Tuesday, November 12, 2013

Ngoại Tôi Và Dòng Sông Nhỏ

_______________

Trần Bang Thạch

Ngày má tôi đưa hai chị em tôi về sống tại quê ngoại là làng Trường Phước thì tôi chỉ mới năm tuổi. Còn nhỏ như vậy mà không hiểu sao cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ gần hết mọi chuyện trong ngôi nhà của ông bà ngoại tôi thời đó. Tôi cũng không thể nào quên được con sông nhỏ trước nhà. Có lẽ vì mọi chuyện xảy ra đều xoay quanh cái trục chánh là bà Ngoại Hai của tôi, người mà tôi thương nhứt trong cái đại gia đình này.
    
Bây giờ kể chuyện lại tôi gọi là bà ngoại hai cho phân biệt, chớ lúc nào tôi cũng gọi bà là ngoại; tôi không muốn gọi bà một, hay bà hai bà bốn gì ráo. Tôi càng ghét cái tiếng bà ngoại ghẻ mà nhiều người nói tới. Lúc còn nhỏ cũng vì tánh ương ngạnh này mà tôi thường xuyên bị đòn nhừ tử; đa số những trận đòn là từ bà ngoại ruột của tôi, bà không muốn người đàn bà nhỏ nhoi tội nghiệp kia đứng ngang vai vế với bà.
Đánh mấy roi mây thì cứ đánh, tôi chỉ một mực là ngoại, không râu ria rể má gì hết. Mỗi lần thấy tôi bị đòn như vậy, ngoại hai tôi chỉ biết nhìn tôi rồi khóc thầm, chớ không làm được gì hết. Thời đó có lẽ tôi không thích bà ngoại ruột của tôi đâu, nhưng nay nghĩ lại tôi thương bà lắm. Tôi cũng thương hết những người đàn bà trong căn nhà này, từ hai bà ngoại, đến má tôi, xuống đến dì Ba và dì Út tôi, cuối cùng là chị Hai tôi. Người ta nói gia đình này âm thịnh dương suy, ngần ấy người nữ mà chỉ có ông ngoại và tôi là nam. Nhiều nữ thì có, nhưng thịnh thì chắc là không. Hai bà ngoại tôi đều là hai người đàn bà nhan sắc mà có chung một ông chồng. Hồi cuối thập niên ba mươi, trước khi lấy chồng, ngoại ruột của tôi vốn là con gái rượu của ông hương sư trong làng, đã học xong supérieure élémentaire, có cái bằng certificat; còn ngoại hai một chữ nhứt cũng không biết, tội cho bà: vì con nhà nghèo lại có chút nhan sắc nên ông ngoại tôi đem về làm vợ lẽ; còn má tôi, một cựu nữ sinh của Collège de Cantho, thì vì không chịu được cái chuyện mèo mả gà đồng của ba tôi nên dẫn con về tá túc bên ngoại khi tuổi đời chưa quá hai mươi bốn. Dì Ba tôi thì chồng chết khi đám cưới chưa giáp năm. Chồng chết rồi mà còn để lại cho Dì Ba tôi những tiếng đời dị nghị: Người ta đồn rằng vì Dì Ba vốn lưng ong, chân dài, môi mọng, mắt ướt… nên đã vô tình giết ông chồng ham hố ngay trên giường ngủ. Dì Út lúc mười tuổi đã suýt chết chìm, tuy được cứu sống nhưng bắt đầu nghễnh ngãng như người mất trí, ban ngày thì ngủ vùi, ban đêm thì cứ đứng dưới bến sông ca hát suốt đêm; thuở đó đâu có nhiều bài ca cải cách nên đa số bài bản là do dì tự đặt nhạc và lời, nghe ngô nghê hết sức; hết “Vân Tiên cổng mẹ trở ra gặp phải cây cột nhà cổng mẹ trở vô Vân Tiên cổng mẹ trở vô…”, rồi đến “Úy nồi đất ơi cái nỗi đoạn…ứ..ư.. ư …trường, ai sui chi cho má thắm môi hường để em suốt đời tình duyên trắc trở..ơ..ơ..ơ”, đại khái là những câu như vậy. Chị Hai tôi thì bị câm từ khi mới lọt lòng mẹ, suốt ngày thơ thẩn ngoài vườn như con gà con vịt. Những cái “âm” như vậy thì bảo rằng thịnh là thịnh cái chỗ nào! Chỉ toàn dấu âm thì có! Nhưng nếu cứ nói về những người đàn bà này thì cho tới chừng nào mới hết chuyện. Một người đàn bà bình thường đã có biết bao nhiêu chuyện để nói. Ở đây có tới sáu người đàn bà với nhiều cái bất thường như vừa kể thì ít nhứt phải có hàng trăm chuyện. Cho nên chỉ xin kể chuyện bà ngoại hai của tôi mà thôi. Chuyện những người đàn bà còn lại thì xin để dịp khác.
Thật sự thì bà ngoại hai của tôi là người đàn bà mờ nhạt nhứt trong gia đình so với mấy người khác. Lúc mẹ con tôi về tá túc nhà ngoại thì ngoại hai đã ra riêng chừng mươi ngày trước đó. Người ta nói từ ngày về làm lẽ ở cái tuổi hai mươi lăm với ông chồng già hơn gần hai con giáp, năm sáu năm trường trong gia đình chồng, ngoại hai tôi không khác chi một kẻ ăn người ở; những người này còn lãnh lương vài đồng bạc mỗi tháng, chớ ngoại hai tôi thì chẳng những làm lụng thí công mà lại còn bị bà ngoại tôi mắng chửi cả ngày dù không một lầm lỗi. Ông ngoại tôi làm hương quản nên tối ngày lo việc làng xã, có biết chi đâu tình cảnh khốn khổ của người vợ lẽ. Có lẽ việc trở về của mẹ con tôi là cái dịp tốt nhứt cho ngoại hai có một mái nhà riêng. Tuy ở riêng nhưng công việc của người vợ hờ kiêm người quản gia kiêm người giúp việc thì đâu có gì thay đổi. Căn nhà mái lá vách ván một căn một chái của ngoại hai nằm khiêm nhường ở cuối phần đất của ngoại tôi, chỗ giáp ranh với khu vườn ông Tư Củ Hành, cách ngôi nhà lớn chừng một tiếng hú. Căn nhà nhỏ, mặt trước hướng ra con lộ đất, mặt sau giáp với mé nước của nhánh sông nhỏ, gọi là rạch Ông Thìn. Ông Thìn chính là ông Cố tôi, có lẽ là người đầu tiên đến đây lập nghiệp và mở mang vùng này. Nghe đâu ông chính là tay chưn bộ hạ của Lê Văn Khôi. Mang tiếng là vợ của một hương chức hội tề với đất vườn, đất ruộng hàng mấy ngàn mẫu, bà ngoại hai tôi chỉ sở hữu cái nền nhà rộng chừng hai chiếc đệm. Chỗ ở của những người giúp việc còn lớn hơn nhiều. Thật ra căn nhà chỉ là cái quán trọ qua đêm của ngoại hai tôi. Mỗi sáng khi gà gáy hiệp nhứt thì ngoại hai đã có mặt phía sau ngôi nhà rộng hơn cái đình làng, sắp xếp mọi chuyện cho kẻ ăn người ở; xong đâu đó là tới phần việc của bà. Tôi có cảm tưởng công việc như một dòng nước từ trên cao, cứ đổ xuống trên đôi vai của ngoại hai tôi, ngày nào cũng như ngày nấy. Không biết sức lực ẩn chứa nơi nào trong con người nhỏ bằng hột tiêu ấy. Làm lụng liên tục cho đến thật khuya mới đốt bó đuốc bằng đuôi lá dừa khô lần mò về nhà ngủ vội mấy tiếng. Phải nói đó là căn nhà của tôi thì mới đúng. Chị em tôi được sanh ra ở quê nội là đất Xẽo Môn. Cuộc hôn nhân của má tôi với ba tôi không được ông bà ngoại tôi chấp nhận, nên từ khi có chồng má tôi coi như bỏ làng mà theo chồng; chị em tôi cũng không có dịp nào về thăm quê ngoại. Lần đó là lần đầu, lúc tôi đã năm tuổi, còn chị tôi thì bảy tuổi. Về nhà cha mẹ, má tôi như cùng lúc mang gánh nặng và mang cả cái nhục nhã trở về. Cho nên ông bà ngoại tôi đâu có coi mẹ con tôi ra gì. Má tôi buồn lắm, bà chỉ biết tâm sự hay than khóc với ngoại hai tôi. Tôi cũng vậy, tôi chỉ thấy ngoại hai là người để cho tôi thương và chuyện trò. Ban ngày tôi quấn quít bên ngoại hai phía sau căn nhà lớn, hay chơi với heo gà chim chóc quanh cái lẫm lúa to như chiếc ghe chài; ban đêm tôi thường ngủ ở nhà ngoại hai. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy những cái cười hiếm hoi trên khuôn mặt thanh tú của người thiếu phụ nửa chừng xuân mà tôi gọi là ngoại ấy chỉ có với tôi; với má tôi thì bà hay khóc, hai người đàn bà trạc tuổi nhau thường kín đáo ngồi khóc bên nhau. Số phần hẩm hiu làm họ gần gũi nhau hơn. Với mọi người khác thì ngoại hai tôi có nét mặt bình thường, không vui không buồn, không hờn giận, không oán trách; một ngày người ta có thể đếm được trên mười ngón tay bà nói bao nhiêu tiếng. Nhưng với tôi thì ngoại hai hoàn toàn khác. Tôi nói với bà đủ thứ chuyện, bà vừa làm vừa nghe tôi nói, thỉnh thoảng bà hun tôi chùn chụt và cười thật vui, lúc đó tôi đã sớm nhận biết nét đẹp trên gương mặt trái xoan nhễ nhại mồ hôi của bà. Giá mà lúc đó tôi biết yêu thì ngoại Hai chắc chắn là người tôi yêu đầu tiên trong đời. Những chuyện kể của ngoại hai tôi nghe hoài không biết chán. Hình như bà có một kho tàng chuyện xưa tích cũ không bao giờ cạn. Không biết đọc mà hơn ba ngàn câu thơ Kiều bà “nói” không sai sót một câu. Bà nói tôi là niềm vui duy nhứt của bà. Nhưng có lẽ bà vui nhứt là khi giữa đêm ông ngoại tôi bất chợt ghé nhà bà. Thường thì đó là những lúc ông ngoại tôi say khướt, không còn biết trời trăng mây nước gì hết. Nhiều hôm ông ói mữa ngay khi mới bước vào nhà, ngay trên vai ngoại hai tôi, mùi hèm, mùi rượu nồng nặc. Ngoại hai tôi lo đủ điều cho ông, nào là khăn ấm, rồi nước chanh đường, nước trà nóng…Nhiều khi phải nấu nước nóng cho ông tắm rửa. Bà tẩn mẩn làm việc như đó là dịp quí hiếm để bà được thật sự làm bổn phận người vợ chăm lo săn sóc chồng. Chiếc mùng hai nóc như lúc nào cũng mới tinh, trắng bốc, được giặt giũ sạch sẽ, xếp gọn để trong tủ kiếng thơm mùi long não, chỉ được lấy ra khi có ông ngoại tôi ghé ngủ đêm. Chiếc giường nhỏ, sợ ông ngoại tôi khó ngủ, ngoại hai tôi phải suốt đêm nằm võng bố, tay không ngừng đuổi muỗi bằng cái quạt mo cau, chân thì đưa võng kẻo kẹt. Ông ngoại tôi có tật hay tiểu đêm, nên mỗi khi có ông, ngoại hai tôi mới đốt lên ngọn đèn dầu mù u, vừa đủ sáng cho ông ngoại tôi dễ bề đi lại. Những lần thức giấc, từ trong cái mùng một nóc trên tấm ngựa gõ kế bên, tôi thấy ngoại hai tôi vén mùng nhẹ nhàng kéo tay chưn ông ngoại tôi cho thẳng thớm, đắp lại cái mền bông, sửa lại cái gối lấp lánh những hột cườm. Bà làm với một vẻ âu yếm mà dù còn nhỏ tôi cũng dễ dàng thấy được.
Đến một ngày thì mọi chuyện như xoay một góc ba trăm sáu mươi độ. Suốt đời tôi không thể nào quên cái ngày vô cùng buồn thảm ấy. Ngày ấy cũng là ngày thay đổi hẳn cuộc đời của ngoại hai tôi.
Điều tôi nhớ nhứt là tiếng khóc thảm thiết tột độ của ngoại hai, nó có cái âm thanh của cơn gió hú và có cái âm sắc của tiếng sét ngang trời. Bình thường ngoại hai tôi có bao giờ lớn tiếng với ai, lúc nào bà cũng nói năng từ tốn nhỏ nhẹ, cả với những người giúp việc và những người tá điền. Có chuyện gì quá buồn khổ, bà chỉ biết ngồi khóc thầm ở một góc nhà.Vậy mà hôm đó bà khóc như giông bão, vật vã không ai kềm chế được. Đó là một ngày trung tuần tháng giêng năm bốn sáu khi chú tá điền tên Vạn từ đầu vàm chạy không kịp thở về nhà ngoại tôi, cho cả nhà hay là đã nhận được cái xác mất đầu của ông ngoại tôi trôi tấp vào tay đáy của chú. Thời đó là thời nhiễu nhương. Pháp, rồi Nhựt, chánh phủ Nam kỳ quốc, rồi Việt Minh, Việt gian, giáo phái và đảng phái quốc gia, cộng với thù hiềm cá nhân, vv….chuyện thằng chổng trôi sông là chuyện thường ngày, như chuyện ăn cơm bữa. Nhiều khi bốn năm xác người bị xỏ xâu trôi vướng chân cầu đúc ngoài chợ Cái Răng, thằng tây đen gác cầu bắn chỉ thiên mấy phát súng vừa đuổi tà ma, vừa bắt người đi xuồng ghe dừng lại vớt xác để phơi nắng cả ngày trên cầu. Mới năm sáu tuổi mà tôi đã hiểu thế nào là “mò tôm”, là “mổ bụng dồn trấu”….Tuổi thơ của tôi cũng mất đi từ đó.
Vật vã khóc lóc, không ăn không ngủ, chết đi sống lại suốt ba ngày trời, rồi ngoại hai tôi có một quyết định không ai ngờ: Bà tom góp hết tất cả vốn liếng mua một chiếc ghe tam bản nhỏ có mui, thu dọn nồi ơ chén dĩa, mùng mền chiếu gối bắt đầu cuộc sống trên sông nước. Người đàn bà trung niên, đầu quấn khăn tang, tóc luôn xõa dài gần tới gót chưn và bộ đồ tang trắng bay phất phới trên sông, đó chính là hình ảnh ngoại hai tôi trên rạch Ông Thìn. Bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau, ngồi viết lại chuyện này, hình ảnh ấy hiển hiện trước mắt tôi như một khúc phim chậm. Ngoại hai tôi không đi đâu xa, bà chỉ thả ghe theo con nước lớn trôi vào cuối con rạch; rồi theo nước ròng thả ghe ra đầu vàm, ngày cũng như đêm. Người ta nói ngoài những lúc thả cần câu cá ban ngày hay câu tôm ban đêm để có cái ăn thì ngoại hai tôi ngồi bất động sau lái, mắt đăm đăm nhìn từng dề lục bình rau mát trôi trên sông. Ai cũng biết bà đang tìm cái đầu của chồng. Vài đứa nhỏ ác độc thỉnh thoảng thả trên sông mấy trái dừa điếc lúc trời nhá nhem tối, khiến ngoại hai tôi hớt ha hớt hải chèo ghe vớt từng trái, để rồi ôm những trái dừa điếc buồn khóc suốt đêm. Không ai có thể nghe tiếng khóc của bà, nhưng mỗi khi thấy bà ngồi sau lái, đầu gục vào hai gối, tóc phủ kín mặt mày thì người ta biết là bà đang khóc. Nghe má tôi nói ngoại hai tôi quyết lòng tìm vớt cho được cái đầu của ông ngoại tôi. Ngoại hai tôi nói bà không bao giờ an tâm mỗi khi nhớ tới người chồng đã chết thảm mà lại không trọn hình hài. Tôi thì nghe đồn là người chết mất đầu thì vĩnh viễn không được đầu thai, có khi thàng quỷ.
Từ đó, như một định mạng, con rạch mang tên ông cố tôi bây giờ là thế giới riêng của cô con dâu hờ khốn khó của người. Không hiểu từ đâu mà ngoại hai tôi cứ nghĩ là cái đầu của ông ngoại tôi không trôi đi đâu xa, mà đang lẩn quẩn đâu đó trên con rạch của ông cha mình, đâu đó dưới gốc bần hay đâu đó trong bụi lát. Thật sự thì con rạch không dài, không sâu mà cũng không rộng. Nó chỉ là một nhánh của con sông cái bắt đầu từ cửa sông Bassac, chạy ngòng ngoèo qua thành phố Cần Thơ, chạy tuốt vô Cái Răng mới chia thành hai nhánh: một vào miệt Phong Điền, Cầu Nhiếm, một vào Cái Chanh, Cái Muồng. Rạch Ông Thìn nằm khoảng giữa Cái Răng và Cái Chanh, là ranh giới của làng Trường Phước và làng Trường Thành. Khu vườn cây ăn trái của ngoại tôi có hình dáng một hình chữ nhựt nằm ngay vàm Ông Thìn, một mặt có chiều ngang độ một phần tư cây số chạy dọc theo con rạch; mặt kia độ nửa cây số nằm trên bờ sông cái. Nhà việc của làng nằm trên khu đất của ngoại tôi. Từ vàm, con rạch dài gần ba cây số, chảy quanh co giữa vườn tược và gần trăm căn nhà hai bên, đa số là nhà lá, rồi bị cái đập đất chận ngang. Phía bên kia đập là cánh đồng lúa bát ngát của ông ngoại tôi. Bề ngang con rạch chỉ vừa đủ cho hai chiếc ghe chài chở lúa hạng trung qua mặt. Vào mùa khô, lòng rạch cạn gần tới đáy, một đứa con nít mười tuổi đứng không ngập đầu; còn mùa nước nổi thì nước tràn hai bên bờ, có khi mấp mé những nền nhà thấp. Từ ngày ông ngoại tôi chết, nước khô hay nước nổi thì ngoại hai tôi vẫn một mình một bóng trên sông. Một bóng trắng trên sông. Có lẽ còn một giọt nước trên sông là bà còn hy vọng. Nhiều khi đứng trên bến trước nhà, tôi thấy ghe ngoại hai theo con nước trôi ngang nhà, bà ngồi phía sau ghe, ơ hờ bẻ lái, mắt thì cứ liên tục nhìn dáo dác hai bên, thấy tôi bà cũng không nói lời nào. Mấy tháng đầu có vài lần tôi xuống ghe ngoại hai ngủ qua đêm, nhưng về sau hình như tôi hơi sợ. Tôi thấy ngoại hai thay đổi quá nhiều. Bà không còn cười hay chuyện trò với tôi hay với bất cứ ai. Nét mặt bà lúc nào cũng trơ trơ như thoa sáp, ánh mắt thì bao giờ cũng xa xăm, coi như không có ai trước mặt. Nhiều khi tôi có cảm tưởng bà sợ cả tôi.
Tình trạng như vậy kéo dài được hơn một năm thì mọi người bảo là ngoại hai tôi bắt đầu điên. Dấu hiệu thấy rõ nhứt là mái tóc dài óng ả, đen mun của ngoại đã mất; chiếc khăn tang vẫn quấn quanh cái đầu trọc. Và nhiều lúc ngoại hai tôi la lên mấy tiếng vô nghĩa rồi đứng trước mũi ghe ôm đầu khóc sướt mướt như một đứa con nít. Bà ngoại tôi và má tôi cùng các dì có nhiều lần xuống ghe năn nỉ bà lên bờ để được mọi người săn sóc. Ngoại hai tôi đâu chịu, bà còn khoa tay múa chưn đuổi mọi người dang xa ra ghe của bà. Ngoại hai tôi càng điên loạn thì tôi càng sợ, không dám tới gần bà; còn mấy đứa nhỏ rắn mắc thì càng trêu chọc bà hơn. Hết thả những trái dừa điếc để ngoại hai tôi chèo ghe rượt theo đến rã tay, hụt hơi, thiếu điều muốn chết giấc, chúng dùng những thân chuối cây làm giả những hình nộm rồi đặt trong các bụi ô rô hay các bụi cây bần để ngoại hai tôi lội bùn sìn, vẹt ô rô sướt da, chảy máu, nhiều khi còn bị ong đánh mặt mũi sưng vù, bà bồng cái hình nộm rồi hát ru như người mẹ ru con. Những buổi chiều tà khi con nước lớn, giọng ru của ngoại hai tôi trôi ngọt ngào trên một khúc sông. Có lẽ lúc ngoại hai tôi tỉnh nhứt là lúc quá nửa đêm khi bà một mình trên sông với cái cần câu tôm và ngọn đèn trứng vịt, lúc đó bà không la khóc mà chỉ nói thơ Lục Vân Tiên và nói Kiều. Tôi có cảm tưởng cả làng đều quen thuộc từ Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng đến Nguyệt Nga, Vân Tiên. Con sông nhỏ vẫn ngày ngày nước ra vô, ròng rồi lớn; còn ngoại hai tôi thì có thay đổi gì đâu, vẫn một thân một mình chèo chống trên sông tìm hoài một cái đầu đã mất.
Thêm một năm, rồi một năm nữa trôi qua. Như vậy là đã trên ba năm ngoại hai tôi sống trên sông nước với con người nửa mê nửa tỉnh. Càng lớn tôi không còn sợ mà càng thương ngoại hai tôi hơn. Có lần giữa đêm tôi lén lội gần chiếc ghe của ngoại đang cắm giữa lòng sông. Tôi nghe ngoại hai tôi khóc. Qua một lỗ nhỏ ở mui ghe, tôi thấy ngoại hai tôi quì trước linh ảnh của ông ngoại tôi. Chiếc đèn hột vịt vừa đủ sáng cho tôi thấy những giọt nước mắt lóng lánh của ngoại. Sóng nước có làm cho chiếc ghe trôi nổi bập bềnh nhưng ngoại hai tôi vẫn ngồi vững vàng trên sạp. Sau đó tôi có vài lần xuống ghe chủ ý là muốn chuyện trò với ngoại hai và khuyên bà nên trở lên bờ. Ngoại hai tôi rất ít nói và vẫn tiếp tục cuộc sống trên sông nước.
Cuối mùa hè năm đó tôi bắt đầu vào trung học. Má tôi gởi tôi trọ học tại nhà chú Năm tôi tại chợ Rạch Giá; phần thì xa xôi, phần vì đường sá khó khăn, đôi ba tháng tôi mới về thăm nhà một lần. Lúc này thì tôi đã biết viết thơ gởi về thăm nhà, bao giờ tôi cũng có kèm thêm lá thơ gởi riêng cho ngoại hai tôi. Thơ trả lời của má tôi thì có mà của ngoại hai thì không. Trong các thư nhà gởi sang, tôi ít khi thấy má tôi hay các dì nhắc tới ngoại hai. Chỉ có một lần trong những dòng chữ ngoằn ngoèo của dì Út, tôi đọc thấy vài tin tức về ngoại hai, đặc biệt là tin gần đây lối xóm đồn rằng có đêm họ thấy chiếc xuồng của ông cai tuần Nhâm cập sát chiếc ghe của ngoại hai. Nhân đó họ sầm xì rằng ngoại hai tôi giả đò khùng điên, bày chuyện sống một mình riêng rẽ trên sông để dễ bề làm chuyện tằng tịu với tình nhân. Người ta còn kín đáo cho rằng biết đâu cái chết của ông hương quản cũng là do cái thói lăng loàn của bà bé này với ông cai tuần! Thuở đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng biết đó là chuyện hệ trọng, chẳng những chỉ đối với phẩm giá của chính ngoại hai tôi mà còn thương tổn đến danh dự của cả họ ngoại chúng tôi. Riêng với tôi, tôi thấy mình vô cùng buồn bả, ghét thương lẫn lộn. Nhân có mấy ngày nghỉ lễ, tôi vội vã về quê tìm hiểu hư thật thế nào. Không ai muốn nói với tôi lời nào về những đồn đãi như vậy. Cả dì Út tôi cũng bảo tôi hãy quên đi những điều dì đã viết trong thơ. Ngoại hai tôi vẫn ngày đêm trên sông nước, vẫn một bóng một mình, lảm nhảm ca hát, hết đầu lòng hai ả tố nga Thúy Kiều là chị em là Thúy vân thì đến gió đưa cây cải về trời rau răm ở lại chịu đời đắng cay. Gặp bà tôi hỏi về chuyện ông cai tuần, bà không trả lời, mắt như thất thần nhìn ngó đâu đâu. Hôm sau tôi xuống ghe từ giã, bà cũng không nói một lời nhưng trong đuôi mắt bà tôi thấy như có hai ngấn lệ. Bận rộn với bài vở và với cuộc sống thành thị tôi ít có dịp nhớ tới những nguòi thân nơi quê nhà. Lúc còn nhỏ tôi không rời ngoại hai tôi một bước, vậy mà bây giờ nhiều khi tôi cũng quên mất bà, quên cả câu chuyện đàm tiếu về bà.
Đến một hôm thì tên ngoại hai tôi hiện ra ngay trước mắt tôi. Đó là một buổi trưa ngày thứ Ba, ngày tôi được xếp làm trực nhựt sinh tại văn phòng Tổng giám thị. Nhân lúc rảnh, tôi đọc lướt mấy tin tức đăng trên báo Thần Chung. Tôi thấy ngay bài báo viết về ngoại hai tôi tại phiên tòa nơi tòa án Cần Thơ; có cả tấm ảnh chụp toàn thân của ngoại hai tôi vẫn mặc đồ tang, đang đứng trước vành móng ngựa với tư cách nguyên đơn. Dưới bài tường thuật phiên tòa là bài phỏng vấn vô cùng cặn kẽ sự việc xảy ra từ đầu. Những ai thường đọc báo thời kỳ đầu năm năm mươi chắc còn nhớ vụ án này, vụ án người điên thời đại Thị Tơ báo thù chồng, tất cả các báo đều có đăng tin, cả nam kỳ lục tỉnh xôn xao, không khác chi câu chuyện cô Quờn đốt chồng trước đó hay câu chuyện vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt át-xít sau đó. Báo nói ngoại hai tôi, người đàn bà không biết đọc biết viết mà trước tòa bà là một nhân chứng sống, nhiều lúc bà tranh luận với cả luật sư của bị cáo. Trước vành móng ngựa, ngoại hai tôi ăn nói điềm đạm nhưng rất hùng hồn, giọng điệu cứng chắc, có tình có lý, mắt bà ráo hoảnh; chỉ sau khi nghe quan tòa kết tội khổ sai chung thân hương tuần Nhâm, ngoại hai tôi mới chắp tay trước ngực, mặt hướng lên trời, rồi khóc. Đọc hết bài báo tôi mới vỡ lẽ: ngoại hai tôi vì quá bất nhẫn trước cái chết thương tâm của chồng, và vì quá thương chồng mà quyết tâm tìm ra thủ phạm giết chồng mình, bất kể thiên hạ đàm tiếu về tiết hạnh của mình. Bà khai trước tòa rằng ngay khi chồng chết, bà đã hồ nghi tên cai tuần Nhâm bên làng Trường Thành, người đã theo đuổi bà từ trước khi bà về với ông ngoại tôi. Sau khi ông ngoại tôi chết, lợi dụng lúc bà nửa mê nữa tĩnh, lại sống một mình trên sông vắng, tên Nhâm tiếp tục theo đuổi bà. Tương kế tựu kế, bà lừa cho tên Nhâm vào tròng, bà vừa thủ thỉ ngọt ngào, vừa tỉ mỉ tra vấn, kiên trì hết năm này tháng nọ. Đến một hôm thì vừa say rượu, vừa say tình, tên Nhâm đã úp mở nói về chỗ hắn đã chôn chiếc đầu của ông ngoại tôi. Sáng hôm đó mấy người phú-lít ngoài quận đã vào đào xới phía dưới bồ lúa tại cái cháy bên hông nhà tên Nhâm, họ đào thấy cái khạp da bò niêm khằn kín mít, bên trong là chiếc đầu lâu và chùm tóc, còn da thịt thì đã tan thành nước. Tại Ty công an tỉnh và trước vành móng ngựa, tên Nhâm đã nhận tội. Qua bài báo tôi còn biết được là ngoại hai tôi đã hàng trăm lần đưa đơn thưa, hết quận đến tỉnh; bà chỉ mong chánh quyền điều tra về cái chết của chồng. Chánh quyền làm ngơ thì chính bà phải hành động. Cái chết bí ẩn nào cũng phải có thủ phạm.
Sau hôm ở tòa về, ngoại hai tôi bỏ ghe lên bờ. Bà biến cái nhà nhỏ của mình thành cái am, người ta gọi là Am Bà Hai; có người gọi là Am Thị Kính, có lẽ để chỉ nỗi hàm oan mà người tu nữ đã chịu. Ngoại hai tôi đi tu từ đó. Về sau hai dì của tôi, rồi chị tôi cũng cạo đầu đi tu. Cái am bây giờ quá nhỏ, bà ngoại ruột tôi và má tôi bỏ tiền nhờ người cất cái chùa lớn hơn, đặt tên là chùa Tịnh Phước. Đó là chùa sư nữ đầu tiên của quận, và có lẽ của cả tỉnh.
Những năm sau khi ngoại hai tôi viên tịch, người trong làng không còn nhắc tới câu chuyện báo thù chồng của Ngoại Hai tôi nữa, nhưng bọn trẻ thì gần như mỗi sáng đều có chuyện kể về bóng trắng trên sông, đại loại như chúng thấy bóng trắng nắm cái búi tó của một người đàn ông rồi cột tóc ông ấy lên ngọn bần, khiến lưỡi lè ra mấy thước; hay bóng trắng chèo ghe ra giữa dòng rồi ôm cái đầu lâu mà khóc, khóc như mưa. Tôi thì không bao giờ tin những câu chuyện như vậy. Tôi biết Ngoại Hai tôi không khi nào thù hận ai, càng không bao giờ là ma quỉ. Bà chỉ muốn tìm cho được chiếc đầu chồng để ông được đầu thai.
Trần Bang Thạch

No comments: