PHAN
Ngày
đầu tuần nào chả bận rộn, bận đến miễn trà sớm, bỏ cả cơm trưa để lo công việc
cho kịp với khách hàng, là thượng đế của xứ sở coi trọng người tiêu dùng quá sức,
làm tôi nghĩ đến Bắc Hàn, Việt nam càng nổi bật vì cái gì cũng nhân dân làm chủ,
(trừ ngân hàng nhà nước). Cái làm chủ không ham hơn là tòa án nhân dân, vì chủ
nhân vô đó sẽ bị dần tơi tả, còn ngân hàng thì toàn quốc chỉ có ngân hàng nhà
nước. Khác với chủ cả ở Mỹ là đầy tớ, phục vụ khách hàng mờ mắt còn không được
như ý những thượng đế của hạ giới này, làm tôi nhớ đến thời tôi làm chủ cửa
hàng lương thực nhân dân nhưng chầu chực với tờ “Hộ khẩu” để mua mấy lít nếp
tiêu chuẩn về ăn tết, chờ mỏi chân thì đến giờ mấy cô phục vụ trong cửa hàng
lương thực đóng cửa nghỉ trưa ăn cơm, đánh giấc… và cả đánh tráo gạo tẻ vào mấy
hột nếp tội tình, các cô lại còn phải tính cách cân đo đong đếm sao cho có dư để
đưa ra cửa sau, những người đầy tớ của nhân dân ấy khác với chúng tôi trong hiện
tại trên nước Mỹ bao la mà đâu cũng vậy, chỉ biết phục vụ sao cho vui lòng
khách đến vừa lòng khách đi thì mới không mất việc. Suy ra nước ta giỏi đề ra
khẩu hiệu, nhưng nói một đàng làm một nẻo thì dân ta cũng gan dạ anh hùng
Giá
lạnh đã nhiều ngày nhưng không gợi nên không khí tết bằng khoanh bánh tét trên
bàn ăn, hình như của anh Thành đem vào đã vài ngày, anh không ăn đến nên để
trên bàn trong phòng ăn cho ai ăn thì ăn. Và cũng chẳng ai buồn rớ đến mới tủi
thân đặc sản quê nhà. Khoanh bánh tét như tấm lụa đào, phất phơ trong phòng ăn
mà chẳng ma nào vịn, không ai ăn nên tôi nói một người bạn tiện tay đang đứng
trước tủ lạnh thì bỏ khoanh bánh tét vào tủ lạnh, cho ai đói thì ăn. Gặp anh
chàng lười vào bậc thiên hạ đệ nhất nên anh trả lời, “trời này lạnh như tủ đá,
tủ lạnh ăn thua gì mà bỏ vào cho mất công…”
Khoanh
bánh tét nằm đó thêm vài hôm, một người khác nói với anh Thành, “Ông không ăn
thì bỏ thùng rác đi. Đừng bày ra cho người khác dọn…”
Anh
Thành ngoan ngoãn trả lời, “Tôi không ăn, nhưng vợ đã bỏ vào giỏ cơm thì không
được đem về. Đàn bà kỵ nhất là nói họ già; thứ hai: mập; thứ ba: nấu ăn ngon tới…
nuốt không nổi!”
Người
kia nâng lên chân lý, “Bộ ông tưởng mình vợ ông đủ ba điểm nhất đó thôi sao?”
Tôi
chịu hết nổi những triết gia đồng sự, vì một câu triết lý còn nhớ, “những người
đàn ông không hạnh phúc thường trở thành triết gia.” Tôi bỏ lại sau lưng những
triết gia nói nhỏ cười to, họ đang đố nhau, “con gì ngủ li bì, ăn nhiều, nói
nhiều, lại mau già… mà lâu chết?” Hình như ai đó nói, “con ấy chớ có động vào
mà khốn nạn cả gia tộc…”
Đến
chiều thứ sáu tuần trước, anh em dọn bàn nhậu để tự thưởng nhau một tuần làm việc
hanh thông. Khoanh bánh tét bay lên đầu tủ lạnh với chai nước tương, vài thứ lỉnh
kỉnh không cần thiết trên bàn nhậu nhưng không thể thiếu trên bàn ăn… Nay đã
sang thứ hai đầu tuần, đã năm giờ chiều, tôi gặp đúng anh Thành trong phòng
ăn-một mình. Tôi biết anh mới đi công tác về nên ăn trưa muộn. Tôi ghé qua
phòng ăn để hỏi thăm anh đã hoàn thành hết công việc chưa, có gì trở ngại
không…?
Anh
mời tôi ăn chung cho vui. Tôi nói mình chưa ăn, nhưng lỡ lời thì chịu vì chưa
ăn đã biết món nuốt không nổi của anh vì chỉ thấy anh suy tư như một triết gia
trước tô hủ tíu đục ngầu. Tôi để mắt đến khoanh bánh tét trên bàn, biết rằng của
ngon không tới mình, nhưng đói quá thì nhá cho đỡ mờ mắt. Tôi nhặt khoanh bánh
tét lên miệng, vừa cắn chưa ngập răng đã hiểu ra là mình tốn tiền đi thay mắt
kính vì miếng bánh còn gói trong ny-lon… Nhưng liền sau đó tôi hiểu thấu hơn
bao giờ hết, có những thứ đừng bao giờ lột vỏ sẽ tốt hơn! Tôi chợt hiểu ra người
mình, tuy không ăn, không thích ăn bánh tét nữa vì đến lúc bao tử khó tiêu những
món nặng bụng nên khoanh bánh còn hoài trong phòng ăn đã sang tuần. Nhưng không
ai nỡ vứt vào thùng rác như miếng sườn nướng, vài con tôm, miếng cá trắng phau…
ăn không hết. Khoanh bánh tét không đáng giữ lại về mặt thực phẩm ở Mỹ, càng
không là gì so với những món khác khoái khẩu hơn mà sao người ta vẫn bỏ vô
thùng rác vô tư, đơn giản là ở Mỹ càng ăn càng khổ thân với đường máu, huyết
áp, cholesterol… Khoanh bánh tét không là gì cả khi người ta tính tới giá trị
thực phẩm (vật chất) của nó. Nhưng không ai đủ nhẫn tâm vứt khoanh bánh tét vô
thùng rác vì nó gắn bó với mỗi người Việt một kỷ niệm riêng tư, có người bạn từng
kể cho tôi nghe về khoanh bánh tét năm xưa: anh trốn tù vào dịp tết, vì những
người quản giáo lo nấu bánh chưng ăn tết nên lơ là canh phòng, là dịp tốt để trốn
trại. Không ngờ anh đi lạc trong rừng đến mấy hôm, đến ngất xỉu vì đói thì tìm
được nhà dân. Phải nhà dân nghèo quá, chỉ có nửa đòn bánh tét là lương thực
trong nhà. Anh xin được ăn hết vì quá đói, bà cụ già không từ chối anh, nhưng
anh chỉ ăn một khoanh bánh tét là tỉnh ra từ thể chất tới tinh thần nên khôi phục
nhân tính: nếu mình ăn hết thì cụ với cháu gái lấy gì ăn tết!
Người
ăn khoanh bánh tét nhớ mãi người cho đã đành vì miếng khi đói bằng gói khi no.
Nhưng với mỗi người, dù đã bao nhiêu tuổi vẫn không quên nếu đã có một lần ngồi
nấu bánh thâu đêm. Khoanh bánh tét, miếng bánh chưng, dường như thoát ra khỏi
giá trị thực phẩm ngày tết để mang ý nghĩa tinh thần về mặt phong tục tập quán,
hễ tết thì ít nhiều cũng ăn một miếng bánh chưng, bánh tét để coi như mình
có ăn tết; khoanh bánh tét vô hình chung mang giá trị kỷ niệm theo thời gian
không phai về hình ảnh ông bà, cha mẹ, chắt chiu cả năm trời để có thể nấu được
nồi bánh cho gia đình, con cháu ăn tết. Những ai may mắn có được kỷ niệm thâu
đêm bên người yêu bập bùng ánh lửa nồi bánh cuối năm trong không gian se lạnh ở
quê nhà thì nỗi nhớ càng thêm da diết chốn quê xưa trong tâm can người hải ngoại.
Tôi
nuốt không nổi khoanh bánh tét đã hôi ê, nếp thì cứng còng vì trời lạnh, đậu
xanh nghiền đã lên men chua, nhân thịt khô khốc như gỗ đốt lò sưởi. Có lẽ không
có miếng thức ăn nào gọi là bánh mà dở như khoanh bánh tét trong tay tôi chiều
nay, nhưng không tài nào bỏ vô thùng rác được chỉ vì đó là khoanh bánh tét;
không ai bỏ được quê hương trong tâm tưởng, nhất là không khí tết đã lãng đãng
trong chợ Việt nam với những hàng mã, hoa mai, hoa đào và những hộp bánh mứt
lưu vong vẫn không lột xác được màu mè đỏ chói. Tôi đành làm Phan thanh Giản ký
hiệp ước Patenôtre, tộng khoanh bánh tét vô miệng mình, vừa nuốt trộng vừa dông
đi nhà in…
Chiều
đã đi vào đêm vì mùa đông tối sớm. Lái xe đến nhà in đã nghe âm ỉ trong lòng một
nỗi nhớ quê hương ít hơn là trúng thực. Đêm về có thuốc phòng thân,
cognacceline trị bá bệnh nên cơn âm ỉ thực phẩm nguội qua được. Nhưng nỗi lòng
âm ỉ đêm đông từ tro tàn trỗi dậy những đêm thức nấu bánh đã xa mù trong ký ức.
Bỏ qua thời thơ dại, cố gắng thức tới giao thừa để đón mừng năm mới nhưng có
chú bé con nào thức nổi tới mười hai giờ đêm; nên người ta về sau, có những đêm
chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa, như đêm nay… Cảm ơn linh hồn
theo ta đeo đẳng để biết tin kỷ niệm làm cho người ta nguôi ngoai, những ngọn lửa
tí tách đêm xưa làm nên tình yêu để chia xa, hạnh phúc để đớn đau, nỗi nhớ để
huơ lòng… nhưng đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa sẽ rõ được
duyên khởi, duyên tận, như mùa về lại đi, mùa đông se sắt đang qua, mai xuân về
hoa nở, hạ vàng biển xanh, thu đi cho lá vàng bay… những ẩn hiện trong lòng đêm
lần lần hoá giải những uẩn khúc. Nhờ khoanh bánh tét khơi lòng đêm đông, mùa
xuân về trên bàn phím hay người về từ xa xăm; “đêm qua chưa mà trời sao vội
sáng…” tiếng nhạc không lời hong nốt mùa đông đang qua…
No comments:
Post a Comment