Saturday, November 2, 2013

Phẩm Gía Tiếng Việt

____________


Song Lam


Tác giả 65 tuổi, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tự sơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Bài viết mới -bài thứ tám trong năm- cho thấy thêm sức viết linh hoạt, ý nhị, và tấm lòng với tiếng Việt, người Việt.

* * *

Ngoài việc chạy lo "cơm áo gạo tiền" cho cuộc sống hàng ngày, người Việt hải ngoại còn ngoảnh cổ "đau đáu" nhìn về Việt Nam mà đau lòng xót thương "Người ở lại Charlie". Vấn đề nhân quyền, dân oan, và tự do báo chí bao năm vẫn "nổi cộm" quê nhà.

Còn quê người?



Từ mấy chục năm qua, nỗi lo của người già, đang già (trong đó có tôi) là làm sao bảo tồn, giữ gìn văn hóa tiếng Việt, chữ Việt tức là Phẩm Giá Tiếng Việt.

Ở những vùng xa Đông Bắc, Tây Bắc Hoa Kỳ, nhiều nơi không thể có báo chí Việt ngữ, lại càng không có truyền thanh, truyền hình Việt Nam. Những thứ này nếu có ở đây, hình như cũng chỉ "dành riêng" cho người lớn tuổi không còn đi làm, để họ quên buồn, quên cái thời tiết lạnh giá chiếm gần phân nửa thời gian của một năm. Giới trẻ tốt nghiệp đại học ở đây không thích báo Việt và "đau lòng tôi lắm quý vị ơi" họ cũng không muốn nói tiếng Việt với nhau! Tôi không hiểu đó là thói quen giao tiếp, làm việc với Mỹ, hay là họ muốn tỏ ra mình là dân "top", "high class"?

Giới trẻ Việt khắp nơi ở Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Úc… đã làm rạng danh người Việt bằng tài năng, học vị của mình. Tôi yêu quý và hãnh diện về họ. Nhưng, nếu họ chối bỏ, chê bai tiếng Việt thì tôi buồn, buồn biết bao nhiêu!

Cách đây khá lâu, tình cờ tôi đọc tờ tuần báo phát hành ở Cali, có câu này:

Chỉ sợ cháu con quên Việt ngữ
Đừng lo lũ trẻ kém Anh văn!


Tôi âm thầm cám ơn, cám ơn thật nhiều tác giả cũng như tôi đã ngày đêm "say thank you" hàng ngàn hàng vạn lần quý vị đồng hương lăn xả vào lãnh vực truyền thông, báo chí Việt ngữ ở Cali, Texas…

"Ngồi buồn lo bảy, lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên"


Đó là nỗi lo của tôi về cộng đồng chúng ta. Rồi đây, lớp già ung dung "khuất núi" lớp trẻ có còn… nói tiếng Việt, viết chữ Việt được không? Tôi cứ thắc mắc hoài, sao người Tàu ở Mỹ này hàng trăm năm trước chúng ta mà chỉ cần có hai người là họ sẵn sàng xổ tiếng Tàu xí xô xí xào "tự nhiên như người Hà Nội" giữa đông đảo người Mỹ, và, người phụ nữ Ấn Độ "hiên ngang" bận quốc phục đi chợ, ra đường mỗi ngày. Đó là văn hóa của họ. Còn chúng ta thì sao?

Có đôi người vỗ vai tôi "Thôi bớt lo đi!" và tôi thắng gấp cái lo đó khi lần đầu tôi đến Cali. Trời ơi, cái phút đầu tiên đó, tôi thật sự bàng hoàng: chữ Việt, người Việt khắp nơi. Và bảng hiệu ghi bằng chữ Việt làm tôi hoa cả mắt: Văn phòng Bác sĩ, Viện thẩm mỹ, Nhà thuốc tây, chợ ABC, Quán phở 79, Nhà sách Tự Lực, Phòng khai thuế, Tiệm thuốc bắc… ôi thôi như một "rừng lá thấp". Tôi đứng tần ngần, ngẩn ngơ, há hốc… như đứa trẻ nhà quê lần đầu tiên được cha mẹ dắt đi Sàigon.

Mới đây, đài SBTN có đưa tin về Seattle Washington: Các thầy cô giáo dạy Việt ngữ được học khu mời dự phiên họp với chuyên đề: Hợp soạn sách giáo khoa song ngữ Việt Anh cho học sinh sẽ được áp dụng trong trường Mỹ. Chỉ mới là dự án, dự thảo mà tôi mừng quýnh, mừng ra mặt, vì tôi nghĩ rằng tiếng Việt, chữ Việt đang từng bước được gìn giữ, phát huy mà quý vị chủ biên của các nhật báo Việt Báo, Người Việt… ở Cali đang làm.

