_____________
Cao Thoại Châu
Tiếng Việt quá ư không đơn điệu, cả về ngữ
pháp lẫn dấu giọng. Ấy là chưa kể đến nhiều trường hợp người ta được cho cả cái
quyền và phải dùng cái quyền ấy để
nói và viết : Quyền…Nói tục! Đúng
hơn, là được dùng những tiếng dung tục trong câu bình thường mà không
làm ai cau mày nheo mũi. Và đó là tu từ pháp gọi là TỶ tức so sánh, lấy một vật có thực
bất kể nó thế nào để dẫn đến một khái niệm.
Một cô gái đang như thơ Xuân Diệu “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/
Tựa của nhìn xa nghĩ ngợi gì” bỗng
cơn gió lành thổi đến cho cô một chàng và hai người yêu nhau. Dĩ nhiên cô “xanh
tốt” hẳn lên và mọi người xung quanh khi gặp bèn thấy cô “Tươi như hoa cứt
lợn” và không khó lý giải ngay “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt
chó”. Lối ví von so sánh trực
quan bình dân này khi nghe, đọc lên chẳng ai còn nghĩ đến cái chất thải đáng
khiếp của loài chó loài lợn nữa! Được
nói tục công khai và đắc ý!
Cũng dùng chất thải loài vật (vốn chất thải từ cơ thể là thứ bẩn) mọi
người còn nghe câu trách móc ai đó “Xúi
trẻ ăn cứt gà”, cũng với thứ
này nhưng nếu người chủ trại nuôi gà lệnh cho người làm dọn vệ sinh chuồng trại
thì ông ta sẽ phải dùng hai tiếng phân gà vì trường hợp này không có sự ví von
mà chỉ còn thực tế là công việc của người kia!
Thường “nói tục” kiểu này ban đầu là
của giới bình dân sau thành của chung và có thể viết trong sách, nó hóa ra một
thành ngữ vừa ngắn gọn mà lại có sức biểu đạt tốt.
Sống trên đời mấy ai chỉ gặp
hanh thông mà không có lúc (nhiều lúc) gặp điều xui rủi, vậy nếu nghe một người
ca cẩm “Đen như mõm chó” thì nếu có thể hãy nói vài lời an ủi
anh ta mà đừng tưng tửng bóp trán xem mõm con chó nó màu gì! Có thể hồi này tổ
trác sao đó mà anh thua bạc hoài, không thể "Giấu như mèo giấu
cứt" với vợ được nữa nên mới than thở như vậy. Hoặc nghe ai
trần tình lý do phải hành động chống lại một người mà lẽ ra phải trân trọng
(vợ/ chồng?) thì dù mình là ai cũng nên chêm vào một câu cho có sự đồng
tình hoặc an ủi “Chó cùng cắn đứt giậu" hoặc “Con giun xéo
mãi cũng oằn”. Nói đi, mạnh
miệng nói đi, đừng sợ người kia chửi là mình bảo họ là…chó hay giun! Nói tục
thành nói…hợp pháp, tiếng Việt cho cái quyền đó mà! Nói tục trong bối cảnh
một cụm từ như thế này làm cho câu ngắn gọn mà mình lại tỏ ra là…thông thái, có
quan điểm quần chúng vững vàng!
Hình
như sau nói tục bằng cách…dựa vào con chó thì việc dựa vào con ngựa là khá ấn
tượng. Có thể khen một ai đó rằng ông ấy mặc rất trang nhã với chiếc áo
chemise, cái cà vạt “màu cứt
ngựa” cho mọi người thấy sự
sang trọng của ông ta. Người nghe khoái chí vì được khen ăn mặc thời trang
chẳng còn chú ý gì đến chất thải của con ngựa, vả ta chỉ nói cái màu của chất
thải kia thôi ! Con ngựa không chỉ cho mượn màu phân của nó, nó còn nhắc nhở
sức mạnh của nó qua những cú đá hậu ai trúng dễ chết lắm. Cho nên, thấy ai có ý
đụng với người quyền thế, người ta hay khuyên “Không
nên mó dái ngựa” là vì sao
thì ai cũng biết, không cần nói ra làm gì.
Giờ thì nghe mấy ông thầy bảo học trò
gạch chân (souligner) câu chữ nào đó nhưng thời trước thầy sẽ bảo trò gạch đít một cách bình thường ngay trong lớp.
Có một người ghé tiệm tạp hóa hỏi thăm nhà bạn, được bà chủ tiệm vui vẻ chỉ cho “Đi lối này, “thẩy” dzới tôi đâu
đít nhau mà”. Úy trời, thực mà quá không thực, là
chỉ đâu hậu cái nhà của nhau, còn cái không thực thì của ai nấy giữ...chứ
có "đâu" được một lần nào đâu!
Mượn vật tục để diễn tả cái bình thường phải chăng vì
tính hồn nhiên của người bình dân và cũng vì vật tục gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ
và ...ai cũng có, nó lại nhiều tính gợi hình, gợi cảm hiệu quả
khá rõ trong sự truyền tải thông điệp bằng ngôn từ? Không hiểu nhiều
về ngoại ngữ nên có lần tôi hỏi một cô bạn gốc Việt dạy học ở Úc về “quyền nói
tục” trong tiếng bên ấy. Cũng là người còn nhớ được cái phong phú của tiếng mẹ
đẻ dù xa nước trên 30 năm, cô bạn đáp “Botay.com.vn
!”
4 comments:
Rất vui mà cũng rất bổ ích. Cám ơn tác giả.
Sưu tầm rất công phu không bỏ sót những câu nói tục được hợp thức hoá nào cả,nhứt là chữ gạch đít trong thời học sinh của chúng ta thường nghe.
Nhưng anh nghỉ sao về những tiếng chửi thề trong dân gian?Chửi thề là ăn nói tục tằng nghe qua thì chói tai,nhưng nghe hoài mỗi ngày đành phải chấp nhận thôi.Do đó khi gặp nhau,trong những buổi vui chơi,những buổi trà dư tữu hậu luôn luôn có những tiếng chửi thề không khí mới nhộn lên.
Tiếng chửi thề được hợp thức hoá trước nhứt là tiếng ĐM.
Có một câu chuyện được truyền tụng trong quân đội ;
Đại tướng Lê Văn Tỵ,Tổng Tham Mưu trưởng quân đội VN đầu tiên, luôn luôn dùng tiếng ĐM ở đầu câu.Một hôm vào yết kiến Vua Bảo Đại,Đại Tướng nói như sau:
ĐM ,Hoàng Đế Vạn Vạn Tuế.
Vua Bảo Đại chỉ cười khì thôi.
Hoàng Đế đã chấp nhận,thần dân tiếp tục chửi thoải mái.
BLG
Thưa bạn, ngôn ngữ trong đó có cả nói tục như trong bai này tồn tại trong xã hội và trở thành thành ngữ, chúng khác với "chửi thề" vốn vẫn bị coi là của một số ít người bất chấp lịch sự, văn hóa. Một người đàn ông có thể dùng tiếng tục như trong bài này với phụ nữ nhưng khi anh ta chửi thề thì bạn BLG biết hậu quả rồi. Cám ơn bạn đã góp ý, rất cám ơn.
Chào Tác Giả !
Ông BLG tuy là nhà giáo nhưng cũng là lính tác chiến lâu năm. Lính tác chiến mà không biết chửi thề thì đánh giặc không hăng. Kinh nghiệm xương mắu của tui cho biết như vậy. Nhưng trước mặt phụ nữ thì họ rất ga lăng. Tui thông cảm cho ông Đại Tướng quen miệng và tui cũng rất khâm phục Ngài Bảo Đại.
MVN
Post a Comment