Mặc Nhân
Công Thầy là ơn khó trả.
Tình Thầy là nghĩa không quên.
Tình Thầy là nghĩa không quên.
Trưa hè, từ một gian nhà lá ba căn hai chái, nằm nép bên vườn dừa, nhìn ra cánh đồng nắng cháy, phát ra một
giai điệu vang vang, trầm buồn, ngả ngớn như có thể tắt lịm bất cứ lúc nào, nếu
không có tiếng gà gáy trưa cầm canh, khơi động cho cảnh vật thêm phần khởi sắc:
thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu
tam ba, gia nhà quốc nước, tiền trước hậu sau, ngưu trâu mã ngựa, cự cựa nha
răng, vô chăng hữu có.....
Chúng tôi ở lại trường,
học cho đến ngọ mới ăn cơm, cơm xong ra vườn làm cỏ, trở vào trường học cho đến
xế mới về nhà. Vậy đó, thời dụng biểu của chúng tôi là canh một, canh hai… gà
gáy sáng, gáy trưa, mặt trời lên được hai tầm, đúng ngọ, xế chiều, chạng vạng,
thu không… mà dường như tất cả chúng tôi đều đúng giờ đúng khắc, không đến đỗi
như bây giờ nào là đồng hồ tự động, điện tử, kỹ thuật số, đeo tay, bỏ túi, treo
tường… vậy mà…
Những câu nghêu ngao
khi nãy, là chúng tôi đang đọc chung bài học vỡ lòng “Tam Thiên Tự” khi vào học
chữ Nho. Chúng tôi ngồi xếp bằng quanh một cái bàn thấp hình chữ nhựt, còn gọi
là quả đường, đặt trên một bộ ván ngựa khá rộng. Thầy tôi, ốm tong ốm teo trông
già lắm, theo con mắt trẻ thơ của tôi, mặc áo dài bằng lãnh đen, một cái đầu
tóc nhỏ xíu gần như trên đỉnh đầu, mà người ta thường gọi là củ tỏi, một cặp mắt
kiếng trắng gãy mất một gọng, thay bằng một sợi kẽm càng tăng thêm phần khắc khổ
cho thầy tôi.
Trong giờ lên lớp, thầy tôi ngồi ở đầu quả đường, gương mặt tiều tuỵ, má hóp cùng với hàm râu trên hàm răng dưới
thưa rỉnh, nếu thầy cho phép, tụi học trò chúng tôi có thể đếm chính xác số râu của thầy. Thầy tôi tựa lưng vào cái gối
ôm lớn, hai đầu có kết vải xanh, vàng, trắng, đỏ… thành
hình khối đa giác, lâu ngày không giặt -
làm sao giặt được - nên nham nhúa màu thời gian.
Thầy ngồi ở đầu bàn,
số học trò chỉ có năm, nên thầy kiểm soát rất chặt chẽ, chỉ trừ những lúc thầy mệt mỏi ngủ quên, ngoẹo đầu trên chiếc trên chiếc gối ôm, những giấc ngủ trời cho. Khi vào bài học, thầy ra lịnh vừa xong là “ông roi mây” nhịp xuống
quả đường một cái “cốp” để bắt nhịp cho một tiết đọc bài hay nói đúng hơn là một
khúc hòa ca không có đoạn kết ... khuyển
chó dương dê, qui về tẩu chạy, bái lạy quỵ quỳ, khứ đi lai lại, nữ gái nam trai,
đái đai quan mũ, túc đủ đa nhiều, ái yêu tăng ghét, thức biết tri hay, mộc cây
căn rễ,dị dễ nan khôn...
Chúng tôi đọc như một
cái máy, không cần biết từ đó nghĩa là gì. Giọng ngân nga thét rồi thành đơn điệu,
nhừa nhựa, nhuể nhoải, nhạt nhòa…
Cứ thế, giữa trời trưa
hè bặt gió, nơi một cánh đồng chứa chan ánh nắng, một góc vườn tịch mịch không xao động… âm thanh của
chúng tôi phát ra ru ngủ mọi vật từ động vật đến thực vật. Thật vậy, con Mướp nằm
lim dim bên xó bếp, nghĩ rằng lũ chuột chắc cũng đang ngủ trong hang, con Đốm
cũng khoanh tròn, mắt nhắm hít, kể cả mấy cây cau trước nhà cũng không phe phẩy
tàu lá.
Còn chúng tôi cũng đang trong tình trạng
thiêm thiếp. Tiếng ê a của chúng tôi phát ra có lẽ do từ tiềm thức mà thôi, kể
cả cái ngả đầu qua ngả đầu lại của chúng tôi cũng hẳn là do quán tính. Thầy lúc bấy giờ cũng
trong trạng thái đó chăng, nên không còn ôm gối nữa mà thầy ngả đầu vào gối, mắt nhắm, ngủ một giấc ngủ ngon
lành.
Tiếng ngáy của thầy làm cho bộ râu ít
ỏi của thầy nhịp lên nhịp xuống, và ít ra nhờ vậy mà cái trường học nhỏ bé của
chúng tôi còn phần nào sinh khí.
Thầy tôi, một nhà nho lỡ vận, từ đâu
ngoài Trung, ngoài Bắc vào cái đất xó xỉnh nầy lập nghiệp. Thật ra những bậc sĩ
phu tiên phong nầy, sau khi đỗ đạt ở các khoa thi Hương, hoặc lận đận trong các khoa thi Hội nên
một mình một thân vào Nam sinh sống. Thầy tôi đến với chúng tôi chỉ mang theo mình
một bộ áo the, một cây dù, một cây bút lông, một nghiên mực và một pho kinh sử
trong… óc, cùng một tấm lòng đôn hậu trong… tim. Nơi đây, với cái vốn trí thức, các bậc tiền
hiền nầy thường làm những nghề nghiệp như thầy thuốc, thầy địa lý, thầy dạy học…
Thầy tôi vốn là bạn kết
nghĩa với ông tôi từ khi hai người gặp nhau, đồng thanh tương ứng, đồng khí
tương cầu. Không biết cơ duyên nào, đưa bước chân giang hồ thầy tôi đến an cư rồi
cưới vợ, lạc nghiệp rồi có con, có cháu… Ngoài nghề làm thầy thuốc, còn xem địa
lý nhưng nay đã già thầy tôi chỉ còn dạy chữ Thánh hiền cho con cháu trong làng.
Trường của thầy tôi, thật sự cũng
chính là ngôi nhà ba gian hai chái bắt vần mà thầy tôi đang ở, có lẽ được xây cất từ xa xưa lắm
rồi. Ngôi nhà của thầy tôi lợp lá chằm đóp, khá
đẹp đẽ, xinh xắn nhất là mát mẻ. Thầy tôi dạy hết khóa nầy đến khóa khác, học trò chỉ từ năm đến mười,
không có niên khóa, không có chương trình, không có dụng cụ. Thời khóa biểu do thầy tôi ban hành bằng
miệng. Vậy mà trường lớp kỷ cương, giáo trình sát sao nhứt là kỷ luật nghiêm
minh, giữ vững lề xưa nếp cũ: Quân, Sư, Phụ.
Mỗi lần học trò phạm
lỗi, không biết cơ man nào là lỗi như ngủ gục, chào thầy quên chắp tay, nấu nước chưa sôi đã châm,
quạt thầy không đủ mát, lỡ nói một lời mà trong sách vở không cho phép… là bị
phạt. Hình phạt thì đa dạng, từ quỳ gối nhìn vào vách hàng canh giờ, quét sân
quét vườn cho đến khi nào không còn cọng rác, xách nước từ ao đổ cho đầy mấy
cái mái vú, đến khẻ tay hoặc thông thường là nằm dài xuống đưa đít cho Thầy
đánh từ ba, bốn, năm… roi tùy theo lỗi mà thầy cho là nặng, nhẹ. Cho nên khi chúng tôi
linh cảm là hôm nay có thể ăn đòn, thì thủ trước một miếng mo cau lót đít. Thầy
vẫn biết điều nầy, tuy nhiên thầy giả bộ làm ngơ. Chúng tôi cũng biết như vậy, vì nhìn đôi mắt của thầy qua mấy mươi năm
dạy học, làm sao thầy không biết lũ học trò ranh mãnh, nhưng… giơ cao đánh khẽ. Tình thầy trò Việt Nam mà,
muôn đời vẫn vậy.
Trong số các môn sinh của thầy có một nữ sinh, một học trò gái duy nhứt, tên Thu
Cúc cũng là cháu nội của thầy. Thu Cúc hiền hậu, thuần lương, nết na, chăm chỉ… con chim đầu đàn
của trường. Dường như Thu Cúc là trợ lý của thầy cũng
nên. Chả thế mà mỗi lần thầy ra lịnh xong, là Thu Cúc cất giọng đầu tiên cho chúng tôi bắt nhịp.
Chẳng hạn, thầy ra lịnh: “Quyển Một, Chương Hai, Tam Tự Kinh” là lập tức Thu Cúc cất tiếng: Nhơn
chi sơ… là chúng tôi đọc to lên: “Nhơn
chi sơ, tánh bổn thiện. Tập tương viễn, tánh tương cần.
Cẩu bất giáo, tính nãi thiên. Giáo chi đạo, quí dĩ chuyên. Tích Mạnh mẫu,
trạch lân xử. Tử bất học, đoạn cơ trữ. Đậu Yên sơn, hữu nghĩa phương. Giáo ngũ
tử, danh cu dương. Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa. Tử
bất học, phi sở nghi. Ấu bất học, lão hà vi, Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhơn
bất học, bất tri lý...”
Và khi chấm dứt thiên
nào thì Thu Cúc chậm lại, giống như trong một bản trường ca đến trường canh
chót vậy. Chúng tôi nhất nhất hợp xướng, Thu Cúc trong vai thủ xướng.
Trong vai học trò,
Thu Cúc là chim đầu đàn, trong vai giảng dạy Thu Cúc là trợ lý, còn trong gia
đình Thu Cúc là cháu nội của thầy. Nhưng không vì vậy mà Thu Cúc không chịu hình phạt theo trường
qui. Lẽ tức nhiên là Thu Cúc ít bị phạt hơn, vì là một học trò gương mẫu trong
mọi lãnh vực, tuy vậy cũng không phải là không bao giờ.
Vốn là, khi chúng tôi
khởi đầu tập viết, không được viết thẳng trên giấy bạch hay giấy bưởi mà phải
viết trên lá chuối phơi khô, ép lại, trổ màu vàng sậm, cũng không phải bằng mực
tàu, mà bằng nước của gạch mài ra giống như màu son hay chu vậy. Một hôm đến giờ
tập viết, thầy bảo Thu Cúc phát những giấy lá chuối cho học trò. Thu Cúc có phận sự
róc lá chuối, phơi khô để phát cho chúng tôi. Nhưng lần nầy số giấy lá chuối
không đủ số cho học trò. Thế là phạm trường qui. Thầy bảo Thu Cúc cúi xuống và
phạt Thu Cúc ba roi, về hai tội, một là phạm kỷ luật trường qui, hai là không
tuân hành gia qui.
Nhìn người bạn đồng
môn gái mà chúng tôi quí mến, nhận ba roi không nương tay của thầy, mà cũng là ông nội,
chúng tôi bàng hoàng thương cảm, lại trộm nghĩ,
mà Thu Cúc lót mo cau vào đít thì đỡ biết bao. Thu Cúc đứng lên, khoanh
tay cuối đầu thưa: Cám ơn thầy đã dạy con. Một cảm xúc bùi ngùi, mà mãi tới giờ nầy viết
lại những dòng nầy, lòng tôi còn bồi hồi cảm kích và hãnh diện cho một nền giáo
dục lên đến tuyệt đỉnh như vậy.
Tôi có ngờ đâu, những
nét chữ nguệch ngoạc thô thiển bằng màu gạch nước, trên những tấm lá chuối xác
xơ đó, cùng những bài đọc thuộc lòng u ơ tưởng chừng như vô thức đó, đã dẫn đưa
chúng tôi trở thành những con người, suốt đời lấy tấm gương Minh Tâm soi rọi
cho một cuộc sống thanh cao.
Chúng tôi đã học qua
Tam Tự Kinh, giờ đây chúng tôi đã bắt đầu nghe “nghĩa.” trong Minh Tâm Bửu Giám. Thầy luôn khởi đầu bằng “Tử viết.” Những câu sau đây chẳng những khắc
sâu vào trong trí óc chúng tôi, mà còn ghi đậm trong trái tim chúng tôi:
Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phước.
Vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa.
Thầy giảng
Làm việc phải, Trời cho gặp phước.
Không làm việc phải, Trời cho gặp hoạ
Tử viết
Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác
báo
Nhược hoàn bất báo, Thời thần vị đáo.
Thầy giảng:
Nhược hoàn bất báo, Thời thần vị đáo.
Thầy giảng:
Làm thiện gặp thiện, Làm ác
gặp ác.
Không gặp lúc nầy,Thì gặp lúc khác.
Không gặp lúc nầy,Thì gặp lúc khác.
Từ ngàn xưa, Thánh hiền
đã để lại khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế noi theo, xoay quanh Chân - Thiện -
Mỹ.
Thu Cúc giờ đây đã là
một cô gái đẹp, cái đẹp đoan trang, thùy mị, cái đẹp của đồng lúa, vườn tược,
trong gia đình là một người con hiền thục, trong trường là một môn sinh gương mẫu.
Chúng tôi ở trường được phân công rạch ròi. Sáng sớm đến trường, trò nào quét
sân, trò nào thu dọn trường học, trò nào quạt lửa nấu nước, pha trà. Riêng tôi
có lẽ được Thầy yêu hơn, nên được giao trách nhiệm lau chùi bộ văn phòng tứ bảo
gồm có giấy, bút, mực, và nghiên mực.
Thu Cúc không được
giao công việc nào, nhưng hình như trong bất cứ công việc nào cũng có mặt Thu
Cúc. Tiếng là anh Đinh phụ trách công việc quét dọn trường lớp, nhưng Thu Cúc
đã làm việc đó từ sáng sớm. Cũng như anh khác lo việc nấu nước pha trà, thực sự
lửa củi đã có sẵn, bình tách đã rửa xong.
Phần sắp xếp bộ văn
phòng tứ bảo, nghe qua là nhẹ nhàng nhưng là công việc khá tế nhị mà Thầy quan
tâm nhứt. Tôi loay hoay mãi mới để được tập sách của Thầy cho đúng chỗ, góc bàn
bên mặt, khoảng cách giữa mép bàn và bìa sách phải một lóng tay. Xấp giấy bạch
để Thầy viết, được vuốt thẳng nếp, đặt bên góc trái của bàn, ngang tầm với tập
sách, một thanh tre láng bóng dằn lên trên. Nghiên mực lau chùi xong cho vào một
ít nước, cầm thỏi mực lên mài sao cho vừa đủ sánh để viết. Tuy nhiên độ đậm đặc
thì chính Thu Cúc cố vấn cho tôi. Xong việc, tôi đứng ra xa nhìn thành quả của
mình có đúng chuẩn mực chưa, lau lại một lần nữa mặt bàn đã sạch bóng. Vậy mà vẫn
còn một động tác cuối cùng, là đặt “ông roi mây” vào đúng chỗ. Nắm lấy cây roi mây lành lạnh,
tôi kính cẩn và trịnh trọng đặt nhẹ bên tập sách, không gây nên một tiếng vang
nhỏ nào. Đặt xong, tôi đi thụt lùi mắt vẫn còn nhìn lại, sao thấy “ổng” lạnh
lùng và vô cảm đến như vậy.
Thầy ra trường, leo
lên bộ ván, ngồi trước quả đường, chúng tôi đứng xếp hàng ngang chắp tay cúi đầu
chào Thầy bằng câu:
- Chúng con xin vưng
lời Thầy.
Thầy nhìn chúng tôi
có vẻ hài lòng bảo:
- Vào trường.
Ngày xưa trẻ con chỉ có hai chữ “vưng lời”
thầy là mọi việc sẽ đi
đúng hướng cho một đời hữu ích về sau. Chỉ có vậy.
Giọng Thầy tôi đã
khàn vì tuổi già, nhưng mắt thầy tôi vẫn còn sáng rực một niềm tin tưởng, một niềm hy vọng vào chúng
tôi, để lưu truyền chữ nghĩa hay ít ra là ý tưởng Thánh hiền mà chúng tôi đã thọ giáo.
Cuối năm đó, sức khỏe
không cho phép thầy mỗi sáng lên lớp, tựa lưng vào gối ôm để giảng dạy cho chúng tôi nữa.
Cái Tết thầy năm nay cũng là cái Tết thầy cuối cùng của chúng tôi, mà cũng là cái Tết
Thầy dạy chữ Nho cuối cùng tại làng tôi. Một thúng nếp, một con gà mang đến nhà
thầy, chúng tôi chắp tay trước ngực đứng nghe những lời giảng dạy cuối
cùng của thầy, với một niềm kính yêu sâu đậm. Công Thầy là ơn khó trả. Tình Thầy là nghĩa không quên.
Từ đây, trong làng tôi, không còn vang vang lên những âm thanh đọc bài bổng trầm
của lũ trẻ ba vá miểng vùa, với tiếng gà gáy trưa trong các bụi tre bên bờ ruộng
nữa.
Bạn tôi và tôi phân
tán ra đi học ở các trường dạy Quốc ngữ trong làng, rồi lên tỉnh học ở bậc
Trung học. Trong khi đó, Thu Cúc chỉ học hết Sơ đẳng tiểu học ở làng, rồi nghỉ
học ở nhà phụ cha mẹ với công việc ruộng vườn đồng áng, dệt vải trồng bông… Gái
thì giữ việc trong nhà, khi vào canh cửi khi ra thêu thùa...
Thầy của chúng tôi
cũng đã qua đời./-
7 comments:
Tam Tự Kinh Chú Giải
Ấu bất học
Lão hà vi.
Học cao hiểu rộng ích chi
Ký tên bán nước cần gì Cử Nhân.
Nhân bất học
Bất tri lí
Học Lí sao bằng học Lì
Trung Quốc làm gì tao chỉ làm thinh.
Cảm ơn bác MN, bác viết hay quá! YT
Bận quần thắt dây lưng đen lòng thòng ở phía trước là trò chơi của tụi tui. Đứa nào ỷ giàu làm phách là tụi tui rủ nó đi đến gần đám con gái rồi hè nhau 1, 2, 3... nắm dây lưng quần giật mạnh một cái rồi hè nhau bỏ chạy để cậu ta đỏ mặt tía tai, lính quýnh hai tay kéo quần lên .....
Lần nầy cũng có hình bóng Mỹ nhân lảnh vảng, cũng học chữ ÁI là YÊU mà không thấy MN động tỉnh gì hết, có phải vì sợ ông roi mây chăng?
Nhưng mà nghỉ lại không phải vậy, các bạn thích VĂN TÀI và VĂN TÌNH của MN coi có phải không?
BLG
Cháu thì hiểu Tam tự Kinh khác hơn Sư Huynh YT
Nhân bất học
Bất tri lý
Người không học thì ôm tiền tỉ
Cướp của dân chưa phỉ lòng tham
Ấu bất học
Lão hà vi
Nhỏ không học, lớn đi làm giàu
Của dân cứ cướp ào ào
Sách xưa giờ bị đảo nhào hết trên .
Cháu LN
Ủa... Tam Tự Kinh Chú Giải còn có dị bản sao? Vậy thì chắc còn nhiều bản chú giải khác nữa à nghen sư đệ. Chờ xem ! YT
BLG. Chuyện của MN không thể thiếu "tình". Nhưng phần Cửa Không Sân Trình nầy là phần trích đoạn đầu của một chuyền dài. Đúng như BLG nói phần su sẽ được gởi đến TH với tựa "Tình Bạn Học Duyên Hàng Xóm" mà Thu Cúc là vai trò chánh.Cám ơn BLG quả thật là đi guốc trong bụng MN rồi. Ôi! Tri âm tri kỷ!
Y Tá ơi, đừng làm cho MN nở mũi. MN đến Y Tá qua bài dịch thơ Thu Dáo rồi nghen.
Thái sư phụ MN, YT & LN quí mến,
Trong Tam Tự Kinh chú giải còn nhiều bản sao.
Tui cũng biết một bản khác như thế nầy.
Ấu bất học
Lão hà vi
Nhỏ không học lớn làm Thủ Tướng
Nhân bất học
Bất tri lý
Người không học được cấp bằng Tiến Sĩ.
Tiểu Đồng
Tam Tự Kinh Diễn Nghĩa
Ấu bất học
Lão hà vi
Học cho lắm bị đi cải tạo
Biết i tờ lại Tổng Bí Thư
Chỉ cần tham nhủng cũng dư
Cho con du học dẫu bư vẫn ... giàu.
Nhân bất học
Bất tri lý
Lý lẽ đâu bằng lý cùn
Cán bộ điên khùng cũng được làm quan.
Mánh Tử
Post a Comment