Sunday, July 28, 2019

TUI ĐI MỸ (Tập 2).


                  ___________________

HAI HÙNG SG

               Image result for Hollywood         Ông Taxi chở đoàn tụi tui gồm tám "Trự" đến ngay sân của Khách sạn Hollywood, khách sạn này nằm gần cuối đại lộ (Danh vọng) ở Hollywood City, nhìn đồng hồ cũng xấp xỉ mười giờ đêm, sau khi nhận phòng tui với thằng Bảo ở chung một phòng, còn lại mấy đứa trong đoàn cũng ở các phòng kế cận cùng một dãy nhà, khách sạn nhỏ bên Mỹ rất hay, người lạ bên ngoài không thể lợi dụng trà trộn để đột nhập vô, vì đầu và cuối dãy nhà họ làm cửa kính kín mít, họ lắp khóa thẻ từ chỉ có khách thuê phòng mới có thẻ để ra vào. 


 Căn phòng tui ở rất sạch sẽ, drap giường, áo gối trắng tinh thơm tho sẽ cho tui giấc ngủ ngon sau hơn hai mươi bốn giờ "Bầm và giập" ở "trên trời", vô phòng tắm và Toilet cũng thật sạch sẽ, nhưng có một điều tui lấy làm lạ bàn cầu đi vệ sinh bên đây không hề có cái vòi xịt rửa như các khách sạn bên Á châu của mình, họ gắn cuộn giấy vệ sinh trên tường, giải quyết bầu tâm sự xong sẽ dùng giấy giải quyết,  thấy thật bất tiện không như bên nhà, thằng Bảo lên tiếng:

 -Ngoại, không có vòi rửa sao ..... được.

Tui muốn ú ớ với nó,  vì mình cũng như "anh ta" mới đến Mỹ lần đầu, mọi điều mới mẻ khiến tui giống thằng khờ ra tỉnh, nhưng tui ra vẻ hiểu biết tui nói với cháu:



 -Con ơi, thì ở đâu quen đó, cứ ăn theo thuở, ở theo thì đi con, ta sao mình vậy muốn khác đi cũng đâu có được, con đi xong rồi con mở vòi sen vệ sinh lại thôi.

 Nói vậy chứ bên Mỹ khi mở vòi nước trong cái bồn tắm nó lạnh ngắt, nước phun ào ào hơn cái "Phong ten" nước công cộng ngày xưa ở xứ mình nữa, vặn khóa điều chỉnh cho nước ấm lên thì mất hết nhiều nước xả bỏ lúc mới mở, quen với tiết kiệm nước bên nhà tui muốn vặn nhỏ lại cũng không được nên thây kệ, tui thầm nghĩ :

 "Ở Mỹ mà ta"...

 Tắm rửa xong vừa định ngã lưng thì tiếng gõ cửa dồn dập khiến tui nhớ lại thời "Bao cấp" bên nhà, đêm hôm khuya khoắt đang mơ màng trong giấc điệp thì tiếng gõ cửa kiểu này chỉ có mấy người công an đi kiểm tra hộ khẩu thôi (Giờ thì không còn xảy ra việc xét hộ khẩu về đêm nữa), tui nói giỡn với thằng cháu ngoại:

 - Passport con đâu coi chừng mấy ông "Phú lít" Mỹ họ xét giấy tờ đó.

 Thế kỷ hăm mốt rồi dễ gì "Khè" được mấy đứa nhỏ có điều kiện học hành và hiểu biết mọi điều thông qua cuộc sống hàng ngày và qua Internet nên chú Bảo nhà ta "dợt" tui liền:

 -Làm gì có vụ đó ông ngoại, Mỹ chứ đâu phải bên mình đâu ngoại.

 Tui mở cửa phòng và lú đầu ra hỏi:

 - Ai đó, có gì hông ?

Nghe tui xổ tiếng (Việt Nam mít),chú Bảo nhắc khéo:

 - Đang ở Mỹ nha ông Ngoại.

 Tui ngớ ra rồi chợt nhớ mình đang ở Mỹ, nói tiếng Việt lỡ người Mỹ đứng đó sao họ hiểu được.

 Tiếng gõ cửa kia của mấy đứa nhỏ rủ đi siêu thị gần khách sạn để mua vật dụng linh tinh, mua sữa cho chú Bảo, mua trái cây, mua Bia, mua hằm bà lằng. V.v...



 Siêu thị bên Mỹ rộng lớn hàng hóa dồi dào, cũng phân ra khu bán hàng theo nhóm, trái cây, bia rượu... 
 Sau khi cả đám quần thảo khắp siêu thị, tụi tui cũng quơ đầy nhóc một xe đẩy, khi ra tính tiền thưởng đâu sẽ "khẳm bạc" ai dè có hai trăm mấy, so ra nếu mua bên nhà thì "Khẳm" thiệt chứ chẳng chơi, đem hết về phòng cất hàng hóa đâu đó xong thì cả đám kéo ra đường kiếm tiệm quán nào đó để ăn khuya, tụi tui thả bộ theo đại lộ trước khách sạn, đến một ngã tư thấy một xe bán thứ bánh giống như bánh mì Thổ nhĩ Kỳ, rất nhiều người chờ quanh đó để mua, bên Mỹ mua bán hoặc giải trí ..đều phải xếp hàng, không có chuyện đi sau mà chen lên trước, ai mà làm vậy cũng không ai phản ứng gì nhưng tự mình mắc cỡ không dám làm như vậy, vì sẽ bị khinh khi thiếu hiểu biết trong cuộc sống.

 Lòng vòng một hồi cả đám kéo vào một tiệm ăn của người Mễ Tây cơ, tiệm thấp lè tè dưới ánh đèn vàng vọt, họ trang trí những biểu tượng của người Mễ, như cái nón rộng vành, như cây xương rồng, họ cũng làm một hòn giả sơn nước chảy róc rách qua hang động nho nhỏ nghe thật êm tai, nơi chế biến loại bánh gì của Mễ, họ bỏ ra dĩa cho mình cuốn lại , trong đó thịt thà rau củ gì đó tui cũng chẳng biết, nhưng mùi thơm thì khỏi chê, cuộn xong chấm (nước sốt) của họ đem ra ăn rất ngon, tám trự mà tốn vỏn vẹn có mười lăm đồng, tui buộc miệng: 

 - Chèn ơi sao rẻ dữ vậy cà?

 Anh chàng đầu bếp chánh gốc Mexican, nghe tui nói vậy chẳng biết anh có hiểu gì không mà anh chàng đưa mắt nhìn tui, nhỏ con tui nói : 

 -Họ quan sát mình nãy giờ, họ thấy mình ăn hết và có vẻ ngon miệng thì họ rất hài lòng, họ nhìn là vậy.

 Mấy nhỏ thanh toán hóa đơn ăn uống xong, trước khi rời khỏi bàn các cháu để lại một ít tiền "Típ" cho người phục vụ mình, đây là nét văn hóa của xứ người tui thấy cũng hợp với đạo lý của người Việt mình. 

 Đứng nhìn anh chàng đầu bếp trổ tài chiên xào các món cho bàn khác, anh ta múa cái dụng cụ để  xào một cách thuần thục, thấy tui nhìn một cách chăm chú, anh ta bèn hỏi: 

 -Where are you From?

 Hồi trước tui cũng học lỏm bỏm cuốn (English for today) nên cũng nghe được các từ thông thường nên tui xổ đại luôn :

 - I am from to Vietnam (Sai gon).

 Anh ta nhìn tụi tui ra chiều khoái chí :

- Oh . Vietnam good good.

 Chia tay cái tiệm ăn người Mễ này để lại cho tui cái dễ nhớ nhất là chùm ớt Mễ trái xanh trái đỏ rất lớn treo lủng lẳng xen với củ hành thật to, và không biết hành lá hay gia vị là gì nó cũng to kỳ lạ, đúng là ở Mỹ cái gì cũng to hết.

 Sáng hôm sau, vô phòng ăn nhỏ nhắn của khách sạn, ở đây cả trăm phòng khách thuê chật kín, vậy mà chỉ có ba cái bàn với hàng băng ghế dài cặp sát mí tường, và thêm vài cái ghế bọc nệm, tui nghĩ nếu giờ ăn sáng từ bảy đến chín giờ thì lúc nào cũng sẽ đầy người lấy đâu đủ chỗ ngồi, nhưng không như tui nghĩ, nhiều gia đình họ xuống lấy thức ăn xếp vô dĩa bằng giấy, lấy cà phê hoặc nước uống, nước trái cây hoặc sữa cũng bằng ly giấy, họ đem về phòng ăn không ngồi lại ăn uống cà kê dê ngỗng như văn hóa ẩm thực của người á châu mình, cũng có người ngồi lại tại chỗ nhưng chỉ mươi phút là họ tự đứng lên ra ngoài nhường chỗ cho người khác, nếu ai ngồi lì tại chỗ sẽ bị ông nhân viên coi sóc nơi đây nhắc khéo thì cũng hơi ê mặt, vì họ ghi tấm bảng "chần giần" ngay quầy tiếp tân đại khái như sau :( Mỗi người chỉ ngồi tối đa 10 phút).

 Người Mỹ, hoặc khách du lịch ở đây họ ăn sáng nhẹ nhàng và đơn giản, một hai miếng bánh mì nướng trét ít bơ mặn, một ly cà phê, chút trái cây là xong, không cầu kỳ và tốn thời gian như người á châu, nào là bánh cuốn, mì thập cẩm, hủ tíu, cơm tấm sườn bì chả , ôi thôi tùm lum ăn uống đã đời ngồi tán gẫu cả buổi mới chịu đi làm, quả là sự khác biệt của hai nền văn hóa đông và tây.

 Ăn sáng xong buổi sáng đầu tiên tụi tui đi theo chương trình Tour lập sẳn (cũng nên nói thêm chỗ này, nếu các bạn mình đã có người từng đi Mỹ rồi thì mình ghi danh đi tour theo công ty nào đó, họ sẽ thiết kế tour theo yêu cầu của mình, họ đặt khách sạn và vé may bay khứ hồi luôn cho mình, xong xuôi tới ngày lên đường cả nhóm cùng đi không cần phải có hướng dẫn viên du lịch đi với mình, nhưng muốn được vậy mình phải có uy tín và cam kết quay về cố quốc đúng ngày giờ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của công ty họ về sau).

 Kêu hai xe Taxi thông qua ông tiếp tân ở khách sạn (Vì mình đâu có sim điện thoại và đâu biết số máy của các hảng Taxi hoặc Uber đâu mà gọi). Ít phút sau hai chiếc  taxi màu vàng ghé lại, tụi tui chia ra hai nhóm cùng ngồi lên xe trực chỉ đại lộ Danh vọng của Hollywood, xe chạy chẳng bao lâu đến trung tâm đại lộ này, nơi đây thật đông vui, khách du lịch đi tới lui nườm nượp, cả đám tụi tui đặt chân đến con đường mà ai một lần trong đời cũng nên ghé qua cho phỉ chí, mải mê xem tên các nhân vật danh tiếng gồm các ngôi sao điện ảnh lẫy lừng qua mọi thời gian, tui chú ý hai ngôi sao mà dân Á châu hay đứng lại chụp ảnh là Jacky Chan (Thành Long) và ông Trump (Tổng thống đương nhiệm). 

 Đang đứng chụp ảnh các cửa hàng trên đại lộ này, một đứa cháu trong đoàn của tui được một anh mặc nguyên bộ đồ Super Man
 ( Siêu nhân) quàng tay qua vai cháu để cháu cùng chụp ảnh, thằng nhỏ sướng rân trời, trong bụng nó nói ô sao bên Mỹ tốt quá vì họ thân thiện vô cùng, họ  mặc đồ những nhân vật trong phim cho du khách chụp ảnh quá đã luôn, sau khi cháu giơ điện thoại lên bấm vài pô, nó nghĩ rồi sẽ gửi ảnh về cho bà xã bên nhà coi thấy nó oai hẳn lên chưa, vì mình được cặp kè với nhân vật mạnh mẽ trong các loạt phim chiếu trên vô tuyến truyền hình thập niên sáu bảy mươi tại Sài gòn, chưa kịp sướng với ý nghĩ này, anh chàng Siêu nhân chìa tay ra đòi hai mươi Dollar tiền công đứng chụp ảnh chung với khách, thằng cháu nọ chới với vì bị đòi món tiền nợ trên trời rơi xuống này, nhưng nó cũng phải đành gửi cho anh siêu nhân để anh ta tìm mối khác làm ăn chứ không thì bì rầy rà không kém,  cũng chưa hết điều lạ lẫm khác đâu, cũng một đứa trong đoàn được một anh ca sĩ không biết có phải là ca sĩ chuyên nghiệp hay không, anh ta dúi vào tay thằng cháu mấy dĩa nhạc CD có in hình anh ta, anh ta nói ( tui dịch ra luôn):

 -Mầy là du khách đến thăm Hoa kỳ, tao tặng mầy mấy dĩa do tao trình bày để làm kỷ niệm.

 Tội nghiệp thằng nhỏ đúng là con nai tơ lần đầu đến Mỹ nên bị gạt là chuyện không hề lạ, nó còn đang lưỡng lự chưa biết xử trí ra sao, thì ông nội ca sĩ ( mà ca lẻ cũng không chừng) dọt đi mất dạng, thằng nhỏ đang săm soi tìm coi có bài hát quen thuộc nào không, nó thất vọng vì tên những bản nhạc nó chưa từng nghe đến bao giờ, thôi kệ nó nhét vào cái túi xách lúc nào cũng kè kè bên mình để về Sài gòn nghe sau (Ca sĩ này cũng ký tên vô các CD này nữa nha các bạn).

  Đang định dợm bước đi theo chúng tôi, thằng nhỏ được tặng CD bị bàn tay của ai đó nắm vai kéo ghì lại, rồi bằng cái giọng anh chị bự hắn đòi trả tiền mấy dĩa CD, tên này nói nó là người đại diện độc quyền của ca sĩ nọ, những ai được tặng dĩa đều phải trả cho nó một số tiền, không trả là không xong với hắn, thằng nhỏ đoàn tui phát hoảng móc mấy CD ra định trả lại nhưng tên nọ lắc đầu, ý nói "Hàng mua rồi miễn đổi trả lại", đành ngậm bòi hòn làm ngọt cháu nọ phải bấm bụng trả mấy chục Dollar cho mấy cái dĩa nhạc trời ơi đất hỡi nọ (âu cũng là bài học nhỏ khi đến xứ người).
              (còn tiếp)  
             (Hai Hùng SG)



No comments: