_______
Quyên Di
Hôm
nay mừng sinh nhật thứ 80 (1) của nhạc sĩ Lam Phương. Nhìn nhạc sĩ tươi tắn,
vui cười, ai cũng vui. Trong phòng, chúng ta cảm thấy ấm cúng vì tình thân dành
cho nhạc sĩ Lam Phương và dành cho nhau. Ðó là nói về “ấm,” nhưng nếu nói về “lạnh”
thì không ai có thể ví von về cái lạnh tuyệt vời cho bằng nhạc sĩ Lam Phương.
Ông đã từng viết: “Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi. Tim em lạnh lẽo như chiều
đông ngoài biên thùy. ” Ôi Trời, còn có cái lạnh nào cho bằng cái lạnh của “chiều
Ðông ngoài biên thùy”? Câu này trích trong nhạc phẩm “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến” mà
lát nữa tôi sẽ có dịp đề cập đến. Tôi cũng vui như tất cả mọi người. Vì vui,
tôi xin nói mấy câu vui vui trước khi nói chuyện nghiêm chỉnh.
Lam
Phương là một nhạc sĩ đa tài và nhạc của ông đa dạng. Ông sáng tác đủ mọi đề
tài, viết nhạc đủ mọi điệu, mọi loại. Nhiều bài hát của ông thực sự đã “sống
mãi trong quần chúng.” Ðể đo lường xem nhạc sĩ nào chinh phục được lòng yêu mến
của quần chúng nhất, chúng ta có thể đưa ra một thử nghiệm 100% đúng, là nhạc của
nhạc sĩ nào được quần chúng “nhái lời, chế lời” nhiều nhất, nhạc sĩ ấy chinh phục
được lòng yêu mến của quần chúng nhất. Có thông dụng và phổ cập đến độ có thể
nói rằng ai cũng biết, cũng nghe, cũng hát thì bài hát ấy mới được quần chúng lấy
ra nhái lời, chế lời. Nếu áp dụng thử nghiệm ấy thì nhạc Lam Phương “treo giải
nhất, chi nhường cho ai.” (Kiều). Tôi đan cử vài thí dụ: Bài “Khúc Ca Ngày Mùa”
chẳng hạn. Bài này vui như một ngày hội, một đám rước, mà lại nhịp nhàng như điệu
múa, hớn hở như tuổi thanh xuân. Vì thế mà từ các bé tiểu học, các nữ sinh
trung học, các cô sinh viên đại học cho đến các bà các cô đã “bước xuống cuộc đời”
từ lâu lắm rồi vẫn thích hát và múa bài này. Tôi còn nhớ thời mình còn là ông
thầy dạy học trẻ măng, có lần nhà trường tổ chức thi văn nghệ các lớp, thầy trò
lo cuống quýt. Họp bàn, các cô nữ sinh đòi đóng góp tiết mục múa, mà bản nhạc để
múa là “Khúc Ca Ngày Mùa.” Nhỏ Lan nói: “Bài này lớp mình múa nhiều lần rồi. Mà
nghe nói lớp thầy T, tụi nó cũng múa Khúc Ca Ngày Mùa.” Nhỏ Vân đáp: “Tụi nó
múa thì kệ tụi nó chớ. ‘Khúc’ mình khác ‘khúc’ tụi nó! Sợ gì!” Cuối cùng lớp
tôi hướng dẫn cũng lại chọn đóng góp tiết mục múa “Khúc Ca Ngày Mùa.” Năm ấy,
chương trình văn nghệ nhà trường có ba màn múa “Khúc Ca Ngày Mùa.” Thôi, cứ gọi
là thi múa “Khúc Ca Ngày Mùa” cho nó tiện. Mở đầu bài này, nhạc sĩ Lam Phương
viết: “Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ
xác. Chiêu hồn quê bao khúc ca yêu đời…”
Quần
chúng hát. Hát rồi thấm. Thấm rồi… chế: “Nhà bên kia có con gà trống gáy. Bắc
nước sôi bỏ vô nồi (thì) hết gáy. Rạng ngày mai đem xé phay (ăn) ngon lành.”
Chế
tiếp: “Kìa Na Tra với Ông Tề uýnh phép. Có bao nhiêu phép Ông Tề thâu hết. Thôi
rồi Na Tra sắp thua Ông Tề.”
Chế
nữa: “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói. Hát lên đi để cho đời le lói. Ta cười
nhe răng để khoe răng vàng.”
Hoặc
là bài “Duyên Kiếp.” Nguyên bản là: “Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non
cao đất rộng biết đâu mà tìm?” Quần chúng chế lời, trở thành: “Anh ơi nếu mộng
không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời!” Kinh hồn nhất là
bài “Kiếp Nghèo.” Ðây là một bài “tango” có lời nguyên thủy rất lâm ly bi đát:
“Ðường
về đêm nay vắng tanh. Rạt rào hạt mưa rớt nhanh.
Lạnh
lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh.
Lầy
lội qua muôn lối quanh. Gập ghềnh đường đê tối tăm.
Ngập
ngừng dừng bên mái tranh, nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.
Êm
êm tiếng hát ngân nga ôi lời mẹ hiền ru thiết tha.
Không
gian tím ngắt bao la như thương đường về quá xa.
Mưa
ơi có thấu cho ta lòng lạnh lùng giữa đêm trường.
Ðời
gì chẳng tình thương không yêu thương.
Thương
cho kiếp sống tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương.
Ðôi
khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai.
Ðêm
nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng.
Ðời
nghèo lòng nào dám mơ tình chung.
Trời
cao có thấu, cúi xin Người ban phước cho đời con:
Một
mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai.
Và một
ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài.
Ðây
cả nỗi niềm biết ngày nào ai thấu cho lòng ai.”
Quần
chúng mê bài này, hát riết rồi chế lời thành:
“Ðường
về đêm nay tối thui. Một mình tôi đang tới lui.
Thình
lình cô không thấy tui cô đụng tôi, cô nói tôi đui.
Thiệt
tình là tôi quá xui. Tại vì khi không ủi tui.
Mập
phì như con trâu thui, khi đụng tôi cô bước thụt lùi.
Ðêm
khuya phố chẳng ai qua cô làm gì mà đi giống ma.
Tôi
đang đứng ngóng xe qua cô đụng nhằm, đau có cha.
Khi
không cô đứng cô la rằng thì là dám dê bà.
Nàng
đòi bồi thường ngay không tha.
Tôi
than thở với cô em tôi không tiền và không có xe.
Ði
xe “bus” mấy năm nay trong khi phòng thì còn phải “share.”
Cô
em muốn lấy bao nhiêu mạng già này cũng xin cày,
Còn
tiền thì kiếp sau họa may.
Trời
cao có thấu, số đã nghèo sao cái xui còn theo.
Con
xin cúng con heo, van lạy cho ngài cho chúng nó không còn đeo.
Và rồi
từ nay đi đâu mang tấm bảng tui đang nghèo.
“Ai
muốn kiếm tiền thì đừng đụng vào, tôi không muốn ai nghèo theo. ”
Bản
nhạc chế này đã được đem lên sân khấu trình diễn mới kinh!
Nói
chuyện nhạc nhái, nhạc chế theo nhạc Lam Phương thì còn dài, không biết bao giờ
hết. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng nhạc Lam Phương rất phổ cập, rất đại chúng, rất
được yêu mến.
Giờ
nói chuyện nghiêm chỉnh: Lam Phương sáng tác nhiều, có nhiều bài nổi tiếng, và
trong những bài đó có những bài khiến nhạc Lam Phương gắn liền với dòng sinh mệnh
của dân tộc. Nhạc Lam Phương gắn bó với một quốc gia mà lãnh thổ trải dài từ vĩ
tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Quốc gia ấy có tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam
Cộng Hòa được chính thức thành lập năm 1956. Trước đó, cuộc di cư khổng lồ của
hơn một triệu người miền Bắc vào miền Nam năm 1954 đã là một biến cố lịch sử,
nói lên ý chí xây dựng một quốc gia độc lập không Cộng Sản.
6 tuổi,
tôi theo cha mẹ di cư vào Nam tìm tự do. Khi ấy thì những vị trưởng thượng, như
Giáo Sư Trần Huy Bích chẳng hạn, đã là một thanh niên 18 tuổi với đôi mắt sáng
và lý tưởng đẹp như ánh mặt trời. Chị Cao Mỵ Nhân cũng đã là một thiếu nữ đương
xuân. Chỉ một vài năm sau, thằng bé nhạy cảm là tôi đã nghe rất nhiều bài hát của
Lam Phương, trong đó có bài hát nổi tiếng “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến.” Bài hát này được
phổ biến rất nhanh, lan tràn khắp nơi. Sau này lớn lên, tôi nghĩ bài hát ấy được
phổ biến nhanh và rộng như thế không phải vì chính sách chống Cộng của chính phủ
Ngô Ðình Diệm, nhưng vì âm điệu cuốn hút lạ lùng của nó khiến cho ai hát, ai
nghe cũng thấy lòng xao xuyến.
Ta cần
nhớ lại giai đoạn đó: cuộc di cư bắt đầu được thực hiện từ Tháng Bảy năm 1954
và chấm dứt vào ngày 19 Tháng Năm 1955. Về sau số người di cư đông quá nên
chính quyền miền Bắc buộc lòng phải ưng thuận gia hạn thêm ba tháng nữa. Suốt
trong giai đoạn có cuộc di cư, chính quyền miền Bắc tìm mọi cách ngăn cản làn
sóng di cư. Họ đưa ra nhiều tin đồn, thí dụ như người di cư bị lùa xuống “tàu
há mồm” rồi đổ xuống biển! Ở những vùng nông thôn, bộ đội công khai ngăn cản
người dân bỏ làng ra đi khiến nhiều người trên đường lên Hà Nội rồi vào Nam đã
phải lẩn trốn rất gian khổ để vượt qua những nút chặn.
Sông
Bến Hải tại vĩ tuyến 17 là ranh giới hai miền Nam-Bắc. Có nhiều người ngay
trong giai đoạn được phép di cư mà đã phải lặn lội trốn đến sông Bến Hải vĩ tuyến
17 này và tìm cách vượt tuyến vào Nam. Sau ngày 19 Tháng Tám năm 1955, vẫn còn
những người vượt tuyến, dĩ nhiên là phải trốn tránh. Bài hát “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến”
tả cảnh một thiếu nữ đã vào được vùng đất tự do rồi nhưng người yêu của cô vẫn
còn bị kẹt lại. Ðêm đêm cô trở thành cô lái đò, lẩn khuất bên men sông chờ người
yêu của cô “vượt rừng vượt núi đến đầu làng” mong tìm được đến điểm hẹn để cô
chèo thuyền đưa chàng vào Nam. Cô chờ đợi khá lâu, vì Lam Phương viết: “Lênh
đênh trên sóng nước mênh mông, bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng.” Chắc
hẳn trong những đêm “lạnh lẽo chờ mong gặp bóng chàng” đó, cô đã gặp nhiều người
tìm cách vượt tuyến khác, và trong đêm, cô đã chèo thuyền giúp họ vào được bờ bến
miền Nam tự do.
Tôi
cứ lấy làm lạ là tại sao Lam Phương, người nhạc sĩ miền Nam mà lại thấu hiểu
hoàn cảnh và nỗi lòng của người Bắc di cư đến thế, để rồi viết nhạc phẩm “Chuyến
Ðò Vĩ Tuyến” hay đến thế, tha thiết đến thế. Tôi muốn mạn phép thay mặt Giáo Sư
Trần Huy Bích, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, tất cả những người Bắc di cư và dòng dõi
người Bắc di cư có mặt cũng như không có mặt ở đây hôm nay để kính gửi nhạc sĩ
Lam Phương lời cám ơn chân thành nhất của chúng tôi về tấm lòng nhân ái và đầy
cảm thông của ông khi viết nhạc phẩm này.
Người
miền Bắc vào Nam và tức thời yêu mến đất miền Nam, người miền Nam. Bàng Bá Lân
viết bài thơ “Tôi Yêu Tiếng Việt Miền Nam” với những lời lẽ vừa thân mật vừa
tha thiết:
“Tôi
yêu tiếng Việt miền Nam,
Yêu
con sông rộng, yêu hàng dừa cao.
Yêu
xe thổ mộ xôn xao
Trên
đường khúc khuỷu đi vào miền quê.
Tôi
yêu đồng cỏ nắng se,
Nhà
rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh.
Tôi
yêu nắng lóa châu thành,
Trận
mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu.
Nơi
đây tôi mến thương nhiều,
Miền
Nam nước Việt mỹ miều làm sao!
Xa
xôi hằng vẫn ước ao
Vào
thăm vựa lúa xem sao, hỡi mình!
Chừ
đây tình đã gặp tình,
Tưởng
như trong đại gia đình đâu xa.
Người
xem tôi tựa người nhà,
Người
kêu thân mật tôi là: Thầy Hai!
Ðồng
bào Nam Việt ta ơi!
Tôi
yêu cặp mắt làn môi thiệt thà.
Nước
non vẫn nước non nhà,
Bắc
Nam xa mấy vẫn là anh em!”
Trong
khi đó, bản nhạc “Nắng Ðẹp Miền Nam,” lời của Hồ Ðình Phương, Lam Phương viết
nhạc theo điệu Rumba, bản nhạc mà, theo tôi, là một trong những bản nhạc hay nhất,
ý nghĩa nhất, tả về sức sống vươn lên của Việt Nam Cộng Hòa, tức miền Nam Việt
Nam:
“Ðây
trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh.
Ta
cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa.
Ðường
cày hôm qua nay lên tràn bông lúa mới, ôi duyên dáng đồng ơi!
Ðến
mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi& Mình ngắm nhau cười…”
Ngoài
tôm cá tươi ngon,ruộng lúa chín vàng, miền Nam còn là vựa cây trái. Những sầu
riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon… Những vú sữa, xoài ngọt, xoài tượng, ổi xá
lị,… làm bà con Bắc kỳ di cư ăn hoài mà không biết ngán! Và mãng cầu, mà có nhiều
người gọi một cách thanh nhẹ hơn là măng cầu, mới ngon ngọt làm sao! Những trái
măng cầu dai, măng cầu bở thơm ngát, ngọt lịm, ai mà không mê? Lại còn thứ măng
cầu xiêm trái to, vỏ có gai, xẻ ra ăn thấy vị chua chua ngọt ngọt thật lạ miệng,
còn đem xay làm nước “sinh tố” thì quả là một món giải khát tuyệt vời. Vì vậy
mà tôi mê măng cầu từ khi mình còn nhỏ tuổi lắm. Thế rồi tôi thấy trong bài hát
“Nắng Ðẹp Miền Nam” có xuất hiện… trái măng cầu, mà trái măng cầu này được tôn
vinh đến độ nó quý giá ngang hàng với sức đấu tranh của người lính chiến đem lại
hòa bình cho Ðồng Tháp, Cà Mau: “Khi người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa
bình cho Ðồng Tháp Cà Mau. Ta người nông thôn quên sương gió góp gian lao lo được
mùa măng cầu.”
Thế
mới biết là măng cầu nó quý, bất kể nó là măng cầu dai, măng cầu bở hay măng cầu
xiêm! Về sau này, lớn lên, tôi mới biết là mình đã hiểu lầm lớn! Hồ Ðình Phương
và Lam Phương viết là “lo được mùa mong cầu,” tức là “lo được mùa như ước muốn”
mà tôi cứ tưởng hai ông tôn vinh trái măng cầu đến tận mây xanh!
Ðến
bây giờ, khi có dịp nghe lại bài “Nắng Ðẹp Miền Nam” của Lam Phương, hoặc có
khi ngồi lẩm bẩm hát một mình bài hát này, tôi vẫn cứ cười… vu vơ khi nghe hoặc
khi hát đoạn gần cuối:
“Khi
người lính chiến đã đấu tranh hiến hòa bình cho Ðồng Tháp Cà Mau
Ta
người nông thôn quên sương gió góp gian lao lo được mùa mong cầu.
Nhờ
tình quân dân gây bao niềm thương ấm cúng non sông đón bình minh.
Gắng
lên với ngày này ta cùng tưới đồng xanh… Rồi sống no lành.”
Bài
hát hay quá! Và trái măng cầu (của tôi) cũng thơm ngọt, đáng quý quá! Với lại
cái đoạn này cho người ta thấy tình quân dân cá nước của người miền Nam Việt
Nam. Một đằng kiên cường chiến đấu để bảo vệ đồng bào và mảnh đất quê hương. Một
đằng quên lao nhọc, tăng gia sản xuất để làm giàu, làm đẹp quê hương. Cả hai
nghĩ về nhau, cùng nghĩ đến quê hương mà chiến đấu và lao động. Ðó chính là động
lực kiến tạo miền Nam Việt Nam trù phú, người dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
Nhưng
vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa là một vận mệnh đầy cay nghiệt. Trên bàn cờ quốc tế,
con cờ Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành con cờ thí và bị bức tử, mặc dù người dân
Việt Nam Cộng Hòa yêu chuộng tự do tha thiết và quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một
quân lực thiện chiến bậc nhất, kiên cường bậc nhất, hy sinh bậc nhất, yêu dân tộc,
yêu đồng bào bậc nhất.
Sống
tị nạn ở nước người, người dân miền Nam Việt Nam vẫn mơ về quê hương cũ, với
Sài Gòn, Ðà Nẵng, Nha Trang, Ðà Lạt, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ… Ðất Cần Thơ
tươi đẹp, mỹ miều vốn được gọi là Tây Ðô. Bài “Chiều Tây Ðô” viết theo nhịp
Bolero rất tâm tình, lôi cuốn. Ngày kia, có chàng tị nạn sống lơ ngơ giữa quê
người mà mơ mình trở về Tây Ðô: Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về. Thăm
quê xưa với vườn cau thề.
Nhưng
dường như Tây Ðô bây giờ không còn là Tây Ðô ngày xưa:
Bàn
tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô. Ði trong hoang vắng chiều Tây Ðô. Bờ sông
yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều. Sao anh không thấy về Ninh Kiều? Dường như em
nghe đời nặng trĩu trong màu đen. Ðen như manh áo buồn chưa quen.
Tây
Ðô buồn. Người Tây Ðô buồn, bởi vì sau ngày đau thương ấy thì: Hỏi cỏ cây, cỏ
cây khóc… Gió than van: kể từ khi… mất quê hương, gió ra khơi… đưa người vượt
biển. Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay.
Trẻ
thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày. Vợ chờ tin chồng ngày, về quá xa xăm…
Ðể rồi
người ta phải thốt lên câu hỏi đầy phẫn uất: “Bao năm giải phóng như thế này phải
không anh?” Tuy nhiên, Lam Phương có cái nhìn lạc quan về dòng sinh mệnh dân tộc.
Ông tin có một ngày “Tây Ðô sẽ sống lại yêu thương,” vì “tàu đưa ta đi tàu sẽ
đón ta hồi hương.” (2)
Ba
bài hát tượng trưng cho ba giai đoạn của dòng sinh mệnh dân tộc và đất nước.
“Chuyến Ðò Vĩ Tuyến” là bài hát điển hình cho giai đoạn khai mở quốc gia Việt
Nam Cộng Hoà. “Nắng Ðẹp Miền Nam” là bài hát điển hình cho giai đoạn miền Nam Việt
Nam tức Việt Nam Cộng Hòa phát triển, người dân no cơm ấm áo, quân dân đoàn kết
một lòng bồi đắp và gìn giữ quê hương. “Chiều Tây Ðô” là bài hát điển hình cho
giai đoạn nước mất nhà tan, nhưng trong đau thương, người Việt xa xứ vẫn nuôi
lòng lạc quan về một ngày trở lại quê hương, xây dựng lại đất nước.
Cho
nên, tôi xin nghiêm chỉnh thưa rằng: Lam Phương và nhạc Lam Phương đã gắn liền
với dòng sinh mệnh của dân tộc và đất nước.
(Nguồn: quyendi.bui@gmail.com)
———–
(1)
Buổi mừng sinh nhật 80 tuổi cho nhạc sĩ Lam Phương đã được tổ chức vào trưa Chủ
Nhật, 26 Tháng Ba 2017, tại Club House của Kingston Mobile Estate.
(2)
Tôi xin nhắn với các thầy cô dạy Việt ngữ cho các em nhỏ: bài “Chiều Tây Ðô” là
một bài mẫu rất tốt để dạy vần. “Về” vần với “thề,” “khô” vần với “đô,” “miều”
vần với “kiều,” “đen”vần với “quen,” “cay” vần với “ngày,” “trường” vần với “đường,”
“hương” vần với “thương.”
No comments:
Post a Comment