Thursday, September 15, 2022

MÓN QUÀ NGƯỜI THƯƠNG PHẾ BINH

See the source image

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

Hôm ấy tôi tình cờ gặp Nàng trên chuyến xe đò đi Bắc Cali. Xe rộng chỗ vì hôm nay vắng khách.Tôi bước lên xe, ngồi xuống chiếc ghế sát cửa sổ ở dãy còn trống. Chung quanh tôi, nhiều nữ hành khách trẻ đang cười nói rộn rã. Bỗng một phụ nữ trungniên bước lên xe. Cô ta  đến chiếc ghế cạnh tôi, nhỏ nhẹ hỏi:

           -Có ai ngồi chỗ này không, thưa  bác?

            Tôi lắc đầu, đưa tay mời ngồi. Nàng ăn mặc giản dị, dáng vẻ phong trần; chiếc mũ nồi (mũ bê rê) màu đen, che kín mái tóc. Nàng ngồi xuống, im lặng, đôi mắt khuất sau cặp kính đen với gọng chạm trỗ cầu kỳ. Chung quanh chúng tôi, các cô gái trẻ móc túi xách, lôi ra những chiếc Iphone “to đùng”, ríu rít gọi nhau! Những ngón tay búp măng thoăn thoắt lướt trên màn hình Iphone, hiện lên hình ảnh con cái của họ. Họ khoe nhau về các con ngoan ngoãn, thông minh, học hành giỏi, lãnh không biết bao nhiêu là phần thưởng (awards)!…Cảnh tượng ấy chẳng khác những điều nhà văn châm biếm người Thổ Nhĩ Kỳ, Aziz Nesin đã mô tả trong tác phẩm Con Cái Chúng Ta Giỏi Thật

Những tiếng gọi phone, cười nói rộ lên, ầm ĩ như tiếng đạn nổ nơi chiến trường. Tôi bỗng nhớ truyện ngắn Nổ Như Tạc Đạn của nhà văn Hoàng Hải Thủy trước năm 1975. Nhưng hôm nay, trên chuyến xe đò ở hải ngoại này, không phải chỉ một tiếng nổ mà nhiều tiếng nổ liên tiếp như súng liên thanh trên chiến trường Việt Nam năm xưa…

      

Trước năm 1975, tôi phục vụ ở những địa phương mất an ninh. Đặc biệt tại quận Lộc Ninh sát biên giới Việt Miên. Ấn tượng kinh hoàng về những tiếng pháo kích ban đêm, vang rền trong khu dân cư, cho đến nay vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ của tôi. Hôm nay, những tiếng nổ phát xuất từ đôi môi xinh xắn của các cô gái - dẫu không đến nỗi chết người, cũng làm khổ đôi tai những hành khách cao niên … 

                                                       

         Trong khi các “chiến sĩ gái” của “mặt trận nổ” đang thi thố tài năng, người nữ hành khách đội chiếc mũ nồi bên cạnh tôi vẫn im lặng, trầm ngâm với cặp mắt kính đen bí ẩn. Nàng vẫn luôn giữ trên đầu chiếc mũ đen, ôm kín mái tóc cắt ngắn. Xe bon bon chạy trên đường thiên lý, khiến tôi lim dim ngủ. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một mái đầu - với chiếc mũ - tựa vào vai. Tôi ngồi yên không  muốn làm kinh động giấc ngủ của Nàng! Khoảng mươi phút sau, Nàng tỉnh giấc, ngồi thẳng dậy, tháo kính đen cất vào ví, ngượng ngùng nói lời xin lỗi. Có lẽ nàng nghĩ mình đã có hành vi khiếm nhã. Bởi chưa quen thân sao lại tựa vào nhau mà ngủ ? 

        Tôi hỏi một câu xã giao:

      -Chị ở thành phố nào ở Nam Cali?

       Nàng đáp lại với giọng thân tình, thay đổi cách xưng hô:

      -Dạ! Tôi không ở Nam Cali! Tôi từ San Jose xuống Westminster thăm bà con bạn bè.Dưới này khí hậu có vẻ mát hơn trên đó.Thế anh ở Nam Cali với gia đình chứ?

       Tôi gật đầu, thân mật hỏi lại nàng:

      -Vâng! Thế anh chị có mấy cháu rồi?

      Nàng đáp giọng kém vui:

      -Tôi chưa lập gia đình anh ạ! Mãi lo “chuyện thiên hạ”, đến quên cả “chuyện của mình”, nên già rồi mà vẫn phòng không chiếc bóng!

      Câu chuyện kéo dài lan man khiến chúng tôi bớt lạnh nhạt hơn lúc mới lên xe. Nàng cho biết sang Mỹ từ năm 1975. Đây là lần thứ hai nàng theo gia đình di cư. Lần đầu từ Hải Phòng xuống  tàu há mồm di cư vào Sài gòn năm1954, khi đó nàng còn rất bé! Bởi có năng khiếu và sở thích ca hát , nên nàng thường tham gia trình diễn văn nghệ ở các trường học. Khi cùng gia đình vượt biên sang Mỹ, nàng ca hát giúp vui cho các cụ già trong viện dưỡng lão; hoặc tham gia văn nghệ do hội đồng hương tổ chức. Thỉnh thoảng nàng tham gia các show ca nhạc thính phòng, nên cũng có chút tiền dư dả.                

Nàng tâm sự:

       -Có tiền là tôi giúp đỡ người nghèo! Tôi cũng gửi tiền đóng góp vào quỹ từ thiện của một nhạc sỹ tôi ái mộ từ lâu! Trước năm 1975 ông ta sáng tác nhiều tình khúc rất hay! Tôi mê những bản tình khúc ấy và cả giọng hát của ông ấy nữa anh ạ!

Như để chứng minh những lời “tâm sự lòng thòng” đó, nàng hát nho nhỏ một tình khúc của ông ca nhạc sĩ đẹp trai - người đã làm mềm lòng không ít các thiếu nữ Sài gòn thuở ấy! Hát xong, nàng thấy tôi không hưởng ứng, liền hỏi:

      -Anh có biết tác giả tình khúc ấy là ai không ?  

       Tôi trả lời rằng tôi đã từng ở tù chung với ông ta trong trại tù cộng sản. Tôi cũng tiết lộ cho nàng biết về những hành vi tệ hại của ông ta trong các trại “cải tạo” mà ông ta đã trải qua. Để chứng minh, tôi hát lên cho nàng nghe một bài “ca ngợi cách mạng” do chính ông ta sáng tác ở trại tù Long Thành vào năm 1975. Bài ấy và nhiều bài khác nữa đã làm anh em đồng tù, cho đến nay vẫn còn căm giận. Sang Mỹ ông ta biến thành một “nhạc sĩ khoác áo nhà từ thiện”, hàng tuần quảng cáo ra rả trên đài phát thanh, trên TV!

Thuật xong chuyện đời Nàng, Nàng lại muốn nghe chuyện đời tôi. Tôi cho nàng biết trước năm 1975, tôi là một “người lính không quân phục”. Bởi sau khi tốt nghiệp trường bộ binh Thủ Đức, tôi được biệt phái về nhiệm sở cũ thuộc bộ Nội vụ. Và sau đó tôi phục vụ tại các quận xa Sài gòn.  Hàng ngày tôi mặc y phục dân sự đi làm việc ở văn phòng hành chánh. Tuy nhiên tôi vẫn giữ bộ quân phục Thủ Đức, với chiếc mũ bê rê quân đội - như một  kỷ niệm đáng nhớ chốn quân trường năm xưa... Tôi kể lại trận đánh Xuân Lộc, và tôi đã mặc lại bộ quân phục Thủ Đức trong thời gian bị vây hãm nửa tháng. Để rồi sau đó rút lui về Sài gòn trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng Tư trước ngày mất nước.

Tôi mở cellphone cho Nàng xem hình ảnh của tôi mặc bộ quân phục trường bộ binh Thủ Đức năm xưa. Nàng ngắm nghía, có vẻ thích thú. Sau đó, Nàng mỉm cười nói với tôi:

- Xin anh gởi qua email cho tôi hình ảnh này. Chỉ để kỷ niệm cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm nay. Đây là địa chỉ email của tôi!…

Nói xong, Nàng rút cây viết trong bóp ra, ghi vội địa chỉ điện thư trên tờ giấy gói bánh mì, rồi trao cho tôi!

      ****


       Sau gần sáu giờ đồng hồ chạy suốt, chiếc xe đò đậu lại cạnh một siêu thị nhỏ ở San Jose. Tôi đứng lên lấy túi hành lý, bước theo hành khách xuống xe. Đi qua chỗ người tài xế Mỹ đang ngồi, tôi  thấy cô nữ đồng hành tôi mới quen đang mở ví lấy hai tờ giấy năm Mỹ kim trao cho ông ta. Cô ta nở nụ cười duyên dáng, nói lời cám ơn người tài xế trước khi bước xuống xe. Quả thật việc làm bất ngờ của cô nữ hành khách này là một hình ảnh đẹp, đầy tình người mà tôi được chứng kiến chiều hôm ấy.

      Tôi xuống xe đứng chờ các con đến đón. Trái với khí hậu ở Nam Cali, chiều hôm ấy San Jose thật nóng bức. Người nữ đồng hành đã xuống xe, cũng đứng chờ. Tôi hỏi Nàng:

      -Chắc chị chờ người nhà ra đón?

      - Dạ không! Chỉ có cô bạn hẹn ra đón thôi.  Nhưng phải đợi sau khi tan sở, cô ấy mới đến được! Xin tạm biệt anh.

        Tôi áy náy nhìn Nàng. Trên khuôn mặt kém vui của Nàng, hiện rõ nét mệt mỏi. Nó khác hẳn vẻ tươi vui lúc ngồi trên xe cạnh tôi.  

Mười phút sau, các con tôi lái xe đến đón. Khi xe chúng tôi chạy qua chỗ xe khách vừa rời bến, tôi thấy người nữ đồng hành với chiếc mũ nồi đen còn kiên trì đứng đó, cô đơn dưới nắng chiều. Chiếc mũ được tháo ra khỏi mái tóc, phe phẩy quạt mát khuôn mặt đỏ ửng vì nắng nóng. Một làn gió bất chợt thổi tung những sợi tóc trên mái đầu bạc lưa thưa của Nàng...Tôi bỗng thấy ái ngại cho người nữ “anh hùng thấm mệt” và cô đơn ấy - người bạn đồng hành đã ngồi bên tôi, trên chuyến xe đò miền Viễn Tây này!  Tôi nghĩ có lẽ Nàng cô đơn, thiếu vắng bạn bè, nên muốn trao đổi tin tức qua điện thư với tôi cho đỡ buồn chăng ?…

Ngày hôm sau, tôi lục tìm địa chỉ điện thư của Nàng. Sau đó tôi gởi cho Nàng hình ảnh tôi mặc bộ quân phục với chiếc mũ bê rê đội lệch, được chụp ở quân trường hơn năm mươi năm trước! Rồi tôi chờ mãi… cả tuần, cả tháng mà chẳng thấy hồi âm. 

                                                   ****  

Thế nhưng, một hôm tôi nhận được điện thư của Nàng. Nàng cho biết đã về Việt Nam thăm bà con và sẽ lưu lại Sài gòn một thời gian dài. Chỉ để tìm lại kỷ niệm xưa và làm việc từ thiện- nàng giải thích như thế! Một hôm, Nàng trông thấy một người bán vé số cụt một chân, mặt mũi sáng sủa , lê bước với chiếc nạng gỗ đã quá cũ kỹ. Sau khi mua một tấm vé và tặng thêm một ít tiền, Nàng tò mò hỏi lý do bị thương tật. Lúc đầu anh ta dè dặt không muốn nói. Sau đó, anh ta hỏi địa chỉ để đem vé số đến tận nhà Nàng, và nhân thể cũng để kể  “lý lịch” về sự tàn phế của mình. Có lẽ anh ta e ngại chốn công cộng có “tai vách mạch rừng” nghe chăng? 

Ngày hôm sau, đúng hẹn, người bán vé số cụt chân chống nạng tìm đến nhà Nàng, với với bộ đồ lính cũ kỹ nhưng lành lặn, phẳng phiu. Thay vì cầm tập vé số để đi mời chào như mọi ngày, hôm nay anh ôm một bọc giấy gói ghém kỹ lưỡng…Nàng ân cần mời anh ta vào nhà; rồi hỏi anh về cuộc sống quá khứ và hiện tại. Người bán vé số cho biết trước ngày mất nước, anh là một người lính nhảy dù trẻ tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở khắp các mặt trận. Lúc ấy anh có người yêu ngày đêm mong chờ anh trở về để xây dựng tổ uyên ương… Nhưng sau khi bị thương năm Mậu Thân, anh trở thành thương phế binh. Người yêu từng mong ngóng ngày anh trở về, đã bỏ đi lấy chồng.Hình ảnh Mũ Đỏ nhảu Dù

Nhìn thấy chiếc mũ bê rê quân đội, Nàng vội lấy Cell phone mở hình ảnh người cựu sĩ quan Thủ Đức nàng đã gặp trên chuyến xe đò ở Mỹ vài tháng trước đây. Anh lính nhảy dù thương binh ngắm nhìn rồi bùi ngùi nói:            

          -Ông ấy là sĩ quan nên được may mắn ra nước ngoài. Còn tôi chỉ là một binh nhì mà lại quá nghèo, không có tiền đi vượt biên; cho nên phải ở lại với thân thể tàn phế, đau đớn buồn phiền mấy chục năm qua…Cũng may tôi được anh em chiến hữu ở nước ngoài gởi tiền về giúp đỡ. Mà nhất là được gặp bà chị mua giúp vé số, còn tặng thêm tiền. Tấm lòng bác ái của bà chị thật hiếm có, nên tôi xin tạ ơn …  

Miệng nói, tay anh ta vói lấy gói giấy đặt trên chiếc nạng gỗ bên cạnh. Đoạn, anh mở ra lấy món quà trao cho Nàng. Đó là chiếc mũ đỏ còn mới; chiếc mũ đỏ của binh chủng Nhảy Dù đã cho anh niềm tự hào lập nên những chiến công hiển hách một thời trước năm 1975.

****

Cuối bức điện thư, Nàng viết: “Tôi nhận món quà đặc biệt của người Thương Phế Binh VNCH làm nghề bán vé số khốn khổ mà rơi nước mắt. Giờ đây anh ấy đã mất tất cả: mất tuổi xuân tươi đẹp, mất một phần thân thể, mất người yêu. Cuộc đời  anh ấy, cũng như các Thương Phế Binh VNCH khác tại Việt Nam, rồi đây sẽ ra sao?....”

Tôi đọc những dòng cuối bức điện thư mà thấy xúc cảm dâng tràn. Bên tai tôi như văng vẳng tiếng hát thiết tha của một nữ ca sĩ, với bài Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy:

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại, với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông, anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân…                                                                            ….Em hỏi anh, Em hỏi anh…..                                                                                        

                                                                                      Tam Bách Đinh Bá Tâm  


 


No comments: