___________------
Qua sự giới thiệu của anh Hàn Thiên Lương
anh Tam Bách Đinh Bá Tâm đến với Trang Nhà Tha Hương
bằng một bài viết vô cùng cảm động
Xin chào đón anh Tam Bách Đinh Bá Tâm và trân Trọng giới Thiệu anh đến cùng đọc giả bốn phương
HTTL
Tràng
pháo tay nồng nhiệt vang lên khiến Tân thoát khỏi giây phút mơ mộng. Trước mắt
anh, các cô ca sĩ với những chiếc áo dài
lộng lẫy sắc màu, những chiếc khăn vành trang trí rực rỡ … đã cúi đầu chào, rồi ngẩng lên e lệ mỉm cười với
khán giả. Các nhạc công với những chiếc áo gấm xanh đậm, cũng lịch sự cúi chào.
Tiếng hò Huế hoà với tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, sáo… kèm tiếng gõ
phách vang vang trên sông Hương khiến anh ngây ngất, mơ màng.
Anh và người bạn Huế, cùng với các khán giả, đang ngồi trên chiếc thuyền xem trình diễn ca Huế vào một đêm cuối tuần. Suốt buổi tối, các điệu ca: Nam ai, Nam bình, Hò Mái nhì, Hò đối đáp, Hát chầu văn lần lượt được trình diễn, khi thì đơn ca, khi thì đồng ca. Thuyền đã tắt máy, nhẹ nhàng trôi theo dòng nước, từ Phu Văn Lâu đến cầu Tràng Tiền, đi ngang qua kinh thành Huế cổ kính. Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp lung linh ánh đèn màu, soi bóng rực rỡ xuống dòng sông êm đềm, vẫn không mất đi không khí âm thầm, nét cổ kính của một thành phố khép kín, bí ẩn và hấp dẫn của vùng đất thần kinh… Nước róc rách vỗ mạn thuyền, gió thổi vi vu nhẹ thổi; và xa xa, lấp lánh những chiếc đèn hoa đăng thả dọc bờ sông … tất cả đã khiến anh không biết mình sống thực hay đang trong cõi mộng?
*****
Đã hơn năm mươi năm rồi, kể từ ngày
Tân đi xa vùng đất thần kinh. Hơn nửa thế kỷ rồi, anh mới trở lại để ngắm dòng
sông êm đềm, trở lại để nghe tiếng hò Huế, vang vọng lúc trầm lúc bổng giọng ca
mượt mà của những cô gái Huế, trên chiếc thuyền nhẹ nhàng êm ả trôi dưới ánh
đèn mờ ảo như ánh trăng thu. Trong suốt buổi trình diễn ca Huế hôm ấy, anh để ý
thấy một cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo, khuôn mặt trái soan xinh đẹp với ánh mắt
buồn rười rượi. Đôi mắt ấy, sống mũi ấy…như gợi từ tiềm thức xa xăm của Tân một
hình bóng quen thuộc… một hình bóng mà mỗi khi hiện lên trong trí nhớ anh, làm
sống lại trong tim anh một cảm giác nao nao buồn. Khi cô gái hát xong, cúi đầu
chào khán giả, Tân nói nhỏ với người bạn Huế của anh:
- Cô ca sĩ này hát hay quá, anh thấy
không? Mình có thể mời cô ấy đi ăn tối để làm quen được không anh? Tôi trông cô
ta thật quen, giống một người bạn gái của tôi ngày xưa anh ạ…
Cuối buổi hát, người bạn đi tìm gặp cô
gái. Anh ta trở lại cho biết cô gái đồng ý. Cô xin hẹn đêm mai sau buổi hát,
với lời yêu cầu phải có người bạn Huế
của Tân cùng đi. Hôm sau anh và người bạn “thổ công” miền sông Hương núi
Ngự đến nghe thêm một buổi hát Huế để có
dịp làm quen với cô ca sĩ nhỏ bé, xinh đẹp ấy.
* * *
Lần
trở về Huế hôm nay là do một tình
cờ thú vị. Cách đó mấy tháng, anh nhận
được gói bưu kiện do một người bạn cựu sinh viên Hành Chánh từ Michigan gởi
đến. Trong đó có lá thư và vài món quà nhờ Tân chuyển về cho mẹ anh ở Huế.
Trong lá thư gởi cho Tân, người bạn giới thiệu một chuyến đi du lịch vài nước
Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thế là Tân liên lạc ngay với hãng du lịch để
mua vé lên đường.
Sau
khi đoàn du lịch thăm viếng các nước Singapore, Malaysia…máy bay đưa họ đến
Việt Nam, quê hương cũ mà Tân đã từ lâu xa cách. Theo chương trình, chuyến du
lịch tạm dừng ở Sài Gòn vài ngày, rồi phái đoàn lên xe ca đi thăm vài thành phố
lớn Miền Tây. Sau đó, theo quốc lộ 1 đến các thành phố Miền Trung như Nha
Trang, Đà Nẵng, Huế, Thanh Hoá ( bãi biển Sầm Sơn), Hải Phòng (bãi biển Đồ Sơn),
Hà Nội…Tuy nhiên, khi đến Huế Tân dừng lại không theo đoàn du lịch đi tiếp ra
Bắc. Anh hẹn ngày giờ sẽ gặp lại đoàn du
lịch tại Sài Gòn để cùng trở về Mỹ.
Với Tân, những tháng năm u tối sau năm 1975
vẫn còn lưu lại những vết hằn đậm nét trong lòng anh. Chuyến đi “cải tạo” biệt
xứ ra đất Bắc cuối năm 1976 bằng tàu thủy, bị nhốt dưới gầm tàu, bị đối xử như
những người “nô lệ Phi Châu” thuở xa xưa bị đưa đến đất Mỹ. Sau đó trên chiếc
xe Isuzu ngụy trang bằng màn che trướng phủ, chất đầy “tù cải tạo Miền
Nam”, từ cảng Hải Phòng về nhà tù xứ
Thanh vào ban đêm, anh đã chứng kiến những
tiếng la hét phẫn nộ đầy kịch tính của những người dân bị nhồi nhét chủ
nghĩa căm thù. Và rồi những năm sau đó, bị đối xử khinh bạc, hận thù trong trại
tập trung Thanh Cẩm… Tất cả đã khiến anh không bao giờ nghĩ đến một chuyến du
lịch quê hương tại vùng đất bên kia vỹ tuyến 17!
Chia tay với đoàn du lịch xong, Tân tìm
đến trao món quà và lá thư cho gia đình người bạn đồng môn ở Michigan đã nhờ
anh mang về. Người anh cả của gia đình “thế gia vọng tộc” họ Tôn thất ấy vẫn
còn ở ngôi nhà của đại gia đình, cùng vợ
con phụng dưỡng mẹ già. Đó là người bạn xứ Huế duy nhất của Tân ở đất thần kinh
này. Không thuyết phục được người bạn hải ngoại tạm cư ngụ tại nhà mình, anh ta
đưa Tân đến thuê một khách sạn nhỏ, nguyên là một biệt thự xưa, chủ cũ đã bỏ đi
nước ngoài.
Khách sạn nằm gần bờ sông Hương, để
hàng ngày anh có thể ngắm vẻ đẹp của giòng sông êm đềm vào buổi sớm tinh sương,
ngắm ánh đèn cầu Tràng Tiền rực rỡ vào đêm cuối tuần, nghe tiếng hò Huế vang
vang trên khúc sông vắng lặng buổi chiều tối.
Phía trước sân khách sạn có giàn hoa ti-gôn, có hàng rào hoa tím nên thơ
bao quanh, và đặc biệt có cây ngọc lan trồng ở góc sân toả mùi thơm nhẹ nhàng
quyến rũ. Năm mươi năm trước, gia đình Tân thuê một ngôi nhà ở đường Ngô Quyền,
bên hữu ngạn Hương giang. Ở đó cũng có
một cây hoa ngọc lan thơm ngát như thế…
. Ngôi nhà với cây hoa nhiều kỷ niệm
xưa, nay không còn nữa. Hôm vừa du lịch đến Huế, anh tìm lại căn nhà cũ, nhưng
người ta đã phá hủy ngôi nhà lẫn cây cối chung quanh, làm mất luôn kỷ niệm dấu
yêu ngày cũ của anh.
*****
Thuở
ấy, anh đang học năm cuối Trung học đệ
nhất cấp tại trường Nguyễn Tri phương. Và trong một lớp luyện thi dạy
môn Toán và Pháp văn, anh làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh tên Ánh. Ban đầu
chỉ là bạn học, trao đổi nhau việc học hành. Dần dần, tình cảm hai người đậm
đà, vượt quá quan hệ “giấy bút thơm tho tuổi học trò”. Ngoài giờ học, cuối tuần
họ hò hẹn đạp xe đi chơi ở chùa Thiên Mụ, ở Lăng Tự Đức; hoặc ngồi bên nhau bên bờ sông Hương, nghe
tiếng hò Huế vang vang từ đài Phát thanh , chập chờn trên dòng nước sông Hương
những buổi chiều êm ả, vang mãi đến bến Văn Lâu, nơi hai người đang ngồi…
Tân thi đỗ xong bằng Trung học, chuẩn bị di chuyển vào Sài gòn cùng gia đình.
Và khi biết tin, Ánh đến nhà thăm anh
lần cuối, với một gương mặt buồn rười rượi. Tân hỏi lý do, nàng đáp với giọng
sũng nước mắt:
- Ánh thi …rớt rồi anh!
Tân anh ủi nàng:
-Lỡ rớt kỳ đầu, Ánh cố gắng ôn bài để thi
kỳ hai. Rồi sẽ đậu, có chi mà buồn?
Nàng nhìn anh qua làn nước mắt:
- Tân vào Sài gòn chớ “có trăng phụ đèn”,
đừng quên người bạn gái quê mùa xứ Huế này anh hỉ ?
Tân nhìn nàng trầm ngâm, phân vân trong
lòng: nàng khóc vì thi rớt hay buồn vì hai người sắp xa nhau ?
Khi
Ánh chia tay ra về, Tân với tay trên cây ngọc lan trước ngõ hái một chùm bông
hoa trao cho nàng. Ánh
ngắt một cánh hoa lan, cài trên mái tóc thề,
rồi quay hỏi anh bằng một giọng ngây thơ, ánh mắt lưu luyến nhìn anh:
- Tân xem Ánh cài hoa trên tóc có
giống cô gái trong bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” không anh?
Tân sực nhớ bài thơ này của thi sĩ
Kiên Giang sáng tác một năm trước đó (1958),
đã nhanh chóng lan truyền từ
trong Nam ra Huế và được các cô nữ sinh chép lại, chuyền tay cho nhau. Đã một
lần ngồi bên nhau trên bờ sông Hương, Ánh đã ngâm cho anh nghe bằng một giọng
Huế thanh tao và thật buồn…
Vào
Sài gòn, Tân vội viết lá thư đầu tiên cho Ánh, khuyên nàng cố gắng ôn bài vở để
chuẩn bị thi kỳ 2, và gởi đến nàng tâm tình nhớ Huế đẹp và mơ, đến người bạn
gái có mái tóc thề óng ả, đôi mắt trong
sáng và nụ cười tươi đẹp…Ánh cũng gởi những lá thư, đều đều hàng tuần, rồi hàng
tháng… Riêng Tân, sau lá thư đầu tiên đó, vì bận bịu với cuộc sống mới , với
trường lớp mới…anh cứ để ngày tháng trôi đi mà chẳng viết thêm giòng nào cho
“người bạn gái quê mùa xứ Huế” đó! Để
rồi hai năm sau, anh nhận được lá thư cuối cùng của nàng, trong đó chứa đựng
những lời lẽ trách móc, kèm theo cánh hoa ngọc lan đã khô kéo được ép kỹ trong
tờ thư. Phải chăng đó dấu hiệu “trả lại tình xưa” của người bạn gái xứ Huế lãng
mạn nhưng chung tình của anh? Vài năm sau, một người bạn học cũ từ Huế vào Sài
gòn, ghé thăm anh cho biết nàng Ánh đã đi lấy chồng. Từ đó, Tân bặt luôn tin
tức của nàng…
* * *
Năm mươi năm, thời gian vô tình trôi đi
như nước chảy qua cầu! Tân muốn chôn chặt vào dĩ vãng một chuyện tình thuở học
trò, hồn nhiên, thơ ngây nhưng tha thiết …Rồi do một tình cờ, về lại xứ Huế lần
này, anh bắt gặp hình ảnh người xưa qua gương mặt cô gái trẻ trong buổi đi nghe hát Huế dưới sông Hương.
Tâm tình anh bỗng nhiên xáo trộn, như viên đá ném xuống sông, đã làm quấy động
giòng nước vốn yên tĩnh, trong đó đã từng che dấu một kỷ niệm đẹp ! Đêm nay,
theo lời hứa, người bạn Huế đến đón anh
đi xem hát trên sông Hương một lần nữa, và cũng để anh tìm lại hình bóng kỷ
niệm xưa.
Hai người đến nơi khoảng bảy giờ tối.
Buổi ca Huế bắt đầu với những ca sĩ hôm qua, nhưng các bài ca trình bày có thay
đổi. Sau đó Tân thấy lại cô ca sĩ nhỏ bé
xinh đẹp, có nét mặt phảng phất bóng dáng người tình cũ của anh . Cô trình bày
một bài Hò Mái Nhì Huế, với giọng ca réo rắt:
Ơ…Ơ…Chiều chiều trước bến
Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai
thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ ai
trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên
sông?
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng
nước non…
(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)
Những câu ca được lập lại nhiều lần, giọng
ca kéo dài ngân vang, khi trầm, khi bổng…hoà lẫn tiếng đàn tranh, đàn nhị,
tiếng sáo… buồn não nuột. Buồn như nỗi lòng người thiếu nữ than trách kẻ bạc
tình đã đi xa, nàng cô đơn trông ngóng mỗi chiều trên bờ sông Hương. Buồn như
nỗi lòng của Công chúa Huyền Trân đời Lý, khi giã biệt hoàng gia, chia tay người yêu - viên tướng họ
Trần - để về làm vợ vua Chiêm Chế Mân, với tâm sự u buồn, chạnh lòng nhớ non
nhớ nước!
Sau buổi nghe ca Huế, Tân cùng người
bạn xứ thần kinh đến mời cô ca sĩ đi ăn tối. Các nhà hàng đã đóng cửa, duy chỉ
còn một vài chiếc quán còn đón khách “ăn đêm”. Đêm xứ Huế thật buồn và vắng
lặng. Ba người đến một chiếc quán nhỏ, với ánh đèn leo lét trong đêm, giống
những chiếc quán bán hũ hiếu cho khách ăn khuya ở Chợ Cũ Sài gòn. Họ ngồi trên
chiếc bàn tròn đặt ngoài trời . Ba tô bún bò Huế thật nóng, thật cay… khiến cho
khách đi chơi ban đêm, các nghệ sĩ tan
hát, về ghé qua đây cảm thấy ấm lòng.
Tân hỏi sơ qua về cuộc sống, về gia
cảnh của cô ca sĩ hát Huế…Nàng cho biết
đã mất người cha lúc cô còn bé. Mẹ nàng không tục huyền và đã ở vậy nuôi con -
đứa con duy nhất là nàng. Nay thì Mẹ đã
bị mù loà, sống cậy vào đứa con gái hiếu thảo. Nàng đi hát là do sở thích, và
chỉ làm công việc này vào ban đêm, nhất là những đêm cuối tuần. Ban ngày nàng
làm cô giáo giữ trẻ để có đủ tiền cho cuộc sống hai mẹ con.
Tân im lặng ngồi nghe, cảm thấy cảm
thương cho nàng và người mẹ của cô ca sĩ trẻ ấy. Anh đề nghị nàng cho địa chỉ
để đến thăm, và ngỏ ý muốn tặng chút quà cho mẹ và người con chí hiếu. Chí hiếu
như nữ ca sĩ Thanh Thúy lúc ở độ tuổi trăng tròn đã đi hát ở các phòng trà Sài
gòn để nuôi người mẹ lâm trọng bệnh và các em còn nhỏ! Cô ca sĩ hát Huế ghi địa
chỉ nhà nàng và hân hạnh được “bác” ghé đến chơi.
* *
*
Hôm
sau, khi người bạn địa phương Huế chở anh đến nhà cô ca sĩ trẻ, anh bỗng có cảm
giác mình đang đi trên “đường xưa lối cũ”. Năm mươi năm mà Huế vẫn không thay
đổi bao nhiêu, tuy có vài hoang phế đổi thay. Nhà cô gái ở trong thành nội, bên
tả ngạn sông Hương. Người bạn thổ công đất thần kinh không chạy xe qua cầu
Trường Tiền, mà dùng cầu mới Phú Xuân để vào thành nội. Vào năm Mậu Thân
(1968), sau khi cầu Trường Tiền
bị đặt mìn đánh sập, người ta cho xây cầu này,
bằng bê tông cốt sắt, do hãng Eiffel của Pháp thiết kế và thực hiện…Lúc
mới xây xong (1971), cầu được đặt tên là
cầu Sông Hương.
Sau năm 1975,
cầu được chính quyền mới đổi tên là cầu Phú Xuân. Ngày nay, người dân địa
phương thường gọi một cách trung dung, ngắn gọn là cầu Mới, với hàm ý là chiếc
cầu được xây dựng gần đây nhất, so với cầu Trường Tiền và cầu Dã Viên nổi danh
bắc qua giòng Hương Giang.
Thuở xưa, khi chưa có chiếc cầu Mới này, các nữ sinh Đồng Khánh nhà ở bên tả ngạn thường dùng đò ngang sang sông để đến trường học. Sáng, chiều các nữ sinh áo trắng như những cánh bướm, dập dìu qua lại dòng Hương giang bằng hai ngả: trên cầu Trường Tiền bắt qua sông; và trên những chuyến đò nối liền đôi bờ của sông Hương.
Xe họ đi qua cửa Thượng Tứ, vẫn chật hẹp
cổ kính như xưa. Lá cờ trên kỳ đài Phu Văn Lâu vẫn tung bay trước gió, nhưng
hôm nay lá cờ đỏ ối chói chang đã thay cho lá cờ vàng ba sọc đỏ một thời uốn
lượn dưới ánh nắng dịu dàng của miền cố đô Huế.
Khi xe chạy vào thành nội, Tân trông
thấy những bờ tường thành còn loang lổ vết đạn từ thời xảy ra cuộc chiến năm
1968. Trải qua bao sương gió nắng mưa, nằm lẫn trong rêu phong hoen ố, dấu vết
chiến tranh vẫn còn đó, mặc dù cuộc chiến Quốc Cộng đã kết thúc từ lâu … Người
dân cố đô, với bản tính hiền hoà vẫn âm thầm sống cạnh những dấu tích cuộc
chiến năm xưa, với những khổ đau của
người con mất cha, vợ mất chồng, trò mất thầy… sau cuộc “thảm sát Tết
Mậu thân 1968” xảy ra tại xứ Huế trước đây.
Khi người bạn Huế chở Tân đi qua hồ
Tịnh Tâm, kỷ niệm xưa lại hiện về. Khi còn học chung trong lớp luyện thi, những
buổi chiều anh từng đạp xe qua đây để thăm Ánh, khi biết nàng bị bệnh. Anh còn
nhớ rõ nhà nàng ở đường Đinh Bộ Lĩnh, không xa hồ Tịnh tâm là bao. Đêm sắp xa
Huế, Tân dấu mẹ, đạp xe vào thăm nàng lần cuối.
****
Đêm hôm ấy trời không mưa, thời tiết
chưa chưa chớm lạnh mà sao anh thấy buốt
giá trong lòng ; có lẽ vì mai đây anh sẽ phải xa nàng. Anh bước đến bên cửa sổ
nhìn vào trong, rồi gõ nhẹ .... Nàng đang cúi xuống học bài, chuẩn bị thi lại
kỳ hai. Mái tóc thề buông xõa, che khuất một bên má. Nghe tiếng động, nàng
ngẩng lên, mắt mở to ngạc nhiên khi thấy bóngTân ngoài khung cửa . Nàng vội
chạy ra, đưa Tân đến ngồi trên chiếc băng gỗ ngoài vườn, giọng thì thào:
-
Khuya rồi, Tân không đợi sáng mai đến chơi được sao? Ba me thấy được, la chết…
Tân nhìn nàng, không biết trả lời sao cho
đúng với tâm trạng của một kẻ si tình còn trong lứa tuổi học trò. Anh chỉ biết nắm lấy bàn tay
lạnh ngắt của Ánh - cô bạn gái đang đêm
ngồi với bạn trai trong góc vườn nhà mình. Tân chợt nhớ những câu hát của nhạc sĩ Tô
Vũ trong bài “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa”
Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời
nghẹn ngào, hồn anh như say như ngây, vì đâu?
Tân cho biết ngày mai, anh và gia đình sẽ
vào Nam. Rồi đây anh sẽ xa Huế, xa nàng,
người bạn gái mến thương của anh. Họ ngồi như thế thật lâu, tay nắm tay,
vai tựa vai, không nói lời nào. Cậu thanh niên mới lớn, chỉ biết vùi đầu vào sách
vở thơm tho, chỉ biết ngắm những người
đẹp xứ Huế xa xa…. Nay được ngồi bên cô bạn gái
yêu thương, nắm lấy bàn tay mềm mại của nàng, thì còn hạnh phúc nào hơn?
Tân ngồi yên như thế thật lâu. Cho đến khi nghe tiếng đồng hồ gõ chuông trong
nhà, anh mới đứng lên từ biệt nàng ra về…
Hôm nay, sau năm mươi năm , Tân mới
trở lại đường xưa lối cũ. Khi xe họ chạy đến đầu đường Đinh Tiên Hoàng, người bạn “thổ công” xứ Huế quay lại nói với
anh:
-Trước năm 1976, đây là đường Đinh Bộ Lĩnh.
Sau đó đổi tên là đường Đinh Tiên Hoàng. Mình sắp tới nơi hẹn rồi đó anh…
Khi
Tân và người đến trước ngôi nhà đã cũ xưa, trong vườn cây cối rậm rạp ,có vẻ
thiếu bàn tay chăm sóc, Tân đã thấy cô ca sĩ trẻ hát Huế đêm qua đang đứng đợi. Cô bé đưa hai người
nhà. Trên chiếc ghế dài trong phòng khách, một thiếu phụ đang ngồi nhìn ra như
đang trông ngóng ai. Đôi mắt mở to, bất động, với cái nhìn xa vắng. Nghe tiếng
bước chân bước vào, người đàn bà đứng tuổi lên tiếng, giọng thấp xuống, nhưng
còn thanh tao:
-Ai
đến nhà rứa con?
Người con gái nhỏ nhẹ đáp:
-Có
ông khách từ nước ngoài về, đến nghe con hát Huế dưới thuyền đêm qua. Ông nớ xin con địa chỉ và nhờ bạn
đưa đến thăm gia đình mình, mạ à!
Tân đưa mắt nhìn căn nhà vắng vẻ
tiêu điều, nhìn khu vườn ngoài kia, thấy
như có một vẻ quen thuộc mơ hồ nơi đây. Anh nhìn lại người đàn bà gầy ốm, mái
tóc đã điểm sương, gương mặt phản phất buồn và cam phận. Bất giác anh nhìn đôi
môi trể xuống như nũng nịu của nàng, sống mũi cao, gò má hơi nhô lên…Đặc biệt,
một nốt ruồi nhỏ dưới khoé mắt của nàng, khiến anh thảng thốt kêu lên khe khẽ:
-Ánh!
Trời ơi! Không lẽ Ánh Đồng Khánh ngày xưa sao?
Người
thiếu phụ ngơ ngác quay mặt về hướng người đàn ông vừa gọi tên nàng:
-Ai
rứa? Ai mà biết tên con gái của tui hỉ?
Cô
gái nhìn mẹ, nét mặt chưa hết bàng hoàng ngạc nhiên:
-Mạ
ơi, con quên thưa với mạ. Tối qua ông khách mời con đi ăn và tự giới thiệu là
Tân, từ Mỹ về thăm Huế. Ngày xưa ông đã từng ở Huế và biết nhiều về thành nội
mạ à!
Tân
định lên tiếng chào người thiếu phụ, nhưng kịp dừng lại. Anh vừa nhận thấy hai
giọt nước mắt long lanh từ đôi mắt bất động chảy xuống đôi má gầy của nàng.
Nàng để yên như thế, không buồn lau đi, không cần che dấu nỗi đau buồn , có lẽ
đã từ lâu lắm rồi…Nàng quay sang nói khẽ với con , có vẻ muốn như nhắn nhủ điều
gì với khách:
-Mạ
hơi mệt,! Con ngồi đây tiếp chuyện với khách của con…Nhớ chuyển lời cảm ơn ông
Tân đã đến thăm Mạ …Có lẽ không bao giờ Mạ quên ơn đó! Nhưng thôi, Mạ già rồi,
không thể ngồi lâu để tiếp chuyện với ông được, xin phép vô trong nằm nghỉ
thôi!
Tân
nhìn người thiếu phụ đang đứng dậy, cúi đầu chào khách rồi vịn vai con gái bước
vào nhà trong…Dáng vẻ hấp tấp, bối rối như đang lẫn tránh một điều gì khiến đã
nàng buồn phiền, không muốn đối diện..
Không nghi ngờ gì nữa. Ánh đó ! Ánh, cô bạn gái mến thương năm xưa của anh đó!
Nhưng hôm nay nàng lạnh lùng đến thế
sao? Tân thấy quặn đau trong lòng, giá
buốt tận con tim.
Đã năm mươi năm qua, người bạn tình
xưa đã có gia đình, con cái…mà nàng vẫn còn hận anh đến thế sao? Anh đã định
lên tiếng chào nàng, nhắc lại chuyện xưa, nhắc lại lý do khiến anh đã không
liên lạc với nàng, sau lá thư duy nhất từ Sài gòn đã gởi cho nàng…Nhưng, tất cả
đều vô ích. Cánh cửa con tim nàng đã đóng lại. Ngọn lửa yêu thương đã tắt trong lòng. Có lẽ Ánh vẫn còn nhớ đến Tân, nhưng nàng đã tế nhị
lánh xa cuộc đối thoại với người bạn
tình năm xưa!
Tân đưa mắt nhìn người bạn Huế đã chở
anh đến đây, ngỏ ý muốn ra về. Anh mở
gói giấy có hai món quà, đưa cho cô gái hát Huế; cô ca
sĩ trẻ vẫn còn bàng hoàng lúng túng vì thái độ bất thường hôm nay của mẹ mình.
Anh buồn bã lên tiếng:
-Chú
rất tiếc không được tiếp chuyện với mẹ cháu. Đây là chút quà của người từ
phương xa về thăm lại Huế, xin được tặng cho Mạ! Còn đây là quà dành cho cháu,
cô gái xinh đẹp ca Huế thật hay…Nhớ cháu chuyển lời chú Tân thăm Mạ. Mong Mạ
bảo trọng sức khỏe, hãy quên đi những chuyện đau buồn trong quá khứ xa
xôi…
* * *
Tân
chào từ biệt cô gái chủ nhà, cùng người bạn bước ra cổng. Khi đi qua vườn, anh
như thấy lại quang cảnh xưa, hôm sắp xa Huế, anh đã liều lĩnh đến thăm nàng
trong đêm khuya… . Anh không nén được tiếng thở dài. Năm mươi năm rồi…Vườn xưa
vẫn còn đó, nhưng quang cảnh đã khác xưa. Chiếc băng gỗ hai người ngồi bên nhau đêm ấy, nay còn
đâu nữa? Cây ngọc lan trước căn nhà của Tân ngày xưa khi mới quen nàng cũng đã
bị đốn bỏ từ bao giờ! Và cánh hoa anh đã tặng Ánh, đã bị nàng trả lại, kèm theo
lá thư “trả lại tình xưa”…Tất cả cũng đã đi vào quên lãng cùng cát bụi thời
gian…
Anh bất giác quay đầu nhìn lại
căn nhà của Ánh. Cô con gái của người
tình xưa đứng đó đưa tay vẫy chào từ biệt. Tân như thấy lại nàng Ánh năm xưa…Cô
ca sĩ trẻ hôm nay đã gợi lại hình ảnh
của mẹ nàng trong đêm hát Huế . Tiếng hát của nàng vang vang trong đêm trên
dòng Hương Giang đã tình cờ đưa đẩy Tân đến căn nhà xưa để gặp lại Ánh, mẹ
nàng... Nhưng thật đau xót, thật bẽ bàng! Nàng vẫn giận hờn, không muốn tiếp
chuyện với anh nữa...
Xe chở Tân chạy dưới hàng cây mát mẻ
trong thành nội Huế, với hai hang phượng vỹ
rực rỡ cánh hoa đỏ ối … Anh bất giác nhớ lại
những câu hát của nhạc sĩ Minh
Kỳ trong bài Thương về xứ Huế :
Mây vương khói chiều, xứ Huế đẹp yêu
kiều
Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xưa
Hương Giang lững lờ, trăng nước vờn
đôi bờ
Câu hò vang xa đưa khúc buồn mơ ………
Huế đẹp ơi, những chiều lơi
Sông Hương nước chảy,
Vân Lâu bến đợi chờ
Nghe hò rằng đêm vắng biết về mô ?
Huế là thơ, Huế là mơ
Mưa đêm nức nở như câu hát nghẹn lời
Cung đàn buồn lưu luyến nỗi niềm vơi….
Vâng,
“Huế là thơ, Huế là mơ”, muôn đời Huế vẫn đẹp, vẫn yêu kiều! Nhưng
sao hôm nay Tân cảm thấy trong lòng vấn vương một mối u hoài nhung nhớ, chen
lẫn chút nuối tiếc bẽ bàng?
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment