Cao Thoại Châu
Trưa ngày
30-4-1975 đang sống ở A cách B khoảng 45km, A là nơi đã ở không nhiều cảm xúc
từ 1972 khi chạy khỏi mùa hè đỏ lửa ở C tan tác nhiều phần, không còn tin sẽ có
một nơi nào yên ổn, thời bình yên tạm bơ da beo đã được rung chuông cảnh báo
gay gắt.
Khoảng xế trưa, từ A phóng xe máy về B mục đích nổi là thăm cha mẹ vì biết khu
gia đình ở có ác chiến, phần chìm sâu trong đáy lòng với không ít thổn thức là
nhìn mặt B trong những giờ vừa đổi chủ. Có một chút yên tâm là B không tan nát
dưới trận pháo nhưng có nhiều hơn thảng thốt nhìn thấy thành phố nháo nhác với
những khuôn mặt thất thần ngơ ngác xen lẫn một vài khuôn mặt khác hình như niềm
vui còn e lệ chưa quen của một số người trong đó có bạn bè từng một thời nuôi
những giấc mộng riêng tư mà tương đồng.
Qua
khỏi cây cầu cong cong di sản thối tha trơ trẽn của người Mỹ để lại khi bỏ của
chạy lấy người, nhìn thấy một xác người gói cẩn thận trong lớp nylon lành lặn
và rất mới, có ba lớp buộc từ trên xuống chứng tỏ người làm chuyện này có thì
giờ thong thả dành cho người xấu số một chút săn sóc kiểu nghĩa tử nghĩa
tận. Người gói trong bọc nhìn có vẻ dài hơn bình thường, anh ta là một người
lính chết vào những giờ cuối cùng của trận chiến, chiếc nón sắt nằm không xa.
Nơi anh ta nằm, trước đó vài giờ là một chốt chặn cắt ngang quốc lộ 4 bây giờ
là 1A làm cho nó bị tắc nghẽn nhiều ngày. Không biết ai sẽ mang người lính chết
ấy đi và đi đâu, nghe nói đơn vị anh ấy mới di tản từ miền Trung vào cách đó
vài tuần khi miền Trung có chủ mới. Đã quá nhiều những cái chết ngoài đường,
giờ thêm một cái nữa mà sao đi qua nghe lòng thật buồn bã. Dừng xe, xin người
dân mấy nén hương, thắp và cắm dường như vào nách anh này. Không nhớ nói với
anh lính ấy câu gì, chắc là một lời cầu nguyện không tin là sẽ thiêng liêng!
Tới Trường đua thấy hai người cảnh sát áo trắng nằm chết giữa đường trong khi
những chiếc xe máy lách qua vẫn còn hớt hải chưa tan dù phút ấy cuộc cờ đã tàn
quá rõ cho ai nấy đều thấy. Thành phố không còn như trái bóng căng những ngày
hôm trước, thậm chí vài giờ trước. Trái bóng giờ đã vỡ bung thành nhiều mảnh
xác xơ một tan hoang chưa định hình được. Vòng xuống một ngã tư, ngược lên một
cái chợ, vào con hẻm nhỏ vừa trở nên cực kỳ xa lạ. Gia đình bình an cả, hai
người em đi lính ở các tỉnh cũng đã kịp thoát về trong bộ đồ trông như thợ hồ.
Ngỡ ngàng cố giấu câu hỏi phải nói gì, làm gì trong những ngày tới. Cả nhà nói
những thứ vu vơ dường như ai cũng tránh nói về cái đang diễn ra, không ai nghĩ
tới những ngày sắp tới.
Ba người lính thắng trận đeo súng AK dừng trước cửa nhà, họ còn rất trẻ, da tai
tái và hiền từ, ngây thơ là khác. Nín lặng chờ đợi, thì ra là “Cho chúng cháu
uống nước”. Nghe tiếng “cháu” quá xa lạ, chúng ta chưa có thời gian thu xếp một
kiểu xưng hô theo vai vế, giờ còn đang nghe ngóng quyền lực từ mũi AK sẽ xử như
thế nào trong những ngày tới. Không phải một tiếng nổ ngắn gọn, tất nhiên đã không
có chuyện như thế, mà chuyện là cả những năm tháng còn ở phía trước .
Đây là lần thứ ba chứng kiến người thắng trận từ ruộng đồng, rừng núi vào thành
phố. Lần thứ nhất vào đầu tháng 7-1954. Lúc ấy đang trọ học ở nhà người bạn của
cha, phần còn lại của gia đình đang sống trong vùng Việt Minh dưới quê xa. Sáng
sớm hôm ấy thành phố D rộ lên nhiều tiếng súng, mới 14 tuổi nhưng biết đó không
phải là súng giao tranh, trẻ con thời chiến thường trưởng thành sớm. Thì thế,
lính Pháp và chính quyền thành phố tháo chạy và người lính nào đó bắn chơi như
để chào một nơi không bao giờ còn trở lại nữa, tiếng nổ của anh ta nghe có vẻ
tức tối. Quá trưa, lính Việt Minh vào, họ tỏa ra những con phố, khuôn mặt lạnh
lùng cảnh giác. Sau đó không lâu những khuôn mặt ấy dãn ra tươi tỉnh khi thành
phố có nhiều biểu hiện đón họ.
Lần thứ hai chứng kiến cảnh tương tự này là vào tháng 8 -1954. Giữa cảnh chợ
trời tấp nập mọc lên trên nhiều con đường của những người bán tháo để ra đi,
những chiếc xe nhà binh Pháp vẫn chạy bình yên thong thả, lác đác xe Molotova
chở những người lính từ ngoài vào, họ hình như đi tiền trạm lo việc tiếp thu E
và tiễn 100 năm thuộc địa Pháp ra đi, tất nhiên không bao giờ có ngày trở lại.
Ngày 10-10-1954 đường phố E rực màu cờ, phố xá đông đúc nhưng ẩn chứa một
cái gì đó lao nhao giữa đi và ở, sắc diện bình an hơn nhưng cũng không
khác D trước đó 3 tháng. Trong dòng người đang có vẻ vỡ ra thành từng
mảng ấy của E, đứa bé 14 mất liên lạc với gia đình không biết ngày mai sẽ
ra sao, còn quá nhỏ để tìm câu trả lời vào khi ấy. Nhưng tâm trạng phải tự xoay
xở với nhiều bất ổn thì có! Ngày bước lên thang một con tàu quá sức lớn, anh
lính người nước ngoài hỏi đi với ai, đáp một mình. Và anh ấy hét cho một anh
lính khác ghi “Trẻ mồ côi”!
Sau ba lần chứng kiến sự đổi thay của một thành phố trong vừa tròn 20 năm của
đời mình, lại có thêm một lần chứng kiến ngay đời mình. Đó là một thành phố mã
hóa thành 0, không bóng cây, không bóng người, cả âm thanh mùi vị hương sắc
cũng không! Và như thế sống gần 30 năm phần cuối của mình. Trong đấy, hơn 10
năm vẫn đi mỗi cuối tuần từ nơi cách 45km về nơi cuối con số ấy.
Những tên đất phai dần, để khỏi bận tâm đã mã hóa chúng thành A, B, C, D và
ngược lại trong lộ trình kiếm sống nhạt thếch cảm xúc. Thân như chia làm
hai nửa trong mỗi tuần lễ, nửa làm cho xong cái nghề đã chọn mà giờ chỉ còn là
mảnh vá công việc dán vào che khoảng trống đời người. Như một thứ phên liếp
mỏng manh cố sức ngăn gió ngăn mưa vì dù sao mưa gió cũng gây lạnh lùng. Nửa
kia bước vào cõi mà anh bạn làm cùng bàn bảo là gió tanh mưa máu, tháng đầu
tiên lãnh lương của một tờ báo tự nhiên nước mắt trào ra, vui buồn cộng chung
khi nhận ra những sỏi cát dưới chân nghe có vẻ êm đềm. Công việc mới giúp tìm
được con người của mình chăng? Cũng không có câu trả lời rõ ràng, chỉ thấy mình
thấy mình thế mà bền, thật bền, như sợi dây thừng neo được con tàu to kềnh càng
vào cảng…
Rất thương dấu chân trên những đoạn đường mã hóa, còn đâu mà tìm khi chúng đã
bị thời gian làm cho thành hư vô như sóng biển vẫn làm trên bờ cát. Không xóa
những dấu chân ấy dù đã thất lạc nhưng quyền sở hữu về chúng thì vẫn thuộc về
mình!
4 comments:
Bài viết rất hay và cảm động, đây là bài duy nhứt làm tôi cảm động cho đến nay mà tôi đọc được về tháng 4/1975. Xin cám ơn tác giả.
Cảm nhận của tác giã thật tinh tế, ông la người thật từng trải
Cám ơn nhận xét của hai bạn.Nếu các bạn thích thì có thể liên lạc với tôi, địa chỉ xin hỏi bạn Hoàng Tố Lan, admon của
Thahuong. Cao Thoại Châu
Huynh văn Mỹ
Bài viết của thi sĩ gợi lại những cảm xúc phiền muộn ngày nào. Lần nầy cũng cái cảm giác ấy trộn lẫn với những lấn cấn của các mẫu tự A,B,C,E,O...Thử đoán A,B chắc là Kon-Tum và Pleiku.
Tôi là một đứa học trò nhỏ trong số ngàn vạn học trò của thầy Phạm Huy Viên ở trường NTT, Rạch Gia nên chắc hẳn phải gọi Thi-sĩ bằng Thầy. Nhân dịp Thầy ché thăm Tha Hương xin phép được thưa chuyện với Thầy.
Tôi đã một thời làm "lính thú" ở vùng biên-trấn từ cuối thập niên 60 đến ngày tàn cuộc chiến.
Những ngày ở Pleiku, sau những cuộc hành quân trở về nếu còn lành lặn thì "tẩy trần" ở các quán cà phê VĂN, BĂNG hoặc VỊ THUỶ...với các chiến hữu : Vũ Hoàng (nhà báo) ,Kim Tuấn (nhà thơ) ,Ng.Thanh Ứng (hiệu trưởng); họ là những người tay cầm súng tay cầm phấn...
Trong một lần "tẩy trần" một người bạn trong số nói trên đưa cho tôi một mẫu giấy nhỏ cở lòng bàn tay,cắt từ một tờ báo và nói đây là bài thơ của CTC, ông ấy bị động viên và mới vừa được trả về trường . Trong ánh sáng mờ ảo đầy mầu sắc của quán cà phê tôi phải vận dụng hết "mười thành nhãn lực", bài thơ dài khoảng trên dưới hai mươi câu, tôi không nhớ tựa và vì chỉ đọc qua một lân nên chỉ nhớ được bốn câu đầu, mà không chắc có nhớ đúng không?
" Thầy đã về rồi đó các em.
Có mang theo nhiều chuyện thật đau lòng
Thầy trở về như cô dâu mới
Vừa thất tình nên hết s ức dửng dưng...
x. x x
Phần còn lại tôi không thuộc, chỉ nhớ đại ý la lời nhắn nhủ của tác giả rằng những điều thầy dạy các em bấy lâu nay trong trường đều không đúng với ngoài đời ...
Đã hơn bốn mươi năm, tôi không có dịp đọc lại bài thơ cũ của thầy, mà trí nhớ tôi thì mỏi mòn,nghi hoặc ...
Nhân tiện đây xin Thầy có vài lời chỉ giáo.
Kính.
Huynh văn Mỹ
Post a Comment