_________________________
Những ngày cuối tháng 9, khi những vệt nắng cuối hạ phai nhạt dần trên từng kẽ lá, cũng là lúc những cơn gió thoảng đưa mùa thu sang. Với nhiều người, thu đến lúc nào cũng mang niềm nhớ, mùa thu đến như là một quy luật thời gian tiền định của thiên nhiên đất trời buộc con người ta phải xao lòng về những kỷ niệm, những ký ức. Cuộc sống quay cuồng nơi xứ người, thời gian nhẹ nhàng trôi theo những mùa thu thay lá, từ bao giờ tôi không còn thói quen đếm từng tháng năm xa quê hương như những ngày mới bắt đầu cuộc sống xa quê. Nhưng mỗi độ thu về, dù muốn dù không, kỷ niệm chất chứa trong ký ức của tôi cứ chợt hiện về. Nếu nói về kỷ niệm mùa thu ở nơi quê nhà của tôi thì nhiều lắm, mùa thu, mùa tựu trường với màu áo trắng học trò, mùa thu với niềm hân hoan rộn ràng với tiếng trống khai giảng năm học mới, và hơn bao giờ hết là những mùa trung thu đoàn viên bên gia đình nơi quê nhà ngày xưa.
Đã xa rồi những mùa trung thu ngày xưa. Xa rồi đêm trăng rằm tháng Tám với tiếng trống rình rang khắp xóm làng của những đoàn lân sư rồng, với ánh sáng lung linh từ ngọn nến trong chiếc đèn ông sao làm bằng giấy kính đỏ, xa rồi mâm cỗ trung thu với mấy chiếc bánh nướng, bánh dẻo, bình trà bên ông bà, cha mẹ, và cả khoảng khắc đêm trung thu ngồi trong sân chùa cũng lũ bạn hàng xóm nghe kể chuyện chị Hằng, chú Cuội.
Tuổi thơ tôi nghèo lắm, đó là khoảng thời gian xã hội Việt Nam vừa đi qua thời bao cấp, bánh trung thu là một thứ xa xỉ với nhiều gia đình. Cả nhà gần chục người, cùng nhau ăn một hộp bánh trung thu bốn cái. Mỗi người chỉ được ăn một miếng nhỏ cho có không khí trung thu. Vậy mà tôi nhớ có năm, lần đầu tiên có một tiệm bánh duy nhất trong thành phố bày bán bánh trung thu hình con heo ngộ nghĩnh với đôi mắt đen láy làm bằng hai hạt đậu đen. Biết chị em tôi thích, ba lặn lội đạp xe mấy cây số đi mua về. Kể từ mùa trung thu năm đó, chị em tôi chỉ cần một cái lồng đèn giấy ba làm và một cái bánh trung thu hình con heo như thế là đủ.
Trung thu ngày xưa vẫn thường được gọi là Tết Thiếu Nhi, Tết Trung Thu, đó dường như là một ngày hôi lớn trong năm của đám trẻ con chúng tôi. Cái ngày mà chúng tôi chưa được biết đén trò chơi điện tử, hay đồ chơi công nghệ như lũ trẻ con bây giờ thì niềm háo hức ngồi tỉ mỉ làm chiếc lồng đèn cho riêng mình để chờ đến đêm rằm đi khắp xóm làng rước đèn cùng chúng bạn, ca hát líu lo bên trong sân chùa vẫn mãi là những kỷ niệm tuổi thơ đi theo miền ký ức của những đứa trẻ lớn lên trong cảnh cơ cực, thiếu thốn ở nơi quê nhà ngày nào.
Còn Trung Thu giờ đây, lồng đèn điện được bày bán khắp nơi, bọn trẻ con chẳng còn háo hức thắp nến rước đèn đêm rằm như ngày nào. Những chiếc bánh trung thu được bày bán khắp nơi, chẳng còn mang ý nghĩa thiêng liêng trên mâm cỗ trung thu theo truyền thống của mỗi gia đình như ngày xưa, mà thay vào đó, bánh trung thu như một món quà, một tặng phẩm để thể hiện các mối quan hệ trong xã hội, người mua để mang tặng nhau thì nhiều, mà người thật sự muốn ăn bánh trung thu thì lại chẳng có bao nhiêu vì sợ ăn vào bị bệnh. Dần dần rồi với nhiều người, mỗi năm dịp Trung Thu có ăn bánh Trung Thu hay không cũng không còn là điều quan trọng.
Tháng ngày qua đi, tuổi thơ xa dần phía sau nhưng nó không mờ đi mà càng hiện hữu mỗi khi nhớ lại. Sau nhiều năm xa cách, xóm nghèo, bạn cũ giờ cũng đã thay đổi. Lũ con nít bây giờ ít có đứa nào được tận hưởng đúng không khí trung thu của ngày xưa. Trung Thu của bọn trẻ con bây giờ chắc sẽ không bao giờ biết được cái hay, cái thú vị của Trung Thu những năm tháng cũ mà thế hệ chúng tôi đã được đi qua. Ngày đó, vật chất, tiền bạc thiếu thốn nhưng chúng tôi đã được hưởng trọn vẹn niềm hân hoan, vui sướng bên mâm cỗ đêm rằm với gia đình, gia đình nào ngày đó dù có khó khăn mấy cũng cố mua cho bằng được hộp bánh trung thu để ăn. Và nhớ cả niềm hạnh phúc được ngồi cùng ba cả ngày tỉ mỉ làm chiếc lồng đèn để đêm rằm đi rước đèn khắp xóm làng cùng chúng bạn, rồi cùng nhau ngồi trong sân chùa chia nhau miếng bánh, vài ba cây kẹo để đón ngày Tết trung thu đúng ý nghĩa của nó.
Tuổi thơ tôi đi qua rồi. Giờ đây cuộc sống nơi xứ người quay cuồng với cơm áo gạo tiền, tôi cũng chẳng còn cảm giác mong chờ Trung Thu như ngày còn thơ bé nữa. Người ta nói đúng, có những cái mất đi vẫn lấy lại được nhưng thời gian, kí ức, tuổi thơ mãi mãi là hoài niệm trong tâm trí của mỗi người. Tôi vẫn mong được một lần sống lại trong giấc mơ xưa cũ ấy. Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ tôi có thể đi qua hết được nỗi nhớ của mình để đo được chiều dài của ký ức tuổi thơ cùng ánh trăng rằm đêm Trung Thu. Nơi ấy tôi có gia đình, có ông bà, có mẹ cha, có người em trai cùng lớn lên từ những ngày thơ ấu cơ cực nhưng đầy tình thương yêu.
Vương Vi
Nguồn: Cali today
(*) Tựa đề do Vườn đặt
No comments:
Post a Comment