Saturday, November 16, 2013

Mùi Hương trong vườn

____________

mui-huong_B0
Huy Lâm
Ở hậu bán thế kỷ 20, người Việt đã làm hai cuộc di cư lớn: 1954, một triệu người miền Bắc, để tránh họa Cộng sản, đã phải bỏ lại nhà cửa, đất đai ruộng vườn, mồ mả tổ tiên, là những thứ quý giá và thiêng liêng nhất, di cư vào Nam; 1975, biển dâu một thời, lại một lần nữa hàng triệu người Việt đã phải rời bỏ quê hương đi tìm một đời sống mới ở những vùng đất xa lạ. Cuộc di cư đầu tiên dù sao cũng vẫn là cuộc di chuyển từ miền này sang miền khác. Dù gì thì miền Nam vẫn là một phần của đất nước, phong thổ có khác nhưng vẫn là những con người Việt Nam, vẫn nói chung một ngôn ngữ, vẫn thở chung một bầu không khí, vẫn tìm thấy quanh cuộc sống những sinh hoạt quen thuộc. Nhưng cuộc di cư thứ hai, những người Việt ra đi lần này mới thật sự bị bứng khỏi gốc, đi tới những miền đất thật xa lạ, gặp những con người không giống mình và nghe thứ ngôn ngữ không phải của mình.

Trong lúc ra đi vội vã như thế, nhiều người không kịp mang theo được gì ngoài một mớ những nhớ nhung hoài niệm về nơi chốn cũ mà họ đã từng sống qua một thời. Chắc hẳn nỗi nhớ nhung đó nhiều khi ray rứt lắm. Ai lại không yêu quê hương. Mà yêu quê hương thì chẳng bao giờ là điều trừu tượng, nó luôn hiện thực qua những hình ảnh thân quen như căn nhà cũ, con ngõ hẻm, một ngọn cây, một hàng dậu v.v… và dĩ nhiên, mảnh vườn nhỏ sau nhà có lẽ cũng in đậm trong trí tưởng của nhiều người.
Rồi chúng ta đến một nơi được gọi là quê hương thứ hai và vội vã hối hả lao vào cuộc sống mới để tồn tại. Rồi những bận rộn trong cuộc sống làm chúng ta vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Ít năm sau, khi cuộc sống đã tương đối ổn định, có người đã dành dụm đủ để có khả năng mua một căn nhà, bước đầu cho sự an cư rồi sau đó sẽ là lạc nghiệp. Và ắt hẳn đằng sau căn nhà đó là mảnh vườn, một điều kiện không thể thiếu. Vườn không cần lớn lắm, chỉ vừa vừa thôi nhưng cũng đủ kéo về hình ảnh của mảnh vườn cũ ở quê nhà. Thế là vào những cuối tuần, chúng ta lại xắn tay áo lên cùng với cuốc xẻng, ra sức dọn sạch cỏ, ngăn riêng ra một góc và tạo một vườn rau cho gia đình. Trong mảnh vườn nho nhỏ đó, chúng ta trồng đủ loại rau quen thuộc từ mồng tơi, rau muống, cải xanh, bầu bí v.v…, rồi nào rau thơm đủ loại, húng, bạc hà, tía tô, ngò, vài gốc ớt, gốc chanh. Cạnh đó chúng ta lại trang hoàng thêm ít loại hoa đủ màu đủ sắc cho mảnh vườn thêm đẹp mắt.
Có lẽ phần lớn các gia đình người Việt ở Mỹ khi có nhà đều có một mảnh vườn rau con con như thế. Bước vào một khu xóm, chưa biết có quen ai hay không, nhưng nếu nhìn qua phía bên kia hàng rào gỗ với những dây bầu dây bí vươn lên thì hẳn nhà đó phải là nhà người Việt, còn không thì ít nhất cũng là người cùng màu da với chúng ta.
Chúng ta tạo một mảnh vườn con con đó là vì nỗi nhớ nhung đã đành. Nhưng mảnh vườn nhỏ đó cũng có điểm lợi rất thực tế, ăn một bát bún thì cần ít loại rau này, ăn một tô phở lại cần loại rau kia, một chén cháo thì phải thêm vào vài lát hành lá. Vậy là ngoài vườn đã có sẵn những thứ ấy, đâu cần phải mất công đi đâu mua. Rồi có những lúc bước ra sân hóng chút gió, vô tình ngửi thấy thoang thoảng mùi hương nhè nhẹ của những khóm rau thơm, gốc sả, ngọn chanh quyện cùng hương thơm của hoa hồng, hoa huệ bay vào khứu giác làm ta cảm thấy sảng khoái vô cùng, quên hết những mệt nhọc, ưu phiền trong ngày.
Phải chăng chính cái cảm giác sảng khoái làm chúng ta quên hết những mệt nhọc, ưu phiền là vì công dụng chữa bệnh của những hương thơm từ hoa cỏ trong vườn mà ít ai trong chúng ta biết đến.
Từ ngàn năm trước, người xưa đã biết lợi dụng mảnh vườn sau nhà để trồng những loại rau, hoa và những thứ cây cỏ khác để dùng chữa bệnh. Đặc biệt là những thầy tu thời trung cổ, là những người thường biết chút ít về y học, nên luôn dành một khoảnh đất trong khuôn viên tu viện để tạo một mảnh vườn và trồng những loại rau hoa dùng làm dược thảo. Khoa học hiện đại ngày nay đã chứng minh cho thấy công dụng của một số dược thảo trong cách chữa bệnh của người xưa.
Năm 2009, một nhóm nghiên cứu y học thuộc Đại học Tottori tại Nhật Bản thấy rằng nếu để những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer (mất trí nhớ) nằm gần cây hương thảo (rosemary) và chanh vào buổi sáng và cây hoa oải hương (lavender) và cam vào buổi chiều sẽ mang lại kết quả giúp những chức năng nhận thức của bệnh nhân hoạt động tốt hơn. Một nghiên cứu vào năm 2006 bởi Trung tâm Y khoa thuộc Đại học New York phát hiện thấy bệnh nhân sau khi giải phẫu nếu được ngửi mùi hoa oải hương sẽ giúp bệnh nhân đó cảm thấy bớt đau đớn. Và một bản phúc trình qua kết quả nghiên cứu vào năm 2007 của tạp chí Clinical Oncology cho biết những bệnh nhân ung thư nếu được xoa bóp với dầu thơm thì ngay sau đó chứng lo lắng, trầm cảm của những bệnh nhân này giảm đi rất nhiều.
Ngược lại, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Dresden tại Đức nhận thấy rằng những người mắc chứng mất khứu giác (tức không ngửi được) thường mang tâm lý bất an và có nguy cơ bị trầm cảm cao.
Với những khám phá trên của ngành y khoa cho thấy hương thơm của cây cỏ hoa quả mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và đó cũng là cơ hội cho những ngành như kiến trúc và thiết kế đô thị chú ý tới. Người ta nói rằng các nhà thiết kế của hai ngành trên, khi còn ở trong trường học, chỉ được huấn luyện chú trọng tới phần thị giác, nghĩa là chỉ cần biết nhận diện hình dáng, màu sắc của thiết kế căn nhà hay khu phố sao cho đẹp, nhưng lại không chú trọng tới phần khứu giác.
Nhiều loại rau thơm và hoa hiện nay đã được đem ra áp dụng và trồng tại những khu vườn dùng để chữa bệnh (healing gardens) ở nhiều bệnh viện và trung tâm phục hồi. Hương thơm của húng quế, xạ hương, bạc hà, tử đinh hương và oải hương có thể mang lại nhiều lợi ích không ngờ, chúng có khả năng làm giảm căng thẳng, nhức đầu, viêm khớp và giúp dễ ngủ, dễ tiêu hóa, máu lưu thông điều hòa.
New York là một thành phố lớn, đông dân và xô bồ. Sinh hoạt tại đây có thể nói là hỗn độn, nhiều khu vực đầy rác rưởi và chắc hẳn là chẳng thơm tho gì. Tuy nhiên, có một góc của thành phố này, người ta cho thiết kế một công viên lửng trên không. Công viên này có tên là High Line, dài khoảng một dặm và được đặt trên một chiếc cầu là đường xe điện cũ. Tại công viên này người ta cho trồng hơn 300 loại cây khác nhau, nhiều loại cây trong số này tiết ra mùi thơm. Có những khoảng thời gian trong năm, nhất là vào mùa xuân, loài cúc tây có hoa màu tím ngát hương bạc hà tỏa ra khắp một khu vực của thành phố.
Theo kết quả một nghiên cứu năm 2005 bởi nhóm nghiên cứu người Hòa Lan nói rằng người ta sẽ trở nên sạch sẽ ngăn nắp hơn khi được ngửi thấy trong không khí đâu đó thoang thoảng mùi cam quít. Thử tưởng tượng nếu người ta cho trồng ở những nơi công cộng thật nhiều các loại cây và hoa tiết ra mùi thơm, thì những hương thơm ấy sẽ làm cho nhiều người bớt đi cái thói quen xả rác. Một thành phố vừa thơm lại vừa sạch thì ai không thích. Mà nó còn hấp dẫn du khách ở xa tới thăm nữa.
Có người nhận xét là tại những thành phố du lịch nổi tiếng trên khắp thế giới, có nhiều nơi có những mùi hương rất đặc biệt mà không đâu có. Như tại vùng Bắc California nổi tiếng với những rừng bạch đàn và nhiều thành phố trong vùng này được hưởng lây bởi mùi hương tiết ra từ loài cây này. Rồi trên những đường phố của thành phố Seattle lúc nào cũng ngào ngạt mùi thơm của hạt cà phê rang bay ra từ những tiệm cà phê quanh đó. Hoặc những giỏ trái cây và những lẵng hoa tại những khu chợ của thành phố Amsterdam luôn hấp dẫn khách bộ hành phải ghé vào xem. Hay những tiệm bánh của thành phố Vienne cùng với mùi thơm của đường và quế quyện vào nhau làm những ai đứng gần đó khó có thể cưỡng lại. Và thành phố biển San Sebastian của Tây Ban Nha với mùi biển và cát rất đặc biệt bay sang từ một làng đánh cá gần đó mà không nơi nào trên thế giới giống được. Có thể nói, chính cái mũi đã dắt du khách tới những khu du lịch này.
Nếu nhận xét trên là đúng thì mùi hương quả thật có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống của chúng ta. Những hương thơm ấy, nói theo khoa học, có sự liên hệ trực tiếp tới não bộ, tác động lên phần não bộ có tên gọi limbic system, là nơi điều khiển cảm xúc của con người, làm tiết ra chất endorphins, là chất làm cho con người cảm thấy sung sướng, hạnh phúc.
Trong bài hát Căn Nhà Xưa của Nguyễn Đình Toàn, có mấy câu mở đầu rất nên thơ phác họa một đời sống thật êm ả:

Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải
Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái
Ngoài những giọt nắng lung linh đậu trên mái như Nguyễn Đình Toàn mô tả, có lẽ quanh đó còn thoang thoảng mùi hương của hoa cải, hoa cau từ ngoài vườn nhè nhẹ len vào nhà. Hạnh phúc nhiều khi thật đơn giản.
Huy Lâm
-

No comments: