Tam Bách Đinh Bá Tâm
Tân nằm im trên chiếc giường hai tầng trong cabin, lắng nghe tiếng sóng chập chờn, vỗ nhẹ vào thân tàu. Chiếc du thuyền to lớn Caribbean Princess đang nhẹ nhàng lướt tới, lắc lư theo những cuộn sóng mùa đông vùng biển Caribe. Lần đầu tiên du lịch bằng đường biển, anh thật thích thú với cảnh trí tráng lệ bên trong chiếc tàu, với những cuộc vui giải trí suốt ngày đêm; thật say mê với những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của năm hải đảo đã ghé qua. Và đêm nay, đêm cuối cùng của chuyến du hành một tuần lễ, sau bữa ăn tối cùng gia đình, Tân trở về cabin dành cho gia đình. Anh muốn nằm một mình để ôn lại cảm giác thích thú trên chuyến du hành trong những ngày vừa qua!
Vào mùa xuân năm ấy, nhân sinh nhật của Tân. các con đã tổ chức chuyến du hành trên biển cùng bạn hữu…Riêng nhóm du khách gia đình anh đáp máy bay từ phi trường LAX tại Los Angeles đến San Juan, thủ phủ của Puerto Rico. Đảo quốc này thuộc lãnh địa Hoa kỳ, dưới hình thức lãnh thổ thịnh vượng chung và vẫn chưa được hợp nhất chính thức vào Mỹ quốc.
Puerto Rico nổi tiếng với
những pháo đài, nghĩa trang cổ, những bãi biển xinh đẹp và các ngôi nhà mang
phong cách kiến trúc Tây Ban Nha. Giao thông trên đảo làm du khách thêm cảm tình với Puerto
Rico. Các xe taxi ở đây không có đồng hồ tính tiền nên du khách cứ phải hỏi giá
trước về từng chặng đi. Tuy nhiên các tài xế hầu như không
nói thách bao giờ và thái độ phục vụ hết sức vui vẻ, hòa nhã…
Rời phi trường San Juan, gia đình Tân thuê xe van đến hải cảng. Tại đây, một chiếc du thuyền to lớn màu trắng đã đậu sẵn tại bến, với lá cờ xứ Bermuda - thuộc lãnh địa Anh quốc - đang phần phật bay trên nóc tàu. Đó là chiếc Caribbean Princess với chiều dài gần ba trăm mét, chứa hơn ba nghìn hành khách, và gần một nghìn hai trăm thủy thuỷ đoàn cùng nhân viên phục vụ. Tàu có 9 tầng cao; ngoài các tầng dành cho hành khách cư ngụ, còn nhiều tầng khác dành cho khách xem phim, ăn buffet (từ sáng đến chiều), ăn tối, uống rượu, đánh bài, tập thể dục, tắm Spa, trình diễn kể chuyện khôi hài, hộp đêm, phòng trưng bày ảnh nghệ thuật (chụp hình cho hành khách để kỷ niệm chuyến đi du lịch)…
Trong buổi ăn đầu tiên ở phòng ăn tối, với sự
đón chào thân mật của thuyền trưởng, với sự phục vụ chu đáo của tiếp viên, với
những món ăn thật ngon - có tên gọi thật “văn hoa” ghi trên thực đơn - thực
khách vui vẻ ăn uống và chụp ảnh kỷ niệm…Một chiếc bánh sinh nhật nhỏ nhắn,
trình bày đẹp mắt với những cây nến hồng, được người tiếp viên mặc dạ phục, trịnh
trọng bưng đến bàn ăn của gia đình Tân. Nhìn con cháu quay quần, đồng ca bài
“Happy Birthday to you”, thổi một hơi dài để tắt những ngọn nến trên chiếc bánh
sinh nhật, giữa tiếng reo hò của các cháu, Tân thật vui sướng và cảm động. Một
chuyến du lịch dài ngày với con cháu
trên sóng nước mênh mông khiến anh như trẻ lại, không còn nhớ hôm nay là
sinh nhật thứ mấy mươi trong đời!
Gần cuối bữa ăn tối, có tiếng tiếng máy tàu khởi động. Chiếc du thuyền to lớn chỉ lay động nhẹ khi khởi hành một chuyến đi dài trong đêm…Sáng sớm hôm sau, tàu đậu ở một nơi có quang cảnh khác lạ. Đó là đảo St. Thomas của nhóm quần đảo Virgins thuộc Hoa kỳ. Nơi đây có nhiều ruộng mía. Vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, những công nhân nô lệ da đen đã góp phần trong việc sản xuất đường mía tại địa phương này và đã giúp phát triển kinh tế tại đảo quốc St. Thomas…
Ngày du lịch thứ hai, cũng vào buổi sáng, tàu ngừng lại ở đảo Dominica. Mọi người đi thăm đảo, ngắm quang cảnh thật đẹp ở hải cảng Roseau, với những ngôi nhà kiểu thuộc địa Pháp từ xa xưa.
Sau đó đi thăm vườn cây nhiệt đới, suối nước
nóng sủi bọt, thác nước mát lạnh từ trong rừng cây rậm rạp đổ xuống. Đảo còn nổi
tiếng với quang cảnh núi lửa, bãi biển cát đen…đã từng xuất hiện trong phim “Hải
tặc vùng Caribean”.
Vào
ngày thứ ba, tàu đến đảo Grenada. Đây là nơi được mệnh danh là “Đảo Hương liệu”,
vì hương liệu - nhất là quế - được bán khắp các tiệm thực phẩm, thoang thoảng
khắp đường phố thủ phủ St.George. Gia
đình Tân thuê xe đến bờ biển, nơi đó có bãi cát trắng mịn tận bờ nước trong
xanh biển Caribe.
Sang ngày du lịch thứ tư, tàu dừng lại
ở đảo Bonaire. Nơi đây, sau người Tây Ban Nha, người Hà Lan đã từng cai trị
cách nay gần bốn thế kỷ, và họ đã sử dụng những người nô lệ Phi châu khai thác
kỹ nghệ muối biển. Đến năm 1863, chế độ nô lệ chấm dứt. Ngày nay, muối vẫn là
nguồn kinh tế quan trọng của xứ Bonaire, sau kỹ nghệ du lịch. .
Đảo cuối của chuyến du lịch mà tàu ghé qua là đảo Aruba. Khung cảnh thiên nhiên vùng biển nhiệt đới này thật đẹp, khí hậu mát mẻ, bờ biển với cát trắng mịn, nước biển có nhiều màu: xanh ngọc bích, xanh biếc, xanh đậm, chàm, tím nhạt… tùy theo từng độ sâu. Đảo Aruba là thuộc địa của vương quốc Hà Lan, cho nên ảnh hưởng của kiến trúc Hà Lan còn rõ nét trong cách trang hoàng nhà cửa, dinh thự tại đảo quốc này. Người dân ở đây thật hiếu khách, với nét văn hóa đặc biệt của địa phương.
* * *
Trải qua những ngày tàu ghé
năm đảo trong vùng biển Caribe, cùng gia đình đi viếng quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhà cửa kiến
trúc ngoạn mục, Tân vẫn thấy đâu đó, thấp thoáng nếp sống nghèo nàn, khắc khổ của
người dân địa phương. Sống rải rác với dân chúng địa phương, có rất nhiều con
cháu hậu duệ của những người nô lệ da đen Phi châu ngày xưa bị đưa đến đây trồng
mía, làm ruộng muối... Anh chợt nhớ lại bài viết “Bước Chân Nô lệ” của
Thúy Việt nhân chuyến viếng thăm Gana ở Phi châu. Tác giả ghi lại những điều
nghe thấy do một hướng dẫn viên du lịch tên Yao đã mô tả về “những khổ ải của những người da đen Phi châu
bị bắt nhốt xuống tàu, mang đi bán ở tân thế giới, trên chuyến tàu xuyên Đại
Tây Dương” như sau:
Trong khoảng thời gian từ năm 1700 đến
đầu thế kỷ 20, gần 3 triệu người Phi đã bị đưa lên các con tàu của Anh để bán
sang châu Âu, chủ yếu để phục vụ tầng lớp giàu có ở Anh, Pháp và Hà Lan. Ngoài
ra, hàng chục triệu đàn ông, đàn bà và trẻ em châu Phi đã bị đưa sang châu Mỹ,
bị bóc lột sức lao động tại các đồn điền trồng mía hay thuốc lá của thực dân
châu Âu. Salaga, một thị trấn nhỏ ở trung tâm Ghana, được chọn làm địa điểm đầu
tiên để tập trung những người bị bắt làm nô lệ…Những người nô lệ da đen đã trở
thành món hàng trong tay kẻ buôn người từ châu Âu đến, được đưa vào “tồn trữ”
hay “đóng gói” thật chặt trong tầng hầm của các “lâu đài” do các quan chức người
Âu xây dựng trong quá trình tìm và chiếm thuộc địa, chờ đợi ngày lên tàu xuyên
Ðại Tây Dương đến tân thế giới.
Những khổ ải của những người nô lệ da đen
Phi châu bị nhốt dưới hầm chật hẹp thiếu không khí, kém vệ sinh, bị đám buôn
người đối xử tàn tệ như súc vật, đã xảy ra từ lâu lắm rồi, vào những thế kỷ trước!
Và điều ấy đã được một du khách như cô Thuý Việt nhân du lịch đến xứ Ghana,
nghe kể lại như một sự kiện lịch sử khủng khiếp! Nhưng không ai ngờ rằng đến cuối
thế kỷ 20 này, sự kiện tương tự đã xảy ra tại Việt nam, sau năm 1975! Người chứng
kiến sự kiện kinh hoàng ấy lại là nạn nhân và cũng là một nhân chứng sống mà suốt
đời anh ta không thể nào quên đi hình ảnh và cảm giác kinh hoàng ấy được!
* * *
Vào
một buổi sáng cuối năm 1976, Tân cùng một số bạn đồng tù ở trại “cải tạo” CS tại
Long Thành được nghỉ lao động, ở nhà chuẩn bị di chuyển, sau gần một năm rưởi sống
ở đây. Cán bộ trại tù giải thích với những người sắp ra đi: sẽ được được đưa đến
vùng kinh tế mới ở miền Tây, để “ xây dựng cuộc sống mới”! Lời giải thích ấy đã
gây một sự bán tín bán nghi. Nhất là khi
anh em trong đội nhà bếp cho biết họ được lệnh lau chùi dầu mỡ hơn hai
trăm chiếc còng số 8 do cán bộ trại vừa mang đến!
Thế rồi, vào một buổi chiều cuối
năm âm u, mưa bay lất phất, những trại viên có danh sách chuyển trại tập họp tại
hội trường. Dưới ánh đèn mờ ảo, đoàn người lặng lẽ sắp hàng cho cán bộ trại kiểm
tra. Để có “khí thế phấn khởi” trước khi lên đường, một nữ công an bắt giọng
the thé bài “Như có bác Hồ trong ngày vui
đại thắng”, và yêu cầu mọi người hát theo. Một vài giọng miễn cưỡng cất lên
với giọng trầm buồn, khàn khàn, lạc điệu … giống như tiếng kêu của những cánh
chim lạc đàn trong đêm vắng! Sau đó mọi người sắp hàng đôi, đứng sát vào nhau để
cán bộ công an còng tay từng cặp, và rồi những cảnh vệ mang súng áp tải họ lên
xe. Xe chạy về hướng thành phố Sài gòn, rẽ quốc lộ 1, đến bến tàu Tân Cảng. Từng đôi xuống xe,
đến tập trung ngồi ở một góc cầu tàu…Tại đây, Tân thấy lố nhố hàng trăm bóng
người đang ngồi lặng lẽ trong đêm.
Tân nhìn ra chiếc tàu đang đậu
sát cầu tàu. Đó là loại chở hàng hoá, khá lớn, đen sì, trên boong chất đầy những
xe gắn máy Honda mới tinh, những chiếc tủ lạnh trắng toát…Cạnh đó, những người
đứng trên bao lơn đang hút thuốc, lãnh đạm nhìn xuống đám “tù cải tạo” dưới bến
tàu. Máy tàu chạy rì rào, át cả tiếng một công an cảnh vệ đứng gần đó kêu to,
khi anh ta đi mở còng tay cho đám tù cải tạo Long Thành:
-Chết
bố nó rồi! Tớ làm mất chìa khoá mở còng cho hai anh này rồi!
Tiếp theo là câu nói an ủi nhắm vào
hai nạn nhân đang thất vọng :
-Cố gắng khắc phục nhé! Đến
nơi, sẽ có bộ phận cưa còng để mở cho các anh. Đừng lo!
Tân
chua chát nghĩ thầm: thế là cặp đồng tù này sẽ “sát cánh bên nhau”, cả ngày lẫn
đêm, cả dưới tàu lẫn trên xe để di chuyển đến trại “cải tạo” mới!
Anh nhìn về hướng thành phố Sài gòn đang lấp lánh
ánh đèn mà lòng buồn vô hạn. Nơi đó anh đã sống
, nơi đó với biết bao kỷ niệm vui buồn. Kể từ tháng năm năm 1975, chỉ một
năm rưỡi xa Sài gòn mà anh thấy nhớ thương thành phố thân yêu này quá. Anh đưa
tay âm thầm chào từ biệt Sài gòn trong đêm vắng, tự nghĩ: phải chăng chuyến đi
này dành cho những người tù “khổ sai biệt xứ”? Và rồi đây anh có cơ may nào trở
lại thủ đô yêu dấu một thời của Miền Nam, gặp lại cha mẹ già, gặp lại vợ con
thân yêu?
Khi đám công an cảnh vệ dẫn những
người tù “cải tạo” di chuyển đến gần
tàu, Tân tưởng sẽ lên một khoan nào đó trên tàu. Nhưng anh đã lầm, vì phải đi một lối khác xuống lòng tàu, phần
chìm dưới đáy nước. Nơi đây, hơi nóng hầm hập lẫn mùi ẩm mốc hôi hám bốc
lên, khiến anh muốn ngạt thở. Trên vách tàu còn in rõ lằn đen của than đá. Dưới
ánh sáng mờ ảo của những bóng đèn tròn, thấp thoáng quang cảnh những người ngồi,
kẻ đứng, loay hoay tìm một chỗ trống, sạch sẽ để nghỉ lưng…
Đến sáng, khi chiếc tàu chở tù
“cải tạo” ra đến giữa biển, bị chao đảo dữ dội bởi những con sóng bạc đầu mùa
đông. Trên tàu, tiếng ói mửa vang lên khắp nơi. Trong các “cầu tiêu dã chiến”,
những chiếc thùng nhựa - quá nhỏ và quá ít so với nhu cầu của hàng ngàn tù nhân
trong đáy tàu- bắt đầu đầy lên. Phân, nước tiểu và những chất ói mửa tràn ra,
chảy lênh láng khắp nơi. Nhiều người nằm gần đó phải đi tìm một chỗ sạch sẽ để
ngả lưng … Tân cảm thấy say sóng ngất ngây, nằm nhắm mắt mơ mơ màng màng. Tiếng
nói chuyện ồn ào cũng tắt dần. Mọi người đã thấm mệt nằm im . Bỗng có tiếng kêu
to:
- Mở cửa hầm tàu! Có người ngất
xỉu!
Tiếp theo, có nhiều tiếng kêu,
lập lại nhiều lần, vang rền khu nhà kho ở đáy tàu. Sau đó, có tiếng cót két bên
trên; tấm cửa sắt bên trên được kéo ra,
hé mở. Một luồng hơi mát từ trên boong tràn xuống, xua bớt cái nóng hầm hập lẫn
mùi xú uế dưới tầng hầm sâu. Tân thầm nghĩ: thế ra những người điều khiển con
tàu vẫn có thói quen đóng kín hầm tàu để “bảo quản” hàng hoá, bảo vệ gia súc mỗi
khi di chuyển đường dài trên biển. Và trong chuyến hải hành này có chở theo những
người tù “cải tạo” , họ cũng vẫn đóng kín hầm tàu, bảo quản những món hàng
“đáng giá” dành cho những cuộc trao đổi sau này. Cũng như trước đây chủ tịch
Cuba, Fidel Castro đã trao đổi những tù nhân lương tâm Cuba để lấy
những chiếc máy cày của Mỹ!
Sáng hôm sau tàu dừng lại. Mọi
người đoán chừng tàu đang ở khoảng giữa miền Trung, dưới vĩ tuyến 17. Hôm ấy,
Tân nhận lãnh việc kéo thùng xú uế đổ xuống biển. Không khí trên boong tàu mát
lạnh dễ chịu. Mặt trời đã lên cao, toả ánh nắng mùa đông dịu dàng. Xa xa, những hòn đảo có hình
thù đẹp mắt nhô lên từ làn nước biển trong xanh, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Một
vài cánh buồm màu nâu căng gió, lững lờ trôi. Vài con chim màu xám bay
qua, sà xuống đậu trên sân tàu. Đây là lần đầu anh thấy tận mắt con chim hải âu
lưng xám, ức trắng, một loại chim to lớn như con quạ, sống ở miền ôn đới mà sau
này anh thường gặp ở miền Nam
California. Nhìn những cánh buồm màu nâu, những con chim hải âu…tất cả đều xa lạ với kẻ đã sống gần nửa đời
người ở Miền Nam Việt nam. Tân bắt đầu cảm thấy lo âu, thất vọng. Thế là anh và
các bạn đồng tù cải tạo đã bị lưu đày ra đất Bắc rồi!…
Sau đó, nhóm tù “cải tạo” Long
Thành được lệnh xếp hàng, chuẩn bị di chuyển. Một đoàn người ăn mặc nhàu nát, dáng điệu bơ phờ; với cảnh vệ
mang súng đi cạnh, từ hầm tàu đi lên, bước ra khỏi tàu. Trên boong tàu đám cán
bộ đứng lãnh đạm nhìn xuống…Trên bến cảng, một đám công an, với áo vàng bốn
túi, mũ cối gắn sao vàng; với súng ngắn đeo bên hông, tay dắt chó săn to lớn…đứng
dọc con đường từ bến cảng ra đường lộ. Những chiếc xe Nhật loại chở khách, với
màn che kín mít đang đậu bên đường . Những khách “đặc biệt” từ Nam ra bị còng
tay từng cặp trước khi bước lên xe. Còn một tù nhân lẻ, bị còng vào ghế ngồi
trong xe cho “chắc ăn”!
* * *
Đoàn xe khởi hành, chạy về hướng
Hà Nội. Xe đến ngoại ô Hà Nội, chuyển hướng về nam, chạy đến địa phận Thanh Hoá
thì trời đã tối. Đoàn xe dừng lại bên đường để đám “hành khách cải tạo” xuống
xe đi tiêu, đi tiểu... Bỗng từ trong xóm ven đường có ánh đuốc, có tiếng gọi
nhau ơi ới, vang cả xóm vắng: “Ra xem “tù cải tạo Ngụy” anh em ơi!” Lại có những
tiếng hét đầy kịch tính: “Đánh chết bố chúng nó, chúng mày ơi!” . Những người
tù Miền Nam đang tiểu tiện, nghe được những “âm thanh cuồng nộ” như thế, vội
vàng chạy về vào xe chở mình…Và rồi đoàn
xe nhanh chóng lăn bánh, trước khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra!
Đến
sáng, sau khi nặng nhọc leo lên đồi núi, qua những khu rừng, rồi đi xuống gần bờ
sông Mã, đoàn xe dừng lại trước trại tù Thanh Cẩm. Trại được bao quanh bởi những
bức tường đá dày và cao ngất, với vọng gác chung quanh. Trại tù này có một quá
khứ lâu dài như những trại Đầm Đùn, Lý Bá Sơ ở Miền Bắc trước năm 1975. Đoàn
“tân tù” Thanh Cẩm, bước xuống xe, chán nản, mệt nhọc trút bỏ bụi đường; trút bỏ
những kỷ niệm của tháng ngày tự do, cuộc sống êm đềm trong quá khứ ở Miền Nam…
Rồi từ đó, Tân cũng như các bạn đồng tù, đã trải qua những tháng ngày lao động cực nhọc ở các đội trồng rau, trồng khoai sắn. Những buổi sáng mùa đông giá buốt, họ phải lội xuống sông Mã để ngâm những cây luồng dài và to như thân cây tre. Những ngày hè cháy da phải lên núi khiêng đá về cất thêm những nhà tù “cải tạo” mới. Làm việc cực nhọc theo “chỉ tiêu” giao phó, ăn uống hạn chế theo “tiêu chuẩn” ấn định. Nếu không có những đợt thăm nuôi của gia đình trong Nam, tù “cải tạo” sẽ chết dần chết mòn vô số kể! Năm năm sau, Tân được gọi tên ra khỏi trại tù Thanh Cẩm, thoát được chốn địa ngục trần gian. Hình ảnh nơi ấy vẫn còn in mãi trong tâm trí anh đến tận đêm hôm nay….
* * *
Tân ngồi dậy, bước ra khỏi
cabin tàu du lịch Caribbean Princess. Nằm mãi một mình anh vẫn không ngủ được. Bây giờ là mười hai
giờ đêm. Vợ và các con, các cháu
anh vẫn chưa trở về phòng. Anh tự
nhủ: mọi người giờ này vẫn còn vui chơi giải trí trên tàu, cớ sao anh tự giam mình trong cabin,
giam mình trong nỗi ray rức của quá khứ đau thương?
Đã hơn ba mươi năm rồi, từ khi ra khỏi trại tù “cải tạo”, và sau đó đi tỵ nạn ở nước ngoài, anh những tưởng cuộc sống ổn định, tươi đẹp nơi quê hương thứ hai này sẽ làm anh quên được bao đắng cay trong quá khứ đau thương ấy. Nhưng đêm nay, trải qua bảy ngày đêm thoải mái, thích thú trên chiếc du thuyền sang trọng, qua những hòn đảo xinh đẹp thơ mộng của vùng biển Caribe, hình ảnh bi đát trên chuyến tàu đi “lưu đày biệt xứ” năm xưa lại hiện lên rõ nét. Làm sao Tân quên được?!
****
Tân mở cửa
cabin, bước ra đứng tựa lan can ở mạn tàu. Đêm yên tĩnh với gió biển mát lạnh.
Những đợt sóng đập vào thành tàu, tạo nên những cuộn lân tinh trắng xóa, nhấp
nhô. Một cánh chim biển bay qua, kêu vang một góc trời. Tân sực nhớ đến những
cánh hải âu màu trắng, anh đã nhìn thấy vào buổi sáng đầu tiên trên đất Bắc. Cảnh
trí sáng hôm ấy thật đẹp. Nhưng với anh, hôm ấy là một ngày đen tối, khởi đầu
cho những tháng năm cực nhọc, đói khổ, nhục nhằn mà anh và các bạn đồng tù “cải
tạo” chịu đựng suốt bao năm.
Tân thở dài nhìn ra sóng nước xa xa. Trăng
lên cao toả nhẹ ánh vàng nhạt trên mặt biển mênh mông tím sẫm, gợn sóng lăng
tăng, lấp lánh ánh lân tinh ma quái. Đêm đã về khuya, nhưng hành khách trên tàu
vẫn còn dạo chơi bên trong các phòng giải trí. Tân đứng một mình ngoài hành
lang mạn tàu mà lòng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết…Trong tiếng sóng rì rào,
tiếng gió vi vu, Tân nghe như có tiếng hát của ca nhạc sĩ Nam Lộc trong bài
“Xin Đời Một Nụ Cười” của chính tác giả: “Tự do ôi tự do!
tôi trả bằng nước mắt. Tự do hỡi tự do! anh trao bằng máu xương. Tự do ơi tự
do! em đổi bằng thân xác. Vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong…"
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment