Tam Bách Đinh Bá Tâm
Khi
người thiếu phụ nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào văn phòng nơi anh làm việc, Thanh bỗng cảm thấy mùi thơm quyến rũ, theo
gió quyện vào, ngào ngạt cả phòng khách. Anh ngẩn lên nhìn và thoáng thấy mơ hồ
một nét quen thuộc nơi khuôn mặt của nàng. Người đàn bà có lẽ đã quá tuổi trung
niên, nhưng nét đẹp thời xuân sắc vẫn
còn phảng phất trong đôi mắt, trên nét môi và trong dáng vẻ yểu điệu của
nàng. Nàng hỏi anh, bằng một giọng Huế nhỏ nhẹ:
- Thưa ông, đây có phải là văn phòng luật sư ?
-
Dạ phải. Mời bà ngồi để tôi xin được tiếp chuyện. Bà cho biết họ tên, số điện
thoại và vấn đề pháp lý bà cần luật sư giúp đỡ...
- Tôi tên Hồng, Hồng Collins, tôi muốn nhờ
lập hồ sơ xin ly dị chồng... Nhưng lệ phí có cao lắm không, thưa ông?
-
Thưa, chúng tôi có chương trình giúp đỡ đồng hương người Việt mới sang và có
lợi tức thấp...Thế, bà sang Mỹ lâu chưa và mức lợi tức thế nào?
-
Chúng tôi sang đây trước năm 1975, và hiện nay ông
chồng Mỹ của tôi đã về hưu. Ông ấy nằm nhà xem TV, uống rượu cả ngày. Còn tôi, vẫn
còn đi làm, lợi tức không cao lắm. Chúng tôi không con cái, nên chồng tôi đâm ra buồn bực, lại hay ghen tuông, kiếm chuyện gây gỗ với tôi hoài... Ông cho có thể cho tôi gặp luật sư để nhờ lập
thủ tục ly dị được không?
- Ðược chứ, tôi sẽ lấy hẹn cho bà vào chiều thứ sáu tuần này, lúc một giờ! Xin
đem theo giấy tờ liên hệ để luật sư
có đủ dữ kiện lập hồ sơ… Thưa, đây là giấy hẹn.
Thanh ngẩng nhìn thiếu
phụ trong giây lát, giọng ngập ngừng:
-À, xin lỗi bà cho tôi tò mò hỏi thêm. Hồi còn
ở Việt nam, bà đã ở Miền Trung phải không?
Thiếu phụ dè dặt đáp:
-
Thưa phải! Trước năm 1975, tôi làm việc ở Văn phòng Cố vấn
Mỹ tại tại một tỉnh ở Miền Trung. À! Mà sao ông hỏi thế?
Thanh im lặng nhìn nàng, đoạn trả lời:
-
Vì tôi trông bà quen quá. Năm 1966 tôi thực tập tại Toà
Hành chánh Tỉnh B ngoài đó . Có phải bà là “cô Hồng USAID” nổi danh hồi ấy không ? Tôi là Thanh, chắc bà còn nhớ?
Người thiếu phụ nhìn anh đăm đăm, nét mặt rạng rỡ
hẳn lên:
- Ô! Anh Thanh, trông anh khác xưa nhiều quá! Vâng, Hồng USAID đây. Anh có trí nhớ thật tốt!
Ðoạn nàng nói thêm, giọng ngậm ngùi:
- Chắc anh không ngờ, sau khi các anh trở về
Sài gòn, ông John theo tôi mãi. Cuối cùng chúng tôi lấy nhau và theo ông về Mỹ.
Gặp lại nhau thật bất ngờ, phải không anh?
Vâng, cuộc đời quả lắm bất ngờ! Sau thời gian thăng trầm
trôi nổi trong cuộc sống, câu chuyện phiêu lưu tình cảm của Thanh, ở một tỉnh miền Trung, tưởng đã trôi vào dĩ
vãng. Suốt một năm thực tập hành chánh tại Tỉnh và
các Quận ở địa phương này, anh đã phải về trung ương nhiều lần. Mục đích để liên lạc với trường Hành Chánh Sài
gòn sau mỗi tam cá nguyệt để nộp tờ trình thực tập. Ngoài ra anh còn gặp mặt
người yêu đã gắn bó tình cảm gần bốn
năm. Anh rất tiết kiệm tiền bạc, cốt để lo chuyện tương lai với nàng, nên không mua vé máy bay Air Vietnam mỗi khi về Sài gòn. Do sự giới thiệu của một người
bạn làm việc tại tòa Hành chánh Tỉnh, anh liên lạc với văn phòng cố vấn Mỹ USAID để xin ghi danh trong danh sách
hành khách của chuyến bay
Air America. Nơi đây, anh gặp cô thư ký người Huế trẻ đẹp dễ mến mà các sĩ quan, công chức trẻ tại đây thường gọi là cô “Hồng USAID”.
Ðó là một thiếu nữ tuổi đôi mươi, xinh đẹp, mắt sáng môi hồng, dáng người tròn trịa hấp dẫn. Ở một thành phố tương đối lớn tại Miền Trung, và trong bối cảnh của cuộc chiến đang xảy ra, cô “Hồng USAID” như một bông hoa đẹp giữa rừng gươm giáo súng đạn của của các chiến binh Việt nam về thành phố nghỉ phép. Lúc bấy giờ đã xảy ra những trận đánh ác liệt đẫm máu tại mặt trận phía bắc, cách tỉnh lỵ vài mươi cây số ngàn. Nhiều sỹ quan trẻ, vẫn thường tìm cách làm quen, tán tỉnh người đẹp “Hồng USAID”.
Ngoài dáng vẻ xinh đẹp, hấp dẫn, Hồng còn có giọng nói ngọt ngào, du dương của
miền Sông Hương Núi Ngự. Đặc biệt nàng thích tiêu tốn nhiều tiền cho nhan sắc của
mình: quần áo, phấn son, nước hoa thơm ngát. Nhiều đồng sự người Mỹ tại văn phòng USAID
cũng thích lấy lòng cô, tìm mua những lọ
nước hoa đắc tiền trong PX - một loại siêu thị dành cho quân đội Mỹ tại đây. Tuy
nhiên, cô không thích thú lắm, vỉ chỉ chuộng những mỹ
phẩm đắc tiền của Pháp. Trong số những bạn đồng sự đó có anh chàng Mỹ tên John,
boss trực
tiếp của cô; và vì anh ta thích uống rượu mạnh nên có biệt danh “Johny Whisky”.
Riêng Thanh, chàng sinh viên trẻ sắp ra tốt
nghiệp trường Hành chánh Sài gòn, đã
không có ý nghĩ tham gia vào cuộc tranh đua tình cảm đó. Cũng chỉ vì anh thực tập một thời gian ngắn tại thành phố xa xôi này. Hơn nữa, anh không
muốn lưu lại đây những lời đàm tiếu, dị nghị về cuộc sống tình cảm, sau khi trở về Sài gòn để chuẩn bị
ra trường vào năm tới. Ðiều quan trọng hơn nữa là người yêu của anh ở Sài gòn, đã
gắn bó, đợi chờ anh hơn bốn năm qua.
Sau
chuyến bay về Sài gòn lần thứ ba bằng
máy bay Air America, Thanh mua tặng cô Hồng một lọ nước hoa hiệu Chanel
No. 5 , mua ở thương
xá Eden tại Sài gòn. Với anh, đó chỉ là món quà xã giao, để cám ơn cô thư ký văn phòng USAID đã dành nhiều ưu ái cho anh trong vệc ghi danh một
chỗ ngồi trên Air America . Nướchoa Chanel No. 5 là
loại mỹ phẩm khá đắt tiền của Pháp, có mùi thơm êm dịu, quý phái, hấp
dẫn. Và đó cũng là bước khởi đầu cho sự hiểu lầm
về tình cảm giữa cô thư ký trẻ đẹp có “mỹ danh Hồng USAID”, với chàng sinh viên Hành chánh thực tập tại Tỉnh B. mà
trái tim hầu như đã có chủ.
Hôm ấy, cô Hồng rất thích thú khi nhận được
món quà đã mơ ước từ lâu. Nàng ngỏ lời mời Thanh đến nhà ăn cơm tối, có lẽ để tỏ lòng cám
ơn:
- Nhà Hồng ở cuối đường Trần Cao Vân, gần mé biển. Chỉ có mẹ
con em ở đó thôi. Tối thứ bảy này, mời anh đến chơi, em có thưa với me rồi, me em mừng lắm...Em cũng có mời boss John của em
nữa…
Khi Thanh tìm ra địa chỉ, bước vào nhà cô Hồng,
chàng nhận thấy phòng khách thật vắng vẻ. Nữ chủ nhân đón anh vào nhà. Hôm nay
nàng ăn mặc thật đẹp, thơm ngát mùi nước hoa Chanel, vui cười liếng thoắng :
-
Mời anh ngồi chơi. Hôm nay em chỉ mời anh và ông John đến dùng cơm tối thôi.
Nhưng ông ta bận công tác, sẽ đến muộn.
Me em đang bận tay dưới bếp, để em mời lên!
Người
thiếu nữ đưa mẹ lên giới thiệu với khách, đoạn lui vào nhà sau, có bức rèm
trúc đang lách cách đong đưa
theo gió biển thổi vào nhà.
Mùi thức ăn từ bếp bốc lên thơm ngào ngạt. Từ bên trong , một thiếu phụ trung niên bước ra thân mật chào Thanh:
-
Xin chào anh. Nghe em Hồng nói mới quen với một sinh viên Hành chánh từ Sài gòn
ra làm việc ngoài ni, tui mừng lắm! Anh cũng là người Miền Trung hỉ? Anh đã lập
gia đình chưa? Hai cụ thân sinh có khỏe
không? Hôm nào có dịp vô Sài
gòn, tui sẽ ghé thăm hai cụ...
Thanh
im lặng lắng nghe người đàn bà đang vồn vã hỏi chuyện. Anh chợt thấy bà mẹ cô Hồng đã hiểu lầm về liên hệ tình cảm giữa người
con gái cưng với người sinh viên trẻ sắp ra trường . Anh muốn đính chính, giải
thích về mối quan hệ đó một cách minh bạch, nhưng lại rụt rè e ngại... Chợt có tiếng xe đậu trước nhà, và người boss Mỹ tên John của cô Hồng bước vào,
dáng vẻ tự
nhiên. Ông ta nhìn Thanh, im lặng lạnh lùng. Từ đó
đến suốt bữa ăn tối, người sinh viên trẻ
cảm thấy mất tự nhiên, muốn sớm ra về để thoát khỏi tình trạng khó chịu này.
Anh có cảm giác người mẹ cô Hồng muốn biến bữa ăn tối cuối tuần hôm nay thành
buổi “tuyển phu” cho con gái. Có lẽ bà ta nghĩ
rằng anh chỉ là một trong những ứng
viên chờ đợi quả cầu may mắn để làm chồng cô gái cưng của bà chăng?
Ðến
ngày mãn hạn thực tập tại tỉnh B , Thanh lặng lẽ đáp xe đò lên quận An Túc. Nơi đây anh nhờ ông Quận trưởng liên lạc với
đơn vị Thiết kỵ Hoa kỳ để về Sài
gòn bằng máy bay vận tải C130. Anh đã không đến văn phòng USAID gặp cô thư ký Hồng như những lần trước đây. Bởi anh không muốn bị hiểu lầm, cuốn hút thêm vào
lãnh vực tình cảm với người thiếu nữ
xinh đẹp, đang kén chồng này! Và từ đó anh
không còn gặp lại cô Hồng USAID nữa. Cho đến sáng hôm nay, một tình cờ khiến anh
lại gặp nàng trên đất Mỹ tỵ nạn xa xôi này.
Mấy hôm sau, khi Thanh đang ngồi tiếp khách trong văn phòng thì có tiếng chuông điện thoại reo. Sau đó một giọng nữ vang vang:
- Alô!, tôi muốn được
nói chuyện với ông Thanh… Vâng, thưa anh Thanh, Hồng đây. Tôi có kể chuyện gặp
anh một cách bất ngờ tại văn phòng Luật sư
cho chồng tôi nghe. John rất muốn
gặp lại anh. Xin mời anh chiều nay đến
nhà chúng tôi ở Hungtinton Beach để dùng cơm tối ...
Khi Thanh theo lời chỉ dẫn, đến nhà ông bà
Collins, anh đã thấy họ đứng chờ ở cổng. Ông John trông già và gầy
hơn xưa. Ông ta cười vui, bắt tay Thanh thật niềm nỡ như đôi bạn thân lâu
ngày mới tái ngộ. Họ
mời anh vào nhà, rồi bà vợ cáo từ lui xuống bếp để
chuẩn bị thức ăn. Ông Collins rót rượu mời khách, nhắc lại những kỷ niệm xưa ở
Việt nam, cho đến ngày ông lấy cô Hồng rồi cùng về Mỹ cuối năm 1972. Thanh im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng
lịch sự góp chuyện với gia chủ...Anh bỗng cảm thấy tội nghiệp cho ông chồng đã già, suốt ngày cô đơn bên chai rượu và chiếc
máy truyền
hình, giữa khung cảnh tĩnh mịch, cô
quạnh của ngôi nhà sát bờ biển... Anh thử gợi chuyện, cố tìm cách giúp ông ta thoát khỏi cảnh bế tắc
của cuộc sống u buồn này:
- Ông Collins, sáng hôm qua vợ ông có ghé chỗ tôi làm việc để lấy hẹn gặp luật
sư nhờ lập hồ sơ ly dị. Ông có đồng ý với bà nhà không?
Người chồng già mỉm cười cay đắng:
- Không,
tôi vẫn còn yêu vợ tôi, đâu muốn xa cô ấy. Nhưng vợ tôi nhất quyết đòi
ly dị, tôi không thể cản được. Nếu ông
nói giúp để cô ấy bỏ ý định ly dị ấy đi, tôi cám ơn
ông nhiều lắm...
Bà
Collins mang thức ăn bày trên bàn và vui vẻ mời mọi người. Thức ăn toàn những món đặc biệt xứ Huế, chen
lẫn với vài món ăn Mỹ mà Thanh đoán là món sở
thích của ông chồng. Anh ngồi đối diện với hai vợ chồng gia chủ. Bà
vợ vui vẻ cười nói, nhắc lại chuyện xưa, còn ông chồng lẳng lặng uống rượu,
dáng vẻ trông thật cô đơn ...
Thanh chậm rãi lên tiếng:
-
Ông Collins à, trong cuộc chiến Việt nam vừa qua, cũng như chúng tôi, các ông
đã tự cho mình bại trận, rồi rút về nước. Riêng ông, ông đã thắng ở một mặt trận khác,
mặt trận tình yêu. Ông đã đánh bại tất cả các đối thủ, chiếm được quả tim cô
Hồng, và đem nàng về nước như một chiến lợi phẩm qúy báu...Và giờ đây, trên
trận tuyến gia đình, nếu ông không biết giữ chiến lợi phẩm vô giá đó, ông sẽ bị
thua cuộc, vĩnh viễn thua cuộc...
Thanh ngừng lại, nâng ly nhấp một chút
rượu như để những lời của anh ngấm vào lòng của người chồng đang buồn phiền vì
vợ muốn lìa bỏ. Đoạn anh nói tiếp:
-Còn bà Collins, nếu bà bỏ ông nhà, ông biết
nương tựa vào đâu trong tuổi già bóng xế? Có lẽ khi còn trẻ, đã nhiều lần bà nghe ông Collins
tha thiết nói với bà: “Tôi yêu em...”. Nhưng giờ đây, tôi nghĩ bà nên hiểu ông luôn muốn nói với bà: “Tôi
cần em” . Và cả hai ông bà, rồi đây sống trong tuổi già cô quạnh, mới thấy
câu: “Ta cần có nhau...” là đáng yêu
đáng quý biết ngần nào!...
Ông Collins ngồi im lặng, trầm ngâm. Ly rượu của ông vẫn chưa cạn vì đang chăm chú
nghe lời khuyên của khách. Còn bà vợ ông, nét mặt trở nên
ưu tư, buồn bã. Trong một thoáng, nét già nua và ủ dột chợt hiện lên trên khuôn mặt của nàng - một cô Hồng xuân
sắc thời xa xưa. Nàng cúi xuống,
kín đáo lau vội giọt nước mắt, che dấu
những cảm xúc bấy lâu vẫn cố nén chặt trong lòng.
Thanh chào từ biệt gia chủ, bước ra khỏi căn
nhà ấm cúng đó thì đêm đã về khuya. Gió từ biển Hungtinton Beach thổi vào
khiến anh cảm thấy se lạnh. Ngoài xa, tiếng sóng vỗ rì rào
như tiếng thở dài của những linh hồn cô đơn. Trăng mùa thu đêm nay thật sáng, lấp lánh trên mặt biển như tấm
gương bạc khổng lồ, chập chờn ma quái.
Thanh bỗng nhớ đến bãi biển ở tỉnh B. năm xưa, cũng vào một đêm trăng sao vằng vặc đầy trời, khi anh chào
từ biệt cô Hồng và bà mẹ, bước ra
khỏi căn nhà của họ sát bờ biển.
Ðã hơn năm mươi năm
rồi, anh không có dịp về lại vùng đất nhiều kỷ niệm ấy nữa. Anh lắc đầu như để xua đi những hình bóng xưa, khi rảo
bước đến chỗ đậu xe. Mùi nước hoa Chanel như vẫn còn vương vấn đâu đây. Hình ảnh những giọt nước mắt long lanh trên bờ
mi của bà Collins tối hôm nay như vẫn còn chập
chờn trước mắt anh. Anh tự hỏi: phải
chăng đó là những giọt nước mắt buồn tủi của một người vợ kém hạnh phúc bên chồng? Hay chỉ là
những giọt lệ đắng cay của một thiếu phụ vẫn còn tiếc nuối tuổi xuân, một thời đã đánh
mất hình bóng ước mơ, khiến đời nàng mãi mãi chỉ là giấc mộng dài không toại nguyện?
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment