Tam Bách Đinh Bá Tâm
Hôm
ấy, một buổi chiều cuối tuần, Tân tản bộ trên con đường chính khu phố Little
Saigon mà tưởng như đang đi trên đường Lê Lợi của Sài Gòn năm xưa- thành phố mà
anh giã từ ra đi đã hơn hai mươi năm! Quanh anh, người đi phố toàn là những người
gốc Việt. Dọc hai bên đường phố, các bảng hiệu đều có bóng dáng chữ Việt chen lẫn
tiếng Anh. Và cơn “nắng quái chiều hôm” của một ngày cuối hạ khiến anh nhớ đến
buổi trưa hè oi bức ở Việt Nam. Có thể là một buổi trưa oi ả ở Sài Gòn. Cũng có
thể một ngày nắng cháy với gió lào khô khốc ở Quảng Trị. Hay một ngày hè với
“cái nóng nung người” ở Thanh Hoá. Đó là những năm tháng anh nằm trong căn nhà
tù chật ních, ngột ngạt hơi người nơi thung lũng thượng nguồn sông Mã. Và những
ngày hè, anh nghe quanh trại tiếng tre nứa nổ lốp bốp như tiếng bắp rang! Những
ngày tháng ấy, chân đạp sỏi đá, đầu đội nắng gió, nhưng chưa bao giờ anh thấy cần
một cặp kính mát như hôm nay!
Khi Tân bước vào cửa hàng mắt kính rộng
lớn, mát rượi, khi nắng vẫn chói chang bên ngoài. Anh đưa mắt nhìn lên tủ đựng
kính mát- với nhiều hàng hiệu thời trang thật đẹp - định mua một chiếc. Cô bán
hàng bước đến, đon đả chào anh:
-Dạ bác cần chi để cháu giúp ạ?
Tân đưa mắt nhìn cô gái. Đó là một
người đàn bà trẻ ở độ tuổi xuân thì, với khuôn mặt trắng trẻo, mái tóc cụp vào
đôi má như kiểu “mái tóc Sylvie” của thập niên 60 thế kỷ trước, đôi mắt hơi xếch,
miệng nhỏ, chúm chím đôi môi hồng. Thoạt trông cô như một thiếu nữ Nhật bản
trong các bức tranh cổ xứ Phù Tang.
-Chào cô. Tôi muốn mua một cặp kính
mát để đỡ chói nắng khi lái xe…
Theo
tay anh chỉ, cô gái mở tủ lấy cặp kính đậm màu đưa cho anh. Trong khi Tân mang
thử, phân vân, chọn lựa , cô bán hàng giới thiệu về những cặp mắt kính khác. Giọng
nói cô nhẹ nhàng, du dương. Tân nhìn cô, hỏi:
-Nghe giọng cô nói, hình như cô gốc
người Huế?
Cô gái cười, phô đôi hàm răng trắng
bóng:
-Dạ không! Cháu không phải là “O gái Huế” đâu! Cháu thuộc
“dân cá gỗ” đấy ạ!
Thấy anh tròn mắt ngạc nhiên vì cách
nói chuyện bộc trực của mình, cô gái cười bẽn lẽn nói tiếp:
-Bố mẹ cháu quê ở Nghệ An, di cư vào
Sài Gòn từ năm 1954. Mười lăm năm sau cháu mới ra đời. Nhưng cháu vẫn tự hào về
huyền thoại “cá gỗ” của quê hương bố mẹ ngày xưa…
Nghe cô gái nói chuyện lịch sự, cởi
mở, Tân thật vui. Vui như những chiều Thứ Bảy ở quê nhà, nghe giọng hát những
ca sĩ trong chương trình “nhạc yêu cầu” của đài phát thanh Sài Gòn năm xưa! Anh
nối tiếp câu chuyện cô gái vừa kể về lai lịch của mình:
-Còn tôi không được hân hạnh làm người
dân xứ Nghệ, nhưng tôi đã đi qua đó một lần rồi…
Cô gái tò mò nhìn Tân:
-Thế bác đã đi du lịch nơi đó à?
Thích quá nhỉ!
Anh lắc đầu, cười buồn:
-Tôi chưa bao giờ đi du lịch Miền Bắc.
Mà chỉ đi tù ở Miền Bắc thôi. Ngày trở về, xe lửa dừng lại ở ga Vinh, thuộc xứ
Nghệ quê cũ của cô đó!
Cô gái nhìn anh đăm chiêu, đôi mắt rớm
lệ:
-Cậu của cháu cũng đi “cải tạo”
ngoài Bắc. Nhưng không được may mắn như bác. Cậu đã mất trong trại trước khi được
tha về…
* * *
Những kỷ niệm đắng cay trong quá khứ
tưởng như đã lãng quên, nay lại trở về với Tân. Anh nhớ những năm tháng dài
trong trại tù bên bờ sông Mã. Cực nhọc và cay đắng. Nhớ mong và hy vọng! Nhưng
ngày trở về, anh chỉ thấy chút vui tươi với nhiều lo lắng, buồn đau ê chề!
Buổi sáng mùa đông năm ấy, anh và
hai mươi lăm bạn đồng cảnh may mắn được tha về. Mới vài ngày trước, đang khi lao động buổi chiều,
toàn trại được lệnh về sớm và tập trung tại sân chính giữa trại. Và khi người
cán bộ an ninh đọc tên những “học viên cải tạo được tha”, Tân nghe có tên anh.
Sau đó những người này tập trung ở biệt lập trong một phòng khác. Và rồi, những
trại viên vừa được tự do này phải hoàn trả quần áo có đóng dấu hai chữ CT cho
Trại. Nhìn những bộ quần áo bạc màu sờn
rách - có đóng dấu sau lưng như những con bò nuôi trong trang trại Viễn Tây Hoa
kỳ - được trút bỏ lại, chất thành đống trên chiếc chiếu chật hẹp cũ nát, Tân
không khỏi đau lòng. Bao năm qua, số phận mình cũng hẩm hiu như những bộ quần
áo sờn rách, chiếc chiếu mòn mõi kia sao?!
Nhận tờ Giấy Ra Trại sậm màu như một
tờ nhật trình cũ kỹ thời xưa, Tân bỏ vào chiếc túi xách của mình, cùng chăn mền,
quần áo mà bao năm qua chưa bao giờ dùng đến!
Mặt trời đã lên cao, Tân cùng
các bạn bước lên chiếc xe vận tải Molotova mà thường ngày chở cá mắm từ chợ huyện
lên tiếp tế cho trại. Anh đưa mắt nhìn toàn cảnh trại giam; nhìn xuống vườn rau
xanh trước cổng, nơi đó những người bạn tù đang uể oải cào cào xới xới những luống
rau mọc đầy cỏ dại… Họ gắng gượng làm việc, chịu đựng đói khổ, một ngày như mọi
ngày! Để rồi kết quả sự nhẫn nhục ấy là
một tờ giấy phóng thích; hay sẽ mãi mãi nằm lại trong lòng đất trên đồi Lim trên bờ sông Mã này?
Chiếc xe vận tải cũ kỹ của Nga ì ạch
lên đèo xuống dốc, hướng về nhà ga Thanh Hoá, chạy trên con đường mà năm năm
trước anh và các bạn đồng tù đã từng đi qua, từ cảng Hải Phòng đến trại tù này.
Đến nhà ga, mọi người phải chờ đợi chuyến “tàu Thống nhất” đi vào Sài Gòn. Tàu
sẽ khởi hành vào buổi chiều. Trước khi chiếc xe Molotova trở về trại trên bờ
sông Mã, tên cán bộ công an vẫy chào từ biệt những cựu tù mới được trả tự do. Hắn
nhe răng cười nói: “Khi nào có dịp vào Nam công tác, tôi sẽ ghé thăm các anh đấy
nhé”! Tân nhìn nụ cười của tên công an,
mà liên tưởng đến vẻ mặt lạnh lùng, ánh mắt soi mói, dữ dằn của những cán bộ
trong trại trước đây. Tân tự hỏi: những cái vẫy chào thân mật, nụ cười xã giao,
câu nhắn gởi “chân tình” của tên công an trẻ hôm nay…liệu có xoá được vết hằng cay đắng trong lòng những cựu
tù nhân như Tân không?
Trong khi chờ đợi chuyến tàu khởi
hành, Tân cùng các bạn đi ngắm cảnh thành phố tỉnh lỵ xứ Thanh. Nhìn những dãy chung cư đồng nhất một màu; rồi
bước vào những cửa hàng “bách hoá nhà nước” lèo tèo vài món đồ gia dụng, Tân thấy
biểu lộ sự nghèo nàn, lạc hậu của một xứ sở còn yếu kém về kinh tế! Tuy nhiên
khi đi trên đường phố, quang cảnh có vẻ khác lạ. Những mái tóc dài kiểu hippy của thập niên 50’; những đôi sabot của thanh thiếu niên Miền Nam trước
năm 1975; những kiểu quần áo tân thời đem từ Miền Nam ra…. xuất hiện khắp nơi
trên đường phố miền Bắc này.
Sau ngày đình chiến 1954, nhà thơ Trần
Dần từ chiến khu Việ Minh trở về “thủ đô Hà Nội” đã viết:
…Tôi bước đi,
Không thấy phố,
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ….
Và
gần ba thập niên sau, trên đường phố Thanh Hoá – nơi chốn mà từ năm 1945 người
dân đã thấy “mưa sa trên màu cờ đỏ”, Tân đi giữa đám thanh niên địa phương
trang phục “thời thượng” kiểu Sài Gòn trước năm 1975! Người cựu tù “cải tạo” Miền
Nam như Tân và các bạn vừa được phóng thích, thân hình gầy còm, đầu trần húi trọc,
chân mang dép lốp…cảm thấy xót xa, cay đắng trong lòng!
Buổi chiều, xe lửa bắt đầu chạy. Hai
mươi lăm “cựu tù cải tạo” ngồi ở một toa tàu riêng biệt. Vé tàu tập thể được
giao cho một người đại diện cầm giữ. Tàu chạy qua những cánh đồng lúa, mạ non vừa
mới cấy. Và trên những đám ruộng xanh um, thỉnh thoảng có những hố bom tròn, to
như những chiếc nong đựng lúa, nước sâu, xanh biếc…Tân đã nhìn những bố bom còn
lưu lại dấu vết chiến tranh, nằm dọc hai bên đường xe lửa. Anh phân vân tự hỏi:
người phi công rải thảm những trái bom ấy đã “ném sai mục tiêu”; hay người chiến
binh Mỹ muốn đem “lòng nhân đạo” vào cuộc chiến chống CS tại Miền Bắc Việt Nam
trước đây?
Xe lửa dừng lại Huế khá lâu. Lâu đủ
để Tân bước xuống sân ga, nhìn lại nơi mà anh và gia đình đã đến đây vào mùa
đông năm 1954, sau nửa tháng trốn chạy khỏi “vùng cờ đỏ” Liên khu 5 của Việt
Minh. Hôm nay, cũng tại sân ga này, anh ngồi xuống thưởng thức một tô bún bò Huế,
cảm thấy thật ngon miệng sau sáu năm bắt buộc phải sống “chay tịnh ”! Chẳng khác lối sống của người “quân tử ” trong “Hàn Nho
Phong Vị Phú” của Nguyễn Công Trứ:
“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người
quân tử ăn chẳng cầu no…” Thật ra, người tù “cải tạo” ở Việt Nam có lối sống
của người “quân tử tàu”, ăn chẳng cầu no (thực vô cầu bão), cũng không đúng! Bởi,
mỗi ngày trại viên chỉ được cung cấp hai bữa sắn ngô, với rau mắm. Và mỗi bữa,
khẩu phần theo tiêu chuẩn quá tiết kiệm; đến nỗi cái đói kéo dài bao năm tháng
đã làm người tù“cải tạo” chỉ còn da bọc xương, chết dần chết mòn …
Sau khi chui qua hầm đèo Hải Vân dài
hun hút, tối mịt, toả đầy khói bụi …tàu chạy qua bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng
Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đến Nha trang, tàu dừng lại hơi lâu. Đột nhiên, một
cô gái nhỏ bé, gầy ốm nhưng nhanh nhẹn; hai tay cô bé ôm một bao nhỏ, chạy đến
chỗ Tân ngồi. Trước khi anh tìm hiểu sự việc gì xảy ra, cô bé ấn nhanh chiếc
bao căng phồng dưới băng ghế của Tân, năn nỉ anh lấy hai chân che lại. Khi công an kinh tế đuổi theo, cô bé lại vụt chạy
xuống sân ga…Tên công an nhìn khắp toa tàu, chỉ thấy toàn là cựu tù “ cải tạo”,
bèn tiu nghỉu bỏ đi, truy đuổi tiếp những người “nhảy tàu” buôn lậu khác…
Một lát sau, cô bé quay lại xin lấy
chiếc bao dưới băng ghế của Tân. Hai tay cô bưng một chiếc nón chứa những ổ
bánh mì nho nhỏ…Cô bé nhìn Tân, rồi nhìn các bạn đồng cảnh ngồi gần anh, nhỏ nhẹ
nói :
-Cháu xin cám ơn các chú. Nếu chú
không giữ giùm chiếc bao, mấy ổng bắt được lấy hết gạo, chắc chiều nay cả nhà
cháu nhịn đói!
Cô bé lấy những chiếc bánh mì trong
nón ra mời Tân và các bạn của anh. Thấy anh ngần ngại không muốn nhận, cô bé
nói tiếp giọng xúc động:
-Thấy các chú, cháu nghĩ đến bố
cháu. Không biết bao giờ bố cháu mới được tha về? Cháu có vài ổ bánh mì, xin biếu
các chú ăn lấy thảo…
Theo lời cô bé, bố cô là một thẩm
phán toà án của tỉnh này trước năm 1975. Khi thành phố bị VC tràn vào, ông bị
chúng bắt và đưa đi “cải tạo” cho đến nay! Ở nhà gia đình quá túng quẫn, mẹ
không xin được việc làm, nên cô bé phải đi “nhảy tàu” buôn lậu những bao gạo
nho nhỏ. Đây là việc làm rất nguy hiểm
do tai nạn tàu hoả; cũng như dễ bị công an kinh tế bắt giữ và tịch thu “tang vật”,
mất vốn làm ăn…Nhưng nếu không làm thì cả nhà bốn miệng ăn sẽ bị đói meo!
Khi tàu vào đến địa phận Sài Gòn thì
trời đã về chiều. Còi tàu hú vang, chạy chậm lại và ngừng hẳn ở ga Bình Triệu,
ngoại ô thành phố. Tân bước xuống sân ga. Dưới ánh nắng chiều gay gắt, một
quang cảnh đông đúc, ồn ào, náo nhiệt chưa từng thấy. Cảnh chen lấn của những
người bán hàng rong. Cảnh tranh khách của những người đạp chiếc xích lô. Cảnh
tài xế taxi vây lấy khách vừa bước xuống tàu, sẵn sàng giằng lấy hành lý của họ
để chiêu dụ lên xe.Mới năm năm đi xa, người cựu “tù biệt xứ” thấy thành phố này
đã đổi thay quá nhiều! Như một người yêu đi lấy chồng, thay tên đổi họ, thay đổi
cả hình dáng lẫn tính tình của một thời con gái trước đây.
Tân đang do dự trước những chèo kéo
mời chào, một chiếc xích lô trờ tới sát bên anh, và một thanh niên trẻ bước xuống
xe nói:
-Bác lên xe cháu đi. Bác chỉ đường để
cháu chở về nhà bác…
Trên quãng đường dài từ Bình Triệu về
đường Trần Hưng Đạo, quận 1, người thanh niên trẻ vừa đạp xe vừa nói chuyện. Cậu
cho biết, bố nguyên là một trung sĩ của quân đội VNCH. Ông không bị bắt đi “học
tập cải tạo” dài hạn, nhưng cũng không kiếm ra việc làm, nên phải đạp xích lô để
nuôi gia đình với bốn miệng ăn. Cậu con đã nghỉ học, ở nhà phụ bố đạp xe chở
khách kiếm sống…Thấy Tân im lặng quá lâu, cậu gợi chuyện:
-Nhìn thấy bác ốm yếu, xanh xao…mà lại
về bằng tàu Thống nhất nên cháu đoán bác đã “cải tạo miền ngoài”. Ba cháu dặn
khi gặp những người như bác, nên tìm cách giúp đỡ. Bác yên tâm, đừng lo cháu
làm “ăng ten” cho công an. Ra khỏi trại tù, bác đừng sợ gì cả!
Xe chạy qua bùng binh Sài Gòn. Đường
phố vào buổi chiều thật đông đúc. Xe cộ kẹt khắp nơi. Những chiếc xe gắn máy,
xe đạp chen lấn cùng người đi bộ…Chiếc xích lô cổ lỗ, chậm chạp, cuối cùng cũng
đưa Tân về đến đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Khu phố anh ở, cảnh vật đã khác xưa
rất nhiều. Xe dừng lại trước căn nhà anh đã ở trước khi ra đi. Mẹ anh nhìn ra,
ngỡ ngàng lẫn vui sướng kêu con cháu ra
chào đón “người về từ phương xa”! Các con anh đang chơi trước cổng, chạy đến ôm
chầm người đàn ông gầy gò, hốc hác mà chúng vẫn nhận ra người cha yêu quý. Vợ
anh dẫn đứa bé út ra chào đón. Cô bé sáu tuổi nhìn người đàn ông xa lạ, ngỡ
ngàng rồi lắc đầu, ôm chầm lấy mẹ! Vợ anh nhìn anh, nước mắt rưng rưng. Nàng vội
trao cho anh ít tiền để trả cho người đạp xích lô đang đứng chờ. Khi Tân đưa mấy
tờ giấy bạc, cậu thanh niên khoát tay, nói:
-Dạ, ba cháu dặn đừng lấy tiền người
đi “cải tạo” mới về! Bác còn khổ hơn ba cháu nhiều. Bác cứ coi như đây là món
quà cha con cháu tặng bác…Chào bác, cháu đi!
Tân thở dài nhìn theo người thanh
niên, con của một hạ sĩ quan “bên thua cuộc”, mà ngày nay dẫu tan đàn lạc nghé
nhưng vẫn giữ được tình “huynh đệ chi binh”!
Và từ đó, niềm vui “ngày trở về”
chưa được được hưởng trọn, cuộc sống ở xã hội mới đã khiến Tân có tâm trạng đau
buồn của kẻ mất nước, mất tự do. Như tâm trạng của con hổ trong bài thơ Nhớ Rừng
của Thế Lữ: “Gặm một khối căm hờn trong
cũi sắt- Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua…”.
* * *
Khi Tân chia tay với cô hàng kính
mát ở phố Bolsa, bước ra khỏi tiệm thì nắng chiều đã xuống thấp, hoàng hôn đang
lên cao. Cái nóng của nắng mùa hè đã dịu; và cơn gió biển từ Huntington Beach
nhẹ nhàng thổi tới làm mát rượi thành phố.
Cuộc gặp gỡ cô cháu gái của một người
đồng cảnh, cùng trại bên bờ sông Mã năm xưa, đã khiến Tân nhớ đến những người bạn
tù còn nằm lại trong các trại “cải tạo” từ Nam chí Bắc! Ba mươi năm trước, anh
tưởng ngày trở về của anh sau bao tháng năm mất tự do, chịu bao cay đắng, tủi
nhục… sẽ cảm khiến anh thấy hãnh diện, hân hoan và vui sướng. Nhưng anh đã lầm!
Những người bạn tù còn vĩnh viễn nằm lại, đối với anh vẫn luôn là nỗi ám ảnh
khôn nguôi!
Trong bản nhạc “Kể Chuyện Người Thương Binh” của Phạm Duy
có đoạn:
Một chiều, một chiều trên quãng đường
xa
Bóng người anh dũng năm xưa ra
đi chốn này
Chàng về nay đã cụt tay
Chàng về, chàng về nay đã cụt
tay …
Nếu chiều xưa có “người anh dũng” trở
về với một cánh tay cụt, thì chiều nay,
người “tù cải tạo” tên Tân đã trở về với một thân xác tiều tụy, một cõi lòng
tan nát. Vết thương tâm lý đó - một loại “hội chứng sau khi cải tạo”- không thể
nào chữa trị nhanh chóng như người ta có thể gắn lại một chiếc tay giả cho
chàng thương binh kia!
Sau ngày trở về từ trại tù CS, Tân
đã sống lây lất thêm mười năm nữa tại Việt Nam, với nhiều công việc lao động cực
nhọc, với tiền lương ít ỏi thiếu trước hụt sau. Mãi đến đầu năm 1992, anh mới rời
khỏi đất nước CS độc tài ấy, ra đi tỵ nạn ở một quốc gia xa lạ nhưng đầy Tự Do
và Nhân Ái. Nơi đây, anh sẽ sống nốt những tháng năm yên bình, hạnh phúc ở cuối
quãng đời còn lại. Và nơi đây, anh sẽ không phải chứng kiến những hận thù giai
cấp, những đấu tố tàn bạo; không còn phải kéo lê cuộc sống trong những “trại cải tạo” tàn độc như ở đất nước
mà anh và hàng triệu đồng bào của anh đã từ bỏ
ra đi…
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment