Monday, September 5, 2022

GIỌT LỆ TIẾC THƯƠNG

See the source imageTAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


Đêm đã khuya, nhưng Tân vẫn chưa chợp mắt. Anh đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Bầu trời đêm nay lấp lánh ánh sao, như đang tươi cười bằng những đôi mắt long lanh. Xa xa, khu giải trí Disneyland im lìm và mờ tối như đang chìm vào giấc ngủ. Bốn giờ đồng hồ trước đây, nơi đó đã vang lên những tiếng nổ ì ầm; và tiếp theo, những chùm pháo bông đủ màu sắc vụt bay lên, toả sáng trong bầu trời xanh thẫm. Đã lâu rồi, cuộc chiến Việt nam không còn nữa. Nhưng mỗi khi nghe tiếng pháo nổ vang, Tân lại nhớ đến những đêm pháo kích ở địa phương mà anh đã từng phục vụ trước năm 1975. Tuy nhiên, đêm nay anh bị mất ngủ không phải vì những ký ức kinh hoàng đó. Mà vì một tin đau lòng do người em từ Việt Nam thông báo chiều nay. Chú Hồng đã vĩnh viễn ra đi, sau khi nằm liệt giường mấy tháng tại một bệnh viện ở Sài Gòn…

Chú Hồng không phải chú ruột của Tân, mà là chồng bà cô của Tân. Họ đã từng có một cuộc tình, khởi đầu thật thơ mộng vui tươi, nhưng kết thúc lại chia ly não nề! Có thể so sánh được chăng cuộc tình của họ như chuyện Romeo-Juliet trong một vở kịch của Shakespeare ngày xưa, mô tả tình yêu hai người trẻ tuổi bên Ý, yêu nhau đến chết nhưng mãi vẫn không được sống gần nhau? Chú Hồng đã vượt qua bao thử thách về môn đăng hộ đối của hai gia đình…để cuối cùng lấy được cô Út của Tân làm vợ. Nhưng cũng như Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:“Nửa năm hương lửa đang nồng/Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương…”, chú Hồng chỉ sống mặn nồng với người vợ trẻ chưa được một năm, lại “thoát ly gia đình” để tham gia kháng chiến chống Pháp…Để rồi, hai mươi sáu năm sau, khi trở về quê cũ thì người vợ trẻ yêu thương đã hoá ra người thiên cổ.

     Sau đó hàng năm chú Hồng đi xe đò từ Sài gòn ra Phù Mỹ, về thăm khu nghĩa trang thuộc dòng họ của Tân tại Hưng Lạc, xa hơn sáu trăm cây số đường dài. Chú về để tìm lại hình ảnh của người vợ đã sớm lìa dương thế, nhìn khuôn mặt tươi trẻ đã thể hiện trên tấm hình của cô Út, được các anh của cô cho in trên chiếc dĩa sứ tráng men, gắn trên mộ bia từ lâu. Chú về để ôn lại mối tình đẹp đẽ năm xưa; để nhỏ những giọt nước mắt tiếc thương cho người vợ vắn số, đã mất đi trong hoàn cảnh cô đơn sầu khổ. 

                                                            *       *       * 

Hồi ấy ở làng Hưng Lạc, có gia đình ông Huyện Bảy, ba đời làm quan. Ông Huyện thi đậu Cử nhân Hán học tại trường thi Bình Định. Vào khoảng thập niên 1930, ông được bổ nhiệm Tri huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hoà. Ông Huyện Bảy vừa tinh thông chữ Nho, giỏi chữ Tây sau thời gian tự học và giao tiếp với các viên chức người Pháp tại Nha Trang. Do đó ông có tư tưởng dân chủ và bình đẳng của xã hội tây phương thời bấy giờ. Có lẽ vì thế người dân trong huyện Tân Định rất quý trọng ông… 

Khoảng thời gian này, phong trào nông dân nổi dậy chống sưu cao thuế nặng đã bắt đầu tử Nghệ An, lan truyền sang từ các tỉnh miền bắc Trung Kỳ như Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đến các tỉnh cực nam Trung Kỳ như Khánh Hoà, Bình Thuận…Tại nhiều địa phương, đoàn biểu tình đã xông vào Huyện đường, bắt Tri Huyện “đóng cũi” khiêng đi mất tích. 

Một hôm có người báo cho quan Huyện Tân Định biết có một nhóm nông dân từ địa phương khác đến âm mưu làm loạn…Quan Huyện sai lính lệ đưa vợ và các con đi ẩn cư ở nhà người thân tín. Khi nhóm nông dân đến vây huyện đường, quan Huyện sai lính hầu ra mời người cầm đầu nhóm này vào để nói chuyện. Không ai biết người đại diện đã yêu sách những gì và ông Huyện Tân Định đã nói những gì với họ, nhưng sau đó nhóm nông dân đã rút lui. Họ đã không gây náo loạn, không bắt ông Huyện đem đi “xử” như đã xảy ra tại vài địa phương khác.

Ngày hôm sau, nghe trình báo của mật thám, viên Công sứ Pháp cho đòi ông Huyện Tân Định lên để chất vấn. Viên Công Sứ hỏi ông đã nói những gì với đám nông dân nổi loạn mà họ đã yên lặng rút lui như thế?  Kết luận, viên Công sứ qui tội cho ông Huyện Tân Định đã tư thông với đám phản loạn địa phương! Ông Huyện bác bỏ lời buộc tội vô căn cứ của viên đầu tỉnh người Pháp. Cuối cùng ông đứng lên xin trả lại ấn tín, từ chức Tri Huyện Tân Định…

Sau buổi diện kiến với viên Công sứ Pháp, ông Huyện Tân Định liền thu xếp hành trang, dẫn vợ con về quê nhà ở Hưng Lạc. Vào thời phong kiến, hành vi “treo ấn từ quan” đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, một bày tỏ thái độ của các vị quan thanh liêm chính trực. Dưới triều nhà Nguyễn, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835- 1909) vì căm ghét bọn tham quan ô lại, Triều Đình thối nát suy vi, liền cáo quan về làng sinh sống với gia đình, vui cùng “mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái / Một tiếng trên không ngỗng nước nào”? Ngoài những câu thơ ưu thời mẫn thế đó, trước khi chết cụ Tam nguyên Yên Đổ còn làm thơ để nhắc nhở con cháu khắc trên mộ bia của mình: “Và đề mấy chữ trên bia / Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.                                

                                           *         *         *

Cách nhà của ông Huyện Bảy một quãng đường làng, có gia đình ông Xã Ba. Ông Xã Ba giàu có về điền sản, nhưng không giàu về chữ nghĩa, quan tước như ông Huyện Bảy. Vì có sự khác biệt như thế, nên hai nhà ít giao thiệp với nhau. Tuy nhiên, từ ngày nghe ông Tri Huyện Tân Định treo ấn từ quan vì có  mối bất đồng với Công sứ Pháp, nay đã “quy điền” về ở Hưng Lạc, ông Xã xin phép đến thăm. Ông muốn kết thân với một vị cựu quan chức Nam triều có tinh thần “bài Tây”. Lúc bấy giờ ông cũng đã nghe đồn có phong trào chống Pháp ở nhiều nơi trong nước.

             Từ đó, ông Xã Ba hay đến thăm ông Huyện Bảy. Hai người thường ngồi cả buổi sáng bên bờ ao trước nhà ông Huyện, vừa uống rượu vừa câu cá và đàm luận thế sự. Mỗi lần đến nhà ông Huyện Bảy, ông Xã không quên mang theo bình rượu ngon, dẫn theo cậu con cả tên Hồng để  giúp ông tìm mồi câu cá. Đôi lúc cậu Hồng cần đào giun đất trong vườn, nhưng quên đem theo dụng cụ, nên đã xin phép vào nhà ông Huyện mượn cây cuốc, cái xẻng. Một hôm cậu đang loay hoay lo lắng vì không tìm ra cây cuốc, thì gặp may có cô gái út ông Huyện đi tìm hộ cho cậu .Đôi trẻ quen nhau, rồi quấn quýt nhau trong dịp tình cờ ấy.

Thuở xưa ông Khương Tử Nha (Lã Vọng) đời nhà Thương bên Tàu, chán ghét vua Trụ, nên đã treo ấn từ quan, về ngồi câu cá bên sông Vị để chờ  thời. Về sau Khương Thượng được phong hầu ở đất Tề. Nhưng ngày nay, ông Huyện Bảy ngày ngày ngồi trên bờ ao ở Hưng Lạc, cũng câu cá chờ thời; và mong ngày dân Việt đánh đuổi bọn “Bạch Quỷ Lang Sa”, trả mối hận ông đã chịu nhục trước viên Công sứ Pháp năm xưa. Nhưng chờ mãi đến năm năm sau, ông đành ôm mối hận xuống tuyền đài sau một cơn bạo bệnh!

                                                  *            *            * Cuộc “cách mạng mùa Thu” 1945 đã thay đổi thể chế chính trị lẫn tình trạng xã hội ở Việt Nam. Lớp thanh niên thiếu nữ bắt đầu tham gia sinh hoạt xã hội bằng cách gia nhập đoàn Thanh niên Cứu quốc. Họ thường tụ họp tại trụ sở xã để sinh hoạt đoàn thể vào buổi chiều tối. Năm ấy, cô Út của ông Huyện Bảy đã thành một thiếu nữ “tuổi vừa mười tám, người trông cũng cũng hiền”, với má hồng môi thắm. Chú Hồng, con ông Xã Ba, vừa học xong trung học tại trường Collège Quy Nhơn. Khi chiến tranh Pháp Việt xảy ra, chú đành nghỉ học, về quê sinh sống.    

           Ngày ấy hai cô chú cùng sinh hoạt chung trong một tổ Thanh niên Cứu quốc tại địa phương. Vào mỗi buổi chiều, khi lo cơm nước xong cho gia đình, cô Út lắng nghe tiếng sáo vi vu bay theo gió từ đầu làng, cô đã xin phép mẹ cho đi họp đoàn thể. Tiếng sáo ấy như phát xuất từ trái tim khao khát yêu đương của chú Hồng, nhân đi sinh hoạt đoàn thể để gặp gỡ cô Út. Trong tim họ, hình như thần ái tình đã bắn mũi tên định mệnh để nối kết họ sống bên nhau. 

Khoảng năm 1949, sau đám cưới một năm, chú Hồng theo lời kêu gọi của chính quyền VM, giã từ gia đình để “lên đường du học, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước”. Tuy nhiên, lúc ấy tại Liên Khu 5 chưa có trường cấp II, nên các học sinh trẻ được tuyển chọn như chú Hồng phải “du học” tại trường Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh, thuộc Liên Khu 4. Cuộc hành trình bắt đầu vào một ngày mùa Xuân năm 1949 tại Bến Ván, một hải cảng cực bắc tỉnh Quảng Nam. Cha mẹ, các em trai, và cả người vợ trẻ cũng đến đây để tiễn chú Hồng lên đường. Ôi! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy! Người vợ trẻ cô đơn trở về sống với gia đình bên chồng. Ban ngày, những công việc đồng áng nặng nhọc đè lên đôi vai mảnh khảnh của cô. Ban đêm, giấc ngủ ngắn ngủi đầy mộng mị với niềm thương nhớ mong chờ chồng …đã khiến cô Út bị mang bệnh lao phổi!

               Thời gian ấy, tại vùng kháng chiến Liên khu 5 của Việt Minh, thuốc tây thiếu thốn và quá đắt đỏ; nhất là loại thuốc kháng sinh chuyên trị bệnh truyền nhiễm như lao phổi… Người nhà bệnh nhân phải mang vàng đi “trao đổi” những loại thuốc đó từ các tay buôn lậu ở vùng Pháp chiếm đóng. Ban đầu cô Út vì tự ái, không muốn bị nhà chồng chê cười, nên dấu diếm những cơn mệt nhọc, ho hen lúc phát bệnh. Đến khi bệnh trở nên trầm trọng, cô phải trở về nhà mẹ ruột để người nhà đi tìm mua thuốc chữa trị, thì đã quá muộn…Vàng bạc cạn dần bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng thêm. Cuối cùng cô từ giã cõi trần, trước sự thương tiếc và bất lực của những người thân yêu. 

             Vào phút lâm chung của người vợ trẻ đáng thương, chú Hồng đã không có mặt bên cạnh nàng. Bởi từ ngày chia tay vợ hiền và gia đình để ra đi, không ai biết tin tức gì về người thanh niên đã sớm thoát ly gia đình ấy.  Mãi hai mươi sáu năm sau, khi mà quân dân Miền Nam trở thành “bên thua cuộc”- chú mới trở về!

                                                          *       *       *

Vào một buổi sáng tháng Tư kinh hoàng năm 1975, trong khi đoàn quân đội nón cối đang say máu chiến thắng, nổ súng hò hét tiến vào Sài Gòn; trong khi những chiếc xe tăng T54 điên cuồng húc đổ cổng dinh Độc Lập,  dày xéo thảm cỏ vô tội trước dinh Tổng thống VNCH… thì một người cán bộ của “bên thắng cuộc” lặng lẽ đi tìm tông tích người anh vợ cũ. Khoảng một tuần sau, người cán bộ ấy đến gõ cửa nhà ông Khang. Bà Khang ra mở, nhìn khách lạ, hỏi:

-Thưa ông muốn tìm ai?

Khách bối rối lột chiếc nón cối, lễ phép chào và trả lời:

-Dạ, có phải nhà ông Khang đây không ? Tôi là Hồng, em rể của ông Khang. Tôi xin phép vào thăm ông bà chốc lát được không ạ?

Bà Khang vui mừng khi biết người chồng của cô Út vẫn còn sống và vẫn còn có chút tình nên đã ghé thăm gia đình người vợ cũ. Nhưng khi nhìn người cán bộ, với bộ đồng phục “màu xanh cây lá Trường Sơn”, với chiếc nón cối xanh, với giọng nói pha trộn “miền ngoài”… nên bà vội đứng lùi sau cánh cửa hé mở, do dự chưa dám mời vào.  

Ông Khang tỏ ra bình tĩnh hơn. Ông bước ra và nhận được người em rể đã “thoát ly” gia đình   ra Bắc hai mươi lăm năm trước. Ông cho mời vào, tiếp đãi thân tình như người trong gia đình. Chú Hồng đã biết tin tức về ông Khang từng làm việc trong “chính quyền Sài Gòn”, nhưng không biết tin tức gì về người vợ thân yêu của chú. Khi nghe người anh rể cho biết cô Út đã mất từ lâu, chú ngồi im lặng, đầu cúi thấp, vai rung rung như cố nén xúc động. Đoạn chú xin thẻ nhang, thắp lên khấn vái trước tấm di ảnh người vợ trẻ tội nghiệp của chú. Mắt đỏ hoe, chú đứng lên xin kiếu từ ông bà Khang và hẹn sẽ trở lại thăm gia đình anh vợ. 

Rồi từ đó, hàng năm cứ đến chiều ba mươi Tết, chú Hồng lại mang hoa quả và con gà trống thiến đến g óp phần cúng giỗ tại nhà ông bà Khang. Và cũng từ đó, hàng năm, cứ đến ngày giỗ cô Út, chú Hồng lại mua nhang đèn, đáp xe đò ra tận làng Hưng Lạc, đến thắp hương trên nấm mồ lạnh lẽo của cô Út. Hình ảnh người đàn ông lớn tuổi, gầy gò, hàng năm đến thắp hương trước mồ của một cô gái trẻ, rồi ôm tấm di ảnh trên đầu mộ mà khóc … đã lan truyền mãi tận Sài Gòn. Nó như một chuyện tình đẹp đẽ, lãng mạn tiểu tư sản, giữa một xã hội đảo điên, ở đó người ta chỉ biết xếp hàng mua nhu yếu phẩm hàng ngày; chỉ lo bon chen để sống còn trong một xã hội bấp bênh, cận kề với tù đày và chết chóc!

Vào một dịp về Sài Gòn thăm mẹ già, Tân hỏi thăm tin tức về chú Hồng. Mẹ cho biết chú vẫn ốm yếu hom hem, ngày ngày cưỡi chiếc xe Mobilette cũ đi làm ở một công ty dưới bến Chương Dương. Năm năm sau ngày hưu trí, chú không còn sức khoẻ để về quê xa xôi, thắp hương trước mộ cô Út, nhỏ những giọt nước mắt tiếc thương người vợ trẻ đã sớm từ trần. Tuy nhiên mối đau buồn và ân hận vẫn âm ỉ bùng cháy trong tim chú, nên chú đã viết một tập hồi ký. Đó là tập bút ký gồm 6 trang, chi chít những dòng chữ tiếng Pháp, nghiêng nghiêng, nắn nót rất đẹp. 

Nơi trang đầu cuốn hồi ký, Tân thấy tựa đề “Un Trajet Inoubliable” (Một Cuộc Hành Trình Không Thể Quên), trong đó có đoạn diễn tả cảm xúc của người chồng ngồi khóc bên mộ người vợ trẻ thân yêu đã sớm lìa trần. (Người viết xin ngữ bằng tiếng Việt):

“…Hai mươi sáu năm sau, tôi mới có thể trở về làng cũ, nơi mà tôi đã lìa bỏ ra đi trong một cuộc hành trình dài đằng đẵng. Khi vào đến làng, tôi gặp nhiều người: đàn ông, đàn bà, trẻ em…nhưng tôi không nhận ra ai cả. Nơi đây đã hoàn toàn thay đổi: tôi chẳng tìm thấy một khuôn mặt quen thân, kể cả bạn bè, cha mẹ lẫn người vợ trẻ của tôi ngày xưa.

Người vợ trẻ đã bao năm tháng, từng mòn mỏi trông ngóng ngày về của tôi. Nhưng ngày về quá lâu, khiến nàng đã ra đi bên kia thế giới, lúc đang độ tuổi thanh xuân ! Về sau, tôi nghe kể rằng: nàng đã gọi tên tôi vào giây phút cuối cùng, trước khi nhắm mắt…Tôi yêu nàng vô cùng.Tôi tiếc thương cho số phận hẩm hiu, cho cuộc đời ngắn ngủi và bi thảm của nàng.

Từ năm 1975 đến nay, mỗi lần về thăm quê cũ, tôi đều đến viếng mộ nàng. Tôi đã khóc trước mộ người vợ trẻ của tôi. Với những giọt lệ nóng hổi đầy thương tiếc nhỏ xuống mộ nàng, tôi muốn nàng tha thứ cho tôi. Tôi cầu mong những giọt lệ ăn năn thống hối ấy sẽ xuyên qua lòng đất, thấm vào trái tim sầu khổ của nàng.  Ngày xưa, những giọt lệ của nàng Mỵ Nương đã nhỏ xuống làm tan chén ngọc – trái tim si tình của gã thuyền chài khốn khổ Trương Chi. Và ngày nay, tôi cũng ước mong những giọt nước mắt tiếc thương của tôi sẽ xóa tan những nhớ nhung u hoài trong quả tim người vợ trẻ đã sớm lìa đời…

Cuộc hành trình của tôi đã kết thúc từ lâu. Cuộc chiến cũng đã tàn từ lâu. Nhưng mối ám ảnh của cuộc hành trình ấy vẫn còn nặng trĩu trong lòng tôi, bây giờ và có thể mãi mãi đến cuối đời tôi…”

                                                            *       *        *                      

Vào cuối đông năm ngoái, Tân về Sài Gòn nhân ngày giỗ thân phụ của anh. Hôm ấy, gia đình có mời chú Hồng đến tham dự. Đã ngoài chín mươi nên Chú thật ốm yếu hom hem. Chú đi không vững như những năm trước, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh…Hôm ấy, mẹ Tân kể cho chú nghe những ngày tháng cuối cùng trước khi cô Út mất. Người vợ trẻ của Chú bị bệnh lao đến thời kỳ trầm trọng, khi tỉnh khi mê. Mẹ Tân ngồi bên cạnh trông chừng, kể những chuyện tình của Romeo-Juliet bên Ý; chuyện tình của Christan-Isold bên Anh…Đến khi cô Út sắp chết, vẫn nắm tay bà chị dâu, hỏi bao giờ chồng của cô trở về?!

Chú Hồng yên lặng ngồi nghe, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo. Khi chú đứng lên, mắt đỏ hoe, chậm chạp bước đến trước bà chị dâu, cúi đầu nói nhỏ:

-Thưa chị Khang, em rất cám ơn chị đã săn sóc vợ em trong những giây phút cuối cùng. Nếu ngày xưa em nghe lời anh Khang, ở nhà để săn sóc vợ thì cô ấy đâu phải mất sớm trong hoàn cảnh đau lòng như chị vừa kể. Em xin tạ ơn chị…

Chú Hồng bước đến sát bên mẹ của Tân đang ngồi trên chiếc ghế giữa phòng khách. Chú đưa tay ra như muốn bắt tay bà cụ. Khi bà chìa tay đáp ứng, chú Hồng nhẹ nhàng nắm lấy bằng hai tay cung kính. Và rồi, trước đôi mắt ngạc nhiên của Tân và mọi người, chú Hồng kính cẩn đặt một nụ hôn trên bàn tay gầy guộc của bà chị vợ mà chú vẫn hằng kính mến. Đoạn chú chậm chạp bước ra cửa, dáng đi thất thểu, cô đơn. Người nhà vội dìu chú ra chiếc taxi đang đậu trước cổng để chú về nhà được an toàn.

Tân nhìn theo người cán bộ kháng chiến năm xưa, và cảm thấy ngạc nhiên. Hai mươi sáu năm sống trong bom đạn chiến tranh ở Miền Bắc mà sao chú Hồng vẫn còn giữ được phong thái tiểu tư sản như thế? Phải chăng hôm nay, đứng trước mặt một bà cụ đã từng hấp thụ văn hoá tây phương trong những năm học ở Collège Đồng Khánh Huế, chú Hồng như sống lại trong môi trường văn hoá tây phương  thuở chú còn theo học ở Collège Quy Nhơn? Hay trong giây phút xúc cảm, chú Hồng đột nhiên nhớ lại những chiếc hôn tay từng xuất hiện trong các tiểu thuyết lãng mạn của Pháp – mà nay vẫn còn hằn trong tim chàng thanh niên của thập niên 30’ thế kỷ trước? Chiếc hôn tay nặng mùi tiểu tư sản ấy thật cảm động, thật chân tình. Hình ảnh đó vấn vương mãi trong tim của Tân, theo anh trên đường trở về Cali - miền đất của điện ảnh Holywood,  nơi đã sản xuất những phim ảnh trữ tình, với những nụ hôn lãng mạn đắm đuối… 

                                                *       *       * 




Tân nhìn lên bầu trời. Một vì sao đổi ngôi, rơi nhanh xuống chân trời tím sẫm. Cuộc đời chú Hồng dẫu một thời hăng say cho lý tưởng, để rồi cuối đời cũng tàn tạ như vì sao sáng chói kia! Đến lúc ấy, chú không còn phải đau buồn vì người vợ trẻ đã sớm về bên kia thế giới. 

Trong hơn ba mươi năm, kể từ ngày trở về quê nhà Miền Nam, chú Hồng đã đến nhỏ những giọt lệ tiếc thương trên nấm mồ cô Út. Tân tự hỏi, phải chăng đó là những giọt lệ tiếc thương người vợ trẻ bạc mệnh, chết cô đơn không chồng bên cạnh?  Hay đó chỉ là những giọt nước mắt đắng cay, nuối tiếc cho thân phận mình - thân phận của một người đã từng mang lý tưởng cao cả, vượt bao nguy hiểm chốn biển Đông, tìm đến cống hiến cho Cách Mạng? Nhưng nay thì cái lý tưởng cao cả ấy có còn hiện diện trong quả tim u sầu và cay đắng của chú nữa chăng?

  Tam Bách Đinh Bá Tâm 

 



No comments: