Gửi đến từ NVC
Xe ôm ở Sài Gòn có từ khi nào? Lục tìm qua sách báo, trước 1954 hầu như không thấy nhắc đến chiếc xe ôm. Lúc đó, các phương tiện công cộng chở người trong thành phố là xe kéo, xích lô và taxi.
Năm 1969, một nhà văn đoạt giải nhất phóng sự ở Sài Gòn là ông Lê Hương với cuốn sách Chợ trời biên giới Việt Nam – Cao Miên. Khi viết về chợ trời Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh, ông cho biết ngoài xe lam và mô tô lôi chở đông người mỗi chuyến thì năm 1967: “xuất hiện bốn loại xe mới: Honda ôm, Suzuki ôm, Mobilette ôm, Yamaha ôm”. Ông đánh giá: “Thật là một nghề chóng phát tài hơn hẳn các anh em chở Mỹ ở Sài Gòn”.
Như vậy, phải chăng xe ôm ở Sài Gòn bắt nguồn từ dịch vụ chở người sau sự kiện người Mỹ đến miền Nam năm 1965?
Từ câu chuyện kể dưới đây của một dược sĩ gốc gác ở Q.4 cho tác giả cuốn sách này bổ sung cho nhận định trên. Năm 1965, khi người Mỹ bắt đầu tham chiến ở VN thì xuất hiện một lớp người làm việc trong các công sở của người Mỹ. Họ làm nhân viên đánh máy hay sửa chữa bảo trì xe cộ, lái xe. Đồng lương của họ khá khẩm, giúp sống thoải mái và dễ dàng mua xe máy.
Chiến cuộc lúc lên lúc xuống, công sở Mỹ có lúc mở ra và có chỗ đóng cửa tùy theo nhiệm vụ. Phút huy hoàng nào cũng có lúc trở thành điêu tàn và những người quen lãnh lương bằng đô la ở Sài Gòn bắt đầu lo lắng.
Tại một cơ quan của người Mỹ ở trung tâm Sài Gòn có một ông nhân viên tên là X. tuổi vào lứa 50, con đông nheo nhóc. Ông mua được một chiếc xe Lambretta dùng để đến sở làm mỗi ngày. Xe Lambretta hai thì, khỏe, yên thon dài nên ngồi rất thoải mái, thích hợp với vóc dáng cao ráo của ông.
Đùng một cái, sở làm của ông thu hẹp số nhân viên và ông X. phải nghỉ làm. Sau một thời gian chới với vì “bể nồi cơm”, ông trấn tĩnh lại rồi ráo riết nghĩ đến việc kiếm sống nuôi con. Trong thời gian nghe ngóng, ông X. vẫn thỉnh thoảng lui tới thăm chỗ làm cũ, gặp bạn bè người Mỹ đã cùng làm ở đó.
Một buổi chiều, ông X. được anh nhân viên Mỹ hỏi thăm về một snack-bar trên khu Kho 18 thuộc Q.4, gần cầu Tân Thuận. Hôm đó là cuối tuần và anh Mỹ này định nhờ ông cho quá giang xe đến đó để giải trí. Ông X. vui vẻ nhận lời.
Trên xe, anh chàng người Mỹ cho biết cảm thấy thoải mái cho đôi chân khi được chở trên chiếc xe có thân dài này hơn là ngồi trên những chiếc xe máy yên nhỏ của người Pháp hay Đức chế tạo đang có ở Sài Gòn. Khi dừng xe, ông X. giơ tay từ biệt thì anh chàng Mỹ rút túi tặng ông một ít tiền và ngỏ ý vào cuối tuần nhờ ông chở đi vòng vòng Sài Gòn chơi. Ông X. nhận lời và từ đó, ý thức rằng có thể kiếm tiền bằng những lần chở người ở yên sau, ông tìm cách tăng lượng khách. Ông chở thêm những người Mỹ khác và nhận ra rằng tiền kiếm được còn nhiều hơn trước kia đi làm nữa.
Lúc đó, khu Kho 18 có hai snack-bar là Rạng Đông và Thúy Phương. Thấy ông X. làm ăn được, mấy ông từng làm sở Mỹ đang thất nghiệp bắt chước theo và thấy có ăn. Họ mua toàn là xe Lambretta vì xe khác người Mỹ lắc đầu. Từ đó hình thành đội ngũ xe ôm đầu tiên ở Sài Gòn đậu dài dài ở hai bar rượu này, đi cùng một loại xe và chủ yếu phục vụ cho các nhân viên dân sự Mỹ. Họ không chỉ đi uống rượu mà bằng xe ôm, có thể vô các khu hẻm nhỏ tìm người quen, tìm bạn gái, tìm bạch phiến. Còn người dân Sài Gòn bình thường không ai quan tâm đến loại xe này. Ai không có xe máy thì đi taxi, xe buýt hay xích lô máy, xích lô đạp, xe Lambro…
Căn cứ vào câu chuyện trên, có thể coi xe ôm có từ giai đoạn đầu khi người Mỹ mới vào miền Nam VN. Nhưng có thể nó trở nên phổ biến hơn sau khi nhập cảng xe Nhật, năm 1967. Một tác giả ở hải ngoại là Lưu Nhơn Nghĩa trong bài Lải nhải đời tôi 1959 – 1969 có viết: “Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm… Lần đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm vì quyền lợi.
Lúc đó tương đối còn sống được, sau này đời sống chật vật, cả đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp, công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á châu, chỗ gác chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn này. Xe Nhựt lại hết sức bền bỉ, ít hao xăng, chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm đường. Xe Pháp như Mobilette, Sachs (thật ra xe này của Đức – TG), Puch chạy không nổi, yên xe nhỏ, chông chênh”. Ông còn kể thêm: “Hình như giới xe ôm cũng có luật riêng giúp đỡ lẫn nhau khi có trường hợp bị khách giựt xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín đáo bảo vệ nhau, tiền chia chác sau đó”.
Sau năm 1973, người Mỹ rút hẳn về nước, kinh tế miền Nam đi xuống, giới chạy xe ôm lại một phen gặp khó khăn. Sau 1975, nhất là khi kinh tế khá dần lên sau đổi mới, nhiên liệu xăng nhớt thoải mái hơn thì xe ôm hồi sinh. Lúc này người Việt thích đi xe ôm nhờ tính tiện lợi có thể len lỏi vô các hang cùng ngõ hẻm, chợ nhỏ của Sài Gòn – Gia Định. Xe ôm lúc đó tiếp tục dùng các loại xe như Honda Dame, Suzuki nam, Yamaha…
Câu chuyện lịch sử xe ôm này do ông X. kể lại cho anh dược sĩ hồi sau 1975, trong lúc trà dư tửu hậu. Khi xưa, nhà anh dược sĩ ở khu Kho 18, Q.4 và có chứng kiến nhóm xe ôm kỳ lạ thuở ban đầu, toàn là những người đi Lambretta, đúng như lời kể của ông X.
Phạm Công Luận
(trích Sài Gòn, chuyện đời của phố)
1 comment:
Em cám ơn cô chủ vườn nha , giờ mới biết lịch sử xe ôm , mà em nhớ lúc nào người ta cũng khong khuyến khích người phụ nữ mình đi xe ôm hé , chắc tại chữ " ôm " chăng ?
Cô 5
Post a Comment