Saturday, March 8, 2014

TÌNH CÔ BÁN VÀM

_____________

MẶC NHÂN

viết cho những người tôi quí trọng

Mời nghe nhạc qua link  sau đây nhạc phẩm viết theo điệu dân ca cùng tên "Tình Cô Bán Vàm" do Mặc Nhân soạn, Thanh Hoa trình bày,
Thầy tôi, quê tận Châu Đốc, ra trường Sư phạm Sài Gòn vào năm 1939, được bổ về dạy tại trường Nam Tiểu học Mỹ Tho, lúc bấy giờ gọi là Groupe Scolaire de Mỹ Tho. Ngày Thầy nhậm chức, Thầy đi tàu từ Châu Đốc đến Mỹ Tho. Đến Mỹ Tho, tàu đậu tại cầu tàu mang tên là Cầu Tàu Lục Tỉnh vì nơi đây là bến trung chuyển khách lữ hành từ Sài Gòn đến Mỹ Tho bằng xe lửa, để rồi về lục tỉnh tức các tỉnh miền tây bây giờ, bằng tàu.
Ga xe lửa chiếm thửa đất công viên Lạc Hồng ngày nay, còn bến tàu, có hai bến tàu, một ở tại dốc Cầu Quay và một ngoài vàm sông Bảo Định đổ ra sông Củu Long, gần tượng Thủ Khoa Huân bây giờ. Bến tàu hoạt động 24/24, bao giờ cũng tấp nập, huyên náo. Ngày thì nhộn nhịp, ồn ào, đêm về lại là một cảnh sinh hoạt mang tính sông nước thơ mộng. Ánh trăng bàng bạc, mặt nước sông Cửu Long bao phủ bởi một lớp khói sương mông lung, hòa quyện vói từng đợt khói tàu huyền hoặc, những bóng đèn xanh đỏ trên các con thuyền lui tới, tạo nên một cảnh sinh họat về đêm mờ ảo.
Mặt nưóc sông nhấp nhô gợn sóng, từng đoàn ghe thuyền thương hồ chở hàng hóa gạo lúa, chuối dừa, khoai đậu… chen chúc, chiếc vào kinh, chiếc ra vàm, chiếc tìm chỗ đậu. Lù lù những chiếc tàu sà lúp đang cặp bến hoặc đang kéo còi inh ỏi để tìm đường ra sông. Trong cảnh bon chen sông nước đó, luồng lách nhanh nhẹn những chiéc xuồng ba lá mong manh và những chiếc tam bản chèo lái dọt sau nầy mới có chèo đôi của những cô bán vàm. Trong khung cảnh nhộn nhịp, xuôi ngược nhưng nhịp nhàng, văng vẳng, lảnh lót, bổng trầm tiếng hò của những cô gái bán vàm, từ những chiếc xuồng con, những chiếc tam bản, trên đó là những nồi chè, trã bánh lọt, mâm bánh da lợn, bánh qui, bánh ít, bánh tét, nồi cháo cá, cháo gà… để bán cho khách lữ hành và kẻ thương hồ xuôi ngược, trên dòng sông huyết mạch của đất Nam kỳ Lục Tỉnh.
Trên những con thuyền, những chiếc xuồng duyên dáng mấp mô đó, từ bếp lò than đỏ rực của nồi chè, soong cháo hắt ra những tia sáng đủ để nhận ra những gương mặt khả ái, tròn trịa của các cô gái bán vàm, trắng màu hoa bưởi, má núng đồng tiền, vành môi đầy đặn, đôi mắt đen huyền sâu thẩm, để lộ bờ vai trần thế vì chiếc khăn rằn che không đủ kín. Đấy một vẻ đẹp, một vẻ đẹp mộc mạc, thùy mị, tinh khôi, hiền thục chỉ có được nơi những cô gái bán vàm ỏ vùng sông nước Củu Long, ở vàm sông Bảo Định, ở vàm Kỳ Hôn, ở Bến Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho ngày xưa.
Thầy tôi, trên đường nhậm chức từ Châu Đốc đã đến Cầu Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho bằng tàu sà lúp của công ty Nguyễn Văn Kiệu, còn gọi là Tàu Ông Kiệu, đúng 10 giờ đêm. Tay ôm cặp da, tay cầm nón nỉ. Thầy lần mò bước từng bước một xuống tàu, để đặt bước chân đầu tiên lên đầu đường mé sông Galliéni tức là đường Trưng Trắc bây giờ. Bỗng có tiếng:
- Thầy Hai ơi! Ăn giùm em một chén chè bột bán-đậu-xanh-nước dừa-đường-cát nóng hổi đi Thầy Hai.
Thầy tôi nhìn quanh để tìm kiếm, vì tiếng mời gọi thanh thao giữa đêm khuya. Thì lại được nghe thêm ba tiếng sao mà mát lòng mát dạ, từ dưới chiếc xuồng đang cặp bên bờ bực thạch ven sông:
- Em đây nè!
Thầy tôi không cưỡng được bụng đang đói, càng không cưỡng được khi nhìn thấy cô gái bán vàm, ngước đôi mắt long lanh nhìn mình và nở nụ cười, như một đóa hồng đang độ mãn khai, nửa như van lơn, nửa như kích động. Ôi! cái duyên dáng của cô gái bán vàm Cầu Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho đã cướp mất hồn vía của Thầy tôi, ngay khi Thầy vừa đặt bước chân lên mảnh đất gạo trắng nước trong, trai lành gái thảo nầy. Thầy được cô gái bán vàm nắm tay dìu xuống chiếc xuồng định mệnh. Thầy tôi gọi một chén chè thưng-đậu-xanh-bột-bán-nước-dừa-đường-cát.

Chưa chi Thầy tôi đã đánh mất tư cách nhà mô phạm rồi, hay vì vẻ đẹp của cô bán chè thưng, mà khi đưa tay nhận chén chè, Thầy đã cố ý nắm tay cô thay vì đón chén chè, mà sao cô cũng không nỡ giựt tay lại. Rồi chén thứ hai, chén thứ ba… chè ngọt lịm như lời nói của cô bán chè ngọt lịm. Chiếc xuồng không ai giữ lái nên tự nó tách bến ra xa, ra xa, xa lắm… trên trời có trăng thanh, dưới nước khói sông mờ aỏ… Cầu Tàu Lục Tỉnh cũng xóa mờ trong tầm mắt của hai người. Nhưng nếu có ai đó trên bờ sông Bảo Định, cố lắng tai, sẽ nghe giọng nữ cất tiếng hò:
-Hò ơ….Đèn Mỹ Tho ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Châu Đốc ngọn tỏ ngọn lu. Anh về học lấy chữ nhu. Chín năm em cũng đợi, hò ơ… chín năm em cũng đợi…. mười thu em cũng chờ.
Và có giọng nam, có lẽ là của Thầy tôi, hò đáp lại:
-Hò ơ… Đèn Châu Đốc không khơi mà tỏ, Đèn Mỹ Tho gió thổi không mờ. Anh về trải chiếu bàn thờ. Rước em về lạy… hò ơ… rước em về lạy… Ông Bà để anh cưới em.
Từ cái buổi ban đầu gặp gỡ đó, sau nầy, cô bán vàm có cho tôi xem trong một bức thư Thầy tôi gởi cho cô, có một vế thơ: Một phút giao duyên tình đã bén, để xin cô viết tiếp vế sau. Thế là cô viết trả lời cho Thầy tôi: Trăm năm duyên nợ có thành chăng? Một mối tình thơ, đẹp biết bao nhiêu!
Ngày tháng qua, những cuộc gặp gỡ của Thầy tôi và cô bán vàm thường là có mặt tôi. Thầy tôi cầm giầm bơi xuồng để cô rảnh tay bán chè từ thuyền nầy qua thuyền khác, hoặc cặp vào hông tàu để bán cho khách đi tàu. Thỉnh thoảng cô hò đối đáp với khách lữ hành trên thủy lộ, cũng như với các bạn bán vàm với nhau. Vàm sông Bảo Định, nơi Cầu Tàu Lục Tỉnh về đêm, nhấp nhánh ánh đèn trên sông nước, chao qua lượn lạ,i như một họat cảnh vũ khúc thủy dạ, lồng trong những câu hò tình tứ trữ tình, đối đáp giữa trai gái, quả là một quang cảnh đầy thơ mộng, xứng danh là mảnh đất phồn hoa đệ nhất của Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Nhờ có Thầy tôi bơi xuồng, nhờ có tôi bón than, rửa chén, cô bán vàm rảnh rang ứng khẩu hò đối đáp một cách tài tình, ý nhị làm vừa lòng mọi người, nên chè của cô bán chạy nhứt trong đám bán vàm. Tuy nhiên, số bạn bán vàm nam cũng như nữ, không một ai ganh tị về việc cạnh tranh buôn bán, lại còn tán thưởng mối lương duyên của Thầy tôi và cô bán vàm.
Nhìn chúng tôi, ba người chen chúc nhau trên một chiếc xuồng con mong manh, một thầy giáo vụng về bơi xuồng, một cậu học trò loay hoay rửa chén, một cô gái xinh đẹp vui tươi múc chè không ngớt tay, những người bạn trong nghề, cũng như khách thương hồ, mọi người đều vui lây cái vui của thầy trò tôi.
Có một lần, giữa cảnh trời trăng mây nước về khuya vắng khách, một giọng nam, áng chừng của một bạn bán vàm, đã cất tiếng hò chọc ghẹo Thầy tôi cùng cô bán vàm:
-Hò ơ…! Gió đưa trăng rồi trăng đưa gió. Trăng lặn rồi gió biết đưa ai. Em ơi… chớ lấy thầy Hai. Hò ơ!... Ví như con ong hút nhụy…. hò ơ… hút nhụy rồi .....nó lại bay xa.
Thường là sau khi có câu hò đối ám chỉ đến ai, thì đối tượng có bổn phận phải hò đáp, dầu là câu ra đối có khó bao nhiêu, có hàm chứa một ẩn ý đùa nghịch, chọc ghẹo nặng đến đâu và càng gay cấn chừng nào, thì cuộc chơi càng sôi động chừng nấy. Luật hò trên sông nước khắp miền Nam Kỳ Lục Tỉnh là như vậy. Nơi nào có bến ghe bến tàu, như Cầu Tàu Lục Tỉnh ở Mỹ Tho, nơi nào có giáp nước ghe thuyền đậu chờ con nước, như Ba Cụm thuộc sông Bình Điền, nơi nào có giao lộ thủy trình sầm uất, như Ô Môn Bình Thủy, ở Cần Thơ… đều có cảnh hò đối đáp như vậy.
Cô bán vàm, người yêu của Thầy tôi, vốn là một tay hò cự phách, có tài ứng khẩu đối đáp trong bất cứ cuộc đọ sức nào, trong giới thương hồ, có dịp trẩy thuyền ngang đây. Thế mà, sau câu hò ra đề không có gì khúc mắc, chúng tôi, Thầy tôi và tôi, trông chờ cô hò đáp nhưng không thấy. Trái lại, cô buồn buồn nhìn Thầy tôi, im lặng rồi đưa tay xuống xuồng khẽ khuấy nước vu vơ.
 Một tiếng thở dài đủ cho Thầy tôi nghe, và cũng đủ cho Thầy tôi, cảm nhận lý do sự câm lặng của cô bán vàm. Kịp nhìn hai dòng nước mắt lăn dài trên má cô, Thầy tôi đến bên cô lấy khăn lau hai ngấn lệ, dấu hiệu đau khổ đầu đời, của bất cứ một chuyện tình nào trên cõi đời nầy, mà tiêu biểu hơn hết là nơi đây, tại Cầu Tàu Lục Tỉnh nầy. Nơi có những cô bán vàm mộc mạc, đẹp cái đẹp của hoa bông bụp, hoa vành vành, cùng các trai tráng thương hồ gạo chợ nước sông, trôi nổi qua những câu hò trữ tình để có những mối tình sông nước, đẹp thì quả là đẹp lắm rồi, mà cũng dễ trôi và tan theo sóng nước trường giang. Để an ủi cô, Thầy tôi cất tiếng hò đáp thế cô:
-Hò ơ… Nước trong con cá lội. Mây cao con nhạn bay. Thương nhau rồi như trời cao biển rộng. Hò ơ…Thương nhau rồi…Chớ nào phải như con ong kia, con bướm nọ… mà nói rằng xa nhau.
Sau khi nghe thầy tôi hò đáp, cô nhìn Thầy tôi, mắt còn ướt lệ, nhoẻn miệng cười, hỏi gạn lại Thầy tôi: Thiệt vậy nghen Thầy. Chỉ thế thôi, đã đủ cho người con gái bán vàm ở Cầu Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho ấm lại con tim, với một tình yêu chất phác, một lòng đôn hậu, chỉ biết ban phát cho đời, như chất đất phù sa âm thầm bồi đấp nơi chín cửa Cửu Long.
Đó là Thầy tôi, Thầy Lê Văn Quá đã dạy tôi lớp D1 tức là lớp Nhì năm thứ nhứt D, vào năm học 1939-1940. Tình yêu của Thầy tôi và cô gái bán vàm thật vô cùng khắng khít, mặn nồng. Cứ vài hôm, là tôi được theo Thầy đi thăm người yêu. Trên xuồng con, sau khi được ăn chè no nê, tôi nằm lăn ra ngủ, để Thầy tôi cùng cô bán vàm tâm sự. Có những lúc, Thầy không đến gặp cô được, tôi có phận sự cầm những bức thơ tình màu hồng có tẩm dầu thơm, chuyển đến người yêu. Mỗi lần như vậy, tôi được trả công bằng một chén chè nóng hổi và nhét vào túi một đồng xu. Sáng lại vào lớp, được Thầy gọi trả bài, bài không thuộc lắm, nhưng hơn ai hết, Thầy là người biết rõ lý do mà tôi không học bài nên vẫn được điểm 8.
Đấy! Ai bảo đi học là khổ. Riêng tôi, đi học sướng lắm chớ! Hạnh phúc đã đến với Thầy tôi và Cô tôi. Tôi đã bắt đầu gọi cô bán vàm bằng Cô rồi. Thú thật tôi cũng mong ước cho tình yêu hai người sớm thành sự thật, vì tôi nghĩ, trong hạnh phúc nầy cũng có hạnh phúc của tôi.
Ngày 15 tháng 7 năm 1940, ngày nghỉ hè của năm học. Thầy tôi lại phải về Châu Đốc với gia đình. Vẫn là tôi đưa Thầy ra bến Tàu Lục Tỉnh. Tàu từ Sài Gòn vào kinh Chợ Gạo, ra vàm Kỳ Hôn ghé Cầu Củi - cảng cá bây giờ - lấy củi để đốt lò, vì tàu vận hành bằng hơi nước, rồi cặp bến đúng 8 giờ tối. Chuyển hàng hoá, lấy hành khách xong, tàu sẽ tách bến đúng 10 giờ đêm. Thầy tôi và tôi tay xách, nách mang dùng xe kéo đến bến đúng 8 giờ, có nghĩa là chúng tôi đến nơi thì tàu đã cặp cầu. Chúng tôi đưa mắt để tìm, không phải chiếc tàu mà là chiếc xuồng, chiếc xuồng mà trên đó có một cô gái bán chè thưng-bột-bán-đậu- xanh-nước-dừa-đường-cát, một người con gái của đất Kỳ Hôn. Chiếc xuồng mong đợi đã cấm sào đợi khách tự bao giờ. Chúng tôi dìu nhau bước xuống xuồng.
Trời ơi! Lần gặp gỡ nầy sao mà buồn vậy. Hai người không nói gì với nhau. Tôi cũng buồn lây, nhìn vơ vẩn lên ống khói tàu từng hồi, phun ra những đợt khói đen vần vũ, rồi lại nghe từng hồi còi tàu giục giã phút chia ly. Chiếc xuồng bỏ bến ra xa, muốn tách ra khỏi đám đông để được một mình một cảnh của riêng nhau. Bỗng đâu đây, một giọng hò của ai đó lúc bổng lúc trầm, sâu lắng, quyến luyến, tiếc thương:
-Hò ơ… Tàu súp lê một còn thương còn nhớ, Tàu súp lê hai còn đợi còn chờ, Tàu súp lê ba tàu ra khỏi bến. Anh ơi! Xa nhau lần nầy… biết đến bao giờ…. Hò ơ!... Biết đến bao giờ… hai đứa mình mới được gặp nhau.
Câu hò nầy của ai, vô tình hay cố ý, mà sao cứ lặp đi lặp lại mãi. Nồi chè còn nguyên, không bán cho ai, củi lửa lạnh tanh. Cô tôi ngồi nhìn về chiếc tàu đang đợi khách, không nói gì, sụt sùi khóc. Chợt nhìn thấy tôi ngồi ủ rũ, cô múc một chén chè trao cho tôi, tôi lắc đầu, cô thở ra, đổ chén chè trở vào nồi… rồi khóc.
Tiếng còi tàu lại vang lên như hối thúc kẻ ra đi, khiến cho tôi, một người vô can, giờ đây nhớ lại cũng chạnh lòng. Giá mà thời bấy giờ đã có được bản nhạc Biệt ly của Dzoãn Mẫn, thì tôi cũng đã tức cảnh sanh tình mà cất tiếng ca:
-Biệt ly, sống trên giòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng. Người ra đi với ngàn nhớ thương…
Tàu súp lê hai… có nghĩa là Thầy tôi phải lên tàu. Chiếc xuồng giờ đây do tôi điều khiển, cặp vào hông tàu. Thầy tôi nắm lấy tay cô tôi từ giã, dùng dằng không nỡ buông ra. Tiếng còi tàu lại thúc giục. Thầy đành phải bỏ tay, níu lấy thành tàu để chuyền lên. Xuồng lắc lư, Thầy cố mấy lần mà không lên được tàu. Cô tôi vẫn úp mặt vào lòng bàn tay, không nhìn đến Thầy tôi, mà cũng không nghĩ đến việc giúp cho Thầy tôi lên tàu. Thầy tôi lên được boong tàu không dễ dàng, nhìn xuống cô tôi, trông cô tôi nhìn lên để nói lời tạm biệt, mà cô vẫn úp mặt vào tay. Tôi phải nhắc cô:
- Cô ơi, Thầy chờ cô để chào cô kìa.
Thay vì cô nhìn lên Thầy, cô vẫn ôm mặt, lắc đầu và tôi chỉ nghe tiếng khóc thổn thức của cô, lớn đến nỗi làm án mất tiếng sóng vỗ mạn xuồng. Lại đâu đó có tiếng hò:
-Tàu súp lê ba, tàu ra biển Bắc. Xa nhau rồi nước mắt như mưa….
Mười giờ, tàu súp lê ba, nghĩa là giờ chia tay đã đến. Tàu không ra biển Bắc mà ngược về miền Tây diệu vợi. Cảnh biệt ly nào cũng vậy, vẫn nước mắt như mưa. Tàu tách bến, máy nổ, chân vịt tàu quậy nước, bọt trắng xoá. Từng đụn khói đen phủ lên nền trời đêm. Trên boong tàu, vẫn còn một bóng người đứng đó.
Tàu từ từ ra khỏi vàm sông Bảo Định, hướng mũi về miền Tây Châu Đốc, bỏ lại đàng sau hàng mấy chục chiếc xuồng bán vàm… bơ vơ mất khách, đang dõi mắt trông theo, ngầm hẹn ngày tái ngộ. Trong đó có Cô tôi. Nhưng trong Cô tôi, ngày tái ngộ với con tàu Lục Tỉnh nầy, không đơn thuần là chỉ để bán chè thưng-bột-bán-đậu-xanh-nước-dừa-đường-cát, mà nó, chiếc tàu nầy, có mang trả về cho Cô tôi người lữ khách, mà trước đây một năm, nó đã mang đến cho Cô tôi hay không?
Hai tháng bãi trường sắp qua. Một hôm tôi đang loay hoay chuẩn bị tập vỡ viết thước cho ngày tựu trường năm học mới, thì Cô tôi đến nhà tìm tôi. Tôi không ngạc nhiên về sự thăm viếng bất thường nầy và tôi cũng hiểu rõ lý do của nó, vì chính trong tôi mấy ngày nay một câu hỏi đã không ngừng ám ảnh tôi. Đó là: Năm nay Thầy có về trường mình nữa không? Cô đến bên tôi, nôn nóng hỏi:
- Em có tin gì về Thầy không?
Tôi không dám mở miệng mà chỉ lắc đầu. Cô tuyệt vọng nhìn ra sân, trưa nắng im ẳng, vắng không. Lâu lắm, Cô nói với tôi như một lời tâm sự:
- Cách nay mấy ngày, ngày nào có chuyến tàu Châu Đốc về, cô đều cặp xuồng bên bến đón Thầy… mà không có!
Cụm từ “mà không có”, Cô nói nhỏ lắm mà sao tôi nghe nó vang dội trong tim tôi. Như để an ủi, Cô nói với tôi mà dường như để nói với chính mình:
- Còn một chuyến tàu Châu Đốc nữa, để cô đón Thầy… thử coi!
Trời ơi! Một cuộc hẹn trăm năm mà… cô bảo là thử coi. Sao mà đau lòng lắm vậy!
Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới. Tôi trở lại trường và được lên lớp Nhì năm thứ hai. Việc làm đầu tiên của tôi là khi vào trường, lập tức chạy xuống lớp cũ để tìm Thầy tôi. Lớp cũ đã có Thầy mới về dạy. Tôi lại chạy tìm khắp các lớp… nhưng Thầy Quá của tôi, năm học nầy không về dạy trường nầy nữa!
Mười một giờ, tan học, tôi ôm cặp ra về, mà vẫn còn miên man nhớ đến Thầy tôi. Vừa lúc ra cổng, bỗng có tiếng gọi tên tôi. Tôi nhìn lên thì ra là Cô tôi, cô gái Kỳ Hôn, cô bán vàm, cô bán chè thưng-đậu-xanh-bột-bán-nước-dừa-đường-cát, tại Bến Tàu Lục Tỉnh, Mỹ Tho.
Nỗi nhớ Thầy còn đó, kịp nhìn vẻ mặt lo âu, thẫn thờ của Cô, con tim tôi nhói lên. Cô vội nắm tay tôi, hỏi:
- Thầy có về dạy trường mình không?
Tôi không dám nhìn Cô, nhìn xuống mặt đường, thưa là:
- Em tìm Thầy… mà không thấy.
Tay Cô lạnh ngắt, buông tôi ra, không nói một lời gì, loạng choạng bước đi trên con đường Bourdais tháng chín mưa bay. Lá me đổ vàng trên mặt lộ bốc khói sau cơn mưa rào. Tôi cũng đủ lớn để khi nhìn theo dáng dấp Cô và biết rằng thời gian gặp gỡ của hai người đã để lại trong Cô kết quả của tình yêu. Trời Mỹ Tho sắp sang thu, cũng là thời điểm nầy mà Thầy tôi gặp Cô tôi, khiến tôi bồi hồi nhớ câu hò của cô bán vàm trên sông Cửu Long nơi Cầu Tàu Lục Tỉnh,: Anh về học lấy chữ nhu, Chín năm em cũng đợi, mười thu em cũng chờ. Tôi nhìn theo bóng dáng Cô gãy gặp, nhạt nhòa trong lớp bụi mưa mờ đục và chợt thốt ra:
-Cô ơi! Mười thu có dài lắm không?!
Từ đó, nơi vàm sông Bảo Định, đêm đêm những người thương hồ sông nước vẫn còn nghe tiếng hò của các cô gái bán vàm, nhưng không còn ai thấy bóng dáng Cô tôi trên chiếc xuồng con, cũng như không còn nghe tiếng tiếng hò của Cô tôi nữa./-



1 comment:

Anonymous said...

Buồn năm phút,mối tình nào của Mặc Nhân viết đều có một kết cuộc buồn man mác.Gây nên nổi buồn của cuộc tình trong truyện nầy là những câu hò trên sông nước.
Những câu hò đối đáp ,đôi lúc tình tứ,đôi lúc ganh đua hơn thiệt đã trở thành ông mai bà nguyệt của trai làng và thon nữ..Một điệu hò trên sông nước nữa là hò kéo mạ,mạ từng bó ,từng bó cột chùm lại rồi dùng xuồng kéo suốt đêm để cấy vào ruông khác sáng hôm sau.Cũng như cô bán dàm ,vừa bơi xuồng họ vừa hò đối đáp với nhau,tiếng hò lanh lảnh cao vút như giọng Soprano của các cô thôn nữ làm cho những người ở hai bên bờ sông phải tỉnh giấc.Giọng hò nầy sau khi rời khỏi quê tôi không còn được thưởng thức một lần nào nũa,tôi nghĩ có lẽ đã mai một.
BLG.