_________________________________________
Tam Bách Đinh Bá Tâm
Vào một buổi chiều cuối năm, Tân đến Sở Xã Hội Anaheim theo lịch trình hẹn trước. Phòng chờ đợi của Sở Xã Hội hôm nay khá đông; với một số ít người cao niên da trắng, tóc nhạt màu; một số khác đông hơn, gồm cả nam nữ, già trẻ với dáng dấp cao lớn, mũi cao, da đậm màu. Họ ríu rít nói chuyện với nhau, vui tươi như những cánh chim xa xứ tụ họp nơi “đất lành chim đậu” này. Giữa những mái tóc nâu, vàng, đen sậm, muối tiêu, bạc trắng…nổi bật một mái tóc đen, dài của một thiếu phụ có khuôn mặt Á Đông, ngồi ở hàng ghế đối diện với Tân. Nét mặt của người đàn bà gợi lại trong tiềm thức anh một kỷ niệm xa xăm. Nơi xứ sở xa lạ này, nhìn một người da vàng tóc đen chưa biết chắc họ là người Nam Hàn, Trung Hoa hay Thái Lan, thì nhìn người đàn bà ngồi trước mặt Tân làm sao biết chắc là một đồng hương gốc Việt?
Đang miên
man suy nghĩ, Tân để rơi bao thư đựng giấy tờ xuống nền nhà. Anh cúi xuống nhặt
những tờ giấy rơi vãi. Bỗng nhiên anh nghe một giọng nữ nhỏ nhẹ, rõ ràng bằng
tiếng Việt, mà đã lâu anh ít nghe thấy ở thành phố này:
-Chú ơi! Còn một tờ giấy của chú rơi
dưới ghế nữa kìa!
Tân
nhìn xuống chiếc ghế trống bên cạnh. Quả tình tờ giấy lạc loài kia khi rơi xuống đất đã ẩn mình vào nơi kín
đáo khiến người chủ không nhìn thấy. Tân cúi mình lượm tờ giấy bỏ vào bao thư, rồi
bước đến ngồi cạnh nàng để ngỏ lời cám ơn. Nhìn khuôn mặt ở khoảng cách gần,
Tân nhận thấy người thiếu phụ đồng hương có những nét khá quen thuộc. Anh nhìn
nàng nói:
-Xin cám ơn cô. Tôi là Tân. Trông cô
quen quá mà nghĩ mãi không nhớ tên?
Thiếu phụ nhìn anh, nét vui mừng hiện
lên khuôn mặt u buồn của nàng khi nàng cất tiếng:
-Ô! Chú Tân
đây phải không ạ? Cháu là Lệ, thư ký xã Đồng Tâm năm xưa, chú còn nhớ không? Khi
nãy cháu nhìn chú thấy quen quen. Nhưng đã lâu không gặp, cháu không nhận ra
chú. Gần năm mươi năm rồi còn gì? Bây giờ chú ở đâu?
Tân chưa kịp trả lời, chưa kịp thăm
hỏi thêm, bỗng có tiếng gọi tên nàng, cắt ngang niềm vui “tha hương ngộ cố tri”
của hai người. Từ cánh cửa phòng hé mở, một Cán sự Xã hội đang cầm
tập hồ sơ, gọi tên nàng. Cô Lệ chỉ kịp
nói vội một câu trước khi đứng lên bước vào phòng làm việc:
-Cháu vào làm giấy tờ, xong sẽ quay
ra thưa chuyện với chú. Chú chờ cháu nhé…
Tân nhìn theo cô cựu Thư ký xã mà đã
lâu lắm anh chưa có dịp tái ngộ. Cơ may nào đã đưa đẩy cô từ Việt nam sang đất Mỹ ? Để chiều hôm
nay Tân gặp lại nàng trong khoảnh khắc nơi đây, nơi thành phố ít người đồng
hương gốc Việt cư ngụ này?
* * *
Khoảng năm
1970, sau gần hai năm phục vụ tại một quận sát biên giới Việt Miên, Tân về làm
việc tại quận “đá ba chồng” nằm trên đường Sài gòn – Đà Lạt. Quận có ba xã,
trong đó xã Đồng Tâm là xã lưu vong. Xã này nằm bên sông La Ngà, ruộng lúa tốt
tươi, dưới sông có nhiều tôm cá. Nhưng đây là vùng mất an ninh, địch quân thường
đánh phá, nên cán bộ, viên chức Xã Ấp và một số lớn đồng bào phải di chuyển ra
quận lỵ. Ông Xã trưởng mua một căn nhà ở
quận lỵ và đặt Văn phòng Ủy Ban Xã tại
nhà ông. Văn phòng thường chỉ có hai người làm việc: ông Xã trưởng, lớn tuổi,
điềm đạm, có uy tín với dân chúng; cô Thư ký trẻ tuổi, duyên dáng và xinh đẹp-
cháu của ông. Thường ngày, cô Thư ký mang giấy tờ của Xã vào văn phòng Quận để
duyệt ký. Nhưng vào một buổi chiều khá muộn, cô đem chúng đến nhà riêng của Phó
quận, lấy lý do văn phòng Quận đã đóng cửa.
Hôm ấy, Tân vừa rời văn phòng, về
căn nhà gỗ của mình để nghỉ ngơi, sau một ngày đi công tác xa. Tắm rửa xong,
anh thoải mái nằm xem tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Giao trong quyển Hải Âu
Phi Xứ. Bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tân ra mở, đã thấy cô Lệ, Thư ký xã Đồng
Tâm ôm tập giấy tờ đứng chờ. Cô cúi đầu chào và xin phép vào trong. Tân nhìn cô
gái trẻ, thắc mắc về mục đích cô đến gặp hôm nay, vào một thời khắc muộn màng
thế này. Cô cúi mặt tránh ánh mắt nghiêm nghị của Tân, bước nhanh vào nhà. Đoạn đặt mớ giấy tờ lên bàn, giải thích:
-Dạ, bác Xã trường bảo cháu trình Quận
hồ sơ này. Chiều hôm nay cháu bận nhiều việc nên khi đến văn phòng Quận thì đã
hết giờ làm việc. Nhờ Ông duyệt ký kẻo trễ nãi, bác Xã trưởng sẽ khiển trách
cháu mất!
Thấy cô Thư ký lo lắng đứng chờ, Tân
mời ngồi và nhỏ nhẹ trách :
- Lần sau có việc gì cần gấp, cô cố
gắng đến sớm trước khi văn phòng Quận đóng cửa, nhé! Ngoài giờ làm việc, cô đến
gặp tôi chiều tối thế này không tiện đâu!
Cô Lệ cúi đầu lắng nghe, nhưng vẫn
ngồi nán lại, chưa chịu ra về. Bên ngoài nắng chiều đã tắt, hoàng hôn bắt đầu
bao phủ thị trấn nhỏ bé này. Tân trao giấy tờ đã duyệt ký cho cô, ôn tồn nói:
-Cô lo công việc thế này là chu đáo
lắm. Bây giờ tôi phải chuẩn bị ăn cơm chiều để còn vào Chi khu nghỉ đêm chứ!
Chào cô nhé!
Cô gái đứng lên cúi chào, mang xấp
giấy tờ bước ra cửa. Anh nhìn theo dáng cao gầy của cô khuất dần ngoài vòng
rào, trong lòng bỗng dấy lên niềm trắc ẩn.
Anh ân hận về thái độ cứng rắn khô khan của mình với cô Thư ký xã vừa rồi.
* * *
Hồi
ấy trường Trung học của quận “đá ba chồng” có một thầy giáo trẻ tên Tú, dáng
người gầy, thấp, nước da ngăm đen. Thầy giáo này có lối nói chuyện vui vẻ, hoà
nhã. Ngoài giờ dạy học, thầy Tú thường lân la làm quen với các viên chức xã ấp
trong thị trấn. Đặc biệt, Tú thường đi uống cà phê với viên Đại úy Trưởng ban
An ninh Chi khu. Thỉnh thoảng người giáo viên này xin Hiệu trưởng nghỉ phép vài
ngày; khi trở về trông gầy gò, sạm nắng. Đồng nghiệp thắc mắc hỏi, Tú giải thích lý do:
vừa đi “nghỉ mát ở Vũng Tàu”! Nhưng người dân làm rẩy cho biết, có lần gặp thầy
Tú cắm cúi đi về phía bìa rừng, nơi thường
xuất hiện du kích VC!
Một hôm, Tân đến thăm ông Xã trưởng Đồng
Tâm. Khi dừng xe trước trụ sở Xã, anh thấy cô Thư ký Lệ đang ngồi nói chuyện với thầy
giáo Tú. Anh ta nhìn thấy Tân, vội đứng lên chào cô Lệ và bước ra ngoài. Thấy
thái độ lẩn tránh kỳ lạ, Tân ngạc nhiên. Trước đây, thỉnh thoảng anh gặp thầy
giáo Tú trong những lần đến thăm trường, nhưng không thấy anh ta có thái độ
tránh né như hôm nay. Tân đoán chắc hẳn Tú đến thăm cô Lệ vì chuyện tình cảm riêng
tư. Cô Lệ tự nhiên hơn, bước ra mời Tân
vào văn phòng chờ gặp ông Xã trưởng. Tân cho biết chỉ ghé thăm, rồi cáo từ ra về.
Vào một buổi chiều cuối tuần, cô Lệ
ghé vào gõ cửa căn nhà gỗ, xin vào thăm Tân vì cô “nghe tin Ông bị bệnh”! Quả
thật Tân bị cảm lạnh sau lần đi công tác Xã Ấp, dưới trời mưa. Cô Lệ mở giỏ quà,
đặt lên bàn vài quả cam, một gói trà và một gà
mên đựng cháo còn nóng hổi. Tân chưa kịp lên tiếng thì cô đã giải thích:
- Bác Xã trưởng bảo cháu mang quà đến
cho Ông vì nghe tin Ông bị ốm. Mời ông dùng ngay kẻo cháo bị nguội.
Anh
nhìn cô gái mỉm cười:
-Nhờ cô chuyển lời cám ơn bác Xã trưởng
và cám ơn cô lo lắng cho tôi. Tôi bị cảm nhẹ thôi, chẳng có gì đáng lo ngại.
Trong khi Tân thưởng thức mùi vị bát
cháo nóng với hành tiêu thơm ngát, cô Lệ ngồi gọt cam
và nói chuyện nho nhỏ, giọng bí mật:
-Ông biết thầy giáo Tú chứ ạ? Thầy ấy cứ hay đến
văn phòng Xã lúc không có bác Xã trưởng. Nhiều lần cứ tán tỉnh, rủ rê cháu cuối
tuần đi chơi xa, nhưng cháu đều từ chối. Có lúc khác thầy Tú hỏi cháu có “liên
hệ tình cảm” với Ông hay không mà thường hay đến nhà Ông quá vậy? Thầy ấy còn hỏi nhiều chi tiết về thói quen
sinh hoạt hàng ngày của Ông. Với tất cả những câu hỏi đó, cháu đều từ chối trả
lời. Bởi thực tế cháu có biết gì đâu? Nhưng cháu cũng xin báo để Ông đề phòng.
Nói xong, cô Lệ bước đến bên cửa sổ,
hé màn cửa sổ nhìn ra ngoài. Ánh nắng chiều phản chiếu từ những gộp đá cao bên
kia đường hắt vào nhà. Trong thoáng chốc đôi má và đôi môi cô thư ký Lệ ửng hồng
dưới nắng chiều.
* * *
Vào cuối năm 1971, tình hình anh
ninh tại thị trấn “đá ba chồng” căng thẳng. Tin tình báo cho biết địch tập
trung quân chuẩn bị đánh quận. Nhưng trái với dự đoán, chỉ có một toán nhỏ du
kích, nhân lúc tối trời, đã men theo khe đá sau Chi khu, lẻn vào đặt chất nổ ở
Văn Phòng Quận. Hôm đó là một đêm cuối tháng âm lịch, trời tối đen. Tân không đi kiểm tra Nhân Dân Tự Vệ, cũng
không đến nhà Xã trưởng tại quận lỵ để uống vài ly rượu tiêu sầu. Anh nhớ lại lời
cô Thư ký xã nói về thầy giáo Tú, nên cảnh giác với những hiểm nguy rình rập
trong thị trấn nhỏ bé nhưng phức tạp này. Như thường lệ, Tân vào Chi khu nghỉ qua
đêm. Đến khuya, đặc công VC lẻn vào đặt chất nổ làm sập văn phòng quận. Sáng sớm
hôm sau, dưới ánh bình minh, bày ra một quang cảnh đổ nát điêu tàn. Nơi Tân thường
ngồi làm việc, chỉ còn trỏng trơ chiếc ghế dựa bằng sắt ; chiếc bàn gỗ vỡ vụn,
nằm bẹp dí xuống sàn nhà. Các tủ đựng hồ sơ vỡ tung, giấy tờ vung vãi khắp nơi…
Sau
vụ đặc công VC ném chất nổ phá hoại Văn phòng Quận, thầy giáo Tú bỗng dưng biến
mất. Anh ta không đi “nghỉ mát Vũng Tàu” ngắn hạn cuối tuần như những lần trước,
mà biệt vô âm tín. Vào một buổi chiều, sau giờ tan sở, cô thư ký Lệ cầm tập hồ
sơ vào gõ cửa căn nhà gỗ xin vào gặp Phó quận. Vừa bước vào, cô đã kéo tấm màn
cửa sổ cho kín đáo, nói nhỏ giọng lo lắng:
-Cháu xin lỗi
đã đến làm phiền Ông vào giờ này. Cháu
chỉ xin báo thêm tin tức về thầy Tú trong vài phút rồi cháu về ngay. Cả tuần
nay cháu không thấy bóng dáng ông ta đâu cả. Trước hôm VC đặt chất nổ, ông ta
có ghé văn phòng Xã hỏi cháu có muốn đi Vũng Tàu nghỉ mát với ông ta không? Nếu
cháu ham vui và nghe theo ông ta, chắc “ra đi không ngày về” quá! Xin Ông cẩn thận kẻo thầy giáo Tú lại dẫn du kích VC lẻn
về ám hại Ông .
Sáu tháng
sau, Tân thuyên chuyển về phục vụ quận Xuân Lộc tại tỉnh lỵ. Từ đó anh không có
dịp gặp cô Lệ, người nữ thư ký xã Đồng Tâm đã không quản ngại hiểm nguy, đã đến
thông báo tin tức về hành vi đáng ngờ của thầy giáo Tú.
Đầu tháng 3
năm 1975, địch quân tấn công quận “đá ba chồng”. Sau bốn ngày chống trả mãnh liệt,
sáng 18-3 Chi khu thất thủ. Sau đó, bọn VC nằm vùng, những kẻ trốn theo VC trước
đây, bắt đầu lùng sục tìm bắt các viên chức xã ấp. Người cựu giáo viên tên Tú
mang băng đỏ đến bắt cô Lệ dẫn đi. Từ đó, không tìm đâu thấy bóng dáng cô Lệ ở
quận “đá ba chồng”.
* * *
Khi Tân xong
công việc ở sở Xã Hội Anaheim thì trời đã về chiều. Phòng chờ đợi sắp đóng cửa
nên vắng ngắt vì hầu hết đã ra về, trong số đó có cô Lệ ! Sau gần năm mươi năm
bặt tin nàng, hôm nay Tân lại gặp lại người nữ thư ký xã Đồng Tâm năm xưa, ở một
nơi cách quê nhà nửa vòng trái đất. Nếu ngày xưa, thầy giáo Tú theo chân VC về
tìm bắt cô Lệ để trả mối hận tình, thì hôm nay Tân chỉ mong gặp lại cô cựu thư
ký xã để thăm hỏi và cám ơn, dù chỉ một lời cám ơn muộn màng !
Thế nhưng,
sau khoảnh khắc bất ngờ Tân gặp lại “người xưa”, thì người ấy “chợt đến chợt đi
không báo trước”-như câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Ngày xưa, bất chợt vào buổi
hoàng hôn cô Lệ đến gặp Tân, khiến anh thật sự e ngại. Bởi nơi quận “đá ba chồng”
kém an ninh, quy tụ những kẻ tứ phương đến hành nghề “phá sơn lâm”, thì sự nghi
ngờ của Tân không phải vô căn cứ! Nhưng sau những lần cô thư ký xã đã mật báo về
những hành vi của người giáo viên VC nằm
vùng tên Tú, Tân đã thấy rõ tấm lòng trong sáng, quả cảm của cô. Tân chưa có một
dịp thuận tiện nào để cám ơn cô, thì anh đã thuyên chuyển đi quận khác. Sau ngày
mất nước, anh đi tù CS, và cuối cùng anh đi tỵ nạn nơi miền đất Tự do bên kia
Thái Bình Dương xa xôi vạn dặm. Từ đó anh không còn gặp lại người nữ thư ký xã
tốt bụng ấy nữa. Cho đến hôm nay…
Tân buồn bã lên xe ra về. Trên bầu trời cao, có
tiếng vạc kêu vang áo não trong buổi hoàng hôn. Năm xưa khi còn làm việc ở quận
“đá ba chồng”, một buổi chiều sắp tối, cô
Lệ đến báo vài tin tức đáng ngờ về thầy giáo Tú. Nắng chiều hôm ấy làm ửng hồng đôi má, đôi môi
của cô Lệ, trông xinh đẹp như một bức tranh. Nay thì tất cả hình bóng ấy, như cánh
chim đã bay xa rồi. Bởi cô như “cánh hồng bay bổng tuyệt vời”, chỉ để lại niềm nuối
tiếc trong lòng Tân. Anh như nghe đâu đây có tiếng ca truyền cảm của Lệ Thu trong
bản Như Cánh Vạc Bay của Trịnh Công Sơn:
Nắng có hồng bằng đôi môi em?
Mưa có buồn bằng đôi mắt em?
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh….
…Nắng có còn
hờn ghen môi em?
Mưa có còn buồn trong mắt trong?
Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng.
2 comments:
Cánh nhạn xa vời khuất bóng
Bên trời phiêu lãng nhớ nhung
Quê nhà ngậm ngùi bỏ lại
Biết bao thương nhớ ngập lòng
Ngày xưa vẫn còn đâu đó
Kỷ niệm đâu dễ xoá nhoà
Ôi chao: một trời ký ức
Còn đầy trong cõi lòng ai
Nhan đã xa rời tâm viễn du
Chiều mưa trời nhạt bóng sương mù
Hương quê gót lạnh hồn du thủ
Thương quá trời xưa cánh hải âu
Ngày xưa âu yếm tình sương khói
Kỷ niệm làm chi để nhớ hoài
Ôi chao muà cũ bàn tay ấm
Còn đầy trong mắt giọt long lanh
Post a Comment