__________________
TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Sáng hôm ấy, một buổi sáng đầu thu se lạnh, bé Tân thức sớm hơn mọi ngày. Bé thật vui, thật háo hức vì được theo Mẹ vào học ở trường tiểu học Sông Cầu. Mẹ đã dặn trước từ hôm qua là bé đừng sợ, đừng khóc đòi về nhà. Nếu không vâng lời, Mẹ sẽ phạt, không dẫn đến nhà bác Châu chơi cuối tuần.
Ông Khang đã thức dậy ngồi uống trà và xem báo ở phòng khách. Bà Khang vừa trang điểm xong, lên tiếng gọi chị người làm:
- Chị Vú ơi! mặc quần áo cho bé Tân xong chưa? Chị bảo anh Bếp ra ngoài bến gọi giùm tôi chiếc xe kéo nhé! Nhanh lên kẻo tôi đi làm trễ. À! Đã dọn đồ ăn sáng cho Thầy chưa?
Chị người làm vui vẻ đáp:
- Dạ xong cả rồi. Cô cứ yên tâm đi làm…
Bà Khang nắm tay con trai bước ra phòng khách, nhẹ nhàng nói với chồng:
- Mình sửa soạn ăn sáng, còn đi làm! Hôm nay tôi đi sớm để ghi danh bé Tân vào học. Trưa nhớ về ăn cơm nhé!
Bé Tân đến chào cha, đoạn cùng mẹ bước ra cửa.
Khi người phu đậu chiếc xe kéo trước thềm, bà Khang cũng vừa dắt tay cậu con trai trong nhà bước ra. Anh ta giở nón cúi chào, cẩn thận chờ bà khách quen thuộc lâu năm, cùng cậu con trai sáu tuổi lên ngồi yên vị trên nệm xe, mới nhấc càng kéo xe ra đường. Tiếng kèn đồng trong đồn lính trên thành giục giã vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Bé Tân đã nhiều lần ngồi xe với mẹ, chạy trên con đường từ nhà ra phố. Nhưng lần này cậu cảm thấy hồi hộp, sung sướng hơn những lần khác, vì hôm nay bé đi học. Người lái xe sợ làm trễ giờ của bà khách - cô giáo đã từng giúp đỡ cho con anh vào học trường tiểu học Tỉnh - nên cúi rạp kéo xe chạy thật nhanh. Gió thu mát lạnh đánh phần phật vào tấm vải mui xe. Hai tấm bạt từ trần xe rũ xuống, che kín gió cho hai mẹ con ngồi bên trong.
Nghề kéo xe, thuở ấy là một nghề khá phổ biến trong giới bình dân. Bởi tuy cực nhọc vất vả và cần nhiều sức khỏe, nhưng dễ kiếm tiền nuôi sống gia đình- nhất là đông con như gia đình anh…
Bà Khang nhìn đứa con trai đầu lòng vừa lên sáu, mỉm cười hãnh diện. Bé Tân trông hơi gầy, nhưng hồng hào khỏe mạnh, với chiếc quần ngắn xanh đậm, áo sơ mi trắng, choàng thêm chiếc áo khoác màu nâu nhạt. Hai tay bé ôm chiếc cặp da đựng sách vở vào lòng, trong đó bé thích nhất quyển vở giấy trắng tinh, có kẻ hàng ngang bằng mực in. Ngoài bìa quyển vở có hình vua Bảo Đại, đội khăn đóng, mắt nhìn thẳng nghiêm nghị.
Không khí học đường đối với bé Tân có vẻ mới lạ, nhưng bé phải cố tập bạo dạn, lễ phép chào cô giáo, làm quen với các bạn học mới.
****
Tối thứ Bảy hôm ấy, ông bà Khang dẫn bé Tân đến chơi tại nhà ông Châu, người bạn học cũ hiện làm việc trong Tòa Công Sứ Pháp. Bốn năm trước họ học cùng lớp, cùng tốt nghiệp trường Collège Quy Nhơn, và cùng thi vào ngạch công chức ở Phú Yên. Ông Châu thi đậu Tham Tá, còn ông Khang đậu Lục Sự, làm việc với quan Án Sát Nam Triều. Mặc dù thường đến đánh quần vợt tại Hội quán Quảng Ích - và nơi đây ông Khang quen biết nhiều công chức đầu Tỉnh người Pháp, nhưng ông không muốn làm việc dưới quyền của họ.
Nhà ông Châu gần bờ biển, gió mát lộng quanh năm. Ông bà cùng có sở thích chung là đánh bài: ông mê đánh bài tây, bà thích tứ sắc. Ngoài giờ làm việc ở sở, ông bà thường đi đến nhà bè bạn để chơi bài, có khi đến tối mịt mới về. Việc chăm sóc con cái, cơm nước trong nhà, thường giao cho người giúp việc trông nom. Các con ông bà Châu rất thích có khách đến nhà đánh bài với bố mẹ, nhất là bé Nga được chơi với bé Tân nhất là trò chơi “trốn tìm”, hoặc thả thuyền giấy xuống mé sông trước nhà bé Nga. Cô bé có bím tóc buộc nơ đỏ, có đôi mắt bồ câu đen láy ngồi bên Tân, dùng que dài đẩy thuyền bơi đua với thuyền của bạn. Thỉnh thoảng cô bé phá lên cười thích thú khi thuyền của cô đắc thắng thắng. Bóng của đôi bạn trẻ in xuống nước, lung linh, gợn nhẹ khi cô bé khuấy động với chiếc que đẩy thuyền… .
Khi ông bà Khang đến nơi, đã thấy nhà khá đông người. Họ là những bạn đồng liêu với ông Tham Châu hoặc các thương gia, phú hộ trong thị trấn… cùng đến đây chơi bài. Riêng các bạn văn nghệ của ông, cuối tuần, họ thường đem đàn guitar, đàn mandolin…đến hoà ca những bản tân nhạc Việt, nhạc Pháp, hoặc những bản Vọng cổ…. Ở một thị trấn nhỏ như Sông Cầu - tỉnh lỵ Phú Yên thời bấy giờ, không có môn giải trí nào khác ngoài việc chơi bài hay đàn ca hát xướng với nhau. Thảng hoặc, trong những buổi tiệc tùng, họ cùng nhau hòa đàn, hoà ca…để giúp vui bạn bè.
Hôm nay, cuối tuần, nhà ông Tham Châu thắp đèn măng sông thật sáng để chào đón bè bạn đến chơi bài. Khi bà Khang vừa đến, các bà đã tụ lại với nhau để kháo chuyện. Các bà cùng thích thú chia sẻ những việc riêng tư trong gia đình mình, hoặc những chuyện học hành của con cái…Xong họ cùng nhau ngồi vào sòng bài. Đàn ông đánh xì phé, đàn bà chơi tứ sắc. Bà chủ nhà lo đôn đốc nhà bếp nấu cháo gà cho mọi người ăn khuya. Tiền xâu do gia chủ thu tại mỗi sòng bài dùng vào việc chi phí ăn uống, trà nước trong mỗi buổi họp mặt giải trí .
Đối với bé Tân, cái thế giới vui chơi bài bạc ấy không làm cậu thích thú. Cậu chỉ thích rủ cô bé Nga đi thang lang trong vườn để nghe tiếng dế kêu rỉ rả, hoặc ngắm nhìn đom đóm bay lập lòe trong đêm. Có những buổi chiều, đôi bạn trẻ đi dọc theo bờ biển trước nhà để bắt những con còng, những con cua nhỏ chưa kịp ẩn mình trong hang.
Đôi trẻ chơi thân thiết với nhau từ bé, nhưng tính tình lại khác nhau. Bé Tân đã sớm có tâm hồn mơ mộng, thích nghe ca nhạc, thích dạo chơi ngoài thiên nhiên. Cậu không thể hiểu vì sao cái thế giới chật hẹp trong sòng bạc lại hấp dẫn người lớn đến thế? Cái thế giới ấy diễn ra vào mỗi cuối tuần, ồn ào tiếng cười nói, mịt mù khói thuốc lá. Nơi đó tiền bạc được phô trương, chuyền tay từ người thua đến kẻ được, từ những kẻ ỉu xìu buồn bã đến người hả hê đắc thắng.
Cô bạn gái nhỏ của Tân, con ông bà Châu, có sở thích ngược lại. Mỗi khi bố mẹ mời khách đến gầy sòng đánh bài, cô bé Nga rất thích thú. Cô đứng nhìn say mê cái thế giới của những bà quý phái, trang điểm son phấn thơm tho, quần là áo lượt sang trọng. Cái thế giới nhỏ bé phồn hoa ấy bao gồm những công chức trung lưu, những tiểu thương, phú hào có máu mặt của thành phố. Nơi đó người ta xem tiền bạc như cỏ rác, dùng tiền bạc để sát phạt nhau, để thỏa mãn tính đam mê của mình.
Bà Châu, có lẽ cũng biết rõ tính tình, sở thích của cô con gái cưng, nên tìm cách ngăn cấm cô bé Nga đến gần nơi chơi bài bạc. Bà e ngại cái thế giới phồn hoa ấy có ảnh hưởng xấu đến tính tình và cuộc đời cô bé về sau. Bà cũng đã biết dạy con theo cách của mẹ thầy Mạnh Tử. Lối giáo dục “đổi nhà nhiều lần”- từ nơi gần lò mổ heo, đến nơi gần trường học - một phần đã giúp Mạnh Tử trở thành bậc Thánh hiền sau này.Tuy nhiên, chính bản thân ông bà Châu cũng bị ma lực của bài bạc quyến rũ. Chính cái không khí phồn hoa ấy lôi cuốn họ vào mỗi cuối tuần, trong suốt thờì gian của cuộc sống thanh bình của họ tại thành phố nhỏ bé này.
****
Sông Cầu, thuở ấy là tỉnh lỵ của Phú Yên tại Miền Nam Trung Việt. Thành phố nằm trên quốc lộ số 1. Từ tỉnh Bình Định nằm ở phía bắc, qua khỏi đèo Cù Mông, du khách sẽ bắt gặp một thành phố nhỏ, đầy bóng mát của những hàng dừa. Khách có cảm tưởng như đang đi trên bờ biển Hạ Uy Di. Với núi non chạy san sát bờ biển, thành phố Sông Cầu có một vẻ u buồn, kỳ bí thật nên thơ. Nơi đó sông núi biển hòa điệu với nhau. Dọc bờ biển, dừa trồng thành từng dãy ngang dọc thẳng tắp. Từ quốc lộ nhìn xuống, khách du lịch sẽ nhìn thấy những hàng dừa xanh um, bẹ lá xào xạc uốn lượn theo chiều gió. Vẻ đẹp của Sông Cầu là màu xanh. Trời xanh, núi xanh, biển xanh, dừa xanh. Ngoài ra, khi đến Sông Cầu ta vẫn được hưởng không khí mát lành. Thời còn son trẻ, những chiều sau giờ làm việc, ông bà Khang thường dắt tay nhau đi dạo trên quốc lộ, dọc theo chân núi, ngắm cảnh biển khi mặt trời sắp lặn. Cuộc sống của gia đình nhỏ bé ấy thật bình dị và vui thú.
Bầu không khí thanh bình tại Sông Cầu bỗng nhiên chấm dứt, khi quân đội Phù Tang bắt đầu xuất hiện nơi thành phố nhỏ bé này. Buổi tối hôm ấy, những bạn bè của ông bà Tham Châu cũng tụ tập lại nhà ông bà như thường lệ. Nhưng không khí buổi họp mặt không còn vui vẻ, đầy tiếng cười nói như những cuối tuần trước đó. Một ông bạn hỏi nhỏ, tiếng Việt xen lẫn tiếng Pháp:
- Các toa có biết tin gì mới không? Đêm qua, tụi Nhật đồng loạt bắt giam những người Pháp, cả quan, quân, lẫn Pháp kiều…Họ còn đi lục soát tìm kiếm những gì nữa đó?!
Ông Tham Châu lên tiếng, giọng hạ thấp, không còn oang oang như thường lệ:
- Moa lo ngại tụi Nhật sẽ lùng bắt những người làm việc trong Toà Sứ…Nhưng moa đành chịu chứ biết trốn đi đâu bây giờ!
Kể từ hôm ấy, người ta ít đến họp mặt, chơi bài bạc với nhau nữa. Trường học vẫn mở cửa, bé Tân vẫn theo Mẹ đi học. Tuy nhiên bầu không khí nặng nề đã bắt đầu bao trùm trên thành phố.
Trước đó, vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đã đánh úp quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Tại Sài gòn, Toàn quyền Decoux bị bắt. Tại tỉnh lỵ Phú yên, viên Công Sứ Pháp Pierrot bị quản thúc. Trên các nẻo đường phố, người Nhật dán đầy những bản tuyên cáo, tuyên bố cấm dứt chính quyền của Pháp và tung ra khẩu hiệu tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á. Các viên chức trung thành với Pháp, những người làm việc trong tòa Sứ, đã lặng lẽ rút lui về nhà. Người dân hy vọng Nhật sẽ giúp Việt Nam kiến tạo nền Độc Lập, Tự Do và Phú Cường. Nhiều thanh niên tin tưởng chính sách Đại Đông Á của Nhật, đã tham gia đảo chính.
Một buổi tối, ông Khang về nhà kể lại một mẩu chuyện khôi hài về cuộc hội họp ủng hộ Nhật do một nhóm thanh niên tổ chức tại Hội quán Quảng Ích. Họ có mời sĩ quan Nhật tham dự, cùng với viên thông ngôn người Việt. Một diễn giả thanh niên, có lẽ lần đầu trong đời ứng khẩu nói chuyện trước đám đông - nhất là hôm ấy có sự hiện diện của sĩ quan Nhật - đã líu cả lưỡi khi đứng lên diễn đàn phát biểu ý kiến:
- Kính thưa quý vị sĩ quan quân đội Thiên Hoàng, thưa đồng bào…Hôm nay tôi rất vui mừng khi thấy người Nhật đã đến đây giúp nước Nam đánh đuổi thực dân Pháp, đem lại độc lập và phú cường cho đất nước ta, với thuyết “Đại Đá Ông”…
Đến đây, hội trường bỗng vang lên tiếng cười, khiến viên sĩ quan Nhật ngơ ngác, đưa mắt dò hỏi viên thông ngôn. Người thông ngôn Việt nam lúng túng, chưa dám chuyển dịch, im lặng chờ diễn giả nói tiếp. Anh thông ngôn này mới học tiếng Nhật vài tháng, chưa đủ chữ nghĩa cũng như can đảm để dịch lại những chữ “nói lái” đó , vì có thể bị hiểu lầm là phạm thượng!
Trên diễn đàn, người thanh niên cũng lúng túng, lắp bắp đính chính:
- À! À!...! Xin lỗi quý vị, tôi xin lập lại: với thuyết Đại Đông Á …
Câu chuyện khôi hài do ông Khang kể tối hôm ấy, tuy đơn giản, nhưng cũng khiến cả nhà phá lên cười. Mọi người cười như để xua đi không khí nặng nề, đã do những người lính Nhật - với vẻ mặt lầm lì, gươm súng loảng xoảng khắp nơi trong thành phố vốn thanh bình này - đã tạo ra trong vài tuần qua. Riêng bé Tân, rất thích thú nghe cha mình dùng thuật ngữ “nói lái”, vốn được giới bình dân Miền Nam Trung Việt sử dụng để nói đùa, hoặc kể những câu chuyện tiếu lâm.
Một buổi trưa cuối tuần, ông Khang nghe thấy tiếng gõ cửa nhà mình. Ông thận trọng hé cửa nhìn ra ngoài, đã thấy người lính Nhật mang gươm dài ra dấu đòi vào nhà. Ông đang cầm chiếc quạt, làm dấu từ chối. Người sỹ quan Nhật giằng lấy chiếc quạt, ném đi, đẩy cửa bước thẳng vào trong. Bà Khang lo sợ, ôm các con như chị gà mái xòe cánh bảo vệ đàn gà con trước sự đe dọa của những con diều hâu độc ác. Người Nhật cùng viên thông ngôn người Việt bước vào nhà, nhìn quanh như muốn tìm kiếm nghi can nào đó. Đoạn họ rầm rập bước ra ngoài, trả lại bầu không khí yên tĩnh cho gia đình.
Vào một hôm khác, lính Nhật gõ cửa nhà ông bà Tham Châu. Ông chủ nhà ra mở cửa mời vào. Ông Châu thật e ngại, nhưng cố trấn áp nỗi lo sợ trong lòng. Bà Châu đi pha trà, đem bánh ngọt mời người khách ngoại bang “không mời mà đến” ấy. Qua người thông ngôn, viên sĩ quan nói về chính sách của Nhật đối với người dân Việt nam :
- Chính phủ Thiên Hoàng chủ trương chính sách Đại Đoàn Kết: châu Á là của người Á châu. Người Nhật đến đây để giúp Việt nam được độc lập, không bị Pháp cai trị nữa. Chỉ có người da vàng mới thương yêu nhau…
Ông Tham Châu chỉ ngồi im lặng nghe, không dám có ý kiến gì. Khi bé Nga rón rén bước ra phòng khách, tò mò nhìn khách lạ. Viên sĩ quan Nhật đưa tay vẫy bé lại gần, lấy kẹo ra mời. Bé không dám nhận, chỉ lắc đầu từ chối. Người khách Nhật nhìn ông Châu, nghiêm nghị nói:
- Cô bé xinh đẹp, ngoan ngoãn lắm. Trông thật giống người Nhật. Tôi muốn xin cô bé về Nhật làm con nuôi. Ông có bằng lòng không?
Ông Châu thật sự lo sợ mất cô gái cưng, nhưng không dám lên tiếng phản đối, chỉ ú ớ đáp:
- Dạ …dạ…!
Viên sĩ quan Nhật không thèm hỏi thêm, đứng lên chào gia chủ, cùng người thông ngôn ra về.
Ngày hôm sau, khi đến trường, bé Nga hí hửng khoe với bé Tân:
- Hôm qua có ông Nhật đến nhà hỏi Ba Mẹ xin Nga làm con nuôi! Ông ấy hứa sẽ dẫn Nga về Nhật.
Bé Tân vội hỏi cô bạn nhỏ:
- Ba Mẹ của Nga có bằng lòng không?
Cô bé ngây thơ đáp:
- Ba không nói gì với ông Nhật. Chắc là Ba Mẹ bằng lòng rồi...
Bỗng nhiên, bé Tân cảm thấy buồn và giận viên sĩ quan Nhật tàn nhẫn kia. Cậu chỉ sợ cô bạn gái nhỏ bỏ cậu đi xa, tận bên kia biển Đông, không bao giờ trở về nữa. Rồi đây cậu sẽ buồn bã, cô đơn lắm vì không có bạn nào chơi thân với cậu như bé Nga nữa.
Sau biến cố đó, ông Châu thật sự lo lắng và buồn rầu. Ngày đêm ông bà chỉ nơm nớp lo sợ viên sĩ quan Nhật trở lại bắt con gái nhỏ của họ. Lúc ấy liệu ông dám từ chối, chống lại ý định của người lính Nhật, kẻ tân ngoại xâm tàn bạo ấy không?
Người ta đồn đãi rất nhiều về hành vi độc ác của quân Nhật. Dân chúng đói khổ vì phải nộp lúa thóc cho họ. Phần lớn ruộng đất bị buộc phải trồng cây thầu dầu, cây đay (gai)… để cung ứng nhu cầu sản xuất một số mặt hàng cần thiết cho quân đội Nhật. Ngoài ra, do thiếu nhiên liệu, nên Nhật lấy gạo nấu thành rượu cồn thay xăng dầu. Đường hỏa xa từ Nam ra Bắc thường bị máy bay Đồng Minh đánh phá, nên lúa gạo trong Nam mặc dù dư thừa mà không thể chở ra Trung, Bắc được. Nông dân Miền Bắc bị buộc phải bán lúa gạo cho Nhật với giá rẻ, nên dân bị thiếu ăn. Nông dân ở những vùng nông thôn đói kém kéo về Tỉnh lỵ xin ăn đầy đường, nhất là tại Hà Nội. Xác những người bất hạnh chết vì đói nằm la liệt hai bên vỉa hè đường phố, bãi chợ, bến xe…Vào mùa Thu năm Ất Dậu 1945 đã có gần hai triệu người chết đói, nhất là tại các tỉnh phụ cận miền Bắc.
Riêng tại tỉnh Phú Yên, nạn đói chưa xảy ra trầm trọng, nhưng cuộc sống người dân cũng bắt đầu khó khăn nghèo túng. Người ta đồn đãi rất nhiều về việc quân Nhật xử chặt tay, chặt chân những nghi can phạm tội trộm cắp, cướp giật ngoài đường...
Sau ngày quân Nhật bắt giam người Pháp, họ đã chuyển bộ máy chính quyền sang tay người Việt để được danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, người Nhật vẫn chỉ đạo ở hậu trường sân khấu chính trị…Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, thay thế nội các Phạm Quỳnh ở Huế. Bài hát “Tiếng Gọi Thanh Niên” của Lưu Hữu Phước được dùng làm quốc ca, thay bài “Đăng Đàn Cung” của chính phủ cũ.
Tại Sông Cầu, ông Khang và các bạn đàn hát văn nghệ bắt đầu tập đàn hát bài quốc ca mới, và cũng tập luôn các bài hát Nhật như Shino no Yoru, Sakura…trong những buổi họp mặt cuối tuần. Hàng hóa Nhật bắt đầu bày bán tại vài cửa tiệm ngoài phố. Bà Khang cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong trào bành trướng hàng nhập cảng của Nhật vào thành phố: bà mua một chiếc xe ôtô đồ chơi màu đỏ, chạy bằng dây cót để bé Tân và các em nhỏ cùng chơi. Bà Châu cũng mua cho bé Nga một con búp bê Nhật, nhỏ nhắn, đầy đủ trang phục cổ truyền Kimono. Các bé thích những món đồ chơi tân kỳ ấy lắm.
Viên sĩ quan Nhật không thấy đến nhà ông bà Châunữa. Họ nghĩ chiến cuộc căng thẳng đã khiến viên sĩ quan quên đi lời hứa: đưa bé Nga về xứ sở Phù Tang làm con nuôi cho hắn. Đến ngày 13 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng sau khi Đồng Minh thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn Hiroshima và Nagasaki, khiến đội quân chiến bại ấy phải rút về nước, kể cả viên sĩ quan quân phiệt Nhật thường đến nhà cha mẹ bé Nga.
Hai quả bom có sức tàn phá khủng khiếp ấy đã làm đảo lộn cục diện thế giới thời bấy giờ, gây nhiều dư luận, tranh cãi về sau về ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, nó đã giải quyết tức thời nhiều vấn đề trầm trọng. Đối với đất nước Việt nam, nó đã chấm dứt bao cảnh tang tóc, bao thảm họa vô nghĩa mà người dân phải hứng chịu, do các cuộc oanh tạc của Đồng Minh trên hải cảng và phi trường tại các thành phố lớn... Ngoài ra, nó cũng chấm dứt sự đói khổ vô cùng tận của dân ta, do nạn thiếu gạo vì đất canh tác bị trưng dụng trồng cây dùng cho kỹ nghệ chiến tranh cho quân Nhật…
Riêng tại Sông Cầu, từ ngày quân Nhật rút đi, người dân thở phào nhẹ nhõm. Ông bà Châu như trút được gánh nặng ngàn cân khi viên sĩ quan Phù Tang không trở lại bắt đi đứa con gái cưng của họ. Cậu bé Tân không còn nghe bé Nga nhắc đến chuyện sắp đi Nhật, làm con nuôi cho “ông Nhật giàu sang” đó nữa. Trong trí óc non nớt của cậu, đã nhen nhúm ý tưởng oán ghét những người lính xa lạ, từ hình dáng, ngôn ngữ, quân phục đến cách đối xử tàn bạo với người dân địa phương. Họ ngang nhiên đến đây, tự tiện xông vào nhà người dân lương thiện để lục soát, bắt bớ…tạo một bầu không khí căng thẳng đầy lo sợ và thù ghét. Họ nhìn người lớn với vẻ nghi ngờ, đe dọa; đối với trẻ em họ là những con ngáo ộp, với những gương mặt lầm lì, nụ cười thiếu vẻ hiền từ, thiện cảm.
Nay thì họ đã rút đi, trả lại cho thành phố Sông Cầu bầu không khí thanh bình của những năm tháng mà đất nước chưa bị xáo trộn, đất bằng chưa bị nổi sóng bởi những đổi thay chính trị, bởi những chủ nghĩa ngoại lai…Tuy nhiên những đổi thay sẽ diễn ra sau Cách Mạng tháng 8, 1945 và ngày Toàn Quốc Kháng Chiến 19 tháng 12, 1946. Và cũng từ đó, Sông Cầu - cũng như các thành phố thuộc vùng kháng chiến chống Pháp của Việt Minh, chìm dần vào cảnh chết chóc , vào nỗi thống khổ triền miên của cuộc chiến dai dẳng chín năm sau đó.
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment