Wednesday, April 12, 2017

40 năm nhớ lại: Nỗi đau của mối tình Tu Huýt!


40 năm nhớ lại: Nỗi đau của mối tình Tu Huýt!
________________

Soạn giả Nguyễn Phương



Tôi vào nghề sân khấu cải lương đến nay đã hơn 60 năm, đã sống qua thời kỳ sân khấu cải lương đang dọ dẫm bước đường từ tuồng Tàu đến tuồng Tây, sang qua các tuồng Tiên, tuồng Phật, tuồng dã sử, tuồng xã hội xưa, tuồng xã hội cận đại. Theo chân đoàn hát, tôi phiêu bạt khắp nẻo sông hồ, đi vào các làng mạc xa xôi, đến các nơi được gọi là sơn cùng thủy tận, lang thang chạm mặt với biết bao chuyện lạ và những tập tục địa phương, dưới quyền sinh sát của các vị lãnh chúa trong thờì kỳ nước ta còn bị lệ thuộc vào Pháp, Nhật, Việt Minh và trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp năm 45 – 54, chiến tranh giữa miền Nam tự do và miền Bắc Cộng Sản cho đến thời kỳ đen tối sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tôi cũng đã được chứng kiến hoặc nghe kể chuyện những mối tình thơ mộng, đậm đà yêu đương giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, giữa khán giả ái mộ và nghệ sĩ trong thời hoàng kim của sân khấu cải lương. Và có không ít những cuộc tình đẫm nước mắt, đau xé ruột bầm gan giữa nghệ sĩ và khán giả, giữa những người thường dân mà nghệ sĩ chúng tôi có dịp tiếp xúc trong thời kỳ gọi là xã hội Việt Nam bị biến thành ngục tù to lớn có một không hai trong thế giới hiện đại văn minh.
Có mối tình của cô Tu Huýt, có mối tình của cô gái câm! Chuyện tình của anh kép già bỗng biến thành Tỉnh Ủy viên, chuyện tình của chim sơn ca lạc loài giữa dương trần.
Xin kể nỗi đau của mối tình Tu Huýt:

Chuyện xảy ra vào giữa năm 1977, hai năm sau khi miền Nam bị đổi chủ.
Sau 1975, tất cả các đoàn hát tư nhân bị giải tán, thay vào đó nhà cầm quyền mới cho các đoàn hát Văn Công Nam Bộ, Văn Công T4 tức quân khu Saigon – Chợ Lớn hoạt động và đưa cán bộ đảng viên xuống làm trưởng các đoàn hát cải lương tập thể Saigon 1, Saigon 2, Saigon 3 và đoàn Văn Công Thành Phố mới được thành lập.
Các diễn viên tài danh của Saigon cũ tập trung vào các đoàn hát mới, hát lại một số tuồng cũ thời Việt Nam Cộng Hòa được nhà cầm quyền mới cho phép trước khi có tuồng mới theo đường lối của quân giải phóng. Đó là tuồng Tấm lòng của biểnMái Tóc Người vợ trẻPhụng Nghi Đình, Con Tấm con Cám, Thạch Sanh Lý Thông.
Tết Mậu Thân 1968 đầy máu lửa và tang tóc, tiếp đó Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, tiếp theo chiến tranh sôi động cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, các đoàn hát rã gánh, dân chúng không được xem hát cải lương như xưa.
Vì vậy sau khi im tiếng súng, dù cuộc sống mới có khó khăn, khán giả Saigon ghiền cải lương đêm đêm đi xem hát rất là đông. Đến rạp hát là một cách hợp pháp để gặp bạn bè, tâm sự, chuyện vãn mà không sợ sự dòm ngó tra xét của tổ dân phố, của khóm trưởng, của công an phường. Đi xem hát là một cuộc giải trí rẻ tiền nhất khi mà các phương tiện giải trí của Saigon cũ bị cấm đoán. Rạp hát bóng chỉ chiếu phim Liên Sô và Trung Quốc, khán giả không thích. Đài truyền hình phát sóng theo hệ thống palm của Liên sô, máy của dân ở Saigon theo hệ thống NTSC nên không xem tivi được. Nhà nước cấm hát nhạc Saigon cũ gọi là nhạc vàng. Cấm sử dụng đầu máy vidéo mặc dầu có rất ít gia đình mua được máy này. Đêm đêm dân chúng đi coi hát cải lương hay đến rạp hát, dù đứng ngơ ngác trước rạp hát cũng là một cuộc du ngoạn lý thú đối với dân Saigon thay vì bị bắt phải đi họp Tổ dân phố hay họp Khóm, họp Phường.
Chúng tôi gắn loa phát thanh trên hai góc bảng quảng cáo trên tầng một của rạp, khi bên trong sân khấu diễn, khán giả có mua vé thì xem diễn và nghe hát, còn khán giả đứng trước rạp, không mua được vé vẫn có thể nghe nghệ sĩ ca diễn qua loa phóng thanh. Quan sát các khán giả đứng trước rạp, tôi chú ý đến một cô gái khoảng hơn ba mươi tuổi, thường mặc y phục bằng hàng lụa, in hình những đóa hoa hồng hoặc hoa hướng dương thật lớn, màu sắc rực rỡ, trên cổ cô mang một cái tu huýt.
Các chị bán vé hát chợ đen gọi là cô Năm Tu Huýt. Cô Năm Tu Huýt canh chừng khi bên trong mở màn hát rồi, cô mua được vé chợ đen bán rẻ hơn, bằng với giá của phòng vé bán.
Đêm đó đoàn hát tuồng Mái tóc người vợ trẻ, đến lớp cô gái cắt tóc, bán để lấy tiền cho chồng làm tiền lộ phí lên kinh ứng thí, hai diễn viên thủ vai vợ chồng trẻ ôm nhau ca diễn trong cảnh chia ly bi đát. Bỗng một hồi tiếng tu huýt ré lên, vừa dứt tiếng tu huýt cô Năm la lớn: “Đứng dang ra, không được ôm, không được ôm!”.
Khán giả ồn ào, có người cười, có người phản đối vì tiếng tu huýt cắt đứt ngang dòng cảm hứng của nghệ sĩ và khán giả. Các anh placeur của rạp hát lại tịch thu tu huýt và đuổi cô Năm Tu Huýt ra khỏi rạp. Cô khóc và la lớn: “Họ bắt chồng tôi đem đi đâu mất, vợ chồng tôi không được gần nhau, ôm ấp nhau thì các người hát cũng không được đứng gần và ôm ấp nhau”. Anh trưởng rạp nói lớn: “Nếu bà la lớn, gây rối trong rạp hát, chúng tôi sẽ nhờ công an phường can thiệp”. Cô Năm Tu Huýt nghe nhắc tới công an, sợ quá thui thủi đi ra.
Tôi đứng trước cửa rạp với anh trưởng đoàn, thấy cô bước ra, anh trưởng đoàn mời cô vô phòng vé, trả lại tiền vé thượng hạng mà cô đã mua. Tôi hỏi: “Nhà chị ở đâu? Có số điện thoại không? chúng tôi gọi người nhà của chị đưa chị về.” Cô lấy cuốn sổ tay trong túi ra đưa.
Anh trưởng đoàn hát xem qua: “Nhà là tiệm may áo dài Thẩm Mỹ ở đường Huỳnh Mẫn Đạt, Chợ Lớn, số điện thoại đây rồi…” Anh lại điện thoại trong phòng bán vé, gọi báo cho em của cô đến để đưa cô về nhà. Ông Trưởng đoàn bảo tôi ngồi canh chừng, khi người nhà cô Năm Tu Huýt đến thì cho rước về.
Ngồi một lúc, tôi tò mò hỏi: Hồi trước tôi có nhà ở đường Huỳnh Mẫn Đạt, sau rạp hát Oscar. Tôi biết tiệm may áo dài Thẩm Mỹ. Tôi nhớ hình như chị là thợ may trong tiệm đó. phải không?
– Tôi là chủ của tiệm may Thẩm Mỹ. Tôi có chồng là trung tá không quân, phụ trách an ninh phi cảng nên tôi cho em tôi cái tiệm may đó, tôi vô ở trong cư xá sĩ quan Bắc Hải gần Chí Hòa. Hồi 30 tháng 4, chồng tôi vẫn làm phận sự giữ trật tự an ninh phi cảng đến phút cuối cùng. Sau đó ảnh bị gạt là đi học tập cải tạo. Chừng biết ra là anh bị tù cải tạo và chết trong trại tù cải tạo ở Hoàng Liên Sơn miền Bắc.
Nhắc đến đây cô ngồi khóc sụt sùi, tôi sợ cô nổi cơn điên lên thì không biết giải quyết ra sao. Cô tiếp tục nói: “ Chồng bị bắt rồi chết trong tù, tôi bị đuổi ra khỏi cư xá, nhà bị tịch thu, vòng vàng nữ trang cũng bị lấy hết…Thưa kiện với ai đây… Bởi vậy tôi lang thang ở đầu đường xó chợ, em tôi kiếm tôi về…Nó nuôi tôi, cho tiền để tôi đi coi hát giải khuây, mà khi thấy đào kép ca mùi mẫn với nhau, tôi lại nhớ chồng tôi… Tôi không thể nói thành lời, không la hét phản đối được, không thể làm thinh nên tôi biểu lộ tình cảm của tôi bằng tiếng tu huýt… Đó cũng là tiếng kêu thét từ lồng ngực của tôi…” Cô ta lại khóc, tôi sợ những lời nói của cô mang lại tai họa cho cô… Tôi nói cô ngồi đây, tôi ra cửa xem em cô tới chưa. Và không chờ cô bằng lòng, tôi ra khỏi phòng bán vé để cho cô Năm ngồi một mình.
Em cô đến, đưa cô về. Tôi kêu cô em, dặn vài lời: “Cô đừng để chị cô đi đâu một mình, đừng cho đi đến chỗ đông người, đừng cho đi coi hát. Nguy hiểm lắm!” Cô em gật đầu, không trả lời.
Vắng đi một thời gian, không nghe ai nhắc tới cô Năm Tu Huýt, chúng tôi tưởng là cô Năm chịu ở nhà không tới các rạp hát nữa nên không ai thấy cô đi coi hát và thổi tu huýt ngăn cản các lớp hát mùi mẫn của đào kép. Nhân đoàn Thanh Nga về hát ở rạp Oscar, tôi nhớ chuyện cô Năm nên đi vô đường Huỳnh Mẫn Đạt, đến tiệm may áo dài Thẩm Mỹ, hỏi thăm cô em, định là thăm cô chị, cô Năm Tu Huýt. Cô em nói: “Chị của em bị nhà cầm quyền bắt, đưa đi nhốt trong nhà thương điên Biên Hòa. Gia đình em làm đơn xin bảo lãnh nhưng chánh phủ không cho, nói chị em tuyên truyền phản động, chống chánh phủ. Nếu không phải cố tình nói những lời phản động thì chị em là người điên, phải nhốt lại để điều trị. Đó là chánh sách nhân đạo của Đảng và nhà nước!”
Thời gian sau, nghe cô em nói cô Năm Tu Huýt chết trong nhà thương điên Biên Hòa. Sau đó gia đình cô em vượt biên, không biết sống được ở phương trời tự do nào hay cả gia đình cô em đã chết, đem thân làm mồi cho lũ cá ở biển đông.
Nhắc lại chuyện sau 30 tháng 4 năm 1975, nhớ biết bao gia đình bị tang thương đổ vở dưới cái ách của Cộng đảng mang chiêu bài giải phóng lường gạt toàn dân.




No comments: