Không
biết tự bao giờ làng quê tôi có cái tục lệ gánh nước đón giao thừa, nhà này
gánh, nhà kia gánh, làng trên xóm dưới các chị, các em nói cười ngặt nghẽo quảy
thùng ra giếng gánh nước. Trong làng có vài ba cái giếng nước, đêm giao thừa
trở thành cái địa chỉ cho những cuộc hội hè đông vui, chị em tha hồ cơ man
chuyện tết. Nhà tôi xưa ở gần cái giếng cổ sát bên bìa làng.
Từ thuở tuổi thơ còn lũn cũn chạy theo mẹ
giành phần cầm đèn soi đường cho mẹ gánh nước (bởi không đêm nào tối bằng đêm
ba mươi), tôi đã nghe mẹ bảo, cả thời bà ngoại tôi còn nhỏ cũng đã thấy có tục
gánh nước đón giao thừa rồi. Cho đến khi trưởng thành được đi đây đi đó nhiều
nơi, mới thấy ở nhiều làng quê khác cũng có tục lệ này. Nó như một kỳ hẹn của
mùa gieo vào tâm hồn con người những giấc mơ đẹp. Hễ sắp sửa đến giờ giao thừa
thì nhà nào cũng lo súc rửa mái, lu, chum, vại cho sạch sẽ trước khi ra giếng gánh
nước về đổ cho đầy tràn vào tất cả. Đây là công việc "hệ trọng” không thể
quên, dù nhà nào có bận bịu nấu bánh trái hoặc mổ heo, thịt gà, hay là gì gì nữa,
trước giờ cúng giao thừa cũng phải cắt cử người lo gánh nước. Ý nghĩa của cái tục
lệ này chính là sự cầu phúc cho một năm mới bội thu mùa màng, của cải làm ra
tràn đầy như nước đổ vào nhà. Không hiểu một tập tục như thế có được xem là một
mĩ tục hay không, có điều sức sống bền bỉ của nó xem ra cùng thời với cái giếng
cổ làng tôi, nghĩa là đã những mấy trăm năm rồi! Có khi còn bắt đầu từ đâu cái
thuở người xưa đi mở đất lập làng. Nó cùng với bao nét văn hóa đặc sắc sau lũy
tre làng tồn tại trong vô thức cộng đồng như một tình yêu, một đức tin, theo nhịp
thời gian tết đến xuân về là như bao cuộc hội hè khác, gióng giả cất lên tiếng
gọi!
Đã
từ lâu, chuyện về làng ăn tết với tôi là sự lựa chọn không lấy gì thay thế được.
Suốt bao nhiêu năm xa làng là bấy nhiêu cái tết tôi trở về, ít ra là một đôi
bữa. Quê nhà của tôi không chỉ là cái hình thể địa lý đất đai màu mỡ ven
sông, mà còn là tết, là tình yêu, là ngút ngàn những thanh âm ngày xưa mẹ tôi
đã gieo cấy trên cánh đồng bông vải. Chỉ mỗi tiếng gáo dừa khua lanh canh vào
mái nước là tôi lại gặp mẹ mình dậy sớm vo gạo thổi cơm trước mỗi hừng đông.
Chỉ mỗi tiếng gàu va vào thành giếng khuya là tôi lại thấy em reo vui giữa hội
hè cùng các chị các em gánh nước đón giao thừa. Và còn những gì nữa, con đường
làng thơm lừng hương nếp bánh trái, hay vàng rực ven sông hoa cải hoa dưa,
hay hối hả chuyến đò ngang chiều ba mươi đưa người qua sông kịp về với tết...
Chỉ có cái thế giới huyền nhiệm ấy mới vẽ ra con đường làm nên cuộc hội ngộ với
ngày xưa yêu dấu, mới đủ sức xóa nhòa đi tuổi tác, biến tôi thành thằng oắt
con luyên thuyên nói cười đến cay xè con mắt chưa thôi.
Sinh
ra ở một làng quê đất ba châu tân bồi, khi tuổi tôi bắt đầu ê a trường làng
thì những cánh đồng bông vải huyền thoại "bông trắng như mây” đã dần hồi
lùi vào cổ tích. Vậy mà từng câu chuyện mẹ kể đêm đêm đã tạo dựng lại cho tôi
cái thiên đường tuổi thơ thần thánh, mà nếu thiếu đi không chừng tôi đã bước
vô phương trên những con đường. Vọng thức hay là hoài cổ tôi không rõ, nhưng
đúng là có một cõi, một miền đã giũ sạch mọi niềm ưu tư và ban phát xanh tươi
bát ngát thấu tận tâm hồn. Làng Phường Đông của tôi cũng như bao làng quê tơ
tằm khác ở bên bờ hữu ngạn sông Vu Gia, chỉ khác là làng tôi nằm sát ven sông
chuyên canh cây bông và dệt vải. Đấy là thời của mẹ tôi và nhiều thế hệ trước
đó. Lớp tuổi tôi lớn lên thì những thanh âm như: bắn bông, xe sợi, mắc cửi,
thoi đưa... chỉ còn lưu lại vang hưởng trong những khúc hát ru của mẹ "Thoi
đưa êm ái bàn tay. Một khung cửi nhỏ một cây mai vàng”. Cho dù là vậy,
bao tiếng vang ngân từ cái thiên đường tuổi thơ ấy hễ có dịp là trỗi lên xao
xuyến bồi hồi. Cao trào nhất thường là mỗi lần tết đến. Những chiếc áo mới mẹ
may cho chúng tôi mặc tết là từ những cân sợi vải mẹ miệt mài bắn bông xe sợi,
và thức thâu đêm lên khung cửi dệt. Cố nhiên là những tấm vải ta, vải thô, vải
tám dệt ra là để chạy chợ bán buôn lo toan cơm áo trước hết, nên cái phần chắt
chiu cho con một tấm áo tết nào đâu phải dễ gì. Tuổi thơ tôi cứ hồn nhiên
tung tăng áo mới đâu hiểu mấy nỗi nhọc nhằn đời mẹ. Đâu biết những ngày dài đạp
nước - hồ sợi - xổ chẻ - đánh rời sợi phơi phong cho khô rồi quay lại từng ống.
Đâu biết những đêm vắng lê thê mẹ ngồi suốt trên khung cửi dệt với độc một ngọn
đèn dầu. Thời ấy làm gì có điện đóm tưng bừng ánh sáng như bây giờ. Vậy mà thứ
ánh sáng từ những ngọn đèn dầu vàng úa xa xăm kia mới là thứ ánh sáng của
vĩnh cửu, biết soi vào tận sâu thẳm ngõ ngách tâm hồn, ưu du qua khắp bến bờ
thời gian những tưởng chỉ còn có rêu xanh và quên lãng!
Bây
giờ thì tôi và cái tâm tưởng đa đoan của mình đang chạy theo cuộc hội hè gánh
nước đón giao thừa. Cái giếng cổ, có lẽ giờ đây là Di sản duy nhất còn lại của
làng tôi. Chạm vào từng phiến đá mòn những dấu tay người, lại nghe vang ngân
cái tiếng gàu của mẹ, của em va vào thành giếng khuya xa vắng. Đấy là thứ âm
thanh mà tôi gọi tên là "Tiếng hồi âm của đất”, nó từ thăm thẳm trong
lòng giếng sâu sẵn sàng hồi âm lại tất cả tuổi tên mỗi khi nghe ai đó cất lên
tiếng gọi. Tôi không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần đứng lặng hàng giờ bên giếng
cổ, sau cái trò chơi trẻ con gập mình cho đầu cúi xuống khỏi miệng giếng, rồi
hét to lên muốn vỡ cả giọng "- Ngày xưa ơi”. Lập tức từ đáy giếng thăm
thẳm khuất đầy rêu cỏ, "ngày xửa ngày xưa” trả lời cho tôi hàng chuỗi
thanh âm "ơi... ới” như không hề muốn dứt. Đứng tựa vào thành giếng tôi
lặng im một cách ngẩn ngơ giữa khói sương trí nhớ chập chùng, loáng thoáng từng
gương mặt thân yêu hiện về. Có thể đấy là mẹ tôi áo chàm bạc màu đang lom
khom múc nước. Có thể đấy là em, là chị vây tròn thùng gánh quanh giếng hối hả,
đợi chờ, to nhỏ chuyện dài chuyện ngắn như đã quên khuấy công việc. Có thể đấy
là tôi - cái thằng oắt con cứ chen lấn người, cúi đầu bằng được vào giếng bày
tỏ niềm vui bằng cách hú lên một tiếng thỏa thích rồi bỏ chạy. Dần hồi lớn
lên tôi hiểu ra, chuyện các chị gánh nước đêm đêm, dẫu ngày thường hay ngày tết
đâu chỉ là... gánh nước, mà còn là gánh hẹn hò, gánh tình yêu. Ai đó đã viết
nên thơ "Em ra giếng gánh nước trong. Còn anh ra giếng để...
không làm gì”. Thú thật là tôi cũng đã từng bao lần ra giếng để...
không làm gì. Ví như lúc này đây kề bên giếng, nhắm con mắt tôi nhìn, tưởng
tượng đã đời không hết ngày xưa!
Đứng
tựa vào tấm bia đá trên nền giếng, nơi khắc tên tuổi của những người đã góp
công sức xây dựng cái giếng (cổ) làng tôi, tháng năm đã bào mòn những tên tuổi
ấy mất rồi. Ngắm những phiến đá đẽo tròn đã nhiều chỗ khuyết mòn trên miệng
giếng, dấu mòn vẹt ấy bây giờ cũng đã khuyết bóng người từ lâu. Từ đáy giếng
sâu cho đến vòng tròn cái bờ thành trên nền giếng, những phiến đá như thế được
ghép kín nối vào nhau một cách tài tình qua những khe đá đã được đục xoi sẵn.
Tất cả rêu xanh đã dày lên mấy lớp. Tôi hiểu ra rằng, bất cứ nơi nào rêu xanh
tươi tốt thì cũng chính nơi ấy sự quên lãng sẽ tươi tốt. Mà cũng hợp lẽ thôi,
bởi bây giờ làng tôi đang từng ngày đi lên phố thị. Cái làng bông vải đẹp như
thi ca ngày xưa đã chẳng còn lưu lại mấy dấu vết, và cũng chẳng nghe ai nhắc
đến tên bao giờ, huống là cái giếng cổ nhỏ nhoi ở một góc bìa làng này. Sự hiện
đại can dự vào tận bếp núc, ví như nước nôi thì bơm điện, nước máy cứ kéo ống
mở van xả vào tận... miệng, hơi sức đâu mà gánh với xách. Cho dù vậy đến mùa
nghe tết gọi, tôi vẫn đường quen về làng. Đi loanh quanh trên cái nền giếng cỏ
dại um tùm, nhìn giếng cổ giống như cụ già ẩn dật giữa hoang vu. Ấy là, một
phút sắt se mà tưởng ra. Còn trước mắt tôi bây giờ, cái giếng cổ lặng im một
cách bí ẩn như phớt lờ tiếng thời gian đang xôn xao cùng cỏ dại - Một cụ già
đã mấy trăm tuổi - chứng nhân của làng tôi, đang thảnh thơi ngồi ngắm... sông
cạn đá mòn!
|
1 comment:
Ha ha có lẽ nhà chị KQ còn giữ tập tục gánh nước nầy nên Tết năm ngoái HTTL sang nhà chị KQ vào nhà tắm thì lủ khủ thau lớn, thau nhỏ, thùng lớn, thùng nhỏ mà cái nào cũng đầy nước, tôi lại nghĩ chắc chị sợ cúp nước nên để dành phòng hờ kiểu đó, sau đó mới nhớ ra cái tập tục nầy
Mà chị KQ đâu có gánh nước nè
Chị mở nước máy cho đầy thùng thôi
Tập tục gánh nước đêm giao thừa đẹp ghê bạn hi?
TL
Post a Comment