Đã nói là Phẩm Giá, tức là nói tới phẩm chất (quality) và giá trị (value) cái tốt đẹp nhất của chữ Việt, tiếng Việt. Vấn đề này không nhỏ, đó là "sứ mệnh cao cả" của người làm văn học sử, của nhà ngôn ngữ học. Người viết sức tàn lực kiệt, "lực bất tòng tâm" nên kham hổng nổi. Bài viết này chỉ là một mơ ước nhỏ nhoi làm công việc "quảng cáo tiếp thị", khoe khoang một chút, giới thiệu một chút để "dụ khị" lớp trẻ yêu tiếng Việt, học tiếng Việt, và đừng chê bai tiếng Việt.

Ở đây, như quý vị đã biết, trước khi mời khách hàng mua món hàng, hoặc món ăn gì mới, các shopping Mỹ đều có cho họ thử sample. Tôi đang làm công việc đó. Bài viết này, thưa quý bạn đọc, là dăm ba cái sample tiếng Việt cho giới trẻ tuổi mười hai, mười ba sinh trưởng ở Mỹ, Úc, Canada… không có dịp nói, học viết tiếng Việt. Quý vị cho phép tôi nói câu này với họ nha:

- Các cháu ơi, các cháu nhỏ thân yêu của tôi, "nếu có thương tôi thì hãy thương tôi bây giờ" nghĩa là học dùm tôi bây giờ, học dùm tôi tiếng Việt.

Tôi không yêu quí "tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" như Phạm Duy. Có thể tôi chỉ mới biết yêu tiếng nước tôi khi nghe má tôi hát ru tôi ngủ và nhớ câu ca dao đó cho tới bây giờ. Má tôi hát:

"Ầu ơ… nước ròng bỏ bãi xa cừ
Chớ… vợ hư để vợ… ờ… chớ vợ hư để vợ…
Chớ… đừng từ mẹ cha…"


Má tôi "đề pa" bằng câu đó và vài câu nữa là tôi ngủ khò. Má tôi có cả một kho tàng ca dao, câu hò, điệu hát phương Nam trong bụng. Lần sau khi gặp lại, tôi sẽ kể hầu quý bạn đọc. Tôi muốn nói với các cháu yêu quý rằng: tiếng Việt của mình đẹp lắm, hay lắm mà không có thứ ngôn ngữ nào sánh kịp. Nghe người Việt nói chuyện với nhau, người ngoại quốc ngơ ngẩn, họ nói: "tụi bây nói chuyện nghe như tiếng chim hót". Điều đó không sai: đâu có thứ ngôn ngữ nào có sáu thinh như ta? Này nhé, có trầm bổng lên xuống với sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng, không (Anh Sắc hỏi chị Huyền ngã có đau không?) và trong thơ ca, lại còn phân biệt thanh bằng, thanh trắc.

Khoan khoan, quý vị đừng la. Tôi không đi vào chi tiết đâu chỉ dừng lại ở chung chung thôi mà.

Như trên đã thưa, phạm vi bài viết chỉ "dạo kiểng xem huê", thăm dân cho biết sự tình, và chỉ xin chia xẻ với bạn đọc vài điều thô thiển.

1. Sự biến hóa của ngôn ngữ Việt

Dùng cái tiêu đề này cho nó "oai" chút thôi, chứ bản tính người Việt thích sự giản dị, "huỵch toẹt" cho dễ hiểu, đó là sự lấp lánh, sự đánh lừa của tiếng Việt. Xin trở lại câu ca dao hồi nãy:

Nước ròng BỎ bãi, XA cừ
Vợ hư ĐỂ vợ, đừng TỪ mẹ cha.


Bốn chữ bỏ, xa, để, từ tự bản thân nó là 4 trong 1, chỉ là rời bỏ, không quan hệ, không dính líu tới… mà thôi.

Để: bỏ, separate, divorce

Từ: không nhìn nhận, chấm dứt quan hệ

Các bạn nghĩ đúng. ¾ của câu là Affirmative, ¼ câu là Negative. Câu 1 để gợi tả sự xa lìa, câu 2 mới là trung tâm: Vế trước ok, vế sau "no ok". Vợ hư thì bỏ được, nhưng cha mẹ không thể "ghét bỏ" được. Đó là đạo lý của "nam Hán" ngày xưa. (Bây giờ "xưa" rồi Diễm)

2. Sự đa nghĩa của tiếng Việt

Xin quý vị thương tôi, đây không phải là bài "nghiên cứu", chỉ là cái vui muốn chia xẻ, "dụ khị" con nít thôi. Xin trở lại câu ca dao cũ một phần tư (1/4) negative: đừng TỪ mẹ cha (Tôi thích chữ "từ" này lắm, nhưng không thích chữ "từ hôn", mà trang báo vui cười giải nghĩa rằng: "hôn từ từ, đừng "hấp hối")

Từ: bỏ (từ hôn, từ biệt): động từ

Từ từ: thong thả, chậm rãi: trạng từ

Ông Từ: người giữ đền, chùa: danh từ (Lừ đừ như ông Từ vào đền)

Các bạn viết câu này nha: Ông Từ từ từ vào đền. Các bạn vui rồi phải không? Me too. Xin bạn thêm nụ cười nữa nha. Đây là câu đối:

Ông Từ ở Cali, từ chi thì từ, chẳng từ báo chí.

Bà Bỏ đi Texas, bỏ gì thì bỏ, không bỏ văn chương

Chuyện này bí mật nha, rủi có ông nào tên từ ở Cali, ổng "cut my neck."

3. Sự gợi hình, gợi cảm

Đây là "super star" của tiếng Việt đây. Xin gởi bạn câu ca dao:

Cớ chi anh bắt em thề?
Cầm dao lá liễu, dựa kề tóc mai?


Bạn thấy tình yêu "hồi nẵm" dữ dội chưa? Cớ chi: lý do gì, no reason. Yêu mà cũng "cưỡng chế" như chính quyền trong nước "cưỡng chế" đất của dân: "anh bắt em thề". "Bắt" tức là bắt buộc phải làm, là ra lệnh obligation rõ ràng. Người ta hổng chịu mà bắt người ta "thề thốt" rồi còn dí dao vào cổ người ta, biểu nói: "I love you" thì thật là quá đáng. "Dao lá liễu" nhọn hoắc quí ngài ơi!

Thêm một câu nữa nha:

"Bỗng dưng em ít nói ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng"


Sao mà "bỗng dưng" được, có lý do chứ? Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ anh thanh niên này biết "tỏng tòng tong" là cô này "fall in love" rồi, với tui, hay với ai, nói! "Hò hẹn lâu rồi, em nói đi"

Tôi quá là thích với chữ "ôm duyên". Ôm duyên chứ không phải ôm Duyên, ôm cô nào tên Duyên. Ôm duyên tức là ấp ủ tấm tình riêng với người nào đó, "em đã yêu anh từ lâu" là vậy, vậy mới đợi "chín mười con trăng" chứ! Khi chúng ta dang hai tay ra, giữ cái gì đó, người nào đó sát rạt vô cái body của mình là ôm. Ai cũng ưa cái động từ này cho nên trong nước từ lâu rồi ào ào, sôi sục phong trào "ôm": bia ôm, cà phê ôm, miến gà… ôm, chè đậu đỏ… ôm, nghe riết muốn đứt hơi.

Mời bạn cùng tôi bước qua đây một chút. Một bước chân thôi, bạn sẽ thấy sự gợi hình, gợi cảm của tiếng Việt, chữ Việt nó "dữ dằn" cỡ nào. Cả hai câu tả cảnh tả người này đều trích từ Kiều:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng


Hoặc:

Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!


Câu trước là hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, tuyệt vời còn câu sau là hình ảnh mụ tú bà xấu không chịu nổi. Bạn nghĩ đi, không gợi hình là gì?

Cho tôi xin hai phút thư giản, đi pha ly nước soda chanh đường hột gà uống vô cho "giải độc". Hình ảnh mụ tú bà xấu hoắc tôi sợ bị xấu lây. Bạn tin tôi chưa? Rồi, tôi "phẻ" rồi, xin thưa cùng quý bạn đọc "một lời sau cuối"

4. Sự duyên dáng, tế nhị của tiếng Việt

Bà ngoại của ông bạn hàng xóm già lắm, đau yếu lâu ngày, đang "viết chúc thư" trên giường bệnh. Nếu tôi muốn được cái "bốp" vô mặt, mắt nổ lòi ra (Magnolia), gãy ba răng cửa thì tôi sẽ hỏi ổng câu này:

- Ủa, ông Sáu, bà ngoại ông "chết" chưa?

Tôi đâu có "ngu không ngày tháng" như vậy bạn, dù tôi và cả ông Sáu biết 100% rằng bà ngoại sẽ "ra đi". Tôi phải vận dụng cách NÓI GIẢM, duyên dáng của tiếng Việt mà rằng:

- Ông Sáu à, bà ngoại có khỏe chút nào không ông?

Hoặc văn vẻ hơn:

-Bà ngoại có "THUYÊN GIẢM" chút nào không?

Bạn thấy gì không? Ông bạn tôi rụt cái bàn tay hộ pháp đen xì của ổng lại, nhè nhẹ lắc đầu, nhìn tôi thật trìu mến và nói: "Cám ơn bà!" Thấy chưa? Cùng một ý nghĩa, hai câu hỏi khác nhau, tạo hai phản hồi khác nhau.

Bây giờ mời quý bạn đọc, các em các cháu xem báo. Mỗi ngày trên Việt Báo có mục "Việt Về Nước Mỹ" rộng đường chim bay cho chúng mình thì cũng có hàng hàng lớp lớp đồng hương "bay về tổ lạnh". Nào là Phân ưu, Cáo phó… Vị nào tìm trong mấy khung báo đó chữ "CHẾT" là tui "chết liền". Trong cáo phó, phân ưu, đồng hương của ta không nói "Chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin ông cố, ông nội của chúng tôi là… đã CHẾT vào ngày… giờ… mà họ thay bằng chữ: qui tiên, mất, quá vãng, mãn phần, từ giã cõi đời… hay được Chúa gọi về… Tiếng Anh, tiếng Pháp làm gì có được cái vụ này, cái gì cũng die, mouriv, nhiều lắm là pass away là xong.

Cái đồng hồ, con mèo, con người… đều có cái chết, sự chết. Có bao giờ người Việt mình nói "con mèo qui tiên", hay "cái đồng hồ quá vãng" đâu? Những chữ trang trọng đó chỉ dành cho con người, làm giảm bớt nỗi đau buồn của thân nhân, con cháu. Cũng như trong ngôn ngữ nói trong giao tiếp hàng ngày của chúng ta cũng có dư thừa sự tế nhị. Còn gì đau khổ cho tôi hơn trong khi tôi đang "rã bành tô" vì không tiền trả rent tháng này mà bạn cứ ra rả, lải nhải khoe khoang mãi cái nhà bạn mới mua ba triệu rưỡi đô la ở Beverly Hill ở Hollywood?

Trong những năm gần đây có đôi lần tôi đến Cali làm tôi "sáng mắt sáng lòng". Nhưng lần nào cũng "cỡi ngựa xem hoa" hớt hơ hớt hải chạy về… cho con bú vì sợ chủ nó đuổi. Vì thế, tôi hiểu chưa nhiều về địa lý, con người Cali. Hồi xưa, Má tôi hay hát câu:

"Nam Vang đi dễ, khó về
Trai đi có vợ, gái về có con"


Xin quý vị cho tôi sửa lại chút nghen:

"Cali đi dễ, khó về
Khi đi có NẮNG, khi về có THƠ"


Nhớ khi vừa đến Mỹ, tôi thích bài gì… gì đó của nhạc sĩ Đức Huy, trong đó có câu "Ngày rời Cali, tôi đã để quên con tim". Tâm trạng của tôi và nhạc sĩ Đức Huy, dĩ nhiên, khác nhau. Có lẽ ổng lưu luyến bóng hình "cô hái mơ" nào trong mộng của ổng, còn tui là niềm luyến tiếc không được ở lâu ngày để thưởng thức "văn hóa ẩm thực", nhất là chưa có thì giờ "lùng sục" sách báo vì tôi rất mê đọc sách Việt ngữ, tôi đã "để quên con tim" ở Nam Cali là vậy đó.

Trong thư viết cho bà Cẩm Tú ở Oklahoma tôi hẹn gặp bà trong… "viện dưỡng lão", thì hôm nay, xin "làm cái hẹn" với quý bạn đọc, các cháu, các em nhỏ ở Phước Lộc Thọ, ngay chỗ hai con sư tử trắng (ví tui nữa là ba) để tui tìm lại "con tim bỏ quên" của mình năm ngoái. Nếu quý vị nào "trong nỗi đau tình cờ" bắt gặp "trái tim tàn úa" của tui, xin protect dùm, đừng làm:

"Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm (sư tử) đá, tơ chia rũ tằm"
(Nguyễn Du - Kiều)

Tôi khóc rồi bạn ơi!
"Please, don't break my heart."

1 comment:

Anonymous said...


Không biết những chỗ khác ra sao chớ trường của cháu nội tôi học thì lại khác.Truòng có rất nhiều trẻ em VN ,các em tụ họp thành một nhóm chơi rất vui vẻ .Các em nguồn gốc khác muốn nhập bọn phải học tiếng Việt,nhóm các em mới cho chơi.Sở dĩ tôi biết được chuyện nầy là có một hôm tôi đến đón cháu ,mấy đứa kia chỉ tôi đồng loạt nói : OONG NOI.
Cháu tôi nói tụi nó phải nói và hiểu tiếng Việt mới chơi với tụi cháu được.
BLG