Wednesday, November 16, 2011

"Thèm"... quê hương!

____________

Sưu tầm




Them que huong

Thuở còn nhỏ đi học trường làng, mỗi lần đón mẹ đi chợ về, ngửi thấy mùi ổi từ trong thúng bay ra, mẹ chưa kịp chia cho, tôi đã thèm ăn ổi đến rỏ dãi! Thèm ăn, thèm uống thuộc về bản năng sinh lý của con người, nhất là trẻ con. Trong tiếng Việt, từ "thèm" thường chỉ dùng để chỉ mong muốn một nhu cầu vật chất, ấy vậy mà ông, một người xa xứ mấy chục năm, nay đã 80 tuổi, viết thư cho tôi nói là hiện nay ông đang "thèm" quê.
Vâng, chính ông đã viết thư cho tôi và dùng từ "thèm", thèm quê hương, để nói lên trạng thái tình cảm trên cả nỗi day dứt nhớ quê hương của mình và của những người Việt Nam sống xa quê hương hàng chục năm nay trên đất Mỹ nói riêng và trên khắp thế giới nói chung.
Ông viết là không thể ngờ được, sau cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm một sống một chết hơn hai mươi năm trước, những tưởng ông sẽ an thân đến già tại cái nơi đã đặt chân và cuộc sống mới sẽ mãi mãi viên mãn. Đúng vậy, gia đình ông lần lượt được sum họp đầy đủ vào cuối những năm 80, trai gái, dâu rể đều thành đạt, có bằng cấp đại học, người làm dược sĩ, người là lập trình viên, người là bác sĩ, các cháu nội ngoại đều học đại học, có cháu đã đi làm, có thể nói không còn mong gì hơn nữa đối với một gia đình trí thức nhỏ. Ai cũng khen là nhờ Trời, Phật, tổ tiên phù hộ, gia đình ông được sum họp đầy đủ, trí thức danh giá, hạnh phúc. Ông cũng đã về nước thăm quê hương hai lần. Nay đến tuổi sắp về với tổ tiên, ông lại xảy ra cái tâm trạng khắc khoải, căn bệnh trầm kha, rắc rối. Thấy tâm trạng u uất kéo dài hàng tuần lễ, ông đi khám bệnh. Sau một ngày khám qua bao nhiêu xét nghiệm với nhiều máy móc hiện đại của y tế Hoa Kỳ, các bác sĩ Mỹ đã kết luận ông bị bệnh tâm thần và kê toa các thuốc thần kinh. Ông hiểu là những triệu chứng bệnh tật của ông là có thật. Ra khỏi phòng khám, ông cất một câu chửi thầm bằng tiếng Việt: "Mẹ cha nó, ông làm sao mà bị bệnh thần kinh!".
Ông hiểu chỉ có thuốc nào mới chữa được bệnh cho ông, rồi ném luôn túi thuốc vào thùng rác. Ông viết thư cho tôi, bỏ hẳn cái địa chỉ email cũ có tên ông Thánh tây kèm theo, lấy địa chỉ mới theo tên Việt Nam cũ từ ngày còn ở trong nước.
"... Lúc này tôi có một nhu cầu khẩn thiết là "Về Quê" cho nên tôi đã vào các trang web của Việt Nam mình rất nhiều. Tôi gọi là "Việt Nam mình" vì chưa bao giờ tôi coi nơi đây là quê hương dù đã sống ở đây trên 23 năm, tính từ tháng Giêng năm 1981 khi đặt chân xuống sân bay San Francisco. Tôi cảm ơn nước này đã bao dung đem lại cho gia đình tôi đầy đủ cơ hội để an cư lạc nghiệp. Nhưng tôi vẫn luôn ám ảnh mình là kẻ lưu vong trên xứ này. Tôi chắc ý nghĩ này không phải của riêng tôi hay người già mà là chung của mọi người Việt Nam phải rời bỏ xứ sở, xa quê hương mấy chục năm, đã bình tâm suy nghĩ lại".
"Tôi cũng tìm hiểu nhiều về các nhà văn hóa trong nước, tôi đã trở nên cởi mở hơn, dễ tha thứ hơn, không cố chấp như trước nữa, có thể không quá cứng rắn như một số người ở đây! Tôi có thể hòa giải, hòa hợp hơn cho nên tôi nhìn các nhà văn hóa trong nước một cách khách quan hơn, nếu thật sự những công trình, những sách viết, những việc làm của họ có ích cho dân tộc vì tôi vẫn luôn luôn nhớ tới vai trò của kẻ sĩ trong xã hội. Tôi muốn tìm hiểu về đất nước tôi, những gì đang xảy ra theo chiều sâu, không phải để tìm hiểu thứ “văn hóa Hàn Quốc”, nhuộm đỏ tóc nam nữ thanh niên Việt Nam, phim Hàn Quốc phổ biến trên khắp các đài truyền hình sáng, trưa, chiều, tối lăng xê cái mốt ăn mặc chẽn bó (các thứ đó ở đất Mỹ đã qua đi từ thời 70-80 rồi!) Cái "văn hóa karaoke" bành trướng quá mạnh đã dẫn đến sự sa đọa của tầng lớp con cái nhà giàu và một bộ phận giới viên chức làm lợi cho đất nước thì ít, ăn chơi phá hoại thì nhiều. Tôi trở lại cái nhu cầu của tôi là sẽ cố gắng thu xếp để về quê một lần nữa, tôi quá già rồi. Tôi sẽ mua bảo hiểm sức khỏe trong nước trước khi các con cho tiền mua vé máy bay".
Trong một thư sau ông viết cho tôi:
"... Sáng nay trước khi lái xe đi chợ, tôi đã đánh máy trong Outlook Express của Windows XP, có dấu tiếng Việt nên chắc chắn ông sẽ đọc được. Dạo này tôi ở với cháu Huyền ở Oceanside, San Diego, từ đây lên Little Sài gòn khoảng 100km, nếu không đông và kẹt xe thì mất một tiếng thôi. Sự thật tôi không có nhu cầu mua bán gì phải đi chợ, nhưng cần thiết đến phố Bolsa, chợ Phước Lộc Thọ, Little Sài gòn để mua vớ vẩn vài cái bánh dày, bánh chưng, gói xôi nếp cẩm, cái bánh rán... Mua về có khi ăn hết, có khi không, nhưng vẫn cứ đi chợ để mua. Ghé vào chợ Việt Nam để nghe tiếng nói lao xao của người Việt hay gọi nhau ơi ới, nó không quá lặng lẽ như chợ Mỹ mà lúc đầu mình cho như thế là văn minh hơn mình. Dạo này tôi ít đi chợ Mỹ lắm vì mình không cần mua gì ở đó cả.
Lên chợ Việt Nam để mua những quà quê hương, để nghe những giọng nói của người Việt, người tôi như thấy vô cùng sung sướng, đấy chính là những viên thuốc chữa bệnh cho tôi, những người sống lưu vong thiếu quê hương. Vừa thèm tiếng nói của quê hương, mình vừa thích cái văn hóa cộng đồng của Việt Nam, có nhiều liên hệ với những người xung quanh, giao tiếp với nhau như những người quen thân thiết, khác hẳn với cái lạnh nhạt dửng dưng của thứ văn hóa cá nhân bên xứ này. Tuy nó cũng có phiền phức như hàng xóm hay nhìn ngó nhau, ghen ghét hay đố kị nhau nhưng lại dễ dàng làm bạn với nhau, nó làm dịu bớt đi sự cô đơn của mình khi lưu vong trên xứ người.
Cái kiểu bên Mỹ thì hàng xóm láng giềng hoàn toàn xa lạ, nhà nào biết nhà nấy không thể là bạn với nhau, không thể khi lỡ có thể sang vay tí muối, tí đường hay ngày giỗ chạp mời nhau sang ăn cơm. Người trong nước lâu lâu đi ra ngoài chơi trong chốc lát, thấy cái cư xử không ai đụng chạm đến mình, mình được yên tĩnh, an thân thì thích thú, cảm thấy ít chịu áp lực của xã hội xung quanh, không ai ảnh hưởng đến suy tư của mình thì cảm thấy như được nhiều tự do hơn, nhưng phải là người Việt Nam xa quê sống lưu vong mới thích thú tính cách cộng đồng của làng quê, xã hội Việt Nam. Chính tình nghĩa họ hàng, tính cộng đồng làng xã đó đã thúc đẩy người Việt ở Mỹ luôn gắn bó với anh em họ hàng người trong nước, đã gửi rất nhiều sự giúp đỡ cho người thân trong nước nhất là trong thời kỳ đất nước còn khó khăn hoặc thường xuyên quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt gặp khó khăn.
Sau khi ở chợ ra, tôi lái xe lên tiệm bánh mì, mua ổ bánh mì baguette (bánh mì dài kiểu Pháp khác bánh mì kiểu Mỹ) rồi ra ngồi ở bàn ghế trước cửa tiệm, vừa ăn vừa tán gẫu với bất kỳ ai ngồi cạnh mình, người nào mình cũng có thể "gạ chuyện" được, không ai có thái độ quay đi như trong chợ Mỹ. Ở xứ này, trong tiệm ăn mà gạ chuyện là bất lịch sự. Tôi vẫn nhớ lại cái thói ăn quà ngoài phố ở quê mình với bao nhiêu món như bún chả ở phố Ngõ Trạm, chợ Hàng Da ngày xưa khi trọ học ở đó, món bún ốc, bún riêu cua, bánh đúc hay những hàng phở gánh rong đi qua, mùi nước phở bốc lên thơm phức làm "nôn nao cả con tì con vị" khi từ trường học trở về vào buổi chiều.
Trong khi ngồi gạ chuyện, nhiều người nói với tôi:
- Sao bác không di chuyển nhà về gần đây đi, về khu Wesminter đó, sáng đi bộ ra đây uống cà phê ngồi đọc báo ở ngoài đường như thế này có sung sướng không, đâu có phải lái xe xa thế, rồi bác già yếu không lái được nữa thì sao?
Tôi trả lời mình phụ thuộc vào con, nó mua nhà ở gần chỗ nó đi làm cho gần. Bây giờ nhà ở khu này lên giá càng cao vì người Việt ở các tiểu bang khác cũng càng ngày càng quy tụ về đây, làm sao mua được. Một người nói cho tôi biết đã về nước mua nhà ở gần Sài Gòn cho cha mẹ ở vì không thể bắt chước Mỹ, khi cha mẹ già nua thì đưa vào Viện dưỡng lão, đó là một việc làm phản luân lí và phong tục Việt Nam. Ông ấy cũng nói giá nhà ở Sài Gòn trước đây là 30 ngàn đô, nay lên tới trên trăm ngàn đô rồi.
Hai giờ chiều, đánh xe về nhà, tôi đã no bụng với những thứ đã ăn ở chợ như phở, bánh mì, bánh rán... Tôi mang những thứ mua ở chợ vào phòng bếp bày la liệt trên bàn ăn. Con đi làm chưa về, tôi ngồi nghỉ ngơi và một mình nhìn ngắm chúng. Những thứ đó không đáng bao nhiêu tiền cả, nó không phải là cao lương mĩ vị, nó đã gắn bó với tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, nó đã trở thành một loại thuốc an thần thực sự đối với người lưu vong mấy chục năm nay như tôi. Tôi cần gì uống đến những viên thuốc của bác sĩ Mỹ đã kê toa và phát cho tôi để khỏi được bệnh. Làm sao những viên thuốc kia có thể chữa khỏi bệnh cho tôi được? Tôi ngẫm nghĩ không biết tại sao tôi lại thèm những quà bánh quê hương đến thế, đi chợ xa hơn trăm km, mua cho được để ăn khi hết khi không, cũng cứ mua. Lúc trước học Thành chung, văn chương Pháp có bài “Un exile” (Một người đi đầy) của Victor Hugo, tôi có hiểu tâm trạng cô đơn của kẻ bị đi đầy, nhưng không bao giờ mình hiểu sâu sắc như lúc này về “Les exiles” (Những người đi đầy - những người tự nguyện đi đầy). Đâu ngờ cái tâm trạng đau khổ xa quê hương của kẻ đi đầy trong văn học Pháp thế kỉ XIX cũng là cảnh của tôi và hơn triệu người Việt lưu vong trên đất Mỹ đầu thế kỉ XXI này!
Mình cũng như nhiều người lưu vong xa xứ đã thèm những quà của quê hương như những đứa trẻ, tôi đã thèm nghe tiếng nói quê hương, thèm cái văn hóa giao tiếp của quê hương nơi chợ buôn bán đông người..., cái cảm giác mà những người đang sống trên mảnh đất quê hương không bao giờ có. Mình đã thèm quê, thèm Việt Nam. Nói theo ngôn ngữ y học, lớp người chúng tôi đã bị hội chứng Quê hương, hội chứng Việt Nam, không dược phẩm nào trị được, đúng vậy: "hội chứng Việt Nam". Chỉ có phương pháp trị căn bệnh trầm kha này là giải tỏa tâm tư, thư giãn tinh thần trong nhiều hình thức khác nhau, đắm mình trong văn hóa quê hương để vơi đi nỗi nhớ nhung khắc khoải về quê hương mình...".
Trên đây là những bức thư một người xa quê hương rất lâu, những dòng chữ nặng trĩu tâm tư thèm nhớ quê hương, thốt lên tự đáy lòng. Có lẽ bức thư này ông đã đánh máy nó trong khi lệ nhỏ nhạt nhòa trên bàn phím, hôm nay tôi chỉ sắp xếp lại, còn giữ gần như nguyên văn để bạn đọc cùng chia sẻ với người đang thèm khát quê hương. Người xưa có câu: "Cáo chết ba năm quay đầu về núi"; "Con chim sắp chết thì tiếng kêu bi thương, Con người sắp chết thì tiếng nói thật lòng". Phải chăng những lời nói ấy cũng đúng với những người già Việt Nam đang lưu vong nơi xứ người? Tiếng gọi của tổ tiên, ông bà, quê hương, sức mạnh của văn hóa dân tộc khi đã thấm sâu trong dòng máu người dân Việt?

No comments: