Monday, July 8, 2019

Tiễn em đi

_______________________

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Nguồn Sáng Tạo

Một tháng trôi qua nhanh không ngờ tới. Ba mươi ngày tuần tự lật giở sang trang, cuộc đời cứ thế vẫn lạnh lùng trôi đi, nhưng ở một vài bộ môn, đôi ba xứ sở, ngày 7 tháng 7 vừa qua đã đánh dấu một sự kiện khó quên. Ngày có trận chung kết Women’s World Cup diễn ra ở sân vận động Stade de Lyon, cầu trường chứa hơn 59.000 người. Lyon này chẳng mắc mớ gì tới ga Lyon đèn vàng “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế”.

Tôi buồn vì tôi chia tay với môn football (soccer) hết được theo dõi trực tiếp những trận đá banh. Và tôi cũng chia buồn với đội tuyển nữ Hoà Lan (Oranjeleeuwinnen), họ đã bị USA soán đoạt lấy giấc mơ ngàn năm một thuở. Cần nhìn lại sự có mặt của đội bóng màu da cam với các lần thi đấu (toàn thắng) đầy thuyết phục: Thắng New Zealand 1-0. Thắng Cameroon 3-1. Thắng Canada 2-1. Thắng Japan 2-1. Thắng Italy 2-0. Vào bán kết (lần đầu tiên trong lịch sử Dutch) để gặp Sweden và thắng 1-0 ở extra-time; mở toang cánh cửa nhằm đụng đầu địch thủ Mỹ lần cuối cùng.

Hoà Lan phiên âm từ Holland. Quốc gia mang nhiều tên khác nhau, Pays-Bas nếu dùng tiếng Pháp nhưng đa số đều gọi là Netherlands. Địa hình toạ lạc trên vương quốc Bỉ và nằm sát nước Đức thuộc phía tây bắc châu Âu. Nhắc tới Hoà Lan buộc phải nhớ chiến thuật tổng lực do họ triển khai và thành tựu ở các mùa World Cup cũ, được ngợi ca qua tên gọi “Cơn lốc màu da cam”. (Cam là màu của hoàng gia và màu áo luôn khoác vào thân các cầu thủ). Hoà Lan nổi tiếng với Van Gogh Museum, với căn nhà mà cô thiếu nữ Do Thái mang tên Anne Frank ẩn náu trong thế chiến thứ II để viết thành cuốn Nhật ký lừng vang. Là vùng đất khai sinh ra hai nhà danh hoạ Rembrandt và Vermeer (Golden-Age) mà các bức tranh sơn dầu của họ vẫn lưu truyền thiên cổ.

Đội banh nữ Hoà Lan có ba tuyển thủ tài ba, sắc bén: Tiền đạo Vivianne Miedema, áo số 9. 22 tuổi, đá cho Câu lạc bộ nổi tiếng Arsenal, cô từng ghi tới 61 bàn thắng trong 80 trận. Tiền đạo xuất sắc khác là cô Lieke Martens áo số 11, từng được FIFA trao danh hiệu là cầu thủ của năm 2017. Trung phong Sherida Spitse áo số 8, được ví là người truyền cảm hứng cho đồng đội.

Trước khi vào trận chung kết, Netherlands coach, bà Sarina Wiegman chỉ trả lời một câu ngắn gọn trước đám phóng viên: “It’s one match and anything can happen”. Mọi thứ có thể xẩy ra cho tuyển Hoà Lan là cầm hoà, giữ tỉ số 0-0 trong suốt 45 phút hiệp một. Ở đâu cũng thấy bóng áo trắng (tuyển Mỹ) tìm cách xâm nhập vào gần cầu môn và những bóng áo cam luôn rơi vào thế bị động, cố tìm cách giải vây. Thủ môn 29 tuổi, cô Sari van Veenendaal đã tỏ ra rất mực bận rộn việc bay nhảy, cản phá. Nếu Hoà Lan không tìm được đôi tay nhanh lẹ như Sari lo trấn giữ khung thành, Oranjeleeuwinnen đã bị cháy lưới bởi Alex Morgan, Tobin Heath và Crystal Dunn.

Phía tuyển USA, như mọi lần đã dùng đội hình 4-3-3. Tiền đạo cánh trái vẫn do Megan Rapinoe đảm trách, giữa là Alex Morgan, bên phải là Tobin Heath. Bà Jill Ellis, nhà dìu dắt đội tuyển đã sắp đặt một cách hợp lý khi để Carli Lloyd, Mallory Pugh và Christen Press ngồi ghế dự bị. Cũng sáng suốt khi đưa ra hàng trung phong (midfield) toàn cầu thủ trẻ như Julie Ertz, Rose Lavelle, Sam Mewis hoặc Lindsey Horan. Và luôn luôn, không thể thiếu hậu vệ Crystal Dunn năng động, vững chắc. Tài nghệ Crystal luôn làm an tâm cho tuyến trên.

Hoà Lan không triển khai được một đấu pháp rõ ràng, họ lúng túng khi xuống banh, chuyền đi những đường chẳng gây được hiệu quả. Để thay đổi, từ lối giao banh ngắn hình tam giác giữa ba tiền đạo, họ chỉ để một tiền đạo cắm ở giữa sân và giao banh xa, bổng. Điều này thường vấp nhược điểm, một là tiền đạo đó phạm lỗi offside, hai là không đuổi kịp để banh lọt vào tay thủ môn địch thủ. So ra, kỹ thuật cũng như thể lực của tuyển Hoà Lan vẫn kém thua tuyển Mỹ một bậc. Cách cản phá banh của hậu vệ là một chứng minh, gây lỗi lầm (đau đớn) chẳng đáng có. Phút thứ 61, Alex Morgan ngả người trong vùng cấm địa. Mỹ hưởng được quả phạt đền và Megan Rapinoe đá thành công cú penalty. Chưa hết, ở phút 69, trung phong Rose Lavelle dẫn banh đi, lách người qua hai bóng cam hậu vệ, đá căng từ khoảng 17 mét cách khung thành, làm bó tay thủ môn. Bàn thắng rất rõ ràng, rất đẹp mắt. Một nửa cầu trường vỡ oà tất cả mọi âm thanh trong khi nửa kia thì ngồi bất động, sửng sờ. 2-0 và chỉ còn hơn 20 phút (phù du) phép mầu nào hiện ra để san bằng hai bàn cách biệt? Cái đáng hoan nghênh cho các bóng hồng mặc áo cam là với tinh thần thể thao, với nhuệ khí sau cùng, họ đã dâng lên quá nửa sân, áp đảo, xông xáo, vắt kiệt sức để mong kiếm tìm một bàn danh dự. Bất lực, số phận đã không mỉm cười với họ.

Mỹ vô địch, như đã tiên liệu trước. Tất cả đều thay áo, đồng mang số 19 và cùng chung tên Champions sau lưng. 19 là năm 2019. Như thế đội tuyển USA có tới bốn lần World Cup Champions: Vào năm 1991, 1999, 2015 và 2019. Trên áo họ thêu 3 ngôi sao, giờ đây sẽ dệt thêm 1 sao mới.

Ngoài huy chương vàng, ngoài cup vô địch của FIFA trao tay, cầu thủ Megan Rapinoe đoạt chiếc giày vàng. Alex Morgan nhận chiếc giày bạc. Và Rose Lavelle đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất 2019. Riêng chiếc găng vàng thì trao tặng cho thủ môn Hoà Lan.

Theo nhận định của (nguồn) Forbes: Những lý do khiến đội tuyển nữ Hoa Kỳ đạt được thắng lợi cuối:

Tấn công nhanh từ những phút ban đầu, ở sáu trận đều mở tỉ số kể từ phút thứ 12 trở đi. Niềm tin về thực lực mình có. Những đội banh góp mặt ở World Cup năm 2019 này, trong đội hình không sở hữu được một tiền đạo như Megan Rapinoe, một trung phong như Rose Lavelle, một hậu vệ như Crystal Dunn.

Và cốt lõi quan trọng nhất, theo nhận định của Moira Donegan đăng trên báo The Guardian: “Ở Mỹ, năm 1972, toàn bộ các trường trung học chỉ có khoảng 700 nữ sinh chơi môn soccer. Đến năm 1991, năm của Women’s World Cup được tổ chức lần đầu, số nữ sinh yêu môn đá banh tăng lên con số đáng ngạc nhiên: 121.722. Từ năm 2018, có tới 390.482 nữ sinh trung học biết và thích chơi môn thể thao này. Thống kê trên cho thấy hệ thống giáo dục Hoa Kỳ thành công về mặt phát hiện, nâng đỡ, đào tạo ra những tài năng trẻ so với thế giới”.

Mỹ nhất. Hoà Lan nhì. Thuỵ Điển đứng hạng ba. Cả ba đều đón nhận niềm vui chẳng giống nhau, nhưng có thể nhìn rõ một điều là Hoà Lan đang gặm nhắm thầm lặng thứ hạnh phúc khó cắt nghĩa. Tuy không vô địch thế giới nhưng những bóng áo màu cam đã vẽ được cho trang sử nước nhà họ một bức tranh mới đầy hy vọng, bởi bấy lâu họ vẫn phải “phơi áo” ở vòng 16, tủi hổ về lại với những cối xay gió, với kinh rạch, với cánh đồng bạt ngàn hoa tulip, với bao con đường dành riêng cho xe đạp. Lần này họ thua trong hân hoan, họ quy cố hương với bao vòng hoa đang đợi choàng vào cổ ở quê nhà.

Tôi mong Hoà Lan thắng, chỉ vì muốn nhìn thấy một đổi thay ở diện mạo môn túc cầu thế giới. Khi họ thua, tôi cũng xin gửi lời chia vui cùng họ về ngôi vị thứ hai, đạt được sau bao cống hiến hết mình. Từ nhà dìu dắt, huấn luyện viên cho đến 11 cầu thủ tham dự, ra sân; tất cả đội tuyển Netherlands thảy ít nói. Tôi thích cái kín tiếng ấy, tôi chẳng có cảm tình với những kẻ nhiều lời. Một lần nữa, (đã từng vung vít: Tớ đếch thèm đặt chân vào toà Bạch Ốc). Nay tuy đạt được vinh quang, cầu thủ Mỹ, cô Megan Rapinoe lại phát ngôn: “Tôi cho rằng FIFA đã không biểu tỏ niềm tôn trọng đối với phụ nữ…”

Thôi, nói năng chi cũng bằng thừa. Chỉ còn biết hát lời cải biên: Nay em đã quay lưng, chưa bao giờ buồn thế. Trời cắt sóng đôi nơi, suốt đời làm chia ly…

Hồ Đình Nghiêm
7/7/2019

1 comment:

hanthienluong said...

Bài viết rất hay
Giống một bài bình luận túc cầu "dễ thương"
Cám ơn Thầy nhiều lắm
Hàn Thiên Lương