Một bài viết tình cờ đọc trên google, đem về TH đây...
Thân ái tặng Đông Phong
TH
· HÀ VĂN THỊNH
KHÔNG biết tự bao giờ, ngọn gió xuân ấm nồng những đợi chờ, khao
khát bao điều mời gọi lại được gọi là Đông phong? Có lẽ do ngọn gió
đông đến từ phía mặt trời - hiện thân tỏ bày của ánh sáng và ấm áp, của cái chất
trắng khôi nguyên không hề vương bụi đục của sắc màu? Cũng có thể phương Đông
là nơi của sự bắt đầu, của sinh sôi, tỏa mới sau cái đêm dài lận đận của mọi kiếp
đời, nên mỏi thức đợi rồi, ai chẳng ước mong...?
Trong cái cách nghĩ diệu vợi nhiều hư ảo về hai chữ Đông
phong, Lý Thương Ẩn (813-858) cho rằng gió đông đẹp và đáng yêu lắm, nhẹ
nhàng lắm, tuy nhiên mọi loài hoa đều phải úa tàn (Đông phong vô lực bách
hoa tàn). Cái triết lý ấy buộc ta phải nhớ đến cái thoảng qua,
phút chốc của gió xuân. Đọc chưa hết câu thơ trên, ta bất chợt rùng mình bởi một
nỗi sợ hãi vô lượng đến khó tin: Đông phong nhẹ mềm đến thế còn làm tan héo mọi
loài hoa, thời gian - còn vô ảnh, vô trọng, vô hình hơn nữa, vậy mà rồi ra ai
cũng buộc phải có một cõi đi về nơi chốn của định mệnh lẽ tử tận
sinh tồn! Lý Bạch (701-762) thì xa xôi hơn, ẩn ức và da diết hơn khi ông viết
thay cho nỗi lòng của một người vợ, mong ngóng chồng về như hoài mỏi xuân ý,
xuân tứ, xuân tình: Đông phong bất tương thức/ Hà sự nhập la vi. Gió
xuân ơi hỡi gió xuân, ta với ngươi chẳng hề quen biết, cớ sao ngươi thổi vào (lẻn
vào) trong bức màn cô chiếc của ta để mở, gọi những đợi chờ, thúc nén trong ta?
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là một trong những nhà thơ Việt viết nhiều nhất
về mùa Xuân - Gió Đông, lại có cách nghĩ mà nếu không hiểu ít nhiều về Phật
Hoàng thì ta sẽ lạc lối nghĩ suy: Hoàng ly bất ngữ oán đông phong -
Ngay cả chim Hoàng Oanh dịu dàng đến thế cũng phải bặt im tiếng hót mà hờn giận
gió xuân. Có một chút nào đó trong cái vô tâm thức của Phật Hoàng giống, gần với
Nguyễn Du (1765-1820): Vì ai ngăn đón gió đông/ Thiệt lòng khi ở đau
lòng khi đi. Theo Nguyễn Hùng Vĩ, bản dịch Pháp ngữ của Kiều, cụm từ
"ngăn đón gió đông" là ngăn cản con đường tìm đến với hạnh phúc
(barré chemin du bonhneur). Đọc đến đây ta tạm phải "thấy" rằng Nguyễn
Công Trứ (1778-1858) đã lại đúng khi ông Ngất ngưởng cho
rằng trong ngọn gió xuân của muôn đời có đủ cả buồn vui, đúng sai: Khen
chê phơi phới ngọn đông phong...
Những cái có thể luôn làm ta khó dễ với chính
mình bởi những nghĩ suy bất chợt trong dâu bể sóng dồn. Với người Việt, hầu như
tất cả gió đông, phía đông, rạng đông... là nơi chốn thẳm sâu tự vô thức của
muôn đời, duy nhất, đau đáu, thiết tha trong hai chữ thiêng liêng được chắt lọc
từ máu thịt: Biển Đông. Không phải ngẫu nhiên mà trong truyền thuyết
xưa nhất của người Việt, Mẹ Âu Cơ bắt đầu mở nước bằng lên
rừng, xuống biển. Hàng ngàn năm, chuyện của Biển và Rừng vẫn còn đó, vẹn
mới, y nguyên: Lịch sử nhắc hoài câu chuyện Mẹ Âu Cơ/ Sao ta phải lên rừng,
xuống biển? Kẻ cướp trên núi cao, dưới sóng ngầm hung hiểm/ Bao năm thâm độc
rình mò...
Sẽ không quá khi nói rằng mỗi sự tăng giảm nhiệt độ từ gió
đông - Biển Đông thổi tới, từng ngày, đều tác động ngay đến nhịp tim, cảm xúc của
từng tâm hồn Việt. “Ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... trúng lớn vụ đánh
bắt hải sản”, đọc dòng tin mà không ai là không trầm lắng mỉm cười. “Ngư dân gặp
nạn” lại là điều diễn ra thường xuyên, liên tục trên báo chí, đọc tin bằng sự
xót xa. Hàng trăm tỷ thùng dầu - khí ở Biển Đông, vùng biển có ý nghĩa chiến lược,
Biển Đông đang nóng lên..., những tin tức ấy có đủ cả vui buồn, tự tín, âu lo.
Định mệnh nghiệt ngã từ Biển Đông là nỗi khắc khoải muôn đời: Định
mệnh dạy ta rằng đảo, sóng Biển Đông/ Là máu thịt của giang sơn Tổ quốc/ Là một
nửa của hồn thiêng Đất - Nước/ Chẳng thể đem cho, đem bán vật vờ.Những nhân
nhượng để trời yên, biển lặng là điều không ai không muốn. Nhưng một khi chủ
quyền của đất nước bị xúc phạm, cõi bờ rừng biển bị đe dọa thì không cho phép bất
kỳ ai mềm lưng, lựa gối. Nguyên tắc đó giống như mảnh đất hình chữ S - với biết
bao niềm vui và đau đớn song hành. Ai ngăn đón Gió Đông - Câu hỏi ấy Tố Như đặt ra như một lời
tiên tri cho cả 90 triệu người dân Việt. Đó là thách thức lớn vô cùng nhưng
cũng là cơ hội để chúng ta vững vàng hơn, quyết tâm hơn và mạnh mẽ hơn!
Mùa Xuân. Những ngọn Đông phong từ Biển Đông
đang thổi tới lồng lộng với rực rỡ sắc màu. Từ Vạn lý Trường Sa đến Bãi Cát
Vàng lộng lẫy Hoàng Sa, dáng hình đất nước như đang hóa chuyển, hạnh sinh cùng
sóng biển, mùa xuân. Những người lính trên Nhà Giàn, những chiến sĩ Hải quân
Nhân dân Việt Nam anh dũng trên các đảo xa, trên những con tàu không ngủ, đều
hiểu rất rõ rằng các anh không chỉ đang gìn giữ biển - trời thiêng liêng của Tổ
quốc Việt Nam dấu yêu mà còn là đang bảo vệ cho muôn đời sau những ngọn Đông
phong - Gió Xuân - Mùa Xuân yên lành, ấm áp và hạnh phúc cho tất
cả mọi nhà.
Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870), con trai thứ 10 của vua
Minh Mạng, được vua Tự Đức ca ngợi là thơ của ông có thể đánh bạt cả thơ Đường,
khi bàn về mùa xuân, gió xuân, có viết: Đông phong tạc dạ xuy hà xứ -
Đêm qua gió xuân thổi rộn ràng nơi nào thế? 141 năm kể từ khi Tùng Thiện Vương
mất đi, hoàn toàn tự tin để trả lời ông rằng đêm qua, đêm nay và cả nhiều đêm nữa, Đông
Phong vẫn mãi là làn gió ấm áp nhất của mùa xuân Việt Nam, bởi nó được
thổi từ Biển Đông - Biển Trời thiêng liêng của Đất Việt yêu thương!...
1 comment:
Trích từ"gió là phong" của thầy Đỗ Đức Chiêu, cựu học sinh PTG, cựu giáo sư Trung Học Tân Hưng Cái Răng Cần Thơ
PHONG là gió, GIÓ là phong, Gió thổi suốt ngày , từ sáng tới tối, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng nọ, từ năm nọ tới năm kia, nên...
Mùa Xuân thì ta có gió từ hướng Đông thổi đến. Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, nên cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, muôn hồng ngàn tía, ta nhớ lại 2 câu thơ cuối trong bài Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處 của Thôi Hộ 崔護 đời Đường là :
Nhân diện bất tri hà xứ khứ, 人面不知何處去,
Đào hoa y cựu tiếu ĐÔNG PHONG. 桃花依舊笑東風。
mà cụ Nguyễn Du đã mượn ý thoát dịch trong Truyện Kiều rất hay là :
Trước sau nào thấy mặt người,
Hoa đào năm ngoái còn cười GIÓ ĐÔNG.
Gió Đông là Đông Phong, là gió của mùa Xuân từ hướng Đông thổi tới, nên cũng còn được gọi là Xuân Phong.
Rất nhiều người cứ lầm tưởng Đông Phong là gió của mùa Đông, kể cả người Hoa ở Chợ Lớn hồi xưa, nên đã sửa câu thơ của Thôi Hộ thành :
Đào hoa y cựu tiếu XUÂN PHONG.
桃 花 依 舊 笑 春 風。
mà không biết rằng mình đã làm tài khôn sửa bậy thơ của cổ nhân !
Trở lại phong trào Thơ Mới thời Tiền chiến với bài MAI RỤNG của Jean Leiba có các câu :
Yêu chàng em cố chuốc hình dong,
Tô cặp môi son điểm má hồng.
Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
Cảm tình Thanh Đế tạ ĐÔNG PHONG !
Thanh Đế là ông vua của mùa xuân, là Chúa Xuân, còn Đông Phong là Gió Xuân ấm áp thổi đến cho muôn hoa nở rộ !
ĐÔNG PHONG là gió của Mùa XUÂN, còn gió của mùa Đông thì gọi là BẮC PHONG, Bắc Phương Nhâm Quí thuộc Thủy, Thủy ở đây là băng giá của vùng Bắc Cực, là gió từ phương Bắc khô khan lạnh lẽo thổi đến. Gió Bắc được bà con ta gọi trại thành Gió Bấc, nên có những câu Ca Dao trong dân gian Nam Bộ như sau :
Gió Bấc non thổi lòn hang chuột,
Thấy chị hai mầy tao đứt ruột đứt gan !
Post a Comment