\
**************
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà văn Văn Quang, tác giả của khoảng 50 tiểu thuyết và ký sự nổi tiếng, một số đã được quay thành phim, vừa qua đời lúc 10 giờ 20 phút sáng Thứ Ba, 15 Tháng Ba, tại Sài Gòn, hưởng thọ 90 tuổi.
Theo cáo phó của gia đình, nhà văn Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh ngày 21 Tháng Chín năm 1933 tại Thái Bình, nguyên Trung Tá Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Tang lễ của nhà văn Văn Quang “sẽ được cử hành tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 16 Tháng Ba, sau đó, ngày 17 Tháng Ba, linh cữu sẽ được hỏa táng tại Trung Tâm Hỏa Táng Bình Hưng Hòa, Sài Gòn,” theo cáo phó.
Văn nghiệp của nhà văn Văn Quang trải dài từ năm 1953 khi Việt Nam chưa bị chia đôi theo Hiệp Định Genève đến tận những năm gần cuối đời, gồm cả truyện dài, truyện ngắn, ký sự.
Theo tạp chí Khởi Hành, hầu hết các tác phẩm của ông đều là những truyện dài đăng trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san xuất bản tại Sài Gòn vào những năm 1954-1975, khoảng trên dưới 50 cuốn, sau đó có 28 cuốn đã được xuất bản thành sách.
Ông được động viên vào khóa 4 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào Tháng Mười, năm 1953, tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy năm 1954, làm huấn luyện viên tại trường Commando từ Bãi Cháy đưa vào Nha Trang sau Hiệp Định Genève, sau đổi thành trường Biệt Động Đội.
Từ năm 1957 đến năm 1966, ông chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội và cũng là trưởng ban biên tập của các tờ báo trong quân đội miền Nam như bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, nguyệt san Phụng Sự, tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ.
Từ năm 1969 đến năm 1975 ông là quản đốc Đài Phát Thanh Quân Đội, và cấp bậc sau cùng là trung tá.
Tác phẩm đầu tay của ông là truyện dài “Tiếng Tơ Lòng” đăng trên nhật báo Thân Dân Hà Nội vào những tháng cuối năm 1953 và đầu 1954.
Tập truyện ngắn “Thùy Dương Trang” của ông do Lạc Việt xuất bản vào năm 1957.
Trong khi phục vụ trong quân đội, ông Văn Quang vẫn viết rất đều tay trong những năm thập niên 60 sang đầu thập niên 70. Văn chương ông gần gũi với thị hiếu độc giả của một xã hội vật vã trong cuộc chiến tranh ngày mỗi khốc liệt hơn nên rất được ưa chuộng.
Văn Quang cộng tác thường xuyên với hầu hết các nhật báo và tuần báo tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang và các tuần báo: Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San,…
Bốn tiểu thuyết của ông được quay thành phim là: Ngàn Năm Mây Bay (hãng phim Thái Lan, đạo diễn Hoàng Anh Tuấn) 1962; Chân Trời Tím (liên hiệp của 7 hãng phim, đạo diễn: Lê Hoàng Hoa) 1969; Đời Chưa Trang Điểm (hãng phim Giao Chỉ, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc) 1971; Tiếng Hát Học Trò (Alpha Film, đạo diễn Thái Thúc Nha) 1972.
Sau 30 Tháng Tư 1975, ông bị bắt cùng hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH đi “tù cải tạo” hơn 12 năm. Ra tù, Tháng Chín, 1987, ông quyết định không đi tỵ nạn theo diện HO, ở lại Việt Nam từ đó đến nay.
Có một thời gian ông về sống tại vùng Lộc Ninh, gần biên giới Cambodia, nhưng rồi quay lại Sài Gòn và cầm bút trở lại, viết từ tiểu thuyết đến ký sự đăng tải trên một số báo ở hải ngoại, trong đó có cả nhật báo Người Việt tại Orange County, California.
Hồi năm 2010, nhật báo Người Việt từng đăng tải lại truyện dài “Chân Trời Tím” của ông. Truyện này cũng được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia tái bản năm 2006.
Sau nhiều năm buông bút, ông viết trở lại năm 1990 với quyển “Ngã Tư Hoàng Hôn.” Loạt ký sự “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” được nhiều báo, đài phát thanh tại hải ngoại khai thác và rất được ưu ái đón nhận. (TN) [kn]
No comments:
Post a Comment