ĐƯỜNG VÀO TRƯỜNG MẪU GIÁO SAM LANG
CÓ AI RƠI NƯỚC MẮT?
* Cao Thoại Châu
Dù rộng lòng hay lạc quan tới mấy thì cũng khó lòng coi là
chuyện cười ra nước mắt cảnh các cô giáo và học trò trường mẫu giáo Sam Lang
tỉnh Điện Biên ngày ngày qua sông trong 6 tháng mùa mưa bằng một “phương tiện
giao thông thủy” không hề có trên đất nước này và chắc cũng khó có ở nơi nào
trên trái đất chúng ta, như báo chí đã phán ánh.
Thật không
hình dung ra nổi cái cảnh những con người ngồi trong bao ny lông rồi nhờ một
người trai tráng một tay túm miệng túi, tay kia bơi kéo “bao người” qua dòng
nước chảy xiết. Và hình ảnh này sẽ cứ còn chìm trong im lặng nếu không được
chính “khách qua sông” là cô giáo
Tòng Thị Minh quay lại bằng điện thoại di động.
Là cô giáo vùng
cao nhưng Tòng Thị Minh sở hữu và biết sử dụng phương tiện điện tử ghi lại “con
đường đau khổ” của chính thầy trò mình để trao cho nhà báo thì đó không thể nói
là một vùng còn quá nghèo xa với văn minh hiện đại. Lọt vào địa thế đường bộ
tới trường thì hiểm trở vách đá cheo leo, lối đi khác phải qua con suối nước
chảy xiết trong 6 tháng mùa mưa, trường mẫu giáo Sam Lang, nói cho công tâm có
phải “đứa con rơi” hay “con nuôi” của ngành hay chính quyền địa phương? Và, của
cả xã hội?
Trong khi nói giáo dục là quốc sách
chiến lược hàng đầu, giáo dục là giáo dục toàn dân, mọi trẻ em đều được công
bằng trong giáo dục thì thực tế mạng lưới trường học hiện có sự “phân khúc”
thành trường tỉnh- trường quê; trường gần – trường vùng sâu vùng xa, ngôi
trường Sam Lang này nằm trong cuối phân khúc trường vùng xa, vùng núi! Sự
phân khúc ở đây căn cứ vào trang bị, hạ tầng kỹ thuật của các ngôi trường.
Những thứ này ở Sam Lang cho thấy một kiểu đầu tư cục bộ, bản vị, mạnh ai nấy
lo không có một cái nhìn phối hợp rằng muốn có một ngôi trường thì tối thiểu
phải có những gì, và là trách nhiệm của những ngành nào? Nói rằng thiếu một cái
tầm nhìn tổng hợp, thiếu cả cái tâm, liệu có xa sự thực?
Ở đây, ngành
giáo dục huyện là người đẻ ra ngôi trường và rất tiếc một cấp phòng GD-ĐT thì
các phương tiện kỹ thuật không thể có trong tay. Ngành GD huyện chỉ có một nỗ
lực tạo ra “thành tích” phủ lớp học cần đạt tới! Ngành cũng lại không có cả
“dũng khí” nói lên và tranh thủ chính quyền cần phải hiểu thế nào về một ngôi
trường! Nói như vậy là bởi ngay khi một phóng viên đưa thực trạng lên báo,
người đứng đầu ngành GTVT đã có ngay quyết định sẽ có cầu treo cho trường Sam
Lang!
Chuyện
về những ngôi trường, nhất là trường vùng xa và lớp mẫu giáo tư nhân ở thành
phố có khá nhiều tình huống đánh động lương tâm mọi người. Nơi này cô giáo nhà
trẻ hành hạ bằng bạo lực (tát, đạp, dọa trấn nước…) các cháu nhỏ, nơi kia phạt
những học trò không thuộc bài phải nhai ớt, và có nơi cô còn bắt cả lớp 7 liếm
chiếc ghế mình ngồi…là những chuyện đáng rơi nước mắt! Đáng lưu ý là nước mắt
lại rơi vào con em của tầng lớp nghèo!
Chuyện người dân trong
đó có cả học trò ngày ngày qua sông bằng cách đu dây ròng rọc vừa nguy hiểm vừa
hết sức nghịch lý đã từng xảy ra (và cũng nhờ nhà báo mà được khắc phục) trong
nhiều năm ở tỉnh Quảng Nam cho thấy ngành GTVT đã bỏ sót một thành tích hết sức
có tính nhân đạo và công bằng trong chức năng cuả mình.
Từ chuyện này liên
tưởng đến chuyện khác. Chắc rằng ở những ngôi trường vùng xa tựa như Sam Lang
việc chăm sóc y tế cho các cháu nhiều khi cũng lại như chuyện “ngồi túi qua
sông” nói ở trên! Liệu cán bộ các ngành ở địa phương có đang tâm cho con em
mình theo học tại những nơi như Sam Lang? Tất nhiên câu hỏi đã có hồi âm dễ biết nó là gì, nhưng
có ai rơi nước mắt rùng mình vì sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của mình khi lỡ sơ
sẩy một chút thì sinh mạng của cô và trò nơi ấy đã trôi theo dòng nước?
Đồng nghiệp Tòng Thị Minh, em là người thầy yêu nghề và dũng cảm mà tôi chưa từng thấy ở ai! Vui lòng nhận của tôi tình yêu mến, sự thương cảm và lòng kính phục vốn rất ít khi tôi dành cho một người nào đó !
Đồng nghiệp Tòng Thị Minh, em là người thầy yêu nghề và dũng cảm mà tôi chưa từng thấy ở ai! Vui lòng nhận của tôi tình yêu mến, sự thương cảm và lòng kính phục vốn rất ít khi tôi dành cho một người nào đó !
CTC 18-3-2014
1 comment:
Cám ơn anh đã cho biết hiện tình của nền giáo dục trong nước qua sự phân tích rất là kỹ càng trong bài Đường Vào Trường Mẫu Giáo Sam Lang.
Một màn trình diễn hay:
-Thầy trò qua suối bằng bao nylon ( khó khăn cách mấy tôi cũng có thể vượt qua )
- Báo chí la làng ( chỗ nào tôi cũng để mắt tới )
- Chính quyền xây cầu ( luôn luôn lo cho dân)
( Cầu có xây không thì chưa biết ,
Nếu cầu có xây thì chừng nào xong,trời biết ,
Nếu xây xong,chừng nào sập,đất ở chỗ xây cầu biết ).
BLG
Post a Comment