CAO VỊ KHANH
Không biết tại sao tự dưng có lúc cả ba người đều ngừng nói. Ngọn nến đặt ở giữa bàn cũng thôi lắt lay làm mấy cái bóng trên tường im sựng lại.
Không khí nhủn ra, bứt rứt. Chỉ còn tiếng nhạc vặn nhỏ làm như thủ thỉ bên tai mà lại nghe xa như đến từ một cõi nào khác. Cái cõi đã mất trong tầm mắt mà lại còn nguyên trong trí tưởng chỉ vì bản nhạc là một sérénade đã có thời chia chung nhau một ý thích.
Bữa tiệc đang hào hứng. Mấy món ăn khéo nấu ngon miệng. Rượu chát cất giữ lâu năm quến khách không thua gì mùi nhân tình mới bén. Chủ luôn miệng mời mọc. Khách thân từ ba mươi năm trước, xa liền một lúc hơn hai mươi năm rồi bỗng dưng khi không mà gặp lại. Cho nên làm sao mà không chuyện trò hỏi han cho hả. Có biết bao nhiêu điều cần biết. Căn vặn đến không kịp trả lời. Vậy mà bỗng nhiên ngưng ngang sau câu hỏi của người chồng. Sao mày không cưới vợ. Câu hỏi bất chợt buột ra theo đà câu chuyện làm người khách bỗng buồn ngang xương. Cùng lúc nhạc chuyển sang mấy bản độc tấu trung hồ cầm. Âm thanh của mấy sợi giây tơ cọ nhau đến rát dạ. Có từng nỗi xót đau trong mỗi phiếm đàn. Anh ta nuốt vội ngụm rượu đang uống nửa chừng, đặt ly xuống rồi chắp hai tay chống càm nhìn vói ngang vai người đàn bà bức tranh của Modigliani vẻ mặt con gái với cái cổ cao như cổ hạc. Màu tươi mà dáng vẻ lại buồn. Một giây. Người thiếu phụ ngồi đối diện đang gắp cho chồng miếng chả chiên làm như có một chút bối rối, thoáng nhanh, chắc không ai biết ngoài nàng. Nàng cẩn thận để miếng cá vào chén, rồi buông đủa đứng lên làm như phải đi vào bếp. Mà thật sự nàng cũng không biết vào bếp để làm gì nữa. Nàng chỉ đứng dậy, đi vài bước như phải làm một cái gì vậy thôi. Ngoài bàn, đã nghe tiếng cười rất ấm của khách. Thì mày biết rồi tao đã thề sẽ ở vậy nuôi con suốt đời mà. Cái thằng lúc nào cũng giỡn. Tao hỏi thiệt chớ còn bà N. bà B. đâu hết rồi. Ai mà bằng mày đào hoa chi số, đàn bà con gái đeo như đĩa. Sao để cho rớt đâu hết mà hai chục năm rồi vẫn độc thân tại chỗ vậy. Nói vậy chớ đâu phải vậy mậy. Thương là một chuyện mà lấy nhau lại là chuyện khác... Hai người đàn ông, bạn cũ đã có thời như một cặp bài trùng, đun đẩy qua lại những câu nói đùa vô thưởng vô phạt. Người đàn bà vào đến bếp đứng trước tủ lạnh, mở cửa nhìn vào trong mà không biết mình tìm gì. Có một cái gì đó lộn xộn trong lòng như đống đồ ăn sắp đứng sắp nằm đầy nhóc trong tủ. Nàng đưa tay xốc xốc mớ trái cây chẳng mắc mớ gì giữa bữa ăn. Rồi như thấy mình vắng mặt không đúng lúc, nàng lên tiếng nói vọng ra . Anh M. ảnh có chịu cho ai lấy ảnh đâu. Ảnh né còn nhanh hơn chim cắt nữa đó. Ngoài phòng ăn hai người bạn cười lớn. Trong này, bỗng dưng người đàn bà khựng mình, nín thinh. Phải vậy không ? Phải ảnh né nhanh hơn chim cắt không. Không đâu nàng thấy mất vui. Có một cái gì đó, nặng như đá bỗng rớt ngay lồng ngực đè mất một nhịp thở. Phải vậy không, phải tại ảnh không ? Nàng bỏ ra nhìn hai người đàn ông cụng ly. Màu rượu đỏ bầm như màu áo huyết dụ nàng đang mặc. A. dang tay kéo vợ sát vào mình, đưa ly rượu. Uống chút đi em. Mừng thằng độc thân hai thế kỷ. M ngó ly rượu rồi ngước lên nhìn ngay vào mắt nàng. Tia nhìn dài như quấn lấy đuôi mắt đã chớm mỏi. Phải rồi mời bà uống mừng tánh lỳ lợm của tôi. Người đàn bà nhắp vội hớp rượu, lớp son môi rịn ướt trông ngon như nửa miếng mận hồng đào. Tự nhiên hai cặp mắt rời nhau, lẫn tránh mà không giấu kịp một chút nấn níu vừa dấy lên, chộn rộn đến không ngờ. Mà có phải mới mẻ gì đâu. Hơn hai mươi năm rồi. Sao trái tim nhớ dai vậy. Người chồng thì vô tình cứ huyên thuyên chuyện trời trăng mây nước. Người vợ càng lúc càng như con sâu nhỏ, chỉ muốn rút mình quấn kín trong chiếc kén kỷ niệm. Người khách thì đã buồn mà cứ giả bộ làm vui. Bữa tiệc hội ngộ kéo dài nhùn nhằng không chịu tàn. Mọi người còn quấn quýt với mớ hình ảnh ố vàng thất lạc lâu ngày mới lục lại được. Nó nhắc họ nhớ tới người này cảnh nọ, khi thì đông đủ chùm nhum tại một góc sân trường, lúc giận hờn thui thủi ở một góc phố khuất sau hàng me già sụ, giữa một thị trấn ven biển hay có những cơn giông đầu hạ. Hồi đó cả bọn có hết thảy năm người. Ba cậu hai cô. Con gái mười bảy mười tám mỏng mảnh như lá cỏ. Đẹp trong veo như mấy hạt sương sớm. Còn mấy đứa con trai thì cứ lính qua lính quýnh, chộn rộn như mấy con chim trống gù mái. Mặc kệ cuộc sống của người lớn phiền toái ở chung quanh, mặc kệ chiến tranh gầm gừ hù dọa, cả bọn vui nông nổi như bầy sẻ buổi sáng. Mà cũng ngộ, ở cái thị trấn đầy lời ong tiếng ve đó mà có một bọn trai gái được dịp kết bạn khắn khít thì phải kể là hiếm có. Phải nói là hồi đó học trò trai gái rất khó quen nhau. Vậy mà không biết mấy ông thầy năm đó nổi hứng thế nào mà lại bỏ về quê ăn tết sớm để đám học trò khác lớp côi cút không người hướng dẩn họp lại tự động tổ chức tiệc tất niên rầm rộ. Mấy anh trai lớn sức vóc lo chạy vòng ngoài. Con gái thì lo bếp núc. Rồi lại còn tập ca tập hát. Hết dợt Ly rượu mừng thì tới Nếu xuân này vắng anh. Mấy anh đàn mấy em hát. Nhạc vui nhạc buồn gì cũng bè nhau mà hát. Vậy mà vui đáo để. Vui nhất là sau cái tết đó, cả bọn quến nhau như hoa với bướm. Rồi cũng không biết lọc lừa ra sao mà thành nhóm riêng năm đứa. M. A. và S., ba đứa con trai tốt số, tướng tá dễ coi, học hành cũng tạm được. Còn hai cô gái, T. và Ch. vẫn nổi tiếng là hoa khôi của mấy ngôi trường tỉnh. Học hành chơi đùa gì cũng thành nhóm, xúm xa xúm xít như một chùm mận sai trái. Ở trong trường rồi ra luôn ngoài phố. Hồi đó, trời biển phố xá gì cũng gom lại có một căn gác nhỏ, khuất sau mấy hàng dương lả ngọn, nơi cả bọn hay tụ lại những ngày nghỉ học. Đàn ca, trửng giỡn, chọc ghẹo ... vui không kể hết. Ngôi nhà có căn gác lẻ ở cuối xóm biển, ngó thẳng ra một góc vịnh xanh lơ, đứng biệt lập nên mặc tình mà vui đùa, hát hò chẳng ai dòm ngó. Ở đó, những đêm rằm, cả bọn tụ lại nấu chè đậu xanh, bày ra lan can bắt chước thói lãng mạn của mấy nghệ sĩ thưởng trăng. M. ôm đàn guitar gảy tới gảy lui mấy đoạn Romance mới vừa học lóm được. Rồi