Tuesday, December 12, 2017

TỤNG CA

________________

CHÂN DIỆN MỤC

            Ông Tầu xưa xếp thơ ca cổ Kinh Thi làm ba phần: Phong, Nhã, Tụng. Nhưng chỉ có Phong là sống mãi, còn Nhã, Tụng thì chết yểu! Dù cái danh xưng không còn, nhưng Phong thì trường tồn trong lòng người bình dân.

            Cái ông dở hơi Trương Tửu gọi Ca Dao Việt Nam là Kinh Thi Việt Nam... Thế rồi cuốn sách của ông ngủm cù đèo vì người bình dân không thích kinh kệ (trừ kinh Phật là còn sống thôi).

            Nhã, Tụng ngày xưa ca tụng Thần Linh, ca tụng vua chúa. Ngày nay người ta ca tụng người bình dân, ca tụng sức sống dân tộc. Thế cho nên tôi rất thích, rất say mê TỤNG vậy!


            Dân Việt có cái bệnh là ca tụng ai thi ca tụng tới trời. Nhưng tôi không thích ca tụng cá nhân, tôi chỉ thích ca tụng Anh Hùng (người của công chúng) và... người đẹp! Ca tụng anh hùng và người đẹp... dù có quá lố thì vẫn hấp dẫn, còn ca tụng Lãnh Tụ mà quá lố thì... ngửi không được!!!

            Ca tụng Xít Ta Lin, Mao Trạch Đông... chỉ là trò ruồi bu... thối hoắc!!! Tôi nhớ sau 1945 người ta làm nhạc ca tụng lãnh tụ có câu: "Tránh gian nguy, tranh công đầu... ", ngày nay tôi lặp lại câu này trước mắt quý vị... khỏi bình luân... thì quý vị cũng thấy ngay là... không êm rồi!

            Nói đến TỤNG thì không ai có thể qua mặt Rabindranah Tagore. Nhưng tập ca tụng thần linh "Tâm Tình Hiến Dâng" không đắt khách bằng tập "Người Làm Vườn". Ôi Tình Yêu, Tình Yêu... dù có viết một tỷ bài thơ ca tụng tình yêu cũng không bao giờ thừa:

- Ô kìa! Thi nhân hỡi, bóng chiều đã ngả, sao chàng còn thơ thẩn nơi đây!
- Tâu Hoàng Hậu, tôi nào dám nhận mình là thi sĩ, tôi chỉ là một kẻ làm vườn khiêm nhượng, bổn phận của tôi là săn sóc những vườn hoa tình ái. Làm sao tôi có thể yên tâm về nghỉ khi những vườn hoa tình ái chưa rực rỡ sắc hương?
- Ồ! Chàng thi sĩ đa tài, người làm vườn khó tính, kẻ hành khất khiêm nhường, anh xin những gì loài người không thể có, và anh có những gì loài người không thể xin.
- Tâu Hoàng Hậu! Tôi chỉ là một kẻ làm vườn khiêm nhượng! Làm sao tôi có thể yên tâm về nghỉ khi những vườn hoa tình ái chưa rực rỡ sắc hương!

            Và tình yêu của cô gái xuân thì nó mới đáng ca tụng làm sao:

            Ồ! Mẹ ơi! Hoàng Tử trẻ đẹp sắp qua cửa nhà ta, làm sao con có thể yên tâm vào công việc sớm nay? Mẹ bảo con chọn áo mầu nào đi! Mẹ dạy con vấn tóc kiểu nào đi. Ồ! Sao mẹ lại nhìn con ngỡ ngàng thế hở mẹ. Hoàng Tử trẻ đẹp sắp qua cửa nhà ta. Con sẽ dứt đứt chuỗi ngọc đeo trên cổ rồi rải ra trước lối chàng đi. Rồi chuỗi ngọc của con sẽ bị bánh xe chàng nghiến nát trên đường đầy cát bụi. Rồi thiên hạ sẽ chẳng ai biết con hiến dâng gì! Và hiến dâng cho ai? Thế nhưng, Hoàng Tử trẻ đẹp sắp qua cửa nhà ta, con sẽ dứt đứt chuỗi ngọc đeo trên cổ rồi rải ra trước lối chàng đi!

            Ở trời Tây thì những bài thơ như À Hélne của Ronsard, Le Lac của Lamartine, Sonet của Felix Arver là những thơ tình mà ta "Tụng" mỗi ngày không chán!

            Việt Nam mình không có thơ hay ca tụng người đẹp như Lí Bạch ca tụng Dương Quý Phi, Felix Arver ca tụng người đẹp. Nhưng ta có nhiều chứ (!) Trương Hán Siêu ca tụng đời Trần, vua Trần, Nguyễn Công Trứ ca tụng Chí Làm Trai, Cao Bá Quát ca tụng tự do.

            Khi tiếng súng của kẻ cướp vang tới. Những tờ Biểu, Những bài thơ của Trần Bích San, Phạm văn Nghị, Trần Thiện Chánh đích thị là những bài Tụng Ca!
            Phan Bội Châu ca tụng các nhà ái quốc, Phan Chu Trinh ca tụng Dân Chủ, Dân Trí, Dân Khí đều là những nhà tụng ca hết lòng vì nước.
            Huỳnh Thúc Kháng đã ca tụng vị Anh Hùng Dân Tộc Trần Quý Cáp:

... Bồng Đảo xuân phong huyền viễn mộng
Nha Trang thu thảo khấp anh hồn...
           
            Ái quốc thì không đợi tuổi, không đợi... có bằng cấp (!). Lỗ Tấn đã ca ngợi một cô học trò nhỏ của mình! Một học sinh đã báo cho Lỗ Tấn: Thầy đã biết Thu Cận bị sát hại chưa? Lỗ Tấn đã viết bài ca tụng Thu Cận. Chống độc tài, phát xít, Thu Cận đã xông lên tuyến đầu biểu tình, và cô đã bị sát hại! Lỗ Tấn đã ca ngợi vị Nữ Anh Hùng Thu Cận của đất nước này!!!

Khi tiếng súng và khói lửa bùng lên, Hoàng Tố Nguyên đã đi vào nơi gió cát:
Ngựa Hồ thương gió Bấc
Có vẹn lời sắt đanh
Hay men Tần đã bén
Mà say khúc Hậu Đình
Mà quên thề cổ biệt
Mà nguôi hận bất bình
Gái trai cười phấn lụa
Cao hát khúc ân tình
Còn mong gì tuyết trắng
Mà dâng hồn thơ xanh
           
            Và Bân Bân Nữ Sĩ đã cầm những cuốn bông băng đượm tình yêu vô bờ:

Đây một trời thương phủ mênh mông
Nơi đây ve vuốt chí anh hung
Nơi đây an ủi hồn chinh khách
Trên cánh tay in chữ thập hồng
           
            Bà Ái Lan đã dạt dáo sung sướng

Mở lồng ngực hít khí trời cao rộng
Dang thẳng tay ôm lấy phút tự do
Ôi say xưa cuồng nhiệt reo hò
Thề lấy máu điểm tô trang lịch sử

            Không gì cao cả bằng tình yêu non song đất nước:

Đây thành Hà Nội của ngàn xưa
Dũng sĩ căm gan dưới bóng cờ
Tuẫn tiết để không hàng kẻ địch
Vùi trong hồn nước nắm xương khô
           
            Bởi còn nước thì mới còn nhà!
            Thi Sĩ viết Tụng Ca là thi sĩ thứ thiệt:

Hôm nay tôi bỗng nhớ người xưa
Mà gió ngàn năm chửa xóa mờ
Dấu vết Anh Hùng trên đất nước
Lòng tôi như muốn Thét Lên Thơ

            Rất nhiều bài thơ người ta không nhớ tên Tác Giả, nhưng không sao... Trên Thế Giới có rất nhiều nước xây tượng đài Chiến Sĩ Vô Danh đó sao!!!
            Mấy câu thơ trên tôi không nhớ tên Tác Giả, nhưng nó đã được Hồn Sông Núi THÉT LÊN.


C.D.M.   9-12-2017

No comments: