_______________________________
Tam Bách Đinh BáTâm,
*Kính dâng hương linh Mẹ hiền,cô giáo kính yêu của con".
Mẹ ngồi yên lặng mơ màng nhìn ra vườn hoa. Ánh nắng dịu dàng cuối thu soi sáng thân hình Mẹ quắc thước, dáng gầy gầy, mái tóc bạc phơ của. Mẹ ngồi thẳng người trên chiếc ghế làm bằng phiến gỗ đại thụ, phẳng mặt và bóng láng. Ánh nắng chiều lấp lánh trong đôi mắt trần, nơi đôi môi mỉm cười. Quấn quít quanh đôi vai gầy, chiếc khăn choàng lụa bay lượn theo gió chiều, uốn khúc dịu dàng như cánh bướm chập chùng, như niềm hạnh phúc dâng cao từ khuôn mặt dịu hiền và tươi vui của Mẹ.
Tấm ảnh của Mẹ chụp tại khu du lịch Bình Quới - một địa điểm du lịch ở Thanh Đa, thuộc quận Bình Thạnh, Sài gòn, trong dịp tôi về dự lễ thượng thọ chín mươi tuổi của Mẹ, năm 2002. Gia đình chúng tôi đưa Mẹ đến địa điểm này vì nơi đây có khung cảnh làng quê thanh tịnh, cỏ xanh tươi mát, thức ăn có hương vị dân dã, mộc mạc. Đó là những đặc điểm thích hợp với sở thích cũng như tính tình của Mẹ.
Ảnh chụp phỏng theo bức hoạ “Nụ Hôn Của Gió” ( A Kiss of The Wind) của một họa sĩ người Việt, được trao tặng huy chương vàng Áo Quốc năm 1999. Người mẫu - cô gái trẻ trong bức hoạ đang tươi cười, mái tóc bồng bềnh tung bay, như đón nhận nụ hôn của gió. Mắt cô hướng nhìn về tương lai. Còn Mẹ trong tấm ảnh, như đang trầm tư hoài niệm về quá khứ đời mình, đã gần một thế kỷ. Bởi trong quá khứ dài đằng đẵng ấy, có khoảng mười năm gian khổ nhưng Mẹ vẫn cố gắng mỉm cười, nụ cười cay đắng trước những gian lao, khốn khó của cuộc sống, của một giai đoạn lịch sử quá nhiều biến đổi đau thương .
*****
Mẹ nhớ lại những ngày đầu tiên bước chân vào đời, khoảng năm 1930 . Đó là năm của khủng hoảng kinh tế thế giới, của biểu tình chống xâu thuế, của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Việt Nam. Người thiếu nữ vừa tốt nghiệp Trung học tại Collège Đồng Khánh-Huế, khi bắt đầu bước vào đời, với hành trang là chiếc rương gỗ, với một số kiến thức sư phạm. Cô sớm chia tay với cha mẹ, giã từ ngôi nhà êm ấm ở Phù Mỹ, Bình Định, đến dạy học ở mãi tận miền cao nguyên Trung kỳ, cách nhà non trăm cây số. Cô thiếu nữ ấy còn quá trẻ, đã mất ngủ bao đêm bởi lo sợ những hiểm nguy của núi rừng, của đạo tặc, của cảnh âm u kỳ bí đầy đe doạ nơi chốn sơn lâm. Tuy xuất thân từ một gia đình khá giả ở vùng quê, nhưng cô thiếu nữ ấy đã sớm có tinh thần tự lập. Hơn nửa đời người, cô vẫn luôn giữ vững tinh thần ấy; mặc bao vất vả, cô đơn; mặc bao thiếu thốn khổ đau trong cuộc sống.
Vào một ngày định mệnh của đời cô, dù đang nghỉ hè ở một làng xa tỉnh lỵ Quy Nhơn hơn năm mươi cây số, cô giáo trẻ đã đến tham dự buổi diễn thuyết về văn chương Việt Nam tại trường Collège Quy Nhơn. Tại đây cô đã găp diễn giả -một cựu học sinh của trường, ở cùng địa phương với cô. Chàng thanh niên trẻ tuổi hào hoa ấy vừa tốt nghiệp Trung học, và đang làm việc tại một tỉnh ở miền bắc Trung kỳ. Thế rồi, trong môi trường văn chương lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn, đôi thanh niên nam nữ tân học đã tìm thấy ở nhau hai tâm hồn đồng điệu, một lòng thương yêu cảm mến nhau.
Họ quen nhau, rồi yêu nhau và quyết định lập gia đình với nhau. Đôi uyên ương xin thuyên chuyển đến làm việc ở Sông Cầu, một thành phố phía nam quê nhà, không quá xa với quê hương của những nhà thơ trữ tình lãng mạn như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…Đứa con đầu lòng của Mẹ - người viết lại chuyện tình thơ mộng của đấng song thân- ra đời từ đó.
Cuộc cách mạng mùa thu năm 1945, lúc đầu đã lôi cuốn bao thanh niên, kể cả các giáo viên, công chức như Ông Bà đều tham gia. Họ cũng hăng hái đi biểu tình ủng hộ cách mạng, với băng đỏ quấn quanh tay áo, với những buổi hội họp liên miên. Tất cả chỉ để quyên tiền góp bạc, vòng vàng tư trang- với danh nghĩa ủng hộ cách mạng chống Pháp. Cơn bão cách mạng tháng Tám ấy kéo dài hơn một năm. Để rồi biến thành cơn hồng thủy với cuộc trường kỳ kháng chiến máu lửa- bắt đầu từ cuối năm 1946, khiến bao nhà cửa tiêu tan, ruộng vườn hoang phế, dân lành chết chóc.
Khi mặt trận miền Nam Trung Việt bị tan vỡ, Ông phải “sơ tán” theo cơ quan, Bà dắt díu các con trở về quê cũ. Rồi từ đó, Bà đi dạy học để nuôi đàn con thơ – vừa đảm nhiệm vai trò người cha; vừa là thầy giáo dạy dỗ đàn con; vừa là thầy thuốc trị bệnh các con đau ốm.
Bà nhớ lại cuộc sống của gia đình, cũng như người dân trong những năm “trường kỳ kháng chiến” chống Pháp, thật gian nan vất vả. Ban ngày máy bay địch đến bắn phá các khu chợ búa, trường học hay bất cứ nơi nào có đông người tụ họp. Bà phải vội dắt díu, bồng bế các con xuống hầm trú ẩn. Đó là những hầm được đào sâu xuống đất, mùa mưa chứa đầy nước với cóc nhái lội bì bõm. Bà phải chứng kiến cảnh nhà cháy, nạn nhân thương tích hay thương vong do máy bay Pháp oanh kích.
Trường học phải hoạt động vào ban đêm. Cho nên, mỗi tối Bà hướng dẫn các học sinh đến trường, soi đường với cây đèn tự chế bằng chai thuỷ tinh cắt đôi, thắp bằng dầu dừa hay dầu phộng. Ban ngày lo việc trồng rau, tưới vườn để gia đình có bữa cơm rau mắm đạm bạc. Chiều đến, tiếng loa thúc dục người dân tụ họp quanh chòi tre giữa làng -được gọi là “đài phát thanh”- để nghe “tin tức thắng lợi của bộ đội ta” chống “ bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ “.
Từ năm 1952, với chính sách “giảm biên chế” các cán bộ, giáo chức thuộc thành pần tiểu tư sản - không có đảng tịch- bị trù dập, sa thải. Cùng lúc ấy, phong trào tố cáo, bắt bớ những người bị tình nghi làm gián điệp cho Pháp, những thành phần “phản động”; phong trào đấu tố “địa chủ ác ôn” xảy ra nhanh chóng như vết dầu loang. Trong tình cảnh ấy, Bà và Ông lần lượt bị mất việc làm, đành về quê sinh sống bằng nghề nông. Cùng chồng và hai con trai ở tuổi mười ba và mười một, Bà cũng lăn xả vào công việc đồng án nặng nhọc. Tấm thân mảnh dẻ ốm yếu của cô giáo một thời, nay phải chịu giãi dầu mưa nắng để gieo mạ, cấy lúa, nhổ cỏ. Để rồi sau khi gặt hái, số thóc thu hoạch phải chịu đóng thuế Nông nghiệp gần hết. Cả gia đình phải ăn cháo, hoặc cơm độn khoai sắn, khiến gia đình phải chịu bữa đói bữa no!
Thế rồi Hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt quãng đời cùng khổ của Ông Bà, của những người dân có chút tư hữu đất đai, ruộng vườn. Và đó cũng là thời gian nghi kỵ, bắt bớ, thủ tiêu; hoặc ép buộc đi tập kết ra Bắc. Cho nên Ông phải vội trốn ra Huế, miền đất tự do mà từ lâu nhiều người bị kẹt trong vùng “kháng chiến Liên khu Năm” hằng mơ ước nhưng không dám thực hiện.
Ba tháng sau, Bà dắt díu các con, cùng người em tìm đường ra Huế sum họp cùng chồng. Và từ đó, Bà trở lại làm cô giáo- nghề nghiệp cao quý nhưng tổn hại sức khoẻ; tuy nhẹ nhàng nhưng thiếu trước hụt sau. Chỉ bởi đồng lương quá khiêm nhường. Cuộc sống mới nơi phố phường đã không ảnh hưởng đến bản tính khiêm tốn, an phận thủ thường của Bà. Trong những năm Ông tùng sự ở Bộ Ngoại giao tại Sài gòn, hầu như Bà rất ít khi theo Ông đến tham dự những buổi tiếp tân, những buổi tiệc do cơ quan tổ chức. Khác với cá tính của Ông, suốt đời Bà không có những đam mê vật chất, ước muốn riêng tư, ngoài mong muốn bồi đắp hạnh phúc gia đình.
****
Năm 1975 khởi đầu cho một trang sử “đổi đời”. Xã hội hoàn toàn bị đảo lộn. Riêng Ông Bà, sau ba mươi năm làm việc, tiền đóng góp vào Quỹ Hưu bổng bị “chính quyền cách mạng” hủy bỏ. Ông đã phải làm nghề dịch sách để có thêm lợi tức trong gia đình. Bà cũng giúp Ông chuyển dịch ra tiếng Việt những tiểu thuyết của Pháp nổi danh một thời mà nay nhiều độc giả vẫn còn hâm mộ. Về sau, vì tuổi già sức yếu, vì thức khuya dậy sớm để hoàn tất nhu cầu đặt hàng, nên ông đã bị bệnh trầm kha. Bà đã tự tay chăm nom cơm cháo, săn sóc ngày đêm như một y tá tại gia! Trước khi mất, Ông nắm tay Bà, nhìn Bà và rưng rưng nước mắt :
- Suốt đời tôi chỉ lo theo đuổi danh vọng, ít có thì giờ gần gũi chăm sóc Bà. Giờ đây, tất cả đều vô nghĩa, chỉ còn có Bà và các con ở bên tôi mà thôi!
Sau khi chôn cất chồng xong, Bà thuê thợ khắc một bảng đồng để đính vào mộ bia của Ông, với câu thơ của Lamartine - mà sinh thời Ông rất thích, như để tưởng nhớ đến mối tình thơ mộng của Ông và Bà đã hơn nửa thế kỷ qua:
Ô Temps! Suspends ton vol! (Thời gian hỡi, xin hãy dừng cánh lại!)
Bà còn là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi lớn lao của những người con trong trại tù “cải tạo”. Khác với những lá thư thường gửi cho thân nhân trong trại, rập theo khuôn mẫu đã được “học tập” trước, Bà đã gửi cho người con bị giam cầm nơi núi rừng miền Bắc, một lá thư ngắn nhưng thắm đậm tình mẫu tử:
Đêm nay Mẹ nằm trong chăn ấm, nghe mưa gió xào xạc ngoài cửa sổ. Mẹ nghĩ đến con, mà lòng thật giá buốt. Giờ này con đang ở đâu? Có được một tấm chăn đủ ấm không? Hay con phải chịu cảnh giá lạnh ở một láng trại trong núi rừng miền Bắc?
Hạnh phúc thay cho người con có Mẹ luôn thương yêu, lo lắng và cảm thông nỗi cô đơn, buồn khổ của người tù “cải tạo”! Người Mẹ cao cả, dồi dào tình mẫu tử ấy, suốt đời không nghĩ đến mình, không hề quan tâm đến ước muốn cá nhân mình. Có lần, con viết thư từ nước ngoài hỏi thăm sở thích của Mẹ. Bà trả lời vắn tắt: “Mẹ chẳng ước muốn gì cả, chỉ mong gặp mặt các con cháu mà thôi!”
Không! Mẹ không có những ước muốn riêng tư, những đam mê vật chất cá nhân, nhưng có tình thương bao la các con cháu. Mùa hè vừa qua, các con trong nước cũng như từ nước ngoài đã tụ tập về mừng sinh nhật chín mươi của Mẹ. Tất cả nay đã thành gia thất, đứng quanh Mẹ, để chụp tấm hình đại gia đình đông đảo. Họ như những nhánh phụ của một cây đại thụ, dẫu tăng trưởng cành lá sum sê, vẫn luôn quấn quýt bên nhau. Và trước cơn bão tố cuộc đời, họ cùng nhau chống chọi để bảo vệ thân cây. Để rồi khi mùa thu đến, bao lá úa đều rụng về cội -về gốc cây đại thụ.
****
Chiều xuống dần, nắng đã tắt từ lâu. Trong căn phòng mờ tối, Bà chợp mắt thiếp đi. Trong giấc mơ ngắn ngủi- ngắn ngủi như Giấc Mộng Hoàng Lương trong cổ thi Tàu- Bà mơ thấy Ông đứng bên cạnh mỉm cười. Rồi Ông vừa đàn vừa hát. Không phải những bài xưa như Nương Chiều, Sơn Nữ Ca, hay Bên Cầu Biên Giới… của thời “kháng chiến chống Pháp”. Nhưng hôm nay, Bà nghe một bản tình ca của nhạc sĩ Từ Công Phụng , bản Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên. Bà bỗng giật mình tỉnh giấc, ngơ ngác nhìn quanh như để tìm Ông. Nhưng Ông đâu còn nữa. Ông đã bỏ Bà ở lại cõi trần gian này, đi về bên kia thế giới từ lâu! Bà đến bên bàn thờ, đốt nén hương, thì thầm với Ông như khi Ông tại thế.
Từ phòng ngủ của người con trai trên lầu, tiếng nhạc vẫn dìu dặt vang lên:
Trên đỉnh yên bình,
Một mùa Xuân ôm kín khung trời
Của tuổi xuân thôi rã thôi rời...
Xin đừng làm bão tố đôi mươi
Để vòng tay khắc khoải ôm xuôi
Từng niềm vui bay theo biển gió...
Đã gần một thế kỷ trôi qua. Nhưng với Bà, hình như thời gian ấy thật ngắn, như giấc mộng Kê Vàng thoáng qua khi Bà chợp mắt. Những gian lao khổ nhọc mà Bà đã chịu đựng suốt thuở xuân thì, rồi cũng qua đi. Và giờ đây, trong những năm tháng bình lặng cuối đời, cơn gió mát của thiên nhiên như hôn lên mái tóc bạc trắng của Bà, nâng cao bay bổng tâm hồn bình an của bà. Bà như đang ở “trên đỉnh Yên Bình” của Mùa Xuân để đón nhận sự an vui, niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc sống cuối đời.
Tam Bách Đinh Bá Tâm
.
No comments:
Post a Comment