong khoảnh khắc,Ông Hai vẫn tìm được cái thú uống cà phê buổi sáng ! ông thầm cám ơn cuộc đời, cám ơn năm thằng bạn cùng cảnh ngộ năm xưa..   Ông Hai là người sống rất thực, sống tận cùng với những gì mình đang có ...                                                                                                                        .                                                                                                                            
Ngồi lơ mơ thả hồn về quê cũ, nhớ lại chuyện xưa, nhìn lại bây giờ - ông Hai gật gù chiêu một ngụm cà phê bốc khói thơm... mà nghe như hương vị của những giọt cà phê năm nào... nghe ân đời bỗng dưng chan chứa trong tâm hồn !  Nhớ lại chuyến vượt biển hãi hùng trên chiếc thuyền con mong manh, lênh đênh, đói khát vật vờ trên biển cả mênh mông, sóng gió trùng trùng - ông Hai may mắn đến được bến bờ Tự Do. Cũng như bao nhiêu người Việt tị nạn - những ngày đầu ngơ ngác, đói rách, con cái gầy còm, xơ xác ... Chính đất nước và dân tộc đầy lòng nhân đạo và  rộng lượng nầy, đã cưu mang, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho mình ổn định cuộc sống ... còn cấp học bổng, cho mượn không lời, cho con cái đi học như con cái của chính họ... Cứ tưởng tượng cảnh đồng bào, trẻ con V.N ở Phi luật Tân đã hoang phí 20 chục năm dài, vô thừa nhận... thì mới thấy mình may mắn biết bao nhiêu !                                                                                                                                                                                                                                 
Và bây giờ ông cũng như bao đồng bào tị nạn của ông - bất cứ ngành nghề gì - đi làm lao động chưn tay, làm ở bàn giấy hay có nghề nghiệp chuyên môn cao cấp như giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân... thậm chí trở thành những vị dân biểu, nghị sĩ trong chính trường - tất cả đều có một đời sống ổn định, có người còn có một chỗ đứng danh dự trong xã hội mới. Được như vậy là nhờ ai ? Ông Hai tự hỏi. Nhìn lại gia đình, ông mừng vì con cái đều có nghề nghiệp ổn định.  Riêng ông - tiền già đủ bảo đảm để hưởng một đời sống vui thú an nhàn. So với những ngày đầu tay không, quần áo nhà thờ - con cái bập bẹ ngôn ngữ nước người - ông Hai nghĩ - nếu không có lòng nhân đạo, sự rộng lượng bao dung của đất nước nầy - chắc giờ nầy ông cũng như đồng bào ông, khốn khổ biết bao nhiêu ! Nghĩ vậy, ông Hai bỗng nghe  một niềm vui chạy dài trong cơ thể...                                                                                                                         Ba mươi tám năm qua - những người Việt trung niên đã già, ngũ tạng lục phủ đều suy yếu, kéo theo nhiều bệnh tật. Thế mà - đi bệnh viện không tốn một đồng xu - nằm bệnh viện chửa trị miễn phí - thuốc men cả chục viên một ngày và uống cho đến chết... Tiền khối cũng không đủ trả. Nhiều bệnh nhân phải giải phẩu - bác sĩ chuyên khoa chưa trị - phải tốn hàng chục ngàn, đôi ba chục ngàn " đô" là thường , nếu ở Mỷ . Vậy mà cũng không tốn đồng xu. Ngó lại,  mình là ai ? - Chỉ là một người Á Châu xa lắc xa lơ, tị nạn sống nhờ ở xứ người. Vậy mà được đối xử như một công dân chính thống. Nếu so sánh với các nước khác về mặt y tế và xã hội - kể cả nước Mỷ - thì nơi đây quả là một " thiêng đường hạ giới ". Ông Hai cảm thấy tuổi già được đảm bảo, khỏi phải bon chen, không còn lo lắng cho những ngày bệnh hoạn không tiền thuốc thang ...Bất giác, ông Hai nghe lòng sung sướng bồi hồi ! 
 Bỗng có tiếng êm ái của bà Hai từ trong nhà vọng ra : " Anh à ! Con gái gọi chào Ba buổi sáng ". Giọng nói sao mà ngọt lịm, mát cả tâm hồn ! Ông Hai nhìn người đàn bà đã từng chia sẻ ngọt bùi với ông suốt 50 năm trời ! Tuy thời gian nhẹ nhàng phết lên dung nhan bà những dấu vết tuổi đời, những dao động thăng trầm của vận nước - bà vẫn còn giữ được nét đẹp quý phái, cao sang. Tội nghiệp biết bao những ngày đầu " tháng tư đen" -  trong lúc mọi người phải ăn bo bo, khoai mì thì bà một mình "lặn lội thân cò" trên chiếc xe đạp, cọc cạch trên quãng đường dài hàng chục cây số, tảo tần buôn bán ở chợ trời kiếm gạo nuôi con. Lòng trào dâng cảm xúc, ông Hai nhớ lại  2 câu thơ tặng vợ : 
              
Còm lưng mỏi mệt  trên xe đạp                                                                                 
Đêm vắng, đường khuya, chỉ một mình!  
                                          
Rồi bà phải một mình đương đầu với phường khóm. Họ xếp bà vào thành phần "vợ ngụy"- kẻ thù giai cấp - thường xuyên khủng bố tinh thần, đập bàn lớn tiếng dọa nạt :"chị là người có tội "-  rồi chực hờ lấy nhà, đuổi đi kinh tế mới . Thêm vào những " ông bà C.M 30" lúc nào cũng rình rập tố cáo lập công. Bất trắc hung hiểm, sợ sệt cay đắng, cô độc một mình ! Lúc cực kỳ khó khăn, bà phải một mình gánh chịu... Không như nhiều bà khác, vì chịu không nổi những giông tố phủ phàng, đành phải đi bước nữa. Thậm chí có bà trong xóm đem cán bộ về "hú hí" trên lầu, để người chồng cải tạo mới về, nằm dưới chái bên hè mà nghe tiếng cười của vợ như lưỡi dao cứa nát trái tim mình. Phần ông Hai - ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì vợ ông vẫn trọn lòng chung thủy với ông.  
                                                                                                                                                
Ông Hai nhìn vợ mà lòng tràn ngập yêu thương. Giờ nầy mà còn có nhau, dắt díu nhau đi trọn chặng cuối cuộc đời - Hạnh phúc biết bao ! Mặc dù - vợ ông tánh hay cằn nhằn - cái vũ khí hiệu quả nhứt của quý bà...Ông Hai - dĩ nhiên cũng bực mình nhưng ông sợ ngày nào đó, không còn nghe được tiếng " nhạc êm ái " nầy - thì buồn lắm ! Nhiều bạn bè quanh ông - bà đi rồi - ông một mình trơ trọi...chiều chiều ngồi đếm lá vàng rơi, để thấy cuộc đời mình đi dần vào con đường thiên cổ...  Ông Hai muốn nói cám ơn bà, cám ơn định mệnh dành sẳn cho ông một người đàn bà  đáng trân quý !                                                                                                                                                  Cô con gái út sáng nay - dù bận bịu thằng con nhỏ,  tất bật giờ giấc - ngày nào  cũng điện thoại vấn an cha mẹ... Ấm lòng biết bao! Ngày ông  đi vượt biên, hai đứa lén đèo nhau trên xe đạp, lẽo đẽo theo sau ông cho đến khi mất hút... Ông Hai nuốt lệ mà đi ... Ngày tháng cô đơn gậm mòn thân thể, Ông gói tình thương nhớ con bằng mấy câu thơ :                                                                                                                             
Nàng con gái nhỏ ngây thơ lắm!                                                                              
 Đôi mắt bồ câu, lệ nhạt nhòa                                                                                   
Ngày đi len lén lên xe đạp                                                                                         
Hai đứa âm thầm tiễn biệt cha.                                                            

Cô con gái lớn  :                                                                                                                                   
Đi học giữa chừng bị đuổi ngang...                                                                         
Con " Ngụy " giờ đây quá phủ phàng!  
                              
Nghìn trùng xa cách, tưởng chừng cha con không còn gặp nhau nữa. Vậy mà lại xum họp nhau nơi phần đất xa lạ nầy. Phải có bàn tay kỳ diệu của Thượng Đế và tấm lòng nhân đạo đất nước nầy. Ông Hai muốn lập  lại ngàn lần câu cám ơn Thượng Đế, cám ơn dân tộc và đất nước nầy.                                                             

Ông Hai còn cảm thấy hạnh phúc chứa chan với lòng hiếu thảo của các con. Vốn người khiêm tốn, ông không dám khoe khoang với ai vì e sợ luật bù trừ của Thượng Đế. Nhưng ông không thể không nói một lời cám ơn với các con.  Kiểm điểm chuyện đã qua, ông thấy chưa bao giờ con gái ông từ chối một nhu cầu gì của cha mẹ. Mà cha mẹ nào có yêu cầu gì đâu... Điều quan trọng là nó không giàu tiền, nhưng giàu tình thương yêu cha mẹ.                                                                                                                                                                      Tình thương và lòng hiếu thảo không chỉ đo bằng vật chất mà cảm động hơn là nơi tấm lòng và sự quan tâm tận tình săn sóc, lúc mạnh cũng như khi đau. Ngày lên bàn mổ - bà Hai không muốn cho con hay vì sợ nó lo lắng, tội nghiệp!  Nhưng không - con gái bà  đã có mặt ngay ngoài phòng, với gương mặt bồn chồn lo âu, không rời nửa bước. Ông Hai thì sau "ca" mổ, bừng tỉnh dậy là có con đứng đó tự lúc nào. Câu nói : " Cữu bệnh tiền sàng vô hiếu tử"của ai đó - có lẽ không đúng vào trường hợp ông.  Chao ơi ! Nói sao cho hết tấm lòng của con. Ông cúi đầu lạy Thượng Đế đã ban cho ông nhiều ân sũng - và cám ơn cuộc đời đã cho ông những ân tình đầm thắm.                                                                                                                           Ông Hai thường nghe chuyện thằng con lấy dao chém ông già vì từ chối không đưa tiền cho nó, đứa con trai nghe lời vợ, đuổi cha ra khỏi nhà... chuyện bà mẹ vất vả, buôn bán tảo tần, hy sinh cả cuộc đời nuôi con ăn học. Khi thành đạt, lập gia đình, mua nhà lớn - nhưng bỏ mẹ bơ vơ một mình trong căn gác hẹp... Bà mẹ buồn cô đơn tự tử chết...( Chuyện xảy ra tại San José,  Mỷ ) 
                              
Phần ông thì may mắn biết bao ! Hai thằng con trai có cuộc sống ổn định, gia đình ở xa, nhưng không bao giờ quên điện thoại hỏi thăm sức khỏe, dạy con nó mỗi tuần phải điện thoại thăm ông bà nội. Mỗi khi bệnh hoạn - dù bận gì - cũng cấp tốc có mặt viếng thăm cha mẹ với một bình hoa tươi và một tấm lòng hiếu tử... Thỉnh thoảng gửi chút tiền cho -  dù cha mẹ nhiều lần từ chối. Ông bà Hai cho lại các cháu để gửi vào trương mục cho cháu. Tình cha, nghĩa mẹ tròn đầy.                                                                                                                               
Tình thương không đo bằng tiền bạc mà do tấm lòng của con cái. Tấm lòng đó có được trong đó cũng có tấm lòng của thằng rể hoặc con dâu. Ông bà Hai cũng không quên nhìn thằng rể bằng đôi mắt biết ơn và con dâu,  bằng trái tim yêu thương như con của mình.                                                                                                                                                                                                                               
Ngó quanh mình - nhiều cặp vợ chồng trẻ gấu ó nhau, chỉ một lời nói hay một cử chỉ phật ý thì mang nhau ra Tòa ly dị, bỏ con cái bơ vơ...Còn có những đứa bỏ nhà ra đi... sống theo lối mới, thiếu tiền về hăm dọa cha mẹ.Tội nghiệp biết bao những bậc làm cha mẹ nầy ! Còn một số bạn bè ông - người bị Alzheimer, người bị stroke bại liệt nằm một chỗ cả chục năm nay - người bị ung thư giai đoạn cuối như ngọn đèn sắp tắt,  có người mỗi chiều hun hút, mòn mỏi ngồi chờ bóng dáng người thân... 
                                            
Ông Hai biết rằng đoạn đường trước mặt quá ngắn. Những ngày còn lại vô cùng quý giá. Ông ngủ được 6 tiếng một ngày- ăn ít nhưng còn biết ngon - tìm thụ hưởng những kỳ công khoa học kỹ thuật của Steves Jobs, của Bill Gate. Đặc biệt hơn - ông còn nhấm nháp được chút rượu ngon với bạn hiền. Đi bộ mỗi ngày 30 phút ( mùa đông đi trên máy), tập 15 phút dịch cân kinh, hít thở kiểu khí công 20 phút và mỉm cười luôn để các hạch tiết những "hormone" làm hưng phấn cơ thể, tạo một thần thái ung dung, an lạc... Ý chí mạnh tạo kỷ luật bản thân - ông Hai thường xuyên mỗi ngày thực hiện thói quen nầy. Đối với bạn bè, ông lấy chân tình làm phương châm đối xử, giữ mình cho khỏi thị phi vướng vòng khẩu nghiệp. Ông Hai thấy mình hạnh phúc vô vàn ! ân đời chan chứa ! Cái hạnh phúc do sự cảm nhận từ xã hội, bạn bè,  từ ân sũng của Trời đất .                                                                                                                                                          

Nhìn cảnh khổ của bạn bè, nỗi buồn của ông bà mẹ bất hạnh - ông Hai cảm thương những người bạn khổ đau và thấy mình may mắn, nhờ phước đức tổ tiên để lại ... Tuổi già - không sao tránh khỏi nhức mỏi, cao máu, tiểu đường và còn nhiều bệnh già khác - nhưng hề gì ! Những gì không tránh khỏi thì hãy thanh thản mà chấp nhận. Rồi với chế độ ăn uống, thuốc men, thể dục, tinh thần thư thái,vui tươi yêu đời, yêu cuộc sống ... là những phương thuốc thần diệu giúp ông Hai yêu cuộc đời và nhận thức rằng cuộc sống hạnh phúc là cuộc sống mở rộng lòng với tha nhân, với xã hội bạn bè quanh mình ! Ông Hai thấy mình hạnh phúc với ý nghĩ đó.                                                                                                                                                                                                                                                           
Cám ơn Thượng Đế, cám ơn cuộc đời, cám ơn bằng hữu đã cho ông những ân tình đầm thắm - cám ơn gia đình vợ con đã trọn tình trọn nghĩa, cám ơn đất nước nhân đạo và dân tộc rộng rãi  bao dung nầy.  
  
          XIN CÁM ƠN CUỘC ĐỜI                                                                                                                             
                 LÊQUỐC                                                                                            
( Mùa xuân năm Quý tị  2013)
                          
                       
                                                                                                                                               

No comments: