Saturday, November 19, 2011
Thầy có nhớ con không?.- Nguyễn đồng Danh
Chuyện bên Tàu: Trong cuộc chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai (1937-1945) ông Chu ân Lai đại diện cho phe Cộng đi phó hội với ông Tưởng giới Thạch đại diện phe Quốc dân đảng. Phe Cộng và phe Quốc dân họp bàn để thành lập Mặt trận thống nhất Quốc Cộng nhằm chống lại Nhật Bản. Khi nói chuyện, Chu Ân Lai đều chắp tay “thưa thầy Hiệu Trưởng". Lý do là Chu ân Lai đã theo học trường Võ bị Hoàng Phố, trong thời kỳ ông Tưởng giới Thạch làm Hiệu trưởng.
Khi ông Lâm Bưu trở thành nhân vật số 2 sau Mao Trạch Đông, lúc đến gặp Tưởng giới Thạch để điều đình về việc quân, suốt buổi họp Lâm Bưu chắp tay đứng để giữ lễ thầy trò, trong khi Tưởng vẫn ngồi ghế, lý do là ông Lâm Bưu cũng đã theo học trường Hoàng Phố.
Chuyện bên Tây: Sách Quốc văn Giáo khoa thư, mà chúng ta đã được học, có một bài tập đọc tựa là “Học trò biết ơn thầy”. Truyện kể về một ông quan lớn người Pháp, tên là Carnot (Nicoles Leonard Carnot 1796-1832). Vào một ngày về thăm quê, khi ông đi ngang qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy học của mình lúc nhỏ, bây giờ tóc đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp. Ông Carnot xuống xe ngựa, bước vào lớp, chào thầy và nói “Thưa thầy, thầy có nhớ con không?”. Sau khi kể rõ nguồn cơn cho thầy cũ nghe, ông Carnot quay xuống lớp nói với đám học trò nhỏ: “Ta bình sanh, nhất là mang ơn cha mẹ, sau là ơn thầy. Nhờ thầy chịu khó dạy bảo, ta mới nên sự nghiệp ngày nay”.
Tôi cũng đã từng được nghe câu hỏi tương tợ (Thầy có nhớ con không) nhưng không phải trong khung cảnh một ngôi trường nhỏ bé, trong ngôi làng êm ả thanh bình, như truyện ông Carnot bên Pháp.
Giữa năm 1976, sau một năm học tập, viên chức và sĩ quan chế độ cũ ở trại cải tạo Trảng Lớn tỉnh Tây Ninh, được phép thăm nuôi. Trại Trảng lớn lúc đó chứa 4 Tiểu đoàn tù cải tạo. Tiểu đoàn 1 ở sát rào với Tiểu đoàn 2 của tôi. Chiều chiều, tôi vẫn nhìn thấy danh ca Duy Trác (luật sư Khuất Duy Trác) đang tập ca bè cho ca đoàn Tiểu đoàn 1 ở bên kia hàng rào.
Việc thăm nuôi được tổ chức luân phiên. Tuần này tiểu đoàn 1, tuần sau tiểu đoàn 2, rồi 3 và sau cùng là 4. Hôm đó tiểu đoàn 1 được thân nhân vào thăm. Chúng tôi, tiểu đoàn 2, vẫn đi công tác cắt tranh hay gở vỉ sắt ngoài phi trường căn cứ Trảng Lớn.
Ba người bạn tù chúng tôi chọn một điểm lao động gần đường nhựa, để có dịp ngó ông đi qua bà đi lại. Một năm trời tù túng trong vòng rào kẻm gai, chỉ nhìn thấy màu áo kaki của bộ đội, màu áo cháo lòng nham nhở rách bươm của bạn tù, cho nên được nhìn thấy áo quần sặc sỡ là niềm hạnh phúc lớn lao đối với chúng tôi.
Vừa lao động, chúng tôi vừa nhìn ra đường nhựa (trong căn cứ Trảng lớn, có nhiều đường nhựa xe 10 bánh chạy được, có cả phi trường cho máy bay quân sự). Vừa lúc đó có ba thiếu nữ đang gồng gánh quà vào thăm thân nhân. Chợt một trong ba cô la lên “thầy Danh”. Nghe gọi, tôi nhìn lên, vừa mừng vừa sợ. Mừng vì có người quen, sợ vì nếu chuyện trò với người ngoài mà bị cán bộ bắt gặp thì sẽ bị kỷ luật (nhốt vào thùng connex).
Đang còn ngơ ngác thì nghe hỏi “Thầy có nhớ con không?”. Trời đất, cả chục năm đi dạy, qua bao nhiêu trường lớp với cả ngàn học sinh, làm sao tôi nhớ hết các môn đồ. Trong cuộc đời gõ đầu trẻ, may ra tôi chỉ nhớ được các học sinh xuất sắc nhất và các học sinh ba gai nhất.
Cô học trò đứng hẵn lại và nói tiếp “ Con tên là Giang Hà, học sinh trường Trung học Quận 9 nè”. Có lẽ Giang Hà cũng nhận ra được sự e dè sợ sệt của tôi. Cô đảo mắt ngó quanh, không thấy bóng dáng tên bộ đội nào, cô nhanh tay ném về phía tôi một cái bọc nhỏ và nói “Thầy ăn lấy thảo, con đi thăm ba con”. Nói xong các cô tiếp tục gồng gánh đi về hướng văn phòng tiểu đoàn 1. Hôm đó, kho lương thực của tôi có thêm năm cục đường tán. Mỗi cục đường là một niềm hạnh phúc lớn lao của người tù cải tạo.
Sau một năm cải tạo tại Trảng Lớn, tôi bị đưa vào rừng sâu khu vực Ka-Tum, gần biên giới Việt Miên, cũng thuộc tỉnh Tây Ninh. Ở đây lao động nặng nhọc hơn. Phải vào rừng đốn gổ, chặt tre bương, tre lồ ô. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ mà tôi đã học từ ngày còn bé. Bài thơ nói về thân phận người lính trấn thủ miền xa:
"Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai?
Miệng ăn măng trúc, măng mai,
Những giang cùng nứa, lấy ai bạn cùng?
Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng!".
Đó là lời than thở của người lính trấn thủ lưu đồn, còn bọn tôi, những người tù của chế độ mới thì:
“Ba năm cải tạo trong tù,
Ngày thời lao động, tối thu … hoạch bài.
Chém tre đẵn gỗ dài dài,
Hữu thân hữu khổ, tương lai mịt mùng”.
Cũng may khi đi lao động như vậy, chúng tôi vẫn thường gặp những người dân quê tử tế, đã ném cho chúng tôi khúc mía, củ khoai, củ mì v.v.
Đến năm 1977, Khmer Đỏ nhiều lần đánh sâu vào lãnh thổ Việt nam, các trại tù cải tạo dọc theo biên giới Việt Miên được giải tán. Tôi bị đưa về giam tại nhà giam Chí Hoà ngay giữa trung tâm Sài gòn. Khi đi lao động cải tạo trên rừng, tuy đói và khổ cực, nhưng cuộc sống phần nào thoải mái. Lý do là được đi lao động bên ngoài, đôi khi tiếp xúc với đồng bào, được bà con thương mến tiếp tế thực phẩm. Còn ở Chí hoà, khỏi phải lao động, chỉ ngồi bó gối trong bốn bức tường giam với cánh cửa sắt dày.
Khám Chí hoà được người Pháp xây cất theo hình bát quái, tám cạnh là tám dãy lầu gồm những phòng giam, giữa là tháp canh cao ngất. Kiến trúc thật là kiên cố. Từ ngày khánh thành cho đến năm tôi vào ở (1977) chưa có một tù nhân nào vượt thoát. Nghe nói chỉ có một người “vượt ngục” thành công với sự trợ giúp của “tay trong”. Đó là tướng cướp Điền khắc Kim.
Về Chí hoà, tôi ở trong khu ED. Phòng giam to bằng một lớp học, chứa 60 người, mỗi người chỉ sinh hoạt, ăn ngủ, học tập, trong vòng một chiếc chiếu đơn.
Thời gian này trong khám Chí hoà có nhiều nhân vật nổi tiếng như Cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà Phan Huy Quát, Cựu Thủ tướng Căm bốt Sơn Ngọc Thành, cựu Tổng trưởng Chiêu hồi bác sĩ Hồ văn Châm v.v.
Một hôm, phòng tôi có người bệnh. Anh ta bị kiết lỵ suốt đêm tiêu chảy nhiều lần. Sáng ra, cán bộ cho một tên tù hình sự đem cáng lên khiêng người bệnh xuống bệnh xá. Tôi và một bạn tù trong phòng được chỉ định khiêng cáng, tên tù hình sự gom góp, ôm theo vật dụng cá nhân của người bệnh.
Bệnh nhân đã kiệt sức, anh ta mất nước nhiều vì tiêu chảy suốt đêm, tiêu không kiểm soát được nên áo quần hôi thúi. Cô y tá bắt chúng tôi tẩy rửa bệnh nhân, trước khi cho vào phòng khám.
Khoảng 9 giờ sáng, bác sĩ bắt đầu khám bệnh. Bác sĩ ra lệnh cho tôi ở lại để phục vụ bệnh nhân, còn ngưòi bạn kia thì được cho trở về phòng giam. Lúc đó chỉ có một thứ thuốc duy nhất để trị bá bệnh là xuyên tâm liên. Tôi cứ phải nâng đầu anh bạn dậy, đổ hàng chục viên thuốc vào miệng, và cho anh một ngụm nước.
Xế chiều, cô bác sĩ gọi tôi vào phòng riêng và đóng cửa lại. Cô chợt hỏi “Thầy có nhớ con không?”. Trời đất, lại thêm một tình huống éo le cay đắng. Trò bây giờ là bác sĩ cách mạng, thầy là tên tù ngụy quân ngụy quyền.
Bác sĩ Phượng kể: “Năm 1968 con đang học lớp đệ tam, chị con học đệ nhất. Tết năm đó nhà con bỗng dưng có thêm mấy chú bác từ quê lên ăn Tết, những người thân mà chúng con chưa hề gặp mặt. Đêm giao thừa, Ba dặn má năm nay không được đi chùa hay đi lăng Ông Bà Chiểu, chỉ ở nhà cúng ông bà. Sau đó ba và các chú bác đi đâu mất biệt. Tổng Công kích Mậu Thân xảy ra, cả thành phố biến thành bải chiến trường. Một hôm Ba trở về, chỉ kịp gom ít tư trang, rồi đưa cả nhà vào mật khu.
Lúc đó chị con và con được huấn luyện qua loa về cứu thương, vì nhu cầu chửa trị thương binh quá lớn, nhất là trong Tổng Công kích đợt hai vào tháng 5 năm 1968. Lâu dần, nghề dạy nghề và trải qua mấy lớp chuyên tu, tại chức, bỗng dưng … con trở thành y sĩ ”. Bác sĩ Phượng đã giúp chúng tôi liên lạc với gia đình. Vợ con người bệnh gởi thuốc Tây trị kiết lỵ cho anh ta. Nhờ đó mà anh thoát chết. Hết bệnh, chúng tôi chia tay cô học trò bác sĩ, để trở về phòng giam, tiếp tục sống cuộc đời tù tội.
Cho đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại câu nói “Thầy có nhớ con không” của quan lớn Carnot bên Pháp, trong quyển Quốc văn giáo khoa thư, tôi vẫn còn bùi ngùi tấc dạ. Tôi rất cảm động về tinh thần Tôn sư Trọng đạo của người Việt. Dù hoàn cảnh có đổi thay thế nào đi nữa, những người học trò cũ vẫn nhớ ơn và giúp đỡ thầy cô.
Nguyễn đồng Danh.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment