Friday, November 22, 2013

LẨU RẮN MIỆT VƯỜN



__________
 Chuyển đến từ LTP

Một người Rạch Gía

Hồi Hè, nhằm bữa trời mưa rả rích mấy ngày chả buồn ngưng lại thêm nỗi Nhà đèn cúp điện, mấy anh em ngồi hành lang dòm ra trời mưa buồn thúi ruột. Cái cảnh mấy tay “bợm” ngồi nói chuyện suông với nhau về công việc và đàn bà… một lúc là y như rằng phải quay lại chuyện nhậu…
Tôi kể cho mấy đứa bạn nghe chuyện có lần đi rừng U Minh Thượng, lội rừng cả buổi sáng ra tới bìa rừng gặp một cái chòi canh mía có mấy bác nông dân ngồi nhậu với rẹm (*) U Minh rang muối. Vào mùa rẹm chảy hội giao duyên, đêm ra bờ ruộng quơ một lúc là đầy thùng. Thường thì chả ai ăn, chỉ đâm cho vịt ăn hoặc bỏ làm phân vì giống này phá ruộng dữ lắm, nhất là dân nuôi tôm thì chúa ghét rẹm. Nhưng gặp lúc “đói mồi” thì dân nhậu xơi rẹm làm đặc sản. Chỉ cần chọn những con vừa ăn, lớn quá thì vỏ cứng, xé bỏ mu, bẻ bỏ càng ngoe, cho đám rẹm xé vào chảo phi hành tỏi, đảo đều tay rồi nên nếm muối vừa ăn cho đến khi rẹm rang tỏa mùi thơm nức mũi thì xúc ra dĩa và có thể nhào vô trận nhậu. Lúc tôi qua chòi thì trận nhậu đã bắt đầu được một hồi, các bác nông dân nhất định không cho qua, bắt làm một xị dằn bụng. Đang đói, quất vô mấy ly rượu đế và nhai rẹm rang ròn rụm thật là đã nhưng mỗi tội mau say.
Làm vài ly, chúng tôi cáo từ sau khi đã “chào sân” với bàn nhậu mỗi người một ly. Rời chòi nhậu nơi bìa rừng ra đến đầu kênh ai nấy nôn nao vì rượu và đói, tấp đại vô một quán tranh lụp xụp ven đường nơi đầu kênh để kiếm cơm trưa dằn bụng. Quán thật ấn tượng: Một nửa nằm trên bờ kênh, một nửa kê sàn nằm trên mặt kênh, mái lá thủng lỗ chỗ để những tia nắng trưa rọi lấp lánh lên bàn… Nhưng không lẽ chạy thêm vài chục cây số để kiếm nhà hàng có nấu cơm trưa đàng hoàng. Chị chủ quán đẫy đà bước ra hỏi mấy chú nhậu gì làm cả đám thất vọng vì đang đói bụng chỉ thèm cơm. Ở vùng này không ăn giấc trưa, buổi sáng sớm nông dân thức sớm ra làm đồng tới chừng 9 – 10 giờ mới ăn sáng, rồi làm tiếp đến chừng 2 giờ chiều thì về nhà. Bữa cơm chiều dọn ra vào khoảng 3 giờ, ăn xong rảnh rang là bắt đầu gầy độ nhậu tối cho mát mẻ. Tập quán là như vậy, nên bữa cơm trưa kiểu công chức của chúng tôi ở đây không hạp, đói là phải rồi. Đã vậy thì nhậu tiếp! Hỏi ra mới biết trong quán có rộng sẵn mấy con rắn ri voi chừng 2 kí. Quán sẽ nấu 2 món là lòng rắn xào mướp và cháo rắn. Nghe nói có cháo, cả bọn đồng ý cái rụp rồi chọn 1 con béo múp míp để chị chủ quán mần và để nhanh có mồi còn cử một cậu tháo vát chạy vào bếp xào nấu tiếp.
Rất nhanh, dĩa lòng rắn xào mướp được dọn ra… Lại một lít rượu được châm cho những cái bụng đang cồn lên vì mấy ly rượu rẹm rang, giờ được chêm thêm bằng mấy miếng mướp beo béo thơm thơm nên chẳng mấy chốc lâng lâng… Tới lúc dường như cả đám chịu hết xiết, chị chủ quán mới khệ nệ bưng ra nồi cháo. Cả nồi cháo còn sôi ùng ục mà chả cần phải múc ra tô làm gì cho thêm phiền. Cả bọn nhào vô mỗi người một chén cháo rắn với những khúc rắn mềm rụm nấu trong đậu xanh nguyên vỏ, cháo nấu chỉ toàn là đậu xanh không một hạt gạo. Đang đói và say, húp miếng cháo đậu xanh ngọt thanh của thịt rắn và dậy mùi thơm hạt đậu nấu bung vỏ, béo ngậy mỡ rắn, loáng thoáng xanh của hành ngò xắt nhỏ, thấy như có một dòng năng lượng từ từ trôi qua từng kẽ răng tới những cái bao tử lép kẹp. Tuyệt hảo món cháo rắn đậu xanh thấm đẫm hương vị rừng U Minh…
Kể tới đây, cả đám chợt nuốt nước miếng cái ục và rồi lại nhớ ra cũng tới cơm giờ trưa. Một cậu đề xuất kéo nhau đi lẩu rắn cho đã… cơn thèm rượu. Nhưng ở ngay Rạch Giá đây thì kiếm đâu ra quán nhậu kiểu rừng U Minh, thôi đi vô quán nhậu miệt vườn, mãi tận mấy xóm ráp mí biển. Và thế là chúng tôi cứ 2 đứa một xe gắn máy, mấy chiếc xe rồng rắn kéo nhau chạy vào những con đường nông thôn tráng bê tông rộng chừng hơn mét trong cơn mưa lất phất, qua cả những ruộng lúa đang trổ đòng đòng và những vườn rẫy xóm thôn để rồi dừng lại ở một quán nhậu giữa một vườn dừa xanh um.
Bên ngoài quán cũng giống như bao quán nước khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt tiền chồm gần sát tới mé lộ nông thôn, bề rộng hẹp, còn chiều sâu thì dài. Mặt tiền để trống không cần cửa và cả gian trước quán dừng lá lưng lửng, cửa sổ là một tấm phên chằm lá dừa chống xéo lên cho thoáng đãng còn lúc mưa gió thì sụp xuống thành vách, xếp vài bộ bàn ghế lúp xúp để bán cà phê nước đá lạnh cho khách qua đường, ai có nhu cầu nhậu thì đi tiếp ra sau. Chúng tôi đi ra sau, men theo một hành lang nhỏ tạo bởi một bên vách và một bên là buồng ngủ của chủ quán. Đoán là buồng ngủ vì trong tối om được quây kín cũng bằng lá dừa nước, chừa lại một khoảng tạo hình như cái cửa buồng, không có cánh cửa mà được che bằng một tấm rèm vải bay lất phất. Đi tiếp tới một không gian rộng ra hết cả bề ngang căn nhà là khu bếp chế biến thức ăn cho thực khách vào quán. Bếp là một lò ga đôi và cạnh đó là hai cái lò đất nung, đang cháy phừng phừng bằng những bó lá dừa khô, mùi thức ăn từ nồi đang sôi ùng ục quện với mùi thơm lá dừa cháy làm những bước chân vội vã của đám thực khách đói bụng chợt như dợm lại.

Bước ra khỏi nhà, sát vách sau, tới sàn lảng nước được ghép lại từ những tấm ván dừa nửa bờ nửa chống trên một con mương nhỏ. Chúng tôi gặp bà chủ quán ở đây. Chủ quán chỉ con rắn hổ ngựa cỡ hai kí, mời chúng tôi làm món hổ ngựa hầm củ cải, chỉ duy nhất một món lẩu không cầu kì rắc rối cho mất công. Vừa kịp lúc ông chồng bà chủ quán xách toòng teng một xâu ếch đồng mới đâm được còn giãy tê tê từ mé bờ ruộng sau vườn dừa bước lên, chúng tôi lựa hai con và đề nghị làm “tốc hành” dĩa ếch xào xả ớt thiệt cay để nhậu bắt mồi trước, trong khi chờ cho nồi hầm xả mềm. Chọn thực đơn kiểu dân dã miệt vườn xong, cả bọn đi tiếp ra sau để tới bàn nhậu.
“Bàn nhậu” là những dãy chòi mái vách lá dừa lùm lùm, bề ngoài có vẻ rất “tăm tối khả nghi”, mỗi bề chừng ba thước, dựng trên một sàn bằng ván dừa bóng láng lên vì mỗi ngày tiếp không biết bao nhiêu thực khách. Nhìn bên ngoài thì xùm xụp vậy như để tránh con mắt dòm ngó của người đi ngang, nhưng bên trong chòi thì lại thoáng mát, sáng sủa và chẳng có vẻ gì là mờ ám. Giữa sàn được chải một tấm chiếu đôi để thực khách ngồi, chả có bàn ghế, mấy ông bụng to chắc hơn ngán kiểu ngồi nhậu như vầy. Nhậu kiểu này tiện, vì khi “đã”, chỉ việc lật ngang ra sau làm một giấc trong khi bạn nhậu ở trước tiếp tục chén thù chén tạc. Quán có chừng bốn năm chòi lá núp thấp thoáng dưới những bóng dừa thăm thẳm… Mới đầu giờ trưa mà đã có chòi vang tiếng thực khách hò la vô vô tưng bừng. Chắc các cán bộ xã họp giao ban cuối tuần vì thấy ai nấy đều quần áo chỉnh tề và thấp thoáng có cả mấy bộ đồ cảnh phục.
Yên vị ngồi “chèm bẹp” trên sàn nhậu xong thì đĩa mồi và chai rượu được chuyển tới. Người đưa mâm ra là một cô gái trẻ, đội một chiếc nón lá cũ hơi sờn, quai nón được cột bằng một tấm khăn voan, mà khi cần có thể tháo ra sử dụng cho việc khác, có một nụ cười thật dễ mến và đặc kiểu thiếu nữ nông thôn Nam Bộ. Thiếu nữ không trang điểm, áo thun ngắn tay xốc gần tới nách, khoe ra cánh tay tròn lẳn khỏe mạnh, đứng ngay cửa chòi không bước lên sàn, trật nón xuống kẹp tay rồi nhoẻn miệng cười thân thiện chào mọi người. Mọi người chợt như lặng xuống và chòi nhậu lúp xúp dường như bừng sáng long lanh bởi nụ cười của nàng thôn nữ.
Vẫn đứng nửa trong nửa ngoài, cô gái khòm mình rót một ly rượu pha mật ong sóng sánh vàng, tự nhắp môi để chứng tỏ rượu quán em là tinh khiết, má nàng ửng hồng và rồi lần lượt rót rượu cho cả bàn. Đói rồi, nhập cuộc thôi anh em. Tôi uống một hơi hết ly rượu, để ngụm rượu đọng lại trong miệng cho đầu lưỡi tê tê, men rượu nồng thơm nhè nhẹ tỏa ra theo hơi thở và rồi từ từ nuốt trọn dòng rượu xuống qua cần cổ tới dạ dày. Gắp một miếng thịt ếch, cắn ngập răng qua làn da ếch dòn xừn xựt, tới lần thịt ếch để cảm nhận mùi thơm của xả bằm nhuyễn, vị cay xé của ớt bằm, một chút bùi của hạt đậu phộng và vị ngọt dai của thịt ếch đồng, tôi chợt thấy như lòng mình thư thái bởi cái thanh khiết của cô gái và những giọt rượu quê hương!
Hết chai rượu và dĩa ếch xào xả ớt, cả đám đã thấy như máu chảy rân rân. Cô gái đưa ra lò than đước, nồi lẩu với những khúc rắn tròn trùng trục béo mẫn còn nguyên lớp da vằn vện vàng đen sôi ùng ục và đĩa rau nhúng gồm cải xanh, rau ngổ, bông so đũa và đọt cù nèo. Ai đó bẻ rau ngổ bỏ vào nồi lẩu. Rau xanh bỏ vào nồi cho lẩu rắn đỡ cô đơn và hương vị thơm lừng của xả, vị ngọt ngọt của củ cải cùng mùi thơm ấp ủ của rau ngổ như bùng lên trong căn lều nhỏ ấm áp. Bên ngoài mưa vẫn lắc rắc rơi. Một cậu, rót ly rượu đầy mời cô gái, cười ý nhị và cất lên một câu vọng cổ trong bài “Tình Anh Bán Chiếu” của soạn giả Diễn Châu.
“Hò… ơi…!
“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,
“Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
“Chiếu này tôi chẳng bán đâu,
“Tìm cô không gặp, hò… ơi…
“Tôi gối đầu mỗi đêm.
“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
“Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào.”
Cô gái đỏ mặt, tiếp ly và ngửa cổ uống cạn… Bàn tiệc như rộn lên bởi nồi lẩu rắn thơm ngát và những câu hò điệu lý tình tang đưa đẩy lẳng lơ thân quen đến lạ. Rắn hổ ngựa chưa bao giờ từng được dân nhậu đánh giá là mồi nhậu quý hiếm, đắt đỏ do thịt rắn lạt lại hơi hơi tanh và không có ai đồn thổi về khả năng tăng cường sinh lực của nó cả. Trong các nhà hàng sang trọng, dàn tiếp viên mặc đồng phục động tác dọn bàn bày chén gắp thức ăn chuẩn mực như người máy, rắn hổ ngựa hiếm khi được đưa vào thực đơn. Lẩu rắn hổ ngựa hầm củ cải trắng với xả thường chỉ xuất hiện trong những quán nhậu dân dã miệt vườn, nơi chủ quán cũng giống như người chị, người em gái trong gia đình sửa soạn món ăn chăm sóc các anh trai đi làm xa về thưởng thức cho quên những nhọc nhằn thương nhớ của những ngày lam lũ xa xứ. Tôi như say trong cái không khí tiệc rượu và nhìn cô gái trẻ, chợt nhớ một câu ca dao đặc sệt Tây Nam Bộ xứ tôi, mà sao thấy hao hao cô gái trong quán này…
“Anh về em nắm vạt áo em la làng
“Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em.
"Người ta chung nón chung quai
“Cho em chung lưng lại, có con trai ta bồng.
“Bình bồng khó lắm anh ơi!
“Thân em như chiếc thuyền trôi giữa vời
“Đứng xa kêu bớ anh Tư
“Thương không anh nói thiệt, đừng cười đẩy đưa!”
Khúc rắn hổ ngựa mềm sụm, chả lạt lẽo tẹo nào, chợt như ngọt lịm tôi được thưởng thức hôm nay… Say rồi, tôi say ngả lưng vào vách chòi, nhìn ra ngoài thấy bóng dừa xanh um dọi bóng xuống dòng kênh phẳng lặng loang loáng câu vọng cổ đẩy đưa…
“Ngẩng đầu lên,
“Bầu trời mây vần vũ.
“Cúi gục đầu,
“Ly rượu sóng sánh run...
“Còn tỉnh không để viết câu thơ nữa.
“Chắt lấy giọt tình để viết nỗi yêu em.”

Rạch Giá, ngày 10/11/2013

No comments: