________________________
Tam Bách Đinh Bá Tâm
Đã ba mươi năm sống trên đất Mỹ, mỗi khi lái xe trên đường phố thanh bình êm ả, tôi lại nhớ đến thời kỳ phục vụ tại địa phương nơi quê nhà. Bởi những khi đi công tác tại các xã ấp kém an ninh, chúng tôi phải phóng xe thật nhanh để tránh nguy hiểm. Chẳng khác cảnh phi ngựa trong một bản nhạc Ngựa Phi Đường Xa của Văn Phụng.
Xuân Lộc là quận thứ ba trong đời công chức biệt phái của tôi. Đây là quận châu thành tỉnh Long Khánh. Quận có chín xã, phần lớn nằm dọc trên quốc lộ số 1, từ Gia Rai (dưới chân núi Chứa Chan) đến ngã ba Dầu Giây (giáp ranh tỉnh Biên Hoà). Ngoài những xã ở quanh Xuân Lộc, còn có những xã xa xôi, hiểm trở, với đồn điền cao su bát ngát.
Quận có chiếc Jeep Willys màu trắng dành cho Phó quận hành chánh sử dụng. Tài xế là một nghĩa quân biệt phái. Ban đêm anh trở về nhiệm vụ canh gác chi khu. Những khi lái xe đưa tôi đi công tác xã ấp, tôi thường mời anh ta ngồi ăn uống cùng bàn. Có lẽ do lối đối xử như thế, nên anh ta có cảm tình sâu đậm với tôi.
Vào một buổi sớm tinh sương ngày 9 tháng 4, 1975 bất thình lình VC nã hàng ngàn quả pháo đủ loại vào thành phố. Trận pháo kích kéo dài liên tiếp hàng giờ. Khi tiếng pháo kích tạm ngưng, tôi phóng xe vào văn phòng quận-nơi đây cũng là chi khu quân sự Xuân Lộc. Dọc hai bên đường, chợ búa, nhà cửa dân chúng bị trúng đạn, lửa cháy ngút trời. Khi xe đến Chi khu, tôi vội đi vào hầm viễn thông để theo dõi tin tức. Toà Hành chánh tỉnh bị pháo kích, các Trưởng ty đã di tản về Sài gòn. Chợ Xuân Lộc, nhà thờ toà Giám mục Xuân Lộc cũng bị pháo kích. Thiệt hại cơ sở vật chất của ta khá nhiều, nhưng bộ đội của chúng vẫn chưa lọt vào thành phố. Chỉ có vài chiếc xe bọc sắt T54 của VC liều lĩnh chạy vào khu chợ Xuân Lộc, bị quân ta bắn đứt dây xích, xác xe nằm ngổn ngang trước chợ.
Vài hôm sau, một chuyến máy bay Chinook chở hai tấn gạo từ Sài gòn đến tiếp tế cho đồng bào tại thị xã Xuân Lộc. Nạn nhân chiến cuộc gồm các giáo chức, cư dân thị xã cũng như đồng bào từ các xã ấp lân cận chạy về tị nạn. Tất cả các Trưởng chi, nhân viên hành chánh quận được huy động vào công tác cấp phát thực phẩm. Chiếc xeJeep Willys được dùng vào việc “tải lương” cho đồng bào chiến nạn. Tại mỗi địa điểm, công tác cấp phát thực phẩm diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ, địch lại pháo kích, chúng tôi lại di chuyển đến địa điểm mới. Tuy nhiên, các cán bộ hành chánh chúng tôi đã thi hành công tác cứu trợ một cách kiên trì anh dũng dưới làn mưa pháo của địch.
Mặt trận Xuân Lộc vẫn tiếp tục căng thẳng. Hàng ngày, chiến xa M48 và T54 vẫn quần thảo nhau trong khu rừng cao su quanh thị trấn. Pháo binh hai bên vẫn tiếp tục đấu khẩu, với hàng ngàn quả đạn đại pháo. Ban đêm, phản lực cơ F5E từ phi trường Biên Hòa, oanh tạc cơ khổng lồ C130 từ phi trường Tân Sơn Nhất bay đến oanh tạc vị trí địch quân chung quanh thị trấn Xuân Lộc. Theo tuần báo Newsweek tháng Tư năm 1975, đây là “Trận Chiến Cuối Cùng” (The Last Battle) của cuộc chiến Việt Nam- một trận chiến dữ dội với nhiều đơn vị quân đội VNCH, nhiều xe tăng, đại pháo; với sự yểm trợ của không quân từ căn cứ Biên Hoà và Tân Sơn Nhất…Trận chiến ấy kéo dài suốt mười hai ngày đêm.
Thế rồi lệnh rút bỏ Xuân Lộc bất ngờ được thông báo, trong khi các đơn vị tại mặt trận Xuân Lộc vẫn còn giữ vững vị trí chiến đấu. Chúng tôi tiếp nhận tin này trong cuộc họp tại Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 18 vào trưa 20-4-1975 , với tâm trạng ngạc nhiên và đau lòng. Cuộc di tản bắt đầu ngay chiều tối hôm ấy. Tất cả các lực lượng tham chiến của quân đội VNCH tại mặt trận Xuân Lộc rút lui theo đúng kế hoạch, với đội ngũ trật tự. Lộ trình rút lui thật bất ngờ, từ ngã ba Long Giao, theo Liên Tỉnh lộ 2 di tản về Phước Tuy, qua mật khu Bình Giã của VC.
Theo chương trình, đến 12 giờ đêm, Tiểu khu Long Khánh và Chi khu Xuân Lộc bắt đầu di chuyển. Thiếu tá Quận trưởng và tôi cùng các Sỹ quan Chi khu, các Trưởng Chi Quận Xuân Lộc di chuyển trên hai xe với đầy đủ vũ khí cá nhân. Trên Liên Tỉnh lộ 2, đồng bào lũ lượt gồng gánh, bế bồng nhau theo chân người lính di tản. Cả một quanh cảnh bi hùng diễn ra trong đêm tối. Một dòng quân xa, chen lẫn bộ binh, dân chúng … âm thầm lặng lẽ di chuyển dưới ánh sao đêm! Không một ánh đèn, không một tiếng động ồn ào, hỗn loạn! Trong quanh cảnh âm u quạnh quẽ đó, chỉ nghe tiếng rì rầm của quân xa, tiếng cót két của xe tăng M48 hộ tống đoàn di tản. Thỉnh thoảng chỉ thấy ánh lửa pháo kích của địch lóe lên, có bóng người ngã xuống.
Tại nhiều khúc quanh ở Cẩm Mỹ, người bộ hành di tản lạc lối, rơi xuống hố bên đường. Trung tá Lê Quang Định, Tiểu khu phó Tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương vì đạn B40 của Cộng quân. Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng bị địch bắt. Người tài xế xe quận Xuân Lộc, vừa căng mắt điều khiển “con chiến mã” Jeep Willys trong đêm mờ tối, vừa lẩm nhẩm cầu nguyện…
Tôi nhìn lên bầu trời, chiếc trực thăng chớp đèn vần vũ trên đoàn di tản. Lúc bấy giờ tôi yên tâm nghĩ rằng Thiếu tướng Lê Minh Đảo chỉ huy Sư đoàn 18 đã theo dõi , yểm trợ tinh thần chúng tôi. Nhưng sau này tôi mới biết tướng Lê Minh Đảo đã từ chối ngồi trực thăng. Vị tướng can trường ấy đã ngồi trên “con chiến mã” - chiếc xe Jeep nhà binh của ông-cùng di tản bằng đường bộ với quân dân cán chính .
Đến sáu giờ sáng ngày 21-4-75 đoàn di tản đến ranh giới tỉnh Phước Tuy. Vừa trông thấy lá cờ vàng phất phới trên nóc đồn Nghĩa quân Bà Rịa, mọi người đều vui mừng đến tuôn tràn nước mắt! Những chiếc nón sắt tung lên trời, những tiếng reo hò mừng vui vang lên trong buổi bình minh nơi vùng đất an toàn, sau một đêm dài căng thẳng và chết chóc!
****
Sáng ngày 21-4, các đơn vị di tản khỏi mặt trận Xuân Lộc rút về Phước Tuy, rồi từ đó đi tăng cường các mặt trận khác tại Vùng Ba Chiến thuật. Nhóm di tản thuộc bộ phận Hành chánh quận Xuân Lộc di chuyển tiếp đến trại tạm cư Long Thành để lo ổn định nơi ăn chốn ở cho đồng bào chiến nạn. Đến trưa chúng tôi về tới Sài gòn. Tôi lái “con chiến mã” Jeep Willys còn bám bùn đất ngụy trang, đưa các nhân viên hành chánh và người tài xế thân tín đến bến xe buýt chợ Bến Thành. Nơi đây thầy trò lưu luyến chia tay nhau . Để rồi từ đó đến nay, đã gần năm mươi mùa Xuân trôi qua, tôi không gặp lại những nhân viên đã đồng cam cộng khổ trong những ngày Xuân Lộc bị vây hãm.
Tôi lái chiếc Jeep Willys về nhà, đậu trước cổng. Lúc này địch quân bắt đầu kéo về gần thủ đô. Ban đêm vang ầm tiếng pháo kích. Thế rồi, trưa ngày 30 tháng Tư – ngày đen tối nhất của nhân dân Miền Nam Việt Nam – quân CS Bắc Việt tiến chiếm Sài gòn, buộc Tân Tổng Thống Dương Văn Minh lên đài phát thanh Sài gòn kêu gọi quân đội VNCH buông súng!
Một người dân gần nhà tôi, cánh tay mang băng đỏ, đến gặp tôi và chỉ chiếc Jeep Willys, hạch hỏi:
-Xe này của anh phải không ?
Tôi nhìn “tên cách mạng giờ thứ 25”, nghiêm giọng đáp:
- Tôi là công chức tỉnh lẻ, làm gì có tiền mua xe riêng. Đây là công xa của quận Xuân Lộc do tôi lái về hồi tuần trước, chắc anh đã biết?
Hắn nhìn tôi, giọng kẻ cả:
- Anh phải sớm đem xe giao nộp cho “chính quyền cách mạng”, nếu không sẽ bị “xử lý nghiêm khắc” đó nhé!
Tôi buồn bã nhìn chiếc công xa quen thuộc, thân thiết với tôi trong những lần đi công tác các xa xôi, nguy hiểm. Nó cũng là “con chiến mã” mang chúng tôi ra khỏi mặt trận Xuân Lộc, dưới những đợt pháo kích của quân thù.
****
Vào một buổi chiều tháng năm, sau ngày Sài gòn thay ngôi đổi chủ, tôi lang thang trên đường phố Lê Lợi, lòng buồn vô hạn. Trong khi lơ đãng nhìn khách bộ hành cùng xe cộ di chuyển trên đường phố, tôi bỗng nghe tiếng còi xe quen thuộc. Quay lại, tôi nhận ra chiếc Jeep Willys màu trắng đã giao nộp cho “chính quyền cách mạng” vào tuần trước. Trên xe, một “chú bộ đội ” đang ngồi cầm lái. Với mũ cối màu cứt ngựa, chiếc “xà cột” lủng lẳng trên vai gầy nhom, người lái xe bóp còi inh ỏi. Tiếng còi vang vang chẳng khác tiếng kêu la thất thanh của một thiếu nữ bị kẻ gian bắt cóc lôi đi. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh tương phản giữa chiếc xe Jeep màu trắng với “chú bộ đội” lái xe đen điu gầy còm. Chính hắn giờ đây là một trong những “kẻ thắng cuộc”, từ rừng núi Trường Sơn về “giải phóng Sài gòn”. Xe chạy xa dần, tôi nhìn theo chiếc Jeep Willys thân yêu của chúng tôi . Đó là “con chiến mã” đã từng vượt qua lửa đạn tại mặt trận Xuân Lộc, đã đưa chúng tôi di tản về Sài gòn an toàn.
Sách Tàu ngày xưa có câu “Trượng Phu Thiên Lý Chí Cách Mã” (Đấng trượng phu nơi ngàn dặm sa trường, lấy da ngựa bọc thây). Tôi chỉ là một công chức cấp quận ở một tỉnh nhỏ, muốn đem tài hèn sức mọn ra phụng sự đất nước trong thời binh lửa. Cuối cuộc chiến, tôi và “con chiến mã” Jeep Willys cùng anh em đồng sự hành chánh Quận đã không “bỏ thây nơi chiến địa”tại mặt trận Xuân Lộc. Nhưng khi cuộc chiến tàn, tôi đành giao nộp nó cho “kẻ thắng cuộc”! Kể từ tháng Tư oan nghiệt đó, quân nhân các cấp thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải “giã từ vũ khí”, cam chịu nỗi uất hận của “kẻ thua cuộc”. Tuy nhiên, cái cảm giác khi phải “giã biệt chiến mã” Jeep Willys đã khiến tôi đau buồn không kém!
Đã ba mươi mùa thu qua trong cuộc đời tỵ nạn, mỗi khi trông thấy một chiếc Jeep Willys chạy trên đường phố Mỹ, tôi ngắm nhìn mãi và nhớ lại tiếng còi xe năm xưa ở quê nhà. Đó là tiếng hí ai oán của “con chiến mã” Jeep Willys khi phải từ biệt chúng tôi để phục vụ cho “kẻ thắng cuộc”! Tôi chợt nhớ đến những vần thơ của Song Nhị sáng tác trong trại tù CS ở Thanh Hóa năm 1979:
…Bao giờ thiên hạ gặp lại nhau
Mở hội mà vui đến nghẹn ngào
Ai hát bài ca buồn chiến mã
Tiếng hờn còn vọng đến nghìn sau. (Trích : Tiếng Hờn Chiến Mã của Song Nhị)
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment