Thursday, February 21, 2019

Mắt kẽm gai chương Ba & bốn

__________________
Chu Sa Lan



Image result for mắt kẽm gai

CHƯƠNG 3,4 -
ưa tay lên xem thấy gần 11 giờ đêm Thùy Dung gấp cuốn sách lại rồi vặn lu ngọn đèn dầu lửa. Đúng ra nàng cần phải tắt đèn để tiết kiệm nhưng nàng không muốn vì sợ ngủ trong bóng tối. Hơn ba năm sau ngày chồng chết nàng sợ ngủ một mình trong bóng tối. Chút ánh sáng lờ mờ nhưng đủ cho nàng thấy đỉnh mùng trắng ngà. Tự dưng nàng thở dài ứa nước mắt. Đôi mắt to và sáng. Nụ cười dễ thương. Giọng nói chậm và nhỏ nhẹ. Đạt hiền như con gái mới lớn. Sau khi quen nhau một thời gian nàng đưa Đạt về nhà giới thiệu với gia đình. Má của nàng rất chịu Đạt. Bà nói Đạt hiền nên không sợ đứa con gái cưng của mình bị chồng ăn hiếp. Còn ba của nàng không nói gì ngoài một câu. " Nó hiền quá mà mấy người hiền thường hay chết sớm ". Không biết điều này có đúng với người khác không nhưng lại đúng trong trường hợp của Đạt.
Thùy Dung cười trong bóng tối mờ mờ khi hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp Đạt. Hồng Hạnh. bạn của nàng bồ với Khoa bị động viên vào Thủ Đức. Hồng Hạnh rủ nàng đi thăm Khoa và gặp Đạt. Mãi sau này khi dự đám cưới Hồng Hạnh mới tiết lộ cho nàng biết là Khoa vì tội nghiệp người bạn cùng phòng nên mới ngầm xếp đặt cho nàng với Đạt quen nhau. Khi vừa gặp nhau Khoa cười nói với nàng.
- Tôi hân hạnh giới thiệu với Thùy Dung đây là Đạt, bạn cùng giường với tôi. Nó nằm giường trên còn tôi nằm giường dưới. Nó hiền và nhà quê lắm nên Thùy Dung không sợ bị nó ăn hiếp đâu...
Đạt chỉ cười mà không nói trả lại câu nói đùa của bạn.
- Quê anh Đạt ở đâu?
- Dạ thưa cô tôi ở Cà Mau...
Thùy Dung cười nghĩ thầm. Ông này đúng là hiền và nhà quê. Nói chuyện với mình mà ông dạ thưa giống như mình là má vợ hay là huấn luyện viên của ông không bằng.
- Cà Mau chắc vui lắm hả anh Đạt?
Đang ngồi với chuyện với bồ Khoa cười lớn xen vào.
- Cà Mau mà vui gì. Thùy Dung không nghe người ta nói câu: " Ở đâu vui bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi đỉa lội lền như bánh canh...".
- Có đúng như vậy không anh Đạt?
Đạt cười nói với nàng.
- Dạ đúng như vậy thưa cô. Đỉa ở Cà Mau nhiều lắm nhất là xứ Cạnh Đền. Cứ bỏ chân xuống nước là chút sau đỉa bu đầy cả chân...
- Nghe anh nói ghê quá ai mà dám ăn bánh canh...
Câu xác nhận của Đạt khiến cho Thùy Dung từ đó về sau không dám ăn bánh canh. Nàng nói với Đạt là mỗi lần ăn bánh cạnh nàng lại nhớ tới đỉa cho nên nhất định không ăn. Đạt muốn ăn, thèm ăn nàng nấu cho ăn riêng nàng không đụng đũa tới tô bánh canh.
Mãi cho tới sau này khi lấy Đạt, có con với nhau và ngay cả khi Đạt đã chết Thùy Dung cũng không hiểu vì sau mình lại lấy Đạt. Nàng biết mình lấy Đạt vì tình yêu nhưng hỏi vì sao mình yêu cái anh chàng hiền như phật đó nàng cũng không tìm ra lý do. Đạt không đẹp trai hơn những người bạn trai cùng xóm của nàng. Đạt cũng không ăn nói có duyên vì anh ít nói và trầm lặng. Đạt cười nhiều hơn nói. Đạt là mẫu người nếu không thương được thời người ta cũng không ghét. Sau khi mãn khóa Đạt được về phục vụ tại quê nhà vì lý do gia cảnh. Vả lại đâu có ai thèm tranh dành với anh về Cà Mau, cái xứ khỉ ho cò gáy. Hơn một năm nàng với Đạt không có gặp nhau mà chỉ liên lạc qua thư từ. Một hôm khi đi học về nàng ngạc nhiên khi thấy Đạt ngồi nói chuyện với ba má của mình. Lý do mà Đạt lên Sài Gòn là xin phép cho nàng xuống Cà Mau chơi một tuần lễ. Dù bận học, dù không muốn lắm nhưng nàng không thể từ chối khi nhìn cái mặt hiền như phật và buồn hiu của Đạt. Nàng không ngờ một tuần lễ ở Cà Mau đã thay đổi cuộc đời của mình. Xuống tới Cà Mau ở nhà Đạt một tuần lễ nàng mới có dịp hiểu và thương anh nhiều hơn. Do đó nàng không chút do dự khi nhận lời lấy Đạt. Đám cưới thật đơn giản. Sau đám cưới nàng về Cà Mau sống. Nhờ có bằng tú tài 1 nàng xin được chân thơ ký trong tòa án. Cuộc sống ở tỉnh lỵ yên bình, nhàn hạ và nàng bằng lòng với hạnh phúc đang có. Nàng còn vui mừng hơn khi biết mình mang thai. Tuy nhiên cuộc đời không êm xuôi như nàng mong ước. Chiến tranh càng ngày càng gia tăng. Tiểu khu Cà Mau định thiết lập một căn cứ mới nằm ngay trên ngã ba của sông Bảy Hạp và con rạch Năm Căn với mục đích kiểm soát và dò xét hoạt động của Việt Cộng trong hai quận Năm Căn và Cái Nước. Không ai muốn lãnh một căn cứ nằm trong vùng địch kiểm soát. Hiền như phật và không biết chạy chọt Đạt được tiểu khu thăng chức trung úy và chỉ huy căn cứ Bảy Hạp. Thế là hai vợ chồng khăn gói tới căn cứ trong lúc nàng đang mang bầu ba tháng. Đạt không muốn vợ đi theo anh vào chỗ nguy hiểm nhưng nàng nhất định đi theo. Nàng đã nói với Đạt là chồng đâu thời vợ đó. Những ngày mới tới cái căn cứ buồn hiu này nàng khóc nhiều hơn cười. Tuy nhiên rồi nàng cũng gượng vui để chấp nhận hoàn cảnh làm vợ của một người lính tiền đồn....
Ầm... Ầm... Ầm... Những tiếng nổ khủng khiếp rung rinh nhà cửa khiến cho Thùy Dung giật mình. Chụp vội khẩu súng, không kịp mang giày nàng chạy ra khỏi nhà.
- Bà Bùi... Bà Bùi... Tụi nó pháo tàu... Tàu của ông Khôi...
Thượng sĩ Bang nói với cấp chỉ huy của mình. Hơi gật đầu Thùy Dung hỏi.
- Mình có ai bị gì không?
- Chắc tụi nó không có ý pháo mình nên chỉ có vài trái rớt ngoài hàng rào...
Thùy Dung không hỏi nữa. Nàng nghe tiếng đạn nổ cùng với ánh lửa lòe chớp nơi ba chiến đỉnh của Khôi. Nàng với ông thượng sĩ nghe được hàng loạt tiếng bụp bụp rồi lát sau tiếng nổ rền trong bìa rừng.
- Đạn ở đâu mà họ bắn dữ quá...
Thượng sĩ Bang lên tiếng. Bà Bùi lên tiếng giải thích.
- Ông Khôi có nói với tôi là một chiếc tàu có súng đạn nhiều hơn đại đội của mình. Nay thấy họ bắn tôi mới tin...
Tiếng súng rời rạc rồi im hẵn ngoại trừ tiếng máy tàu nổ sình sịch trong đêm khuya.
- Chắc hết rồi... Bà vào nhà đi kẻo sương xuống lạnh...
- Ông cứ vào nhà ngủ trước đi...
Thượng sĩ Bang bỏ đi chỉ còn Thùy Dung đứng im nhìn về hướng bờ sông. Trong bóng đêm mờ mờ nàng thấy bóng của người nào đó giống như Khôi đứng trơ vơ trên mui tàu.
Trời sáng rõ. Nắng long lanh từng hạt đọng trên nền đất đen. Khi Thùy Dung và lính tới Khôi đã sẵn sàng.
- Ông và anh em có sao không?
Khôi cười tươi dù ánh mắt có vẻ mỏi mệt sau một đêm thiếu ngủ.
- Tụi nó bắn bảy tám trái mà không trúng... Tuy nhiên nếu mình không khóa họng thời lần sau sẽ lãnh đủ... Trên đồn chắc không có ai bị gì hả bà?
- Có tôi... Tôi bị mất ngủ vì sợ... vì lo...
Thùy Dung bỏ lững câu nói hơi tối nghĩa mà chỉ có người trong cuộc như Khôi mới hiểu. Mỉm cười Khôi hỏi nhỏ.
- Bà sợ gì? Lo gì?
Hơi cúi đầu xuống Thùy Dung nói thật nhỏ như không muốn cho mấy người lính nghe được.
- Tôi sợ gì... Tôi lo gì ông biết mà...
Liếc qua bên trái Khôi thấy đôi mắt long lanh đang nhìn mình.
- Thầy bói nói tôi có số chết vì tình hơn là chết vì súng đạn...
Bà chỉ huy trưởng căn cứ Bảy Hạp cười nhỏ.
- Cái đó thời tôi chưa biết...
Tàu quẹo vào rạch Năm Căn chừng năm ba trăm thước xong dừng lại. Dặn dò nhân viên canh gác cẩn thận Khôi và Thùy Dung chỉ huy tiểu đội lên bờ lục xoát. Đi sâu vào trong họ thấy có nhiều dấu chân còn mới. Cạnh một mô đất lớn họ tìm được nhiều vỏ đạn 82.
Thùy Dung đứng nhìn Khôi vừa đi vừa đếm bước từ chỗ mô đất ra tới bờ sông đoạn rút sổ tay ghi chép.
- Ông làm gì vậy?
- Tôi đo khoảng cách từ chỗ tụi nó đặt súng tới bờ sông để tính cách phản pháo. Hể tụi nó vừa bắn mà mình phản pháo trúng là tụi nó im liền...
- Ông học ở đâu vậy?
Khôi cười không trả lời.
- Ông Khôi...
Thùy Dung kêu với giọng nũng nịu. Khôi trả lời nhát gừng.
- Học ở trường chứ ở đâu...
- Trường nào?
Thùy Dung vặn.
- Trường trung học Võ Trường Toản...
- Tôi cũng học mà sao tôi không biết...
Khôi cười trong lúc ghi chép vào cuốn sổ tay.
- Bà biết làm chi những thứ giết người này... Đáng lẽ bà nên ở Sài Gòn hơn là giam mình trong cái tiền đồn heo hút...
Thùy Dung cố giấu tiếng thở dài như không muốn cho Khôi nghe được. Từ lúc đó cho tới khi lên tàu nàng có vẻ tư lự. Riêng Khôi mãi lo ghi chép và tính toán nên không thấy được.
Ra lịnh cho lính về đồn xong Thùy Dung nói với Khôi.
- Tôi đói bụng mà làm biếng về đồn nấu cơm. Tôi mời ông ra chợ ăn hủ tiếu...
- Tôi nhận lời nhưng bà phải để tôi trả tiền...
Hơi nhún vai Thùy Dung buông gọn.
- Hân hạnh...
Hai người bước song song trên con đường đất một bên là bờ sông còn một bên là hàng rào kẽm gai.
- Ông nhớ Sài Gòn không?
- Thỉnh thoảng... Dường như thỉnh thoảng nhớ thời mình lại nhớ thật nhiều. Bà xa Sài Gòn lâu chưa?
- Hơn một năm... Còn ông?
- Hai năm... Nhiều khi tôi chẳng muốn về Sài Gòn nữa. Bạn bè tản mạn khắp nơi. Gia đình thời không có...
Thùy Dung quay nhìn Khôi.
- Ba má ông không có ở Sài Gòn à?
- Ba tôi mất khi tôi còn nhỏ còn má tôi mất ba năm rồi. Tôi có người chị trước ở Sài Gòn sau chỉ theo chồng ra Nha Trang nên tôi chẳng còn ai ở Sài Gòn... Nhiều khi về phép tôi chỉ ở một hai ngày rồi đi...
Thùy Dung liếc người bạn đồng hành rồi mỉm cười vu vơ. Nhìn người đi bên cạnh Khôi lên tiếng.
- Bà nghĩ là tôi tả oán phải không?
- Làm sao ông biết tôi nghĩ ông tả oán...
Thùy Dung đưa tay lên bụm miệng vì biết đã lỡ lời. Nói như thế chẳng khác nào tự mình tỏ lộ cho người ta biết. Một vài người lính trong đồn chắp tay chào khi thấy Thùy Dung và Khôi đi với nhau. Hai người bước vào quán hủ tiếu. Chọn một cái bàn trong góc nhìn ra bờ sông Thùy Dung cười nói với Khôi.
- Nhiều lúc ngồi đây tôi có cảm tưởng như ngồi ở Sài Gòn...
Khôi cười nhìn Thùy Dung.
- Tôi cũng thế... Dòng sông này ở một lúc nào đó tôi tưởng như sông Sài Gòn. Nó khiến tôi nhớ lại lần đầu tiên đi với bồ...
Thùy Dung làm bộ ngó ra dòng sông khi nghe câu nói của Khôi.
- Bà uống và ăn gì?
- Tôi xin ông một ly đá chanh và một tô hủ tiếu...
Khôi gọi hai tô hủ tiếu và hai ly đá chanh. Trong lúc ngồi đợi hai người im lặng ngó mong ra dòng sông Bảy Hạp. Nước lớn lừ đừ chảy. Mấy đứa con nít tắm sông cười hét vang vang. Thân cây khô chết trơ trọi. Đất sình đen đũi bốc mùi ngai ngái. Cảnh vật buồn và không có gì để nhìn ngắm. Hai ly nước đá chanh được đặt lên bàn.
- Mời ông...
- Mời bà... Tôi uống mừng cho...
- Ông muốn nói cho cái gì?
Khôi cười hớp ngụm nước như cố tình kéo dài thời gian để tìm câu trả lời.
- Cho tình bạn của tôi với bà... Bà đồng ý không?
Thùy Dung gật đầu cười cầm ly khuấy nước đá. Âm thanh của cái muỗng chạm vào thành ly nghe vui tai.
- Bạn thời tôi nhận... Tôi rất vui mừng có một người bạn tốt như ông...
- Cám ơn bà... Riêng tôi hân hạnh có được một người bạn đặc biệt như bà...
Chống tay lên càm Thùy Dung hơi nghiêng đầu nhìn Khôi.
- Tôi đặc biệt ở điểm nào?
- Nhiều điểm lắm...
- Đâu ông nói cho tôi nghe...
Khôi lắc đầu cười.
- Đó là một bí mật của tôi...
- Tôi muốn ông nói cho tôi nghe...
- Không... Bà phải tự tìm hiểu...
- Ông nhất định không nói hả?
Khôi cười lắc đầu trước sự hăm he của Thùy Dung.
- Ông cứng đầu lắm...
- Ông chồng của bà hiền lắm phải không?
- Ừ... Ổng hiền như ông phật. Tôi muốn gì cũng được...
- Bởi vậy bà mới hư...
Thùy Dung sầm mặt xuống.
- Ê... Tôi không có hư đâu nghe... Ông đừng có nói oan cho tôi...
Đón lấy tô hủ tiếu, đặt trước mặt Thùy Dung Khôi cười làm hòa vì biết mình lỡ lời.
- Tôi xin lỗi bà... Bà ăn hủ tiếu đi cho bớt giận...
- Ai thèm giận ông làm chi cho mệt...
Tuy nói là không giận nhưng Thùy Dung lại cúi đầu ăn không nói năng gì hết. Nàng ăn thật chậm. Thỉnh thoảng lại ngưng đũa nhìn ra bờ sông.
- Cháu Thùy Trâm chừng nào mới xuống thăm bà?
- Tôi không biết...
Khôi cười vì câu trả lời nhát gừng của Thùy Dung.
- Tôi có hứa với cháu là khi nào gặp lại tôi sẽ cho cháu một món quà...
Thùy Dung ngước lên nhìn Khôi với ánh mắt nửa dò xét nửa nghi ngờ.
- Ông nói thật hay là ông phịa ra để cho tôi hết giận?
Bị Thùy Dung gặn hỏi Khôi đành phải thú thật:
- Vì lỡ thất hứa với cháu do đó tôi tính chuộc lỗi bằng cách mua cho cháu một món quà...
- Ông tính mua kẹo cho nó hả... Ông đừng đem kẹo dụ con nít để khai thác nó...
Thùy Dung muốn cười nhưng cố gắng mím môi lại để không cho tiếng cười phát ra đồng thời nghiêm nét mặt để cho Khôi tưởng nàng vẫn còn giận. Bỗng dưng nàng muốn hành ông lính hải quân đang ngồi trước mặt mình cho bỏ ghét. Dù quen biết không lâu nàng nhận thấy Khôi có một nhiều điểm khác hẵn Đạt. Người chồng của nàng hiền lành quá do đó lắm khi trở thành nhu nhược. Khôi không dữ mà cũng không hiền. Khôi cứng đầu và cương quyết, nhiều khi quá cương quyết. Khôi tự tin, kiêu hãnh ngầm và có chiều sâu. Là người tự tín thêm kiêu hãnh cho nên từ khi gặp Khôi nàng cảm thấy tự tín và kiêu hãnh của mình bị va chạm hay tổn thương. Nàng phục nhưng có lúc lại thấy ghét Khôi.
- Bà nghĩ về tôi phải không?
Quái... Bộ ông này có thuật đọc được ý nghĩ của người khác sao mà ổng biết mình nghĩ về ổng. Từ ý nghĩ đó Thùy Dung buộc lòng phải chối.
- Ông là gì mà tôi phải nghĩ về ông?
Đưa ly nước lên uống một ngụm Khôi cười.
- Bà muốn nghe những nhận xét của tôi về bà không?
Thùy Dung ngước lên nhìn người đối thoại. Trong óc nàng hiện lên một ý nghĩ là ông này muốn cái gì đây mà dám phê bình người khác...
Giọng nói của Khôi vang lên chậm và đều đặn.
- Đây là những ý nghĩ thẳng thắng và thành thật của tôi cho nên nếu có va chạm tới tự ái của bà tôi xin bà đừng phiền giận...
Ngừng lại uống ngụm nước đá chanh xong Khôi mới hắng giọng. Trong lúc nói anh nhìn vào mặt của người đối diện như để dò xét hoặc đo lường phản ứng.
- Sau nhiều lần gặp gỡ và chuyện trò tôi biết bà là một người đàn bà đặc biệt. Bà tự tín, cương quyết, kiêu hãnh...
Thùy Dung cười nói thầm trong trí não. Ông có thua gì tôi đâu. Sợ ông còn hơn tôi nữa kìa...
- Ba điều đó có thể do trời sinh hay do hoàn cảnh hoặc do cả hai. Nhiều khi tôi tự hỏi có cái gì khiến cho một người đàn bà đẹp, thông minh, khôn ngoan lại chịu giam mình ở chốn đèo heo hút gió này. Phải có cái gì đặc biệt lắm mới khiến cho bà ta bỏ phí thời xuân sắc của mình...
Ông ta bắt đầu nịnh mình, đưa mình lên mây xanh rồi chút nữa sẽ buông cho mình rớt xuống bùn. Thùy Dung cười thầm.
- Ý nghĩ đó ở mãi trong đầu khiến cho tôi phải điều tra về bà. Xuyên qua những điều dò hỏi và suy nghĩ riêng tư tôi tạm thời có một kết luận...
Dừng lại ở đó như chờ nghe câu nói của người đối thoại nhưng thấy Thùy Dung vẫn im lặng Khôi tiếp tục.
- Chồng bà được tiểu khu Cà Mau ủy nhiệm về đây thiết lập căn cứ Bảy Hạp, một vị trí quan trọng vì có thể dò xét mọi hoạt động của địch trong hai quận Cái Nước và Năm Căn. Cũng vì tính chất quan trọng này mà địch đã mấy lần định triệt hạ căn cứ song không thành công. Mặc dù không thành công nhưng chúng đã giết chết chồng bà. Hành động này va chạm mạnh mẻ tới tự ái và niềm kiêu hãnh của cô gái Sài gòn. Thù chồng lại thêm tự ái bị va chạm, bà đứng lên thay thế chồng để giữ vững căn cứ này. Bà muốn làm một Trưng Vương của thời xa xưa hay gần đây hơn là Bùi Thị Xuân. Bà muốn chứng tỏ cho kẻ địch biết rằng chúng có thể giết chết chồng bà nhưng không thể hủy diệt được ý chí của ông ta... Bà họ Bùi và sâu xa hơn họ Bùi còn là họ của nữ danh tướng Bùi Thị Xuân bởi vậy bà mới tự gọi mình là Bà Bùi...
Khôi dứt lời. Không khí im lặng trừ tiếng thở dài thầm lặng của Thùy Dung.
- Giỏi lắm... Ông còn giỏi hơn Tống Văn Bình nữa...
- Tôi không biết bằng cách nào mà bà được chi khu Cái Nước hoặc tiểu khu Cà Mau cho phép thay thế chồng làm chỉ huy trưởng căn cứ Bảy Hạp...
Thùy Dung ngắt lời Khôi.
- Đó là một bí mật của tôi...
Thùy Dung cười nhìn Khôi như muốn nói ông có tài thời ông hãy khám phá ra bí mật đó đi. Uống thêm ngụm nước đá chanh người lính hải quân gật gù.
- Tôi biết... Tôi hy vọng và chờ đợi dịp may để tìm ra bí mật của bà...
- Tôi nóng lòng chờ nghe ông tiết lộ về bí mật này...
Thùy Dung uống cạn ly nước. Câu nói của nàng như là một thách thức.
- Bà hết giận chưa?
- Tuy chưa hết giận nhưng đủ để cho tôi có thể ngồi nói chuyện với ông. Lần sau ông đừng chọc giận tôi nữa nghe...
Khôi le lưỡi cười đùa.
- Dạ thưa Bà Bùi em xin chừa...
Thùy Dung cười nhỏ vì câu nói đùa của người bạn trai. Trả tiền xong hai người trở lại tàu. Dừng nơi cổng đồn Thùy Dung hỏi.
- Ngày mai ông có lên đồn dạy cho lính tôi tháo ráp súng không?
Khôi cười lắc đầu.
- Tôi có việc cần làm nên tôi nhờ một nhân viên dưới tàu lên chỉ cho họ. Anh ta tên Thành, là một chuyên viên về vũ khí nên tháo ráp còn giỏi hơn tôi nhiều...
- Cám ơn ông... Mai mốt mình sẽ gặp nhau...
- Chào bà... Tôi xin bà hết giận tôi...
Hơi mỉm cười Thùy Dung cúi đầu bước vào cổng. Khôi không thấy được nụ cười tinh nghịch nở trên môi của người chỉ huy căn cứ Bảy Hạp cũng như câu lẩm bẩm.
- Còn lâu tôi mới hết sùng... Tôi muốn đì ông cho bỏ ghét. Cái mặt thấy...
Bước vào đồn Thành gặp thượng sĩ Bang đang đứng đợi ở cổng. Đi xuyên qua mấy hầm núp và giao thông hào ông ta đưa người lính hải quân tới một cái sân nhỏ có mấy người mặc bà ba đen đang đứng trong số đó có một người đàn bà.
- Em là Thành phải không?
- Dạ... Anh Khôi gởi tôi lên đây...
- Tôi là Bà Bùi...
Thành cười nói.
- Anh Khôi có nói về...
- Em cứ gọi tôi bằng chị đi cho thân mật... Mời em trổ tài...
Thành đúng là một chuyên viên về vũ khí. Không những tháo ráp nhanh nhẹn Thành còn giảng giải rành mạch về cách thức cũng như các tiểu xảo hoặc mánh khóe nhỏ nhặt để làm cho việc tháo ráp được nhanh chóng.
- Khí giới của Mỹ tối tân thật nhưng cũng có trở ngại nhất là đối với thời tiết của xứ mình. Nòng súng bị sét hay các cơ phận khác bị dơ cũng gây ra trở ngại nhất là vùng này gần biển lại ẩm thấp nên trong không khí vừa có nước và muối. Nó làm cho súng mau dơ hơn. Bởi vậy súng của tàu tụi em phải lau chùi hoài...
Thành nói với Thùy Dung trong lúc hai người đứng xem lính tháo ráp và lau chùi vũ khí. Buổi học kéo dài tới trưa mới tạm ngưng cho lính về ăn trưa.
- Chị mời em về nhà chị ăn cơm trưa...
- Dạ cám ơn chị em có đem theo đồ hộp...
Thùy Dung cười.
- Ăn canh chua cá kho không ngon hơn đồ hộp sao. Ông Khôi có nói với chị là em ngán đồ hộp tới cổ...
Thấy Thùy Dung đưa tay lên ngang càm làm dấu Thành bật cười một cách vui vẻ.
- Đi... Hai chị em mình về nhà ăn cơm rồi lát sau trở ra...
Thành không thể nào từ chối lời mời của một người đàn bà trẻ đẹp, duyên dáng và bặt thiệp như Thùy Dung. Về tới nhà Thùy Dung dọn cơm ra. Nàng ăn ít mà mời khách ăn nhiều hơn. Trong lúc ăn nàng gợi chuyện hay bắt đầu mở cuộc điều tra về đời tư của ông lính thủy đặc biệt của mình.
- Em đi lính lâu chưa?
- Dạ bốn năm rồi chị...
- Quê em ở đâu vậy?
- Dạ em ở Vĩnh Long?
Bới cơm vào chén cho Thành Thùy Dung cười hỏi tiếp.
- Chắc em ở chung tàu với ông Khôi lâu lắm hả?
- Dạ cũng hơn một năm. Khi đi thực tập để lãnh tàu của Mỹ anh Khôi xuống trước nhất...
- Chị nghe nói ông Khôi ở binh chủng nào đó trước khi về hải quân...
- Dạ đúng như vậy thưa chị... Ảnh là trung sĩ nhất biệt động quân. Nhờ có bằng tú tài 1 và được tiểu đoàn trưởng thương nên ảnh được đi học khóa sĩ quan đặc biệt. Ra trường anh được đưa về toán biệt hải chuyên đổ bộ ra bắc. Khi biệt hải bị giải tán người ta giữ ảnh ở lại hải quân mà không trả ảnh về đơn vị gốc là biệt động quân. Điều này khiến cho ảnh sùng và bất mãn lắm. Trong thời gian tạm trú ở bộ tư lệnh hải quân anh có xích mích và gây gổ với một ông trung úy hải quân. Nổi máu anh hùng của biệt động quân ảnh dọng sặc máu mũi ông trung úy này...
Thùy Dung bật cười vì câu nói của Thành.
- Chắc ông Khôi du côn lắm hả Thành?
Thành lắc đầu binh liền.
- Không có đâu chị... Ảnh hiền và ít nói lắm. Sau vụ đánh nhau đó ảnh bị đưa ra hội đồng kỹ luật, bị giáng cấp xuống còn trung sĩ và bị đề nghị trả về biệt động quân. Nhưng không biết vì lý do gì mà cuối cùng họ giữ ảnh lại. Chắc họ muốn giữ ảnh lại để đì cho bỏ ghét. Ảnh bị đưa đi lãnh tàu rồi làm thuyền trưởng của một chiến đỉnh. Nếu không có vụ dọng vô mặt ông trung úy đó chắc giờ này ảnh cũng là trung úy rồi... Tội nghiệp ảnh... Ảnh nói với em là ảnh xin đi học khóa người nhái mà đơn xin bị bác vì lý do vô kỹ luật... Ảnh là một người tốt. Ảnh hiền và thương lính vậy mà không hiểu sao mấy ông sĩ quan ở giang đoàn lại không ưa ảnh. Chỉ có ông chỉ huy trưởng là còn có chút cảm tình và bênh vực ảnh. Như chuyện biệt phái cho cái đồn của chị là họ muốn tống ảnh đi xa cho khuất mắt... Chị biết không ảnh giỏi lắm đó chị. Ảnh đàn một cây mà hát cũng không thua gì ca sĩ. Chị mà nghe ảnh đàn hát là chị mê liền...
Thùy Dung vừa vui vừa buồn khi nghe Thành nói về Khôi. Nàng cố giấu tiếng thở dài. Trong đời sống này những kẻ hiền lành như Đạt và có máu anh hùng- du côn như Khôi là những kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất. Hiền lành như chồng nàng, không biết chạy chọt, nâng bi xếp nên mới bị đày ra đây rồi nhận lãnh cái chết. Có máu anh hùng cộng thêm những ẩn ức nên Khôi mới phát tiết bằng hành động du côn để rồi không bao giờ ngóc đầu lên trong quân đội.
Thành ngừng nói rồi buông đũa.
- Cám ơn chị... Chị đẹp mà nấu ăn ngon bởi vậy anh Khôi ảnh khen chị hoài...
Thùy Dung cười hỏi dồn.
- Ảnh khen ra sao Thành nói cho chị nghe đi...
- Ảnh khen chị đẹp mà lại giỏi vì chỉ huy cả đại đội...
- Cám ơn em...
- Thôi mình đi ra. Anh Khôi dặn là em phải chỉ cho lính của chị biết hết để rủi tụi này có rút đi thời họ nhớ mà làm...
Câu nói sau cùng của Thành làm cho Thùy Dung cảm thấy buồn. Như muốn che giấu nỗi buồn của mình nàng bước nhanh ra cửa. Vào lúc xế chiều Thành đã chỉ dạy tỉ mỉ chuyện bảo trì cho các khẩu súng. Dường như có cảm tình với Thùy Dung hay có thâm ý nào khác anh hứa sẽ đem sách vở cũng như một vài dụng cụ bảo trì lên cho mấy người lính. Đưa Thành ra tận cổng Thùy Dung còn dặn dò.
- Khi nào nhàn rỗi Thành lên đây chơi với chị nghe...
Đứng nhìn theo bóng người lính hải quân Thùy Dung mỉm cười cảm thấy vui vui trong lòng. Nàng vừa biết thêm được bí mật của ông lính biệt động-hải quân.
- Biết mà... Mặt coi hiền chứ cộc lắm... Dám dọng sặc máu mũi người khác... Mai mốt gặp mình sẽ chọc quê ổng chơi...

Thùy Dung cười khẽ khi nghĩ ra cách chọc quê Khôi. Nhìn về nơi mui tàu cao nàng thấy bóng một người đang lui cui làm việc

No comments: