Thursday, December 21, 2017

Ngấn lệ chiều áp lễ Giáng Sinh

_______________


Đoàn xuân thu





Melbourne mùa Giáng Sinh tuyết chỉ rơi trên màn ảnh truyền hình. Thay vì tiếng nhạc tuần lộc kéo xe trượt tuyết, Jingle Bells, Jingle Bells, là tiếng hú còi inh ỏi “Cháy đâu? Cháy đâu?” của xe chữa lửa. Thay vì gió tuyết tràn qua khung cửa sổ, qua những dãy đồi thông, tùng, bách, là gió sa mạc từ phương bắc thổi về thành phố, mang theo tàn lửa, khói, bụi của hàng chục, trăm ngàn mẫu rừng bạch đàn đang phừng phừng bốc cháy.
Lúc ấy, tôi đang làm Santa Claus ở shopping centre. Công việc làm theo mùa, bắt đầu vào đầu tháng chạp, chấm dứt vào chiều áp lễ Giáng Sinh. Khách hàng đa số là trẻ con. Việc làm nhiều giờ, nóng kinh khủng; áo ướt đẫm, mồ hôi chảy thành dòng trên má. Cực hình. Hỏa ngục. Ấy là chưa kể đến những đứa trẻ nghịch ngợm, quậy phá, hò hét: “Á! Ông Santa Claus da màu!” Nếu mình không giỏi nhịn, phát cáu, phản ứng lại quá đáng là hư bột, hư đường, hư việc… “Khách hàng là thượng đế.”

Tuy đối với một số người việc làm này là cực hình, là hỏa ngục nhưng đối với một số người khác thì lại thích. Chín người mười ý. Riêng tôi, thích hay không gì cũng phải làm. Mới từ đảo, chân ướt chân ráo đến Melbourne, trợ cấp an sinh xã hội chỉ đủ cho tiền ăn, tiền share phòng, trong khi vợ con tôi bỏ lại quê nhà đang đói, tôi chụp lấy bất cứ cơ hội nào để kiếm tiền. Không có việc lương thiện nào xấu, chỉ có người xấu mà thôi.
Nước Úc này nhận di dân, tỵ nạn vào là để làm việc, đóng thuế, góp phần xây dựng chứ không phải để nuôi làm kiểng. Nuôi hoài, nó đâu có chịu.
Vậy thì muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn chết phải lết vô hòm, tôi viết đơn xin việc gởi đi khắp nơi, bất cứ việc gì cũng chẳng từ nan, từ bảo vệ, gác dan, thâu tiền car park, thậm chí đến nhân viên vệ sinh, lau chùi, quét dọn.
Thư xin việc gởi đi nhiều, mới đầu còn hy vọng được kêu đi phỏng vấn, chờ hoài, chờ hủy, dần dần thành tuyệt vọng. Suy nghĩ hoài mà tôi chẳng thể tìm được lý do nào khả dĩ cắt nghĩa được tại sao họ chẳng kêu mình. Mình đâu có đòi làm ông thông, ông phán, thầy chú, luật sư, bác sĩ gì đâu, mà có đòi cũng đâu có được, mình biết  rõ thân phận mình mà, chỉ xin làm cu li thôi; hay là có lẻ khi thấy cái tên của mình, họ chần vần, đẫm đầy mùi nước mắm, fish sauce, của mình thì họ đã thản nhiên vụt cái đơn xin việc vào sọt rác rồi cũng nên. Chính sách một thời Úc trắng, the White Australia, chỉ mới khai tử gần đây, dám cũng còn sót lại cả đống tay kỳ thị.

Vậy là tôi quyết định phiên âm tên mình ra tiếng Anh, Tony Dawn, cái tên phảng phất mùi bơ sữa.
Biết chuyện, anh bạn cùng share phòng với tôi, trong một bữa nhậu cuối tuần, đã vội quở: “Anh chân ướt, chân ráo qua Úc mới mấy tháng, tiếng Anh nghe còn điếc, nói còn quơ tay, cà lăm, mà đã vội quên mồ mả ông bà. Mình mất nước, mình chạy; nhưng hình ảnh quê hương, ông bà, cha mẹ, mình mang theo, mình giữ chứ. Vậy mà ngay cái tên cúng cơm của cha mẹ đặt cho, anh cũng đành đoạn dứt bỏ luôn sao.”

“Anh trách tôi, tội nghiệp, tôi không phải là cái hạng người mới đó mới đây, tham đó bỏ đăng, thấy trăng quên đèn, hay là trưởng giả học làm sang. Cuống nhau rún của tôi, ba má tôi đã chôn đâu đó ở một làng quê ven thị xã Mỹ Tho thì làm sao tôi quên cho được!”.
Má tôi từng nói: “Cuống nhau rún của con chôn ở quê hương, bản thổ, lỡ sau này thời thế đổi thay, làm thân lưu lạc, đất khách quê người, tha phương cầu thực, vẫn còn cái nhớ để trở về.”
“Tôi đổi tên chẳng qua để dể xin việc. Tôi cần tiền. Vợ, con tôi đang ăn độn bo bo ở quê nhà mà anh.”

Trong lúc không còn hy vọng gì nữa thì tôi được gọi đi phỏng vấn. Phỏng vấn tôi, Maria Paterson, trẻ, tóc vàng sợi nhỏ, mỏ đỏ, mắt xanh, là nhân viên điều hợp của công ty Southern Cross có một đội ngũ hơn 600 Santa Claus trên toàn quốc.
Khi tôi đến, da vàng, mũi tẹt, tóc đen, dưới một cái tên rặt Úc thì Maria trố đôi mắt xanh lơ ngạc nhiên nhìn tôi, làm tôi hơi bực bội. Tôi hít một hơi thở thật sâu: “Nhịn nó đi! Nhịn nó đi! Mình đến đây để xin việc chứ không phải để cãi lộn. Vợ con mình đang đói, đang ăn độn bo bo ở quê nhà kìa.”
Dù thầm nhủ lòng như vậy nhưng khi Maria hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi biết tại sao ông lại muốn làm Santa Claus không?”
Tôi tức quá, không nhịn được nữa, nổ luôn: “Tôi muốn làm Santa Claus vì hai lẽ. Thứ nhứt là tôi cần tiền, cần việc làm.” Tôi lên giọng, hơi gay gắt : “Thứ nhì là làm Santa Claus, tại sao không? Chúa là của muôn người, không phân biệt chủng tộc, màu da: trắng, vàng, đen, đỏ. Santa Claus cũng vậy thôi! Da trắng làm Santa Claus được; tôi, da vàng, thì cũng được; có sao đâu?”
Tôi muốn cho cô ta biết tôi đang bực bội. “Nè! Đừng có lên giọng kỳ thị nghe cô nương!” Ai dè, Maria Patterson có vẻ chịu câu trả lời của tôi, đáp lại bằng cái tiếng Anh hơi ngọng, giọng Úc: “Fair enough!” Có lý!
Vậy là tôi được được nhận vào lớp huấn luyện Santa Claus bắt đầu vào trung tuần tháng chín; sau khi qua sự thẩm tra lý lịch tư pháp của cảnh sát
Mặc dù dưới tay Maria Paterson có hàng trăm Santa Claus, đồng phục đỏ, viền trắng, mỗi năm cô vẫn phải kiếm thêm người. Việc làm đòi hỏi nhiều thể lực nên khi Santa Claus tuổi già chồng chất, yếu quá không thể nào kham nổi nữa. Có lần Maria điện thoại cho một Santa Claus trong danh sách để xem ông có rảnh để làm việc cho mùa giáng sinh này không thì mới hay ông đã qua đời. Thật là một cái tin tang chế buồn bã.
Nhiều người đã làm Santa Claus suốt 18 năm ròng rã, nên muốn mình mới là chính hiệu cầu chứng Santa Claus. Có lần Maria nhận điện thoại, bên kia đầu dây nói: “Chào Maria Paterson! Santa Claus đây.” “Nhưng Santa nào đây? Khi trong tay tôi có hơn 600 Santa Claus trên toàn quốc.” Maria kể lại.
Lớp huấn luyện Santa là phòng hội của chi hội cựu chiến binh Úc, RSL, ở khu lao động miền tây Melbourne, Footscray. Hơn 70 người đến dự hai ngày huấn luyện trước khi được phân về các shopping centre để làm việc: chụp hình kỷ niệm Giáng Sinh với trẻ con, dĩ nhiên có tính tiền, sau là đáp ứng lời ước Giáng Sinh của trẻ con về một món quà nào đó và biến giấc mơ đó thành hiện thực…bằng tiền của ba má chúng.
Trong căn phòng nhộn nhịp, một ông già tóc bạc, râu dài, chận tôi ở cửa, quắc mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi gầm gừ đe dọa “Này! tôi cho anh bạn biết không được tiết lộ bất cứ bí mật nào của căn phòng này ra ngoài nhé?”
Tôi lúng túng, chưa biết trả lời sao thì ông già đã nháy mắt, cười rung cả bụng. “Chỉ đùa thôi!” Rồi dùng tay mình vỗ vào bàn tay tôi một cách thân thiện.
Đó là quang cảnh lần đầu tiên tôi thấy rồi suốt đời chẳng thể nào quên. Cả một biển người tóc bạc, có người mang kiếng lão, râu trắng như cước, với những chiếc bụng bự đầy mỡ, Việt Nam mình hay gọi là thùng nước lèo, mà hồi nhỏ tới lớn đây lần đầu tiên tôi mới thấy cái thùng nước lèo bự đến thế.
Santa trẻ nhất 25 tuổi, già nhất 92 tuổi. Đủ nghề: tài xế xe bus, nhân viên ngân hàng, kỹ sư hay những người đã về hưu. Nhiều người kỳ cựu, đã làm Santa Claus chuyên nghiệp rất nhiều năm. Tái huấn luyện chỉ là dịp để họ cập nhật hóa những luật lệ và phương thức làm việc mới nhất. Nó cũng là dịp gặp lại những người bạn Santa cũ để trao đổi kinh nghiệm và tiện thể đấu láo cho vui. Cuộc sống ở đây, xứ Úc, già, cô đơn, buồn chán lắm.
Họ ngồi trên những chiếc ghế bằng nhựa, làm chưn ghế muốn oằn luôn, tay cầm quyển cẩm nang huấn luyện, nhưng không thèm để mắt tới một chữ chỉ lo nói cười ầm ĩ và có vẻ chẳng để ý gì đến Maria Paterson, người điều hợp chương trình, đang rát cổ hò hét để cố át tiếng ồn ào như ong vỡ tổ…
Lớp huấn luyện kéo dài hai ngày. Nhiều người nghĩ đóng vai Santa Claus dễ như ăn cơm sườn nhưng thực sự không phải vậy. Nhiều học viên bỏ cuộc vì khó quá.
Ngày đầu học lịch sử Santa Claus, nhớ tên các con tuần lộc, nghiên cứu cách sử dụng các loại đồ chơi mới nhất ở thị trường, Santa Claus phải học cách mặc quần áo rất phức tạp, mất nhiều thì giờ để hóa trang cho đúng. Giày bốt phải màu đen và được đánh cirage cho bóng. Santa không bao giờ mang đồng hồ. Dây nịt không được xệ khỏi rún quá xa. Râu, tóc giả thẳng thớm, phất phới, bay bay. Ông già Santa có người mập, có người ốm. Ốm phải độn thêm miếng vải lót. Joe Jolley, người giỡn mặt tôi khi lần đầu tôi bước vào lớp, là ông già Santa mập, nên miếng lót được trao cho tôi, vốn ốm nhom ốm nhách. Joe cười, vỗ vào bụng đầy mỡ của mình rồi nói: “Nhìn nè! Tôi tự đem theo miếng vải lót đây rồi.”
Sau khi hóa trang, Santa Claus phải tập cách cười rung cả bụng, biết lúc nào thích hợp để nói “ho, ho, ho”. La “ho, ho, ho” không đúng lúc có thể làm cho trẻ con giựt mình, sợ hãi.
Ngày thứ hai học tâm lý, cách giao tiếp với trẻ con kể cả với những bé không may bị tàn tật. Santa Claus được xem video, trong đó đạo diễn cuốn phim dàn dựng những tình huống đời thường, có thể xảy ra, khi giao tiếp với trẻ con trong mùa lễ Giáng Sinh. Làm Santa là làm kịch sĩ. Mà không có kịch bản nào giống kịch bản nào vì mỗi cháu, mỗi khác.
Ra vậy, kiếm đồng tiền quê người cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ chẳng phải chuyện giỡn chơi.
Joe Jolley, 66 tuổi, bụng bự, chân mày chổi xể lốm đốm bạc, là cựu binh, huynh trưởng. Tôi là lính mới, đàn em. Joe có nhiệm vụ kềm cặp, hướng dẫn tôi, đầy óc hài hước, nói đùa: “Tôi được nhận làm Santa Claus vì họ của tôi là Jolley.” Jolley nghĩa là vui. Joe Jolley, Joe Vui Vẻ, tài xế xe bus. Ông quyết định về hưu non để trở thành Santa Claus chuyên nghiệp.
“Dù đã thực tập làm Santa Claus trong những bữa tiệc Giáng Sinh gia đình rất nhiều lần tôi cũng không tránh khỏi hồi hộp khi lần đầu làm việc với tính cách chuyên nghiệp. Khi bước ra khỏi phòng thay đồ, tôi cúm giò luôn, tôi thấy mình có vẻ ngố làm sao ấy.” Joe kể lại.
Kinh nghiệm làm Santa Claus hơn mười năm của Joe đã giúp ích tôi rất nhiều.
Chẳng hạn Joe chỉ tôi trước khi đội tóc râu giả nên đội phía trong một cái kết đã cắt mất phần chóp để giữ cho đầu tóc giả được thẳng đứng.
Joe cũng chỉ tôi cách giữ gìn sức khỏe. Joe dặn tôi: “Khi chụp hình kỷ niệm, đặt trẻ con trên đùi hãy nhớ thay đổi chân này chân kia.” Có Santa Claus quên bẵng việc này để đến cuối ngày làm việc mới thấy một bên bắp đùi mình bầm tím vì trẻ con vừa ngồi vừa đánh đòng đưa cả hai chân.
Nhưng kinh khủng nhứt là cái nóng, vì hầu hết các Santa Claus phải làm việc ít nhất 6 đến 8 tiếng một ngày trong thời tiết nóng bức, dưới ánh sáng chói chang của đèn chụp hình, mặc bộ áo Santa Claus dày cộm, đội râu tóc giả bùm xùm có thể làm thân nhiệt của Santa Claus tăng cao, gây chảy máu cam, đôi khi bị choáng đưa đến bất tỉnh nhân sự; nếu không cấp cứu kịp thời có thể đưa đến tử vong.
Santa cần quạt máy cho bớt nóng, shopping centre ở vùng nghèo làm gì có máy điều hòa không khí. Nóng nực làm cho Santa khát nước, phải uống nước liên tục; uống nước nhiều khiến họ phải đi toilet nhiều hơn. “Nhưng nên nhớ rằng Santa Claus không bao giờ đi toilet, ông ấy đi cho mấy con tuần lộc ăn.” Joe dặn tôi.
Joe nói chân thành: “Tôi thích nghe những điều ngộ nghĩnh trẻ con nói”.
Có lần Joe hỏi một bé gái 5 tuổi: “Con có cho baby bú không?”. Bởi vì tôi nghĩ baby bú bình”. Joe nói. “Nó chăm bẳm nhìn tôi rồi lớn tiếng: “Làm sao được? Con không có sữa. Chính vú mẹ con mới có sữa; cho baby bú tí được.” Joe cười ngặt nghẽo: “Tôi bị quê quá là quê.”

Trẻ con lớn nhỏ khác nhau, tính tình, ước muốn cũng khác nhau. Đáp ứng đủ loại lời ước khác nhau của trẻ con là điều rất gay go.

Có cháu đòi một chiếc xe đạp. Santa Claus phải xem ba má cháu chịu hay không, vì không phải ai cũng đủ tiền mua cho con mình chiếc xe đạp giá cả vài chục đô để làm quà Giáng Sinh đâu, nhất là đối với những gia đình di dân lao động nghèo mới đến ở miền tây Melbourne; chứ còn đối với những gia đình thượng lưu ở Toorak đó là chuyện nhỏ. Nếu ba má cháu lắc đầu, Santa có thể nói cháu còn nhỏ quá chưa cỡi xe đạp được. Tuy nhiên Santa Claus sẽ có một món quà Giáng sinh rất thú vị cho cháu.

Có cháu nằng nặc đòi một cây súng mà phải là cây súng thật mới được, (Thế giới này đầy dẫy bạo lực rồi, cháu còn đòi súng nữa mà chi?), thì Santa Claus trả lời là bà Santa không thích bạo lực nên không có làm súng cho trẻ con.

Có cháu sún răng, rụng mất hai cái răng sữa mà răng vĩnh viễn chưa kịp mọc, cháu ước Santa Claus cho cháu hai cái răng cửa vào đêm Giáng Sinh để còn kịp đón mừng năm mới.

Joe, Santa Claus, trả lời “Cháu ngoan thì hai cái răng cửa sẽ từ từ mọc ra, nhanh chậm là tùy theo cháu ngoan nhiều hay ít.”

Sau hai ngày huấn luyện vào trung tuần tháng chín, đầu tháng 12 tôi được gởi về một shopping centre miền tây Melbourne, nơi đang có nhiều di dân Á Châu lục tục đến định cư, nhất là người Việt tỵ nạn, để làm việc.

***

Một mình một thân, mùa Giáng Sinh đầu tiên xa vợ, xa con, tôi cố vui với công việc để mong giết chết nỗi buồn xa xứ. Mùa Giáng Sinh làm việc bù đầu rồi cũng trôi qua. Tôi đã đóng tròn vai Santa Claus. Tôi không dám nói mình là một kịch sĩ tài ba, tôi chỉ muốn san sẻ niềm vui với khách hàng, những thượng đế ngây thơ, được cha mẹ dắt đi shopping, cho chụp hình kỷ niệm với Santa Claus, được quà tặng Giáng Sinh.

Tôi nhớ vợ , tôi nhớ con tôi – còn kẹt lại ở quê nhà thì làm gì có việc chụp hình kỷ niệm với Santa Claus, làm gì có quà Giáng Sinh, cơm trắng còn không đủ ăn, phải độn – mà lòng đau như cắt.

Buổi chiều áp lễ Giáng Sinh đã gần 5 giờ, shopping centre sắp đóng cửa cho nhân viên về đoàn tụ với gia đình. Mấy cô thu ngân đang hối hả đếm tiền, kết sổ.

Nhân viên lần lượt vào gặp viên quản đốc để nhận cheque tiền lương, một hộp chocolate làm quà Giáng Sinh và câu chúc “Merry Christmas.”

Riêng tôi và ông thợ chụp hình được thêm lời chúc “Happy New Year!” với lời hẹn gặp lại vào mùa Giáng Sinh năm sau.

Áo tôi hầm hập nóng, mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, ướt cả hàm râu giả. Chiếc quạt máy xả hết tốc lực, quay điên cuồng, cũng không xua đi được cơn nóng mùa hè xứ Úc.

Ông thợ chụp hình đang dẹp đèn chớp, xếp chân chống máy chụp hình để chuẩn bị ra về thì họ xuất hiện. Đó là hai cha con người Việt. (Họ nói với nhau bằng tiếng Việt, vốn đơn âm, trầm bổng, ríu rít như chim hót.)

Người cha là một thanh niên áng chừng hơn 30 tuổi, cỡ tuổi tôi, mặc chiếc áo trắng tay dài, dù đang mùa hè nóng bức, bỏ vào chiếc quần tây màu tro xám. Da ngăm ngăm đen như chưa nhả hết nắng của ông làm tôi nhớ những ngày nắng cháy đi lao động, đào kinh thủy lợi. Có lẽ ông này mới đặt chân đến đây chưa được bao lâu, giống như tôi, để có thể ăn nhiều bơ sữa Úc, thân hình mới tạo ra một lớp mỡ cần thiết để chống lại cơn lạnh khắc nghiệt mùa mùa đông xứ Úc. Đôi giày ông mang, ngay cả quần áo ông mặc, chắc có lẽ xin ở hội từ thiện nào đó nên giày giống giày sạc-lô, quần áo thì rộng thùng thình so với thân hình còm cõi của người dân Việt Nam nhiệt đới mình vốn dĩ đã nhỏ con.

Riêng cháu gái chừng sáu, bảy tuổi, mặc chiếc đầm trắng tương đối đắt tiền, vừa chiến, tôi chắc hàng hiệu của Myer.

Tôi nghĩ thầm trong bụng ông này thương con dữ. Cha mặc đồ lình xình. Con mặc đồ xịn.

Tóc cháu đen, dày, thẳng đuột, dài chấm tới bả vai. Trên đầu là miếng mousse màu xanh lá, cắt tua tủa, giả làm những nhánh sừng của con tuần lộc. Mắt cháu mí lót như những người Á Châu khác, tròng mắt đen, tròn như hạt nhãn, lấp lánh dưới ánh đèn điện trông như có sao sa.

Tôi nhìn cháu gái, bùi ngùi nhớ đến hai đứa con trai tôi mà đứa lớn trạc tuổi cháu, còn kẹt lại ở quê nhà.

Cái tết đầu tiên này ở Melbourne nếu tôi không kiếm đựợc tiền để đóng một thùng quà, gởi về cứu đói, chắc vợ con tôi ở ruộng lúa cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, mà phải tiếp tục ăn độn những thứ mà trước năm 75 người ta dùng nuôi gia súc.

Khi thấy tôi, Santa Claus, và ông thợ chụp hình, mắt cháu ánh lên một nét mừng vui.“Ba ơi! ông già Noel kìa!”

Ông ngước mắt nhìn tôi, hơi ngạc nhiên, khi nghe tôi chào ông bằng tiếng Việt.

“Chào ông, Merry Christmas! Ông có muốn cho cháu chụp hình kỷ niệm Giáng Sinh không?”

Ông, vẻ lưỡng lự, bối rối nhìn con, rồi móc bóp ra, kiểm lại tiền. Chỉ lèo tèo vài tờ 5 đô và những đô tiền cắc.

Tôi thầm nghĩ cha con ông này còn may mắn hơn cha con tôi nhiều. Nhưng khi nhìn nét mặt ngây thơ, thánh thiện, đáng yêu của cháu nhỏ tôi đâm ra tội nghiệp. “Nó cũng trạc tuổi con mình.”

Cầm lòng không đậu, tôi nói với ông khách: “Xin ông đừng từ chối; có lẽ ông và cháu đây là người khách cuối cùng của chúng tôi mùa Giáng Sinh năm nay nên tôi sẽ nói với ông thợ chụp hình người Úc chụp cho cháu một tấm hình với ông già Noel miễn phí. Ông chỉ cần cho biết địa chỉ để khi rửa hình ra chúng tôi sẽ gởi đến cho cháu để làm kỷ niệm, vài năm nữa cháu lớn khôn có dịp nhìn lại chắc cũng thấy vui vui.”

(Năm ấy chưa có máy chụp hình điện tử, chụp và in ra liền như bây giờ).

Khi cháu gái đứng cạnh tôi để chụp hình, tôi thấy trong mắt cháu một vì sao sáng lung linh niềm hy vọng.

Vì sao đó hình như một lần tôi đã thấy trong hang đá Bethlehem của mùa Giáng Sinh đoàn tụ ở quê nhà trước 75.

Vì sao đó một lần tôi đã thấy khi đang tuyệt vọng nhìn lên bầu trời đen tối, không biết đâu là bờ là bến, tìm một ánh sao, chỉ một hướng đi, cầu cho một phép lạ nhiệm mầu hiện ra trong đêm lênh đênh, trên con thuyền ọp ẹp, vượt biển Đông.

Hành trình biển Đông. Tôi đã đi vào chỗ chết để tìm ra cái sống dù hy vọng rất mỏng manh còn hơn ở lại quê hương tù ngục; bị những người chiến thắng o ép, đày đọa lần mòn cho đến chết.

Đêm biển Đông. Đêm mênh mông. Có vì sao lung linh dẩn đưòng cho đám người vượt biên khốn khổ tới bờ bến tự do được bình an. Nhưng cũng có người đi mà không bao giờ tới. Vợ chồng, mẹ con, chết chóc, chia lìa, phân tán. Họ bỏ mình vì đắm thuyền, vì khát, vì đói, vì cướp biển Thái Lan. Hành trình biển Đông đầy nước mắt.


Tôi, Santa Claus, nhìn cháu nhỏ, hỏi một câu theo thông lệ mà tôi đã từng hỏi hàng trăm đứa trẻ con khác trong mùa Giáng Sinh năm nay: “Cháu có ước gì không?”

“Ông ơi! Con không ước đồ chơi gì hết. Ba con nói: mẹ con lạc trên biển Đông đã bao năm mà chưa tìm được đường về. Ông có thể tìm ra mẹ, rồi dắt mẹ về với con đựợc không? Con muốn mẹ.”

Tôi hoàn toàn bất ngờ, bối rối không biết phải trả lời sao bèn ngước mắt nhìn ba cháu, cầu cứu.

Tôi thấy mắt ông rưng rưng đầy ngấn lệ.







Đoàn xuân thu

6 comments:

trường tôi said...

Đọc bài này xong làm tui buồn 5 phút, nhớ lại chuyện vượt biên, cuộc đời tị nạn trên xứ người vui buồn lẫn lộn, đứa nhỏ trong câu chuyện này chắc giờ đã lớn, không biết cháu có gặp lại Mẹ không ?

trường tôi said...

Đọc bài này xong làm cho tui buồn 5 phút...Nhớ lại chuyện vượt biên , cuộc đời tị nạn nơi xứ người buồn vui lẫn lộn đứa con gái nhỏ trong câu chuyên nầy giờ chắc đã trưỏng thành và không biết cháu có gặp lại Mẹ không ? Thương cháu quá...

Quang Minh said...

Mẹ của cháu đã chết trên đường vượt biên rồi cô Chường Tui ơi cho nên ba cháu nói với cháu là mẹ đi lạc trên biển Đông mấy năm rồi , ,còn hỏi cháu có gặp lại mẹ không . Thiệt tình là

Quang Minh said...

Cô Trường Xưa nầy hỏi lạ chưa ? Ba cháu nói với cháu là " mẹ đã đi lạc trên biển Đông mấy năm rồi " nghĩa là mẹ cháu đã chết trên biển đông rồi mà còn hỏi " cháu có gặp lại mẹ không ?" . Giống như cô em áp út của tôi bị cướp biển bắt 36 năm rồi ( từ 1981 , lúc đó nó 18 tuổi ) tới nay bặt vô âm tín . Đọc bài nầy khiến tôi nhớ tới đứa em vô Phước của tôi , lòng thật bùi ngùi

trường tôi said...

Hi Anh Quang, Chuyện vượt biên có nhiều cái xảy ra rất đau lòng cho người thân đã mất , nhưng có nhiều người trong cuộc không ai muốn kể lại và cũng có khi muốn quên đi không nhắc đến... Nghe anh kể về người em gái thật không biết nói gì hơn...

Quang Minh said...

Sự buồn vui là chuyện thường tình của thế gian , Nhiều khi kể ra khiến người ta đau lòng nên họ muốn quên đi để sống hướng về một tương lai tốt hơn . Cám ơn HTX đã chia xẻ