có khi Ch. bắt chước Hồng Vân ngâm thơ Hàn Mặc Tử. Giọng Ch. nghe hay lắm. Vừa non vừa trữ tình. Có khi ngâm xong lại khóc thút thít. Cả bọn xúm nhau lại dỗ. Chút sau đã lại cười toe toét. Rồi cũng hết cả nồi chè đậu. Căn gác đi về rộn ràng tới nỗi có lúc cả đám gọi là “ lồng chim”. Tên gọi như một cõi bình yên ai mơ đâu trong vô thức. Ai nấy tưởng như đời cứ mãi là cái lồng chim nhỏ xíu và hiền lành đó. Nhưng rồi cả bọn mỗi ngày mỗi lớn lên một chút để thấy cái lồng đó nhỏ lại một chút. Cho đến một lúc căn gác nhỏ không còn đủ sức chứa những gió bão trong lòng người nữa. Năm cuối trung học S. bỏ đi mất biệt. Bạn bè bàn tán S. bị dụ dỗ theo phía bên kia vì gia đình vốn ở trong vùng xôi đậu. Cả bọn ở lại buồn xo. Mới được đâu chừng nửa năm đã nghe tin S. chết, xác đeo vắt vẻo trên rào kẻm gai của một đồn binh ở Miệt Thứ. Cả đám như bị mất hồn. Không biết thương hay giận. Chỉ thấy bàng hoàng như mất một cái gì không đáng mất. Có điều sau vụ đó mọi người thay đổi nhiều lắm. Cuộc sống làm như mất hết vẻ trơn tru dễ chịu. Nó rút ngắn lại thời hoa mộng của họ, đột ngột thảy họ vào cái thế giới rối beng của người lớn. Họ chưng hửng khám phá ra cái trường đời nhiễu nhương ở bên ngoài trường học. Và nhất là nỗi cô đơn của lớp trẻ già trước tuổi. Khám phá đó kéo họ xích lại gần nhau hơn. Nhưng là một gần gũi không còn vô tư nữa. Không còn mối liên hệ trong sáng, sòng phẳng và suông sẻ như cái thời tiết gom lại chỉ có hai mùa mưa nắng. Nó trở thành gút mắc, rối rắm, khó hiểu như chính niềm bí ẩn của con tim, cái con tim nghịch ngợm đi xúi họ yêu thương ngược ngạo. Dĩ nhiên đâu có ai sắp đặt được gì đâu. A. thằng con nhà giàu, học hành giỏi dắn đem lòng yêu thương Ch., Ch. không yêu lại mà đi yêu M., cái đứa lang bang nhất. Mà M. có yêu lại Ch. hay không thì không biết, chỉ thấy đối với ai hắn cũng ân cần như chỉ có hắn là người tình chăm chỉ nhất. Còn lại có T. là hiền như ni cô, lúc nào cũng lo nhường nhịn, chăm sóc hết thảy mọi người. Cái mối tình tay ba nhùng nhằng rồi cũng chẳng đi tới đâu ngoài cái chuyện cắn đắng, hờn mát, tốn thêm tiền mua giấy pelure xanh, pelure tím. Có đôi khi, pha thêm chút nước mắt ngắn dài. Nhưng mà thuở đó, những năm sáu mươi bảy mươi ở tỉnh nhỏ, học trò yêu nhau chỉ để lấy tiếng, chớ họ vẫn còn lành lắm. Lành đến nỗi cầm tay nhau còn chưa dám chớ đừng nói đến nọ kia. Tuy nhiên mấy cái chuyện lục đục cũng làm cho cả bọn tốn nhiều thì giờ, T. cứ phải đóng vai bà Tùng Long đi gở rối tơ lòng cho hết người này đến người khác. Vậy rồi trong khi cuộc chạy đuổi nhau chưa kịp đến mức ăn thua thì A. được cha mẹ lo cho đi Thụy Sĩ du học ngay khi chiến cuộc đang nổ lớn. Trong khi còn đang lo thủ tục xuất ngoại, A. đòi cha mẹ đến dạm hỏi Ch. với lời hứa sẽ lo cho cả Ch. đi theo. Bởi vậy mà dưới áp lực gia đình và chắc cũng có phần giận lẫy, Ch. cứ xỏ tay đeo nhẩn đính hôn mà lòng thì cứ băn khoăn với hình bóng của M. Giữa bữa tiệc rình rang, Ch. ứa nước mắt khi nghe M. lăng xăng chúc tụng. Chuyện tưởng vậy là yên, mối tình non dại coi như nhưn nhị làm duyên cho tuổi học trò. Rồi sẽ quên thôi. A. đi xa, còn lại ba đứa bạn cũ kéo lên Sài gòn vào đại học. Ai dè chính trong giai đoạn xa nhà đi ở trọ này, do sự qua lại giúp đỡ lẩn nhau, Ch. mới biết rằng M. cũng yêu mình nhưng lại bậm gan làm mặt lạnh tại vì tánh khí kiêu kỳ. Căn dặn mới biết anh chàng như gà con háu đá, nghe A. than thở bèn lên mặt anh hùng. Biết vậy, Ch. lại càng yêu M. nhiều hơn nữa. Khổ nỗi, vừa yêu M. Ch. vừa tiếp tục nhận thư của A. từ Thụy Sĩ gởi về, thư nào cũng sụt sùi thương nhớ. Tội nghiệp cho Ch., trái tim thì nhỏ xíu mà chuyện đời thì gay cấn còn hơn tuồng cải lương. Nàng khổ sở không thua gì mấy cô đào thương bi lụy bị dằn co bên nghĩa bên tình. M. cũng vậy. Không gặp thì nhớ mà lại gần thì bị mặc cảm phạm tội. Mới đôi mươi mà tình như thuốc độc. Hẹn hò thì vui mà chừng về thì ray rứt, hội họp bạn bè thì cứ phải giả bộ ngó lơ. Khó nhất là mỗi khi mọi người chọc ghẹo nhắc nhở đến người bạn ở xa, cả hai lại cứ phải đẩy đưa cho qua chuyện mà trong bụng thì rối như tơ vò. Mà thói đời cũng khổ, tình càng cay thì yêu thương càng mặn. Đã có lần khi nhận được giấy tờ xuắt ngoại, Ch. bỏ về nhà khóc lóc với mẹ cha đòi từ hôn. Nhưng mà đâu phải dễ, chuyện hôn nhân do người lớn cam kết chớ đâu phải chuyện con nít mà muốn thay đổi lúc nào cũng được. Vả lại ai mà không muốn cho con cái được sung sướng nhất là được sang ở tuốt bên tây khỏi còn lo giặc giã. Bởi vậy mà cả nhà bu lại khuyên dỗ ỉ ôi tới hết lời, thiếu điều mẹ nàng đòi tự vận mới yên. Đêm ba mươi tết năm đó, Ch. trốn nhà đến gặp M. tại căn gác cũ. Hai người ôm nhau khóc mùi mẩn. Gió từ biển thổi luồn qua phố xá đẩy mấy hàng dương lật lá kêu đau. Trong nhà, Ch. tủi thân muốn làm liều. Nàng đòi M. đi mua thuốc chuộc. M. rối trí tết nhứt đâu có tiệm nào mở cửa. Đến một lúc bí lối, Ch. nghĩ đến chuyện hiến thân cho người tình. Con gái gan lắm, cứ sợ lỡ mất nhau rồi sẽ hối tiếc như cô Kiều. Nàng ôm M. mê đắm, áo bà ba trệch nút, tóc mai ướt rịn lẩy bẩy theo hơi thở gấp. Đến chừng đó M. lại thấy hoảng. Bóng dáng cụ Khổng không biết ở đâu mà hiện về đứng ngay đầu giường. Thêm nữa, M. thấy thương Ch. quá đỗi, thương hơn cả thương mình, cứ sợ mai kia mốt nọ Ch. khó ăn khó nói với chồng. Bề gì cũng chỗ thân tình ai mà nỡ muối mặt làm vậy cho được. M. sực tỉnh đưa tay gài lại nút áo cho Ch., vỗ về nàng như em nhỏ. Gần đến giao thừa, M. đưa Ch. về ngang qua trường cũ. Hai người không ai mở miệng, lòng im như mấy lá cỏ ngậm sương.
Ra giêng, Ch. lên máy bay đi Thụy Sĩ. M. có đưa theo tới phi trường. Nhưng nửa chừng thì bỏ về. Vậy mà lại hay. Bởi vì M. biết chắc lát nữa Ch. sẽ khóc. Mà không chừng M. cũng sẽ khóc theo. Chẳng thà về khóc một mình, ở đâu cũng được miễn không ai biết. Buổi tối đó, trong một góc quán ở cuối đường Hiền Vương, M. ngồi gọi bia uống tới khuya. Càng uống, nước mắt càng chảy ra trộn lộn với bọt bia đến chát ngắt. Chừng say, cứ thấy Ch. về cười nói chơi vơi.
Gần năm sau thì T. bỏ đi tu như đã nguyện từ khi mẹ bị bạo bệnh. Còn lại một mình giữa thành phố với thỉnh thoảng những lá thư xa kể chuyện xứ người không đủ làm vui, M. sống lủi thủi ở Sài gòn buồn lắm. Có đôi khi muốn về quê lại không dám sợ thấy kỷ niệm mà buồn thêm. Rồi theo hạn tuổi động viên, M. bị gọi đi Thủ Đức. Suốt thời gian ở quân trường, có mấy lần nhận thư riêng của Ch. nhắc gần nhắc xa chuyện cũ, M. nín luôn. Năm 71, A. và Ch. theo đoàn sinh viên du học về thăm quê thì M. kẹt chuyện lính tráng. Hành quân liên miên đâu tận miền đông, có được nhắn mà không phép về. Cuối năm sau nữa, A. tốt nghiệp cùng lúc Ch. sinh con gái đầu lòng mắt sâu như mắt mẹ. Hình chụp hai mẹ con ngồi trước lò sưởi có A. đứng dựa bên, hạnh phúc đầy vun trên cặp má đỏ hồng. Tấm hình đó M. còn giữ suốt mấy năm đầu đi tù cải tạo cho đến khi bị chuyển trại nhiều lần quá rồi mất luôn. Cũng như rồi mất luôn liên lạc với gần hết ruột rà thân thíết. M. đi tù suốt năm năm. Chừng về cha mẹ chết hết không kịp thấy mặt ai, phải bỏ theo người quen ra Phú Quốc làm than. Thỉnh thoảng theo ghe vào đất liền ghé chùa hỏi thăm T. tin tức bạn bè cũng không biết ai còn ai mất. Cuộc đổi đời dữ dội quá đến nỗi mạnh ai nấy lo thân, bạn kề bên còn tứ tán nói gì đến bạn đi quá xa. Vậy rồi quá khứ coi như xóa bỏ. Mọi người như đầu thai kiếp khác, sạch trơn kỷ niệm. Mãi gần cuối năm 81, M. mới vượt biên được nhờ T. móc nối với đám chủ ghe hay đi lễ chùa. Bữa cuối, T. ngồi khâu đôi khoen vàng giữ từ thời con gái lộn giấu trong bâu áo, gói thêm cái khăn bông cũ cho M. căn dặn đừng quên quấn cổ khi ra biển lỡ trời trở gió. Nàng nói mà không nhìn lên. Sao bỗng nhiên M. cảm thấy có điều gì lấn cấn trong giọng nói ra điệu thản nhiên. Một chút vậy thôi rồi M. không dám nghĩ tiếp nữa. Cả hai đứng thật lâu ngoài hiên chùa đến khi cây ngọc lan nở khuya thơm ngát, tấm áo vạt hò rộng thùng thình mà như không giấu hết được một điều muốn giấu. Trước khi khuất bóng vào hậu liêu T. còn ngoái lại dặn M. rán tìm A. và Ch. để có khi còn nhờ vả. Nói vậy chớ dễ gì gặp lại ai. Bứt khỏi cái nôi rồi thì cứ như bóng chim tăm cá vậy thôi. Lâu lâu nhận được thư T. nhắc nhở, thúc hối làm như trái đất này nhỏ như cái chợ chồm hổm bên nhà, hể ra đường hú mấy tiếng là tụ lại hết. Vả lại sao M. thấy có gì bất tiện. Gặp lại để làm chi khi hồn xác mọi người chắc gì còn nguyên được như xưa. M. cũng có nghe kể đôi ba chuyện ngỡ ngàng về những người đi trước với đi sau lắm khi cũng không suông sẻ gì cho lắm, tự nhiên rồi thành ra nhiều giới lắm điều. Thôi thì phần ai nấy chịu, cho yên. Có đôi khi buồn buồn, M. nghĩ vậy mà hay hơn. Cho nên dù có nghe phong phanh vợ chồng A. dọn sang sống ở Mỹ, đâu miệt Cali, mà chưa bao giờ M. có ý kiếm tìm. Cứ nghĩ tới cảnh mỗi người mỗi phận, gặp nhau rồi khó ăn khó nói, thêm phiền. Hết thư này rồi thư khác. M. cứ nấn ná, hẹn lần hẹn lữa với T. Lật bật rồi ngày tháng qua tưởng như chẳng còn gì để nấn nuối. Mãi cho đến gần đây, M. nhận được thư T. cho hay mắc bệnh lao, sức đã yếu lắm. Bỗng dưng M. thấy xót ruột như đã làm điều gì không phải với T. Chẳng phải có lần chính M. đã hứa sẽ tìm gom lại những thân tình cũ cho đỡ hao hớt tấm lòng đôn hậu đó sao. Còn đang lần khần thì năm ngoái A. và Ch. đi du lịch ra vùng biển phía đông bắc. Chừng xuống tàu đi xem cá voi thì gặp M. đang làm thủy thủ trên tàu. Đầu thu, biển động nhẹ cũng đủ làm Ch. ngầy ngật không được tỉnh táo để biết vui hay buồn. Nàng ngồi dã dượi trong khoang, nhìn ra ngoài thấy hai người bạn trai cũ nói năng chỉ chỏ huyên thuyên rồi ngủ quên vì ngấm thuốc say sóng. Khi cặp bến, nghe chồng khẩn khoản mời M. sang chơi, Ch. đã thấy bồn chồn nhưng mệt lắm phải rời tàu leo vội lên xe buýt chỉ vừa kịp thắc mắc sao thấy M. gầy quá, như chiếc bóng gãy ngang. Thốt nhiên Ch. ngoái nhìn mình trên cửa kiến. Một ý nghĩ gì đó thoáng qua bỗng làm nàng thấy nao nao.
Sau nửa năm cả bọn gặp lại nhau ở nhà A. Khu nhà mới sáng hực dưới nắng Cali. Bông trúc đào đương mùa nở đầy cả góc phố. Lúc nãy khi xuống taxi, M. bỗng nhớ mấy câu thơ phổ nhạc của người thi sĩ tự vận khi còn rất trẻ có nhắc đến mấy bông trúc đào rơi lạc nhà ai mà thấy ngẩn ngơ. Ngó hoa rụng dưới chân còn nguyên cánh đỏ sao bỗng nhiên M. muốn quay về. Nhưng rồi vợ chồng bạn đã vồn vã ngoắc kêu trước cửa. M. lỡ bộ đành theo vào nhà. Ăn cơm uống rượu, chuyện trò suốt mấy tiếng đồng hồ mà lòng cứ lưng lửng bởi vì mọi người ngồi đối diện nhau mà sao thấy xa lắc xa lơ. Nhắc chuyện ai đâu thì ra rả mà kể tới chuyện mình thì cứ ngoắc ngéo lẫn quanh. A. thì cạn sớt như tự bao giờ, nói cười ha hả, đùa bạn rồi ghẹo vợ. Có lúc còn đòi góp tiền cho M. về Việt Nam cưới quách T. cho yên bề.
Bà T. Bả tu làm chi để cho lẻ bạn. Tao biết bả thương mày lắm. Tại mày lung tung quá bả sợ chớ gì. Có lần bả còn hăm với tao ...
Đến chừng Ch. gắt lên mới thôi. M. sượng sùng, im lặng ngó bàn ăn còn ngổn ngang chén dĩa tự dưng thấy bất an. Chút tình bạn cũ nồng nã tự nãy giờ làm như nguội đi một chút. Có một cái gì đó khi không nổi lên chắn ngang làm e dè một câu nói đùa, làm đứt ngang nửa chừng một câu muốn hỏi. Ai nấy như bỗng thấy rụt rè, dò dẫm như sợ làm sút cái gút mới nối lại được. Mà khổ nỗi mấy mối cột lăng nhăng hồi trước tưởng vậy mà có tháo ra hết được đâu. Nó vắt lơ lửng đâu đó mà hể có dịp là quấn siết lại, đau nhói. Người con gái đã có thời yêu say đắm bỗng chập chờn hồi sinh trong lòng người đàn bà chiều nay. Nàng ngồi đó, trước mặt chồng và người tình cũ, đã có lúc thật sự thấy lao đao. Khuôn mặt cũ lâu lắm nàng chỉ nhớ mơ hồ còn y nguyên vết sẹo dưới đuôi con mắt trái, cái miệng cười nhếch mép rất bất cần đời bây giờ lẫn thêm vẻ khinh bạc. Và hơn hết, mái tóc hồi xưa mịn bao nhiêu bây giờ ngó khô như nắm rạ cũng như làn da khét nắng mốc sương bỗng làm nàng bồi hồi như chính mình gây ra nông nổi. Câu nói đùa lúc nãy như đổ tội cho người khác làm nàng thấy chạnh lòng. Khi hai người xa nhau, hai người còn yêu nhau lắm. Áp lực của gia đình hay áp lực của chính lòng nàng đã chọn lựa. Hình ảnh cùa một tương lai bảo đảm hay hình ảnh của ngày tháng lêu bêu đã làm sự so sánh giùm nàng. Nàng không muốn suy nghĩ nữa mà đột nhiên chỉ muốn khóc. Khóc thành tiếng. Khóc rõ to cho đã nư những hờn tủi từ bao lâu đã bị dìm khuất dưới mấy lượt tiềm thức. Mặt người chồng trắng trẻo, phởn phơ da thịt. Mặt người tình khô nám, cằn cỗi. Rồi mặt bạn bè xưa, kẻ chết, người thất lạc từ mấy hồi kể lể bỗng hiện về chập chùng ngồi quanh bàn tiệc, cùng nàng. Ngọn nến thắp làm duyên giữa bàn soi mói từng mặt người, leo lét. Người thân, người sơ nhưng ai nấy đều mang chung một vẻ chịu đựng, nhẫn nhục đến tội nghiệp. Đến một lúc tất cả như gom lại lấp ló sau mấy lớp nhăn trên khuôn mặt người tình cũ. Trong loáng thoáng hoang mang sao Ch. muốn được một lần hôn lên từng nếp nhăn đó như hôn lên chính nỗi đau đớn, niềm cay đắng mà bạn bè nàng, anh em nàng đã chịu đựng suốt cuộc bể dâu đó. Nàng bỏ nước đi đã lâu quá, nàng không có ở đó làm sao biết được thế nào, chuyện trần ai. Ch. cảm thấy có một nỗi ân hận nào lạ lắm như mấy vết rạn trên một món đồ cỗ cứ lan ra hoài mà không cầm lại được. Cũng giống như trái tim nàng vậy thôi, đã có dấu nứt, bề gì cũng phải vở ra một lần cho xong. Hai người đàn ông ngồi trước mặt như hai hình nhân trù ếm chẻ hai tình nàng ra mà giành giựt. Nàng ở giữa long đong, lòng lao đao như bèo giạt. Dĩ nhiên còn có chọn lựa nào đâu, nhưng dễ gì sòng phẳng cho đành. Nàng có bớt thương chồng đâu, hai mươi mấy năm tình nghĩa chớ có vừa giỏi gì, vậy mà sao nàng vẫn muốn ngã đầu một lần lên vai người tình cũ mà khóc. Nước mắt này đề giải oan cho mối tình chết yểu của hai người. Mấy hớp rượu chát làm căng hai gò má, hơi rượu rướm cay quanh viền mắt, con tim chuếnh choáng nhìn ra hai mặt người nhập nhòe như một. Dẫu sao cũng cho tôi được chia xẻ một chút, nỗi đau muôn vàn đó. Nữ tính mênh mông trong lòng người đàn bà bất chợt trổi dậy dổ nàng ngó lại chỗ thiệt thòi. Ch. hơi chồm người tới, môi run. Vừa lúc A. lên tiếng, giọng mơn man như kéo vợ về phía mình. Sao vậy em, sao mặt mày xanh lét vậy. Bộ trúng gió hả ? Nói rồi cười mơn vừa đưa tay xoa xoa vai vợ. Ch. giựt mình như cắn phạm trái cấm, đưa mắt ngó A. rồi ngó M. như muốn phân trần. Mà đâu có ai để ý. Cả hai còn đang bận bịu với ly rượu mạnh A. vừa mới rót. Phải có cognac mới kết đẹp bữa nay nhen mậy. A. nói rồi đưa ly lên, giọng bắt đầu lè nhè. Chất rượu mạnh màu hổ phách, sóng sánh theo bàn tay lắc lắc của A. Hai người đàn ông bưng ly uống ực một hơi như dẫu sao cũng bằng lòng lắm cuộc tái ngộ này. Bề gì cũng may tụi mình còn gặp lại. Tao tưởng đã ngàn thu vĩnh biệt rồi chớ. T. ở bển sẽ mừng lắm biết tụi mình nhậu nhẹt bữa nay. M. nói một hơi như cố tình làm cho đêm vui trở lại. Nhưng có được đâu. Bởi vì Ch. thấy rõ trong mắt nhìn của M. như giấu đầy bụi nước. Lớp bụi ẩm hao hao sương khói cũ vừa dấy lên đã lây mờ sang cả mắt Ch. Chỉ có A. là không thấy vì đã lảo đảo bỏ vào phòng ngủ sau khi vỗ vỗ vai M. như thể xin lỗi. Còn lại đó, hai người tình cũ ngồi đối diện qua chiếc bàn rộng thênh thang. Ch. muốn đứng dậy dọn dẹp nhưng không biết nghĩ sao mà ngồi lại. M. muốn bỏ ra ngoài đốt điếu thuốc nhưng rồi cũng không nhúc nhích. Có một cái gì đó như dán dính họ xuống ghế, một chút hơi hướm của hè Lê Lợi, của hành lang Eden, của tàng lá me Tự Do hai đứa che nhau đụt mưa mà cứ sợ người ta bắt gặp ... Còn nữa, xa hơn một chút, còn hơi hướm của bực thạch ngồi ven góc biển, của ngôi trường trung học trống gió làm vạt áo dài cứ lính quýnh qua sân, còn căn gác như cái lồng nhỏ xíu của bầy chim chưa xổ cánh, còn đêm giao thừa toan tính trao thân, còn tiếng khóc tiếng cười của một thời mới lớn ... Giữa hai người, cách một góc bàn mà sát đầy kỷ niệm. Giữa hai người là một khoảng trống trắc trở mà thật ra chỉ bằng một vói tay. Cái vói tay ngắn ngủn trong lòng mà ngoài mặt thì xa lắm, xa đến không có tay nào vói tới. Hai người ngồi lại đó, hồn loay hoay vơ chụp những hình không bóng ảo, cũng đành. Sau cùng, Ch. lên tiếng, giọng lạ như không phải của nàng. Sao anh không ở lại đây đêm nay. Anh A. đã dọn sẵn phòng cho anh. Về khách sạn có một mình. Tự nhiên M. muốn nói một câu hờn mát mà không hiểu sao lại xoay ra từ chối thật điềm đạm. Về đằng ấy để sáng ra phi trường sớm cho tiện. Như vầy đã quá đủ. Thấy A. thành công, Ch. hạnh phúc tôi mừng lắm. Dẫu sao thư cho T. tôi đã có thêm điều vui để kể. Bọn mình ít nữa cũng còn vớt vát được chút gì sau lần mất mát qua lớn ...
Đêm đó khi Ch. tiễn M. ra cổng, hai người đều biết không chừng là lần cuối. Cả hai không ai muốn xô nhau vào chỗ không phải. Hồi nãy, trong lặng thinh hai người đã nói với nhau hết mọi điều cần nói. Kẻ cả nụ hôn muộn màng, rất muộn màng mà người cho và người nhận chưa ai hay biết cũng đã in dấu lại trong nắm tay siết chặt trước khi quay lưng. Không ai chịu làm kẻ phản bội với một quá khứ còn đẹp nguyên si. Cho nên không ai hẹn ngày gặp lại.
Lên taxi đi rồi, chừng vòng ngang bờ biển, M. đòi ngừng rồi xuống thả bộ dọc theo bãi vắng. Gió đêm trở lạnh. M. kéo cao cổ áo, đốt điếu thuốc ngó lung ra xa. Trời biển gì cũng tối mịt. Tiếng sóng kêu rì rầm, đều đặn như không biết nãn. Bỗng dưng M. nghĩ tới S. đã chết, tới A. đang ngủ, tới T. bên ấy mới thức sửa soạn tụng thời kinh sớm, nhất là tới Ch. giờ này chắc còn thao thức. Bỗng thấy cuộc đời giống hệt mấy lượn sóng đêm cứ vỗ hoài vỗ hủy lên bờ mà vẫn thấy dập dềnh như đứng yên một chỗ. Cũng như hết thảy mọi người, bạn bè xưa cũ đó, cứ tưởng đã xa như trời xa biển mà sao còn đó, còn gần hơn cả tấc gang.
Người ta có xa lạc gì đâu !
Cao Vị khanh
Rồi, hai mươi mấy năm sau ...
No comments:
Post a Comment