Monday, April 17, 2017

Tháng Tư trở về, hãy cùng nhau giở lại trang sử năm xưa


_______________

Lê Tất Đạt






Một nén hương lòng thắp gửi về Huế:

"36 năm nhìn lại Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế" được viết bởi một người bạn văn - anh Lê Tất Đạt -, và đã được đăng trên tạp chí Hương Xưa tại Winnipeg vào mùa Xuân Giáp Thân 2004.


TL

***************

Lời tòa soạn

Đã 36 năm qua, Hình ảnh hằng vạn  người dân Huế bị tàn sát trong biến cố Tết Mậu Thân vẫn còn đó. Những nấm mồ tập thể ở bìa rừng, bờ sông, khe suối có bao giờ được siêu thoát? Những người dân vô tội đó mãi mãi là những bóng ma vất vưởng trên khắp nẻo đường quê hương.
Đã 36 năm qua. Những giọt nước mắt ngày nào khóc cho Huế đổ nát vẫn còn đó, Vẫn ầm ĩ chảy trong lòng mọi người như một vết thương mà suốt đời không bao giờ lành lặn.
Hãy giở lại trang sử xưa, cùng chúng tôi trở về Huế, trở về mùa xuân Mậu Thân năm xưa. Như một mặc niệm cho Huế, cho quê hương bỏ lại.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc" 36 năm nhìn lại Thảm sát TếtMậu Thân  ở Huế của anh Lê Tất Đạt như một nén hương lòng thắp gửi về Huế, về VN thân yêu bên kia bờ Đại Dương.

Tạp chí Hương Xưa


***************************************************


Đến bây giờ dù đã 36 năm trôi qua, mỗi lần nghĩ tới cuộc thảm sát Mậu thân ở Huế, ngoài nổi ngậm ngùi những người thân đã mất tôi vẫn bâng khuâng không biết tại sao đất Huế gánh chịu một tai ương khủng khiếp như vậy. Biến cố Mậu Thân cùng một lúc xảy ra trên toàn cõi miền Nam nhưng không có thành phố nào bị chiếm đóng quá lâu và hứng chịu một tổn thất về sinh mạng và vật chất lớn lao như ở Huế.


Trong lịch sử thành phố Huế, chỉ một lần người dân vô tội bị tàn sát đó là lần thất thủ kinh đô năm Ất Dậu. Biến cố xảy ra trong đêm 22 tháng 4 năm 1885, khi hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cầm đầu cuộc tổng khởi nghĩa chống lại quân xâm lược Pháp. Sáng hôm sau, Thống tướng De Courcy ra lệnh phản công, quân ta yếu thế phải bỏ chạy. Kết quả hàng ngàn người vừa binh sĩ vừa thường dân bị quân Pháp giết chết. Cuộc tàn sát đẫm máu này vẫn còn có thể hiểu được, quân dân ta là kẻ chủ động, chúng ta đã khởi xướng và gây thiệt hại cho thực dân. Trong đợt tấn công vào Tòa Khâm sứ nằm dọc bờ hữu ngạn sông Hương giữa lúc De Courcy đang mở dạ yến quân ta đã giết được 16 tên thực dân và gây bị thương cho 80 tên khác. Sau biến cố đó, thành phố Huế không bị ảnh hưởng bởi một biến động lịch sữ nào khác, kể cả hai cuộc Thế Chiến và trong thời kỳ bị bọn Quân phiệt Nhật chiếm đóng năm 1945. Do vai trò lịch sử Huế có trọng trách gánh giữ, Huế được nhìn như chiếc nôi văn hoá của đất nước, cho nên mọi phe phái, thế lực đều thầm lặng nương tay.

Vậy nguyên nhân nào sinh ra cuộc thảm sát dã man Tết Mậu Thân? Lòng người ư? Nhưng trước khi bàn sâu vào vấn đề chúng ta tạm ngưng để nhìn lại những chuyển biến của biến cố này.


Đối với người Việt, dù thuộc thành phần nào thì Tết cũng là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất. Thời xưa, sau lễ “phất thức” tức lễ rửa ấn, rửa triện vào ngày tiễn đưa ông Táo về chầu trời 23 tháng chạp thì mọi việc công từ triều đình cho đến huyện xã đều ngưng nghỉ cho đến ngày lễ “Khai hạ” mồng 7 tháng giêng. Như vậy Tết kéo dài đến 2 tuần. Thời hiện đại Tết chính thức chỉ có 3 hôm. Và trong 3 hôm đó mọi sinh hoạt của nhà nước đều được đình chỉ để quân nhân cán chính có cơ hội đoàn tụ với gia đình trong những giờ phút linh thiêng nhất của đất nước. Ngay cả việc chém giết nhau cũng cần phải trì hoãn. Sau hiệp định Genève, miền Nam được hưởng thanh bình một vài năm rồi chiến tranh lại tiếp diễn. Để binh sĩ có cơ hội đón xuân hoặc ít ra cũng đỡ căng thẳng trên phòng tuyến chiến trường, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào mỗi dịp Tết đến đều ra lệnh ngưng chiến một thời gian ấn định nào đó, hoặc đơn phương hoặc song phương. Thường sau một cuộc ngưng chiến thì hai bên tố cáo lẫn nhau về những vi phạm, nhưng tình hình chưa bao giờ quá nghiêm trọng. Năm Mậu thân, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker và Đại tướng Westmoreland đã cùng thỏa thuận ra tuyên cáo ngưng chiến 36 giờ kể từ 06 giờ chiều ngày 29 tháng Giêng năm 1968. Phía Cộng sản, “nhân đạo” hơn tuyên bố ngưng chiến 7 hôm từ 27 tháng Giêng đến mồng 3 tháng Hai.

Tuy nhiên trong đêm 30 rạng ngày 31 tháng Giêng Việt cộng đã nuốt lời hứa, trắng trợn vi phạm ngưng chiến và mở hàng loạt tấn công khắp lãnh thổ miền Nam. Lực lượng Cộng sản gồm hơn 85,000 quân chính qui Bắc Việt, cộng với binh sĩ của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Những cuộc tấn công quan trọng xảy ra tại Sài Gòn, Quảng Trị, Huế, Đa Nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn, Kontum, Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre. Địch quân đã thành công lúc đầu nhưng chỉ trong vòng 2, 3 hôm là bị đẩy lui, ngoại trừ một vài nơi cuộc chiến đấu kéo dài, có khi gần cả tháng như trường hợp ở Huế.

NHÌN LẠI CHIẾN TRƯỜNG HUẾ


Sáng tinh sương mồng Một Tết Mậu thân, khi cả thành phố đang còn yên giấc thì chiến tranh cuồng bạo tràn về trên đất Huế thương yêu, trên người dân lành vô tội. Vào lúc 3giờ 40 phút khuya mồng một Tết –31 tháng 1 năm 1968- Cộng quân cùng một lúc xử dụng mọt-chê, hỏa tiễn và bộ binh mở cuộc tổng tấn công ào ạt thành phố Huế. Chiến tranh có cơn chấn động như ngọn hỏa diệm sơn đang thời kỳ phun lửa, rực sáng bầu trời, với hằng trăm trái hỏa châu chói lòa cảnh vật. Tiếng động cơ ầm ầm của máy bay trực thăng sà thấp trên những ngọn cây, lướt qua các mái nhà. Đất trời rung chuyển với từng làn sóng địa chấn của hỏa tiễn tầm xa. Những trái đạn rơi khắp mọi nơi trong thành phố tạo thành nhửng âm thanh xé trời, đinh tai, nhức óc.

Hằng ngàn quân chính quy Bắc Việt với súng máy cầm tay, óng phóng hỏa tiễn mang vai, chia nhau tiến chiếm các mục tiêu đã được ấn định. Ở hữu ngạn sông Hương, một thành phần của trung đoàn 4 công quân Bắc Việt tấn công Bộ Chỉ Huy YễmTrợ Quân Sự (Military Assistance Command, Vietnam-MACV) gần đại học Khoa học nhưng bị cầm chân. Phía tả ngạn sông Hương, lúc 4 giờ sáng, 2 tiểu đoàn Cộng quân 800 và 802 thuộc trung đoàn 6 tiến chiếm thành nội. Tiểu đoàn 800 đánh vào sân bay Tây Lộc nhưng bị Đại đội tinh nhuệ Hắc Báo đẩy lui, Tiểu đoàn này đổi hướng chiếm giữ các cửa thành. Tiểu đoàn 802 tiến chiếm Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 tại Mang Cá ở góc đông bắc thành nội và xâm nhập được vào khu y tế của BTLSĐ. Đại đội Hắc báo được gọi về tăng viện cùng 200 binh sĩ cơ hữu đã đẩy địch quân ra khỏi căn cứ. Đến sáng mồng một, ở hữu ngạn sông Hương, Cộng quân chiếm hầu hết cơ quan chính phủ dọc đại lộ Lê Lợi như Đaị học Sư Phạm, Trung Học Kiểu mẫu, Đại học Khoa Học, đài phát thanh Huế, Ty ngân khố, Toà Tỉnh Trưởng, Toà Đại Biểu Trung Phần, Tòa Viện Trưởng Đại Học Huế. Còn bên tả ngạn, 2 tiểu đoàn của trung đoàn 6 chính quy Bắc Việt với sự tăng phái của tiểu đoàn 12 Công binh đã chiếm hết mọi nơi trong thành nội ngoại trừ BTLSD. Mặc dù không chiếm giữ được 2 mục tiêu tối hậu - Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân Sự và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn -nhưng cả hai đều bị địch quân vây hãm, cắt đứt liên lạc bên ngoài và Trung đoàn 6 kiểm soát hầu hết cư dân thành phố Huế. Lá cờ của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng đã được kéo lên cột cờ Phú Văn Lâu, báo hiệu một giai đoạn cực kỳ tang tóc đau thương cho người dân lành vô tội. Trong vòng 26 ngày sắp tới, thành phố Huế sẽ là bãi chiến trường sôi sục nhất trên toàn lãnh thổ với sự tranh hùng của hai phe; một bên là 15 tiểu đoàn Cộng quân, bên kia là một lực lượng gồm 4 tiểu đoàn Bộ binh và 3 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ và 11 tiểu đoàn quân lực Việt Nam Cộng Hòa. 

Ngày 31 tháng hai, Tiểu Đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến Mỹ từ Phú Bài di chuyển về giải vây Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân. Họ gặp sức kháng cự mãnh liệt của Tiểu đoàn 806 Cộng quân đang chiếm cứ quốc lộ 1 dẫn về Huế, đặc biệt lúc còn cách căn cứ 700 mét, hai bên đã dành nhau từng tấc đất, từng mái nhà, từng khu phố nhưng cuối cùng đại đội A thuộc Tiểu đoàn 1 vào đến được căn cứ bộ chỉ huy lúc 2 giờ chiều cùng ngày. Trong vòng 3 hôm kế tiếp nhiều đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đã được gửi về đây để tăng viện. Ngay hôm đầu tiên chiếm đóng Cộng quân phá sập cầu Trường Tiền và bố trí dọc bờ bắc sông Hương. Xe tăng lội nước của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ngay trong hôm 31/01 đã cố gắng vượt qua sông nhưng bị hỏa lực từ bờ bắc quá mạnh đành phải rút về. Sau đó tàu đổ bộ há mồm được dùng để chuyển quân qua sông.

Mỹ đã hoàn toàn kiểm soát khu vực chung quanh Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân sự và bắt đầu phối hợp với các đơn vị chủ lực của Sư đoàn 1 để tái chiếm các khu vực bị địch chiếm đóng ở hữu ngạn. Qua đến ngày mồng 3 tháng 2 thì các công sở nhà nước dọc đại lộ Lê Lợi đều được giải tỏa. Đến ngày mồng 10 tháng 2 thì toàn thể khu vực hữu ngạn được coi như an ninh.

Ngày mồng 9 tháng 2, Mỹ gửi 2 Tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn Dù 101 ra tăng phái Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1. Một Tiểu đoàn bảo vệ an ninh cho Tiểu đoàn Công Binh 35 đang tu sửa quốc lộ 1 từ Đà Nẵng ra Huế. Tiểu Đoàn thứ hai được đưa ra Phi trường Phú bài để bảo đảm an ninh cho phía nam thành phố. Qua ngày 12 tháng 02, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ được đưa sang sông bằng tàu đổ bộ và trực thăng vận. Tiểu đoàn này thay thế Lực Lượng Đặc Nhiệm Nhảy dù chiếm giữ một phần bờ thành đông nam. Cùng lúc 2 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam tiến đến chiếm giữ góc thành tây nam với chủ đích càn quét về đông.

Phía tả ngạn, Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh Trung đoàn 3, Lực Lương Đặc Nhiệm Nhảy Dù và đại đội 3 Thiết giáp di chuyển vào nội thành giải tỏa vòng vây cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1. Lực lượng này cùng vơi sự tăng cường thêm 2 tiểu đoàn, các đơn vị thiết giáp và đại đội Thám Báo cùng đại đội tinh nhuệ Hắc Báo đã chiếm đóng các cứ điểm chiến lược phiá nam bộ Tư Lênh Sư Đoàn, cũng như bảo vệ an ninh cho sân bay Tây Lộc. Về sau, Tiểu đoàn 4 và 9 Nhảy dù được gửi từ Đồng Hà vào tăng viện. Qua ngày thứ 5, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã kiểm soát được cửa thành Thượng Tứ và cố tìm cách đánh bật Cộng quân ra khỏi các giao thông hào quanh các bờ thành và trên thành. Trong lúc đó ở bên ngoài các khu phố Trịnh Minh Thế, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng đều nằm trong vòng kiểm soát của ta. Bên kia cầu Gia Hội về đến Bãi Dâu là vùng bị địch chiếm 100%. Sân trường Trung Học Gia Hội là nơi được thiết lập toà án Nhân Dân, một hình thức công trường đấu tố ở Hà Nội thời kỳ cải tổ ruộng đất, để xử tử hình những người khác ý thức hệ.

Từ ngày 13 đến 22 tháng 2, chiến trận giằng co trong nội thành giữa bộ đội Bắc việt và các lực lượng Thủy quân Lục Chiến Mỹ, Thủy Quân Lục Chiến VNCH và bộ binh Sư Đoàn 1. Trọng pháo từ các chiến hạm Mỹ và pháo binh đất liền và hỏa pháo từ trực thăng được dùng tối đa để yểm trợ đơn vị bạn trong nỗ lực càn quét cộng quân ra khỏi các địa đạo, giao thông hào trong thành nội cũng như chận đường tiếp tế và xâm nhập của địch quân vào nội thành.

Trong đêm 23 rạng ngày 24 tháng 2, Tiểu đoàn 2 của trung đoàn 3, thuộc Sư đoàn 1 QLVNCH đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào cửa Tây. Địch quân bị phá vỡ phòng tuyến nhưng vẫn chống chọi mãnh liệt, phía QLVNCH, họ chiến đấu gan dạ, can trường và không bị nao núng. Trong đêm họ đã buộc địch quân phải rút lui và tái chiếm được cột cờ Phú Văn Lâu. Đến 5 giờ sáng 24 thì lá cờ vàng 3 sọc đỏ thân yêu trở lại bay phất phới trên bầu trời hừng đông.

Cuộc tái chiếm thành phố Huế gợi lại hình ảnh chiến trường Âu châu một phần tư thế kỷ trước, hai bên giẳng co từng tấc đất, chỉ chờ một sơ hở là tàn sát nhau không nương tay. Trên chiến trường chỉ còn một chọn lựa duy nhất: Giết hoặc bị giết. Vì thế con người nhiều lúc biến thành dã thú, chỉ hành động theo bản năng sinh tồn. Những hình ảnh tàn bạo này được phản ảnh khá đầy đủ trong cuốn phim “Full Metal Jacket” do Stanley Kubrick đạo diễn năm 1987. Ký giả John Lawrence của CBS có mặt tại Bộ Chỉ Huy Yễm Trơ Quân Sự, Huế, viết: “Trong hơn 26 hôm, họ đã thấy những quân sĩ này trở thành tương đồng hơn, gần gũi hơn với những binh sĩ lạc hậu, man rợ nhất chứ không có cái nét văn minh của người chiến sĩ khác màu da và văn hóa thời nay. Rốt cuộc nhân tính biến mất chỉ còn hành động máy móc để lùng săn, lẩn tránh và bắn giết nhau. Cuối cùng cái làm họ thưc sự chia thành 2 phe là lòng trung kiên của họ - over the twenty-six days, they had seen the combatants become more alike, more akin to the most primitive warriors than to morden-day soldiers with differrent races and cultures, more savage than civilized, reduced finally to the mechanical action of hunting, hiding and killing each other. At the end, all that really separated the two sides were their loyalties (page 79). Trong lúc trên mặt trận quân sự cộng quân đang sống chết để bám lấy từng tấc đất trong nội thành thi trên mặt trận chính trị họ thiết lập những toà án nhân dân tại những vùng chiếm đóng an toàn để xử tội những người không đứng cùng chung chiến tuyến.


Sau 26 ngày căng thẳng, khốc liệt, bạo tàn, vô nhân cuối cùng Huế đã được giải phóng. Cuộc chiến này cả 2 bên đều cùng trả một giá quá đắt. Phía địch quân, riêng tại Huế có hơn 5000 thương vong cộng thêm 3000 binh sĩ bỏ mạng tại các vùng phụ cận. Về phiá ta, QLVNCH có 365 tử thương, Mỷ 119 người và hàng chục ngàn người Huế trỏ nên vô gia cư, 1,900 thường dân bi thương và 844 người bị chết vì bom đạn, 5,800 người dân bị chết hoặc mất tich bởi bàn tay Cộng sản hay bọn nằm vùng. Trong đó 3,500 người được tìm thấy trong những mồ chôn tập thể hoặc cá nhân những tháng sau đó. Sau đây là bảng liệt kê thành quả lẫy lừng của quân đội gỉai phóng Hà Nội đã mang đến làm quà xuân cho người dân Huế. 

NHÌN LẠI MỒ CHÔN



- Ngày 29 tháng 2, 1968: Tìm thấy các nhóm mồ tập thể thứ nhất ngay sau khi tái chiếm cố đô gồm 1,173 tử thi trong đó có mồ chôn 100 người gồm công chức và sĩ quan Việt Nam Cộng hòa tại trường Trung học Gia Hội.
- Ngày 14 tháng 3, 1968: Tìm thấy mồ chôn tập thể của 5 Giáo sĩ và 300 giáo dân.
- Tháng 3, 1968: Khu lăng vua Minh Mạng tìm được 26 hố rãnh với hơn 200 nạn nhân.
- Ngày 25 tháng 4, 1968: Tìm thấy 342 xác trong một hầm nông tại ấp Vĩnh Lưu cách Huế 10 cây số, trong đó 142 xác được thân nhân nhận diện.
- Tháng 5, 1968: Xác của 3 Bác sĩ Đức dạy tại Đại học Y khoa Huế, Bác sĩ Krainick, Bác sĩ Discher, Bác sĩ Alterkoster và bà Krainick được tìm thấy cách chùa Tường Vân hơn nửa cây số về phía nam. Các vị này bị bắn sát từ sau gáy và đầu nên khuôn mặt họ một phần bị bung ra.
- Tháng 4 dến tháng 11, 1968: Tại hai ấp Vĩnh thái và Phú Xuân thuộc Quận Phú Thứ, cách Huế 14 cây số, tim thấy nhiều mồ chôn tập thể, nạn nhân bị trói chùm từng 15 người xô chung xuống một hố. Khu vực này có 230 tử thi, trong đó có 15 học sinh tuổi 15.
- Tháng 7 năm 1969: Tìm được 809 xác ở các mồ chôn tập thể tính luôn cả Gò Cát.
- Tháng 9, 1969 (20 tháng sau): Tìm thấy một mồ chôn 428 thi thể ở suối Đá Mài thuộc quận Nam Hoà, cách Huế 15 cây số. Ờ đây cách bờ khoảng 100 mét, người ta tìm thấy hàng trăm chiếc sọ người, hàng trăm mẩu xương vụn nằm chung một chỗ. Những xác này đã không được chôn, nằm phơi bày cho nên dòng nước đã rửa sạch trắng những bộ xương. Nhà chức trách Việt Nam Công Hoà sau đó đã phổ biến danh sách nạn nhân và cho biết 25% nạn nhân là thành phần Quân nhân mọi cấp, 25% là sinh viên, học sinh, 50% còn lại là công chức và thường dân. 
- Số người còn mất tích: 1946

NHÌN LẠI NGÀY THÁNG SÔI ĐỘNG


Huế những năm đầu thập niên 1960 dẫn đến thời điểm biến cố Mậu Thân là giai đoạn vô cùng sôi động. Kể từ sau biến cố ở Đài Phát Thanh Huế trong đêm Phật Đản thứ 2507 (1963), những cuộc biểu tình chống Ngô triều liên tiếp xảy ra. Các cuộc bố ráp, lùng bắt, giam cầm các thành phần đối lập, sinh viên học sinh Phật tử đã gây căm phẫn trong dân chúng. Trong giai đoạn này một số nhỏ thành phần hoạt đầu thuộc hàng ngũ được xem là trí thức đã lợi dụng niềm tin của quần chúng để thiết lập đầu cầu nhắm vào những toan tính về sau. Đất Huế mảnh đất hội tụ mọi tinh hoa dân tộc, nơi các học thuyết chủ yếu của các tôn giáo Phật, Nho, Lão, được nghiêm túc gìn giữ và phát huy. Nơi biểu tượng cho nền văn hóa và văn minh của dất nước. Người dân Huế hãnh diện đôi khi kiêu căng, tự hào đôi khi quá đáng, nhưng họ có lý do vì dưới mắt mọi người dân Việt cũng như thế giới thì Huế là cái nôi văn minh dân tộc Việt nam. Người Huế do đó không dễ dàng chấp nhận những tư tưởng, học thuyết đi ngược lại truyền thống đạo lý dân tộc. Nhưng những phần tử hoạt đầu đã không nắm vững được yếu tố đó, cứ nghĩ rằng, dân Huế đã bị dồn đến cuối đường, không thể sống dưới chế độ kỳ thị tôn giáo của nhà Ngô thì chỉ còn một chọn lựa khác: Cộng sản. Họ đã lầm, hoặc họ bị mê hoặc nghĩ dân Huế đã lầm. Kể từ sau khi cuộc cách mạng Bolshevik 1917, chính thể Cộng sản Sô Viết trong vòng 74 năm từ 1917-1991 đã giết hại 35 triệu công dân của họ. Riêng một minh Stalin đã giết 20 triệu người. Theo nhà nghiên cứu tội ác học R.J. Rummel và văn hào Nga sô Aleksandre Solzhenitsyn thì con số này lên đến 60 triệu người! 

Sử gia tiếng tăm Stephane Courtois, một thành viên của đảng Cộng sản Pháp thức tỉnh và các sử gia Robert Conquest, Daniel Chirot, Adam Hochschild, Tina Rosenberg, Wallechinsky trong quyển “Hắc thư về chủ nghĩa Cộng sản” (Le livre noir du Communisme), xuất bản lần đầu tại Paris năm 1997 đưa ra những con số:

- Từ năm 1917 đến 1953 có 25 triệu công dân Liên Bang Sô Viết bị giết. 
- Dưới tay Mao Trạch Đông 65 triệu người dân Hoa Lục đã biến mất.
- Pol Pot đã biến Đô thị thành nông thôn với sinh mạng của 2 triệu người.
- Việt nam dưới sự lãnh đạo anh minh của bác Hồ, một triệu người dân lành vô tội đã bị giết dưới hình thức thanh trừng, thủ tiêu, đấu tố.
- Hằng triệu nạn nhân khác trên lục địa Phi châu, Đông Âu và Châu Mỹ La tinh. 

Những người trí thức thuộc thành phần giáo sư, sinh viên, nghệ sĩ chẳng lẽ nào không thấy sự khác biệt trời vực giũa cái bạo tàn của thể chế Cộng sản và chế đô Ngô triều. Tôi là người sinh ra cùng thời với quý vị, thế hệ của những kẻ trên dưới 60, trải qua và chứng kiến nhiều biến động lịch sử, cũng là kẻ được thừa hưởng thể chế dân chủ giao thời. Tôi cũng như bạn có thể từng là nạn nhân của thời buổi nhập nhằng, tranh tối tranh sáng này. Làng tôi Dưỡng Mong những năm cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950 nằm dưới vùng xôi đậu. Ban ngày có lúc Việt minh bày quân bố trận, có lúc Tây về ruồng bố, đốt nhà vô cớ. Đêm nào thôn xóm nghe xôn xao thì sáng ra ở đình chợ có một chiếc đầu lâu lăn lóc, ngay cây cau trong vườn nhà tôi ở đầu xóm Hoái là điểm tựa chặt đầu viên lý trưởng trong làng, khi ông ta chạy qua sân và bị đuổi bắt kịp. Sau hiệp định Geneve, miền Nam được dìu dắt bởi nhà “lãnh tụ anh minh” Ngô Đình Điệm, chúng ta được học bài học dân chủ đầu tiên trong cuộc Trưng Cầu dân ý: Phiếu xanh bỏ giỏ, Phiếu đỏ bỏ thùng. Hẳn nhiên phiếu đỏ mang hinh họ Ngô còn phiếu xanh của Bảo Đại. Bài học đó không tốt đẹp gì nhưng vẫn cho người dân một ý niệm dân chủ phôi thai. Nền dân chủ mà con người đã đấu tranh ròng rã suốt gần 18 thế kỷ- kể từ Tây lịch kỷ nguyên- mãi đến năm 1789 mới được thành hình. So với đất nước ta, Tây phương có gân 200 năm để điều chỉnh, sưả đổi và đánh bóng nền dân chủ đó nhưng dù sao ta cũng nên tự hào đã may mắn nằm trong quỹ đạo chủ nghĩa tự do này. Quý vị lạm dụng, đòi hỏi một sớm một chiều tất cả mọi đặc quyền của một nền dân chủ trưởng thành để từ đó làm bàn đạp xiễn dương, gieo rắc chủ nghĩa Cộng sản. Quý vị đem so sánh chính sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm với chính sách miền Bắc thì hoặc là qú vị không biết gì hết hoặc quí vị chính là những con ngựa già của Chúa Trịnh, bị che hết hai bên mắt chỉ còn thấy được trước mặt thôi và trước mặt quý vị chỉ còn hinh ảnh bác Hồ. Miền Bắc đâu có tôn giáo để kỳ thị, đâu có quyền tự do nào để vi phạm, đâu còn chút nhân phẩm nào để lo bị chà đạp. Sau khi cách mạng lật đổ Ngô triều thành công, lợi dụng tinh thần trọng vọng khoa bảng của người Huế, quý vị đóng vai trò trí thức yêu nước, hướng dẫn quần chúng vào những cuộc tranh đấu quá khích chống lại chính phủ miền Nam. Nhưng tôi không trách bởi tự do bộc bày tư tưởng là đặc tính ưu việt của thể chế dân chủ. Điều làm tôi phiền buồn là, trong khi đào bới nhửng xấu xa của mìền Nam thì quí vị nhìn chế độ bao ngược vô nhân miền Bắc như một thiên đường. Chẳng lẽ quý vị không biết qua các hệ thống truyền thông thế giới nói về phong trào caỉ cách ruộng đất ở miền Bắc từ 1953-1956 do Trường Chinh Đặng Xuân Khu lãnh đạo dưới chỉ thị của họ Hồ đã đấu tố hành quyết 500,000 người và 500,000 người khác bị chết dân mòn trong các trại lao động cưỡng bách. Quí vị chẳng lẽ nào không mủi lòng trước cảnh máu đổ thịt rơi, gia đình tan nát. Điều mà ngay cả bác Hồ thân yêu của quý vị cũng phải chồn chân để cuối cùng ra lệnh hạ tầng công tác và buộc Trường Chinh phải thú nhận sai lầm trước nhân dân. Thực ra thì không phải bác nhân đạo, nếu vậy chẳng hoá ra bác là người, bác chỉ áp dụng đúng sách lược “Vắt Chanh Bỏ Vỏ” của Machiavelli trong tập binh thư bá đạo “The Prince”. Quý vị chẳng lẽ nào không nghe nói đến phong trào Nhân Văn và Giai Phẩm giữa thập niên 1950 lúc mà Trần Dần đã báo động cho chúng ta hay “Tôi đi giữa phố Sinh từ, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…”. Miền Bắc là cả một biển máu đào. Một bầu trời ảm đạm thê lương, nơi mọi quyền làm người bị khước từ hoặc nằm trong tay những thành viên đảng Cộng sản. Song song với những phong trào đấu tố, thanh trừng, hủy diệt tôn giáo, cấm cản mọi đức tin ở Việt Nam, các quốc gia nằm dưới ách thống trị của Cộng sản đều áp dụng cùng sách lược nhằm bần cùng hoá nhân dân, khủng bố, thanh trừng và ra tay triệt hạ những phần tử khác tư tưởng không nương tay. Ở Hoa Lục phong trào “Bách Hoa Khai Phóng, Bách Gia Tranh Minh” (Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng) năm 1956 đã triệt hạ hằng triệu người có tư tưởng hủ hoá và chống lại đảng. Phong trào “Bước Nhảy vọt Vĩ Đại” từ 1958-1962 đã giết hơn 30,000,000 người. Phần vì lao động cưỡng bách quá độ, phần vì thiếu thực phẩm chết đói và phần bị thanh trừng đoạ đầy. Năm 1966, “Cuộc Cách Mạng Văn Hoá Vô sản Vĩ Đại” do Giang Thanh cầm đầu với bọn Hồng Vệ Binh đã triệt hạ mọi phần tử tri thức và giết chết 11,000,000 người. Ở Liên sô những Gulag ở miền Tây Bá Lợi Á là những trại tù khổng lồ dùng để ém miệng mọi thành phần không đứng cùng giới tuyến với người cộng sản. Hằng chục triệu người đã chết dần mòn tại đây đó là chưa kể dến 6 triệu nguời Ukrain bị chết đói vì thực phẩm bị tước đoạt để dành nuôi người anh em Cộng sản dưới trướng Stalin. Quý vị, những nhà trí thức số một của kinh thành Huế, chẳng lẽ nào quý vị không nhận ra bản chất thâm độc của người cộng sản trước những sự thật quá hiễn nhiên và được phơi bày mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Việc làm này của quý vị chỉ có thể hiểu được nếu quý vị là những cán bộ cốt cán nằm vùng ngoài ra không thể nào mường tượng nổi. Quý vị thuộc thành phần ưu đãi trong xã hội miền Nam, cha ông quý vị là những người chịu ơn mưa móc của chế độ, quý vị được nuôi ăn học trong những điều kiện dễ dãi. Tuổi trẻ hiếu động, thích tính chuyện đội đá vá trời, thế thiên hành đạo là một điều không có gì đáng trách, có trách chăng là cái ngu xuẩn không nhận ra cái thiện cái ác, cái đúng cái sai. Cái phải cái trái, cái trắng cái đen, cái tròn cái méo, cái đạo đức cái vô luân. Nếu đường biên làm thành bởi thịt xương, máu huyết của 100 triệu sinh linh không đủ cho quý vị thấy rõ sự khác biệt giữa hai thể chế Cộng sản và Tự do thì có lẽ quý vị thuộc vào một loại sinh vật nào khác.

Những quấy phá liên tục trong những năm sau cách mạng 1963 dẫn đến mùa xuân Mậu thân hẳn nhiên đều nằm trong sách lược Hà Nội. Quý vị tiếp tay thi hành hoặc vì ngu xuẩn hoặc vì lợi lộc. Những vụ xách động để tạo hố ngăn cách giữa Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung với chính quyền Saigòn đã là lợi khí cho Cộng sản tuyên truyền. Trong lúc đại đa số dân Huế vì niềm khao khát tự do, vì ý thức sâu sắc về dân chủ, họ tham gia với kỳ vọng nói lên tiếng nói của minh để làm đẹp hơn nền dân chủ thì quý vị nhân đó chứng tỏ cho chính quyền miền Bắc thấy rằng tình trạng đã chín mùi, chỉ cần một cuộc tổng tấn công là toàn dân Huế sẽ vùng lên tham gia. Quý vị đã quên một bài học lịch sử: Người Huế kiêu lắm, họ không dễ dàng chấp nhận một thứ học thuật tà ma như Cộng sản. Quý vị nhìn thử lại xem có bao nhiêu người Huế ở trong hàng ngủ lảnh đạo chủ chốt của đảng Cộng sản Việt nam? Sau khi họ Hồ (người Nghệ An) mất năm 1969, trong Tam đầu chế Lê Duẩn, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng thì Lê Duẩn (Tổng Bí Thư) là người Quảng Trị, Trường Chinh (Chủ Tịch Quốc Hội) người Nam Định còn Phạm Văn Đồng (Thủ Tướng chính phủ) là người Quảng Ngải. Từ những ngày đầu dân Huế đã nhận rõ khuôn mặt Cộng sản, không mấy người tham gia cho nên trong Bộ Chính Trị – cơ quan lãnh đạo tối cao của chính phủ Hà Nội – không có một ủy viên thường trực hay dự khuyết nào gốc Huế. Trong thời kỳ phôi thai của đảng Cộng sản Việt Nam, Huế, có 2 người đó là Nguyễn Kim Thành và Lê Đức Anh cùng tuổi (sinh năm 1920). Nguyễn Kim Thanh được mọi người biết đến qua tên Tố Hữu, là nhà thơ cách mạng vĩ đại nhất miền Bắc nhờ tài làm thơ ngợi ca bác và Stalin: 

Stalin ơi, Stalin ơi! 
Thương cha, thương mẹ, ỉ thương chồng
Thương thời thương một, thương ông thương mười.

Cũng bởi cái tính ninh bợ lố lăng này mà khi Stalin bị hạ bệ, Tố Hữu cũng bị thất sủng. Mãi về sau, 1976 mới trở thành Ủy Viên dự khuyết Bộ Chính Trị và 4 năm sau thành ủy Viên thường trực, năm giữ chúc vụ Phó Thủ Tướng Đặc trách Văn Hoá. Còn Lê Đức Anh, ở thời điểm 1968 chỉ là một sĩ quan không được biết đến. Mãi đến năm 1975, sau khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam cùng với Tướng Văn Tiến Dũng (tư lệnh), Phạm Hùng (ủy viên chính trị) và Tướng Trần văn Trà thì ngôi sao Lê Đức Anh mới bắt đầu nổi. Đúng ra thành phần tập kết gốc Huế còn có hai vị y sĩ đào tạo ở Pháp rất giỏi đó là Bác sĩ Tôn Thất Tùng và Bác sĩ Hồ Đắc Di. Bác sĩ Tùng (1912-1982), nổi tiếng về giải phẩu gan, đã có thời làm phó Thủ Tướng đặc trách Y tế Chính phủ Hà Nội. Bác sĩ Hồ Đác Di (1900-1984) từng là Khoa Trưởng Đại học Y Khoa Hà Nội. Cả hai vị này thuộc thành phần trí thức, du học nước ngoài, theo tiếng gọi của đất nước trong thời kỳ kháng Pháp nên đã từ bỏ vinh hoa trở về. Thật ra theo lời của Bác sĩ Hồ Đắc Di thì ông chẳng có khái niệm gì về cuộc cách mạng ở Việt Nam mà chỉ mê hình ảnh hào hùng, can đảm của bác Hồ nên đi theo. Họ cũng như trường hợp của Thạc sĩ triết học Trần Đức Thảo và Tiến sĩ Luật khoa Nguyễn Mạnh Tường ở Bắc nhưng may mắn hơn đã được trọng dụng tuy nhiên cũng chẳng có hậu thuẩn gì về chính trị hoặc quân sự. Nhóm đầu não từ Nam bộ thì có Tôn Đức Thắng (Long Xuyên), Trần văn Trà (Saigon), Nguyễn Hữu Thọ (Chợ Lớn), Huỳnh Tấn Phát (Mỹ Tho), Phạm Hưng (Vĩnh Long) và Phan Văn Khải (Củ Chi). Nhóm miền Trung thi có Lê Duẩn, Võ Chí Công (Quảng Nam) và Phạm Văn Đồng. Còn lại Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Linh, Văn Tiến Dũng đều là người miền Bắc. Sự kiện người Huế không đóng góp gì tích cực cho thành quả cách mạng hẳn nhiên là một bất lợi và Huế bị xem là mảnh đất của thành phần phản động. Cũng vì lẽ này mà khi biến cố Mậu thân xảy ra đã không có một thế lực lớn naò ở trung ương làm cho đàn em nể mặt mà nương nhẹ bàn tay giết chóc. 

Nguyên nhân thứ hai là những tên cán bộ nằm vùng, những phần tử hoạt đầu như quý vị. Cuốn sổ đen ghi tên thành phần phản động Mỹ ngụy do ai thiết lập mà có. Làm sao bọn người từ bắc phương mới vào lại biết tung tích từng người ở đâu mà ruồng bắt, xử tử ngay từ ngày đầu tiên. Ai chủ mưu giết 3 vị Bác sĩ khả kính người Đức, BS Krainick và phu nhân, BS Discher và BS Alterkoster. Các vị Bác sĩ này là các vị thầy của quý vị, họ đã sống đúng tinh thần nhân ái của người y sĩ giàu lương tâm. Ngoài việc dạy học họ còn làm việc ở bệnh viện Huế, tân trang bệnh viện cuì và xây thêm một bệnh viện tâm thần. Vợ chồng Bác sĩ Krainick còn lập phòng chẩn bệnh miễn phí 30 giường ở Đa Nghi, một vùng nằm sâu trong khu vực Cộng sản kiểm soát… để chữa bệnh luôn cho người Cộng sản và hưởng thù lao bằng một viên đạn bắn sát từ sau gáy. Quý vị trả lời làm sao để biện bạch cho tội ác dã man này? Ai là người lại nở tay giết chết những kẻ một đời chỉ biết phụng sự nhân loại một cách vô vị lợi, 8 năm trời dạy trường y, xuôi ngược xin tiền nuôi bệnh viện, xây bệnh xá để cuối cùng bị chết thảm khốc.

Các cán bộ chính trị, trong đó có Trần Độ lúc đó là phó Chính Ũy chiến trường Trị Thiên đã sững sờ vì những báo cáo quá lạc quan mà quý vị đã dâng lên cho họ. Huế chưa chín mùi để theo gót cách mạng. Huế không phải là hình ảnh những buổi biểu tình, đập phá, xuống đường náo loạn do quý vị đã khéo dàn dựng và xách động. Người Huế chống Thiệu Kỳ nhưng không chống cơ chế Dân chủ, Tự do vì họ hiểu rằng cái Tự do và Dân chủ họ đang thừa hưởng dù có bị hạn chế cũng còn hơn xa hẳn thể chế Cộng sản. Người Huế chống Thiệu Kỳ nhưng không bao giờ sẵn sàng đi theo các lãnh tụ miền Bắc, vì hơn ai hết người Huế biết rằng dù Thiệu, dù Kỳ hay ai nữa ở miền Nam thì tư cách vẫn còn vượt hơn các lãnh tụ bên kia. Chế độ miền Bắc có một thứ tự do tuyệt đối mà miền Nam không có được: Đó là tự do mạt sát quân thù, tự do ngợi ca lãnh tụ, tự do thanh toán những kẻ khác ý thức hệ. Có lẽ quý vị là những kẻ bảo hoàng hơn vua đã xữ dụng quyền tự do ấy một cách rất tích cực. Thật ra quý vị có ngợi ca bác cũng bằng thừa, vì tất cả ngôn từ thẩm mỹ, tuyệt đẹp nhất đều đã được bác xử dụng để tự ngợi ca mình. Chẳng lẽ nào quý vị không biết tất cả huyền thoại anh hùng về bác đều do chính bác gọt dũa, bác có ngoài 75 bút hiệu. William J. Duiker trong quyển “HO CHI MINH” viết: Quyển sách được nhiều người biết đến nhất trong số những sách nói về cuộc đời bác được xuất bản dưới tựa đề việt ngữ: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, tác giả tưởng tượng Trần Dân Tiến, là một trong rất nhiều (ngoài 75) bút hiệu của Hồ Chí Minh. (The most widely known of his autobiographies was published in Vietnamese under the title Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, authored by the fictitious Tran Dan Tien, one of Ho Chi Minh’s many (exceed 75) pseudonyms, page 582)

Cái thái độ không hợp tác, không yểm trợ, không về hùa của đại đa số người Huế đã nói lên đầy đủ sự khinh bỉ của họ. Người Cộng sản hẳn nhiên uất hận lắm, dân chúng xứ này vẫn phản động như ngày nào. Và chính thái độ xấc xược này hay là sự thất bại về mặt chính trị cộng thêm sự thất bại về mặt quân sự mà họ đổ dồn mọi giận dữ lên đầu người dân lành vô tội: Trên đường rút quân họ đã ra tay tàn sát trọn hết tù nhân và tàn sát một cách man rợ như để giải tỏa căm hờn.

NHÌN LẠI BẰNG HỮU



Bạn thân, hôm nói chuyện điện thoại với bạn, nhân nhắc đến T., mình nói hắn đi theo Việt cộng hồi Tết Mậu thân; bạn cười trả lời, hồi đó thằng nào mà chẳng theo. Nghe bạn nói làm mình khựng lại. Hơn ai hết, bạn và mình có một thời như hình với bóng. Cũng như mình, bạn là một cậu học sinh con nhà nghèo và cô thế nhưng bạn đã thành công nhờ bạn thông minh và chuyên cần. Điều này làm mình suy nghĩ và muốn nói với bạn từ lâu, cái chế độ thối nát miền Nam đầy tham nhũng, hối lộ, bè phái, bất công như nhiều người kết án, trong đó có bạn lại dành cho bạn một cơ hội tiến thân. Đỗ Tú tài hai ban B, bạn đã dễ dàng đỗ vào Sư phạm Anh Văn, rồi chỉ một thời gian ngắn sau khi ra trường (hình như bạn có dạy ở Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị một năm?) bạn lại được đổi về dạy ở Trung học Kiểu mẫu và sau đó được gửi du học Mỹ. Có thế lực nào đàng sau bạn không? Dù bạn nói có minh cũng chắc chắn không. Cùng năm, còn nhiều đứa nghèo rớt mồng tơi như bọn mình đã chen chân được vào những trường Canh Nông, Y, Duợc, Phú Thọ, Quốc gia Hành Chánh, những nơi mà mọi ngưởi đều nghĩ nếu không có tiền thì phải con ông cháu cha mới vào lọt. Tất cả những đứa giỏi đều đỗ vào trường chuyên môn, học dốt mà chạy chọt vào những trường chuyên môn đó liệu có theo nổi không? Cùng niên khóa mình, trường Quốc Học có ít nhất 10 đứa du học, bạn có thấy đứa nào học dốt mà được xuất dương không. Như vậy cái xã hội mà bạn cho là bất công hóa ra khá công bằng. Nếu bạn đồng ý với mình riêng trong lãnh vực giáo dục có sự công bằng thì mình có thể loại bỏ thêm 1 yếu tố nữa: Tham nhũng. Và đã không tham nhũng thì hối lộ cho ai? Bây giờ thử lướt nhìn ra khỏi lãnh vực giáo dục một chút nhé. Bạn chỉ có 2 anh em, em bạn tình nguyện đi Sĩ quan Thủ Đức, bạn tự động được hưởng qui chế miễn dịch ở nhà phụng dưỡng mẹ cha. Bạn đâu phải tốn đồng nào, phải không? Cái đạo luật miễn dịch vì gia cảnh này thật nhân đạo, hẳn nhiên có trường hợp nó bị lạm dụng để bảo vệ kẻ giàu nhưng chắc chắn người nghèo, cô thế như bạn vẫn được ưu tiên. Miền Nam đào tạo cán bộ tương lai, trước nhất dựa vào khả năng chứ không dựa vào thành tích cách mạng. Thời điểm “hồi đó” mà bạn chê trách, miền Nam chúng ta không bị học tập cải tạo tư tưỏng mỗi tối, không bị lao động cưỡng bách, xóm giềng không rình rập tố cáo lẫn nhau, con cái không lôi cha mẹ ra đấu trương luận tội. Mỗi giờ không phải nghe máy phóng thanh tuyên truyền bên tai. Mọi sự di chuyển bạn không bị hạn chế, kiểm soát. Bạn được hưởng nhiều quyền tự do ngay cả quyền chửi rủa Thiệu Kỳ, tự do chọn tôn giáo mình thích Phật, Khổng, Lão, Chúa, Muhammad, Juda…, thậm chí bạn còn có quyền mang bàn thờ xuống đường chận đứng quyền tự do đi lại của người khác. Vậy thì “hồi đó” mà vào bưng biền thì chỉ có thể giải thích:

- Thứ nhất: Tuổi trẻ nhẹ dạ, bị cái hào nhoáng của ngôn ngữ huyễn hoặc cách mạng thúc dục ra đi. 
- Thứ hai: “Hồi đó” khi cộng quân vào thành trong dịp Tết Mậu Thân, những thành phần nằm vùng, hoạt đầu, trộm cắp lưu manh lộ diện tiếp tay với kẻ thắng trận, giết hại bà con, láng giềng và bè bạn. Khi cộng quân rút lui thành phần này không còn chọn lựa nào khác hơn là đi làm “cách mạng”.

Nhóm trí thức hoạt đầu tráo trở ở Huế hẳn bạn biết rõ là ai, mình không muốn chỉ danh vì họ đã bị nọc độc cộng sản tiêm nhiễm quá sâu xa khó mà hóa giải. Một vị giáo sư, sau tháng 4/1975 nói với một người bạn của bọn mình, “anh biết không, nhờ ơn cách mạng mà vùng Cà Mâu bây giờ trù phú vô cùng, ăng-ten mọc lên ngợp trời”. A! cách mạng có đôi đủa thần, một sớm một chiều biến miền Nam thành những vùng phồn thịnh, trù phú. Ngôn ngữ ngợi ca này con người bình thường hẳn nhiên không có được.

Mình bây giờ đã ngoài 60, bạn cũng vậy. Ở cái thời điểm chúng ta nên bỏ hết chuyện đời ngoài tai để tìm về vùng tĩnh mịch tâm hồn. Có lẽ đây là lần cuối cùng mình đối chất với bạn và nhân tiện xin xác nhận với bạn một lần nữa, bạn có thể không đồng ý với mình trên những quan điểm về nghệ thuật vì cái đó tùy thuộc vào nhãn quan, thị hiếu và sở thích từng mỗi cá nhân, đường biên biến dạng theo trạng thái tâm hồn không có gì phân ranh rõ rệt. Nhưng giữa cộng sản và tự do một đường biên quá đậm nét, trãi dài gần suốt thế kỷ 20, từ khi bắt dầu cuộc cách mạng Bolshevik và những vụ thanh toán tranh chấp quyền hành khởi đầu. Đường biên đó được thành hình với 100 triệu thây người uẩn tử. Đường biên ấy được vẽ với máu đào tuôn chảy suốt chiều dài cai trị của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành và Pol Pot. Đường biên ấy là than khóc tỉ tê, là hờn căm ngút ngàn, là kêu thương khổ ải. Đường biên ấy quá hiển hiện, như trắng vớí đen. Như đêm với ngày. Như sáng vớí tối. Như nưóc với lửa. Như cánh kiến vớiụ con voi. Như số không vớí vô cực. Như hố thẳm với trời xanh. Như mưa nguồn vớiụ nắng hạ. Như suối rạch với đại dương. Nếu bạn không thấy là tại bạn không muốn thấy, hay bạn cố tình làm ngơ, hay bạn tự dối lừa minh đấy thôi. Năm Mậu Thân bạn ở trong khu vực Cộng sản chiếm đóng, Bãi Dâu. Khu vực này được xem là sôi bỏng nhất, bừng bừng khí thế cách mạng hẳn bạn có thấy được vài hình ảnh “hồi đó”. Hy vọng bạn sẽ kể cho nghe một ngày gần.

Nhân tiện cũng xin khẳng định lại với bạn một điều: Miền Nam thua không phải vì thối nát, tham nhũng, bất lực, bè phái mà vì người miền Nam nhìn đối thủ mình với trái tim đồng loại.

NHÌN LẠI HUẾ THÂN YÊU


Năm 1995 trở về, sau 20 năm biệt xứ hay 23 năm kể từ lần sau cùng tôi ra Huế. Nói như nhà văn Trần Kiêm Đoàn thì “Không có năm 1975, tôi sẽ không bao giờ về Huế. Dù tôi có vào tận Sài Gòn thì cũng mới chỉ la Ra Huế. Dù có ra Hà Nội thì rồi cũng Vô Huế. Có về làng vớí mẹ thì cũng sẽ Qua Huế. Và, có xuống tận biển Thuận An thì cũng sẽ Lên Huế mà thôi. Còn người khách lạ viễn phương thì cũng chỉ Tới Huế là cùng. Chuyện Khảo Về Huế, trang 20”. Người khách lạ viễn phương không trở về mà chỉ tới vì chỉ là tạm điểm dừng trên hành trình phiêu lãng. Mình có ra đi mà không Về được bởi ý thức vong suy. Đó chính là điều làm mình đau đớn lắm phải không anh. Nhưng không, anh còn Về được, hẳn là một phúc hạnh không cùng. Còn tôi, tôi về đến quê hương, rút ngắn không gian, rút ngắn quốc lộ 1 tiêu điều ra tới Huế mà không Về được mảnh đất thân yêu tích lũy trong tâm hồn. Có cái gì đổi thay ngày ấy. Sông vẫn sông xưa, nước vẫn nước biếc. Nuí ngự vẫn không cây. Chim ngàn vẫn đậu đất. Lê Lợi gió ngàn vẫn lồng lộng. Cổ thành 4 hướng vẫn thâm cung. Những con lộ hàng cây vẫn giao bóng. Những buổi chiều mây xuống vẫn mênh mang. Bến cồn, chợ Xép; Nam Pho, chợ Dinh; Bao Vinh, Bến Ngự; Chợ Cống, Thuận An; Đông Ba, Gia Hội. Tất cả vẫn còn đó vậy mà mình mất hết dấu vết xa xưa. Đúng ra thì không phải dấu xa xưa mất vết mà thế sự thăng trầm che lấp lối về. Cáí “thành quả chiến thắng mùa xuân” vẫn còn âm hưởng. Tiếng hờn căm nghe vất vưởng đâu đây. Anh có về đất xưa nghe hờn lên tiếng hát. Đất tội tình chi đất ngập máu dân lành. Đất tội tình chi đất chan hòa nước mắt. Có cái gì đổi thay ghê gớm lắm. Huế không còn như ngày trước. Trong cái tĩnh mịch có cái gì u uất. Trong cái lặng lờ có cái gì sắp nổ tung. Huế vẫn yêu kiều nhưng mất dáng thơ ngây. Áo trắng vẫn vờn bay nhưng không còn chở chuyên tiếng cười ròn rã. Tóc thề vẫn buông nhưng bờ vai trĩu nặng. Bây giờ mọi thứ trĩu nặng với cảnh nghèo da diết. Hơn 10,000 đồng bào Huế bỏ ra đi tha phương cầu thực vì giải phóng về cướp hết áo cơm. Khắp mọi nơi trong thành phố Saigon, từ các chợ, dến các công viên, nơi nào cũng có người Huế, họ bán vé số, bán những đồ chơi rẻ tiền. Trong vườn bách thảo, sở thú Saigon, một buổi chiều năm 1995 tôi đã gặp ít nhất 20 người Huế bán hàng rong. Đúng ra thì hầu hết con buôn đắp đổi qua ngày hôm đó đều là người Huế. Một buổi chiều trên Thuận An, tôi thấy ngoài 30 em bé tuổi dưới 13 đi mời bán những chiếc bánh, vài miếng khô mực …và những thứ linh tinh khác. Tôi vốn sinh ra từ vùng quê, nghèo xơ xác nhưng chưa bao giờ mường tượng ra được cái cảnh các em dành giật, chào mời khách trên bãi biển Thuận An hôm ấy. Tôi ngẩn ngơ, đi giữa đất trời quê hương mà hồn thờ phách thẩn. Tự nhiên mình lạc mất lối về. Bảy năm sau vụ thảm sát Mậu Thân, thế hệ con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em, chú mất cháu vẫn chưa đứng vững đôi chân thì lại bị cuốn vào cơn trầm luân khác. Sau năm 75, thành phần ngụy quân, ngụy quyền không có công ăn việc làm trở thành một tân giai cấp xác xơ, tương phản sâu xa giai cấp lãnh đạo một sớm một chiều nhờ đũa thần cách mạng mà nhà cửa xe cộ xênh xang. Tôi không chịu được cảnh đó. Đất Huế thôi đừng gần để mà phiền, thôi đành xa để mà nhớ.

Tôi giữ khoảng cách để nhớ. Từ năm 1975, khi cơn gió bạo tàn cuốn tôi ra khỏi quê nhà, tôi vẫn ấp ủ một hình ảnh ngọt ngào Huế thân yêu. Tôi phấn đấu với những tháng ngày nghiệt ngã bằng một dòng sông êm chảy qua tâm hồn. Dòng sông Hương dịu xoa tôi những ngày tháng muộn phiền lê thê, tưới hồn tôi tươi mát những tháng ngày giông bão, miệt mài, mãi miết luân lưu đem chất phù sa vun bồi và nuôi dưỡng linh hồn tôi những ngày tháng xa cách. Tôi biết mỗi ngày tôi một yêu Huế nồng nàn và tha thiết hơn bởi dòng sông đó ngoài 30 năm nay cũng là dòng sông yêu dấu Thư Hương.

Lê Tất Đạt

Tháng12/03


ÂN ĐỀN NGHĨA TRẢ 

Cô Tố Lan, chủ bút tờ báo “Hương Xưa” mỗi lần gặp tôi là đòi nợ văn chương. Năm lần ba bận tôi từ chối vì tất cả vốn liếng văn chương chữ nghĩa tôi đã xử dụng hết láng cho một người trong 6 năm cách ly. Lần gặp cô cuối cùng, cô đổi chiến thuật, không nhờ vả nữa mà nói như phân công, anh viết cho “Hương Xưa” một bài về biến cố Tết Mậu Thân Huế, vì chỉ có anh mới đủ thẩm quyền viết. Cô nói như đinh đóng cột làm tôi thấy “oai” ghê, đến lúc về nhà bình tĩnh mới nhớ ra, chiều mồng một tết Mậu Thân tôi khăn gói lên trình diện Quân Trấn Sài Gòn. 
Năm đó đang học ở Đà Lạt vì không đủ tiền vé may bay về Huế nên đành ăn tết Sài Gòn. Vậy là tôi đâu có thẩm quyền gì nói về biến cố đó nhưng cứ từ chối mãi nghĩ cũng kỳ, phân trần cho cô ấy thông cảm đôi khi còn khó hơn. Tôi định năn nỉ phu nhân mượn lời từ chối dùm nhưng biết cũng vất vả lắm nên thôi đành viết. 
Tôi không phải là chứng nhân nên chỉ đem cái tâm tình mà kể lể, đem cái bâng khuâng mình để tỏ bày, đem cái ray rứt mình để trang trải. Những chi tiết về hành quân tôi dựa vào tài liệu huấn luyện Lục Quân Hoa Kỳ của Trung Tướng hồi hưu Willard Pearson. Phần nhân danh, địa danh và vị trí của các cơ quan trọng yếu Huế trước năm 1975 do bạn Nguyễn Văn Bình giúp gợi nhớ.

-------------------------------------------------------------------------

Tài liệu lấy từ: THE WAR IN THE NORTHEN PROVINCES 1966-1968 của Trung Tướng hồi hưu Willard PEARSON do Department of the Army- Washinton DC, xuất bản năm 1975.

Trích từ The Cat from Hue của John Lawrence, Published by PublicAffairs, New York, 2002- sách dày 845 trang. Phần đầu nói về chiến trận Mậu Thân, phần sau nói về chiến tranh Việt nam.

Theo Alexander Yakovlev, author of the excellent new book on Soviet tyranny and mass murder entitled "A Century of Violence in Soviet Russia,"

Theo các Sử gia: Robert Conquest, Daniel Chirot, Adam Hochschild, Tina Rosenberg, Wallechinsky.

Truyện của Phùng Quán, một nhà văn trong phong trào Nhân Văn và Giai Phẩm. Truyên này đăng trong tác phẩm “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” do Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam xuất bản tại Saigon đầu thập niên 1960.

Những con số này trích từ trang 217 quyển: Land Reform in China and North Vietnam: Consolidating the Revolution at the Village Level của Edwin E. Moise. Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1983. xiv, 305 trang. 

Niccolo Machiavelli (1469-1527) một người Ý sinh ở Florence là tác giả những học thuyết cai trị Bá Đạo mà một số lãnh tụ độc tài mượn để áp dụng. Tác phẩm nổi tiếng: The Prince, The Discourses on the First Decade of Livy và The Art of War.

Do Hyperion Publisher xuất bản năm 2000 – 695 trang.

Chuyện Khảo Về Huế của Trần Kiêm Đoàn do nhà xuất bản Làng Magazine in lần thứ 3 vào tháng 7 năm 2003 tại Hoa Kỳ. Tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn hiện dạy tại Đại học Pacific Luthcran University ở California là cựu Giáo sư Việt văn tại Huế. Chuyện Khảo về Huế là một tác phẩm có chiều sâu và nghiêm túc, các nhà phê bình hải ngoại cho đây là tác phẩm viết vê Huế có giá trị nhất từ sau năm 1975. Đề nghị mỗi người Huế, mỗi người có họ hàng với Huế, mỗi người có liên hệ gần xa với Huế, mỗi người từng nghe nói đến Huế, mỗi người từng ăn món Huế đều nên có một quyển trong nhà. (Quảng cáo miễn phí, người viết không quen tác giả họ Trần này). 

No comments: