Monday, July 1, 2019

Theo tà áo bay





______________

CHU SA LAN
nguồn Chu sa lan .net

n2
Theo Tà Áo Bay  gồm nhiều tản văn nói về tà áo dài đủ mọi sắc màu đã làm thành kỹ niệm trong đời. Đầu tiên tôi mời mọi người đọc:
Thu rơi trên áo ai màu tím…


Chiều mùa thu xuống chậm chạp và uể oải trong không gian lười biếng. Nắng hanh vàng đọng trên tàng cây phong cao lá bắt đầu đổi ra màu vàng óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời. Gió man mát song nhuốm đầy sự quạnh hiu và lặng lẽ của một buổi chiều thu. Nhạc từ trong nhà vẳng ra. Tôi nhận ra đó là bản Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ. ” Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài… Sầu trên phím đàn… tình vương không gian… Mây bay quan san, có hay? Đàn nhớ từng cánh hoa bay… vầng trăng viễn hoài… Màu xanh ước thề.. dòng sông trôi đi… Lúc chia tay còn nhớ chăng? ”. Giọng hát trữ tình và lãng mạn vọng trong buổi chiều tím, tím cả không gian mùa thu và trong lòng người xa xứ làm tôi nhớ lại thời xa xưa. 38 năm sống lạc quê hương, cộng thêm 8 năm thôi học nhưng tôi vẫn nhớ hoài tà áo dài màu tím của người con gái đã nhuộm tím hồn mình, làm tôi mê màu tím cho tới bây giờ. Tôi mê tà áo dài màu tím, mê bất cứ thứ hoa gì có màu tím. Nhớ dạo ở Vĩnh Long, thỉnh thoảng tôi đạp xe đạp chạy trên con đường từ Vĩnh Long về bắc Cần Thơ, có một đoạn người ta trồng dọc hai bên mé lộ hàng cây ô môi tới mùa nở đầy hoa tím. Màu tím ngát không gian làm tôi thẩn thờ nhớ ”người áo tím ” đi qua đời mình đã lâu mà tưởng chừng như hôm qua…
Năm đó tôi học lớp đệ nhị ( lớp 11 bây giờ ). Vì đi học bằng xe ô tô buýt nên mỗi sáng tôi phải thức dậy khoảng 6 giờ rưởi để đủ thời giờ sửa soạn và đi bộ từ nhà ra trạm xe ở đường Hùng Vương Thị Nghè ngay trước cửa nhà thờ. Ngày đầu của niên học, vì chưa biết giờ giấc của xe buýt nên tôi phải đi sớm hơn chừng 15 phút. Từ nhà tới ngoài đường Hùng Vương non cây số. Vừa đi hết cây cầu ván bắt qua con rạch nhỏ, tôi thấy xa xa dáng một người con gái đang lặng lẽ đi. Tiếng guốc gõ trên đường nghe nhẹ và êm trong buổi bình minh. Khi tới một ngã ba có nhiều nhà hơn, tôi mới nhận ra tà áo dài thấp thoáng lại chính là tà áo dài màu tím bay trong buổi ban mai. Tò mò tôi bước nhanh hơn để theo kịp cô gái mà cũng không dám tới gần. Đi sau lưng cô ta chừng mươi bước, tôi lặng lẽ ngắm phía sau lưng của cô gái. Phải nói cô ta có một vóc dáng đẹp để mặc áo dài. Mảnh mai, dịu dàng, uyển chuyển, thanh tao và quyến rũ. Thiếu một trong những tính chất đó, người con gái không thể nào đẹp với tà áo dài được. Huống chi cô ta còn biết dùng màu sắc để điểm tô cho nét đẹp của mình. Màu đen huyền hoặc của mái tóc. Màu trắng thanh khiết của chiếc quần trắng. Màu tím lãng mạn của chiếc áo dài; ba màu đó hòa quyện với nhau trong buổi bình minh tạo thành nét đẹp ” tím chiều hoang biền biệt ”. Chắc nghe tiếng chân người ở đằng sau lưng, cô gái quay đầu lại nhìn. Nhờ vậy tôi mới thấy được khuôn mặt không giống bất cứ khuôn mặt của bất cứ ai, khuôn mặt không đẹp không xấu, nhưng lại là khuôn mặt làm cho tôi không bao giờ quên. Khuôn mặt như một ám ảnh dịu dàng, vì cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ và mỗi lần hồi tưởng và hình dung ra khuôn mặt đó, tâm hồn tôi chìm vào nỗi buồn lắng trầm hoài huỷ.
Ngày đầu tiên chỉ có thế thôi. Sáng hôm sau, tôi thức sớm hơn thường lệ. Diện bộ đồng phục Hồ Ngọc Cẩn mới, ôm chồng sách vở tôi ra đứng bên này đầu cầu ván chờ đợi. Khi thoáng thấy tà áo dài màu tím bay bay trong buổi sáng gió nhẹ tôi bước vội lên cầu ván. Như một vô tình được tính toán, tôi đụng mặt cô gái mà tôi tự đặt cho cái tên ” Cô Áo Tím ”. Chỉ là cái nhìn thoáng e lệ rồi đôi môi mím lại thay cho lời chào hỏi của cô ta cũng đủ làm tôi phấn khởi và cảm thấy đời đẹp biết bao. Cô áo tím đi trước và tôi theo sau. Trong buổi sáng còn tôi tối của ngày sắp lên, tôi cảm thấy tà áo dài màu tím đẹp song lại phảng phất chút ảm đạm và buồn bã. Vừa đi tôi vừa nghĩ ngợi. Tự dưng tiếng hát của người ca sĩ nào đó trong bản nhạc Ngàn Thu Áo Tím bật ra trong đầu: ” Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím … Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến … Chiều xuống áo tím thường thướt tha … Lướt trên đường gấm hoa … Ngắm mây chiều thướt tha… Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím … Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến… Trời đã rét mướt cùng gió mưa … Khóc anh chiều tiễn đưa… Thế thôi tàn giấc mơ…”.Nếu lỡ em mà yêu anh thì anh vẫn xin em mặc mãi chiếc áo dài màu tím. Ngay cả khi em không yêu anh, anh vẫn xin em mặc chiếc áo dài màu tím em yêu bởi vì tôi đã yêu màu tím. Tôi sẽ lặng lẽ theo sau tà áo dài màu tím của em…
 Tiếng guốc gõ trên đường rộn ràng. Trước sau chừng mươi bước, hai người lặng lẽ đi ra tới đường lớn. Sau thoáng ngần ngừ tôi băng qua bên kia đường đi về phía nhà thờ. Đứng nơi trạm xe buýt tôi còn thấy được tà áo dài tím lẻ loi trong đám người đứng chờ xe buổi sáng. Chiếc xe buýt trờ tới và phút đồng hồ sau lại chạy đi mang theo tà áo tím đã nhạt nhòa hình bóng. Sau này khi lớn lên tôi mới hiểu rằng cô áo tím cũng chỉ là hình bóng của ” em cũng như trăm ngàn kẻ khác… lần hai vai ta bước chậm qua đời…” (thơ Viên Linh?). Cứ như thế, mỗi ngày từ thứ hai tới thứ sáu, tôi đều đặn theo sau tà áo tím mà không hề nói lời nào. Chỉ mái tóc huyền. Tà áo dài màu tím bay. Họa hoằn lắm, khuôn mặt mới quay lại với đôi môi he hé nụ cười như cố cầm giữ lời chào hỏi không để cho thoát ra. Cuối cùng tới một ngày thứ sáu( thứ sáu của định mệnh…), thay vì băng qua đường để đón xe đi Bà Chiểu, tôi lại bước tới đứng bên cạnh cô áo tím chờ xe buýt đi ra Sài Gòn. Đứng bên cạnh cô ta mà tôi run, hồi hộp và lo âu vì hành động bất thường của mình. Nhất là khi thấy ánh mắt nghiêm lạnh và cái mím môi của cô nàng, tôi càng thêm e dè và ngại ngùng không dám mở miệng nói tiếng nào dù chỉ là lời chào hỏi thông thường. Khi chiếc xe buýt trờ tới tôi là người sau cùng lên xe. Không còn chỗ trống nào ngoại trừ chỗ bên cạnh cô áo tím đang ngồi. Tôi ngần ngừ chưa biết tính sao thì may thay cô nàng ngước lên. Ánh mắt trong veo như muốn nói.
– Anh muốn ngồi thì ngồi… Tôi hổng có cấm anh đâu…
– Cám ơn cô…
Tôi nói nhỏ trong lúc ngồi xuống. Cô áo tím lặng thinh không nói gì hết. Xe chạy qua cầu Thị nghè, tới trại lính rồi ngã tư Nguyễn Bĩnh Khiêm mà tôi vẫn không thể mở miệng nói lời nào dù chỉ hỏi cho biết tên cô gái. Đó là chuyện giản dị và cần thiết để làm quen, nhưng không hiểu tại sao tôi lại không làm được. Xe dừng lại tại ngã tư Hồng Thập Tự và Hai Bà Trưng. Tôi phân vân không biết làm gì khi cô áo tím bước xuống đường. Xe chạy. Ngồi tại chỗ tôi ngoái đầu nhìn. Tà áo tím bay trong gió. Chỉ một lần đó thôi, tôi không bao giờ được ngồi cạnh cô áo tím trên xe buýt nữa. Mỗi buổi sáng tôi lặng lẽ theo sau tà áo tím bằng nỗi nhớ vời vợi trong lòng.
Ngày đầu của mùa tựu trường năm đệ nhất, tôi nghe lòng mình xôn xao và hồi hộp với mong ước sẽ được thấy lại tà áo dài tím.  Than ôi… Tà áo tím không thấy đâu… Bóng dáng mảnh mai của cô áo tím mất tăm hơi, chỉ còn mình tôi lủi thủi đi mà trong tâm tưởng vang mơ hồ tiếng hát: ” … Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương … Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy…Màu áo tím hôm nào tình quyến luyến ban đầu…Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao… Mong một tà áo, một tà áo qua đường… Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương… Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc… Mặc dòng sông dịu hiền luyến tiếc… Mặc chiều thu buồn như hối tiếc, tôi mơ màu áo… Ước mong sao áo màu khép kín bên nhau… Để rồi chiều chiều tôi đi bên dòng Hương Giang… Mong tìm lại tà áo ấy, màu áo tím nay thấy đâu… Người áo tím nay thấy đâu, dòng nước vẫn trôi cuốn mau… Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn… Người áo tím qua cầu và áo tím phai mau… Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao… ”. Đứng nơi trước cửa nhà thờ ngó sang trạm xe buýt bên kia đường, tôi cảm thấy mắt mình cay cay. Gió vẫn thổi mà tà áo dài màu tím của tôi không bay. Người áo tím cũng không thấy đâu. Niên học thật dài. Con đường từ nhà tôi ra tới trạm xe buýt cũng dài như nỗi vấn vương của tôi theo thời gian dài ra như tà áo dài.
Mấy năm sau. Từ cậu học trò tôi đã thành người lính xa nhà, di chuyển từ nơi này sang nơi khác khắp miền lục tỉnh. Nhờ vậy mà tôi gặp, quen, biết nhiều người song trong lòng tôi sao vẫn hoài vấn vương hình bóng cô áo tím. Từ khi gặp cô, tôi đã yêu màu tím, ngẩn ngơ và bồi hồi nhớ tới hình bóng của ai kia khi tình cờ đi trên con lộ rực màu tím hoa ô môi và trong lòng vẫn vọng vang lời hát ” … Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương … Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy…Màu áo tím hôm nào tình quyến luyến ban đầu…Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao… Mong một tà áo, một tà áo qua đường… Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương…”.
Cho tới một hôm trên đường công tác tôi ghé thăm Chiến, thằng bạn thân đang phục vụ ở phòng tâm lý chiến thuộc bộ tư lệnh sư đoàn 9 bộ binh đóng tại Sa Đéc.
– Mày ở lại chơi với tao đêm nay đi…
Chiến nói trong lúc tôi với nó ngồi lai rai trong câu lạc bộ sư đoàn.
– Có chuyện gì không?
– Đêm nay là đêm ca nhạc ở bộ tư lệnh sư đoàn. Có mấy cô ca sĩ của Sài Gòn xuống nữa… Tao sẽ giới thiệu cho mày một cô ca sĩ…
Chiến cười hì hì. Làm ở phòng tâm lý chiến của bộ tư lệnh nên nó rành ba cái vụ tổ chức ca nhạc giúp vui cho lính tráng lắm. Không muốn làm mất lòng thằng bạn thân với lại được nghe nhạc chùa tội gì không nhận vì vậy mà tôi ừ liền. Nó dẫn tôi về phòng trong cư sá nghỉ ngơi chờ tới giờ khai mạc.
8 giờ tối. Không biết là sự trùng hợp hay lựa chọn khéo léo mà ban tổ chức đã làm hai việc khiến cho không khí của buổi ca nhạc thật đậm màu sắc văn nghệ lãng mạn và trữ tình bằng ánh trăng chiếu bàng bạc trên sân khấu lộ thiên hoà hợp dịu dàng với chút ánh sáng nhân tạo tạo khung cảnh huyền hoặc và mông lung. Dù chưa có nhạc cùng với tiếng hát, tôi cũng đã cho 10 điểm về cung cách tổ chức một đêm nhạc tình đúng nghĩa. Dĩ nhiên sẽ có những bản nhạc nói về lính song theo chương trình mà Chiến đã cho tôi đọc thì nó, phụ trách phần chọn nhạc đã chọn lựa kỹ càng các bản nhạc được ca sĩ trình diễn. Tôi biết cá tính lãng mạn, đa tình và nhiều đam mê của thằng bạn mà sau này đã học văn khoa cho tới khi nhập ngũ. Sau các màn mở đầu đúng thủ tục mà các đêm văn nghệ trong lính đều phải qua, hàng loạt tiếng vỗ tay, hò hét, hú la vang rền doanh trại khi tiết mục mà mọi người mong đợi bắt đầu. Đó là những bản tình ca, bất kể của ai, của phe bên này hay của phe bên kia, bất kể phản chiến hoặc không phản chiến. Đó là cái lạ và cái độc đáo của miền nam trong cuộc chiến chống lại miền bắc. Nếu như thơ của Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần, Thâm Tâm, Quang Dũng bị cấm ở ngoài bắc thì nó lại được chính tôi và vô số người miền nam trân quí và gìn giữ. Nếu như nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn hay bất cứ loại nhạc nào không ca tụng đảng bị cấm ở miền bắc thì ngược lại ở miền nam, nó lại được mọi người nghe, say mê và thưởng thức. Ngay như nhạc của Trịnh Công Sơn bị chính quyền cấm hát trên đài phát thanh, nhưng lại được giới trẻ trong đó có lính nữa, nghe ở khắp mọi nơi. Chính quyền có ngăn cản song không thể ngăn cản dân chúng bày tỏ thái độ hay quan điểm chính trị của họ xuyên qua hình động nghe nhạc mà điển hình là lính. Lính, bất kể mọi màu áo đều thích nghe nhạc phản chiến, nói về chiến tranh. Đó là một điều lạ. Có thể nói một cách không ngoa tự do là sự khác biệt lớn lao nhất giữa hai miền nam bắc trong cuộc chiến tranh. Ở miền bắc bị cấm thì trong miền nam lại được phổ biến rộng rãi.
– Kính thưa quý vị… Để tiếp tục chương trình tôi xin hân hạnh giới thiệu một giọng ca mới song đầy triển vọng. Cô Hương Trà sẽ trình bày nhạc phẩm Tà Áo Tím của nhạc sĩ Hoàng Nguyên…
Vì là khách không được mời với lại đứng quá xa nên tôi không thể thấy rõ mặt mày, nhưng khi tiếng hát cất lên thì xúc động oà vỡ trong hồn tôi. Trong ánh trăng bàng bạc màu trắng huyền hoặc, tà áo tím của ai kia bay bay trong gió đêm thổi về từ sông Tiền. Tiếng hát là tiếng hát của lòng tôi, tà áo tím là tà áo mà bấy lâu nay tôi mãi ngóng tìm. Tôi nghe nhịp tiếng guốc gõ lốc cốc trên con lộ mỗi buổi sáng đi học. Ánh mắt nhìn. Khuôn mặt. Thân vóc mảnh mai, dịu dàng mà tôi thầm lặng theo sau nhìn ngắm để mỗi ngày ăn sâu vào nỗi đam mê trầm lắng của cậu học trò vấn vương mà không hề nói. Đam mê thầm lặng như xoáy sâu vào tâm khảm hình thành nỗi nhớ đoài đoạn trong đêm trăn trở nghe tiếng súng nổ vu vơ. ”… Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương … Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy… Màu áo tím hôm nào tình quyến luyến ban đầu…Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao… Mong một tà áo, một tà áo qua đường… Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương…”. Như bị tiếng hát cuốn hút tôi nhìn lên sân khấu. Vóc dáng thật quen. Tà áo dài mường tượng như tà áo năm nào của ” cô áo tím” thời còn cắp sách. Màu tím mơ hồ như màu tím tôi mơ, ngóng tìm trên bước đường chinh chiến bao năm qua… Để rồi chiều chiều tôi đi bên dòng Hương Giang… Mong tìm lại tà áo ấy, màu áo tím nay thấy đâu… Người áo tím nay thấy đâu, dòng nước vẫn trôi cuốn mau… Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn… Người áo tím qua cầu và áo tím phai mau… Mấy năm như một thoáng giây… Tôi thường tự hỏi ” cô áo tím ” bây giờ ở đâu? ra sao? làm gì? yêu ai? chồng con chưa? làm sao gặp lại? gặp lại để làm gì? Hoạ chăng chỉ còn màu áo tím chưa phai mờ trong trí tưởng. Sau khi thấy tà áo dài màu tím trên sân khấu cũng như nghe bản nhạc Tà Áo Tím tôi hầu như không còn chú ý tới buổi trình diễn nữa tới lúc Chiến xuất hiện.
– Đi… lại đằng này… tao sẽ giới thiệu cho mày cô ca sĩ… Tao lăng xê mày dữ lắm nên ráng mà ăn nói nghen… đừng để mất mặt lính…
Chiến dặn dò và tôi ừ hử vì không còn lòng dạ nào. Tôi ngẩn người ra khi cô ca sĩ mà Chiến nói đứng trước mặt mình. Ôi… có thể nào chăng… Cô ca sĩ vừa hát Tà Áo Tím cũng chính là cô áo tím của tôi ngày xưa. Cũng áo dài tím buồn ngày xưa. Cũng ánh mắt ngày xưa thỉnh thoảng quay lại nhìn người con trai thầm lặng theo sau mỗi buổi sáng. Cũng nụ cười e ấp. Dù có đổi thay, cô áo tim vẫn còn nhiều dáng nét của ngày xưa.
– Anh là người theo tôi mỗi buổi sáng ngày xưa?
Cô áo tím cười e ấp hỏi. Tôi cười gượng.
– Cám ơn cô vẫn còn nhớ…
– Chưa lâu mà kể từ khi tôi và anh thôi học…
Bây giờ tôi mới nhận ra giọng nói mang chút gì âm hưởng như của Huế.
– Cô người Huế hả?
Cô áo tím cười thật tươi.
– Huế-Sài Gòn thì đúng hơn. Mẹ tôi Huế, ba tôi Sài Gòn mà tôi sinh ra ở Sài Gòn…
Tôi gật gù cười khen.
– Bởi vậy cô hát Tà Áo Tím hay tuyệt… hay hơn tất cả những ai tôi đã từng nghe qua. Giọng hát làm tôi thêm vấn vương tà áo tím…
Cô áo tím nhìn tôi. Tôi đọc trong mầu mắt đen của cô một cảm thông đan chen với trìu mến. Cô nói một câu mà tôi không biết nó thật hay là giả song lúc đó tôi cứ nghĩ là thật.
– Tôi nhớ tới anh lúc tôi hát Tà Áo Tím… Tôi nhớ lần ngồi cạnh anh trên chuyến xe buýt… Tôi nhớ những buổi sáng đứng bên này đường nhìn thấy anh đón xe…
Nhiều thắc mắc đè nặng tâm tư của tôi bỗng biến mất tiêu vì câu nói của cô áo tím.
– Anh đi lính lâu chưa?
– Gần 5 năm rồi… Cô đi hát lâu chưa…?
– Chừng ba năm… Tôi chỉ hát giúp vui chứ không chuyên nghiệp…
Tôi hiểu cái ý của cô áo tím. Đó cũng là cách của tôi. Mê văn chương nhưng tôi không có ý định dấn sâu vào thế giới của chữ nghĩa. Thích thì viết, còn không thích thì quẳng bút. Không muốn vì cơm áo mà phải viết. Câu chuyện kéo dài lan man. Có những điều tôi muốn nói mà không thể nói được vì nghĩ dường như không đúng lúc hoặc người đối thoại với mình cố né tránh không muốn nghe mình nói. Cuối cùng thì cũng phải chia tay. Hai người, không ai nói lời gặp lại, như biết và chấp nhận điều đã được định sẵn. Gặp gỡ và chia ly là chuyện thường trong đời sốnG
Từ ngày đó tôi không bao giờ gặp lại cô áo tím nhưng tà áo dài màu tím bay trong đêm trăng mờ cùng với tiếng hát ”… Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương … Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy… Màu áo tím hôm nào tình quyến luyến ban đầu…Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao… Mong một tà áo, một tà áo qua đường… Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương…”  làm tôi cứ ngóng hoài tà áo ai bay trong trí tưởng của mình.

chu sa lan

3 comments:

Quang Minh said...

Màu áo tím tôi mơ
Màu áo tím ngây thơ
Màu áo tím mong chờ
Nhưng rồi tình bơ vơ

Giờ đây soi gương thấy tóc nay màu trắng
Đàng sau lưa thưa, phía trước thì" sáng chói "
Chiều xuống vuốt tóc ngồi viết thơ ,thấy mấy cọng vẩn vơ, rớt trên bàn thẩn tnơ ...

Hi hi hi...

trường tôi said...

Anh Quang ui ! Tóc lưa thưa hả ?
Đừng lo đừng sợ đừng rầu
Tui mua tóc giả gửi liền cho anh kkk...thiệt là...tình mà ...
Kẻ vấn kế ha ha !!!

Quang Minh said...

Tóc giả hả? Hỏng được đâu , lỡ nó rớt xuống thì hỡi ơi , không biết đường mà trốn. Gửi thuốc mọc tóc đi
Người khoái trẻ