Friday, July 26, 2019

Nhà máy xay lúa

__________________

NGÔ QUANG HÒA


Chào chị To Lan
Hơn một năm qua, tôi đã không thể mở blog lyhuong mà không hiểu lý do. Khoảng gần một tháng nay, sau khi thay đổi mạng internet thì tìm truy cập lại được. Rất vui. Xin gởi đến To Lan một trích đoạn trong Hồi Ký.


Nhà máy xay lúa
Related image



Sau ngày quốc tế Lao Động năm Mậu Thân, mất chiếc cầu Nguyễn Trung Trực thì hãng nước đá và tiệm honda của ba tôi lại gặp nhiều khó khăn. Về hãng nước đá thì lúc này “nhơn công” (khi ấy không gọi là công nhân) không dễ tìm. Hoạt động của hãng cần những trai tráng khỏe mạnh, nhất là việc giao nước đá cho các tàu đánh cá. Những người làm công lần lượt bị bắt quân dịch. Người mới vào thì cũng phải lén lút tránh cảnh sát. Có người chỉ đến với hãng một hai tháng rồi lại lên đường nhập ngũ. Những ngày nghỉ học, tôi và anh tôi phải trực tiếp làm “nhơn công” trong hãng. Còn về tiệm honda thì địa điểm này không còn thuận đường nữa. Ba tôi bán hết những hàng hóa còn lại trong tiệm và ngưng hoạt động.

Tình trạng khó khăn kéo dài đến gần cuối năm 1972 thì người “nhơn công”   cuối cùng làm việc hiệu quả nhất cho ba tôi cũng phải đi quân dịch. Ba tôi quyết  định sang (bán) hãng.
Ba tôi tiếp tục hùn vốn với một người bạn trẻ làm nhà máy xay lúa. Địa điểm được chọn nằm cặp theo liên tỉnh lộ Rạch Giá – Long Xuyên, thuận cả hai đường bộ và thủy, nơi chưa có nhà máy xay lúa nào. Người bạn trẻ của ba tôi ít học, bù lại, ông ta rất giỏi tay nghề về “làm nguội”. Ông tự đứng ra lắp ráp toàn bộ nhà máy. Ông đã đi xem xét nhiều nhà máy cồng kềnh, phức tạp trước kia. Khi lắp ráp nhà máy mới, ông đã sử dụng rất nhiều bộ phận hiện đại. Diện tích, khối lượng nhỏ hơn nhiều nhưng hoạt động hiệu quả không thua các nhà máy lớn trước kia.
Thợ gằn là một người còn trẻ tuổi hơn tôi nhưng theo vai vế là cậu tôi. Cậu chỉ tôi toàn bộ đường đi của hạt lúa từ đầu cho đến khi thành gạo trắng diễn ra ngay trước mắt. Các bộ phận được lắp đặt gọn gàng theo một hàng ngang trong nhà máy, rất tiện cho việc theo dõi từng bước chuyển biến của hạt lúa. Từ bồ trữ, lúa được sàng lọc bỏ rác rến rồi đưa qua “bồ đài” múc đổ vào cối lứt. Tiếng ma sát bóc vỏ lúa kêu rào rào. Một chiếc “bồ đài” khác lại múc gạo lứt đưa qua gằn. Gạo và thóc cùng chen nhau nhảy nhót trên mặt gằn kêu xào xạc. Gạo lức nhanh chóng được tách ra rồi đổ vào cối trắng. Một phần lúa sót lại, chưa được bóc vỏ thì quay trở lại cối lứt. Qua cối trắng, gạo lức se mình kêu xè xè. Thêm một tầng cối trắng nữa, bồ dài lại múc gạo trắng đổ vào chiếc sàng lớn. Nơi đây, tấm to, tấm mịn được bắt riêng ra. Cuối cùng, gạo trắng tinh chảy xuống máng cho vào bao.
Ngày cúng khai trương, tôi cũng có mặt. Để chuẩn bị cúng tổ, mẹ tôi được
lối xóm tiếp giúp chén dĩa, ly tách. Sáng sớm, tôi theo mẹ xuống bến, sang sông để mượn các vật dụng nói trên. Lúc này đang là con nước ròng. Mực nước từ mặt sông đến bực thềm xi măng dưới bến khá xa. Từ bên kia sông, cô Bảy Lam bơi xuồng qua, tắp vào bến. Tôi lỡ bước mạnh xuống mũi xuồng kêu một cái rầm nơi “sạp” (miếng ván đặt ở hai đầu xuồng). Cô Bảy trợn mắt nhìn tôi rồi nhăn mặt :
-  Ây da ! Bể xuồng còn gì cha!
Mẹ tôi đỡ lời :
-  Nhẹ chút con.
Tôi chống chế :
-  Tại nước ròng, xuồng thấp quá mà.
Mẹ tôi nhẹ nhàng bước xuống. Cô Bảy khua dầm móc lái quay qua sông. Vừa bước lên bờ, bác Ba gái (má cô Bảy) vui vẻ đón :
- Chị Tư mới qua. Tôi đã dọn sẵn chén dĩa cho chị rồi đây. Bảy, con vô bưng cái sề ra cho Bác Tư đi con. Thôi chị Tư vô uống nước cái đã. Còn sớm mà.
Tôi theo mẹ vào nhà bác Ba. Hai bà đến ngồi lên bộ ngựa bàn tán, sắp sếp việc cúng. Tôi đứng xớ rớ cạnh mẹ tôi. Chợt bên trong có tiếng gọi trỏng :
-  Đỡ lên một tay cái coi !
Bác Ba quay vào lớn tiếng rầy cô Bảy :
-  Bậy nà ! Sao bây hỗn hào vậy Bảy. Kêu bằng anh Tư chứ con, sao lại gọi trỏng không vậy. Người ta lớn tuổi hơn con lại có học hành đàng hoàng nữa. Phải hông chị Tư ?
Mẹ tôi hơi phật lòng nhưng vẫn đỡ lời :
-  Ối có sao đâu chị.
Quay vào trong, tôi thấy cô Bảy đang đứng bên cái sề. Tôi vừa bước đi thì bác Ba gọi lớn ra sân :
-  Để đó thằng Tư mầy! Con Tuyết đâu, tiếp con Bảy cái sề cái.
Tôi đã đến bên sề chén, hơi tự ái, cúi xuống chụp ngay cái vành chuẩn bị nâng lên. Cô Bảy chu môi, nhỏ giọng nói trỏng :
-  Làm được hông đó !
Tôi hơi quê nhưng vẫn đỡ chiếc sề lên. Cô Bảy nhanh nhẹn bước tới hứng lấy chiếc sề trên đầu. Cô thoăn thoắt trở xuống bến. Đến nơi, cô quay lại :
-  Chèn ơi ! Đỡ xuống cái coi.
Tôi vội vàng chạy theo giúp cô đặt sề lên mũi xuồng. Cô bưng sề xoay người đặt vào giữa xuồng. Xong xuôi, cô bước ngang sề đi về đằng lái quay lại nhìn tôi rồi ngồi xuống. Lúc này, tôi giả bộ lơ đãng nhưng lén nhìn cô chăm chú, thầm nhủ : đẹp thật. Trước hết, dễ dàng nhận thấy vẻ hài hòa của gương mặt. Cặp lông mi cong, dài viền quanh đôi mắt sáng, vừa phải. Cặp chân mày vắt ngang mỏng dần về phía đuôi chứng tỏ được chăm sóc cẩn thận. Một chiếc mũi thẳng nổi bật trên đôi môi phớt hồng không son. Nước da ửng nhẹ màu nắng, mịn màng tự nhiên không phấn. Tất cả điểm lên một khuôn mặt tròn, hơi bầu về phía cằm duyên dáng. Bộ đồ bà ba màu xanh nhạt khiến cô có vẻ mộc mạc, giản dị. Mái tóc dài đen mượt điểm một chiếc kẹp nhỏ có gắn bông bên phải cũng tiệp màu với bộ bà ba. Chiếc kẹp lại lủng lẳng những nụ bông dài thòng xuống tận bên thái dương. Một chiếc kẹp to hơn túm gọn mái tóc dài sau gáy. Ngoài những thứ trên đây, cô không trang điểm thêm một món trang sức đắt tiền nào khác. Tôi tự hỏi sao một cô gái quê lại có khiếu trang điểm hài hòa đến thế. Thật đơn giản mà lại rất duyên dáng. 
Bác Ba theo chân mẹ tôi đến tận bến. Mẹ tôi bước xuống ngồi gọn đằng mũi. Cô Bảy khua mái dầm quay mũi về bến nhà máy. Mẹ và tôi cùng ngồi một phía nên chiếc xuồng hơi khẳm mũi. Tôi dợm bước tới đằng lái cho cân bằng lại. Hai tay vịn be nên tôi không thể bước ngang chiếc sề. Tôi nhỏm dậy, dang tay giữ thăng bằng rồi bước lại đằng lái. Chiếc xuồng hơi tròng trành. Cô Bảy ghì chặt tay dầm vào mạn để giữ thăng bằng. Tôi vịn be rồi ngồi bẹp trên xuồng, đối mặt với cô. Cô Bảy trợn mắt, có vẻ lo lắng hỏi :
-  Biết lội hông đó cha ?
Tôi cố thản nhiên, trả lời một cách tỉnh bơ :
-  Biết chớ sao không, bơi được mà. Khỏi lo.
Xuồng tắp vào bến nhà máy, mẹ tôi lên bờ trước, cô Bảy bước tới, vịn vai tôi lách qua bưng cái sề đặt lên bực xi măng. Cô nắm lấy cây cột dưới bến quay lại nói như ra lệnh :
-  Lên đi chớ.
Tôi lần tới đứng sát bên cô. Bực thềm khá cao khiến tôi tần ngần một lúc. Hổng lẽ vịn vai cổ! Chống hai tay lên bực thềm, tôi thót người lên bến. Chiếc xuồng dạt ra, tròng trành khiến cô Bảy phải vói tay níu cọc xi măng. Cô Bảy cột chiếc xuồng, chuyền cái sề cho tôi. Tôi khệ nệ bưng cái sề đặt lên bờ. Cô nhanh chân bước lên bờ giành lấy cái sề, nói nhỏ nhẹ hơn :
-  Để tui bưng cho.
Nói xong, một tay vịn, một tay nách chiếc sề cô đi thẳng lên nhà máy.
Bữa cúng khai trương diễn ra gọn nhẹ. Khách mời là những người hàng xóm thường lui tới giúp đỡ trong những ngày đầu xây dựng. Một vài người bạn hàng xáo cũng đến chúc mừng và hẹn công việc làm ăn sắp tới.
Hoạt động của nhà máy nhanh chóng đi vào ổn định. Sau đó, ba tôi ký được hợp đồng cung cấp gạo dài hạn cho tổng cục tiếp tế ở Sài Gòn. Được tin này, tôi rất đỗi vui mừng.
Sau kỳ thi tốt nghiệp, tôi lại quay về nhà máy xay lúa. Lúc này nhà máy  hoạt động rất nhộn nhịp. Ngoài những khách hàng xáo, nhà máy còn phải chuẩn bị sản xuất gạo cho Tổng Cục Tiếp Tế ở Sài Gòn. Ba tôi xuất ra rất nhiều vốn để tôi cùng mẹ tôi bắt đầu xuống ghe đi thu mua lúa khắp các đồng ruộng quanh nhà máy. Có được hợp đồng xuất gạo, nhà máy mạnh dạn thu mua lúa. Nông dân trong vùng cũng vui vẻ với một vụ lúa hè thu trúng giá. Chẳng bao lâu, lúa trong nhà máy chất cao lên như cái núi. Mỗi ngày, lúa được đem ra phơi ngoài sân nhà máy và ngoài lộ hằng mấy trăm mét. Việc này không mấy nặng nhọc chỉ cực vì phải phơi nắng. Các cô gái đến làm việc này đội nón, che khăn bít cả mặt mũi. Tôi cũng trực tiếp có mặt để “quay lúa”. Cứ bước đi chậm rãi, rà chân sát mặt đường để đảo lúa cho mau khô và đều.
Khi nắng nóng, đổ mồ hôi, tôi vào quán nước ngay cạnh bến nhà máy nghỉ              ngơi. Quán này của cô Sáu Tím, chị ruột cô Bảy Lam. Cả hai cô đều chưa lập gia đình, riêng cô Sáu nghe đâu đã có người yêu rồi. Ngồi đây bắt chuyện với cô Sáu tôi biết được Bảy Lam là một cô thôn nữ vô địch trong việc đồng áng. Đang khi học lớp 8, lớp 9 trường trung học Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá, môt hôm cô ta phạm lỗi gì đó bị thầy gọi lên và dùng roi quất cô ta. Cô ta nhanh tay chụp lấy cây roi và tiện tay bẻ gãy chiếc roi. Sau đó, cô ta bỏ học ngang về nhà đích thân canh tác cả chục công đất. Hiện nay cô đã khiến bọn mày râu nể sợ khi tranh tài với họ. Chưa hết một ngày công, cô đã cắt xong một công lúa, trước bọn đàn ông.
Nhờ có quán này, tôi được gặp Bảy Lam thường xuyên. Lúc này, cô không còn nói chuyện mắc mỏ với tôi nữa. Tuy nhiên, khi nói chuyện cô hay chu mỏ hoặc biểu môi một cách tự nhiên như một cô gái quê. Với tôi, hình ảnh này thật là duyên dáng. Cô thường kể cho tôi nghe những câu chuyện đồng áng, lúa thóc. Tôi lại kể những câu chuyện của Cần Thơ. Chính cô đã chỉ cho tôi cách xác định lúa phơi đã đạt độ khô cần thiết chưa. Đưa hạt lúa đang phơi lên miệng, cắn ngang, nếu lúa khô tốt thì nó sẽ gãy ngang ngọt sớt; khi vết gãy còn để lại một ít tinh bột trắng thì lúa chưa thật khô. Dần dần, tôi thân với cô lúc nào không biết.
Nhà máy đi vào hoạt động suốt ngày đêm. Ban ngày, bạn hàng xáo đến xay lúa đem bán ở chợ, hoặc xay lúa ăn cho người dân quanh vùng. Ban đêm, nhà máy mở đèn đuốc sáng choang chạy gạo cho tổng cục tiếp tế. Tôi cùng người cậu trẻ tuổi thay phiên coi gằn suốt đêm. Sau hơn nửa tháng, ba tôi giao đợt gạo đầu tiên về Sài Gòn.
Rồi một cơn bão lớn đã bất ngờ ập đến vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Nhà máy không còn. Gia đình tôi lại trở về quê Long Xuyên tìm phương kế khác làm ăn. Từ đây, mối liên lạc với cô bạn thôn nữ cũng đứt đoạn. Kỷ niệm, hình ảnh ngày đó chỉ còn trong ký ức…




No comments: